Archive | May 2014

Lương tâm bối rối

Thưa cha, con đang có một số vấn đề về đức tin. Có lẽ con bị bệnh bối rối. Nhiều lần trong năm qua, con chỉ mắc những tội nhẹ nhưng lại hay lo lắng, cứ nghĩ là tội nặng nên không dám rước Chúa, hoặc có rước Chúa nhưng ko dám tin là Chúa đến trong lòng vì sợ tội nặng. Con lại hay nghĩ đến sự công bằng và đền trả nên con nghĩ rằng Chúa muốn con như vậy để đền tội trước đây đã phạm thánh. Vì trước đó, khoảng từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2012, con có mắc một tội trọng mà lại không xưng tội, cứ vậy mà rước Chúa từ tháng 3, đến tháng 9 năm 2012 mới chịu xưng tội với linh mục. Nay con có một số điều mà con áy náy trong lòng không biết có phải là tôi nặng không, nhưng nếu là tội nhẹ, xin cha cứ cũng nhắc con vì con thấy những điều này cũng không hay gì.

Trả lời:

1/ Chỉ có Chúa mới cất sự bối rối cho người Chúa để cho mắc, nên phải khiêm tốn cầu nguyện, nhất là cầu với Đức Mẹ.

2/ Nên biết (theo Luân Lý Thần học Công giáo) về người bối rối thường như thế này:

“Lương Tâm Bối Rối (Scrupulous Conscience)

*Lương tâm bối rối là khi dựa vào những tiêu chuẩn vô lý, vì sợ mất lòng Chúa, điều không có tội cho là tội, điều tội nhẹ cho là tội nặng.

Người bối rối rất đau khổ vì chứng bệnh của mình và gây khó khăn cho cha giải tội. Rất may là thời nay đã giảm bớt những quan niệm khắt khe về luật lệ, lên án và tu đức ngặt nghèo, nên số người bối rối không còn nhiều.

1/ Bối rối giao động (crisis) tạm thời trong tuổi mới lớn (puberty). Loại này có thể xảy ra nơi những tâm hồn mới vào đường tu đức, những người đang tập bỏ thụ tạo để đi vào tình yêu thiêng liêng của Chúa.

2/ Bối rối bù đắp (Compensatory scrupulosity) xảy ra nơi người lo để ý tới những chi tiết nhỏ nhặt, không vậy thì cho là không, là chưa quảng đại với Chúa.

Để giúp tâm hồn này, đòi phải có thái độ hiểu biết, kiên nhẫn và đòi họ đối thoại thành thực. Cho họ biết rằng, đây là một thay đổi trong nội tâm để đi sâu hơn vào tiếng gọi của ơn thánh.

3/ Bối rối “ám ảnh” (Obessive-compulsive scrupulosity). Đây là loại bối rối trầm trọng nhất, đúng nghĩa nhất, là bệnh tâm lý, phát xuất từ rối loạn tâm lý.

Người này thường lo sợ về đủ thứ tội, thường thì về đức tin, đức trong sạch, trách nhiệm với tha nhân, đọc kinh cầu nguyện, ăn chay…

Nhiều khi do kết quả một sự giáo dục quá nghiêm khắc, nghe kết án nhiều thứ, nên họ sợ sệt trước những đòi hỏi, đâm bối rối, hoặc phản ứng bằng cách bù trừ để tự vệ, chống lại các thúc đẩy bằng trốn chạy, từ chối, hoặc chiến đấu.

Vài Qui Luật tổng quát cho người bối rối:

1- Họ nên làm như cuộc sống chung chỉ định, dù trái ý họ.

2- Họ không nên bỏ dở, nếu việc không là tội.

3- Họ không cần xét mình tỉ mỉ về việc đã qua.

4- Họ không phải làm lại, nếu họ tưởng việc chưa tử tế. Ví dụ: Đọc kinh, ăn năn tội, xưng tội…,

5- Vì hoàn cảnh rối rít của họ, họ có thể được miễn vài điều thuộc luật tích cực. Ví dụ: Giữ chay Thánh Thể, xưng tội chung,…

*Vài điều Cha Linh hướng nên nhớ:

1- Đừng do dự nghĩ là họ thiếu điều kiện thành pháp (validity).

2- Đừng khuyên những điều có vẻ trái ngược.

3- Đừng để người bối rối đi bày tỏ với nhiều linh hướng, vì cần đồng nhất tư tưởng hướng dẫn.

4- Nên cho họ cơ hội đi giải trí.

5- Khi họ trình bày về những tư tưởng xấu ám ảnh, nên khuyên họ đọc những lời cầu nguyện tắt để lấn át những tư tưởng xấu. Ví dụ: “GiêsuMariaGiuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn” .

Lời cầu nguyện vắn tắt này được gọi là Tác Động mến yêu (Act of Love). Có phép in ấn của Đức Hồng Y Spellman, Tổng Giám mục New York (March 11, 1955) trong Sách tiếng Anh (Jesus Appeals to the World). Tùy ý tin và đọc, không ai bắt buộc.

Markb, CMC.

Lương tâm bối rối

Có được phép đem tro người chết thả ngoài sông, hồ hay biển không?

Hỏi: xin cha giải đáp thắc mắc sau :

1- Có được phép đem tro người chết thả ngoài sông, hồ hay biển được không?

2- Khi rước Lễ, có thể chỉ rước Mình Thánh hay Máu Thánh được không?

3- Các tu sĩ nam hay nữ có được phép rửa tội và chứng hôn không?

Trả lời:

1- Có được phép bỏ tro người chết xuống hồ, sông hay biển ?

Trước hết, phải nói lại một lần nữa là việc chôn xác kẻ chết là một việc đạo đức được khuyến khích và tôn trọng từ xưa đến nay trong Giáo Hội và trong mọi nền văn hóa nhân loại. Riêng trong Giáo Hội Công Giáo, việc đạo đức này được đặc biệt tôn trọng vì niềm tin “ xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh Tin Kính), cho nên phải được chôn cất cho xứng đáng với niềm tin này.Vì thế, ở khắp nơi trong Giáo Hội đều có các nghĩa trang được làm phép để chôn người chết cho con cháu, thân nhân đến viếng thăm quanh năm , và đặc biệt trong tháng cầu cho các linh hồn ( tháng 11 dương lịch). Ai viếng thăm nghĩa trang và cầu cho các linh hồn mà xác đang còn nằm ở đây thì được ân đại xá nhưng phải nhường lại ân huệ này cho các linh hồn thân nhân hay các linh hồn khác có xác đang nằm trong nghĩa trang. Đây là việc đạo đức mà các tín hữu được khuyến khích siêng năng làm để cầu cho các linh hồn còn đang được thanh tẩy trong nơi Luyện tội ( Purgatory)

Trước đây, có thời Giáo Hội đã cấm thiêu xác người chết ( cremation) vì có bè rối ( heretics) chủ trương đốt xác kẻ chết để thách đố Giáo Hội xem còn lấy gì để tin xác kẻ chết sẽ sống lại như Giáo Hội dạy. Sau này bè rối đó tan và từ sau Công Đông Vaticanô II ( 1962-65) đến nay, Giáo Hội lại cho phép đốt xác nhưng phải tin rằng dù xác chết tan trong lòng đất hay tan thành tro bụi khi đem thiêu, thì vẫn được quyền năng của Thiên Chúa cho sống lại hiệp cùng linh hồn để vào Nước Trời hưởng hạnh phúc Thiên Đàng hay bị phạt trong nơi gọi là hỏa ngục.( hell) trong ngày cánh chung.( . Mt 25 : 31-46)

Giáo Lý và giáo luật của Giáo Hội đều dạy phải tôn kính thi hài của người quá cố được an táng trong nghĩa trang Công giáo để chờ ngày sống lại.

Nếu chọn hỏa táng ( cremation) thì việc này không được làm trái với niềm tin của Giáo Hội về sự sống lại của kẻ chết. ( giáo luật số 1176; SGLGHCG số 1684- 1690). Nghĩa là phải tin rằng dù xác kẻ chết đã ra tro bụi, thì vẫn được sống lại cùng với linh hồn trong ngay sau hết như đã nói ở trên. Vì thế, tro của người hỏa táng cũng phải được tôn kính như xác chôn ngoài nghĩa địa. Nghĩa là phải cất giữ tro này ở nơi xứng đáng, hoặc ở tư gia hay trong nhà thờ nào có nhận cất giữ tro của người hỏa táng. Nghĩa là không được phép mang tro này ra trải ngoài sông, ao hồ hay biển cả, như những người không có niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết đang làm. Vì không tin, nên họ đã trải tro của thân nhân họ ra sông , hồ hay biển cả , vì cho rằng con người là hư không, chết là hết, nên thả tro ra sông, biển để nói lên sự hư không này của thân phận con người.

Ngược lại, vì người Công Giáo tin xác loài người sẽ sống lại, nên xác chết phải được giữ gìn trong nghĩa trang hay trong các hộp tro để cho con cháu, thân nhân viếng thăm và cầu nguyện. Vậy nếu đem tro của người chết trải ra ngoài sông, biển thì lấy đâu ra nơi cụ thể để viếng thăm đặc biệt trong tháng cầu cho các linh hồn. Nghiêm trọng hơn nữa là nếu đem trải tro người chết ra sông, hay biển thì vô tình chia sẻ niềm tin của những người không tin có sự sống lại của thân xác hay sao ?

2- Có được phép chỉ rước Máu Thánh Chúa Kitô trong Thánh lễ ?

Từ xa xưa, việc rước Lễ của giáo dân chỉ trong giới hạn rước Mình Thánh Chúa mà thôi, vì Giáo Hội dạy rằng Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong hình bánh,và chỉ có linh mục cử hành Thánh lễ được rước cả hai Mình và Máu Thánh Chúa.

Nay vì muốn diễn tả cách trọn vẹn ý nghĩa Thánh Lễ, về một phương diện, là bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với 12 Tông Đồ. Trong Bữa Ăn lịch sử này, Chúa đã lập Bi tích Thánh Thể khi biến bánh và rượu thành Mình Máu Người cho các Tông Đồ ăn và uống lần đầu tiên.Vì thế , ngày nay Giáo Hội cho phép giáo dân được rước cả hai hình thức Thánh Thể là bánh và rượu đã được truyền phép ( consecrated) trong Thánh Lễ. Nhưng ở các Giáo Hội địa phương ( Giáo phận) các Giám mục vẫn có toàn quyền để cho phép rước Thánh thể cả hai hình thức hay một hình thức như cũ..

Tuy nhiên, ở nơi nào cho rước cả hai hình thức Thánh Thể, thì giáo dân, hoặc chọn rước cả hai hay chỉ một Mình Thánh mà thôi. Nghĩa là không được chọn rước một hình thức là Máu Thánh mà không rước Mình Thánh. Nói rõ hơn , rước một Mình Thánh thì được , nhưng không được phép chỉ rước Máu Thánh không thôi.

Tuy nhiên, trong trường hợp một bệnh nhân không thể rước Mình Thánh vì không nuốt được chất đặc nào qua miệng, thì có thể chỉ cần rước Máu Thánh là đủ.

Riêng hàng tư tế , tức linh mục và Giám mục, thì buộc phải rước cả hai hình thức Thánh Thể khi chủ tế hay đồng tế Thánh Lễ.

3- Tu Sĩ có được phép rửa tội, xức dầu và chứng hôn không ?

Trước khi trả lời câu hỏi này, cần phân biệt như sau:

Tu sĩ ( religious) là những người có ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh ( chastity) và vâng phục trong một Tu Hội hay Nhà Dòng được thành lập đúng theo giáo luật.

Giáo sĩ ( clerics) là những người có chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục. Giáo sĩ chỉ có hai lời khấn là khiết tịnh ( độc thân) và vâng phục mà thôi. Giáo sĩ không phải là Tu sĩ. Nhưng nam tu sĩ có thể trở thành giáo sĩ nếu có các chức thánh nói trên, mặc dù vẫn thuộc hàng tu sĩ, vì có ba lời khấn trong Tu Hội hay Nhà Dòng liên hệ. Giáo sĩ thì thuộc về một địa phận dưới quyền của một Giáo mục, và được gọi là các linh mục triều ( diocesan priests), trong khi các tu sĩ linh mục thì được gọi là các linh mục Dòng ( religious priests),

Liên quan đến câu hỏi đặt ra, nếu chỉ là Tu sĩ ( religious ) có lời khấn Dòng mà không có chức Phó tế, Linh mục hay giám mục, thì không ai được phép cử hành bất cứ bí tích nào. Phải nói rõ điều này vì ở một địa phương kia, có cha xứ đã cho một nữ tu rửa tội cho trẻ em ở nhà thờ trước sự chứng kiến của cha xứ ! và cả hai đã bị bề trên liên hệ khiển trách nặng, vì đã làm việc hoàn toàn sai trái về kỷ luật bí tích của Giáo Hội.

Nhưng nếu Tu sĩ cũng là giáo sĩ ( nam tu sĩ), nghĩa là có chức linh mục hay giám mục thì vẫn có năng quyền để cử hành các bí tích như mọi giáo sĩ. Dĩ nhiên, linh mục Triều hay Dòng, muốn làm mục vụ trong giáo hội địa phương ( giáo phận), thì phải có phép của Đấng bản quyền địa phương, nghĩa là phải xin năng quyền ( faculties) của Tòa Giám mục.

Tuy nhiên trong trường hợp khẩn cấp, nguy tử, thì tu sĩ ( nam nữ) hay giáo dân đều có thể được phép rửa tội ở bất cứ nơi nào, nhưng phải theo đúng công thức của Giáo Hội, nghĩa là phải có nước và đọc công thức Chúa Ba Ngôi.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Chuyên Mục: Hỏi Để Sống Đạo

Có được phép đem tro người chết thả ngoài sông, hồ hay biển được không?

Giáo hội thầm lặng ở Trung Quốc vẫn hoạt động cho dẫu bị quấy nhiễu

 

Chinese catholics celebrate Christmas in mass service

 

 

Bộ phận tuyên truyền khổng lồ của đảng Cộng sản Trung Quốc tuần trước kiểm soát những tin tức về việc cử hành lễ Phục Sinh của giáo hội thầm lặng ở Bắc Kinh và cấm đưa tin về hoạt động công khai của Hội Thánh Tin Lành Shouwang.

 

Trong khi Shouwang đã là mục tiêu của chính phủ trong nhiều năm qua, động thái mới nhất chống lại giáo hội thầm lặng là một phần của cuộc đàn áp rộng lớn hơn lên các tổ chức bất đồng chính kiến ​​kể từ khi lãnh đạo Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Chính phủ mới này đang nhắm đến bất kỳ tổ chức bị coi là một mối đe dọa cho chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc .

 

“Hiện tại có hàng ngàn nhà thờ tại gia ở Bắc Kinh, với các cộng đoàn khác nhau, từ một vài người cho đến hàng ngàn thành viên,” Xu Yonghai, một nhà hoạt động Kitô giáo tại Bắc Kinh cho biết.

 

Xu nói với ucanews.com  rằng các thành viên của các giáo hội Kitô giáo không đăng ký thường tránh né giáo hội quốc doanh, vì những người này thường xuyên tiếp tay cho chính quyền Trung Quốc trong các vụ đàn áp “giáo hội thầm lặng của họ trong những năm 1950.”

 

Shouwang là một trong những “giáo hội chính của hội thánh tại gia” không đăng ký lớn nhất và nổi bật nhất của thành phố – thường chia các nhóm nhỏ quy tụ những nơi riêng biệt để cử hành việc thờ phượng. Có những “giáo hội chính thức” – Công giáo và Tin Lành – hoạt động dưới sự bảo trợ của chính phủ nhưng số người thuộc giáo hội thầm lặng thì lớn hơn nhiều.

 

Những tuần trước Giáng Sinh năm 2009, Giáo hội Shouwang đã bất ngờ bị đuổi ra khỏi nhà riêng trong khi họ đang cử hành thờ phượng và ngay sau đó chủ nhà phải giải tán vì bị áp lực từ chính quyền. Hơn 500 thành viên của giáo hội sau đó tụ tập công khai trước cổng phía đông của công viên Haidian.

Bắc Kinh là một thành phố có môi trường khắc nghiệt, mùa đông thủy ngân kế có thể giảm xuống -4 độ F, còn mùa hè tăng lên 104 độ F làm cho môi trường thiếu độ ẩm. Đó là một buổi sáng vào năm 2009 cơn bão tuyết đã kéo đến sớm nhất và tuyết rơi dày đặc nhất kể từ năm 1949.

 

Kể từ khi bị trục xuất, Giáo hội Shouwang đã thường xuyên đăng thư ngỏ trên chinaaid.org – một tổ chức viện trợ của Mỹ cho các Kitô hữu Trung Quốc – công bố số lượng hoạt động công khai, họ đã tổ chức và phản đối việc cư xử của chính quyền địa phương, mới nhất vào ngày 27 tháng 3.

 

Trong một lá thư được công bố trực tuyến ngày 13 tháng 8, Hội thánh Shouwang nói rằng trong khi cử hành nghi thức tôn giáo, hai ngày trước đó ít nhất có 38 thành viên đã bị bắt giữ.

 

“Điều thực sự buồn cho chúng tôi khi nghe một em gái bị đối xử thô bạo bởi một phó [công an] lãnh đạo… đã bóp cổ và kéo tóc em. Chị em của chúng tôi bình tĩnh đối mặt với cách ứng xử thô bạo như vậy, và đã tha thứ cho người đàn ông này nhờ ân sủng của Thiên Chúa ,” bức thư viết.

Bị từ chối các giấy phép cần thiết để thuê hoặc xây dựng một nhà thờ, Shouwang đã tiếp tục cử hành việc thờ phượng công khai. Hội thánh đã tổ chức gần 200 lần sinh hoạt tôn giáo ngoài trời, cho dù mưa hay nắng. Mặc dù chính quyền rất khắt khe với hoạt động công khai nhưng họ vẫn kiên quyết quy tụ.

 

Cụ thể tại thủ đô, các thành viên thuộc giáo hội thầm lặng thường bị khuấy nhiễu vì sự thay đổi chính trị ở Trung Quốc. Gần đây báo cáo cho hay, đã xuất hiện các thành viên của một số cộng đoàn bị sách nhiễu và các thành viên bị bắt giữ.

 

“Hội thánh tại gia của tôi chưa bao giờ có các thành viên bị bắt trong suốt 25 năm qua, nhưng nó đã xảy ra dưới chế độ mới”, Xu nói. “17 trong số 20 thành viên, bị bắt và tạm giam trên một tháng hồi Giêng vừa qua.”

 

Không chỉ là giáo hội thầm lặng nhưng các thành viên của giáo hội quốc doanh hiện đang bị theo dõi bởi chính phủ.

 

Địa hạt Nanle, tỉnh Hà Nam, mục sư Zhang Shaojie của Phong trào Yêu nước Tam tự đã bị bắt vào ngày 16 tháng 11 vì đã “tập hợp một đám đông để gây rối trật tự công cộng”. Luật sư và nhà hoạt động dân sự Bắc Kinh Xu Zhiyong gần đây đã bị kết án cùng một tội và bị kết án bốn năm tù.

 

Phiên tòa của Zhang đã bị đình chỉ vô thời hạn vào ngày 16 tháng 4. Tòa án bắt giữ luật sư Zhang Zhao Yonglin và Liu Weiguo người tuyên bố chống, tòa án là không thể chấp nhận vì họ có thể đã bị ép buộc hoặc bị tra tấn. Các luật sư đã yêu cầu các nhân chứng xác nhận danh tánh. Một thông cáo báo chí từ gia đình của mục sư cho biết tòa án đã đe dọa đình chỉ giấy phép hành nghề. Zhang đã từ chối các luật sư bào chữa cho mình, tin rằng điều đó có lợi cho họ.

 

Tại tỉnh Chiết Giang mâu thuẫn giữa Hội thánh Sanjiang và chính quyền địa phương vẫn tiếp tục, theo tin tức của ucanews.com. Một lá thư của tác giả “Kitô hữu ở Ôn Châu”, một thành phố trong tỉnh, lên án kế hoạch của chính phủ phá hủy một nhà thờ của giáo đoàn vừa xây dựng xong, trước đó đã có sự chấp thuận chính quyền.

 

“Các anh chị em thuộc nhà thờ này và anh chị em từ những nơi khác nhau ở Ôn Châu, đã đến để hỗ trợ, và họ đã ca hát, cầu nguyện và tụ họp trong khuôn viên nhà thờ gần một tháng. Trong số đó, họ đã thay phiên nhau canh giữ trên 24 giờ hàng ngày,” bức thư viết.

 

Xu nói rằng cho dù cho chính phủ đàn áp và quấy nhiễu, thì cuối cùng đức tin sẽ thắng.

 

“Tôn giáo đang lan rộng nhanh chóng ở Trung Quốc. Mọi người cần niềm tin và ý thức hệ đang bị triệt tiêu, ngay cả các thành viên [đảng Cộng sản] cũng không tin vào chủ nghĩa Cộng sản của họ”, Xu nói.

 

(Michael Sainsbury, UCAN 30.04.2014

Tiến trình phong thánh được tiến hành như thế nào đối với ĐHY Nguyễn Văn Thuận và Cha Trương Bửu Diệp?

Từ ngữ: tuyên thánh đúng hơn là phong thánh: Từ phong thánh quen dùng trong tiếng Việt, nguyên ngữ từ tiếng Hy Lạp “Kanon” có nghĩa là thước đo hay tiêu chuẩn hay được nhìn nhận là có giá trị. Ý nghĩa nầy được tìm thấy trong động từ canonizare của tiếng La tinh, rồi canoniser trong tiếng Pháp và Canonize trong tiếng Anh.

 

Image

 

Những tín hữu trong thế kỷ đầu đã phong thánh cho các Tông Đồ khi gọi các Ngài là Thánh. Những vị tử đạo cũng được gọi là thánh. Rồi những thế kỷ kế tiếp, những giáo dân có đời sống thánh thiện, nêu gương sáng và thành mực thước cho người đời cũng được tuyên bố “đang ở trên thiên đàng” tức là thánh.
Như vậy theo từ Kanon và theo truyền thống, Giáo Hội không hề phong thánh hay không hề làm cho ai thành thánh cả. Giáo Hội, qua thời gian cầu nguyện lâu dài và qua những phép lạ được thực hiện nhờ lời chuyển cầu của những giáo dân đã chết và đã từng có đời sống thánh thiện, đã tuyên bố là những vị nầy đang ở trên trời với Chúa, tức họ là Thánh.
Vai trò của Giáo Hội là tuyên thánh, tức chính thức tuyên bố rằng: Ông A, bà B, hay Đức Cha C, hay linh mục D hay tu sĩ G . . . đã có đời sống thánh thiện khi còn sống và đang ở trên trời với Chúa. Từ nay họ được kanon, tức thành mẫu mực đáng cho chúng ta kính trọng, bắt chước và được cho vào danh sách phụng vụ chư thánh.
Tiến trình tuyên thánh
Bài viết dựa theo:
1. Những thông tin được Văn Phòng báo chí Vatican phổ biến ngày 12.9.1997 nhằm cắt nghĩa những điều lệ liên quan đến vấn đề tuyên thánh được qui định trong Tông huấn Divinus Perfectionis Magister, do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.1.1983.
2. “Special Problems in Canon Law III – Canonizations, do linh mục Roland Jacques, omi. tức Cha Dương Hữu Nhân, Cha Giáo Sư và Khoa Trưởng Giáo Luật Đại Học St. Paul ở Ottawa soạn và dạy trong niên khoá 2007-2008.
3. Cha Giáo Dương Hữu Nhân đã có công rất lớn trong việc vận động tuyên phong Chân Phước cho Thầy Giảng Anrê Phú Yên, sinh năm 1625, mà Cha Nhân gọi là người Anh cả trong hàng các Thánh Tử Đại Việt Nam, chết ngày 26.7.1644. Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã tuyên phong chân phước cho Anrê Phú Yên ngày 5.3.2000 tại quảng trường Thánh Phêrô, Rôma.
Giai đoạn sơ khởi và những yếu tố căn bản cần biết.
1. Ứng viên tuyên thánh phải là một người Công Giáo hay dự tòng đã chết, tức đang ở trên thiên đàng. Không có vấn đề tuyên thánh cho ai còn đang sống.
2. Dư luận thuận lợi, kéo dài, công khai và mạnh mẽ về đời sống thánh thiện hay gương anh hùng tử đạo của ứng viên. Nếu có trở ngại và chống đối không thể vượt qua được, xin sớm huỷ bỏ tiến hành án tuyên thánh. Chỉ nên bắt đầu sau khi ứng viên đã chết đủ năm năm.
Mẹ Chân Phước Têrêsa thành Calcutta chết ngày 5.9.1997 và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong chân phước ngày 19.10.2003, tức sau sáu năm 1 tháng và 14 ngày.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chết ngày 2.4.2005 và sẽ được tuyên phong chân phước ngày 1.5.2011, tức sau sáu năm một tháng.
3. Phải có thỉnh nguyện viên yêu cầu lập án tuyên thánh. Thỉnh nguyên viên có thể là: cá nhân một giáo dân, một nhóm giáo dân, một tổ chức có tư cách pháp nhân như giáo xứ, địa phận, Hội Đồng Giám Mục địa phương hay một bộ ở Giáo triều Rôma được thiết lập bởi Giáo Luật hay bởi Giáo quyền có thẩm quyền.
4. Giám Mục địa phận ex officio tức Giám Mục địa phương đương quyền. Tuy nhiên, ngài nên tránh khởi án tuyên thánh vì Ngài sẽ phải là chánh án trong toà án địa phận.
5. Cáo thỉnh viên (postulator) thường là một linh mục, được yêu cầu và được uỷ thác để chuẩn bị và trình bày thỉnh nguyện tuyên thánh: Phải được thỉnh nguyện viên yêu cầu và Giám Mục thẩm quyền chấp thuận; Phải thu tập tất cả những gì có liên quan đến ứng viên tuyên thánh: tiểu sử, văn từ, nhân chứng, chứng từ, hình ảnh…. Phải chịu trách nhiệm tài chánh để chi trả cho tiến trình tuyên thánh. Khi án tuyên thánh tiến sang giai đoạn ở Roma, cần một tân cáo thỉnh viên thường trú ở Roma để ứng phó với mọi tình huống liên quan đến vụ án.
6. Thường có hai loại nhân chứng: Nhân chứng de visu tức chứng kiến tận mắt và nhân chứng de auditu, nhân chứng được nghe từ nhân chứng de visu. Không chấp nhận nhân chứng de auditu ab audientibu tức nhân chứng nghe lại từ nhân chứng de auditu. Không giới hạn số nhân chứng, tuy nhiên, có một số người không được làm nhân chứng được như: Cáo thỉnh viên hay phó cáo thỉnh viên vụ án, viên chức trong toà án tuyên thánh cấp địa phận, cha giải tội và cha linh hướng của ứng viên.
7. Cáo thỉnh viên chính thức đệ trình bằng văn bản với Giám Mục đương nhiệm những gì có liên quan đến ứng viên: tiểu sử, nhân đức trổi vượt hay chứng từ tử đạo, dư luận thuận lợi, văn từ đã xuất bản và chưa xuất bản, danh sách nhân chứng, những “sự lạ” nghĩ là đã được Chúa nhậm lời qua lời chuyển cầu của ứng viên và cả những bất lợi nếu có… và xin Ngài cho phép tiến hành án tuyên thánh.
Giai đoạn I: thiết lập án tuyên thánh cấp địa phận
1.Giám Mục địa phận đương quyền nên hỏi ý kiến của các Giám Mục địa phận phụ cận, các Giám Mục trong Giáo tỉnh hay ngay cả Hội Đồng Giám Mục về việc thực hiện tiến trình tuyên thánh. Phổ biến công khai thỉnh nguyện tuyên thánh cho ứng viên. Sau đó, Ngài cho thiết lập uỷ ban giám sát (board of inquiry) gồm những linh mục có kiến thức thần học, giáo luật và lịch sử để bảo đảm cho tiến trình hợp luật.
2.Sau khi đã có nhận được những xét đoán khôn ngoan thuận lợi, Giám Mục địa phận cho triệu tập giáo dân, tuyên bố chính thức thực hiện tiến trình tuyên thánh cho ứng viên được thỉnh nguyện.
3.Những thần học gia được chỉ định để nghiên cứu những văn từ của ứng viên tuyên thánh liên hệ đến đức tin và luân lý. Những sử gia và văn khố viên có nhiệm vụ trình bày về sự xác thực, giá trị của những văn từ và cả nhân cách của ứng viên qua những văn từ nầy.
4.Giám Mục thẩm quyền để cử Công tố Viên (promotor iustitiae) để xem xét về kết quả những nghiên cứu trên những văn từ của ứng viên. Công tố Viên có thể nêu những thắc mắc với Uỷ Ban Giám Sát. Sau khi không thấy có gì trở ngại, Đức Giám Mục địa phận cho phép phổ biến hình ảnh cũng như tiểu sử của Ứng Viên tuyên thánh trong Giáo phận mình.
5.Giám Mục địa phận gửi tất cả những tài liệu, án từ đến Bộ Tuyên Thánh Roma (Congregation for the Causes of Saints). Tài liệu phải được uỷ viên thư ký địa phận ký tên và đóng dấu trên từng trang. Bộ Tuyên Thánh của Rôma sẽ liên hệ với Bộ Giáo Lý Đức Tin (Congregation for the Doctrine of the Faith) và những văn phòng ở Toà Thánh có liên quan. Sau khi không nhận được một phản kháng nào, bộ tuyên thánh sẽ ra văn thư gọi là Nihil obstat, tức không có gì trở ngại, gửi cho Đức Giám Mục địa phận và cho phép tiếp tục tiến hành vụ án tuyên thánh.
Giai đoạn II: Danh hiệu “Đầy Tớ Chúa” và tiến hành giám sát về nhân đức hay việc tử đạo.
1. Sau khi nhận được Nihil Obstat từ bộ Tuyên Thánh, Giám Mục đương quyền ra quyết định chính thức:
a) Nhìn nhận và tuyên bố ứng viên là Đấy Tớ Chúa.
b) Thiết lập toà án cấp địa phận gồm có: chánh án (được hiểu là Giám Mục địa phận, tuy nhiên Ngài nên bổ nhiệm một linh mục có khả năng thần học, giáo luật và lịch sử đảm trách thay thế ngài); Công tố viên và vài Lục sự.
c) Thẩm phán có nhiệm vụ thăm viếng mộ phần của Đầy tớ Chúa và không nên chấp nhận những sùng bái nếu có. Thẩm phán phải theo những nguyên tắc Giáo Luật qui định về việc phỏng vấn nhân chứng ở những điều khoản 1548, 1553, 1558 và 1559.
d) Công tố viên: Phải là một linh mục thông thạo thần học, giáo luật và lịch sử và được Đức Giám Mục địa phận bổ nhiệm, GL. 1435. Nhiệm vụ: hiện diện trong tất cả mọi phiên toà, tra xét mọi chứng từ, ký nhận và bảo đảm tiến hành hợp luật.
e) Lục sự: có thể là một giáo dân có tiếng tốt được chỉnh định bởi Giám Mục hay chưởng ấn địa phận. Nhiệm vụ: ghi chép đúng nguyên văn lời khai, hành động và chứng từ.
f) Thiết lập bản câu hỏi: Có chuyên viên thiết lập bản câu hỏi và thông qua với uỷ ban Giám Sát địa phận. Không được trao bản câu hỏi cho nhân chứng trước. Nên cho nhân chứng thấy tiến trình thời gian cuộc đời của Đầy Tớ Chúa để theo dõi và cung cấp chứng từ cụ thể.
2. Phiên họp mở màn (Không nên diễn ra long trọng tại nhà thờ chánh toà nhằm tránh mọi ngộ nhận rằng: Đầy tờ Chúa đã được tuyên thánh): Giám Mục địa phận xác định việc bổ nhiệm: Chánh án, công tố viên, lục sự và uỷ viên giám sát. Giám Mục nhận lời thế của các viên chức toà án. Chưởng ấn ký nhận. Giới thiệu nhân chứng. Xác định chỗ lấy chứng từ. Có thể mời gia đình của Đầy tớ Chúa tham dự phiên họp mở màn nầy.
3. Thể thức sát hạch nhân chứng: Tất cả đều phải thề nói sự thật và chỉ sự thật. Chỉ có chánh án, công tố viên, lục sự và nhân chứng hiện diện. Giám Mục (nếu không là chánh án) và cáo thỉnh viên không được hiện diện. Giữ Giáo Luật các điều khoản 1539, 1547 và 1574 để có những chứng từ xác thực. Nhân chứng và công tố viên phải ký nhận trên từng trang chứng từ. Nếu có sửa chữa, công chứng viên và nhân chứng phải ký nhận. Sau cùng, lục sự đọc lại chứng từ và ký nhận.
4. Kết thúc giai đoạn giám sát nhân chứng cấp địa phận:
a) Gom góp tất cả những dữ kiện, chứng từ, sửa đổi, ghi chú, duyệt xét, đọc lại và tất cả thành viên toà án và nhân chứng thề rằng: đã cung cấp chứng từ thật.
b) Chánh án, công tố viên, lục sự đi viếng phần mộ cũng như những nơi được nhân chứng đề cập có liên quan đến Đầy tớ Chúa.
c) Hồ sơ, tài liệu được lập thành ba bản: Nguyên bản (archetypum) được niêm phong và lưu giữ ở văn khố Toà Giám Mục địa phận. Hai phó bản được lục sự đóng dấu, ký tên và gửi sang sang Roma. Một bản gọi là transumptum gởi đến bộ tuyên Thánh và giữ ở văn khố. Bản còn lại cũng gửi đến bộ tuyên thánh nhưng được trao cho cáo thỉnh viên hay những ai đang nghiên cứu về án tuyên thánh khảo sát.
d) Cáo thỉnh viên có nhiệm vụ mang sang Roma và trao cho bộ tuyên thánh: Lá thư gửi cho bộ trưởng bộ tuyên thánh. Hai phó bản do toà án địa phận thiết lập đã nói. Sách viết, thủ bản, văn thư, chứng từ của đầy tớ Chúa.. Tất cả được gọi là instrumentum được chứa trong một hộp, niêm phong gọi là clausurae. Án từ đã gửi đi, kết thúc giai đoạn tiến trình tuyên thánh cấp địa phận.
Giai đoạn III: Tiến trình án tuyên thánh ở Roma
Không qua đường bưu điện, nhưng Cáo thỉnh viên phải mang hộp niêm phong tài liệu từ địa phận sang Roma. Yêu cầu Bộ tuyên thánh nhận và ra quyết định cho tiếp tục án tuyên thánh ở Roma.
Tân cáo thỉnh viên được thỉnh nguyện viên chỉ định và được bộ tuyên thánh nhìn nhận. Tân cáo thỉnh viên phải ở Roma.
Cáo thỉnh viên yêu cầu Bộ tuyên thánh ra quyết định nhìn nhận tiến trình đã thực hiện ở cấp địa phận là hợp luật và thành sự. Nếu tiến trình sơ khởi ở địa phận hợp luật và thành sự, tân cáo thỉnh viên yêu cầu bộ tuyên thánh cho nghiên cứu để xúc tiến việc tuyên thánh.
Sau khi đã ra quyết định nhìn nhận tiến trình sơ khởi của cấp địa phận, bộ tuyên thánh sẽ bổ nhiệm những viên chức như: Công tố viên, những nhà nghiên cứu sử học, báo cáo viên (Relator). Về phía thỉnh nguyện viên, được yêu cầu chọn một người cộng sự gọi là collaborator. Relator và Collaborator sẽ viết một positio, tức tiểu sử của đầy tớ Chúa, liên quan đến nhân đức trổi vượt hoặc việc tử đạo. Đại khái một positio như sau:
Thông tin về bốn điểm: lịch sử tiến trình sơ khởi – phương pháp thực hiện – tiểu sử đầy tớ Chúa và dư luận về đời sống nhân đức thánh thiện hay chứng từ tử đạo.
Trưng dẫn dữ kiện cụ thể, chứng từ và nhân chứng.
Tài liệu: Giấy rửa tội, chứng từ của gia đình, địa phận hay dòng tu.
Relato et Vota: Báo cáo và biểu quyết. Nếu đồng ý, bộ tuyên thánh sẽ để cử sáu nhà nghiên cứu sử học, mười tư vấn thần học để nghiên cứu trên positio. Nếu hai phần ba trong số nầy biểu quyết thuận, án tuyên thánh sẽ được báo cáo với bộ Giáo Lý Đức Tin. Nếu không, yêu cầu làm lại.
Giai đoạn hai ở Roma: Nâng Đấy tớ Chúa lên Venerable, Bậc đáng kính.
Các hồng Y và Giám Mục trong và ngoài Rôma được triệu tập và được cáo thỉnh viên yêu cầu chấp nhận án tuyên thánh. Một Ponens, tứ báo cáo viên được chọn từ các hồng y hay giám mục, thành viên của bộ tuyên thánh được bổ nhiệm để chấp nhận án tuyên thánh và báo cáo với Đức Giáo Hoàng. Một khi Đức Thánh Cha đã nhìn nhận những nhân đức siêu vượt hay cái chết anh hùng của dầy tớ Chúa là xác thực, Ngài ra quyết định cho nâng Đầy tớ Chúa lên Bậc đáng kính. Giờ đây, người ta được quyền làm Holy Card, tức thiệp thánh, có hình của Bậc Đáng Kính và kinh nguyện xin Chúa thực hiện dấu lạ qua sự chuyển cầu của Bậc đáng kính.
Đến đây, tiến trình tuyên thánh đã trãi qua hai giai đoạn rất khó khăn:
Thiết lập toà án cấp địa phận để thu thập tài liệu, chứng từ và sát hạch chứng nhân và đề xuất sang Rôma để nhận Nihil obstat và ứng viên được gọi là: Đầy tớ Chúa.
Mang án tuyên thánh sang Roma và chịu sự làm việc rất tỉ mỉ và tốn kém của bộ tuyên thánh để đầy tớ Chúa được nhìn nhận là bậc đáng kính.
Giai đoạn IV: Phép lạ và tuyên phong chân phước
Phép lạ:
Được coi như sự chuẩn nhận của Chúa trên ứng viên tuyên thánh đang ở trên Trời. Ngay từ thế kỷ thứ 13, dưới thời Đức Giáo Hoàng Innocent III, Giáo Hội đòi buộc phải có phép lạ thực hiện nhờ lời chuyển cầu của những Bậc Đáng Kính, những ứng viên tuyên thánh về đời sống đạo đức. Tuy nhiên, phép lạ được miễn trừ nơi những ứng viên tuyên thánh tử đạo.
Phép lạ phải là phép lạ thể lý, chứ không phải luân lý, tức kết quả những việc lạ phải được cảm nhận, được nhìn thấy, được minh chứng và giảo nghiệm y khoa. Và phải đã xảy ra một năm rồi.
Khi có việc lạ xảy ra, cáo thỉnh viên phải viết đơn xin Giám Mục thẩm quyền thiết lập ban giám sát. Sau khi xét đoán khôn ngoan có thể là phép lạ, Giám Mục địa phận để cử hai bác sĩ xét nghiệm, chuyên viên thu thập tài liệu, chứng từ và yêu cầu toà án địa phận thiết lập việc sát hạch nhân chứng.
Hồ sơ kết quả thẩm định, có thể là phép lạ, sẽ lập thành ba bản. Bản gốc giữ ở Toà Giám Mục địa phương. Hai bản còn lại gửi sang bộ tuyên Thánh Rôma để duyện xét và thẩm định.
Bộ tuyên thánh duyệt xét phép lạ trên ba tiêu chuẩn:
Y khoa: Đây là một chửa trị xác thực và lạ lùng mà y khoa bình thường không làm được.
Thần học: Nhân chứng đã khẩn cầu với Bậc Đáng Kính và nhận được phép lạ.
Lòng đạo: Hồng Y và các Giám Mục quyết định là rất hữu ích cho lòng sốt sắng của Giáo Hội hoàn vũ nếu ứng viên được tôn phong chân phước.
Tất cả được đệ trình lên Đức Thánh cha và để Ngài có quyết định sau cùng là có tiến tới tuyên thánh hay không. Nếu có, cũng chính Đức Thánh Cha sẽ công bố ngày giờ, nơi chốn cử hành việc tuyên phong Chân Phước.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận từ trần ngày 16.9.2002. Rất may mắn, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho phép Hội Đồng Công Lý và Hoà Bình của Ngài khởi án tuyên thánh ngày 16.9.2007. Ngài đã có Holy Card và Kinh Xin Ơn được Đức Giám Mục Giampietro Crepaldi, tổng thư ký Hội Đồng Công Lý và Hoà Bình lúc ấy chuẩn nhận và cho phép phổ biến ngày 16.9.2007.
Theo tiến trình tuyên thánh của Giáo hội Công giáo Rôma, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đang ở bậc Tôi tớ Chúa (một trong bốn bậc phong thánh: Tôi tớ Chúa, Đấng Đáng kính, Chân phước và Thánh). Ngày 16 tháng 1 năm 2009, Hồng Y Agostino Valini, Giám Quản Toà Rôma ban Án lệnh chính thức vận động thu thập những chứng cứ, tài liệu, tác phẩm của/về Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận để phục vụ cho án phong chân phước. Ngày 22 tháng 10 năm 2010, án phong chân phước cho Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được chính thức khởi sự.
Ngày 15 tháng 11 năm 2010, VietCatholic đưa tin về một chủng sinh người Việt Nam sinh ra ở Mỹ bị hôn mê 32 ngày và hai lần Bác sĩ đã tuyên bố là chết. Nhưng ba mẹ chủng sinh nầy và chính Thầy Giuse đã kêu cầu Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Thầy Giuse đã thấy Đức Hồng Y trong thị kiến hai lần đến tận giường bệnh thăm viếng Thầy. Hiện tại thầy đã bình phục hẵn. Văn phòng cáo thỉnh ở Rôma đang đòi những chứng từ minh chứng cho phép lạ chữa bệnh nầy. Nếu Thầy Giuse có đủ bằng chứng về sự bình phục lạ lùng của Thầy. Chắc chắn Đức Hồng Y sẽ được tuyên phong chân phước sớm.
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp sinh ngày 01-01-1897, được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 2-2-1897 tại họ đạo Cồn Phước, làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, quận Chợ Mới, Tỉnh An-Giang. Ngày 12-3-1946, ngài bị bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt chung với bổn đạo tại lẫm lúa của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Do sự tranh chấp giữa các giáo phái, vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, ngài đã chết thay thế cho những người bị bắt chung.
Ở Việt Nam và hải ngoại, cả lương giáo, không ai không biết Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Vô số những phép lạ được truyền khẩu và được ghi chép thành văn bản. Việc lập án tuyên thánh cho Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp có nhiều thuận lợi: Ngài bị giết chết trong khi thi hành nhiệm vụ mục tử, Ngài chết vì đạo. Chúa đã thực hiện nhiều phép lạ qua sự chuyển cầu của Ngài. Nhiều và rất nhiều nhân chứng “de visu”, là người thọ ơn Cha. Những người đã từng tiếp xúc với Cha thời sinh tiền vẫn còn sống như Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn.
Thời gian chuẩn bị đã lâu, nhiều người đang nức lòng và sẵn sàng làm chứng cũng như rộng rãi ủng hộ chương trình tuyên thánh cho Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Chương trình vinh danh Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, vị mục tử dũng cảm đã dám chết vì đàn chiên, giống như Chúa Kitô, thầy chí Thánh, vị mục tử nhân hậu, tốt lành và mẫu mực đã đến lúc chín mùi. Xin trao vào tay Chúa nguyện ước thánh thiện nầy. Vì không điều gì là không có thể với Thiên Chúa! Xin cầu nguyện và ủng hộ!

(LM Phêrô Trần thế Tuyên, Kiến thức Công Giáo,, Liên Tu sĩ Canada)