Số Lượng Like Và Share Sẽ Giúp Bạn Ảo Tưởng Mạnh Hơn
Theo các nhà tâm lý học và các bác sĩ tâm lý trị liệu, kể từ khi hệ thống mạng xã hội phát triển, thì số người rơi vào cảnh tâm thần gia tăng nhiều hơn, và nặng nhất là tình trạng ẢO TƯỞNG BÀN PHÍM. Người ta đặt trọn vẹn giá trị và căn tính của bản thân trên sự phán quyết của người khác qua các lượt Like, Share, và Comment. Theo đó, nếu một người viết, chia sẻ, hoặc đăng tải một hình ảnh hay bài viết nào đó mà không ai dòm ngó, ỏ ê, thì họ dễ rơi vào tình trạng mặc cảm và tự ti, nặng nề hơn là thấy mình không có giá trị, không có sức mạnh, không có danh giá. Ngược lại, một người có số lượng người ủng hộ lớn thì lại rơi vào một thái cực không kém phần nguy hiểm, tự thấy mình có quyền lực, có danh tiếng, có sức ảnh hưởng, và thậm chí là một NGÔI SAO nào đó.
Hai thái cực, một con đường, một đích điểm. Thái cực bi quan thái quá và thái cực tự hào thái quá trên mạng xã hội đều dẫn người ta đến một con đường, đến một đích điểm: đó chính là sự phá huỷ giá trị và căn tính thật của một người, dẫn họ đến chỗ đánh mất chính mình, đánh mất sự hiện diện thật sự của họ trong cuộc sống, đánh mất chân trời thật mà họ cần phải hướng tới, đánh mất các mục tiêu thật, và sau cùng là đánh mất sự chân thành trong các mối quan hệ và ngay cả các mối quan hệ gia đình và xã hội.
Hệ luỵ của sự chọn lựa sống ảo này là người ta dễ ẢO TƯỞNG để có những lời nói, thái độ, và những cách thể hiện trên mạng xã hội, cũng như trong cuộc sống thực, vốn mang tính quá khích, dẫn dắt người khác đến sự lầm lạc và méo mó của bản thân họ, dẫn dắt người khác đi vào các kiểu ý thức hệ lầm lạc và méo mó vốn coi thường các giá trị và chuẩn mực đạo lý, niềm tin, tình yêu, và tình huynh đệ; họ làm thế vì họ tưởng mình là một người nổi tiếng. Những người mắc bệnh ảo số đông này họ không khác gì người có nhiều tiền của và bị dính bén vào đó, rất dễ “buồn sầu bỏ đi” khi có ai đó không ủng hộ, rất dễ hả hê vui ảo cùng con số, rất dễ sống kiểu buông thả và sốc nổi về mặt tinh thần và trí tuệ.
Bệnh tâm thần sống ảo cũng áp dụng đối với những người Like, Share, và Comment theo phong trào, theo số đông mà không biết mình đang làm những việc này để làm gì hoặc với cùng một mục đích lệch lạc như Ngôi Sao Ảo. Bởi theo lẽ thường, một người tỉnh táo về mặt tư tưởng và quan điểm, chắc chắn sẽ luôn cân nhắc hết sức cẩn thận điều mà mình thích, chọn lựa, và ủng hộ cũng như chia sẻ. Không ai tỉnh táo lại lao mình vào những điều mà tự bản chất chỉ mang tính thoáng qua, mang tính hời hợt, mang tính ý thức hệ, và mang tính phong trào. Nhưng đối với những người ủng hộ ảo này, lý luận chung sẽ là “mỗi người một quan điểm, mỗi người một cách nhìn, và mỗi người một chọn lựa”. Lý luận này không có gì sai trái và lệch lạc cả, nhưng cách người ta sử dụng nó thì lại méo mó và lệch lại so với thực tại mà họ thấy mình ở trong đó. Không ai làm điều xấu xong mà lại có thể lý luận kiểu này cả, chỉ có người tâm thần mới có thể phát biểu cách tỉnh táo như thế.
Giữa những nhiễu nhương và hỗn loạn của kiểu tâm thần ảo này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở thành một mẫu gương điển hình cho mỗi người chúng ta. Khi được báo giới hỏi liệu Ngài có thấy mình là một Ngôi Sao không, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần chối bỏ danh phận mà Ngài cho hư vinh và chóng qua này, Ngài khẳng định Ngài không phải là một ngôi sao, cũng không bị tác động bởi đám đông hay sự ủng hộ và tán dương của số đông. Đối với Ngài, việc cần là làm vinh danh Chúa và loan truyền thông điệp yêu thương và hoà bình của Thiên Chúa cho mọi người, chứ không phải tìm hư vinh cho bản thân qua sự ủng hộ của số đông. Đối với Ngài, làm truyền thông không có nghĩa là ngồi đếm lượt view, lượt like, lượt share, hay lượt comment, nhưng là làm điều cần phải làm để thông điệp sự thật của Chúa đến với mọi người. Thậm chí, Ngài còn khuyên các linh mục của Ngài đừng sống ảo trên bàn phím mà đánh mất căn tính linh mục của mình là phục vụ dân Chúa.
Vậy, nếu bạn đang thấy mình có sức ảnh hưởng, tâm trạng của bạn vui hay buồn đang phụ thuộc vào số đông ủng hộ, lòng nhiệt thành làm việc tốt lành và phục vụ của bạn đang tuỳ thuộc vào số đông, vào tính hiệu quả do số đông mang lại, thì hãy tỉnh thức, hãy nhìn nhận cách đúng đắn, và hãy trở về với căn tính của bản thân, đó mới là giá trị đích thực của bạn. Bởi lẽ, số đông hôm nay ủng hộ, ngày mai họ sẽ phản lại và lãng quên, lúc đó bạn sẽ đau khổ, còn số đông thì vui cười hả hê trên nỗi đau và sự thất bại của chính bạn, do bạn, và vì bạn mà ra. Bởi lẽ, giá trị của lời bạn nói và việc bạn làm không hệ tại ở sự ủng hộ của số đông, nhưng ở nơi sức mạnh biến đổi và tạo nguồn động lực mạnh mẽ để người khác tìm ra giá trị và phẩm giá của họ, tìm ra chân trời của họ, tìm ra được đam mê tốt lành và sứ mạng của họ trong cuộc sống này nhằm góp phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, đáng sống hơn, và huynh đệ hơn.
Khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta trong thời đại công nghệ và mạng xã hội phát triển như vũ bão này là hãy học nơi Thầy Giêsu, Ngài luôn làm điều cần phải làm trong sứ mạng của Ngài, và đặc biệt Ngài luôn tránh đám đông hô hào và ủng hộ Ngài trước các việc lạ lùng Ngài làm. Vì thế, Ngài cũng đã dạy các môn đệ y như thế khi các ông đi làm việc rao giảng trở về, thuật lại cho Ngài các việc làm của các ông, Ngài liền nói với các ông: “‘Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút’. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa” (Mc 6:31).
Joseph C. Pham
Toà Thánh Vatican: Thân Xác Hoả Táng Của Người Đã Qua Đời Không Được Phép Rải Vào Trong Thiên Nhiên
Vatican, 26/10/2016 (MAS) – Bộ Giáo Lý Đức Tin vừa mới công bố một hướng dẫn vào Thứ Ba liên quan đến việc chôn cất và hoả táng, nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội rằng việc hoả táng, dù một cách mạnh mẽ không khích lệ, có thể được phép trong một số giới hạn nhất định – và rằng việc rải tro sau hoả táng là bị cấm.
Ad resurgendum cum Christo, hay “Sống lại với Đức Kitô”, được công bố vào ngày 25/10, khẳng định mặc dù việc hoả táng “không bị cấm” nhưng Giáo Hội “tiếp tục khích lệ việc thực hành chôn cất thân xác của người quá cố, vì điều này thể hiện một sự tôn trọng lớn lao hơn dành cho người quá cố”.
Văn kiện giải thích rằng “sau những động cơ hợp pháp” đối với việc hoả táng đã được xác định, thì “tro của người tín hữu phải để lại cho tận phần sau cùng vào một nơi thánh”, như là một nghĩa trang hay nhà thờ. Văn kiện tiếp tục khẳng định rằng không được phép để tro tại nhà hoặc rải rác tro “vào trong không khí, trên đất, ra biển hay bất cứ một cách nào khác, hay tro cũng không được lưu giữ trong các vật lưu niệm, trong các đồ trang sức hay những đồ vật khác”.
“Việc chôn cất, phần cử hành phụng vụ sau cùng đối với chúng ta, là một sự diễn tả niềm hy vọng của chúng ta về sự phục sinh”, Đức Hồng Y Gerhard Müller, Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin viết, “và do đó Giáo Hội tiếp tục dạy rằng việc chôn cất bình thường là một hình thức bình thường”.
Và văn kiện giải thích, “qua việc chôn cất thân xác của người tín hữu, Giáo Hội khẳng định niềm tin của mình vào sự phục sinh của thân xác, và có ý để thể hiện rằng phẩm giá cao quí của thân xác con người như là một phần toàn diện của con người nhân loại mà thân xác hình thành nên một phần căn tính của họ”.
“Do đó, Giáo Hội không thể bỏ qua cho những thái độ hay cho phép các nghi lễ có liên hệ đến những ý niệm sai lầm về sự chết, chẳng hạn như coi sự chết như là sự huỷ bỏ con người, hoặc là một thời khắc trở về với Mẹ Thiên Nhiên hay vũ trụ”.
Thay vào đó, việc chôn cất trong một nghĩa trang hay một nơi thánh khác “là đáp trả đủ cho lòng đạo đức và sự tôn trọng dành cho thân xác của người tín hữu đã qua đời người mà qua Phép Rửa đã trở thành đền thờ của ctt và trong thân xác ấy “như là khí cụ và kênh mà Chúa Thánh Thần thực thi quá nhiều việc tốt lành”.
Toà Thánh Vatican đã trả lời câu hỏi nguồn gốc về việc được phép hay không đối với việc hoả táng đã cho phép vào năm 1963, nhưng với sự gia tăng cả về số đông và các việc thực hành như rải tro hoặc giữ tro tại nhà riêng, thì văn kiện này sẽ nhât định mang lại những qui định mới như bản hướng dẫn cho các đức giám mục.
Bản hướng dẫn nhấn mạnh rằng “theo truyền thống Kitô Giáo cổ xưa nhất, Giáo Hội khẳng định mạnh mẽ thân xác của người quá cố phải được chôn”.
Một sự tôn trọng đúng đắn dành cho phẩm giá của thân xác, theo Cha Thomas Bonino, một quan chức của Bộ Giáo Lý Đức Tin, cổ võ sự hiểu biết đa hình thái của con người nhân loại là một hữu thể gồm có thân xác và linh hồn.
“Người ta có lẽ phải khởi đi từ ý niệm về sinh thái”, Cha Bonino nói với CNA, “nghĩa là tôn trọng thiên nhiên. Nhưng thân xác là một phần của thiên nhiên, vì thế một nền sinh thái thật sự cũng là một nền sinh thái coi trọng yếu tố thể lý của một con người”.
Cha Bonino giải thích rằng vì “thân xác hình thành nên một phần căn tính của chúng ta” cùng với linh hồn, giáo huấn này “cần phải được khẳng định lại” trong việc rao giảng và trong giáo lý.
Các việc thực hành như việc rải tro vào trong thiên nhiên có thể là một hình thức “những lời tuyên tín phiếm thần, như thể thiên nhiên là một thượng đế”, Cha Bonino nói. Hoặc nó có thể diễn tả một ý thức hệ lầm lạc “rằng sau khi chết thì không có gì thuộc về con người còn lại, rằng thân xác chỉ trở về với đất và không còn gì hơn nữa”.
Những qui định mới nói đến những vấn đề này, Ngài nói, mặc dù cũng phản ứng trước ý niệm cho rằng chết chỉ là về vấn đề cá nhân hay gia đình trung gian. “Sự chết còn liên hệ đến cả cộng đoàn mà người quá cố thuộc về”, Ngài cho biết.
Văn kiện của Vatican nhấ mạnh một vài lý do khác đối với tầm quan trọng của việc chôn cất người chết, gồm cả việc Giáo Hội coi việc chôn cất người chết là một trong những công việc thể lý của lòng thương xót.
“Từ thưở ban đầu nhất, các Kitô Hữu đã mong muốn rằng người tín hữu đã qua đời trở thành những đối tượng của những lời cầu nguyện và sự tưởng nhớ của cộng đồng Kitô Giáo”, văn kiện khẳng định.
Bằng việc lưu giữ tro cốt của người quá khứ ở một nơi thánh, chúng ta có thể khẳng định rằng họ không bị loại trừ ra khỏi lời cầu nguyện của gia đình và cộng đồng Kitô Giáo, văn kiện cho biết, cũng như là mang lại một dấu ấn cho con cháu, đặc biệt là sau khi thế hệ kế tiếp đó qua đi.
“Chúng ta là người Công Giáo…và chúng ta phải nỗ lực để hiểu tất cả mọi yếu tố của đời sống của chúng ta theo nghĩa là niềm tin Kitô Giáo”, ĐHY Müller nói.
“Chúng ta tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô là Chúa của chúng ta và chúng ta cũng mang lấy niềm hy vọng cho sự phục sinh của thân xác chúng ta…và do đó truyền thống lớn lao của người Kitô Giáo luôn luôn là chôn cất”.
Joseph C. Pham (Theo CNA)
ĐGH Phanxicô – Người Dân Không Thể Tha Thứ Cho Một Linh Mục Mê Tiền
Đức Giáo Hoàng Phanxicô khấn xin Thiên Chúa ban cho các tín hữu lòng can đảm để đón nhận sự nghèo Kitô Giáo, nói rằng người dân không thể tha thứ cho một linh mục dính bén đến tiền bạc. Những lời của Ngài diễn ra trong Thánh Lễ được cử hành vào sáng Thứ Sáu (18/11/2016) tại nguyện đường Santa Marta.
Lấy ý của Ngài từ bài đọc Tin Mừng trong ngày đoạn Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, quở trách họ về việc biến đền thờ thành hang trộm cướp, bài giảng của Đức Giáo Hoàng là một suy tư về quyền lực và sự quyến rũ của đồng tiền. Ngài nói hành động của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu đâu là hạt giống của kẻ phản Kitô chứa đụng, hạt giống của kẻ thù đang tàn phá Vương Quốc của Ngài: sự dính bén đến tiền bạc.
“Thiên Chúa của chúng ta, nhà của Thiên Chúa chúng ta là nhà cầu nguyện. Cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa là với Thiên Chúa của tình yêu. Và thần tài đi vào nhà của Thiên Chúa, liên lỉ tìm kiếm cách đi vào bên trong. Và những người đang đổi tiền hoặc bán hàng hoá, họ đang cho thuê chỗ của họ, phải không – từ các tư tế…các tư tế cho thuê những nơi này và nhận tiền. Đây là một vị thần có thể phá huỷ cuộc sống của chúng ta và có thể dẫn chúng ta đến chỗ kết thúc cuộc sống của chúng ta cách tồi tệ, không có hạnh phúc, không có niềm vui của việc phục vụ một Thiên Chúa chân thật Đấng duy nhất có thể mang lại cho chúng ta niềm vui đích thực”.
Nhấn mạnh rằng đó là một chọn lựa mang tính cá nhân, sau đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô hỏi những người nghe Ngài: “Sự dính bén đến tiền bạc của các bạn thế nào? Các bạn có bị dính bén đến tiền bạc không?”
“Dân Thiên Chúa có một khả năng lớn lao của việc chấp nhận, của việc phong thánh cũng như kế án – vì dân Chúa có khả năng kết án – về việc tha thứ quá nhiều yếu đuối, quá nhiều tội lỗi bởi các linh mục nhưng họ lại không thể tha thứ cho hai điều này: sự dính bén đến tiền bạc, vì khi họ thấy một linh mục dính bén đến tiền, họ không tha thứ cho vị linh mục, và đối xử tồi tệ với giáo dân, vì khi một linh mục đối xử tồi với người tín hữu: dân Thiên Chúa không thể chấp nhận điều này và họ không tha thứ cho vị linh mục. Những điều khác, những yếu đuối khác, những tội khác…được thôi, điều đó không đúng nhưng con người tội nghiệp này ở một mình, là điều này…Và người dân sẽ tìm cách biện minh cho tội lỗi của vị linh mục. Nhưng sự lên án của họ thì không mạnh hay không kiên quyết: dân Thiên Chúa có thể hiểu điều này. Đi theo thần tài dẫn vị linh mục đến trở thành người đứng đầu một công ty hay một hoàng tử hoặc chúng ta có thể thậm chí lên cao hơn nữa…”
Đức Giáo Hoàng tiếp tục nhắc về những thần tượng, những mẫu tượng mà vợ của Gia-cóp là Rachel đã cất giấu, như là một ví dụ của sự dính bén đến những thứ vật chất này.
“Thật là buồn khi thấy một vị linh mục mà vào cuối đời của vị ấy, vị linh mục ở trong tình trạng đớn đau, vị linh mục ở trong tình trạng hôn mê và người thân của vị ấy thì lại giống như những con quạ, tìm xem họ có thể lấy đi thứ gì. Chúng ta hãy dành niềm vui này cho Thiên Chúa, một sự xét lại lương tâm của chúng ta cách thật sự. ‘Lạy Chúa, Ngài là Chúa của con hay thứ này – giống như Rachel – những thứ tượng được cất giấu trong tâm hồn tôi, thứ ngẫu tượng tiền bạc này?’ Và hãy can đảm: hãy can đảm. Hãy chọn lựa. Số tiền đủ thì giống như số tiền của một người làm việc trung thực, số tiết kiệm đủ giống như của một người làm việc trung tín nhất. Tất cả những lợi ích tài chính này thì không được phép, đây là ngẫu tượng. Xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta ân sủng về sự nghèo nàn Kitô Giáo”.
“Xin Thiên Chúa”, Đức Giáo Hoàng kết thúc, “ban cho chúng ta ân sủng về sự nghèo nàn của người lao động, nhưng người làm việc và có được một mức lương công bằng này và những người không tìm thêm gì nữa”.
Joseph C. Pham (Theo Vatican Radio)
3 điều giúp Kitô hữu sống vui tươi
Chân đứng trên mặt đất và mắt hướng về Trời cao
Có ba điểm để tham chiếu về hành trình người Kitô. Thứ nhất là ký ức. Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ rằng, Người sẽ đến Galilê trước các ông. Galilê là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Để trở thành Kitô hữu, mỗi người cũng có ký ức có kỷ niệm về lần đầu tiên ấy, lần đầu tiên gặp gỡ Chúa. Trong ký ức, không chỉ có lần đầu tiên, mà cuộc gặp gỡ vẫn tiếp diễn nhiều lần sau đó.
Điểm tham chiếu thứ hai là cầu nguyện. Khi Chúa lên trời, Chúa xa cách chúng ta về thể lý, nhưng Người luôn gân gũi chúng ta và luôn cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Người tỏ cho chúng ta thấy Chúa Cha, Người cũng cho chúng ta thấy cái giá Người phải trả để cứu độ chúng ta. Thế nên, chúng ta cần nguyện xin ân sủng để chiêm ngưỡng Thiên Đàng, để trong cầu nguyện, chúng ta thấy Chúa đang lắng nghe chúng ta và ở cùng chúng ta.
Điều thứ ba là thế giới. Trong bài Tin Mừng ngày Lễ Chúa Lên Trời, trước khi Chúa rời xa các môn đệ, Chúa nói: Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Hãy đi: nơi chốn của người Kitô hữu là khắp thế gian để loan báo Lời Chúa, để tuyên xưng rằng chúng ta được cứu độ, rằng Chúa đã đến để ban ơn cho chúng ta, và để đưa chúng ta về với Chúa Cha.
Ký ức, cầu nguyện và sứ mạng
Tương ứng với ba nơi chốn: Galilê, Thiên Đàng và thế giới, là ba điều quan trọng: ký ức, cầu nguyện và sứ mạng. Một Kitô hữu phải tiến bước trong ba chiều kích ấy.
Xin ơn về ký ức: đó là đừng quên giây phút tôi được chọn, đừng quên giây phút tôi gặp gỡ Chúa. Tiếp đến là cầu nguyện, là mắt hướng về Trời, vì ở nơi đó Chúa đang chuyển cầu cho chúng ta. Thứ ba là ra đi thực thi sứ mạng. Chúng ta phải ra đi để sống và làm chứng cho Tin Mừng và làm cho mọi người nhận biết Chúa Giêsu. Nếu không thực thi những điều Chúa nói, thì chúng ta sống đâu khác gì người ngoại đạo.
Đời sống người Kitô tràn đầy niềm vui
Nếu chúng ta sống trong ký ức, cầu nguyện và thực thi sứ mạng, cuộc sống chúng ta sẽ tốt đẹp và tràn đầy niềm vui. Đây là câu cuối mà Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay: ngày đó các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con sẽ không ai lấy mất được, ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa. Không ai có thể lấy mất niềm vui của chúng ta, vì chúng ta khắc ghi cuộc gặp gỡ với Chúa, bởi vì chúng ta chắc chắn rằng Chúa Giêsu ở trên Thiên Đàng đang chuyển cầu cho chúng ta, và trong cầu nguyện, tôi can đảm nói rằng: tôi có thể ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, để bằng chính cuộc sống của tôi mà làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại và vẫn đang sống.
Ký ức, cầu nguyện, sứ mạng. Nguyện xin Chúa ban ân sủng để chúng ta hiểu được những điều ấy trong đời sống người Kitô, để đời sống chúng ta tươi vui, tràn ngập niềm vui, và không ai có thể lấy mất khỏi chúng ta niềm vui ấy.
(Tứ Quyết SJ, RadioVaticana 26.05.2017)
Tha thứ đến tận cùng
Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe chỉ vỏn vẹn bốn câu vắn vỏi. Bốn câu này nằm trong bối cảnh sau khi các môn đệ thắc mắc với Chúa Giêsu về luật Môsê. Đây là bản chỉ nam, kiện toàn luật Môsê mà Chúa muốn dạy các môn đệ của Ngài.
Trang Tin Mừng hôm nay, nằm trong phần chính của Bài Giảng trên núi… Trước mỗi lời dạy, Thánh sử Matthêu luôn có câu mở đầu “ Anh em đã nghe luật dạy rằng mắt đền mắt, răng đền răng, còn Thầy, Thầy bảo anh em đừng chống cự người ác….” Ý muốn nói : sự công chính của các môn đệ phải vượt lên trên cả cách giải thích lề luật theo lối truyền thống, nghĩa là luật mới, luật của Chúa Giêsu khác xa hẳn luật cũ và có thể gọi là đi ngược lại những gì mà thế gian cho là khôn ngoan, là công bằng.
Trong chương 5, Tin Mừng Matthêu có chủ đề là Bài giảng Trên núi, chương này gồm những chủ đề nhỏ nhằm giáo huấn các môn đệ, những sứ giả của Tin Mừng, Không phải cùng một lúc hay trong một thời điểm mà Chúa Giêsu giảng dạy các điều này, nhưng ý tác giả muốn thu gom và dàn dựng toàn bộ lời nói của Chúa Giêsu để giúp cho đời sống Cộng đoàn của Ngài.
Chúa Giêsu khởi sự nhắc các môn đệ về luật báo thù, “Anh em đã nghe Luật dạy : Mắt đền mắt, răng đền răng…”, luật báo thù này của người xưa căn cứ trên việc ăn miếng trả miếng, nghĩa là nếu có ai đó đã làm thiệt hại bạn, thì hãy làm hại lại người ta như vậy, hoặc bắt họ đền bù sao cho tương xứng với sự thiệt hại mình đã chịu.
Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài có lối hành xử tốt hơn : “Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác”. Chúa Giêsu đã xóa bỏ nguyên tắc của luật báo thù, vì dù có hạn chế và được kiểm soát kỹ đến đâu đi nữa, thì việc báo thù cũng không khi nào có chỗ đứng trong đời sống Kitô giáo.
Tha thứ không phải là một sự nhu nhược hèn kém, nhưng là một sự cố gắng để vượt lên trên những tự ái kiêu căng, để làm chủ bản thân khỏi những phàn ứng của bản năng, để sống cao thượng, độ lượng. Tha thứ cũng không có nghĩa là làm ngơ trước những sai lầm của người khác, nhưng là tìm cách giúp họ nhận ra sai lầm và giúp họ chỉnh sửa lại cuộc sống, cho họ có cơ hội để làm lại từ đầu.
Tha thứ cũng không chỉ là tạm quên những gì người khác xúc phạm đến mình, mà là phải xóa hẳn khỏi tâm trí của ta những bực bội những nghĩ ngợi về những tổn thương người khác gây cho mình, và còn phải đi một bước xa hơn đó là chủ động đi bước trước để làm hòa và nối lại tình nghĩa đã sứt mẻ, chữa lành dấu vết của tổn thương.
Hơn thế nữa Lời Chúa trong bài đọc một hôm nay muốn chúng ta sống yêu thương tha thứ vì một lý do sâu xa hơn cao quý hơn đó là vì mỗi chúng ta là con cái Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chúng ta là Đấng Thánh. Vì là con cái của Đấng Thánh, chúng ta sẽ không thể đế cho những cách cư xử của thế gian làm vấy bẩn phẩm giá thánh thiêng của mình, và vì tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, nên chúng ta cần tôn trọng phẩm giá và địa vị thánh thiêng của nhau và cùng giúp nhau nên thánh: Các người phải thánh thiện vì Ta, Đức Chúa Thiên Chúa của Các ngươi là Đấng Thánh. Các ngươi không được để lòng giận ghét anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách nó…Các ngươi không được óan hận, trả thù, nhưng phải yêu thương như anh em như chính mình. Vì Ta là Đức Chúa.
Tuy nhiên, với thời gian, lời dạy của Chúa đã bị người Do Thái uốn nắn và bóp méo, họ đã tìm cách thỏa mãn cho sự nóng giận, báo thù của mình khi đưa ra luật: Mắt đền mắt, răng đền răng mạng đền mạng, có nghĩa là luật cho phép được trả thù thương xứng 1-1. Nhưng Chúa Giêsu đã không chấp nhận sự trả thù như thế, Ngài đòi chúng ta phải tha thứ, không báo oán nhưng: Nếu ai bị vả má bên phải thì hãy đưa cả má bên trái ra nữa.
Lời này khiến cho nhiều người băn khoăn: Như thế có phải là sự thách thức hay nhu nhược không? Chúa Giêsu Không muốn thách thức người khác, nhưng đối với người Do Thái, khi vả má bên phải là cố ý làm nhục, còn khi yêu thương người ta “nựng nhau, chúc lành cho nhau” bằng tát nhẹ lên má bên trái. Như thế Chúa Giêsu muốn chúng ta phải biến đổi chính mình và biến đổi kẻ thù của mình biến người khác từ sự thù oán trở thành yêu thương, biến chính mình trở nên dễ thương trong mắt người khác. Còn hơn thế nữa, Chúa muốn chúng ta càng phải quảng đại hơn dù khi bị người khác ghét bỏ: Ai xin thì hãy cho, ai muốn vay mượn thì đừng từ chối.
Trong cuộc sống thường ngày: yêu người mình yêu, thích người mình thích, hoặc yêu người yêu mình, thích người thích mình, đó là chuyện bình thường ai cũng có thể làm được, kẻ xấu cũng có thể làm được, kể cả một số loài vật cũng có thể làm được, thế nhưng hãy yêu kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho kẻ bách hại ngược đãi mình là một đòi hỏi không đơn giản, không dễ dàng, mà chỉ những ai ý thức về địa vị phẩm giá thánh thiêng của mình mới có thể làm được.
Thế nhưng đó lại là một đòi hỏi quyết liệt của Chúa Giêsu, và đòi buộc này đã trở thành điểm sáng trong Giáo lý của Chúa và khiến cho lời dạy và đòi buộc của Chúa khác với các tôn giáo khác. Phải yêu thương tha thứ cho người khác vì họ cũng được Thiên Chúa yêu thương, và vì họ cũng là con Thiên Chúa, như thế tức là yêu thương tha thứ vì Chúa và vì Thiên Chúa vẫn không ngừng ban ơn và che chở họ,Ngài cho mưa xuống trên người tốt và kẻ xấu, cho mặt trời soi sáng kẻ lành và kẻ gian.
Hãy bắt đầu từ việc yêu thương và tha thứ cho chính bản thân mình, vì một khi ta không thể tha thứ cho mình, thì ta cũng không thể tha thứ cho người khác được. Tha thứ cho mình không phải là dung túng sai lầm của mình, nhưng là khiêm tốn để nhìn thấy sự giới hạn của mình, biết phục thiện để sửa chữa. Kế đến là hãy tập để biết yêu thương tha thứ cho vợ chồng cho con cái, dỡ bỏ hàng rào nghi kị giận dỗi.
Hãy tha thứ cho con cái, cho con dâu, con rể khi có những bất hòa bất đồng để tạo nên một bầu khí gia đình đầm ấm yên vui. Đừng để lòng để dạ chấp nhất con cái, hãy kiên nhẫn để dạy bảo, hãy quảng đại để yêu thương và cho con cái có cơ hội để sửa chữa và thay đổi. Hãy quảng đại yêu thương, tha thứ và làm những điều tốt lành.
Kinh thánh dạy cho chúng ta thấy Chúa bị nguyền rủa mà Ngài không nguyền rủa lại, cứ phó mình cho Đấng phán xét chí công. Có quyền gây thiêt hại và trả thù là chính Chúa, nhưng Chúa đã không làm huống chi chúng ta là con cái Ngài. Việc cho áo trong áo ngoài, việc đi thêm vài dặm… cũng vậy. Khi làm vậy, không phải là để khuyến khích thêm tội ác. Nhưng hãy đem tinh thần yêu thương bác ái ra mà xử sự. Lối trả thù thua đủ, cãi vã, kiện tụng chỉ là oán chồng oán mà thôi, bạn hóa thành thù nhân.
Chúa Giêsu thiết định nét mới rất quan trọng để mở rộng luật Môsê : Nguời môn đệ Chúa Giêsu không bao giờ thù hận, không được tìm cách báo thù cho dù đó là một sỉ nhục có tính toán và độc ác. Người môn đệ Chúa Giêsu không bao giờ bám vào quyền lợi, cả quyền lợi pháp lý lẫn quyền lợi đương nhiên được hưởng ; không bao giờ nghĩ đến việc làm theo ý mình, nhưng nghĩ đến việc mở rộng lòng yêu thương, nâng đỡ. Người môn đệ Chúa Giêsu thì luôn nghĩ ra được cách sáng tạo trong sự phục vụ trao ban.
Vậy ra tình yêu mới là căn bản của sự sống. Sống mà có tình yêu, đấy mới là sống thật trong Chúa.
Huệ Minh
Recent Comments