Archive | April 2017

Có nên cầu nguyện cho thai nhi không?

Thưa cha! Có lần trong thánh lễ tại giáo xứ, một người xin ý lễ cầu cho linh hồn các thai nhi, cha Ph.. dâng thánh lễ đọc lên ý lễ, nhưng ngài lại nói không cần cầu nguyện cho các thai nhi, vì nó đâu có tội gì đâu mà phải cầu nguyện.
Lần khác con học khóa bảo vệ sự sống thì ý nghĩa của việc cầu nguyện cho thai nhi cũng cần thiết, vì các linh hồn thai nhi tuy còn trong bụng mẹ, nhưng cũng có khi nó vẫn vướng mắc sự hận cha mẹ đã giết nó, nó vẫn phải chờ đợi lòng thương xót của Thiên Chúa.

Con cũng nghĩ rằng, chúng ta không thể biết được các linh hồn thai nhi về đâu. Thiên Chúa sẽ lo liệu mọi sự công bằng vô cùng, còn việc ta xin lễ cầu nguyện cho thai nhi đâu có thiệt thòi mất mát gì, Chúa có cách của Chúa để ý cầu xin của chúng ta sẽ đến với các linh hồn và các ngài không quên ơn chúng ta đâu.

Vậy có nên cầu nguyện cho linh hồn thai nhi không?
=============
Trả Lời:
Bạn thân mến,
Thông thường người tín hữu chúng ta hay thắc mắc về các linh hồn thai nhi sẽ đi đâu về đâu. Các bé có được lên Thiên Đàng, dù chưa được Rửa Tội không?

Về những thai nhi chết khi chưa lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Sách Giáo Lý HTCG số 1261 cho biết: “Về phần các trẻ em chết mà chưa được Rửa Tội, Hội Thánh chỉ còn biết trao phó các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa từ bi, như Hội Thánh đã làm trong nghi lễ an táng dành cho các em. Thực vậy, Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn mọi người được cứu rỗi (x. 1Tm 2,4) và Chúa Giê-su đã trìu mến các em nên đã nói : “Hãy để trẻ em đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng” (Mc 10,14). Vì thế, chúng ta hy vọng có một con đường cứu độ dành cho những trẻ em chết mà chưa được rửa tội. Hội Thánh mời gọi các phụ huynh đừng ngăn cản trẻ em đến với Chúa Ki-tô nhờ lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.”

Vấn nạn này thuộc lãnh vực Cứu Độ Học (tiếng Latin: Soterio­logia). Nhưng khi chúng ta nói đến tương quan giữa người với nhau, như vấn đề thai nhi ở đây, thì Cứu Độ Học sẽ liên quan đến Giáo Hội Học (tương quan liên vị = con người liên đới với nhau). Hơn nữa, vì chúng ta bàn đến thai nhi đã chết, thì chúng ta cũng cần tìm hiểu và liên hệ đến Cánh Chung Học (Eschatologia: Bàn về cái chết, và hiện hữu sau cái chết). Đây là những sự gợi ý nếu bạn muốn tìm hiểu sâu thêm về linh hồn thai nhi đã chết, mà trong tương quan với con người (cha mẹ cưu mang em), trong tương quan với Chúa (Thiên Chúa xét xử, hay kết tội, hay tha thứ…?). Ở đây, chúng ta tìm hiểu ngắn gọn theo tâm trí con người hạn hẹp, cùng với sự tin tưởng vào Chúa thương xót và yêu thương.

Bạn mến,
Thiên Chúa yêu tất cả mọi người không phân biệt, và muốn mọi người đều được cứu rỗi. Chính vì thế, Ngài liên tục lập Giáo Ước với loài người phản bội và khước từ Ngài, đỉnh cao tình yêu Ngài chính là ban Con Một Ngài xuống ở với và hy sinh vì chúng ta. Mục đích của kế hoạch cứu độ giải phóng chúng ta khỏi nô lệ bóng tối để bước vào Sự Sống Bình An và Vĩnh Hằng. Ngài muốn chúng ta đi vào sự hiệp thông với Ngài, nên muốn chúng ta nhận biết chúng ta có một gia đình có Người làm Cha (Ga 1:12, Mt 23,8, Cv 4:32-5, 1Cr 1:10; 3:1; 5:11).

Thực thế, dùng ngôn ngữ loài người để hiểu về sự sống mai sau của các linh hồn không phải là chuyện dễ dàng gì. Chúng ta vẫn đang bị “kẹt” trong thế giới của không gian và thời gian, nên rất khó để chúng ta nói về sự vĩnh hằng, đời đời, vô biên vô tận…! Hơn thế, ngay cả thực tại trần gian mà chúng ta đang sống đây, rất nhiều điều chúng ta không thể thấu đáo hết được. Những sinh vật như cây cỏ, vi trùng, siêu vi, cơ thể con người…vẫn mãi là bí ẩn trong tâm trí loài người, cho dù chúng ta thấy con người thời đại này khám phá được nhiều điều, nhưng thực sự mà nói, những gì chúng ta đang biết đó, chỉ là một giọt nước giữa đai dương mênh mông (thậm chí, ngay cả 1 giọt nước chúng ta cũng không thể hiểu thấu nó được)!

Vì thế, câu hỏi mà chúng ta đặt ra, linh hồn thai nhi đi đâu về đâu, nói cho rốt ráo, chỉ có Thiên Chúa là biết rõ nhất, vì chỉ có tác giả mới hiểu được tác phẩm của mình, vậy, chỉ có Chúa là Đấng Sáng Tạo ra chúng ta và vũ trụ, mới hiểu thấu thọ tạo của Ngài.

Khi nói về Cứu Độ học, cũng tương tự như thế. Chúng ta có thể dùng tất cả trí não chúng ta để phân tích tận cùng, dùng đức tin để hiểu về tình yêu của Chúa và sự cứu độ của Ngài qua mạc khải Kinh Thánh. Còn việc Chúa như thế nào, là ai “Ta là Đấng Ta là,” thì chỉ có Thiên Chúa mới hiểu chính mình. Chính vì thế, các thánh được ơn xuất thần dùng những ngôn từ mà chúng ta không hiểu trọn vẹn được là thế (Thần Học thần bí).

Chỉ có một điều mà chúng ta, là những thọ tạo hữu hạn, có thể chắc chắn một điều là việc thực thi ý Chúa, qua tình yêu thương và hiệp nhất với anh chị em và Hội Thánh, lúc đó chúng ta là những người sẽ cứu giúp được các linh hồn, những con người đang sống cần sự thánh thiện và bác ái của chúng ta trên trần gian này (có nghĩa là chúng ta hãy sống đạo thực sự, cả chiều ngang lẫn chiều dọc).

Như vậy, việc cầu nguyện, hy sinh của chúng ta, cùng với việc xin Lễ cho các linh hồn thai nhi là điều rất nên làm. Bạn cứ làm hết lòng những gì có thể để giúp các linh hồn ấy, cũng như bạn đang sống hiệp thông với Hội Thánh Thanh Luyện (Luyện ngục) và Lữ Hành này. Trong Thánh Lễ, bạn luôn luôn nghe linh mục đọc Kinh Nguyện Tạ Ơn:

“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa. Chúng con nài xin Chúa thương xót tất cả chúng con, cho chúng con được đồng hưởng sự sống đời đời, cùng với Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, các Thánh Tông Ðồ và toàn thể các thánh, đã sống đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại, và cùng với các Ngài, chúng con được ca ngợi và tôn vinh Chúa…”

Như thế, Hội Thánh đã cầu nguyện cho các linh hồn (ngoài linh hồn ta xin Lễ), trong đó gồm cả những linh hồn mà không ai nhớ đến hoặc cầu cho họ (ta gọi là linh hồn mồ côi. Nghĩa từ Mồ côi là bỏ rơi, là không được con người biết đến, chứ không phải mồ côi như thường nghĩ là linh hồn lang thang vất vưởng…). Chúa vẫn san sẻ ơn Phúc cho tất cả mọi linh hồn. Chúa là Đấng công bằng nhưng đầy lòng thương xót. Nên không có gì ra ngoài tình thương của Thiên Chúa.

Như bạn nói về cha Ph., vì các linh mục đều hiểu như thế khi dâng Lễ, các thánh và linh hồn nơi Thanh Luyện đều hiệp thông cùng nhau với chúng ta, nên việc nói tên linh hồn nào đó hay cầu cho linh hồn thai nhi là không quan trọng (Trong Thánh Lễ, đều có sự thông hiệp giữa 3 Hội Thánh: Thiên Quốc, Thanh Luyện và Lữ Hành chúng ta đây). Bạn đừng lo lắng nữa khi linh mục chủ tế không nói đến linh hồn bạn xin.

Khi bạn tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho các linh hồn thai nhi, cũng có nghĩa là Hội Thánh cũng muốn bạn hiệp thông con người với nhau, cụ thể là chính bản thân những cha mẹ khi bỏ đứa con trong bụng mình. Thánh Lễ là Tạ Ơn lòng Chúa thương xót, là Tạ Lỗi với các em bé mà cha mẹ đã khước từ, là xin Ơn Bình An và Thứ Tha cho con người. Qua Thánh Lễ, bạn sẽ được sức mạnh siêu nhiên giải thoát bạn khỏi mọi thứ nô lệ và đau khổ (mặc cảm tự ty, dằn vặt, đau đớn, cắn rứt…), nhất là khi bạn rước Chúa Giêsu vào lòng. Bạn dám tin như thế không?

Bạn hãy cố gắng chìm đắm vào tình yêu Chúa, hơn là xem Chúa như quan tòa xét xử nghiêm khắc và chi li. Nhưng không vì thế mà bạn lạm dụng lòng thương yêu của Chúa. Khi bạn thực sự yêu Chúa, bạn sẽ hiểu Chúa là như thế nào. Chúa còn có thể nói với Phêrô là không phải tha thứ 7 lần, mà 7 mươi lần 7 mà (Mt 18, 21-35), phương chi là chính Ngài.

Cầu chúc bạn cũng như tất cả cha mẹ đã mất con cách này cách khác thật bình an. Bổn phận của chúng ta bây giờ, khi còn đang lữ hành trên trần gian này, hãy sống mãi mãi là sự cảm tạ Chúa, hãy liên tục làm lại giao ước với Chúa mỗi khi bạn té ngã, và từ đó dấn thân cho Tin Mừng trong sự phó thác và tin tưởng vào sức mạnh Ngài, vì rằng, những gì không thể đối với con người, thì lại có thể với Thiên Chúa (Lc 1:37). Amen.

Lm. Khất Tuệ

Nghĩa trang Thai Nhi lớn nhất miền Bắc – 76.000 Thai Nhi

Ngày ít thì 20, ngày nhiều thì 40, đến nay, nghĩa trang thai nhi của giáo họ Bến Cốc (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã thu nhặt, chôn cất gần 5 vạn sinh linh bé nhỏ không may mắn được chào đời.
Nghĩa trang Thai Nhi lớn nhất miền Bắc   76 000 Thai Nhi
Nghĩa trang Thai Nhi lớn nhất miền Bắc 76 000 Thai Nhi

Đến tận nơi, chứng kiến tận mắt, chúng tôi không chỉ khâm phục nghĩa cử cao đẹp của những giáo dân trong giáo họ này mà còn bàng hoàng trước con số khủng khiếp của vấn nạn nạo phá thai dù chỉ giới hạn trong một vùng quê ngoại thành Hà Nội.

Giữ hàng trăm bào thai trong nhà

Từ quốc lộ 2, tôi không khó khăn gì để tìm đường về thôn Bến Cốc bởi sự nổi tiếng của nghĩa trang thai nhi đầu tiên ở miền Bắc. Khi tôi đến nơi thì ông chánh trùm Tô-ma-sô Nguyễn Văn Thạo đang bận rộn với công việc xây dựng nhà thờ của giáo họ.


Nghĩa trang thai nhi của dòng họ Bến Cốc

Tranh thủ lúc tốp thợ nghỉ trưa tránh nắng, ông Thạo dắt tôi về ngôi nhà năm gian của ông, cũng là nơi đầu tiên lưu giữ hàng trăm bào thai khi những giáo dân có tấm lòng nhân từ chưa xin được đất để thành lập nghĩa trang cho các bé.

Vừa rót nước mời khách, ông Thạo nhẩn nha: “Nói thật với anh, chúng tôi là người theo đạo nên luôn mơ ước làm những việc bác ái, nhân từ để xứng là con ngoan của Chúa. Sự bác ái mà chúng tôi làm nếu đem khoe ra với người ngoài thì theo quan niệm của người trong đạo sẽ không được ơn của Chúa lắm. Làm việc thiện thì chỉ người làm và Chúa biết mà thôi”.

Cũng đúng như lời ông chánh trùm vừa nói, nghĩa trang thai nhi của giáo họ thôn Bến Cốc dù được thành lập cách đây 5 năm và cứu rỗi được linh hồn hàng vạn cháu bé không có may mắn được chào đời thế nhưng hoạt động bác ái này gần như chưa từng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những người ngoài họ, ngoài xóm biết đến nghĩa trang đặc biệt này thì đều chỉ qua thông tin truyền miệng. Có lẽ tôi là một người may mắn khi được ông chánh trùm đồng ý cung cấp các thông tin về hoạt động bảo vệ sự sống của giáo họ Bến Cốc với mong muốn gióng lên một hồi chuông báo động về vấn nạn nạo phá thai đang diễn ra ngày càng nhiều trong cuộc sống hiện nay.

Câu chuyện của ông Thạo bắt đầu vào một ngày đầu năm 2007, khi nghe đài báo nói về vấn nạn nạo phá thai ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là những cháu bé không có cơ may được chào đời đó lại bị đang tâm vứt bỏ vào thùng rác, ông Thạo cùng nhiều giáo dân giáo họ Bến Cốc thực sự cảm thấy đau xót và nhận thấy cần phải làm một việc gì đó để làm dịu bớt sự nhức nhối âm ỉ trong tim mỗi người.

Được sự giúp đỡ tận tình của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, nhóm bảo vệ sự sống của giáo họ Bến Cốc đã hình thành và bắt đầu đi thu nhặt những bào thai đầu tiên bị vứt bỏ ở khu vực bệnh viện hay những phòng khám phụ khoa để mang về làm lễ và chôn cất.

Các thai nhi được đặt trong niêu đất và tiểu sành chờ xếp vào huyệt chung

Bằng giọng trầm buồn, ông Thạo chia sẻ: “Với giáo dân chúng tôi, thân xác một con người phải được tôn trọng ngay từ khi được hình thành trong bào thai. Nạo phá thai chính là giết người. Nếu ai cũng làm thế thì làm sao nòi giống loài người phát triển được. Với một người công giáo mà phạm vào tội ác như thế thì phải sám hối cả đời may ra mới được Chúa tha thứ.

Xuất phát từ lời kêu gọi lòng nhân từ, sự bác ái của Giáo hội, chúng tôi đã bàn với nhau đi thu nhặt các bào thai bị nạo bỏ ở các bệnh viện và các phòng khám về để chôn cất. Công việc thu nhặt thì rất suôn sẻ, chỉ trong vài ngày chúng tôi đã mang về được gần một trăm bào thai. Tuy nhiên việc xin đất để chôn các cháu thì lại gặp khó khăn như núi ngáng đường”.

Thời điểm đó, khi các giáo dân giáo họ Bến Cốc đi thu nhặt hài nhi thì nhiều người ngoài đời nhìn họ với con mắt vừa ngạc nhiên vừa không thiện chí. Họ cho rằng đó là việc làm rỗi hơi, chẳng đem lại lợi ích gì thiết thực, thậm chí còn sợ rằng việc nhặt các bào thai ở khắp nơi về có thể mang theo nhiều loại bệnh dịch làm nguy hại đến cuộc sống cộng đồng.

Bất chấp mọi lời đàm tiếu của thiên hạ, ông Thạo và các giáo dân vẫn cần mẫn đi thu nhặt bào thai và liên tục đề nghị với chính quyền địa phương và giáo họ để xin đất làm nghĩa trang chôn cất các bé. Các bào thai nhặt về được nhóm bảo vệ sự sống làm vệ sinh sạch sẽ rồi cuốn trong những vuông vải trắng.

Sau khi được bọc thêm một lớp ni lông bào thai được đặt trong niêu đất với miệng niêu được trát kín. Với những bào thai lớn thì để riêng một niêu, còn những bào thai nhỏ thì một niêu để chung mấy bé. Khi chưa xin được đất làm nghĩa trang, ông Thạo đã phải để riêng một gian buồng nhỏ chừng 6m2 để giữ các bào thai. Chiếc giường tre chắc chắn của ông trưởng trùm chỉ sau một thời gian ngắn đã oằn cong trước sức nặng của hàng trăm chiếc niêu đất.

Đến lúc tưởng chừng như căn buồng nhỏ không còn chứa nổi thai nhi nữa thì giáo họ Bến Cốc đã quyết định dành một góc nghĩa trang của dòng họ làm nơi yên nghỉ cho các cô cậu bé bất hạnh. Đất thì ít mà bào thai thì nhiều, những giáo dân phải đào huyệt rất sâu xuống lòng đất để có thể xếp được nhiều nhất các tiểu.

Thay vì dùng niêu đất, để có thể tiết kiệm diện tích hơn nữa, ông Thạo mua về những chiếc tiểu to để có thể xếp được mấy chục bào thai vào một chiếc. Hiện tại, một huyệt đào được xếp từ 500 – 700 bào thai. Thời gian đầu, ông Thạo và các giáo dân phải bỏ tiền túi ra để mua vải, mua niêu đất và các vật dụng phục vụ cho việc an táng các bé. Thời gian sau, khi nghĩa trang được hình thành, cũng có nhiều người mộ đạo, có lòng bác ái đã san sẻ một phần vật chất để các bé được yên nghỉ nơi đất thánh.

Những con số kinh hoàng

Ông Nguyễn Văn Thạo với những thai nhi vừa được nhặt về

Tạm dừng câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thạo bấm điện thoại gọi cho mấy người phụ nữ tích cực nhất trong nhóm bảo vệ sự sống của giáo họ Bến Cốc. Sau khi nghe thông tin từ các bà, giọng ông chùng xuống: “Các bà ấy bảo dạo này trung bình một ngày thu nhặt được không dưới 30 bào thai. Sáng nay, đến thời điểm này đã có hơn chục bào thai được đưa về nghĩa trang. Trời nắng nóng oi bức thế này, nghe con số đó tôi thấy đau đầu lắm. Đấy mới chỉ là con số trong một phạm vi hẹp xung quanh địa phương chúng tôi, nếu thống kê trên toàn quốc thì không hiểu con số nạo phá thai sẽ là bao nhiêu nữa. Thật kinh khủng!”.

Theo chân ông Thạo, chúng tôi ra thăm khu nghĩa trang bào thai độc nhất vô nhị ở miền Bắc. Đây cũng chính là khu yên nghỉ ngàn thu của những người con ngoan đạo được trở về với Chúa của giáo họ Bến Cốc.

Nằm ở phía trong cùng của nghĩa trang là khu vực dành cho các bé. Dẫn chúng tôi thẳng vào gian nhà gạch tuềnh toàng không cửa nẻo, mái lợp tôn xi măng với cây thánh giá vút lên trời cao, ông Thạo bảo: “Những bào thai được mọi người nhặt về đều được để tại đây chờ đến tối thì làm lễ và đưa vào tiểu sành”.

Trong không khí oi bức đến ngạt thở của cái nắng gần 40 độ C, vừa bước chân vào gian nhà gạch, tôi bỗng choáng váng bởi một mùi tanh nồng xộc thẳng vào mũi. Như đã quá quen với mùi tanh này, ông Thạo không thể hiện sự khó chịu nào mà tiến thẳng tới mấy cái túi bóng màu đen ngoắc trên thành cửa sổ.

Dù đã biết trước đây là những bọc thai nhi được các giáo dân nhặt về nhưng tôi cũng không khỏi rùng mình, sởn gai ốc khi ông chánh trùm nhanh nhảu cởi nút chiếc túi bóng để nhà báo được tận mục sở thị.

Trong hàng nghìn thai nhi dưới ngôi mộ tập thể này chỉ có bé Lê Quang Minh may mắn có tên tuổi

Bọc đầu tiên ông Thạo mở ra thấy lõng bõng nước và lổn nhộn một vài vật chất màu đỏ với mùi tanh khó tả. Ông Thạo nhận xét “Cháu này chưa được 2 tháng trong bụng mẹ” rồi lại nhanh tay gói ghém lại như cũ. Bọc ni lông thứ 2, sau khi nhấc thử để đo trọng lượng, ông Thạo cho rằng bọc này phải có ít nhất 3 bé rồi thoăn thoắt mở ra.

Lần này tôi chỉ nhìn qua loa chứ không đủ can đảm để nhìn kỹ như lần trước. Vẫn một mùi tanh không chịu nổi. Giọng ông chánh trùm vông vênh trong bầu không khí đặc quánh: “Tận 5 cháu. 3 cháu bé bằng cái chén, còn 2 cháu thì nhỉnh hơn một chút”.

Nhấc tiếp bọc ni lông thứ 3 xuống, sau khi sờ nắn bên ngoài túi ông Thạo đoán định: “Đây chắc chắn là một cháu lớn vì nặng lắm. Cháu này chắc chắn đã có đủ tay chân”. Thấy ông dợm tay mở nút buộc, tôi vội vàng ngăn lại. Quả là tôi không còn đủ dũng khí để chứng kiến những hình ảnh đau lòng đang phơi bày ra trước mắt mình thêm nữa.

Nâng niu từng bọc ni lông treo lên chỗ cũ, ông Thạo buồn bã: “Đây chỉ là một phần rất nhỏ những gì chúng tôi phải chứng kiến suốt nhiều năm qua. Tôi là đàn ông mà có lúc cũng thấy rủn người vì những tội ác quá kinh khủng do chính con người làm ra. Thỉnh thoảng chúng tôi nhặt được những bào thai đã lớn, có đầy đủ chân tay nhưng không hiểu sao bị người ta dằm nát đầu, mặt, mắt lồi ra, chân tay cũng đứt lìa rất thảm thương. Nếu không có tấm lòng mộ đạo và sự hy sinh thì chẳng ai có thể làm nổi những công việc mà chúng tôi đang làm”.

Chỉ tay sang phía bên phải cửa ra vào, ông Thạo cho tôi xem những bọc thai nhi đã được những người phụ nữ trong giáo họ làm vệ sinh sạch sẽ, gói trong khăn trắng và túi ni lông màu hồng. Theo lời người trưởng trùm thì những bọc thai nhi này đến tối sẽ được xếp gọn gàng vào các tiểu sành. Khi nào tiểu sành đầy thì sẽ được trát kín miệng bằng xi măng.

Đến khi số lượng tiểu sành đủ để xếp kín một lớp bề mặt huyệt thì các thanh niên trong họ sẽ bật nắp huyệt lên để xếp tiểu vào. Các cháu là những người vô danh, song theo nghi thức của người Công giáo, các cháu đều được những người chôn cất làm phép rửa và tuần tiết đến hương nến cho.

Lời đau khổ của những người mẹ tội lỗi

Theo chân ông trưởng trùm, tôi quay ra nơi đài Đức mẹ Maria ở chính giữa nghĩa trang. Qua lời giới thiệu của ông trùm, tôi giật mình sửng sốt khi biết được ở dưới móng của khu đài này là hàng ngàn bào thai được đào sâu chôn chặt trong các niêu đất trong thời gian đầu nhóm bảo vệ sự sống đi thu nhặt.

Bước lên phía hòm công đức để đóng góp một chút tấm lòng cho các bé, tôi cứ thấy chông chênh khi nghĩ rằng mình đang bước trên hàng ngàn sinh linh bé nhỏ. Dưới mỗi ô gạch men này là hàng trăm bào thai đang đắm chìm trong giấc ngủ ngàn thu. Ở hàng gạch thứ 3 phía góc phải của khu tượng đài, tôi thấy thay vào một ô gạch là một tấm bia đen có dòng chữ “Gioan Lê Quang Minh về nhà cha ngày 4.11.2009 tức 18.10 Kỷ Sửu”.

Ông Thạo cho biết, bé Minh là một trong số rất ít các trường hợp được có tên, tuổi khắc trên bia đá do mẹ của bé chủ động đem bé gửi vào nghĩa trang sau khi nạo thai. Còn lại hầu hết các bé khác đều vô danh vì được các giáo dân nhặt về và không biết được mẹ bé là ai.

Theo quan sát của tôi thì toàn bộ nghĩa trang với số lượng gần 5 vạn bào thai này thì chỉ có khoảng 10 bé là có tên tuổi được khắc trên bia. Ngoài bé Lê Quang Minh ra tôi còn đọc được tên các bé Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Mai Huyền, Hoàng Bình Minh, Đặng Việt Anh… – những cái tên đều rất đẹp nhưng chưa bao giờ các bé được nghe ai gọi tên mình bởi ngày sinh cũng chính là ngày mất được khắc trên bia mộ.

Trong số các tấm bia hiếm hoi trong nghĩa trang bào thai, tôi đặc biệt ấn tượng với 2 tấm bia ghi tên Maria Bé Đỏ và Anna Đào Thị Đỏ. Bé Đào Thị Đỏ quê Bình Lục, Hà Nam vừa được mẹ gửi vào đây ngày 3.4.2012. Có lẽ những đứa con còn đỏ hỏn trong bào thai không có phúc phận làm người đã khiến cho những người mẹ trẻ dùng chính đặc điểm ngoại hình để đặt tên cho bé. Cái tên càng làm đau lòng thêm những giáo dân thiện lương nơi Bến Cốc.

Ngay dưới chân bức tượng Đức mẹ Maria, tôi thấy có một cuốn sổ lưu niệm ghi những lời tri ân đặc biệt với Đức cha Hoàng Văn Đạt. Ngoài ra, cuốn sổ còn chứa nặng những tâm tư của các giáo dân và du khách thập phương thương tiếc các em và phó mặc vào sự nâng đỡ của Mẹ Maria.

Đặc biệt, trong những dòng chữ đầy nước mắt đó còn có lời tâm sự của chính những bà mẹ trẻ đã trót nạo, phá thai, giết hại con mình rồi ân hận, day dứt trong những tháng ngày sau đó. Đây là tâm sự nghẹn ngào của một người mẹ trẻ như thế:

“Sáng 27.9.2011. Hôm nay sinh nhật Bin Mẹ à (người mẹ nói với Đức mẹ Maria – PV)! Mẹ hãy cho Bin một ngày thật vui vẻ mẹ nhé. Mẹ ơi, con làm thế có đáng không Mẹ, con có quá đáng tàn nhẫn không Mẹ. Nhưng sự thật phũ phàng con vẫn phải chấp nhận. Con luôn thấy hối hận, con thấy áy náy lắm. Bây giờ con rất cần một lời khuyên. Con muốn mượn bờ vai của ai đó để dựa. Mẹ nói cho con biết con phải làm sao hả Mẹ. Con bối rối quá. Có phải thực sự con đã mất Bin không, con đã không còn Bin nữa à? Mẹ nói gì đi? Bin sẽ không thực sự rời khỏi cuộc sống của con chứ Mẹ. Bin sẽ còn mãi trong tay con chứ Mẹ nhỉ?!”

Và đây là nỗi niềm của một người mẹ khác: “Vậy là đã 1 năm con rời xa mẹ rồi Bông nhỉ! Mẹ thật có lỗi khi đã đối xử với con như thế. Nhưng mẹ không thể làm gì khác, Bông có hiểu cho mẹ không? Mẹ cũng từng mong muốn Bông được sinh ra đời để mẹ được chăm bẵm con, yêu thương con, nhìn thấy con trưởng thành và hạnh phúc.

Nhưng cuộc đời thật chớ trêu, mẹ đã không thể giữ con lại cũng như giữ những giấc mơ thật đẹp của mình. Mẹ gửi con vào vòng tay của Đức mẹ để mong con sớm tha thứ cho người mẹ tội lỗi này. Sẽ chẳng bao giờ mẹ quên được Bông cả dù mẹ chưa có niềm hạnh phúc được nhìn rõ mặt con. Mong con yên nghỉ bình yên trong niềm yêu thương của Chúa!”.

Dứt khỏi những dòng chữ đầy ám ảnh đó, tôi trở lại với câu chuyện của ông chánh trùm giáo họ Bến Cốc. Được biết khó khăn nhất bây giờ đối với những người bảo vệ sự sống nơi nghĩa trang thai nhi không phải là kinh phí để an táng cho các cháu mà là quỹ đất của nghĩa trang.

Với con số bào thai đang tăng lên với tốc độ chóng mặt từng ngày, ông Thạo lo rằng, chỉ trong một thời gian ngắn tới, các giáo dân lại phải bật nắp các ngôi mộ cũ lên để đào sâu xuống lòng đất hơn nữa những mong xếp thêm được những thai nhi vẫn không ngừng tìm về an nghỉ.

Chia tay giáo họ Bến Cốc, chúng tôi mang theo nỗi trăn trở đến nhức nhối của người trưởng trùm trước vấn nạn nạo phá thai đang gia tăng mạnh mẽ. Ông Thạo chỉ mong rằng, một ngày nào đó khi nhà báo trở lại Bến Cốc sẽ thấy ông thảnh thơi lo việc thánh mà không còn tất bật đón nhận những thai nhi.

Theo Dòng Đời

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Vọng Phục Sinh

 

OSSROM26450_Articolo

VATICAN: Lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 15-4-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô và ban bí tích Rửa tội cho 11 dự tòng gồm 3 người Ý, 2 Albani, 2 phụ nữ người Hoa từ Trung Quốc và Malaysia, phần còn lại là người Tây Ban Nha, Mỹ, Malta và Tiệp. Người cao tuổi nhất 50 tuổi, và người trẻ nhất 12 tuổi.

Đồng tế với ĐTC có 25 Hồng Y, 30 GM và 300 linh mục rước sự tham dự của khoảng 8 ngàn tín hữu.

Như thường lệ, buổi lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép lửa và rước nến cây nến Phục Sinh, tượng trưng Ánh sáng Chúa Kitô.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến 2 phụ nữ đến mộ Chúa. Trên khuôn mặt của họ chúng ta có thể nghĩ đến khuôn mặt của bao nhiêu bà mẹ, và những người khác đang mang gánh nặng của đau khổ, bất công, vô nhân đạo, những khuôn mặt của những người đã từng chịu khinh rẻ, vì họ là người di dân, vô gia cư..

Nhưng bất thình lình, các phụ nữ ấy đã được đánh động mạnh, một người đến gặp họ và loan báo Chúa đã sống lại.

ĐTC giải thích rằng ”Qua sự phục sinh, Chúa Kitô không những cất bỏ tảng đá chắn mộ, nhưng còn muốn làm bật tung tất cả những hàng rào khép kín chúng ta trong sự bi quan vô bổ, trong thế giới tính toán với những ý niệm của chúng ta, làm cho chúng ta xa lìa sự sống, trong những tìm kiếm an ninh đầy sự yên chí, và trong những tham vọng thái quá có thể làm thương tổn phẩm gia của người khác”.

Và ĐTC mời gọi các tín hữu hãy để cho mình được ngạc nhiên sự mới mẻ mà chỉ có Chúa Kitô mới có thể cống hiến cho chúng ta. Chúng ta hãy để cho sự dịu dàng và tình thương của Chúa hướng dẫn bước đường của chúng ta” (SD 15-4-2017)

Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô

Đức Giáo Hoàng rước Nến Phục Sinh vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô. Ảnh: The Huffington Post
Đức Giáo Hoàng rước Nến Phục Sinh vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô.
Ảnh: The Huffington Post

Hôm nay trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng Francis – người lãnh đạo tinh thần đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Thế Giới – đã gửi đến toàn thể tín hữu Công Giáo một thông điệp mời gọi họ quan tâm đến người nghèo khó,  không có thái độ khinh thường khi đối xử với người nhập cư, hay với những người cao niên cô đơn sống trong tuyệt vọng.

Đức Giáo Hoàng Francis cử hành Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô. Ảnh: Getty Image
Đức Giáo Hoàng Francis cử hành Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô. Ảnh: Getty Image

Trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, Đức Giáo Hoàng đã rao giảng Sứ Điệp Tin Mừng, khi kể lại sự đau buồn của  bà Maria và bà Maria Madalena, khi họ đến viếng mộ của Chúa Giê-su. Ngài nói rằng,  sự phiền muộn ngày xưa của hai người phụ nữ được ghi chép lại trong Kinh Thánh, giờ đây có thể nhìn thấy trên khuôn mặt của nữ giới ngày nay.

Đức Giáo Hoàng cử thành bí tích Rửa Tội cho tân tòng, trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh. Ảnh: AP Photo/Gregorio Borgia
Đức Giáo Hoàng cử thành bí tích Rửa Tội cho tân tòng, trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh. Ảnh: AP Photo/Gregorio Borgia

Đức Giáo Hoàng Francis đã dùng Mùa Phục Sinh, để nhấn mạnh đến quan điểm của ngài đối với những người khốn khó. Ngài đã rửa tội cho 11 người tân tòng là công dân của Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha, Tiệp Khắc, Hoa Kỳ, Albania, Malta, Malaysia và Trung Quốc. Lễ Phục Sinh chính thức cử hành vào ngày Chủ Nhật 16 tháng tư, được xem là nghi thức quan trọng nhất trong Lịch Phụng Vụ của Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng sẽ ban Phép Lành  “Thánh Đô Và Thế Giới,” [ “Urbi et Orbi”] một phép lành chỉ thực hiện hai lần trong năm tại Quảng Trường Thánh Phê-rô.

Đức Giáo Hoàng Francis cử hành Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô. Ảnh: Getty Image
Đức Giáo Hoàng Francis cử hành Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô. Ảnh: Getty Image
Theo baotreonline

Sứ điệp Phục Sinh của Đức Thánh Cha

Lúc 2h55 chiều giờ Việt Nam, Chúa Nhật ngày 16.04.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Thánh Lễ Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican. Sau đây là Sứ điệp Phục Sinh của Đức Thánh Cha.

 

ANSA1181082_Articolo

Anh chị em thân mến,

Chúc Mừng Phục Sinh!

Hôm nay trên toàn thế giới, Giáo Hội làm mới lại lời công bố đầy kinh ngạc của các môn đệ đầu tiên. Lời ấy là: “Chúa Giêsu đã phục sinh!” – “Người sống lại thật rồi, đúng như Người đã nói!”.

Lễ Vượt Qua xưa kia là để kỷ niệm ngày dân Do Thái được giải phóng khỏi ách nô lệ, và ở đây, ngày lễ Vượt Qua ấy được trở nên viên mãn nhờ sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Nhờ sự sống lại của Chúa, Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, khỏi ách của cái chết, và mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến sự sống đời đời.

Tất cả chúng ta, khi chúng ta để cho mình bị tội lỗi vây hãm, chúng ta bị rơi vào con đường sai lầm như con chiên lạc. Nhưng Thiên Chúa là Đấng Chăn Chiên đến với chúng ta, tìm chúng ta và cứu chúng ta. Người đã làm tất cả những điều ấy bằng con đường tự hạ, đến độ chịu sỉ nhục và chết trên cây thập tự. Hôm nay chúng ta có thể công bố: “Đấng Mục Tử nhân lành đã phục sinh, Người đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên, Người đã đoái thương chết thay cho đoàn chiên, mừng vui lên, Alleluia!” (Sách Lễ Roma, Chúa Nhật IV Phục Sinh, Ca hiệp lễ).

Trong suốt chiều dài lịch sử, Đấng Phục Sinh, Đấng là Mục Tử không biết mệt mỏi đi tìm chúng ta, tìm các anh chị em nơi những sa mạc của thế giới. Và cùng với những dấu thương tích của cuộc Khổ Nạn, dấu tích của tình yêu thương xót, Người đã dẫn dắt chúng ta về con đường của Người, đó là con đường sự sống. Hôm nay cũng thế, Người vác chúng ta trên vai, Người vác trên vai những anh chị em của chúng ta đang chịu biết bao áp bức dưới mọi hình thức.

Đấng Phục Sinh, Đấng Mục Tử lên đường kiếm tìm những ai bị lạc mất trong mê cung của sự cô đơn và cách ly. Người đến gặp họ qua những anh chị em của chúng ta, qua cách đối xử với họ trong tôn trọng và đầy lòng tử tế, bằng cách giúp họ nghe được tiếng của Người, cung giọng của Người là tiếng nói không thể quên được, đó là lời gọi mời trở lại làm bạn với Thiên Chúa.

Người vác lên vai, tất cả những ai là nạn nhân của các hình thức nô lệ cũ và mới, của những lối lao động vô nhân đạo, của những buôn bán bất hợp pháp, của những hình thức bóc lột và bị phân biệt đối xử, của những hình thức nghiện ngập trầm trọng. Người vác lên vai, những đứa trẻ và thanh thiếu niên vô tội bị khai thác bóc lột. Người vác lên vai, những con người chịu tổn thương nặng nề bởi những bạo hành xảy ra trong những bức tường của chính căn nhà họ.

Đấng Phục Sinh, Đấng Mục Tử luôn là bạn đồng hành với những ai buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở vì các xung đột vũ trang, vì những cuộc tấn công khủng bố, vì đói kém, vì những chế độ áp bức. Khắp mọi nơi, đối với những người buộc lòng phải trở thành dân nhập cư, Đấng Mục Tử giúp họ gặp được các anh chị em, để họ có thể chia sẻ cho nhau cơm bánh và niềm hy vọng trên hành trình của mình.

Trong những tình huống phức tạp và thường xuyên bất ổn của thế giới ngày nay, nguyện xin Chúa Phục Sinh từng bước hướng dẫn tất cả những ai đang lao tác vì công lý và hòa bình. Xin Người ban lòng can đảm cần thiết cho các nhà lãnh đạo quốc gia, để họ có thể ngăn chặn sự lan tràn của các xung đột, để họ có thể ngăn chặn việc buôn bán vũ khí.

Đặc biệt trong những ngày này, xin Người gìn giữ và chở che tất cả nỗ lực của những ai đang tích cực tham gia vào việc đem lại sự yên ổn và cứu giúp người dân Syria, vì những người dân nơi đây đang là nạn nhân của những cuộc chiến kinh hoàng và chết chóc. Từ hôm qua, tin tức mới nhất là lại có thêm cuộc tấn công hèn nhát vào những người tị nạn, làm cho nhiều người bị chết và bị thương. Nguyện xin Người ban hòa bình cho vùng toàn vùng Trung Đông, nơi Đất Thánh cũng như ở Iraq và Yemen.

Nguyện xin Đấng là Mục Tử Nhân Lành luôn gần gũi với người dân Nam Sudan, Sudan, Somalia và Cộng hòa Dân chủ Congo. Họ luôn phải chịu đựng những hậu quả của các hành động thù địch kéo dài, và những nạn đói nghiêm trọng ảnh hưởng trên nhiều vùng châu Phi.

Nguyện xin Chúa Giêsu Phục Sinh nâng đỡ nỗ lực của tất cả những ai, đặc biệt ở Châu Mỹ Latinh, đang cam kết bảo đảm lợi ích chung cho cộng đồng, giữa xã hội đang có nhiều căng thẳng chính trị và nhiều khi dẫn đến bạo lực. Nguyện xin những chiếc cầu đối thoại có thể được xây dựng, bằng cách tiếp tục chống lại nạn tham nhũng và đi tìm giải pháp hòa bình, tìm các biện pháp khả thi để giải quyết các tranh chấp, và thúc đẩy thể chế dân chủ trong sự tôn trọng pháp quyền.

Nguyện xin Đấng Mục Tử Nhân Lành đến nâng đỡ người dân Ucraina, vì họ vẫn lầm than trong cuộc xung đột đẫm máu. Xin cho họ tìm được sự hòa hợp và tìm thấy những sáng kiến, để có thể làm giảm bớt những bi kịch đau thương cho mọi người.

Nguyện xin Chúa Phục Sinh tiếp tục ban phúc lành cho lục địa Châu Âu. Xin Người ban niềm hy vọng cho những ai đang trải qua thời khắc khủng hoảng và khó khăn, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp cao, nhất là nơi người trẻ.

Anh chị em thân mến, năm nay các tín hữu thuộc mọi Giáo Hội Kitô cùng mừng lễ Phục Sinh với nhau. Với cùng một tiếng nói, từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta đồng thanh công bố sứ điệp lớn lao. Đó là: “Chúa sống lại thật rồi, đúng như Người đã nói!” Nguyện xin Chúa Giêsu, Đấng đã đánh bại bóng tối của tội lỗi và cái chết, xin Người ban cho chúng ta ơn bình an, xin Người ban bình an cho thời đại này.

Chúc Mừng Phục Sinh!

Theo Vatican – Vietnamese

Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân

Trong một khảo sát mà Abbott thực hiện trên toàn cầu về những yếu tố làm nên cuộc sống trọn vẹn, 32% trong số hơn 2 triệu người tham gia đã chọn “Gia đình” là yếu tố cần thiết giúp họ có thể sống trọn vẹn.
Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân
Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân

Chắc chắn rằng khi nói đến hai tiếng gia đình, ai trong chúng ta cũng cảm thấy có một cái gì linh thiêng, khó tả. Đồng thời, hai tiếng gia đình gợi lên trong mỗi người những tâm tình tương phản : hạnh phúc, nỗi đau, nụ cười, nước mắt… Thật vậy,

– Gia đình, nơi chan chứa niềm vui nhưng cũng không thiếu những buồi tủi âu lo, nơi cảm nhận sự nồng ấm nhưng cũng là nơi đem đến lắm nỗi xót xa…

– Gia đình, hai tiếng nghe vừa êm ái nhưng lại vừa nặng nề, vừa ngọt ngào, nhưng cũng phảng phất nỗi chua cay.

– Gia đình, nơi chúng ta nhận được nhiều điều, nhưng cũng nơi đó chúng ta phải cho đi. Không phải cho vật chất, thì giờ… nhưng cho cả chính bản thân.

– Gia đình đúng ra phải là tổ ấm, nhưng cũng không thiếu nỗi cô đơn bao trùm những thành viên trong đó.

– Gia đình, nơi dừng chân và nơi tìm về sau những ngày vất vả xa cách; nhưng tiếc thay, đó cũng là nơi mà nhiều người muốn thoát ly, và ngậm ngùi lặng lẽ rời bỏ hoặc âm thầm chịu đựng!

Ai trong chúng ta lại không phải bước qua ngưỡng cửa gia đình để vào đời và vào thế giới này ? Vì thế, tôi thiết nghĩ gia đình là một câu chuyện dài nhiều tập, nhiều màn. Gia đình là vấn đề mà bao nhiêu giới, bao nhiêu người đang phải bận tâm và thao thức. Hãy nhớ rằng, dù bạn có đi bất cứ nơi đâu, bạn vẫn có thể trở lại với chính ngôi nhà của mình” (Jason Mraz).

Gia đình, đúng ra phải là một mái ấm vì thường những đôi nam nữ thành hôn thì gọi là “xây tổ ấm”. Nhưng thực tế mái nhà ấy có ấm hay không ? Câu trả lời chính xác là nó vừa có lại vừa không. Đó là vấn đề mà ai cũng nhận thấy là có thể, nếu

Xã hội, Giáo hội, nhiều cơ quan đoàn thể, nhiều nhóm thiện chí và nhiều người luôn ray rứt và quan tâm đến vấn đề gia đình. Nhưng chắc chắn người cảm thấy bận tâm hơn hết chính là những ai đang sống, những ai sắp bước vào đời sống hôn nhân, và ngay cả những ai đã trải qua cuộc sống gia đình. Họ là những người đang muốn cho hậu thế tránh được những bước sai lầm và trái lại, tạo thêm những màu sắc hương vị cho cuộc sống gia đình.

Thật ra, cuộc sống gia đình chiếm hầu hết thời giờ của đời người. Từ lúc được sinh ra và lớn lên, chúng ta đã hòa nhập vào một gia đình. Chúng ta không có quyền chủ động chọn lựa bố mẹ, giới tính hay nơi mình sinh ra. Thế nhưng khi tạo lập gia đình cho bản thân thì sự chủ động phần lớn lại do mỗi người. Gia đình mình sẽ nên như thế nào là do chính mỗi người chịu trách nhiệm. Thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau, triển nở hay héo úa…  phần lớn là do “tài khéo” của  hai thành viên cột trụ : người chồng, người vợ, người cha, người mẹ. Hạnh phúc của chồng còn tùy thuộc vào vợ, và trái lại. Cuộc sống của những đứa con cũng thế, luôn tùy thuộc vào cha mẹ, vào gia đình là môi trường đã đưa trẻ vào đời và giúp chúng lớn lên, thành nhân và thành thánh nữa. Thế nhưng các cặp vợ chồng có được chuẩn bị để bước vào trọng trách hoặc lèo lái đời mình và đời người khác chưa ?

Không ai phủ nhận rằng nghề nghiệp chính là để phục vụ cho cuộc sống, nhưng gia đình mới chính là nơi thể hiện cuộc sống… Đôi khi tôi thử tính nhẩm xem để có thể trang bị cho cái gọi là “nghề nghiệp” dù lắm khi không thích hợp, chúng ta phải chuẩn bị trong bao nhiêu năm ?15 hay 20 năm và có khi còn lâu hơn thế ? Vậy để làm cha, làm mẹ, làm vợ, hoặc làm chồng – một vấn đề “xương máu” gắn liền và thiết thân với cuộc sống – chúng ta đã bỏ bao nhiêu thời gian để chuẩn bị cho công việc cực kỳ quan trọng là bước vào đời sống hôn nhân ? Mấy tháng, mấy tuần, hay chỉ mấy ngày ?

Có những đôi nam nữ lo chuẩn bị nhiều năm để đủ tiền cưới vợ, có nhà, có xe và có sự nghiệp… Lãnh vực thực tế và vật chất họ đã bỏ nhiều công sức như thế, còn lãnh vực tinh thần thì sao ? Thực tế không có mấy ai đã bỏ công sức để học hỏi, tìm hiểu về vai trò và trách nhiệm mình sắp bước vào, nhất là cách dạy con. Có bao nhiêu người nghĩ đến vấn đề này hoặc có nghĩ đến nhưng chưa thực sự bắt tay vào ?

Thiết tưởng cũng xin được nêu lên một vấn nạn khác.

– Người ta có thể đổi vợ, đổi chồng như đổi nghề không ?

– Những thất bại, vấp váp trong hôn nhân có thể rút kinh nghiệm và điều chỉnh như trong nghề nghiệp không ?

Nếu những sai phạm trong nghề nghiệp đã khó sửa thì những sai lầm trong cuộc sống hôn nhân và gia đình lại càng khó gỡ hơn nhiều. Chiếc bình đã vỡ, khó gắn lại; nước đã đổ, khó hốt lại; con đã hư, thật khó uốn nắn cho tử tế… Thế nhưng tầm quan trọng của nó dường như không được chú ý đủ vì vấn đề tinh thần thường ẩn kín, tế nhị, khó thấy hơn những vấn đề vật chất. Khi đã “trót dại” rồi thì muốn học khôn dường như ít có cơ hội. Nói thế không phải tôi đang vẽ ra một bức tranh đen tối cho cuộc sống gia đình, mà chỉ làm sơ một bài toán để chúng ta cùng tìm ra đáp số của vấn đề thôi !

May thay, hơn ai hết, Giáo hội – Mẹ chúng ta – luôn quan tâm về tương lai của con cái nên đã đưa ra những định hướng mục vụ cho những năm sắp tới để hướng dẫn con cái mình.Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu, kết quả của Thượng HĐGM về Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong thế giới ngày nay. Liên HĐGM Á châu vừa rồi cũng sẽ tiến hành Đại hội tại Colombo, Sri Lanka, với chủ đề Niềm vui của Tin Mừng và Gia Đình. Hòa với nhịp sống của Hội Thánh toàn cầu và Hội Thánh Á châu, HĐGMVN đề nghị chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm :

– Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;

– Đồng hành với các gia đình trẻ;

– Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như HĐGMVN nhấn mạnh rằng kết hôn là một quyết định rất quan trọng nên cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Vì thế, cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân hầu giúp người trẻ :

– Hiểu biết ý nghĩa, khám phá phẩm giá ơn gọi hôn nhân, ý nghĩa sâu xa của tính dục, cử hành bí tích Hôn Phối như một kinh nghiệm đức tin sâu xa.

– Tạo cơ hội cho đôi bạn trao đổi về sự mong chờ từ người bạn đời, từ hôn nhân và hiểu ý nghĩa đích thực của tình yêu, lời cam kết, trách nhiệm và những vấn đề có thể xảy ra trong đời sống hôn nhân. :

Ngoài ra, đừng quên rằng : “Những người được chuẩn bị tốt nhất cho đời sống hôn nhân là những người đã học được từ chính cha mẹ của họ thế nào là hôn nhân Kitô giáo” (TH Niềm vui của Tình Yêu, 208). Chính đời sống gia đình hiện nay là môi trường giáo dục và chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống hôn nhân mai sau của con cái trong gia đình. Vì thế, nhân dịp này, mỗi giáo xứ chúng ta cần củng cố lại đời sống của gia đình.

“Chúng tôi cũng xin anh em hãy coi mục vụ gia đình là thành phần chính yếu trong công tác mục vụ của mình, vì gia đình là con đường Hội Thánh phải đi, và mọi chương trình mục vụ của Hội Thánh phải đi qua gia đình”. (Thư chung HĐGM VN gởi cộng đồng dân Chúa). Ngay cả Logo thiết kế cho năm “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân” này cũng toát lên được hình ảnh của gia đình Thánh Gia, là khuôn mẫu trọn hảo cho mọi gia đình Công giáo. Logo còn lấy ý tưởng từ hình ảnh 3 thế hệ trong gia đình như là một biểu tượng truyền thống của gia đình Việt Nam. Hình ảnh đó được bao bọc bởi trái tim, biểu tượng của tình yêu. Thập giá trong logo muốn nói lên tình yêu liên lỉ hy sinh cho nhau. Ngay cả màu đỏ, hồng, tím, tượng trưng cho niềm vui, hạnh phúc và sự chung thủy với nhau và với Chúa. Giáo hội ước mong những gia đình Công giáo dù sống “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Gia đình, với tư cách là một tế bào của xã hội, nơi thực hiện tốt nhất chức năng giáo dục, xã hội hóa các thành viên, xây dựng những giá trị đạo đức, tình cảm và truyền thống, góp phần trong việc hình thành nhân cách mỗi người. Chỉ khi trong gia đình mọi người yêu thương và sống vì nhau thì mối quan hệ mới bền chặt, những mầm mống của tệ nạn xã hội mới không nảy sinh và phát triển được. Gia đình – đó là những viên gạch xây nên tòa lâu đài cho xã hội, Giáo Hội, là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho mỗi thành viên, là tổ ấm nơi con trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng. Hơn thế nữa, “Gia đình là trường học của lòng khoan dung, vì nó luôn tồn tại và dạy chúng ta cách sống với những người khác” (Karen Armstrong).

Kết hôn là bước ngoặt rất lớn và có ý nghĩa trong đời người. Lập gia đình là con đường tất yếu, nhưng gia đình tương lai của mỗi người ra sao, chúng ta không thể xuôi tay mặc cho số phận mà phải chủ động lèo lái cuộc đời mình. Sự chuẩn bị trước sẽ giúp các bạn trẻ tự tin bước vào cuộc sống hôn nhân, vì chưng, một gia đình êm ấm và thuận thảo là ước mơ rất chính đáng của mọi người.

Nữ tu Tiến sĩ Thécla Trần Thị Giồng

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Tòa Thánh công bố lịch trình chuyến đi đầy nguy hiểm của Đức Thánh Cha sang Ai Cập

Hôm thứ Hai, 3 tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố lịch trình chuyến đi của Đức Thánh Cha sang Ai Cập. Đây là chuyến tông du bên ngoài nước Ý của Đức Thánh Cha Phanxicô và được xem là một chuyến đi nguy hiểm nhất.
Tòa Thánh công bố lịch trình chuyến đi đầy nguy hiểm của Đức Thánh Cha sang Ai Cập
Tòa Thánh công bố lịch trình chuyến đi đầy nguy hiểm của Đức Thánh Cha sang Ai Cập
Thật vậy, chỉ mới tháng Hai vừa qua, các Kitô hữu tại bán đảo Sinai, một địa danh rất quen thuộc trong Kinh Thánh, đã phải bồng bế nhau bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo giết chết 7 Kitô hữu khác bằng súng, bằng dao và kể cả bằng cách thiêu sống các trẻ nhỏ. Các linh mục địa phương cho biết nhiều anh chị em giáo dân còn nhận được cả những lời lẽ đe dọa trong điện thoại cầm tay của mình.

Xa hơn một chút, ngày Chúa Nhật 11 tháng 12, năm ngoái 2016, khủng bố Hồi Giáo nổ bom tự sát tại nhà thờ chính tòa Thánh Máccô giết chết 26 người và làm bị thương 49 người khác.

Từ sau cuộc nổi dậy Ả rập vào tháng 3 năm 2011 tới nay, những vụ khủng bố nhắm vào các nhà thờ và các cộng đoàn Kitô nhiều không thể kể xiết. Tiêu biểu là trong ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15 tháng 8 năm 2013, khi các đồn bót lẻ tẻ của cảnh sát, các nhà thờ Kitô Giáo bị tấn công đồng loạt. Chỉ trong một ngày đó thôi, 36 nhà thờ tại thủ đô Cairo bị đốt phá, trong khi nhiều đồn bót cảnh sát được ghi nhận là không còn cảnh sát viên nào sống sót. Các dinh thự của chính phủ bị đốt phá. Cảnh sát chết la liệt trên nhiều con đường của Cairo khiến cho bộ trưởng nội vụ phải ban hành lệnh khẩn cấp cho phép các cảnh sát viên được nổ súng tự vệ bằng mọi giá.

Trong bối cảnh đó, chuyến tông du của Đức Thánh Cha sang Ai Cập được xem là quá sức nguy hiểm. Sau các vụ tấn công khủng bố nhắm vào các máy bay của Nga, vào các nhóm du lịch người Pháp, kỹ nghệ du lịch Ai Cập đã xuống đến tận cùng. Chính phủ Ai Cập giờ đây trông đợi nhiều nơi chuyến tông du của Đức Thánh Cha để cải thiện khuôn mặt nhếch nhác của mình. Cho nên, họ sẽ làm mọi cách để bảo vệ an ninh cho Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, có một thực tế là khủng bố Hồi Giáo rất khởi sắc ở Ai Cập, nơi mà lòng khoan dung tôn giáo là một vấn đề thực sự đối với nhiều người.

Ai Cập có 85,300,000 dân trong đó 90% là người Hồi Giáo, chủ yếu là Hồi Giáo Sunni, 9% là tín hữu Chính Thống Giáo Coptic. Người Công Giáo Coptic hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ chiếm 272,000 tín hữu trong số 1% còn lại.

Theo chương trình, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp các nhà lãnh đạo một trong những tổ chức Hồi giáo Sunni hàng đầu thế giới, nhà lãnh đạo Chính thống Coptic và các đại diện của Giáo Hội Công Giáo Ai Cập trong chuyến đi hai ngày đến Cairo từ 28 đến 29 tháng 4

Với chuyến tông du này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ hai viếng thăm Ai Cập, sau Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vị Giáo Hoàng Ba Lan đã thăm Cairo và Núi Sinai vào năm 2000.

Năm 1998, cuộc đối thoại Công Giáo và Hồi giáo đã được bắt đầu giữa các chuyên gia Vatican và các học giả Hồi giáo của Đại học al-Azhar của Cairo, trung tâm học thuật Hồi Giáo cho hơn một tỷ người Hồi giáo Sunni trên toàn thế giới.

Theo dự trù, sáng Thứ Sáu, ngày 28 tháng 4, vào lúc 10h45, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ sân bay Quốc tế Leonardo da Vinci của Rôma để đến Cairo.

Lúc 2 giờ chiều, ngài đến sân bay Cairo. Lễ chào đón chính thức sẽ diễn ra tại dinh tổng thống thường được gọi là dinh Heliopolis. Sau đó, ngài thăm Đại học al-Azhar. Cùng với Sheik el-Tayeb, hiệu trưởng nhà trường, Đức Thánh Cha sẽ có bài phát biểu dành cho những tham dự viên một hội nghị quốc tế về hòa bình.

Lúc 4h40 chiều, ngài có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính quyền dân sự. Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ thăm Đức Thượng Phụ Tawadros của Chính Thống Giáo Coptic.

Lúc 10 giờ sáng thứ Bẩy 29 tháng Tư, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ cho cộng đoàn Công Giáo tại Cairo.

Sau đó, lúc 12.15, ngài ăn trưa với các giám mục Ai Cập. Lúc 3.15pm, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và những người sống đời thánh hiến.

Lúc 5 giờ chiều, ngài ra sân bay Cairo để về Rôma. Dự kiến lúc 8h30 tối cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ về đến sân bay Ciampino của Rôma.

Nguồn tin: Vietcatholic

Lá đã làm phép có được bỏ đi không?

Chào cha, vào Mùa Chay khi tham dự Lễ Lá, mỗi giáo dân được phát cho 1 lá dừa đã làm phép. Xin hỏi là lá ấy mang về nhà và khô héo và con muốn bỏ đi. Vậy cách nào bỏ lá ấy đi cho đúng cách? Cám ơn cha. Chúc cha an mạnh.

la-da-lam-phep-co-duoc-bo-di-khong

Trả lời:

Bạn thân mến,

Như chúng ta đã biết, Chúa Nhật lễ lá được cử hành trước ngày Chúa Nhật Phục Sinh, mở đầu Tuần Thánh. Cả bốn sách Tin Mừng đều đề cập đến sự kiện này (Mc11,1-11, Mt21,1-11, Lc 19,28-44, Ga12,12-19) về việc Chúa Giêsu tiến vào thành Jerusalem vào những ngày trước khi chịu khổ hình. Chúa Giêsu vốn nghèo khó, nhưng vì là Thiên Chúa, đã long trọng vào thành Giêrusalem trên lưng lừa để đi vào đền thờ, các môn đệ đi bên cạnh, dân chúng từ con nít tới người lớn tự động trải áo trên đường để kính trọng Chúa, họ cũng bẻ những chiếc lá, cành cây vẫy vẫy như để hoan hô (Hosana), tung hô Chúa như một vị Vua theo phong tục của họ.

Có nhiều loai lá được dùng, như lá cây cọ, cây liễu, hoặc cây nào địa phương họ sẵn có. Nhiều nơi dùng lá dừa, như ta thấy ở Việt nam, và Hoa kỳ. Tất cả những ai đã chịu phép rửa tội đều được phát lá. Trong Thánh Lễ, lá được kính nhớ bằng việc làm phép và rước lá. Các linh mục thì mặc áo lễ màu đỏ, là phẩm phục cho lễ trọng. Sau Thánh Lễ, giáo dân nhận lấy lá đã làm phép về đặt nơi tôn kính trong nhà, như là một sự nhắc nhở Chúa Kitô đã vinh quang chiến thắng, và hướng đến Chúa là Vua thực sự của đời mình.

Khi chúng ta không còn sử dụng lá nữa, chúng ta phải hủy như thế nào?

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu vắn gọn về tượng ảnh cũ kỹ, rách, bể, không còn sử dụng được nữa. Theo Hiến chế Phụng Vụ số 125: ” Không nên trưng bày quá nhiều ảnh tượng trong một nhà, một tòa nhà, chỉ nên trưng bày một số ảnh tượng hạn chế và hợp lý. Khi ảnh tượng đã làm phép, đã cũ nát, được đốt hay xé bỏ đi một cách kính cẩn. Các tranh ảnh, bìa báo in hình Chúa Đức Mẹ chưa làm phép có thể xé bỏ, không phải áy náy.”

Bạn hãy nhớ, trên hết, quan trọng là tấm lòng của chúng ta với Chúa, Mẹ Maria, hay các thánh. Sau đây là hai giải pháp chúng ta có thể áp dụng: Giải pháp thứ nhất, chúng ta có thể để lại cho người nào cần dùng, có thể cho vào một thùng giấy, dán chữ ” Tượng ảnh Công Giáo. Xin tự nhiên sử dụng.” Bạn cũng có thể gặp cha sở, hay bất cứ linh mục giúp xứ nào, để các cha có thể đem ra để cuối nhà thờ hay tặng cho những ai cần thì đem về để tôn kính tại nhà họ…

Giải pháp thứ hai, nếu ảnh tượng thánh trở nên cũ kỹ, không còn sử dụng được nữa thì bạn hãy đốt đi (nếu là giấy, plastic…), nếu là tượng thạch cao, đất sét, bạn có thể đập vỡ và chôn ở vườn, chủ yếu là không ai nhìn thấy, hầu tránh làm gương mù gường xấu, gây hiểu lầm cho người khác.

Chúng ta nên nhớ, tượng ảnh đã làm phép cũng cần có sự cung kính đúng mực, tuy tượng ảnh không phải là chính Chúa Giêsu, hay Đức Mẹ, hay các thánh. Vì thế, không được quẳng vào thùng rác, hay quăng bừa bãi ở nơi bất xứng.

Còn về việc xử lý lá (dừa, cọ…) đã khô héo sau ngày Lễ Lá, cũng là lá đã được làm phép, thì bạn có thể đem đến các cha xứ vì các ngài sẽ đốt các lá ấy thành tro để dùng làm tro xức trên trán (hay trên đầu) cho Thứ Tư Lễ Tro. Nếu không, bạn cũng có thể tự đốt lá ấy ra tro và rắc vào các chậu bông trong nhà hay ở vườn cây. Có một số giáo xứ, khi Lễ Lá kết thúc, các cha sẽ thâu lại lá ấy. Các bạn đừng ngạc nhiên vì có thể các cha nghĩ nhiều Kitô hữu sẽ không biết cách xử lý lá đã làm phép sau khi đã khô héo, hơn nữa, các cha muốn tận dụng lại các lá ấy là đốt thành tro để dùng tro xức vào Thứ Tư Tro.

Nguồn tin: Giáo Xứ Biên Hòa

 

 

Cách Lần Hạt Lòng Thương Xót Chúa Giêsu

Thông điệp Lòng Chúa Thương Xót được Chúa Giêsu truyền cho chị nữ tu Faustina Kowalska người Balan vào ngày 22, tháng 2, năm 1931. Qua thông điệp này, Chúa muốn chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương hết thảy mọi người chúng ta. Người muốn chúng ta hãy tìm đến Người và cầu nguyện, và Người sẽ tha thứ tất cả các tội lỗi chúng ta dù tội lỗi có nặng nề cỡ nào đi nữa.
Cách Lần Hạt Lòng Thương Xót Chúa Giêsu
Cách Lần Hạt Lòng Thương Xót Chúa Giêsu

 

Qua cuộc khổ nạn chết trên cây thập giá, Chúa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 3 giờ chiều và 3 giờ chiều là giờ Chúa muốn chúng ta lần hạt Lòng Thương Xót Chúa. Tuy nhiên nếu giờ giấc không cho phép thì ta vẫn có thể lần hạt vào bất kỳ giờ nào.

Để lãnh nhận ân sủng của Người một cách trọn vẹn, cần 3 điều kiện sau:
– Thỉnh cầu: hãy cầu nguyện với Người.
– Thực hành: hãy yêu thương và tha thứ.
– Tín thác: hãy tin tưởng phó thác vào Chúa.

Có hai trường hợp lần Chuỗi Thương Xót: lần chuỗi vào giờ cao điểm, 3 giờ chiều & lần chuỗi vào bất cứ giờ nào khác.

Lần Hạt Lòng Chúa Thương Xót Vào Bất Cứ Giờ Nào:
Ta dùng xâu chuỗi Mân Côi để đọc. Xâu chuổi Mân Côi bắt đầu bằng 1 hạt lớn → 3 hạt nhỏ → 1 hạt lớn → 10 hạt nhỏ → 1 hạt lớn → 10 hạt nhỏ → 1 hạt lớn v.v…

 

I. (Bắt đầu): Làm Dấu Thánh Giá

II. 3 Hạt Nhỏ, đọc:

– 1 Kinh Lạy Cha
– 1 Kinh Kính Mừng
– 1 Kinh Tin Kính

III. Hạt Lớn, thay vì Kinh Lạy Cha trong chuỗi Mân Côi, đọc:

Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng Cha Mình, Máu, Linh hồn, và Thiên tính của Con yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền tạ tội lỗi chúng con và tội lỗi toàn thế giới.

IV. 10 Hạt Nhỏ, thay vì 10 Kinh Kính Mừng, đọc 10 lần:

Vì cuộc tử nạn đau buồn của Chúa Giêsu,
xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

V. Lặp lại “hạt lớn” và “10 hạt nhỏ” đến hết chuỗi Mân Côi. Sau đó, để kết thúc chuỗi hạt, đọc 3 lần:

Lạy Cha Chí Thánh, Đấng Toàn Năng, Đấng Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

VI. Hôn Thánh Giá Chúa với tâm hồn kính mến. (hết)

 


Nếu lần chuỗi vào giờ cao điểm của Lòng Chúa Thương Xót, tức là đúng 3 giờ chiều, ta bắt đầu với Dấu Thánh Giá rồi đọc lời nguyện như sau:

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa vừa trút hơi thở cuối cùng, nhưng nguồn sống đã tuôn trào đến các linh hồn, và cả một đại dương Lòng Chúa Thương Xót được mở ra cho toàn thế giới. Ôi, Nguồi Mạch Sự Sống là Lòng Thương Xót khôn dò, xin hãy bao trùm toàn thế giới và trút hết toàn thân Ngài trên chúng con.

Sau đó đọc 3 lần: Ôi, Máu và Nước tuôn ra từ Trái Tim Chúa Giêsu để nên nguồn mạch Lòng Thương Xót cho chúng con, con tin cậy vào Chúa.

Kế đến, ta tiếp theo từ Phần II (3 hạt nhỏ, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Kính Mến) cho đến hết chuỗi hạt như trên, không có gì thay đổi.


Sau chuỗi Lòng Thương Xót Chúa, ta có thể đọc thêm các kinh nào ta muốn để dâng thêm lời cầu nguyện cho mình, cho gia đình, hoặc cho hết thảy mọi người. Sau đây là một số kinh thường đọc:

 

Kinh Lạy Cha:
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con xa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Kinh Kính Mừng:
Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Kinh Tin Kính:
Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa GiêSu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh; chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần; tôi tin có hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công; tôi tin phép tha tội; tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy, Amen.

Kinh Cầu Xin Lòng Thương Xót Chúa:
Ôi Thiên Chúa, Đấng đầy lòng trắc ẩn, Đấng duy nhất tốt lành, con chạy đến van xin lòng thương xót Chúa, mặc dầu sự khốn nạn của con rất to lớn và việc xúc phạm con lại quá nhiều, con vẫn tín thác vào tình thương Chúa – bởi vì Chúa là Đấng xót thương. Từ xưa tới nay, con chưa từng nghe một người nào tín thác vào lòng thương xót Chúa mà bị thất vọng.

Ôi Thiên Chúa từ bi, chỉ mình Chúa mới phán xét con. Chúa không bao giờ từ chối khi con thống hối ăn năn chạy tới lòng thương xót Chúa, nơi mà chưa có một linh hồn nào bị từ chối, mặc dù họ là một linh hồn vô cùng tội lỗi, lời Chúa Giêsu, con Cha, đã bảo đảm với con rằng: “Thà rằng trời đất này có biến ra không, nhưng lòng thương xót của Ta luôn ấp ủ mọi linh hồn tín thác.“

Lạy Chúa Giêsu là bạn tri kỷ của những trái tim lẻ loi cô độc, Chúa là thiên đàng, là Đấng Cứu Độ, là niềm an bình trong những giây phút buồn phiền giữa biển hoang mang nghi ngại. Chúa là ánh sáng chiếu soi bước đường con đi. Chúa là tất cả của một linh hồn cô độc. Chúa biết sự yếu mềm của chúng con; và giống như một danh y tốt lành, Chúa an ủi và chữa lành mọi đau đớn của chúng con. Amen

Kinh Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn Tội Lỗi:
Lạy Chúa Giêsu là chân lý hằng hữu, con khẩn cầu Chúa và van xin lòng thương xót Chúa cho các tội nhân khốn khổ. Ôi Trái Tim dịu hiền của Chúa Trời con, lòng thương xót Chúa vô bờ bến con van xin Chúa cho các linh hồn tội lỗi.

Ôi! Trái Tim Chí Thánh, nguồn mạch Lòng thương Xót, đang tuôn ra những luồng ánh sáng tràn ngập các ân sủng khôn lường trên toàn thể nhân loại, con van xin Chúa cho các linh hồn tội lỗi.

Ôi Chúa Giêsu, xin hãy nhìn đến cuộc khổ nạn đắng cay của Chúa, mà đừng để cho một linh hồn nào phải hư mất, bởi vì ơn cứu rỗi Máu Thánh Chúa đã đổ ra cho chúng con là cái giá quá đắt Chúa phải trả. Ôi Chúa Giêsu, khi nghĩ đến cái giá Chúa phải trả cho chúng con bằng Máu Thánh Chúa, con vui mừng vô hạn, vì chỉ cần một giọt máu của Chúa cũng đủ cho phần rỗi nhân loại. Mặc dù tội lỗi là vực sâu thăm thẳm của những yếu hèn và vong ơn bội nghĩa, chúng không thể nào cân xứng được với giá Chúa đã phải trả cho chúng con. Bởi vậy xin hãy để cho mọi linh hồn tín thác vào cuộc tử nạn của Chúa và đặt hy vọng vào Lòng Thương Xót của Ngài. Bởi vì Lòng Thương Xót Chúa không hề từ chối một người nào. Trời đất có thể đổi thay, nhưng lòng thương xót Chúa sẽ không bao giờ cạn kiệt.

Chúa ơi! Hồn con bốc cháy niềm vui vô bờ bến khi con suy tưởng tới sự tốt lành lân ái của Chúa. Ôi! Chúa Giêsu, con mong muốn đem mọi linh hồn tội lỗi tới chân Chúa để họ tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa đến muôn đời. Amen.

Tạ Ơn:
Ôi Giêsu! Chúa Trời Hằng Hữu, con tạ ơn Chúa Vì muôn ân sủng Chúa ban cho chúng con khôn xiết kể. Xin cho từng nhịp đập của trái tim chúng con là một bài ca mới cảm tạ Chúa. Xin cho từng giọt máu trong thân thể chúng con chuyển động cho Chúa. Linh hồn con là một bài ca thờ lạy Lòng Thương Xót Chúa. Con yêu mến Chúa, chỉ một mình Chúa mà thôi. Amen.

Xin Giống Trái Tim Chúa:
Ôi Chúa Giêsu, xin cho trái tim con nên giống Trái Tim Chúa, xin Chúa hãy biến đổi nó thành chính Trái Tim Chúa, ngõ hầu con cảm nhận được nhu cầu của tâm hồn anh chị em, cách riêng những ai sầu não và buồn khổ. Ước gì luồng ánh sáng từ bi thương xót cư ngụ trong trái tim con.

Xin Lòng Mến:
Lạy Chúa Giêsu êm ái dịu dàng, xin cho lòng con bừng cháy ngọn lửa yêu mến Chúa. Xin biến hoá thân con thành chính Mình Ngài, xin Chúa thần-linh–hoá bản thân con, ngõ hầu mọi cử chỉ, hành vi của con đều làm đẹp lòng Chúa. Ước chi Ngài thực hiện điều ấy nơi con, nhờ quyền phép Thánh Thể con được rước mỗi ngày. Ôi! con nóng lòng ước ao biến hoá toàn thân thành mình Chúa, ôi Chúa của con!

Kinh Cầu Nguyện Trong Lúc Đau Khổ:
Ôi Bánh Hằng Sống, xin giúp con nơi chốn khách đời này, để con được sức mạnh trung thành bước theo những dấu chân của Đấng Cứu Thế. Lạy Chúa, con không xin Chúa cất con xuống khỏi thập giá, nhưng con xin Chúa ban cho con sức mạnh để con được vững vàng trên con đường ấy. Lạy Chúa Giêsu, con muốn được giang rộng trên cây Thánh giá như Chúa đã làm. Con muốn chịu mọi cực hình và đau đớn mà Chúa đã chịu. Con muốn uống cho cạn chén đắng.

Ôi Chúa Giêsu của con, xin ban cho con sức mạnh chịu đựng đau khổ để con không mang bộ mặt nhăn nhó khi con uống chén đắng. Xin giúp con làm việc hy sinh của con cho được đẹp lòng Chúa. Ước gì điều ấy không bị lem luốc bởi tình yêu ích kỷ của con… Xin tất cả những gì ở trong con, từ đau buồn đến sức mạnh của con là sự ca ngợi dâng lên Chúa. Amen.

Kinh Cầu Được Chết Lành:
Ôi Chúa Giêsu đầy lòng thương xót giang cánh tay trên thánh giá, xin nhớ đến giờ chết của con. Ôi Trái tim đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu, mở ra bởi lưỡi đòng đâm thâu, xin che chở con trong giây phút cuối cuộc đời. Ôi Máu và Nước tuôn ra từ Trái tim Chúa Giêsu là nguồn mạnh lòng thương xót vô bờ xin thương xót con, xin thanh tẩy tội lỗi và những xúc phạm của con. Ôi Chúa Giêsu hấp hối, Đấng bảo đảm của lòng thương xót, xin làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vào giờ chết của con.

Ôi Chúa Giêsu của con, ước gì những ngày sau cùng của ở chốn khách đời này của con được hoàn toàn sống theo thánh ý của Chúa. Con kết hợp những đau khổ, cay đắng, và đau đớn trong giờ sau hết của con cho cuộc Thương Khó rất thánh của Chúa. Con dâng đau khổ của con cầu cho toàn thế giới để xin lòng thương xót vô biên của Chúa cho các linh hồn, nhất là những linh hồn tội nhân. Con tin tưởng và dâng hết người con cho thánh ý của Chúa, chính là lòng thương xót. Lòng thương xót của Chúa là tất cả cho con vào trong giờ chết. Amen.


Trích từ sách: Thông Điệp và Sùng Kính LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
tái bản lần thứ III
do nhà xuất bản Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phát hành.