Archive | February 2019

Làm cớ cho anh sa ngã

 

Mc9,_1-50

 

41 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các moan đệ rằng : “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

42 “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. 43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi ; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. 44 – 45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi ; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. 46 – 47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi ; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, 48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. 49 Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. 50 Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại ? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau.”

 

Suy Niệm

 

Khi nghe một người chịu tháo khớp vì mắc bệnh tiểu đường,

chúng ta chẳng ngạc nhiên mấy.

Mất đi bàn chân mà kéo dài được sự sống

thì còn hơn là giữ lại mà phải chết.

Có bao nhiêu người chịu giải phẫu mỗi ngày.

Họ chấp nhận cắt bỏ một phần thân thể bị hư hoại,

để mong giữ lại được cả mạng sống.

Tuy việc cắt bỏ luôn đi kèm với đau đớn và mất mát suốt đời,

nhưng người ta vẫn vui vì thấy mình còn sống.

 

Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm ta ngạc nhiên và không vui.

Bài này có nhiều câu được lặp lại như một điệp khúc.

“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi…

Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi…

nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì anh hãy móc nó đi…”

Có cần phải chặt tay, chặt chân hay móc mắt không ?

Có cần phải hiểu các câu này của Chúa theo nghĩa đen không?

Nếu hiểu theo nghĩa đen, chắc khó mà có một kitô hữu lành lặn.

 

Bởi vậy chúng ta thường dễ bỏ qua hay hiểu theo nghĩa bóng,

và có nguy cơ làm yếu đi sứ điệp mà Đức Giêsu muốn chuyển tải.

Giá Trị tối hậu mà Đức Giêsu muốn chúng ta coi trọng

đó là Sự Sống vĩnh hằng, là Nước Thiên Chúa (cc. 43-47).

Để có được Giá Trị này, ta phải chấp nhận hy sinh nhiều giá trị khác.

Hơn nữa, chúng ta lại càng phải từ bỏ hy sinh

những gì cản trở khiến ta không thể đạt tới mục đích mình theo đuổi.

Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể.

Chúng là những chi thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường.

Tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ khiến ta vấp phạm, sa ngã.

Sa ngã ở đây là thứ sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời,

nơi toàn bộ cuộc đời chúng ta bị đổ vỡ nát tan không sao hàn gắn.

Vì cuộc đời của chúng ta là vô giá,

một cuộc đời đã được chuộc bằng chính Máu Con Thiên Chúa,

một cuộc đời mà chính chúng ta đã dày công xây đắp,

nên việc cắt bỏ những điều phá hoại cuộc đời ấy là chuyện tự nhiên.

 

Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn.

Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai mong.

Nhưng Đức Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu,

để có can đảm cắt đứt với những thụ tạo đang làm hư hỏng đời ta.

Cắt đứt với một thói quen xấu lâu năm,

hay cắt đứt tương quan tội lỗi với một người,

những điều ấy nhiều khi còn khó hơn việc móc mắt hay chặt tay.

Chúng ta chỉ có thể sống Lời Chúa hôm nay

nếu chúng ta không bị hút bởi khoái lạc trần gian ngay trước mắt.

Xin Chúa giúp ta thực hiện những cuộc giải phẫu mỗi ngày,

để đau đớn của đoạn tuyệt hôm nay đem lại hạnh phúc trọn vẹn mãi mãi.

 

Cầu Nguyện

 

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

 

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

 

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

 

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

 

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

HĐGM Hoa Kỳ kinh hoàng trước quyết định chận đứng dự luật bảo vệ thai nhi đã chào đời của Thượng Viện

npfobril

 

Tối thứ Hai, các thượng nghị sĩ phò sinh tại Thượng Viện Hoa Kỳ đã thất bại trong việc thuyết phục các đồng viện thông qua Born-Alive Abortion Survivors Protection Act (dự luật bảo vệ thai nhi sống sót sau các phẫu thuật phá thai).

Thượng nghị sĩ Ben Sasse, đại biểu Cộng Hòa ở tiểu bang Nebraska là tác giả của dự luật này. Ông đề nghị việc cấm các bác sĩ giết chết các thai nhi sống sót sau các phẫu thuật phá thai, và phải bảo đảm rằng những hài nhi này phải được chăm sóc như các hài nhi được sinh ra bình thường khác có cùng tuổi thai. 53 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận, 44 bỏ phiếu chống, và 3 người không bỏ phiếu. Tại Thượng viện, một dự luật cần phải đạt được túc số 60 phiếu để được thông qua. Hiện nay, Thượng viện Hoa Kỳ gồm 100 nghị sĩ, 53 thuộc đảng Cộng Hoà, 45 thuộc đảng Dân Chủ và 2 thượng nghị sĩ độc lập.

Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) về các hoạt động vì sự sống, đã đưa ra tuyên bố sau đây:

“Không có dự luật nào dễ cho Thượng viện thông qua hơn cho bằng một điều rõ ràng rằng việc giết trẻ sơ sinh là sai và không nên được dung thứ. Một thượng nghị sĩ thôi, chứ đừng nói chi đến 44 thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu chống lại dự luật bảo vệ thai nhi sống sót sau các phẫu thuật phá thai, là một sự bất công gây kinh hoàng và tức giận cho người dân Mỹ và buộc chúng ta phải có những hành động chính trị quyết liệt. Một cuộc bỏ phiếu chống lại dự luật này là một cuộc bỏ phiếu để nới rộng giấy phép giết người Roe chống Wade, từ chỗ giết chết những đứa trẻ chưa sinh giờ đây lấn sang cả giết chết những đứa trẻ sơ sinh. Người dân Mỹ, đại đa số ủng hộ dự luật này, phải đòi hỏi công lý cho những đứa trẻ vô tội.”

Tóm tắt những điều người Công Giáo cần biết về bản án chống lại Đức Hồng Y George Pell

 

1. Người ta tố cáo Đức Hồng Y chuyện gì?

Thưa: Một người, toà án giấu tên, chỉ gọi bằng bí danh là AA, cáo buộc rằng sau thánh lễ ngày Chúa Nhật 15 tháng 12, hoặc là 22 tháng 12, 1996, anh ta và một ca viên khác trong dàn hợp xướng trốn khỏi đám rước và lao vào phòng thánh của nhà thờ để uống rượu lễ, thì lúc đó Tổng Giám Mục Pell bước vào, cởi một phần áo lễ ra và buộc họ thực hiện khẩu dâm.

2. Chuyện đó có thể xảy ra được không?

Thưa: Không. Không thể nào xảy ra. Vì những lý do sau:

2.1 Đức Tổng Giám Mục Pell, cũng như hầu hết các linh mục tại Úc, luôn đứng bên ngoài thánh đường sau Thánh lễ để chào hỏi anh chị em giáo dân.

2.2 Lúc nào bên cạnh ngài cũng có vị trưởng ban nghi lễ Phụng Vụ đi kèm. Đức Ông Charles Portelli, vị phụ trách các nghi lễ Phụng Vụ của ngài, đã làm chứng rằng những cuộc tấn công không thể xảy ra bởi vì “Tôi đã ở bên ngài suốt thời gian ngài mặc áo lễ trong những ngày đó.”

2.3 Phòng thánh của nhà thờ chính tòa St. Patrick lúc nào cũng nhộn nhịp sau thánh lễ với ít nhất hàng chục người ra vào, dọn dẹp và thay áo. Ai đã từng đến nhà thờ này đều nhận ra phòng thánh này lúc nào cũng mở toang sau thánh lễ và có thể quan sát từ nhiều phía.

2.4 Tất cả các ca viên khác (bây giờ, tất nhiên, đã trưởng thành), cũng như giám đốc dàn hợp xướng và trợ lý của ông, các cựu thành viên đã trưởng thành khác của dàn hợp xướng, Đức Ông phụ trách các nghi lễ Phụng Vụ, và ông từ đều làm chứng, và từ lời chứng của họ, chúng ta biết được những điều này:

2.5 Ít nhất 40 người đã không hề thấy hai đứa trẻ trong dàn hợp xướng đột nhiên tách khỏi đám rước sau Thánh lễ.

2.6 Hai đứa trẻ trong dàn hợp xướng nói là bị lạm dụng sau đó không thể vào phòng tập hát, qua hai cánh cửa bị khóa, vì chúng không có thẻ an ninh.

2.7 Không có tin đồn cũng như không có bất kỳ bàn tán nào liên quan đến một biến cố tệ hại như vậy xảy ra từ đó và trong suốt mấy chục năm trời qua.

2.8 Trước phiên tòa, mẹ của người được cho là nạn nhân thứ hai, nay đã chết, cho biết con bà đã nói với bà trước khi qua đời rằng anh ta chưa bao giờ bị lạm dụng tính dục.

2.9 Trên hết là điều này: Là thành viên của Hồng Y đoàn của Hội Thánh Rôma và là một quan chức của Vatican, Đức Hồng Y có hộ chiếu ngoại giao của Vatican và quyền công dân của Quốc gia Thành Vatican. Nếu thực sự ngài đã phạm tội, ngài lẽ ra có thể ở lại trong vùng an toàn đặc miễn ngoại giao của Vatican, chính quyền Úc không thể chạm tới. Nhưng vì Đức Hồng Y Pell biết mình vô tội, nên ngài quyết tâm về quê nhà để bảo vệ danh dự của mình, của Giáo Hội và theo nghĩa rộng hơn, để bảo vệ hàng thập kỷ làm việc của ngài để tái xây dựng Giáo Hội Công Giáo ở Úc, nơi nhiều phần sống động vẫn còn nợ rất nhiều sự lãnh đạo và lòng can đảm của ngài.

3. Tiến trình xét xử ngài đã diễn ra như thế nào?

Thưa: 3.1 Cảnh sát Victoria đã bắt đầu một cuộc điều tra một năm trước khi có bất kỳ khiếu nại nào được đệ trình. Trong quá trình điều tra, cảnh sát đã lấy ra các quảng cáo trên báo để tìm kiếm thông tin về bất kỳ hành vi không đáng có nào với trẻ vị thành niên tại nhà thờ chính tòa St. Patrick ở Melbourne, dù chính quyền không có bất kỳ gợi ý nào về các hành vi sai trái tại đây.

3.2 Khi các cáo buộc đã được đặt ra và Đức Hồng Y Pell đã tạm thời rời bỏ chức vụ của mình ở Vatican để trở về Úc, một phiên điều trần để xác định liệu các cáo buộc có đáng được đưa ra xét xử hay không đã được tổ chức. Chánh án trong phiên điều trần đã loại bỏ nhiều cáo buộc vô lý nhưng cho phép điều tra tiếp một số khác – mặc dù bà nhận thấy rằng mình sẽ không bỏ phiếu kết án đối với các các cáo buộc đó, nhưng dù sao bà nghĩ những cáo buộc ấy cũng nên được xét xử cho sáng tỏ giữa bầu không khí công cộng sôi sục có thể so sánh với Salem, và Massachusetts, trong cơn cuồng loạn săn lùng phù thủy vào thế kỷ XVII

3.3 Một phiên tòa hình sự đã được tổ chức. Trong phiên tòa đó, và sau khi các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y Pell chứng minh rằng những tội ác mà ngài bị cáo buộc không thể nào xảy ra nổi, một bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu 10-2 để tha bổng ngài; nhưng điều đó có nghĩa là một bồi thẩm đoàn bế tắc đã xảy ra (một số thành viên đã khóc khi phán quyết của họ được đọc [vì họ không thuyết phục được 2 người kia đồng thuận với họ]) và như thế tòa đã quyết định xét xử lại. Cần nhớ rằng bồi thẩm đoàn được chọn từ các công dân bình thường của Úc.

3.4 Tại phiên tòa xét xử lại, các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y Pell đã chứng minh rằng có mười điều không thể tin được và không thể xảy ra đồng thời trùng hợp như thế trong cáo buộc chống lại ngài.

Tuy không có thêm bất kỳ tố cáo nào mới từ nguyên cáo hay từ bất cứ người nào khác về bất cứ hành vi sai trái nào của ngài từ lần xử trước đến lần xử này; và đồng thời cảnh sát cũng bị chỉ ra là đã sơ suất trong việc điều tra hiện trường vụ án được cho là nơi xảy ra lạm dụng; thế mà bồi thẩm đoàn thứ hai đã bỏ phiếu 12-0 để kết tội ngài!

Thẩm phán phiên tòa cũng có vẻ ngạc nhiên khi nghe phán quyết. Có thể vì thế mà phán quyết đã được đưa ra từ tháng 12, nhưng đến bây giờ mới công bố.

Sự khác biệt một trời một vực giữa phán quyết của bồi thẩm đoàn đầu tiên, và của bồi thẩm đoàn thứ hai, cho thấy giữa cơn xiếc truyền thông xung quanh Đức Hồng Y Pell, một phiên tòa xét xử công bằng không có các yếu tố ý thức hệ, không có lòng căm thù Công Giáo, là hầu như không thể.

3.5 Các luật sư của Hồng Y Pell, tất nhiên, sẽ kháng cáo. Kháng cáo sẽ được xét xử bởi một hội đồng xét xử gồm các thẩm phán cao cấp, là những người có thể quyết định rằng bản án vừa qua “unsafe verdict”, tức là một “phán quyết không an toàn” mà bồi thẩm đoàn không thể đạt được một cách hợp lý trên cơ sở các bằng chứng đáng tin cậy – và nếu như thế phản quyết vừa qua chống lại Đức Hồng Y Pell là vô hiệu và bị hủy bỏ.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài và cho công lý. Ngày nay người ta nói nhiều về công lý dành cho các nạn nhân bị hàng giáo sĩ lạm dụng tính dục. Nói đúng lắm. Nhưng, còn công lý dành cho các linh mục thì sao? Bao nhiêu các linh mục bị bề trên ép phải “cúi đầu nhận tội” để bề trên lo liệu giải quyết “êm đẹp” các tố cáo sai trái nhằm mục đích duy nhất là moi tiền thì sao? Còn những linh mục không làm gì cả đi khơi khơi ngoài đường bị nhổ vào mặt, bị chửi thề, bị buông lời xúc xiểm thì sao?

Hôn nhân Công Giáo: Nét văn hóa tốt đẹp của nhân loại

Chiều hôm nào tiếng hát bay cao, quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao, hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời… (Diễm tình ca)

Đi giữa muôn hoa, dưới ngàn ánh điện lung linh, trong vòng tay yêu thương của cộng đoàn, cùng sự hiện diện của gia đình và bạn bè. Hôm nay, hai bạn trẻ tay trong tay tiến lên bàn thờ dưới sự chủ tế của linh mục chính xứ anh chị đã đón nhận bí tích hôn phối trở thành vợ chồng theo luật Hội thánh Công giáo.

Hôn nhân Công Giáo: Nét văn hóa tốt đẹp của nhân loại

Hình ảnh đôi uyên ương đi bên nhau tiến lên bàn thờ trước sự chứng kiến của cộng đoàn và Thiên Chúa để thề hứa chung sống trọn đời đẹp đẽ và lung linh bút nào tả xiết, giữa một xã hội nhiễu nhương, nhiều giá trị đã mất đi vẻ đẹp truyền thống thì hôn nhân Công giáo vẫn luôn giữ được nét đẹp và ý nghĩa nhân văn sâu sắc kể cả về phương diện trần thế cũng như đức tin. Chắc hẳn, phải có nhiều người đã từng hỏi :

” Vì sao trên cuộc đời, từ hai người xa lạ, không có mối liên hệ họ hàng huyết thống lại chung sống được với nhau đến trọn đời như vậy ?

Xin thưa rằng : hôn nhân là sự tiền định của Thiên Chúa ,sẽ có rất nhiều câu hỏi thắc mắc về hôn nhân Công giáo, nhân thánh lễ thành hôn của anh chị, tôi xin giới thiệu đến những nét chính yếu hôn nhân Công giáo.

Hôn nhân Công giáo được xem là định chế lâu đời của Giáo hội và có giá trị đến hiện tại như thửa ban sơ. Hôn nhân biểu trưng của tình yêu Thiên Chúa với con người, chính vì vậy hôn nhân Công giáo là một bí tích (Dấu tích bí nhiệm) để mang lại hạnh phúc gia đình. Giáo hội có nhiều thủ tục cần thiết để cho đôi bạn chuẩn bị hành trang để sống đời sống gia đình. Ngoài những nghi lễ và các nghi thức như những người bình thường, hôn nhân Công giáo có những điểm khác biệt sau:

Hôn nhân Công Giáo: Nét văn hóa tốt đẹp của nhân loại - Ảnh minh hoạ 2

1. Hôn nhân phải xuất phát từ tình yêu:

Người Công giáo rất coi trọng tình yêu, nhất là tình yêu vợ chồng, vì thế đôi nam nữ trước khi đến trình diện với cha xứ phải qua quá trình tìm hiểu và yêu thương nhau. Cả hai đều tự nguyện yêu thương nhau mà không bị ràng buộc hay ép thúc từ bất cứ một người thứ ba nào khác, khi đã xác định đời sống hôn nhân, hai người mới quyết định lấy nhau, đến trình diện với cha xứ nơi hai người sinh sống.

2. Học giáo lý:

Giáo lý hôn nhân là hành trang mà Giáo hội chuẩn bị cho đôi bạn trẻ bước vào đời sống gia đình với một kiến thức nhất định về đạo cũng như đời. Thông thường thời gian học cho cả hai người đều là Ki-tô hữu khoảng 6 tháng, còn nếu là tân tòng (những người trở lại đạo) thời gian học sẽ lâu hơn. Có người sẽ nói học như vậy là quá lâu và ép buộc, nhưng chúng ta hãy nghĩ xem, đời sống gia đình rất phức tạp vì vậy cần thiết phải có lượng kiến thức nhất định về đời sống gia đình thì gia đình sau này mới hạnh phúc được, bỏ thời gian sáu tháng để mưu cầu hạnh phúc cả đời là điều đáng làm của một người biết suy nghĩ.

Hôn nhân Công Giáo: Nét văn hóa tốt đẹp của nhân loại - Ảnh minh hoạ 3

3. Rao hôn phối:

Sau khi học hỏi giáo lý hôn nhân xong, nếu hai bên quyết định dứt khoát kết hôn, thì trình cho cha xứ bên nhà gái biết. Ngài sẽ làm lời rao hôn phối và rao trong ba Chúa nhật ở giáo xứ của mỗi bên.

Việc rao hôn phối tại mỗi xứ nhằm để cho mọi người trong cộng đoàn biết, thêm lời cầu nguyện và xem xét có gì ngăn trở thì giải quyết trước hoặc trình báo với cha xứ, đồng thời cũng để ấn định lễ cưới. Có nhiều người sẽ cho rằng việc này ảnh hưởng đời tư của hai người, nhưng ta thấy đó là một hình thức rất hay để khích lệ đời sống cộng đồng, cũng là một điều rất tốt đẹp cho đôi bạn trẻ sau khi thành lập gia đình.

4. Cử hành thánh lễ bí tích hôn phối:

Đây là ngày trọng đại, linh thiêng nhất của đôi uyên ương, khi đã hoàn thành khóa học giáo lý hôn nhân, hai người quyết định kết hôn với nhau. Thánh lễ cử hành bằng các nghi thức phụng vụ đặc biệt, các bài đọc dành riêng, nghi thức hôn phối được bắt đầu sau bài Phúc âm và bài giảng, gồm ba phần:

Hôn nhân Công Giáo: Nét văn hóa tốt đẹp của nhân loại - Ảnh minh hoạ 4

Phần một: Thẩm vấn đôi tân hôn

Chủ tế lần lượt hỏi cô dâu và chú rể ba câu hỏi về sự tự do, về việc yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời và về việc đón nhận con cái. Những câu hỏi này nhằm giúp đôi tân hôn chính thức xác nhận trước mặt mọi người rằng họ thực sự ý thức và trưởng thành khi quyết định kết hôn, nghĩa là có sự tự do để lấy nhau, chấp nhận ý nghĩa và mục đích của hôn nhân là yêu thương và chung thủy với nhau, sẵn sàng đón nhận và giáo dục con cái.

Phần hai: Trao đổi lời thề hứa

Đây là phần chủ yếu của bí tích Hôn phối. Đôi tân hôn sẽ trao đổi lời thề hứa nhận nhau làm vợ làm chồng và cam kết trung thành với nhau suốt đời.

Phần ba: Làm phép và trao nhẫn cưới

Khi cả hai người đã đồng ý và hứa hẹn trước Chúa, người chứng giám sẽ tuyên bố hai người chính thức trở thành vợ chồng. Chú rể sẽ trao nhẫn và hôn cô dâu trước mặt mọi người như để công khai cuộc hôn nhân của họ với tất cả.

Hôn nhân Công Giáo: Nét văn hóa tốt đẹp của nhân loại - Ảnh minh hoạ 5

Chiếc nhẫn với hình vòng tròn được người Thiên Chúa coi là biểu tượng của sự trường tồn và vĩnh cửu. Chính vì vậy nhẫn là vật không thể thiếu và được chú rể trao cho cô dâu như lời hứa hẹn họ sẽ sống trọn đời bên nhau.

Tại một số đám cưới của người Thiên Chúa bạn sẽ thấy cô dâu và chú rể, mỗi người cầm một ngọn nến. Đừng ngạc nhiên vì mỗi cây nến họ cầm tượng trưng cho cuộc sống riêng của mỗi người trước khi kết hôn. Cả hai sẽ dùng cây nến của mỗi người thắp chung một cây nến khác và cùng thổi tắt cây nến riêng của họ.

Tiếp đến, đôi tân hôn, hai người chứng và linh mục cùng ký tên vào Sổ Hôn phối. Sổ này được lưu trong văn khố của giáo xứ. Việc ký tên này cũng có thể được thực hiện sau thánh lễ.

Nghi thức Hôn phối kết thúc. Thánh lễ tiếp tục. Sau kinh Lạy Cha có một lời nguyện đặc biệt cầu cho đôi tân hôn. Hội Thánh khẩn cầu Chúa ban đầy ân sủng và phúc lộc cho đôi tân hôn để bản thân họ được thánh thiện và hạnh phúc, gia đình họ được hòa thuận và bền vững. Hội Thánh cũng nguyện xin ơn Thánh Thần cho họ vì “Chúa Thánh Thần là dấu ấn hôn ước của họ, là nguồn mạch tình yêu của họ, là sức mạnh giúp họ chung thuỷ

(Trích trong Bài 5: Các thủ tục và nghi lễ hôn phối)

Hôn nhân Công Giáo: Nét văn hóa tốt đẹp của nhân loại - Ảnh minh hoạ 6

Bí tích hôn phối là bí tích linh thiêng nhất cho mỗi người Công giáo khi bước vào đời sống gia đình. Có rất nhiều người ngoài Công giáo muốn đến nhà thờ để được cử hành bí tích hôn phối nhưng không được phép của Hội thánh, chỉ trừ ở Nhật Bản được đặc cách cho các đôi ngoài Công giáo được làm lễ cưới trong nhà thờ. Suy ngẫm sâu xa ta thấy được những giá trị cao cả của bí tích hôn phối, đó là cơ sở của hạnh phúc gia đình, đó là cơ sở để thiết lập bình đẳng giới, đó là cơ sở để chống lại hiện tượng đa thê, đó là cơ sở để bảo vệ hạnh phúc cho người phụ nữ… Hôn nhân Công giáo là một nét văn hóa tốt đẹp của nhân loại cần được giữ gìn và mở rộng để thế giới tốt đẹp hơn.

” Nguyện xin Thiên Chúa gia ân,

Cho tình đôi lứa ái ân mặn nồng.

Ngày qua tháng lại vun trồng,

Tình yêu kết nụ bông hồng ngát hương.

Gia đình ơn gọi yêu thương,

Chúng con quyết sống uyên ương chân thành.

Tay đan tay, nhịp bước song hành,

Tình yêu Giao ước vinh danh Cha hiền “.

Hôn nhân Công Giáo: Nét văn hóa tốt đẹp của nhân loại - Ảnh minh hoạ 7

Nhân ngày lễ chịu bí tích hôn phối, nguyện xin Thiên Chúa đổ muôn phúc lành xuống trên gia đình hai bạn trẻ này, để từ đó hoa quả của Tin Mừng được trổ sinh.

NVK/RFA.