Archive | October 2018

Halloween: nguồn gốc và những cảnh giác

e94fef62-c7ab-456c-add7-36906c86c82d-large16x9_ThinkstockPhotos490082526

Vào ngày này, các bạn trẻ thi đua mặc những bộ đồ kỳ quái tự sáng chế hay được may sẵn để vui chơi và cũng để “nhát ma” người khác. Ở nhiều nơi, các người tham dự lễ hội không mặc những đồ ma quái, mà thay vào đó là những bộ cánh của các nhân vật xuất hiện trong phim ảnh như Batman, Superman, Peter Pan v.v.. hay đơn giản hơn là những trang phục giả làm các thứ rau quả trái cây hay những con thú. Dù gì đi nữa, ngày lễ đang dần thu hút sự quan tâm của giới trẻ vì nó khuyến khích giới trẻ sáng tạo để vui chơi giải trí. Nhiều người không thích lễ hội này vì họ đã từng kinh nghiệm những cảnh rùng rợn hay bị kinh hãi quá độ vì những trò nhát ma. Có lẽ nhiều người đã không biết về nguồn gốc tôn giáo của lễ hội này, và họ chắc phải ngạc nhiên lắm khi thấy lễ hội đã đi quá xa cái nguồn cội của nó.

Halloween là từ rút gọn của “All Hallows Eve” trong tiếng Anh, nghĩa là “ngày vọng trước ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ”. Từ “hallow” ở đây đồng nghĩa với holy = thánh. Trước thế kỷ X, Lễ Các Thánh được cử hành vào ngày 13 tháng 5 trong mùa Phục Sinh. Thời đó, dân xứ Celtic mừng ngày đầu năm mới vào ngày 1 tháng 11, lúc họ đã thu hoạch xong mùa màng và chuẩn bị cho mùa đông tới. Như dân Việt Nam mừng Tết Nguyên Đán, họ cũng có hội hè long trọng và những nghi thức tưởng nhớ những người đã khuất. Vào năm 835, Giáo hội mới dời ngày lễ các thánh tới ngày 1 tháng 11 với chủ ý biến ngày lễ hội đầu năm của người Celtic thành một ngày lễ Công Giáo.

Việc cầu nguyện cho người chết và niềm tin phục sinh thật ra đã có trong thời Cựu Ước (2 Macabê, 44-46). Khi ấy, dân Do Thái đã tin rằng việc cầu nguyện và dâng hiến lễ vật sẽ làm đẹp lòng Chúa và giúp cho người chết được sống lại. Tập tục đó vẫn được tiếp tục qua thời Tân Ước, khi cộng đoàn các tín hữu tập hợp lại, cử hành nghi thức bẻ bánh và đồng thời nghe lại những câu chuyện sống đạo anh hùng của các thánh tử đạo, hay còn gọi là những chứng nhân anh dũng của đức Tin (từ ‘martyr’ trong tiếng Hy Lạp nghĩa là chứng nhân), dù đã chết nhưng vẫn không tách rời khỏi Nhiệm Thể Chúa Kitô. Dần dần, các cộng đoàn mở rộng việc tưởng nhớ đến những tín hữu đã tử vì đạo nhưng không được biết tới, và đến những tín hữu là chứng nhân sống Tin Mừng nhưng không tử đạo mà sau này thánh Phanxicô Salê gọi họ là các thánh nhân.
Riêng về Lễ Cầu Cho Các Linh Hồn, năm 1048, một tu viện trưởng đã đề xướng cử hành lễ này vào ngày 2 tháng 11 như một liên kết và một nối dài hợp lý hợp tình cho Lễ Các Thánh Nam Nữ. Trước đó, các giáo hội địa phương không có một thánh lễ cầu chung cho các linh hồn, nhưng chỉ cử hành thánh lễ hằng năm vào ngày lễ giỗ cho một người nào đó đã qua đời. Chỉ bắt đầu vào thế kỷ thứ VII, các tu viện mới có lệ cử hành thánh lễ cầu hồn hằng năm cho tất cả những tu sĩ đã chết và lệ đó đã phổ biến ra giáo dân. Vì thế ngày nay, giáo hội dùng hai lễ này để nhắc nhở cho tất cả các tín hữu, còn sống hay đã chết, được hợp nhất với nhau trong một nhiệm thể, và ngày lễ vọng cho hai Lễ Các Thánh và Lễ Các Linh Hồn chính là ngày lễ hội Halloween.

Khi phong trào Cải Cách bắt đầu vào thế kỷ XVI, những người Tin Lành đã dần bác bỏ tín điều các thánh thông công và tập tục cầu nguyện cho người chết. Từ đó, ngày vọng Lễ Các Thánh Nam Nữ (Halloween) không còn cái ý nghĩa nguyên thủy của nó nữa. Halloween đã bị thương mại hóa và biến thành một lễ hội trần tục như Lễ Giáng Sinh. Lễ hội đã mất tính thánh thiêng và người tham dự lễ hội không còn biết đến những vị thánh tốt lành, những mối tương quan gắn bó giữa người sống và người chết cũng như vận mệnh của con người. Lễ hội Halloween ngày nay đã khoác một hình thức mới vang vọng âm hưởng của những ma thuật hay những tập tục mê tín dị đoan về người chết đã có trước thời Kitô giáo.

Bởi thế, các bậc cha mẹ lo lắng khi thấy con mình đang rục rịch chuẩn bị cho ngày hội Halloween. Có nên cho phép hay cấm cản chúng đi chơi với bạn bè trong ngày lễ hội này? Có nên để chúng giả trang thành ma quỷ hay những nhân vật quái đản để hù dọa hay làm kinh hãi người chung quanh? Đã có những ý kiến của các chuyên gia, chẳng hạn cha Joan Maria Canals (L’Osservatore Romano, số báo 30/10/2009), cho rằng lễ hội Halloween ngày nay bằng phim ảnh, đồ trang trí, quần áo hoá trang đang đầu độc giới trẻ bằng cách đưa chúng tiếp cận những hình ảnh phù thủy, thần tiên và một thế giới đầy ma thuật với những cảm giác kinh hãi và chết chóc. Giáo hội Công Giáo tại Ý đã kêu gọi tẩy chay cái lễ hội cổ vũ cho văn hoá tử thần và đã bị thương mại hoá, đồng thời kêu gọi các tín hữu về nguồn bằng cách có những hoạt động lành mạnh hơn và đúng với ý nghĩa của hai ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Các Linh Hồn.

Thế nhưng thật là khó cho cha mẹ để nói không với con cái mình khi chúng muốn tham gia lễ hội Halloween, vì đối với chúng lễ hội thật là vui, thật là cuốn hút với những trò chơi vui nhộn, và những lối trang điểm hay mặc trang phục thật lạ mắt, đầy sáng tạo tuy đôi lúc cũng làm cho chúng sợ. Quyết định cho các con tham dự hay không tham dự là tuỳ vào cha mẹ và tuỳ vào hoàn cảnh của từng gia đình, cũng như nội dung của các hoạt động được tổ chức trong ngày đó. Tuy nhiên, điều quan trọng trước tiên mà Cha mẹ cần làm là hướng dẫn cho các con ý nghĩa đích thực của ngày lễ này. Tiếp đến, dạy cho chúng biết cách sống đạo trong mối liên hệ với Thiên Chúa, và dạy cho chúng về sự khác biệt giữa văn hoá sự sống và văn hoá tử thần, về sự hiện diện và hoạt động của ma quỷ. Hãy dạy cho chúng tránh xa những hành động xúc phạm đến Thiên Chúa như cúng kiến quỷ ma, hay cầu cơ lên đồng.

Nhiệm vụ của Cha Mẹ là giữ cho con trẻ được an toàn, giữ sao cho chúng khỏi bị tổn thương tinh thần vì những cảnh quá kinh hãi. Thêm vào đó, cha mẹ có thể giúp con cái lựa chọn những trang điểm, trang phục thích hợp và những nơi có các hoạt động lành mạnh cho ngày lễ này. Lễ hội Halloween được tổ chức mỗi nơi mỗi khác, vì thế, các bậc cha mẹ có thể lâm vào những hoàn cảnh không biết phải quyết định sao, trong trường hợp đó, hãy cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần và đừng quên hỏi ý kiến các linh mục hay người thân quen có kinh nghiệm và uy tín.

Lucas Khổng Kim Quang

Sau hai vụ tự tử, các linh mục tự hỏi về “bầu khí nghi ngờ”

Ngày thứ hai 22 tháng 10 – 2018

sau-hai-vu-tu-tu-cac-linh-muc-tu-hoi-ve-bau-khi-nghi-ngo

150 linh mục ở Bourgogne họp ở Paray-le-Monial trong một khóa đào tạo. Vụ linh mục ở giáo phận Orléans tự tử vừa xảy ra cách đây hai ngày, một tháng sau khi một vụ khác xảy ra ở giáo phận Rouen đã là đề tài của các câu chuyện trao đổi.

Giáo sư François Chiron môn thần học tín điều ở Đại học công giáo Lyon mở tờ giấy nhỏ và đọc câu hỏi ẩn danh: “Làm thế nào sống trong một xã hội không nhận biết sự đặc biệt của mình và cũng không tin vào đó?” Cả phòng im lặng. Ngày thứ hai 22 tháng 10, 150 linh mục thuộc bốn giáo phận Bourgogne về họp ở Paray-le-Monial để theo khóa đào tạo đặc biệt có chủ đề: “Linh mục cho giáo xứ truyền giáo”. Mở đầu linh mục Chiron bình giải: “Ngày nay chiều kích đau khổ tinh thần của Chúa Kitô không còn nữa, mà, sự xấu hổ là sự thương khó Chúa Kitô phải chịu trong những ngày Phục Sinh. Nhưng để trả lời thẳng thắn vào câu hỏi: trong những ngày này, khi chúng ta đi trên xe lửa, người dân nhìn chúng ta với ánh mắt nặng nề và khinh bỉ, tôi không sống dưới chân giá trị linh mục của tôi, vì tôi nhớ Chúa Kitô, Đấng bị cho là kẻ mạo danh, kẻ tội phạm.”

Vào giờ giải lao, ở công viên Chapelains, mặt trời tháng mười chói sáng và lá mùa thu đã bắt đầu đổi màu, các cuộc thảo luận tiếp tục tốt đẹp. Trong đầu tất cả các linh mục là vụ bi thảm xảy ra ở giáo phận Orléans hai ngày trước đó, thứ bảy 20-10 linh mục Pierre-Yves Fumery 38 tuổi kết liễu đời mình. Sự kiện trở nên bi thảm hơn vì cách đây một tháng, linh mục Jean-Baptiste Sèbe, cũng 38 tuổi đã tự tử ở giáo phận Rouen. Mỗi người đều liên quan đến một vụ có hành vi ứng xử “không phù hợp”; linh mục Sebe là với một phụ nữ trưởng thành khi sự việc xảy ra, linh mục Fumery là với cô tuổi vị thành niên – các sự việc chưa dẫn đến việc truy tố -. “Trượt ngã”, “lỗi đạo đức”, “hạnh kiểm không thích ứng”: đó là những chữ được Tổng Giám mục giáo phận Rouen và Orléans dùng để nói với báo chí, không phải là không khó khăn khi nói để tránh các nhầm lẫn với nhiều vụ tai tiếng ấu dâm khác được báo chí đưa ra trong mấy tháng gần đây.

Với hàng loạt khám phá, đã có một bầu khí nghi ngờ chung chung và nhiều linh mục càng ngày càng cảm thấy khó để chịu đựng. Ở nhà ăn của trung tâm, nơi hàng trăm linh mục đến ăn trưa, Tổng Giám mục Hervé Giraud giáo phận Sans-Auxerre cho biết: “Nhiều linh mục đến nói với tôi: ‘Bây giờ bất cứ một ánh mắt nhìn nào, chúng tôi cũng bị buộc tội, bị lên án.” Một lát sau, trong giờ giải lao giữa hai giờ học, cầm ly cà phê trên tay, hai người trong số họ hào hứng thảo luận. Nhưng khi hỏi họ về vụ tự tử của hai linh mục vừa qua thì gương mặt họ nhăn lại, nụ cười méo xệch. “Chúng tôi cũng đang nói về chuyện này…” Và họ bắt đầu nói, chúng tôi có cảm tưởng như hai linh mục giáo phận Dijon này đang muốn nói, đang muốn trút hết cảm xúc đang dâng đầy tràn.

Một xã hội hoàn toàn suy yếu

Người đầu tiên mặc áo chùng cổ la mã, gương mặt còn rất trẻ, cha mới chịu chức ba tháng. Đó là linh mục Jean-Philippe Nollé 27 tuổi, cha không sợ phải nói thẳng. Cha nói: “Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên về hai vụ tự tử này. Tôi nghĩ cuộc sống hiện nay của các linh mục không được thăng bằng. Một yếu tố quyết định, đó là tình bằng hữu. Mà bây giờ, trong bối cảnh hiện nay, các tình bạn này luôn bị nghi ngờ. Với cha Fumery thì cuộc điều tra cho thấy không có gì đáng trách về mặt hình sự. Và cha tự tử để xin lỗi về điều này! Điều làm cho tôi khó chịu là có một bầu khí nghi ngờ hiện nay chung quanh các linh mục, mà cũng có nghi ngờ giữa các linh mục và giám mục và người ta đang đổ dầu thêm cho chuyện này.”

Linh mục Mathieu Delestre bạn của cha Nollé hơn cha Nollé 20 tuổi cũng tìm cách để hiểu. Chủ đề sáng nay về tương quan giữa linh mục và quyền uy làm cha suy nghĩ: “Ngày nay trên khía cạnh thể chế mà quyền uy của linh mục dựa trên đó không còn là là điểm quy chiếu chính. Bây giờ, quyền uy này dựa trên nhân cách, trên ảnh hưởng của linh mục nhiều hơn. Vì thế nên khá mất quân bình. Như thế ‘phải xác định vị trí mình là linh mục, nhưng cuối cùng giáo dân lại đòi hỏi mình phải là một người thiện cảm, làm vui lòng họ hơn là thuần túy một linh mục, như thế có những lúc làm cho chúng tôi bị cám dỗ… đến cái chết, cuối cùng là vậy. Việc trong một tháng có hai vụ tự tử thì thật hãi hùng. Tôi khá choáng’, linh mục thở dài, rõ ràng cha bị sốc nặng. Tuổi 38 của các linh mục này không phải là không quan trọng, cha nói tiếp: “Việc bước qua tuổi 40 không hiển nhiên vậy. Chúng ta bị xô ngã qua một phần đời mà phải thấm nhập vào chiều kích ‘một ngày nào đó sẽ kết thúc’. Tôi ý thức chuyện này vì tôi làm tuyên úy bệnh viện trong vòng chín năm, tôi thấy nhiều người sắp chết vì ung thư.”

Một linh mục khác rụt rè đến gần. Cha cũng muốn tham dự thảo luận. Đó là linh mục Patrick Royonnais, 27 năm chịu chức, gần đây cha được bổ về giáo phận Sens-Auxerre, cha cũng muốn tìm hiểu thái độ tận căn của hai linh mục này: “Tất nhiên điều này nằm trong bối cảnh của một tình trạng mong manh của hàng giáo sĩ. Nhưng bất cứ ai tin một chút vào những gì mình làm và đối diện với chính sự mơ hồ của hạnh kiểm của mình khi bị đưa ra giữa nơi công cộng… Làm sao chịu đựng được hình ảnh mình bị xuống cấp đến như thế? Điều này đã xảy đến cho tôi một lần, tôi không biết mình phải phản ứng như thế nào.”

Cha cũng vậy, cha tự hỏi về sự khó khăn hiện nay để hiểu địa vị linh mục của mình: “Theo tôi, điều làm cho chúng tôi mong manh, đó là sự bế tắc giữa con người thật của mình và con người linh mục. Từ sau Công đồng Vatican II, chúng ta có hai cách nhìn đối chọi nhau. Một mặt là cái nhìn hơi “thiêng liêng” về linh mục; một mặt là tầm nhìn của linh mục trong việc phục vụ cộng đoàn.” Linh mục mặc “áo thường” hơi bối rối trước các linh mục trẻ mặc áo chùng mang cổ la-mã: “Khi tôi vào chủng viện giáo phận Lyon, lúc đó còn 1200 linh mục. Có tối đa 20 linh mục mặc áo chùng hay mang cổ la-mã. Bây giờ chúng tôi chỉ có 240. Nếu chúng tôi có mười người không mang dấu hiệu tôn giáo đặc biệt, đó là tối đa. Về khía cạnh bản sắc thì đây là chuyện ngược lại. Khi có ít linh mục, chúng ta nghĩ khẳng định căn tính của mình thì sẽ tốt hơn. Khi căn tính là con đường được chọn để đi ra khỏi cái bẫy xấu… thì tôi nghĩ nó không mạnh lắm.”

Lời giải phóng

Nhưng trước khi suy nghĩ lại về vai trò và cương vị linh mục, thì phải làm gì để đi ra khỏi bầu khí ngờ vực chung chung mà bây giờ đè nặng trên hàng giáo sĩ? Trong lần họp khoáng đại ở Lộ Đức vào ngày 3 tháng 11 sắp tới, các giám mục Pháp sẽ bàn thảo về một ủy ban điều tra độc lập về nạn ấu dâm trong Giáo hội. Theo Tổng Giám mục Hervé Giraud giáo phận Sens-Auxerre, “nếu có một ủy ban thì phải có một cái gì thật sự được quyết định chung: các hiệp hội nạn nhân, các giám mục và chúng ta đồng ý, với sự đóng góp của các chuyên gia độc lập chẳng hạn. Phải lên một hình thức đồng ý chung”. Tuy nhiên ý kiến “phơi bày tất cả” làm cho một số người e ngại. Linh mục Grégoire Drouot, tổng đại diện giáo phận Autun cho biết: “Ở một số lớn giáo phận đã có ban lắng nghe. Phải có một ủy ban thêm? Tôi không biết. Đôi khi mong muốn rọi ánh sáng trên tất cả sự việc, tôi không nói đó là xấu, nhưng tôi tự hỏi.”

Tổng Giám mục Hervé Giraud nhấn mạnh: “Thỉnh thoảng tôi nghe một vài linh mục và giáo dân nói: ‘Đừng nói về chuyện này nữa, chúng ta đã nói quá nhiều’. Nhưng là giám mục, tôi buộc phải nói làm sao để lời được giải thoát. Ngày 15 tháng 9 vừa qua, Tổng Giám mục Giraud đã đề nghị trong giáo phận của ngài nên có giờ đọc lectio sách thánh và đi bộ ở Vézelay, rồi đọc ở Auxerre thư của Đức Phanxicô gởi cho dân Chúa, cùng với ban lắng nghe của giáo phận. Khi đó mỗi giáo dân được mời đến thảo luận với giám mục hay với ban lắng nghe. Từ đó năm người, chính họ là nạn nhân của các vụ lạm dụng đã viết cho ngài. Giám mục Hervé Giraud ghi nhận: “Chúng tôi còn quá rụt rè. Phải tìm các phương tiện để lời được giải phóng nơi những người chưa có thể nói lên. Vậy, phải dành thì giờ riêng cho mỗi nạn nhân. Và không thể nào lấy đi lời của những người mà tôi không biết.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: Phanxico

Hôn nhân và Gia đình theo kế hoạch của Thiên Chúa

Ngày 15-1-1981, Hội Đồng Giám Mục Thụy Sỹ công bố thư mục vụ tựa đề: ”Hôn Nhân và Gia Đình theo kế hoạch của Thiên Chúa”.

33 năm trôi qua kể từ ngày ấy, nhưng tính chất thời sự và tầm quan trọng của vấn đề vẫn giữ nguyên. Xin giới thiệu nội dung thư mục vụ.

Năm nay, trong lá thư mục vụ bàn về Hôn Nhân và Gia Đình, chúng tôi muốn trình bày với anh chị em cách hết sức vắn gọn, một vài điểm quan trọng và tiêu biểu nhất mà khóa họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới vừa qua đã bàn đến. Như anh chị em rõ, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã nhóm họp vào mùa thu 1980 và đã cùng nhau bàn thảo và học hỏi cách sâu rộng về vấn đề: Vai trò của Gia Đình Kitô trong thế giới hiện đại.

1. Ý nghĩa và tầm quan trọng của phái tính con người

Giữa những xôn xao giao động của xã hội chúng ta, hơn bao giờ hết, người nam và người nữ cần tìm hiểu cách sâu rộng về ý nghĩa của phái tính. Bởi vì, trong một thế giới mà các quyền lợi vật chất được đặt lên hàng đầu, thì, phái tính thường cũng chỉ được xem như là một vật dụng cho sự tiêu thụ mà thôi.

Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta cố gắng tìm xem Thiên Chúa có ý định nào trên phái tính, và từ đó khám phá ra ý nghĩa thâm sâu của nó.

Khi nói về hai người nam và nữ đầu tiên trong nhân loại, Sách Sáng Thế ghi: ”Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài, theo hình ảnh Ngài mà con người được tạo dựng, người nam và người nữ cùng được Thiên Chúa tạo thành” (1,27).

Khi tạo thành con người – nam và nữ – Thiên Chúa muốn diễn tả một sự phong phú xuất phát ngay từ chính Tình Yêu của Ngài. Thật vậy, Thiên Chúa là sự thông hiệp giữa 3 Ngôi Vị Thần Linh, một thông hiệp trong Tình Yêu, trong dâng hiến hỗ tương, hoàn hảo và được tồn tại mãi. Về phía con người, phái tính ghi rõ đặc tính của con người cách toàn vẹn. Được gắn liền với tình yêu, phái tính là một cách thức mở rộng với người khác. Nó là lời mời gọi trao ban chính mình cho kẻ khác và cho Thiên Chúa.

Mỗi một người – bất luận là nam hay nữ – đều được mời gọi dấn thân tự hiến với trọn sức lực của mình cho Thiên Chúa và cho người khác. Sự độc thân chỉ là một luật trừ và có cách thức diễn đạt riêng của nó. Trong hôn nhân, chính sự kết hợp vợ chồng diễn tả sự trao ban trọn vẹn, duy nhất và không bao giờ bị thu hồi trở lại giữa hai người.

Vậy thì, trong chương trình của Đấng Tạo Hóa, phái tính là một món quà tuyệt diệu và quý hóa mà Thiên Chúa trao tặng mỗi người để giúp con người biết dùng nó như phương tiện thông hiệp với người khác trong cộng đoàn nhân loại.

2. Thiên Chúa là trung tâm điểm của Tình Yêu

Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, người nam và người nữ phải theo gương Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: “Anh chị em hãy tìm bắt chước Thiên Chúa như những người con yêu dấu, và đi theo con đường của Tình Yêu, con đường mà Đức Chúa GIÊSU đã vạch trước, khi Ngài yêu thương và tự dâng hiến đời mình cho chúng ta” (Êphêxô 5,1).

Khi nói về các đôi vợ chồng Kitô trong lá thư viết cho giáo hữu thành Êphêxô, thánh Phaolô cũng mời gọi các đôi vợ chồng tìm cách bắt chước Tình Yêu của Đức Chúa GIÊSU dâng hiến cho Giáo Hội và tình yêu của Giáo Hội dâng hiến cho Đức Chúa GIÊSU.

Trong trái tim con người, TÌNH YÊU là một cái gì cao quý bắt nguồn từ Thiên Chúa và phản ảnh Tình Yêu đã kết hợp 3 Ngôi Vị Thần Linh làm một: Tình Yêu của một quảng đại hoàn toàn và tuyệt đối, Tình Yêu của một trao ban và thông hiệp toàn vẹn. Chính hình ảnh của Tình Yêu hoàn hảo này phải là mẫu mực đo lường cho mọi tình yêu nhân loại, và đặc biệt là tình yêu của người nam dành cho người nữ trong đời sống vợ chồng.

Tuy nhiên, nó sẽ là lý tưởng không thể thực hiện được, nếu Thiên Chúa không phải là trung-tâm-điểm của mọi tình yêu nhân loại. Chính Ngài bồi bổ cho tình yêu và cùng lúc, thanh lọc các ích kỷ không ngừng bành trướng và đe dọa tình yêu. Yêu nhau, không có nghĩa là người ta tránh được mọi căng thẳng, mọi hiểu lầm và mọi đụng chạm gây thương tích. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ để chúng ta chiến đấu một mình. Ngài luôn hiện diện để giúp chúng ta biết tha thứ và không ngừng làm lớn mạnh tình yêu.

3. Sức sáng tạo của TÌNH YÊU

Thiên Chúa là Tình Yêu và là Sự Sống. Sự Sống và Tình Yêu nơi Thiên Chúa là hai thực trạng không bao giờ tách rời nhau. Tình yêu nhân loại phản ảnh cho Tình Yêu này, cũng phải luôn luôn là nguồn phát sinh sự sống.

Tác giả Sách Sáng Thế Ký, sau khi nói người nam và người nữ được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, đã thêm: ”Thiên Chúa chúc phúc cho hai người và nói: Hãy sinh sản và làm cho đông đúc” (2,18).

Tuy nhiên sự lưu truyền sự sống không duy chỉ có nghĩa là làm phát sinh một đời sống khác, mà còn bao gồm cả việc giáo dục con cái, sự triển nở của đôi vợ chồng, sự dấn thân trong Giáo Hội và trong xã hội, tìm mở mang và phát triển mọi đời sống con người về cả hai phương diện vật chất và tinh thần.

Trong bài diễn văn đọc ngày 15-11-1980, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên bố về vấn đề kế hoạch hóa gia đình như sau: ”Tôi biết rằng, trong xã hội ngày nay, các khó khăn thường rất lớn: trách vụ gay go, đặc biệt là đối với người đàn bà, nhà ở chật chội; vấn đề tài chánh và sức khoẻ là những ưu tư rất lớn cho các gia đình đông con và thường là một trở ngại cho vấn đề muốn có đông con cái. Vì thế tôi kêu gọi mọi giới hữu trách, các thành phần có thế lực trong xã hội, hãy làm hết sức có thể để giúp đỡ các gia đình. Nhưng trước tiên, tôi muốn đánh thức lương tâm và trách nhiệm riêng của từng người trong anh chị em. Trước mặt Thiên Chúa, với trọn ý thức về trách nhiệm, anh chị em hãy chọn một quyết định về số con cái. Điều đó có nghĩa là vấn đề kế hoạch hóa gia đình luôn tôn trọng các nguyên tắc luân lý và đạo đức”.

Thực vậy, các đôi vợ chồng thường phải đương đầu với rất nhiều khó khăn cụ thể .. Mà các khó khăn này chỉ có thể giải quyết trong một đối thoại cởi mở với vị cố vấn tinh thần, trong sự cầu nguyện và trong sự lãnh nhận các bí tích. Qua những phương thế hữu hiệu đó Thiên Chúa thường thông ban sức lực và lòng nhân từ của Ngài cho hết mọi người yếu đuối như chúng ta.

4. Phận vụ tiên tri của Gia Đình nhân loại

Trong một thế giới mà mọi người ít quen biết nhau và sống lạnh lùng bên cạnh nhau, thì thường gia đình là nơi bảo vệ cho tình thân thiện, là nơi biểu lộ nhiều mối giây liên lạc thân tình. Nhưng làm thế nào để đáp ứng với đòi hỏi thích đáng này nếu gia đình không cố gắng, mỗi ngày một hơn, trở thành một nơi dành riêng cho sự đối thoại?

Đối thoại giữa các nhân vị, trước tiên giữa vợ chồng với nhau. Một đối thoại vừa tình cảm, vừa lý trí và vừa có tính cách siêu nhiên, mà chóp đỉnh là sự trao hiến thân xác cho nhau. Chính GIA ĐÌNH tạo bầu khí thích hợp cho đứa trẻ học hỏi thế nào là sống cởi mở với kẻ khác và cùng lúc có thể tự nẩy nở, phát triển.. Gia Đình còn là nơi mà đứa trẻ phải được học sống yêu thương, sống chú ý đến người khác, sống kính trọng kẻ khác và những đức tính cần thiết đi kèm với một kỷ luật giúp nẩy sinh đức tự chủ. Với tất cả các ưu điểm trên, gia đình quả thật là khung cảnh lý tưởng đầu tiên cho việc giáo dục con em. Nhưng vượt trên mọi đối thoại hàng ngày giữa cha mẹ và con cái là sự đối thoại của mọi phần tử trong gia đình với Thiên Chúa: Đấng hiện diện, sống động và là nguồn phát sinh mọi cuộc đối thoại.

Sau cùng, là sự đối thoại giữa mỗi gia đình với toàn gia đình nhân loại và với Cộng Đoàn Kitô Giáo. Sự đối thoại này giúp cho mỗi phần tử trong xã hội lớn dần và rồi sẵn sàng đảm nhận, thông chia trách nhiệm với nhau mà không sợ bị chèn ép hay bóp nghẹt.

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 1980 đã bàn thảo cách sâu rộng về các vấn đề thuộc phạm vi GIA ĐÌNH, Hôn Nhân và Phái Tính, và đã nhấn mạnh rằng, giá trị căn bản cho tất cả mọi vấn đề là mối liên hệ thân tình, sự đối thoại ngay chính giữa lòng gia đình, tình yêu hỗ tương, sự lưu truyền sự sống trong hôn nhân, và sau cùng là sự cởi mở với kẻ khác và với Thiên Chúa .. Lời Chúa sẽ mạc khải cho chúng ta hiểu ý nghĩa thâm sâu của các giá trị nhân bản.

Cầu mong Thiên Chúa ban cho chúng ta sự quảng đại của TÌNH YÊU và sức mạnh dũng cảm sống trong thế giới hiện đại, để chúng ta trở thành những nhân chứng chân thực và hùng hồn cho TÌNH YÊU của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

… Thiên Chúa phán: ”Chúng Ta hãy làm ra con người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”.
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ”Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (Sách Sáng Thế 1,26-28).

(”La Documentation Catholique”, n.1806, 63ème Année, 19 Avril 1981, trang 384-385)