Archive | March 2018

Tây Ban Nha treo cờ rũ để tưởng niệm Chúa chịu chết

Trong thông cáo được công bố hôm thứ Ba 27 tháng Ba, 2018 bà Maria Dolores Cospedal, Bộ Trưởng Quốc Phòng Tây Ban Nha cho biết tất cả các cơ quan của Bộ Quốc phòng nước này, các doanh trại quân đội và các cơ sở khác của lực lượng vũ trang tại quốc nội và hải ngoại sẽ treo cờ rũ để tưởng niệm Chúa chịu chết.

tay-ban-nha-treo-co-ru-de-tuong-niem-chua-chiu-chet-2

 

Trong thông cáo, Bộ Quốc Phòng cho biết tất cả các cơ quan, đơn vị, căn cứ, doanh trại bao gồm tòa nhà Bộ Quốc phòng ở Madrid sẽ hạ cờ từ 2 giờ chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh đến 0h01 sáng Chúa Nhật Phục Sinh “như truyền thống” tưởng nhớ cái chết của Chúa Kitô trong Tuần Thánh này.

Bộ Quốc Phòng giải thích rằng thực hành này đã bắt đầu từ vài thập kỷ qua và “là một phần trong truyền thống thế tục của lực lượng vũ trang”.

Quân đội Tây Ban Nha sẽ tham dự 152 cuộc diễu hành và lễ kỷ niệm trong Tuần Thánh tại 80 thành phố trên khắp đất nước trong năm nay, bao gồm Seville, Granada, Madrid và quần đảo Canary.

Bộ Quốc phòng nhấn mạnh rằng Bộ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các quân nhân, và sự tham gia của các thành viên lực lượng vũ trang vào các sự kiện này là hoàn toàn tự nguyện.
Source – Catholic Herald – Spanish flags to fly at half-mast to mark death of Christ
Nguồn tin: Vietcatholic

Thật buồn khi thấy trẻ em không biết làm Dấu Thánh Giá

Trong bài đọc trích thư gửi cho ông Timothe, thánh Phaolo chỉ cho chúng ta ba cách để tuyên xưng Chúa Kitô. Đó là: làm con, làm chứng nhân, và làm mẹ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Thật buồn khi thấy trẻ em không biết làm Dấu Thánh Giá
Luôn có một chút điên dại nào đó khi loan báo Tin Mừng

Từ ngữ thứ nhất là: làm con. Thánh Phaolo đã xúc động chảy nước mắt khi nhớ tới và viết thư cho Timothe. Thánh nhân gọi Timothe là người con yêu dấu, khi ngài nhớ tới đức tin trung thành của Timothe. Khi công bố Tin Mừng, thánh Phaolo đã thực hiện với lòng can đảm, đã không làm giảm sứ điệp theo kiểu nói nửa sự thật.

Chính thánh Phaolo nói: Lời rao giảng này thật là điên rồ. Là điên rồ, vì thánh nhân rao giảng về một vì Thiên Chúa đã trở thành con người, đã chịu chết đóng đinh trên thập giá, và đã sống lại. Những điều này thánh nhân công bố cho dân thành Athen. Khi nghe Phaolo nói, người ta bảo rằng: Thôi, chuyện này để ngày mai chúng tôi sẽ nghe. Luôn luôn như thế, lời loan báo về đức tin luôn có chút điên dại. Đức tin là như thế, không hề tầm thường chút nào.

Nếu thiếu chứng nhân thì lời rao giảng mất đi sức mạnh

Từ ngữ thứ hai là: chứng nhân. Đức tin được thông truyền qua các chứng nhân, qua đời sống của những con người sống đức tin. Giống như người ta nói về các Kitô hữu đầu tiên rằng: Xem kìa, họ sống yêu thương nhau làm sao!

Hôm nay, trong mỗi giáo xứ, có ai đó đến, nghe và nói điều này điều nọ. Thay vì nói rằng, họ yêu thương nhau, thì lại nói họ đang hại nhau. Và như thế, miệng lưỡi là con dao được dùng để nói xấu vu khống nhau. Làm thế nào để có thể thông truyền đức tin trong một bầu không khí hư hỏng như thế? Không thể được, vì đức tin luôn cần có chứng nhân. Người ta không nói rằng: Hãy nghe người ấy nói! Nhưng người ta sẽ nói: Hãy nhìn kìa, hãy xem các việc bác ái, hãy xem người ấy đi thăm viếng người ốm đau bệnh tật, tại sao người ấy lại làm như thế? Người ta sẽ tự hỏi rằng: Tại sao người ấy sống như thế? Với đời sống chứng nhân ấy, đức tin sẽ được thông truyền. Bởi vì, trong đời sống ấy có đức tin. Bởi vì đời sống ấy có dấu vết của Chúa Giêsu.
Thật buồn khi thấy trẻ em không biết làm Dấu Thánh Giá - Ảnh minh hoạ 2

Giáo Hội là người mẹ cưu mang đức tin

Từ ngữ thứ ba là: làm mẹ, làm bà. Đức tin được cưu mang từ cung lòng Giáo Hội là mẹ. Vào thời kỳ độc tài và rất khó khăn về chính trị xã hội, có người nữ tu Albania nọ đi dọc theo bờ sông. Các lính canh cho phép Sơ đi lại một chút như thế, vì nghĩ rằng Sơ chẳng thể làm được gì nguy hại. Biết được điều ấy, các bà mẹ rất nhạy bén, họ biết được khi nào người nữ tu ấy được ra ngoài và đi lại bên bờ sông. Thế là các bà mẹ đã bí mật ẵm con đến để Sơ có thể ban bí tích rửa tội bằng nước sông ấy. Đó là một câu chuyện điển hình.

Tôi tự hỏi mình rằng, các mẹ các bà bây giờ có còn giống nhưng người mẹ người bà được thánh Phaolo nhắc tới trong bài đọc hôm nay hay không? Thánh nhân viết trong thư cho Timothe rằng: Cha nhớ lại đức tin trung thành của con, đức tin mà bà ngoại của con là Lois đã có trước, rồi đến mẹ của con là Eunile. Ngày nay các bà các mẹ có còn thông truyền đức tin chân thành cho con cái hay không? Có người sẽ nói: nhưng các con các cháu sẽ đi học giáo lý! Tôi rất buồn khi nhìn thấy những đứa trẻ không biết làm Dấu Thánh Giá.

Và thay vì làm Dấu Thánh Giá, các em chỉ biết rằng, đó là một nghi thức cử chỉ vẽ vẽ vậy thôi. Bởi vì các bà các mẹ đã quên dạy các em điều ấy. Biết bao lần tôi nghĩ về những gì được dạy để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân, chuẩn bị cho cô dâu, cho người sắp làm mẹ. Liệu có cần dạy họ về cách thông truyền đức tin hay không? Chúng ta hãy cầu xin Chúa, để Ngài dạy chúng ta sống chứng nhân, cách thông truyền đức tin.

Tứ Quyết SJ

Lịch sử và ý nghĩa cuả nghi lễ Rửa Chân

Những năm vừa qua, nhiều người đã bỡ ngỡ khi nhìn thấy ĐGH rửa chân cho tù nhân, cho phụ nữ và cho cả những người ngoại đạo nữa (một cô gái Hồi Giáo). Thế rồi năm nay một sắc lệnh đã ban ra là từ nay các giáo xứ có thể rưả chân cho phụ nữ, trẻ em vv…

lich-su-va-y-nghia-cua-nghi-le-rua-chan
Có ngươì đã than phiền rằng ĐGH đi quá đà, quá ‘cấp tiến’!

Căn cứ vào bài phúc âm được đọc trước nghi thức Rửa Chân, kể lại việc Chuá Giêsu rửa chân cho 12 môn đệ, thì rõ ràng là cha xứ, đại diện cho Chuá Giêsu, rửa chân cho 12 chức sắc quan trọng cuả giáo xứ, là đại diện cho 12 môn đệ!

Các môn đệ đều là đàn ông, cho nên một phụ nữ lạc lõng vào danh sách 12 vị này, thì khó coi làm sao!

Thực ra những than phiền đó, dù là được nói ra hay chỉ là thầm kín ở trong lòng, thì cũng chỉ là do ngộ nhận mà thôi, và có thể được giải toả nếu nhìn đến hai khía cạnh sau đây: ý nghĩa và lịch sử cuả nghi lễ Rưả Chân.

I. Ý nghĩa.

Xã hội Việt Nam không có tục lệ rửa chân, và hầu như mọi người ngày nay không có ai còn nhớ về những lễ nghi trước năm 1955, là trong một thời gian dài khoảng 400 năm, nghi lể rửa chân đã bị tàn lụi. Năm 1955 Giáo Hội tái lập lại ‘nghi thức Rửa Chân’ với một hình thức là sau khi đọc bài Phúc âm cuả thánh Gioan (John 13:1-7 ), vị thày cả cửi áo choàng và rửa chân cho 12 người.

Cho nên chúng ta hiểu về nghi lễ rửa chân qua bài Phúc âm mà Chuá rửa chân cho 12 môn đệ, do đó dễ dàng nghĩ rằng nghi lễ mà các cha xứ cử hành là việc diễn lại sự tích rửa chân cuả Chuá.

Nhưng nghi lễ rửa chân không phải là việc ‘diễn lại một sự tích’!

Chúng ta đều biết rằng trước giờ chiụ nạn, Chuá đã để lại cho các môn đệ 2 lệnh truyền. Lệnh truyền thứ hai nhưng lại cao trọng nhất là bí tích Thánh Thể “Này là Mình Ta…Này là Máu ta… Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.

Nhưng trước đó Chuá đã ban cho một lệnh truyền khác, đó là sau khi rửa chân cho các môn đệ xong, Chuá nói “Các ngươi có hiểu ta đã làm gì cho các ngươi không? …Vậy nếu Ta là Thầy, là Chuá, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng phải rửa chân cho nhau…”

Chuá nói “các ngươi cũng phải rửa chân cho nhau” chứ không nói “hãy diễn lại sự tích này” hay là hãy “thay mặt Ta mà làm việc này”.

Cho nên khi một vị linh mục rửa chân cho giáo dân, là chính vị linh mục đó thực hiện nghĩa cử bác ái yêu thương và nhân đức khiêm nhường, chứ không phải chỉ tạm thời đóng vai cuả Chuá qua một nghi lễ.

Nghĩ thấu đáo về ‘lệnh truyền’ ấy, thì mọi giáo dân cũng phải rửa chân cho nhau nữa. Có một số giáo phái Tin Lành đã làm như vậy.

Do đó ‘nghi lễ rửa chân’ không chỉ là rửa chân theo vẻ bề ngoài mà phải là ‘thi hành lệnh truyền cuả Chuá về đức bác ái, thương yêu và khiêm nhường’. Mà thực thế, sách Phụng Vụ cuả Giáo Hội không gọi nghi lễ này là ‘Rửa Chân’ như người Việt Nam ta, mà goị là ‘Mandatum,’ nghĩa là ‘thực hành điều Chuá ra lệnh’.

Nhưng để cho dễ hiểu, chúng tôi vẫn xin dùng từ ngữ quen thuộc là ‘Rửa Chân’ nhưng xin được hiểu hai chữ đó là ‘việc thực hành lệnh truyền cuả Chuá’ (Mandatum).

II. lịch sử cuả Rửa Chân.

Có nhiều bằng chứng ghi chép về sự thực hành này ngay từ thuở sơ khai cuả lịch sử Giáo Hội, có bằng chứng là rõ ràng vì được ghi chép là ‘rửa chân’ nhưng cũng có những bằng chứng thuộc loại ‘gián tiếp’ , nghĩa là chúng ta phải giả sử là đúng vì không có cách giải thích nào khác hơn.

-Bằng chứng đầu tiên là trong Thư Thứ Nhất gửi cho Timothê, thánh Phao lô đề cập đến việc ‘rửa chân cho các thánh’ (ghi chú: Thánh Phaolô gọi các giáo hữu là thánh) khi giảng dậy về các nhân đức cuả các bà goá (cf. 1 Tim. 5:10). Chúng ta có thể kết luận rằng việc rửa chân đã được thực hiện như là một nhân đức, nhưng chưa phải là một nghi lễ, do đó không có ghi chép về nghi thức một cách rành mạch rõ ràng.

-Khoảng năm 381-384, một khách hành hương đến Jerusalem tên là Egeria đã ghi chép một ngày lễ đặc biệt tưởng niệm Bữa Tiệc Ly cuả Cộng đoàn Kitô hữu ở đây. Egeria cho biết việc tưởng niệm Bữa Tiệc Ly được tổ chức tới 3 lần trong một ngày, lần thứ nhất vào buổi sáng, lần thứ hai lúc 4g chiều, và lần thứ 3 lúc 7g tối. Một cách gián tiếp chúng ta có thể biết rằng việc ‘rửa chân’ là một sự việc rất quan trọng (vì cử hành làm một buổi lễ 4g chiều) trong ngày Thứ Năm Phục Sinh.

-15 năm sau đó lại có tài liệu cuả thánh Augustinô, đề cập đến 2 lễ nghi trong ngày Tiệc Ly (thư thứ nhất gửi cho Januarius). Thánh Augustinô viết rằng lễ thứ hai thì quan trọng hơn, vì là lễ Truyền Phép Thánh Thể sau bữa ăn tối. Tuy không nói rõ lễ thứ nhất có mục đích rửa chân nhưng chúng ta có thể ‘gián tiếp’ tin là việc rửa chân đã được thực hành trong lúc này.

-Sau Thánh Augustinô, thì có việc xuất bản hai cuốn sách Lễ goị là Armenian Sacramentary (in năm 450) và Capitulary of Wurzburg (in năm 675.) Cả hai cuốn sách lễ đã thay bài thánh kinh Thứ Năm Tuần Thánh từ Tin Mừng cuả Thánh Matthew thành tin mừng cuả Thánh Gioan (giống như ngày nay). Như vậy thì ‘lệnh truyền rửa chân’ đã được ‘nhấn mạnh’ thêm lên vì chúng ta đều biết rằng chỉ trong tin mừng cuả thánh Gioan mới có câu chuyện Chuá rửa chân cho các môn đệ.

-Vào năm 694, vua Egica cuả dân Visigoth đã triệu tập Công Đồng Toledo (ngày xưa các Công đồng đều do các hoàng đế triệu tập). Trong 8 điều luật mà công đồng tuyên bố thì có điều sau đây: “Việc rửa chân trong ngày lễ Tiệc Ly đã bị bỏ bê ở nhiều nơi, vậy từ nay phải được thực hiện lại ở khắp mọi nơi.” Điều luật trên cho thấy ‘tục lệ’ rửa chân vẫn là ‘hằng có,’ nhưng sự thực hành đang bị bê trễ, cho nên Công Đồng nhìn thấy nhu cầu cần phải ra lệnh bắt buộc.

Dầu sao thì cho tới đây, ‘Rửa Chân’ vẫn chỉ được coi là một tục lệ hay là một nhân đức chứ chưa được nâng lên thành một nghi lễ có nghi thức rành mạch rõ ràng. Phải đợi tới thế kỷ thứ 7 người ta mới tìm thấy những chứng cớ chắn chắn là việc Rửa Chân đã trở thành một nghi lễ.

-Vào thế kỷ thứ 7, thì cuốn luật có tên là “Roman Ordo in Coena Domini” (Luật La Mã trong lễ Tiệc Ly) có ghi chép những nghi thức cuả Giáo Hoàng rửa chân cho các người giúp lễ như thế nào.

Lúc này thì dòng Biển đức đã toả rộng ra khắp âu Châu, và có nhiều học giả đã cho rằng nghi thức Rửa Chân đã được hình thành theo cách thức cuả các dòng Biển đức.

Theo bộ luật dòng cuả thánh Biển đức (năm 529), thì người đan sĩ đang thi hành nhiệm vụ đầu bếp trong tuần nên thực hiện việc rửa chân cho các đan sĩ khác vào mỗi thứ Bảy; bộ luật cũng chỉ thị rằng vị đan viện trưởng và những vị đồng nhiệm cũng phải rửa chân cho những người được coi là khách. Việc rửa chân này là một nghi thức đạo đức và phải đi kèm với những lời kinh nguyện và những bài hát thánh thi, bởi vì, bộ luật nói thêm “chính ở nơi người khách mà Chúa Kitô được tôn vinh và được nhận ra”. (trích dẫn Bách Khoa Tự Diện Công Giáo (The Catholic Encyclopedia) )

Sang đến thế kỷ thứ 8 thì có sự việc các nhà dòng Biển Đức ở bên Anh Quốc viết lại bộ luật lấy tên là Constitutions of Lanfranc of Canterbury, mục đích là để cho các việc thực hành ở bên Anh được ăn khớp với nhửng thực hành cuả các dòng Biển Đức ở bên đất liền (Pháp), nhờ có bộ luật này mà chúng ta biết thêm về những thực hành cuả việc Rửa Chân lúc đó như sau:

Trong ngày thứ Năm Tuần Thánh, một nhóm người nghèo sẽ được dẫn vào đan viện và đặt ngồi thành một hàng. Các đan sĩ sẽ đi vào đứng trước từng người một, còn vị đan viện trưởng thì đứng trước 2 người nghèo. Vị đan sĩ niên trưởng sẽ đập lên một thanh khắc 3 lần, và các đan sĩ sẽ quì gối xuống trước người nghèo, tuyên xưng việc Chuá Kitô đang hiện diện nơi họ. Rồi rửa chân cho họ, hôn chân, và lấy khăn lau khô. Sau cùng các đan sĩ sẽ gập mình xuống, khấu đầu vào chân người nghèo. Những người nghèo được dâng lên trà nước và được tặng 2 đồng bạc pences. Buổi lễ kết thúc với lời chúc lành cuả vị đan viện trưởng.

Nghi lễ Rửa Chân ở một đan viện vẫn chưa kết thúc ở đó, sau khi các người nghèo đi về rồi, các đan sĩ sẽ tụ họp trong nguyện đường để thực hiện một lễ rửa chân thứ hai. Vị đan viện trưởng và đan sĩ niên trưởng, mặc áo thô, sẽ quì trước từng đan sĩ mà rửa chân, lau khô và hôn chân họ. Sau đó hai vị đan viện trưởng và niên trưởng sẽ rửa chân cho nhau.

Việc rửa chân 2 lần như thế đã ảnh hưởng lên các nghi lễ áp dụng cho giáo hoàng. Từ thế kỷ thứ 11 cho tới thế kỷ thứ 14, sách lễ cuả giáo hoàng (Roman pontifical liturgy) ấn định 2 việc rửa chân, một cho giáo sĩ (clerical Mandatum) và một cho người nghèo (Mandatum of the poor). Trước tiên, vị giáo hoàng sẽ rửa chân cho các vị đồng tế (subdeacons) trong một buổi lễ công cộng, sau đó tại phủ giáo hoàng, ngài rửa chân cho 13 người nghèo trong một khung cảnh riêng tư.

Tới thế kỷ 15 thì không hiểu vì lý do gì, nghi thức rửa chân cho người nghèo không còn được đề cập đến nữa, nhưng tới năm 1600 thì sách lễ cuả giáo hoàng, được gọi là ‘Ceremoniale Episcoporum of 1600’ (Nghi lễ cuả Giáo Hoàng năm 1600) ấn định rằng từ nay có thể ‘tuỳ chọn’ 13 người nghèo hoặc là 13 giáo sĩ cho buổi lễ công cộng.

Có học giả cho rằng chính các đan sĩ Biển Đức đã cải biến tục lệ rửa chân trở thành một nghi lễ phụng vụ. Ông Boniface, sáng lập ra trang web Unam Sanctam Catholicam, lập luận rằng vì ảnh hưởng cuả dòng Biển đức lan toả ra khắp Châu Âu và họ có nhiều giám mục cũng như giáo hoàng nổi tiếng về văn học và biện luận, như thánh Augustino Canterbury và Thánh Giáo Hoàng Gregory I (còn gọi là Gregory the Great). Nhưng xin ghi nhận đây chỉ là một giả thuyết mà thôi.

-Nhưng dù lịch sử có như thế nào chăng nữa thì từ đầu thế kỷ thứ 8, năm 700, đã có tài liệu về ‘nghi lễ rửa chân’ áp dụng vào sách lễ giáo dân, nghĩa là không còn là một nghi lễ dành riêng cho Giáo Hoàng mà thôi, đó là hai cuốn sách Lễ tên là Gelasian Sacramentary và Gregorian Sacramentary, đều có nghi thức rửa chân trong Lễ Thứ Năm Tuần Thánh.

Nhưng dù được đưa vào sách lễ, lúc đó Giáo Hội vẫn cho phép các nơi được tuỳ chọn chứ không bắt buộc, do đó mà nghi thức ‘Rửa Chân’ (Mandatum) còn cần một thời gian nhiều thế kỷ nữa trước khi được phổ biến rộng rãi ra khắp mọi giáo xứ.

III Những áp dụng và lạm dụng

Trong nhiều thế kỷ, nghi lễ rửa chân đã gợi hứng cho nhiều triều đình cuả các nước Kitô giáo.

-Vua Robert II cuả nước Pháp (trị vì 996-1031) có lần thực hiện một lễ rửa chân cho 160 giáo sĩ.

-Nữ thánh Elizabeth cuả nước Hung Gia Lợi (nữ vương), mỗi năm rửa chân cho 12 người cuì.

Nhưng ngoài những hành vi thánh thiện, cũng có những sự thực hành rửa chân chỉ mang tính cách phô trương mà thôi.

Tác giả James Monti trong cuốn sách The Week of Salvation đã diễn tả một cảnh huy hoàng cuả một lễ rửa chân trong triều Tây Ban Nha vào lúc gần tàn như sau (1874 – 1885):

Sau khi dự lể tại nguyện đường trong cung điện xong, vua và hoàng hậu ngự giá qua phòng đại sảnh có tên là Hall of Columns, thường là vào khoảng 2 giờ chiều. Vua Alfonso XII mặc áo đại triều với đầy đủ huân chương trong khi hoàng hâu Maria Christina với chiếc áo lông và áo choàng gợn sóng, một khăn phủ đầu trắng tuốt và vuơng niệm nạm kim cương chiếu sáng lóng lánh.

Ở giửa đại sảnh là hai cái thềm; một cái ngồi 12 ông lão nghèo, đã được nhà vua may cho áo mới; Trên chiếc thềm khác ngồi 12 bà lão, cũng trong những bộ áo mới do hoàng hậu ban cho.

Có một chiếc bàn thờ nhỏ với Thánh Giá và hai ngọn nến. Đức Giám Mục, chức vụ tổng giám mục vùng biển Indies, bước tới bàn thờ và đọc bài Phúc âm cuả Thánh Gioan, nói về việc Chuá rửa chân cho các môn đệ.

Sau phúc âm, người ta cột một dây lưng cho đức vua, một chiếc dây nạm vàng óng ánh để biểu hiệu cho chiếc khăn mà Chuá cột vào mình. Rồi đức vua bước lên thềm, với một người phụ tá bưng theo một chiếc bình vàng (đựng nước) và một thau vàng hứng nước. Vua bèn quì xuống trước từng ông lão, rửa chân, lau chân và hôn chân ông ta.

Cũng vậy, hoàng hậu cũng quì và rửa chân cho những bà nghèo. Người ta kể lại ngày xưa khi Nữ Hoàng Isabella II (trị vì 1833-1868) đã làm rớt một chiếc vòng ngọc xuống thau nước, và người phụ nữ được rửa chân đã vội vớt nó lên mà dâng lại, nhưng nữ hoàng nói :”Dơ bẩn dơ bẩn, giữ lấy nó đi, đó là điềm may mắn cuả bay.”

Sau đó nhà vua dẫn 12 lão già tới một chiếc bàn có dọn sẵn một bữa tiệc hải sản 15 món, có 15 loại tráng miệng và một hũ rượu. Cũng vậy hoàng hậu dẫn 12 lão bà tới một chiếc bàn khác và cũng đãi họ như nhà vua. Sau khi ăn xong, tất cả đồ ăn còn thừa, cùng với chén bát muỗng đĩa loại đắt tiền, được gói vào trong 24 cái giỏ lớn để cho mỗi người có thể mang về làm cuả, đồng thời mỗi người còn nhận được một túi tiền có 12 đồng vàng nữa.

IV Sự mai một và tái lập

Cũng vì những lạm dụng chỉ nhằm vào việc phô trương như thế mà Martin Luther đã cực lực chế nhạo đó là một hình thức giả hình. Rồi phong trào Thệ Phản ra đời, và như thế từ năm 1600 cho đến đầu thế kỷ 20 thì những nghi lễ rửa chân ‘tuỳ chọn’ dần dà bị người ta ‘tránh né’ đi. Tới năm 1900 thì hầu như không có giáo xứ nào còn cử hành nghi lễ này nữa.

Và Giáo Hội lại phải ‘tái lập’ nghi lễ đó vào năm 1955 như đã nói ở trên.

Tóm lại, qua ý nghiã và lịch sử cuả nghi thức Rửa Chân, đã không có khi nào mà những người được rửa chân được coi là đại diện cho các thánh tông đồ cả, và cũng chưa khi nào thể thức chỉ được dành riêng cho nam giới hay cho người có đạo mà thôi. Việc chúng ta rửa chân cho những người tù, người nghèo, đàn bà mang thai, phụ nữ Hồi Giáo vv… thì không có gì là ngược với giáo huấn cuả hội thánh hay ngược với ý nghĩa hoặc thể thức cuả ‘Lệnh Truyền’ cả, và như thế thì việc các giáo xứ chọn những người được rửa chân làm sao cho có sự phản ảnh cuả thành phần dân Chuá cũng là một sự hợp lẽ nên làm.

(Trần Mạnh Trác, VCN 21.03.2016)

Vào nhà một người mạnh

Lời Chúa: Mc 3, 22-30

22 Khi ấy, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ : “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được ? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền ; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

28 “Tôi bảo thật anh em : mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”.30 Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”

Suy Niệm

Thân nhân của Đức Giêsu đã tưởng Ngài bị mất trí (c. 21),

nhưng có thể họ không nghĩ Ngài bị quỷ ám,

dù trong thế giới ngày xưa, mất trí thường bị coi là do quỷ ám.

Các kinh sư đến từ thủ đô Giêrusalem có thái độ quyết liệt hơn nhiều.

Họ tố cáo Đức Giêsu là người bị quỷ ám,

không phải quỷ thường, mà là quỷ vương Bê-en-dê-bun.

Hơn nữa, họ cho rằng Ngài trừ quỷ nhờ dựa thế của quỷ vương (c. 22).

Lời tố cáo trên đây của những kinh sư thật là nghiêm trọng,

vì ai dựa thế như vậy là thông đồng với quỷ, có thể bị xử tử.

Đức Giêsu đã trả lời tố cáo này bằng hai hình ảnh về Nước và Nhà.

Đức Giêsu nhìn nhận sự hiện diện

và hoạt động của Nước Xatan trong thế gian này.

Nước này có tôn ti trật tự, được lãnh đạo bởi quỷ vương,

đó là Xatan hay Bê-en-dê-bun, kẻ cầm đầu các quỷ nhỏ (c. 22).

Xatan muốn bành trướng Nước của mình trong thế giới loài người.

Nó sai các quỷ nhỏ đi khắp nơi lôi kéo mọi người chẳng trừ ai.

Theo thánh Inhaxiô, Xatan thường cám dỗ ta theo ba bước :

từ sự ham muốn của cải, đến hư danh thế gian, và cuối cùng là kiêu ngạo,

rồi sau đó đi đến mọi nết xấu khác (Linh Thao 142).

Như thế Xatan khôn khéo đánh bẫy và trói buộc con người.

Đức Giêsu đã không bắt tay với Xatan để đuổi các quỷ cấp dưới.

Ngài tấn công trực diện vào Nước của Xatan,

phá đổ Nước này và khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11, 20).

Cuộc chiến không dễ dàng và còn kéo dài đến tận thế.

Thế giới hôm qua cũng như hôm nay được ví như một ngôi nhà.

Tiếc thay ngôi nhà đó ít nhiều đã bị Xatan cưỡng đoạt.

Xatan chính là kẻ mạnh đã biến ngôi nhà đó thành của mình (c. 27).

Nhưng Đức Giêsu lại là người mạnh hơn (Mc 1, 7).

Người mạnh hơn đã trói kẻ mạnh lại và tước đoạt những gì nó đã chiếm.

Tước đoạt chính là giải thoát những ai bị Xatan cầm giữ,

và trả lại cho họ quyền làm chủ đời mình, quyền sở hữu căn nhà của họ.

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tấn công Xatan.

Ngài không ngừng chinh phục thế giới này cho Thiên Chúa,

và mời chúng ta cộng tác để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.

Nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa mà Đức Giêsu trừ quỷ (Mt 12, 28),

nên ai bảo Ngài trừ quỷ nhờ quỷ vương Xatan hay Bê-en-dê-bun,

thì xúc phạm đến Thánh Thần, coi Thánh Thần như thần ô uế (c. 30).

Đức Giêsu không phải là người có thần ô uế.

Ngài có đầy ắp Thánh Thần trong mọi lời nói việc làm.

Chỉ ai cố chấp, bướng bỉnh mới không nhận ra điều đó.

Mọi tội lỗi đều có thể được thứ tha (c. 28),

trừ tội khép lòng từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

Làm sao giúp con người hôm nay mềm mại mở ra

để nhận thấy Thánh Thần vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội ?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Một Luật Sư Quận Cam trở thành Linh Mục

Một Luật Sư Quận Cam trở thành Linh Mục
Linh mục Trần Đình Văn Quân – Linh mục Công giáo thuộc Giáo phận Orange, California
Tôi làm Luật sư gần 12 năm và 10 năm trong số đó tôi làm Phó Biện lý Quận Cam ở California. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một linh mục! Nhưng Chúa đã biết cả trước khi tôi chào đời và đã cho tôi được làm linh mục. Tôi đã phải trải nghiệm cuộc sống, hẹn hò, và làm việc trước khi sẵn sàng để nghe và đáp trả lời mời gọi của Người.

 

Sự quan phòng của Chúa đã làm việc trong ơn gọi của tôi trước khi tôi sinh ra. Khi ông nội tôi được mười hai tuổi, có một chuyện xảy ra đã làm thay đổi tất cả. Bà cố nội của tôi bệnh rất nặng và các bác sĩ đã không có hy vọng. Một ngày kia, khi ông cố nội của tôi đang đi bộ về nhà sau khi thăm bà trong bệnh viện, ông đi ngang qua Nhà thờ Công giáo Thánh Giuse. Mặc dù không phải là người Công giáo, nhưng vì tuyệt vọng, ông bước tới trước tượng của Thánh Giuse, ông quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện. Ông đã xin Thánh Giuse giúp vợ ông được bình phục. Ông hứa rằng nếu bà hồi phục, cả gia đình sẽ chuyển sang đạo Công giáo.

 


Đêm đó, ông bà cố nội tôi đã có cùng một giấc mơ. Họ đã mơ thấy một người đàn ông trông giống như Thánh Giuse đi vào phòng bệnh viện của bà, lấy đi ở phần bụng bà – bộ phận bị đau – và thay thế vào một cái mới. Buổi sáng hôm sau, bà đã được chữa khỏi hoàn toàn và các bác sĩ đã không thể tin được. Ông bà cố nội tôi chia sẻ giấc mơ họ đã có tối hôm trước và biết rằng qua Thánh Giuse bà cố nội tôi đã được chữa khỏi một cách kỳ diệu. Một thời gian ngắn sau đó, ông bà cố nội và ông nội của tôi đã chịu phép rửa tội theo đức tin Công giáo. Nếu không có phép lạ này, bây giờ gia đình tôi và tôi có thể không phải là người Công giáo!

 

Lớn lên, bà nội tôi là người sùng đạo nhất trong gia đình. Mặc dù bà chỉ theo đạo Công giáo khi bà kết hôn với ông nội tôi, nhưng chính bà lại là người duy trì việc thực hành đức tin sống động trong gia đình. Tôi đã gần bà khi lớn lên và bà đã dạy tôi làm Dấu Thánh Giá và những kinh cầu nguyện căn bản của Giáo hội như kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh và kinh Ăn năn tội. Bà đã dạy tôi cách xưng tội và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Bà nội tôi đã góp phần trong sự hình thành đức tin của tôi.

 

Mẹ tôi cũng đã theo đạo khi kết hôn với cha tôi. Lớn lên, chúng tôi là những người Công giáo “lãnh đạm”. Chúng tôi đã đến dự Thánh lễ Chúa nhật và nhận tất cả các bí tích căn bản – chủ yếu bởi vì sự khăng khăng của bà nội tôi. Trong gia đình tôi, tôi chưa bao giờ nghe có ai nói về một ơn gọi có thể có như chức linh mục hay đời sống tu sĩ. Thay vào đó lại nhấn mạnh về trình độ học vấn cao, có việc làm tốt với mức lương cao và có địa vị nữa.

 

Trong khi học Đại học, tôi không còn đi dự Lễ nữa. Những điều thế gian như vui chơi và đạt điểm tốt đã trở thành sự quan tâm của tôi; đức tin không phải là một ưu tiên. Điều này tiếp tục tiếp diễn khi tôi đang ở trường luật và cả khi tôi làm luật sư. Trong quá trình lược lại, tôi quyết định đi học tại trường luật. Tôi đã tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh về Tài chính nhưng không hứng thú làm việc trong lĩnh vực này. Vì vậy bước tiếp theo hợp lý là để có được một MBA hoặc là đi học luật. Thế rồi tôi quyết định học về luật pháp vì tôi nghĩ rằng nó sẽ cho tôi nhiều lựa chọn hơn.

 

Công việc đầu tiên của tôi khi ra trường luật là luật sư biện lý công chúng ở Bakersfield. Đó là một kinh nghiệm tốt nhưng tôi biết tôi không muốn sống ở Bakersfield trong suốt quãng đời còn lại. Vì vậy, tôi đã nộp đơn lên Văn phòng Luật sư Công cộng và Văn phòng Luật sư Quận tại Quận Cam, nơi tôi đã lớn lên. Văn phòng của D.A. đã cho tôi một cuộc phỏng vấn và sau đó là một đề nghị tuyển dụng, và tôi đã chấp nhận. Năm 1997, chuyển về Quận Cam và bắt đầu sự nghiệp của tôi với tư cách là công tố viên; Tôi vẫn chưa thực hành đức tin của mình. Tôi mua một căn nhà, một chiếc xe BMW và đã hẹn hò. Tôi đang tìm kiếm một người ưng ý để kết hôn và bắt đầu một gia đình. Nhưng Chúa đã có những kế hoạch khác.

 

Mãi cho đến khoảng năm 2001 tôi mới bắt đầu trở lại đi dự Thánh lễ thường xuyên. Lý do là vì tôi đang hẹn hò với một phụ nữ Công giáo tốt bụng, cô ta muốn tôi đi lễ với cô vào Chúa nhật và tôi đã làm như vậy. Đây là khởi đầu của cuộc hành trình trở về với Chúa. Tôi đã biết rất ít là cuối cùng nó sẽ dẫn tôi đến đâu.

 

Chúng tôi đã hẹn hò trong vài tháng nhưng mọi thứ đã không kết quả và chúng tôi chia tay. Nhưng tôi vẫn tiếp tục đi dự Thánh lễ mỗi Chủ nhật. Tôi tiếp tục hẹn hò với hy vọng gặp được “người duy nhất.” Trong khi đó, Chúa đã sử dụng những người xung quanh tôi để hướng tôi đến với chính Người và cho ơn gọi đích thực của tôi. Chỉ sau đó tôi mới hiểu được ai thực sự là “người duy nhất” đối với tôi. Vào đầu năm 2005, tôi gặp một người phụ nữ ở trong giáo xứ và chúng tôi bắt đầu hò hẹn. Cô cũng là một người Công giáo tốt và cô giới thiệu tôi với chuỗi Mân côi, tham dự Thánh lễ hàng ngày và Chầu Thánh Thể. Cô khuyến khích tôi trở thành một Thừa tác viên Thánh Thể và sau đó là đọc sách Thánh. Tôi đã phát triển trong đức tin và thật sự thực hành nó.

 

Đồng thời, lúc đó tôi cũng đang trải qua một số khó khăn trong công việc. Điều này khiến tôi bắt đầu suy nghĩ về sự lựa chọn khác. Tôi nghĩ về việc tìm một việc làm khác hoặc thậm chí thay đổi nghề nghiệp, và tôi bắt đầu tìm kiếm… Tôi nhận ra rằng thực sự tôi không thích làm công tố viên hoặc luật sư vì bất cứ lý do nào. Tôi bắt đầu suy nghĩ để tìm ra những gì tôi thực sự muốn làm với cuộc đời của mình. Tôi muốn làm điều gì đó mà tôi thích và đam mê, nhưng không có gì là đúng cả.

 

Trong tuyệt vọng tôi quay sang cầu nguyện (như ông cố nội tôi). Với đức tin mới tìm thấy, tôi đã đến gần Chúa và hỏi Chúa cho tôi biết điều tôi phải làm là gì? Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi không có lựa chọn dự phòng nào; quá trình lược lại đã dẫn tôi đến ngõ cụt.

 

Ngay sau khi cầu nguyện, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Người phụ nữ Công giáo mà tôi hẹn hò đã bất ngờ hỏi tôi một cách bâng quơ là có khi nào tôi nghĩ đến việc trở thành một phó tế vĩnh viễn không? Tôi nói với cô ấy rằng tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ tới việc trở thành một phó tế. Thậm chí tôi không biết phải làm gì để trở thành một phó tế, nhưng có lẽ nó đòi hỏi phải trở lại trường để học thêm, và tại thời điểm đó trong cuộc đời, tôi không hề muốn trở lại trường học. Nhưng hạt giống đã được gieo!

 

Không bao lâu sau, ba người khác hỏi tôi có khi nào tôi nghĩ đến việc trở thành một linh mục hay thầy phó tế không? Cho đến thời điểm này trong cuộc đời của tôi, không một ai đã từng hỏi tôi những câu hỏi như vậy. Tôi thấy rất tò mò vì trong vòng một tháng, sau khi tôi cầu nguyện, xin Chúa tiết lộ kế hoạch của Người cho tôi, bốn người khác nhau đã hỏi tôi xem tôi đã từng xem xét về chức linh mục hay thầy phó tế vĩnh viễn không? Tôi chưa bao giờ nghĩ đến ơn gọi và không biết phải làm gì để trở thành một phó tế hay một linh mục. Vì vậy, tôi bắt đầu kiếm trên mạng lưới để tìm hiểu thêm thông tin và tôi thấy mình như bị lôi cuốn về chức linh mục. Tôi thực sự không thể giải thích tại sao. Cảm giác này về chức linh mục là điều tôi đang tìm kiếm và đó là điều tôi muốn làm. Tôi càng suy nghĩ nhiều hơn về chức linh mục, thì nó càng cho tôi cảm giác bình an, niềm vui và có ý nghĩa. Tôi có cảm giác rằng đây chính là câu trả lời cho lời cầu nguyện của tôi.

 

Tôi đã rất phấn khởi và sợ hãi cùng một lúc. Có một cái gì đó mới lạ, một điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến trước đó. Nhưng sự cam kết và thay đổi trong đời sống thì rất lớn. Từ bỏ nghề luật là một chuyện, còn một điều khác nữa để từ bỏ, đó là khả năng không bao giờ có vợ và gia đình. Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ tìm được đúng người, kết hôn và có gia đình. Độc thân không phải là điều dự tính của phương trình! Nhưng còn về chức phó tế thì sao? Nó cho phép tôi được kết hôn, có gia đình và trở thành phó tế cùng một lúc. Nhưng chức phó tế vĩnh viễn thì không bao giờ nghĩ tới. Tôi sẽ dâng cuộc sống của tôi cho Chúa hoàn toàn như là một linh mục hoặc lập gia đình; không có lựa chọn nào khác!

 

Tôi tiếp tục cầu nguyện và nhận ra ý Chúa cho tôi. Một ngày kia đang quỳ sau khi rước lễ và nhìn lên thánh giá, tôi có thể nghe thấy Chúa Giêsu đang nói trong tâm trí và trái tim tôi, Người kêu tôi bỏ tất cả mọi thứ và theo Người. Một phần của tôi muốn nói “Vâng, Chúa Giêsu, con sẽ từ bỏ tất cả mọi thứ để theo Chúa. Nhưng một phần khác vẫn chưa sẵn sàng, vì vậy tôi cầu nguyện: “Chúa Giêsu ơi, nếu Chúa muốn con theo Chúa, thì Chúa phải giúp con bỏ mọi thứ vì con không thể làm điều đó một mình được. Nếu Chúa muốn, Chúa phải làm cho nó xảy ra.”

 

Sáng hôm sau tôi thức dậy với bài hát này trong đầu: Everything I Own by Bread. Tôi đã lên trang mạng, in lời bài hát và đọc chúng. Bài hát này nói về một người mất cha và mong muốn cha mình vẫn còn sống. Nhưng đối với tôi, lời bài hát là cách Chúa nói với tôi rằng tôi có thể từ bỏ tất cả mọi thứ cho Người, nếu tôi không làm bây giờ thì cơ hội sẽ không còn và có thể tôi sẽ hối tiếc về điều đó:

 


Cha đã che chở con khỏi mọi điều tổn hại

Giữ cho con ấm, giữ cho con ấm

Cha đã cho con cuộc sống của con

Cho con tự do, cho con tự do

Những năm đẹp nhất mà con có

Là những năm con đã có với cha

 

Và con sẽ bỏ hết tất cả những gì con có

Bỏ cuộc sống, trái tim, nhà cửa của con

Con sẽ bỏ hết tất cả những gì con có

Chỉ để có Cha một lần nữa

 

Cha đã dạy con biết yêu

Nó là gì, nó là gì

Cha không bao giờ nói quá nhiều

Nhưng cha vẫn chỉ ra cách

Và con đã biết khi con quan sát cha

Không ai khác có thể biết được

Một phần của con không thể buông thả

 

Và con sẽ bỏ hết tất cả những gì con có

Bỏ cuộc sống, trái tim, nhà cửa của con

Con sẽ bỏ hết tất cả những gì con có

Chỉ để có Cha một lần nữa

 

Có ai đó mà bạn biết

Và bạn đang thương họ

Nhưng bạn cũng đã đang coi thường họ

Bạn có thể mất họ một ngày

Một ai đó sẽ mang họ đi

Và họ sẽ không nghe được những lời bạn muốn nói

 

Và con sẽ bỏ hết tất cả những gì con có

Bỏ cuộc sống, trái tim, nhà cửa của con

Con sẽ bỏ hết tất cả những gì con có

Chỉ để có Cha một lần nữa

Chỉ để chạm vào Cha một lần nữa

 

Đây chỉ là một trong nhiều sự kiện mà Chúa đã tỏ cho tôi biết ơn gọi của mình.

 

Vào mùa thu năm 2005, tôi dự khoá tĩnh tâm Cursillo tại Trung tâm Mục vụ Marywood ở Orange và nó rất mạnh mẽ! Suốt cuối tuần đó, tôi cảm nhận tình yêu và ân sủng đầy quyền năng, đặc biệt là tình yêu của Mẹ Maria. Tôi đã bị cuốn hút đến Mẹ Maria hơn bao giờ hết. Tôi không thể ngừng nhìn vào ảnh của Mẹ. Lời xin vâng của Mẹ Maria cứ lẩn quẩn trong tôi: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa. Xin làm cho tôi theo lời của Ngài.” Không nghi ngờ gì, Mẹ Maria đã đóng một vai trò rất lớn trong khi tôi biện phân ơn gọi của mình.

 

Trong khóa tĩnh tâm, có ai đó đã nói với tôi về một giáo xứ được điều hành bởi dòng ‘the Oblate of the Virgin Mary.’ Tôi bắt đầu tham gia giáo xứ đó và rất có ấn tượng với vị linh mục này. Lời giảng của Ngài rõ ràng và đầy quyền năng, theo tôi chưa bao giờ cảm nghiệm trước đây. Vị linh mục đó đã trở thành người hướng dẫn tâm linh của tôi.

 

Trong thời gian biện phân, tôi đã gặp một người phụ nữ khác. Tôi đã nói với cô ấy ngay lập tức rằng tôi đang có ý định làm linh mục, để cho cô ấy biết trước. Cô là người Công giáo, đầy tài năng và hấp dẫn. Trên thực tế, tôi nghĩ cô ấy có tất cả những phẩm chất mà tôi mong muốn ở một người vợ. Cô ấy cũng phát triển tình cảm với tôi. Tôi không hiểu tại sao cô ấy đã bước vào cuộc đời tôi vào thời điểm này. Nếu tôi gặp cô ấy sáu tháng trước, tôi có thể đã nhìn thấy phần đời còn lại của tôi với cô ấy. Nhưng bây giờ không phải là thời điểm tốt. Qua cầu nguyện, tuy nhiên, tôi cảm nhận được Chúa cho tôi một sự lựa chọn có ý thức. Đây là người phụ nữ mà tôi có thể lập gia đình, hoặc tôi có thể chọn Người. Nếu tôi chọn cô ấy, Chúa cũng sẽ chúc phúc cho cuộc hôn nhân của tôi, nhưng Người đã gọi tôi chọn Người. Với ân sủng của Thiên Chúa, tôi đã có thể chọn Người. Chúa cho tôi cơ hội này để tôi đưa ra một quyết định có ý thức bởi vì Người không muốn sau này tôi suy nghĩ: “Chuyện gì xảy ra nếu tôi gặp đúng người?” Chúa muốn tôi chắc chắn về ơn gọi của mình.

 

Vào mùa hè năm 2006, tôi đã yêu cầu và nhận được một năm nghỉ việc để thử ơn gọi mới của tôi bằng cách vào chủng viện. Các đồng nghiệp của tôi rất ngạc nhiên. Nhiều người nghĩ rằng tôi đã đang trải qua một “giai đoạn” và rằng tôi sẽ trở lại trong vòng chưa đầy một năm.

 

Gia đình tôi cũng rất ngạc nhiên. Bố tôi, đang sống ở Denver, đã bay tới Quận Cam vào ngày hôm sau để nói chuyện với tôi và xem tôi có đang gặp phải bất kỳ vấn đề gì không. Ông cùng với nhiều người khác trong gia đình, nghĩ rằng tôi đã mắc phải sai lầm lớn; họ không thể hiểu được tại sao tôi lại biện phân về chức linh mục và nghĩ rằng tôi đã vứt đi cuộc đời của mình.

 

Việc chuyển đổi từ một luật sư sang chủng sinh không phải là dễ dàng. Tôi đã bán nhà, bán xe và bỏ hầu hết tài sản của mình. Từ bỏ những điều này không phải là khó khăn. Điều khó nhất là bỏ mấy con chó của tôi. Tôi có bốn con chó và tôi phải tìm nhà cho nó. Thật là đau lòng, nhưng Chúa đã ban cho tôi ân sủng để cho nó đến những gia đình tốt. Những người chủ mới đã rất tốt, họ email và cập nhật hình ảnh cho tôi và tôi có thể đến thăm bất cứ lúc nào.

 

Vào năm 2006, tôi tham gia vào dòng ‘the Oblates of the Virgin Mary’ như là một dự sĩ tại chủng viện của họ ở Boston và bắt đầu học triết học. Đó là một trải nghiệm mới và đầy thách thức đối với tôi. Tôi đã là một luật sư với nhà riêng và xe của mình, tôi có thể đến và đi lúc nào tôi muốn. Bây giờ tôi phải sống với một cộng đoàn tôn giáo nhỏ và phải làm hầu hết mọi thứ cùng với năm chủng sinh khác: ăn, cầu nguyện, học tập, dọn dẹp, giải trí, vv… Thật khó! Nhưng với sự trợ giúp của Chúa, tôi đã ở được một năm. Vào cuối năm tôi đã nhận ra rằng cuộc sống tôn giáo hoặc ít nhất là dòng ‘the Oblates of the Virgin Mary’ có lẽ không phải cho tôi. Tôi trở lại Quận Cam không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Nhưng có một điều chắc chắn – tôi không muốn là một D.A. nữa. Tôi nộp đơn từ chức, trả lại huy hiệu và I.D. Tôi thấy bình an với quyết định này.

 

Nhưng bây giờ làm gì? Tôi tìm kiếm lời khuyên của một người hướng dẫn tâm linh mới, một Norbertine. Ông đề nghị tôi thử Giáo phận Orange trước khi từ bỏ ý định làm linh mục và trở lại “thế giới thực tại.” Vì vậy tôi đã gia nhập Giáo phận Orange và được cử đi học thần học tại Chủng viện Thánh Patrick ở Menlo Park, California . Ngay lập tức tôi nhận thấy một sự khác biệt lớn từ cuộc sống tôn giáo ở Boston. Có nhiều chủng sinh hơn và tôi có nhiều quyền tự do hơn để lựa và chọn, làm thế nào và với ai khi dùng thời gian rảnh của mình. Càng ngày tôi càng cảm thấy tôi đã tìm được ơn gọi của mình. Vào cuối năm đầu tiên của thần học, Đức Giám Mục Orange đã cho tôi một sự lựa chọn: ở lại St. Patrick học hoặc đi đến Trường cao đẳng Bắc Mỹ ở Rome. Tôi đã chọn Rome.

 

Rome cũng là một thách thức vì là một quốc gia khác, với một nền văn hoá và ngôn ngữ khác biệt, xa với sự quen thuộc và thoải mái ở nhà. Nhưng đó cũng là một kinh nghiệm tuyệt vời cho phép tôi hoà đồng với nhiều chủng sinh và linh mục có năng khiếu từ khắp nơi trên nước Mỹ (và thế giới nói chung). Tôi cũng có cơ hội trải nghiệm những kỳ quan của Rome và các vùng khác nhau của Châu Âu. Điều quan trọng nhất là khi tôi tiếp tục học tập và đào tạo, nó trở nên rõ ràng và rõ ràng hơn rằng linh mục là ơn gọi của tôi.

 

Vào ngày 10 tháng 7 năm 2010, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tôi được làm thầy phó tế chuyển tiếp của Giáo phận Orange. Nhiều gia đình, bạn bè đã có mặt và tôi đã thuyết giảng Thánh lễ đầu tiên của tôi như một Thầy phó tế vào Chúa nhật Lễ Hiện Xuống. Cuối tuần đó thật đầy ân sủng! Thật khó để tin rằng bốn năm trước đó, tôi đã là một luật sư cố gắng bỏ mọi thứ và theo Chúa Kitô. Gia đình, bạn bè của tôi đã hãnh diện về tôi. Mùa hè tiếp theo, vào ngày 11 tháng 6 năm 2011, tôi được Thụ phong Linh mục. Tôi đã trở lại Rome để hoàn tất chương trình Licentiate in Sacred Theology trước khi trở về nhà trong năm 2012. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là tại nhà thờ Our Lady of Mount Carmel ở Newport Beach, và năm đầu tiên làm linh mục phó xứ là một phần thưởng và kinh nghiệm cho tôi.

 

Tôi không chắc chính xác kế hoạch của Chúa dành cho tôi như thế nào. Nhưng dù sao, tôi biết rằng nó tốt hơn bất cứ kế hoạch nào tôi có thể làm cho bản thân mình. Tôi đã giao phó ơn gọi của mình cho Mẹ Maria, tin tưởng vào sự chăm sóc của Mẹ và cố gắng để nên giống Mẹ. Biết rằng sẽ có những thử thách phía trước và tôi cố gắng chấp nhận làm theo ý Chúa mỗi ngày. Tôi giữ những lời sau đây của Mẹ Têrêxa gần với tôi để nhắc nhở tôi tin tưởng Chúa mọi lúc:

 

“Hoàn toàn đầu phục cho Chúa phải đi từ những chi tiết nhỏ đến những chi tiết lớn, chẳng có gì ngoài một từ duy nhất: ‘Vâng! Con chấp nhận những gì Chúa cho, và con cho những gì Chúa muốn.’ Và đây chính là cách đơn giản để chúng ta nên thánh. Không nên tạo ra khó khăn trong tâm trí mình. Để thánh thiện không có nghĩa là làm những điều phi thường, hiểu những điều lớn lao, nhưng đơn giản là chấp nhận, bởi vì tôi đã dâng mình cho Chúa, tôi thuộc về Người – tôi phó thác tất cả!”

 

Linh mục Quân hiện là Cha phó – Giáo xứ Chánh toà Chúa Kitô ở Garden Grove. Ngài cũng đang là Vị Đại diện Giám mục của Hiệp nhất Kitô giáo và Đối thoại Liên tôn thuộc Giáo phận Orange.

Nguồn tin: Thánh Linh

Tại sao phải xưng tội với một Linh mục?

Tại sao phải xưng tội với một Linh mục
Hỏi: Xin cha giải thích rõ những câu hỏi sau đây:

1. Các mục sư Tin Lành đều  dạy  phải xin Chúa tha tội,  chứ không qua  trung gian của ai cả. Như vậy có được không?
2. Có được xưng tội qua điện thoại  hay email  không?

 

3. Khi nào được phép xưng tội tập thể?

Trả lời :

1. Như tôi đã có đôi lần nói rõ là: chỉ có trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches) mới  có đầy đủ bảy Bí Tích hữu hiệu mà Chúa Kitô đã thiết lập và ban cho Giáo Hội xử dụng để thánh hóa và ban ơn cứu độ của Chúa cho những ai muốn lãnh nhận để được cứu rỗi.

Liên quan đến Bí Tích hòa giải ( penance= reconciliation)  Chúa Kitô đã ban quyền tha tội  trước hết  cho các Tông Đồ, và  sau này  cho Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh Tông Đồ như sau :

“ anh  em tha cho ai, thì người ấy được tha
Anh  em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
 ( Ga 20: 23)

Như thế rõ ràng cho thấy là Chúa muốn cho con người phải chạy đến với những người trung  gian  thay mặt Chúa là các Tông Đồ xưa kia và các vị thừa kế các Tông  Đồ ngày nay  là  các Giám Mục trong Giáo hội để nhận lãnh ơn tha thứ qua bí tích Hòa giải. Các giám mục lại chia sẻ  quyền tha tội  này  cho các linh mục là những cộng sự viên thân cận  trực thuộc, cũng  được chia sẻ Chức linh Mục đời đời của Chúa Kitô. ( Linh mục chia sẻ một phần, Giám Mục chia sẻ trọn vẹn Chức Linh Mục đó).

Nếu chỉ cần xưng tội trưc tiếp với Chúa mà không qua trung gian ai thì Chúa Giêsu đã không nói với các Tông Đồ những lời trên đây, sau khi Người từ cõi chết sống  lại và hiện ra với các ông; cũng như  trước đó  đã không phán bảo Phêrô những lời  sau đây :

 Thầy sẽ  trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên Trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo gỡ điều gì , trên trời cũng sẽ tháo gỡ như vậy. ( Mt 16: 19)

Với quyền to lớn trên đây, Giáo Hội- cụ thể là Đức Thánh Cha-  có quyền ra hình phạt nặng nhất là  vạ tuyệt thông ( ex-communication) và tháo gỡ vạ này.

Như vậy, muốn được ơn tha thứ của Chúa,  thì  buộc phải xưng tội cá nhân với một linh mục đã được chịu chức thành sự ( validly) và đang có năng quyền ( priestly Faculties) được tha tội nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi). Sở dĩ thế, vì nếu một linh mục đang bị Giám mục của mình rút hết  năng quyền  – hay gọi nôm na là bị treo chén ( suspension. x. giáo luật số 1333)- thì tạm thời không được phép cử hành bí tích này và các bí tích khác cho đến khi được trao lại năng quyền đầy đủ .( trừ trường hợp khẩn cấp nguy tử thì linh mục – dù đang bị “treo chén” vẫn được phép tha tội cho hối nhân đang lâm nguy mà không tìm được linh mục khác để xưng tội và lãnh phép lành sau hết. (x. giáo luật số 976).

Giáo lý  và giáo luật  của Giáo Hội cũng dạy phải xưng tội cá nhân với một linh mục như sau:

 Thú nhận tội lỗi của mình với vị linh mục là một điều chủ yếu của bí tích Giải tội.Khi xưng tội, các hối nhân phải kể ra tất cả các tội trọng mà  mình biết đã phạm, sau khi xét mình cách nghiêm chỉnh, dù các tội này rất kín đáo và chỉ phạm đến hai giới răn sau cùng của bản thập giới; bởi vì các tội này làm cho linh hồn bị trọng thương hơn hết , và nguy hiểm hơn các tội ta phạm mà người khác biết rõ.”( x, SGLGHCG số:1456; giáo luật số 960).

Như thế chắc chắn  không thể nói như anh  em Tin Lành là chỉ cẩn xưng tội trực tiếp với Chúa mà không cần qua trung gian của ai. Dĩ nhiên Chúa tha tội khi ta thực tâm sám hối và xin Chúa thứ tha. Nhưng vẫn cần phải xưng tội với một linh mục  thay mặt Chúa để tha tội, vì Chúa đã ban quyền ấy cho các Tông Đồ trước tiên và sau này cho Giáo Hội ngày nay.

Nghĩa là  khi Giáo Hội thi hành lời Chúa để cử hành các bí tích- cách riêng bí tích Hòa giải để tha tội cho con người  nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi), thì chúng ta phải nghe và tuân theo ý muốn của Giáo Hội, cũng là ý muốn của Chúa; nghĩa là xưng tội  với một linh mục  để  nhận lãnh   ơn tha thứ của Chúa qua trung gian của các thừa tác viên con người là Giám mục và  linh mục. Đây là điều các anh  em Tin Lành không  đồng ý với  chúng ta nên họ dạy  các tín đồ của họ  chỉ cẩn xưng tội trực tiếp với Chúa mà thôi.

Dĩ nhiên khi ta xưng tội với một linh mục, thì cũng xưng tội với Chúa để xin Người tha thứ cho ta qua trung gian của linh mục. Và đây là ý muốn của Chúa Giêsu   khi Người trao quyền tha tội cho các Tông Đồ xưa và cho Giáo hội ngày nay. Và đó cũng là tất cả ý nghĩa lời Chúa dạy  sau đây:

“ ai nghe anh  em là nghe Thầy.
Ai khước từ anh  em là khước từ Thầy
Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”
 ( Lc 10: 16)

Kinh nghiệm thiêng liêng của mỗi người chúng ta cho ta biết rằng  mỗi khi xưng tội – đặc biệt là tội trọng- cách thành thật và với tinh thần sám hối , thì  ta cảm thấy nhẹ nhõm và an vui trong  tâm hồn, một  giác mới lạ của an vui sung sướng nội tâm, khác hẳn với  tâm tình sẵn  có trước khi xưng tội. Điều này chứng  minh cụ thể là Chúa đã tha thứ cho ta qua trung gian của linh mục. Ngược lại, khi có tội trọng  hay nhẹ  mà chỉ xin Chúa tha thứ  nhưng  không đi xưng tội,  thì không bao giờ cảm nghiệm được sự an vui nội tâm như khi xưng tội với một linh mục và nhận lãnh ơn tha thứ ( absolution).

Các anh   em tin Lành không thể có được cảm nghiệm thiêng liêng này, dù cho họ có ca tụng lòng thương xót  của Chúa  đến đâu, có sám hối nội tâm và  xin Chúa tha thứ mà không đi xưng tội như người Công giáo. Họ không đi xưng tội vì trước hết họ không công nhận vai trò trung gian của Giáo Hội trong việc ban phát các ơn sủng của Chúa cho con người, cho nên họ chủ trương đi thẳng tới Chúa là vì vậy.

Vả lại, tất cả  các nhánh Tin Lành( Protestantism) và Anh Giáo ( Anglican Communion) đều không có nguồn gốc Tông Đồ ( Apostolic succession)  nên không có chức linh mục và giám mục để cử hành hữu hiệu các bí tích quan trọng như Thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải,  Sức dầu nệnh nhân và truyền Chức Thánh. Chính vì họ không có chức linh mục hữu hiệu, nên họ không thể có bí tích Thánh Thể và  tha tội cho ai được. Đó là lý do tại sao  họ chủ trương    chỉ  cần xưng tội trực tiếp với Chúa,  vì họ cho rằng  các thừa tác viên con người như linh mục và giám mục không có năng quyền tha tội cho ai như Giáo Hội Công Giáo tin và dạy..

Một điều quan trọng nữa liên quan đến việc xưng tội cá nhân với một  linh mục là đừng ai lo sợ những tội mình xưng với linh mục có thể bị tiết lộ ra ngoài.

Mọi linh mục đều buộc phải giữ kín những gì hối nhân nói với mình trong tòa giải tôi. Đây là Ấn tòa giải tội ( Seal of confessons) mà mọi linh mục buộc phải giữ kín. Linh mục nào vi phạm sẽ  tức khắc  bị vạ truyệt thông tiền kết (đương nhiên mắc vạ và chỉ có Tòa Thánh tháo gỡ mà thôi)   ( x giáo luật số1388)

Tóm lại, là người Công giáo,  chúng ta phải nghe và thi hành những gì Giáo Hội là Mẹ dạy bảo thay mặt Chúa Kitô để bỏ ra ngoài tai những gì không phù hợp với giáo lý, tín lý, luân lý và phụng vụ của Giáo Hội.

2- Có được xưng tội qua email  hay điện thoại không ?

Chắc chắn là không được,  và Giáo Hội không bao giờ cho phép thực hành này.Lý do là  nó  trái với giáo lý về cách xưng tội đòi hỏi hối nhân phải trực tiếp thú nhận  các tội mình đã phạm với một linh mục, là người  nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi) để nghe và tha tội cho mình. (đọc  giáo lý trích ở  phần trên).

Lại nữa, tiện đây cũng xin nói thêm là  ngay cả việc xem lễ trên truyền hình, củng  chỉ có ích cho các bệnh nhân ở tư gia hay ở nhà thương,  không thể đến nhà thờ để dự lễ cùng  với cộng đoàn. Xem lễ cách này chỉ giúp thông công với các tin hữu đến nhà thờ dự lễ thực sự, nhưng vẫn thiếu phần hiệp lễ  là  không được rước Mình Mấu Chúa Kitô, như mọi tín hữu đến dự lễ ở nhà thờ. Như thế,  người khỏe mạnh không thể xem lễ trên Truyền hình như phương tiện chu toàn luật buộc tham dự  lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng.

Tóm lại, muốn hiêp thông Thánh Lễ trọn vẹn thì phải đến nhà thờ để hiệp dâng Thánh Lễ cùng với cộng đoàn đức tin. Thánh Lễ trên truyền hình chỉ dành riêng cho các bệnh nhân ở nhà thương , hay người già yếu ở tư gia, không thể đến nhà thờ  để  dự Lễ  được mà thôi.Vả lại, những bệnh nhân hay người già yếu ở tư gia thì không buộc phải tham dự Thánh Lễ  ở nhà thờ hay trên truyền hình. Luật buộc tham dự Thánh Lễ chỉ áp dụng cho những người khỏe mạnh mà thôi.

3– Khi nào được  phép xưng tội tập thể ( communal confessions?

Thông thường thì phải đi xưng tội cá nhân, nghĩa là xưng tội riêng với một linh mục sau  khi đã xét mình nghiêm chỉnh và sám hối nội tâm, như đã nói ở trên.

Tuy nhiên, trong thực tế, có những hoàn cảnh mà linh mục không thể giải tội cá nhân cho nhiều người trong một thời lượng hạn chế. Thí dụ, khi có thiên tai, bão lụt, đắm tầu, sóng thần  hay động đất gây nguy tử cho nhiều người  ở một địa phương nào, khiến linh mục không thể  có đủ  giờ để nghe từng hối nhân muốn xưng tội trong những hoàn cảnh ấy,.

Lại nữa, trong những dịp trọng đại như Lễ Giáng Sinh, Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh là những dịp có rất nhiều người muốn xưng tội. Nhưng chỉ có một mình cha xứ phải làm mục vụ cho một giáo xứ lớn hay nhiều xứ nhỏ họp lại,thì không thể nào giải tội cá nhân cho một số lớn hối nhân trong một thời gian ngắn được. Do đó, vì nhu cầu mục vụ và  vì lợi ích thiêng liêng của giáo dân, linh mục được phép cử hành bí tích hòa giải tập thể. Nghĩa là cho gom giáo dân lại và giúp họ xét mình, thống hối ăn năn,  rồi ban phép tha tội tập thể cho họ. Nhưng việc này phải được phép trước  của giám mục giáo phận. Vì thế,  ở mỗi giáo phận, giám mục địa phận sẽ cho phép trường hợp nào có thể giải tội tập thể.Nghĩa là, linh mục không thể tự ý  giải tội tập thể  mà không có phép của giám mục  giáo phận; trừ trường hợp nguy tử  như đắm tầu, động đất, chiến tranh,  khiến nhiều người- trong đó có người công giáo-  có thể chết mà không kịp xưng tội  cá nhân. Nên nếu linh mục có mặt trong trường hợp này, thì được phép giải tội tập thể cho các tin hữu công giáo trong cơn nguy tử đó.  Nhưng dù được tha tội tập thể trong những trường hợp trên,  nếu ai xét mình có tội trọng,  thì-  sau khi qua cơn nguy biến đó-   vẫn buộc phải  đi xưng tội cá nhân  với linh mục.( giáo luật số 961-62).

Ước mong những  giải đáp trên đây thỏa mãn các câu hỏi đặt ra.Amen

 

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

7 Đan sĩ bị Hồi Giáo quá khích chặt đầu được phong chân phước

Văn phòng báo chí Tòa Thánh loan báo Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành nghị định cứu xét việc tuyên phong chân phước cho 7 đan sĩ dòng Trap có trụ sở tại Tibhirine, nước Algeria. Dòng Trap là một chi nhánh của dòng Xitô, được thành lập vào năm 1938 ở thành phố Medea, cách thủ đô Algiers 90 km về phía Nam.
7 Đan sĩ bị Hồi Giáo quá khích chặt đầu được phong chân phước
7 Đan sĩ bị Hồi Giáo quá khích chặt đầu được phong chân phước
Vào ngày 27 tháng Ba năm 1996, 7 đan sĩ bị bắt cóc. Đến ngày 21 tháng Năm thì nhóm Hồi Giáo Có Vũ Trang tại Algeria tuyên bố nhận trách nhiệm tàn sát các đan sĩ. Ngày 30 tháng Năm 1996, người ta tìm thấy thủ cấp, nhưng không tim thấy phần thi thể còn lại của các đan sĩ.

Ngoài 7 đan sĩ nói trên, còn có một vị Giám Mục cũng được ĐGH cho điều tra việc tuyên phong chân phước. Đó là Đức Cha Pierre Claverie sinh năm 1938, bị giết năm 1996. Mục vụ của Ngài luôn để ý tới người Hồi Giáo nên người Hồi Giáo Algeria rất thương mến Ngài.

Ngài chết vỉ bị bom nổ khi cùng người tài xế đi đến tòa Giám Mục. Tang lễ của Ngài được nhiều người Hồi Giáo tham dự và họ gọi Ngài là Giám Mục của người Hồi Giáo

Được biết vụ tàn sát người Công Giáo ở Algeria xuât phát từ cuộc nội chiến giữa chính quyền Algeria và các nhóm Hồi Giáo Vũ Trang. Chính quyền Algeria đảo chánh không thừa nhận kết quả thắng cử của nhóm Hồi Giáo. Sau những năm nội chiến hàng trăm ngàn người Algeria đã bị giết.

Vụ tàn sát dã man các đan sĩ dòng Trap đã được giới điện ảnh làm thành phim có tựa đề “Des Hommes Et Des Dieux”, được trao giải thưởng Grand Prix tại đại hội điện ảnh Cannes, Pháp Quốc.

(Nguyễn Long Thao, vietcatholic 27.01.2018)