Archive | May 2017

Cầu nguyện là gì và phải cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Chúa?

Cầu nguyện là gì và phải cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Chúa? Hỏi: xin cha giải thích cầu nguyện là gì ? Trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói “ ai muốn theo Ta, phải bỏ mình và vác thập giá theo Ta..” Như vậy cầu xin Chúa cho khòi bệnh tật và mọi gian nan khốn khó ở đời thì có trái với lời dạy trên của Chúa và có tội hay không ?
Cầu nguyện là gì và phải cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Chúa?

Trả lời :
Trước hết, xin giải thích cầu nguyện là gì.
Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa để tâm sự  hay  nói chuyện với Chúa trong thân tình Cha con khi vui cũng như lúc  buồn, khi gặp gian nan khốn khó hay lúc được  những điều vui thỏa  vừa  ý.
Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê su cũng nói :”Đối với  tôi, cầu nguyện là một sự hướng lòng lên, một cái nhìn đơn sơ hướng lên trời. Đó là tiếng kêu của lòng tri ân và của tình yêu trong cơn thử thách cũng như trong lúc hưởng niềm vui.” (St Therese of Licieux, Autobiography C. 25p)
Như thế cầu nguyện là tâm tình thân mật với Chúa trong niềm tin có Chúa là Cha nhân từ luôn lắng nghe mọi  lời cầu nguyện, cầu xin của con cái loài người và hằng ban muôn ơn lành cho chúng ta, những người  có đức tin và ngay cả cho những người chưa có đức tin, chưa biết Chúa và yêu mến Người, căn cứ vào chính lời Chúa Giêsu đã nói với các mộn đệ xưa như sau:

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu  kẻ thù và và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh  em. Như  vậy  anh  em mới được trở nên con cái của Cha  anh em, Đấng ngự trên trời, vì  Người cho mặt trời của Người mọc lên  soi  sáng  kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống  trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” ( Mt 5 :44- 45)
 Vậy chúng ta phải cầu nguyện cách nào cho đẹp lòng Chúa?
Căn cứ vào kinh Lậy Cha  mà Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ xưa, chúng ta có thể rút ra được những  chỉ  dẫn sau đây:
Trước hết, Chúa nói cho chúng ta biết:
1-    Chúng ta có một CHA ở trên trời
2-    Vì thế, chúng ta phải nguyện xin  trước hết cho danh CHA cả sáng, cho Vương Quốc của Cha được lan rộng và nhất là cho thánh Ý Cha  được thực hiện dưới đât cũng như trên trời.
3-    Sau cùng, chúng ta  xin  CHA ban cho những nhu cầu cần thiết như cơm ăn  áo mặc. để sống ,hạnh phúc ở đời này.

Như vậy, cầu xin cho được an vui, mạnh khỏe, có công ăn việc làm và khỏi bệnh tật là điều đẹp lòng Chúa, vì là con người, chúng ta phải cần những nhu cầu ấy  bao lâu  còn sống trên trần thế này.

Trong  tinh thần cầu nguyện  trên đây, chúng ta đọc thấy nhan nhản trong Kinh Thánh những lời cầu nguyện có nội dung ca ngợi, cảm ta và cầu xin Chúa  thương  cứu giúp  như sau:

a-    Cầu xin Ca ngợi ( prayer of praises):
Tôi  sẽ không ngừng chúc tụng Chúa
Câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi
Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
Xin các bạn nghèo hãy nghe tôi nói mà vui lên
Hãy  cùng tôi ngượi khen ĐỨC CHÚA
Ta đồng thanh tán tụng danh Người..” ( Tv 34 :2-4)

b-Cầu nguyện tạ ơn ( Prayer of Thanksgivíng)
Chúc tụng Chúa vì Người nghe tiếng tôi khẩn nguyện
Chúa là sức mạnh, là khiên mộc chở che tôi
Lòng tôi đặt tin tưởng nơi Người
Tôi đã được Người thương trợ giúp
Nên lòng tôi vui mừng hoan hỉ, cất cao tiếng hát tạ ơn Người” ( Tv 28:6-7)

b-    Cầu nguyện xin ơn ( prayer of petitions)
Lậy Chúa, xin đoái thương, này con đang kiệt sức
Chữa lành cho con ,vì  gân cốt rã rời
Tòan thân con rã rời quá đỗi
Mà  lậy Chúa, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ ?
Lậy Chúa,  xin trở lại mà giải thóat con
Cứu độ con, vì Ngài nhân hậu” ( Tv 6:2-5)
Trong khi đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu cũng đã chữa lành cho biết bao người bệnh tật như đui, mù, què, câm điếc, , phong cùi,… cũng như làm phép lạ  biến bánh ra nhiều để cho hàng ngàn người  đói ăn no nê.

Điều này cho thấy,Chúa đã quan tâm đến nhu cầu thể lý của con người, ngoài nhu cầu thiêng liêng là cần được cứu  rỗi.. Vầ để thỏa mãn những nhu cầu đó, Chúa Giếsu  đã dạy câc Tông Đồ phải cầu xin với Chúa Cha nhân danh Người  như sau:

“Thật, Thầy bảo thật anh em
Anh  em mà xin  Chúa Cha điều gì thì Người sẽ ban cho anh  em  Vỉ danh  Thầy” (Ga 16:23)

Phải cầu xin Chúa CHA vỉ Người là nguồn ban phát mọi ơn lành và, phúc lộc  tối cần cho con người sống vui và hạnh phúc ở  đời này và nhất là được cứu rỗi để sống đời đời trên Thiên Quốc. mai sau.
Như thế , cầu nguyện là một nhu cầu  tối cần thiết cho những ai có niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giầu tình thương và vô cùng nhân hậu. Phải cầu xin Người vì chúng ta thiều thốn mọi sự, và nhất là không có đủ sức để đứng vững trước mọi thù địch đe dọa niềm tin có Thiên Chúa và hy vọng được sống hạnh phúc với Người, ngay từ đời này trước khi được thực sự chiêm ngưỡng Thánh Nhan Người trên Nước trời mai sau.Cầu nguyện ví được như hơi thở của thân xác.

Không có hơi thở thì  không thân xác nào có  thể sống được.  Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa “Không có Thầy, anh  em chẳng làm  gì được.” ( Ga 15:5) Không có Thầy .nghĩa là không có  ơn Chúa phù giúp thì ta không thể đứng vững và thăng tiến trong đời  sống  tin, cậy , mến,  cũng như được  an vui ,,mạnh khỏe khỏe và  may  lành trong trần thế. này.

Nhưng khi Chúa nói:” Ai muốn theo Thầy ,phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” ( Mt 16:24), chúng  ta phải hiểu  thế nào?”

Trước hết, nói đến  thập giá  là nói đến sự đau khổ mà bản chất con người không ai muốn chấp nhận. Nhưng đau khổ thập giá lại là phuơng tiện cứu độ hữu hiệu nhất mà Chúa Giêsu đã vui lòng chấp nhận để đền tội thay cho cả nhân loại trong chương trình cứu chuộc loài người của Thiên Chúa. Vì thế, muốn dự phần vinh quang phục sinh với Chúa Kitô, tức là được sống hạnh phúc đời đời với Chúa  trên Thiên Quốc thì chúng ta cũng phải chia sẻ phần nào sự đau khổ của  Người.

Tuy nhiên, nói chia sẻ đau khổ với Chúa, hay vác thập giá theo Người  không có nghĩa là  phải xin Chúa  trao cho  thập giá để vác,  nhiều khốn khó để chịu.  mà chủ yếu  là  phải vui lòng chấp  nhận những thánh giá mà Chúa muốn gửi đến  hay tha phép cho xảy ra trong cuộc đời của mỗi người chúng ta..

Nói rõ hơn, khi  gặp phải những gian nan khốn khó mà  mình không  mong muốn, nhưng không tránh được như bệnh tật, nghèo khó, thất nghiệp, bất công , .v.v  thi phải coi đó như những khổ giá mà Chúa muốn chia sẻ để cho  ta được dự phần đau khổ với Chúa  hầu được thông phần vinh quang với Người.

Nhưng cầu xin Chúa giúp cho có sức chịu đựng  và vượt qua  những khó khăn ,đau khổ này  lại là điều phải lẽ và đẹp lòng Chúa vì Người nhân nhậu và vui thích đuợc ban ơn  cho ta..Nói khác đi. Chúa không  cấm chúng ta  cầu xin Chúa cho mình hay cho người thân được khòi bênh tật, được có công ăn việc làm tốt, ,đươc  thành đạt trong  học hành,v.v Mặt khác, Chúa cũng không mong muốn chúng ta “anh hùng” xin Người gửi những đau khổ tinh thần và thể xác cho ta chịu để lập công.

Chính Chúa Giê su cũng không tự nguyện vác thập giá xưa kia. . Khi đối diện với đau khổ  này trong đêm Người bị nộp vì Giuđa phẩn bội, Chúa Giêsu đã thống  thiết cầu xin cùng Chúa Cha như sau: “ Lậy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo Ý Cha” (Lc 22:42)

Lời cầu nguyện trên đây của Chúa Giêsu chính là khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta bắt chước  mỗi khi chúng ta muốn  xin Chúa bất cứ ơn gì cho mình và cho người khác.Và cách cầu nguyên này chắc chắn đẹp lòng Chúa nhất vì chúng ta không xin theo ý riêng mình mà xin theo ý  CHA trên trời như Chúa Giêsu đã xin..

Tóm lại, cầu xin Chúa ban cho những nhu cầu cần thiết như cơm ăn, áo mặc, sức khóe và bình an là điều tự nhiên không có gì  sai trái, hay thiếu đạo đức.Điều  quan trọng là  phải xin cho được vâng  theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự mà thôi.

LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa có nguồn gốc Kinh Thánh không?

Tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa có nguồn gốc Kinh Thánh không? 1-Làm sao biết được Chúa Giêsu ngự bên hữu Chúa Cha ở trên trời? 2- Tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa có nguồn gốc Kinh Thánh không? 3- Đức Mẹ có nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô hay không?
Tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa có nguồn gốc Kinh Thánh không?

1- Trong Kinh Tin Kính Nicene   ( đọc ngày Chúa nhật và các ngày Lễ trọng) và  Kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ, Giáo Hội đều tuyên xưng  Chúa Giê-su Kitô, “ chết, sống lại,  lên trời và ngự bên  hữu Chúa Cha”.

Lời tuyên xưng này bắt nguồn từ chính lời Chúa Giê su trả lời cho viên thượng tế  Cai pha và  trước toàn thể thượng Hội Đồng  thương tế , kỳ mục và kinh sư Do Thái họp nhau lại  để tìm cách  buộc tội  Chúa với  án tử hình. Viên thượng tế đã hỏi Chúa  xem có phải Người là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa không.
 

Chúa đã trả lời như sau:  “ Phải chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người  ngự bên hữu  Đấng  Toàn Năng và ngự  giá mây trời mà đến.”( Mt 26: 64; Mc 14: 62; Lc 22: 69)

Như  thế lời tuyên xưng của Giáo Hội về  chỗ ngồi  của Chúa Kitô, bên hữu  Chúa Cha  trên Nước Trời  có nguồn gốc vững chắc  là chính lời Chúa  Giê su đã  nói và được ghi lại trong các Tin Mừng, như bằng chứng trên đây.

2- Tín điều Đức Mẹ là Mẹ là Mẹ Thiên Chúa có nguồn gốc Kinh Thánh không?

Trước khi trả lời câu hỏi này, xin được nhắc lại một lần nữa là vào thế kỷ thứ 4 sau Chúa Giáng Sinh, có một linh mục tên là Arius  thuộc  Tòa Thượng Phụ Alexandria ( Ai Cập) đã lạc giáo ( heretic) khi  cho rằng Chúa Giê-su Kitô có hai bản tính riêng rẽ là nhân tính( humanity) và thần tính ( Divinity) khi xuống trần gian làm Con Người. Vì thế Đức Mẹ Maria chỉ là Mẹ  của Chúa Giêsu  về phần nhân tính  mà thôi.

Quan điểm lạc giáo này đã  bị Công Đồng Nicaea năm 325  A.D lên án  và bác bỏ hoàn toàn vì đi ngược với niềm tin của Giáo Hội về  sự  đồng nhất bản thể của Ba Ngôi Thiên Chúa ( Trinity) và về hai bản tính không tách rời nhau của Chúa Cứu Thế Giêsu.Nghĩa là,  Chúa Giê-su Kitô là Thiên Chúa thật và là Con Người thật, Chúa vừa có Thần tính ( Divinity) như  Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, vừa có nhân tính ( humanity)  như  mọi  con người , và hai bản tính này không hề tách rời nhau. Arius đã lạc giáo khi cho rằng Chúa Kitô có hai bản tính tách rời nhau, nên Mẹ Maria chỉ là  Mẹ Chúa  Giêsu trong phần nhân tính mà thôi. chứ không thể là Mẹ Thiên Chúa ( Theotokos)  như  các Giáo Phụ  dạy  và Giáo Hội sơ khai  đã tin

.Quan điểm sai lầm trên đến đầu thế kỷ thứ  5, (428 A.D) lại được tán đồng  bởi  Thượng Phụ Nestorius thành Constantinople, là người cũng cho rằng Đức  Mẹ chỉ là Mẹ phần xác ( nhân tính) của Chúa Giê su-Kitô để  phủ nhận điều các Giáo Phụ từ thời tiên khởi đã dạy rằng : Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa ( Deipara= Theotokos=  God bearer =Đấng cưu mang Thiên Chúa.

Các Công Đồng Nicaea ( 325) và Ê-phê sô  ( 431) đều lên án tư tưởng lạc giáo của Arius và Nestorius để  khẳng định rằng Chúa Giê-su đồng bản tính ( bản thể= substance) với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Lại nữa, Chúa Kitô có hai bản tính không hề tách rời nhau là nhân tính ( Humanity  và Thiên tính ( Divinity). Do đó, Đức Mẹ là Mẹ thật của Chúa Kitô, cũng là Thiên Chúa thật, nên Mẹ được tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa=( Deipara=Theotokos= God bearer)  như Giáo Hội đã dạy không sai  lầm

Sau đây là bằng chứng Kinh Thánh :
Khi Đức Mẹ đến viếng thăm người  chị em họ là  bà Ê-i-sa-bét ( Elizabeth), thì bà này đã được  tràn đầy Thánh Thần,  liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được diễm phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu của Chúa  ( Mother of my Lord) đến với tôi thế này  Lc 43: 39- 43)
Bà Eli-sa-bét chắc chắn đã được Chúa Thánh Thần soi sáng  nên đã thốt ra những lời  trên để ca tụng Đức Mẹ. Như thế đủ cho thấy Giáo Hội ,từ đầu, đã không sai lầm khi tuyên xưng Đức Trinh Nữ Mara là Mẹ Thiên Chúa, vì  là Mẹ thật của Chúa Giê su-Kitô, cũng là Thiên Chúa thật, đồng bản tính ( bản thể= Substance) với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Mầu Nhiệm Ba Ngôi một Thiên Chúa ( Holy Trinity).

Nhưng cho dầu với địa vị cao trọng làm vậy, Đức Mẹ cũng không cao hơn Thiên Chúa mà chỉ được tôn kính( veneration) ở mức Hyperdulia trong khi Thiên Chúa được tôn thờ  ( adoration) ở mức Latria trong phụng vụ thánh của Giáo Hội.Nghĩa là chúng ta chỉ phải thờ lậy ( adore), ngượi khen, vinh danh  một mình Thiên Chúa mà thôi, chứ không thờ  lậy Đức Mẹ, mà chỉ tôn kính ( venerate)  Mẹ cách đặc biệt ( hyperdulia) hơn các Thánh nam nữ khác,  được tôn kính ở mức Dulia.

Do đó, trong thực hành, người tín hữu phải cầu xin Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhờ Đức Mẹ và các Thánh chuyển giúp cầu thay, chứ không cầu xin Mẹ hay bất cứ Thánh Nam nữ nào như nguồn ban phát mọi ơn phúc.Chỉ có Chúa  là  cội nguồn của mọi ơn phúc mà chúng ta phải cầu xin cho được an vui trong cuộc sống trên trần gian này , và nhất là biết  sống  xứng đáng  là con cái của Cha trên trời để được cứu rỗi nhờ công nghiệp Chúa Kitô và sự  phù giúp đắc lực của Đức Mẹ và các Thánh Nam nữ  đang  vui hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng.

Lại nữa, khi vào nhà thờ hay nhà nguyện nào, thì  phải bái lậy trong tâm tình thờ lậy  Chúa trong nhà tạm ( Tabernacle) trước khi bái kính  ảnh tượng Đức Mẹ , Thánh Cà Giuse, hay Thánh  nam nữ nào khác.Phải nói điều này vì có một số người, khi vào nhà thờ,  đã chạy ngay đến nơi có thánh thượng Đức Mẹ  để cầu xin mà quên bái quỳ thờ lậy Chúa Kitô đang hiện diện thực sự  trong nhà tạm.

Tóm lại, sùng kính Đức Mẹ là việc đạo đức rất tốt đẹp và đáng khuyến khích cho mọi tín hữu, nhưng đừng quên là trên hết phải thờ lậy Chúa  là Đấng mà Mẹ Maria cũng phải tôn thờ cùng các Thánh nam nữ và các Thiên Thần, mặc dù Mẹ có địa vị cao trọng là Mẹ Chúa Kitô và cũng là Mẹ Thiên Chúa như Giáo Hội dạy.

3- Mẹ Maria có nhận công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô không ?

Theo giáo lý của Giáo Hội, chúng ta phải tin  Mẹ được diễm phúc  thụ thai không mắc tội nguyên tổ ( immaculate Conception) và mọi tội khác  như mọi người trong nhân loại, cũng như được tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa, vì là Mẹ thật của Chúa Kitô, cũng là Thiên Chúa thật  đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần như đã nói ở trên. Nhưng Mẹ không cao hơn Chúa và không cùng một bản thể ( substance) với  Ba  Ngôi  Thiên Chúa, nên Mẹ vẫn phải nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô  như chính Mẹ đã tuyên xưng như sau:
“ Linh hồn tôi ngượi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.…” ( My Savior)
( Bài ca Ngượi khen Magnificat, Lc 1: 46-55)
Vì là Mẹ Chúa Kitô, nên Mẹ được diễm phúc khỏi tội tổ tông và mọi tội cá nhân từ  khi được thụ thai cho đến khi về trời cả hồn xác. Mẹ được sinh ra như  mọi tạo vật khác, trừ đặc ân được  giữ gìn khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi để xứng đáng làm Mẹ  Ngôi Lời nhập thể.
Nhưng việc nhận ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu ,Con của Mẹ, không làm thương tổn địa vị cao trọng của Mẹ là Mẹ Ngôi Hai và là Mẹ Thiên Chúa. Ngược lại, Mẹ đã vinh danh Chúa Cứu Thế  Giêsu khi nhận ơn cứu chuộc của Chúa, vì “ ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh ấy mà được cứu độ.” ( Cv 4 :12)

Như thế khi nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô, Mẹ  đã tôn vinh Chúa là Đấng cứu thế duy nhất đã hòa giải con người với Thiên Chúa qua vâng phục và hy sinh chịu chết trên thập giá năm xưa,  mặc dù Mẹ không có tội lỗi nào cần phải được tha thứ nhờ công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa.
Chúng ta cảm tạ Mẹ Maria thật nhiều  vì Mẹ đã “ xin vâng” với Thiên Chúa để làm Mẹ Chúa Cứu Thế Giêsu, và cộng tác với Con của Mẹ trong sứ mệnh cứu chuộc  cho nhân loại khỏi phải chết vì tội. Vai trò của  Mẹ thật quan trọng trong Chương Trình cứu chuộc loài người của Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô, Con của Mẹ.

Vậy chúng  ta hãy siêng năng chạy đến với Mẹ để nhờ Mẹ nguyện giúp cầu thay cho chúng ta  được mọi ơn cần thiết của Chúa trong cuộc lữ hành về quê Trời giữa bao khốn khó , gian nan vì cản trở  và đánh phá  của ma quỷ ,  cám dỗ của thế gian với đầy rẫy gương xấu, dịp tội và vì  bản chất yếu đuối nơi mỗi người chúng ta.

Lm. Phanxicô Xaviê  Ngô Tôn Huấn.

“Chúa xuống ngục tổ tông” nghĩa là gì?

Hỏi: Tôi đã rất hài lòng với bản dịch mới của Kinh Tin Kính các Tông Đồ, vốn đã trở thành cách nào đó chính thức dưới thời của ĐTC Gioan Phaolô II. Tại sao nó bị gỡ bỏ trong bản dịch tiếng Anh mới của Sách Lễ Rôma (ấn bản châu Phi)? Đây là những gì tôi nhớ lại bản dịch mới, mà tôi thích rất nhiều vì sự đơn giản của nó: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi. Người xuống thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, sinh bởi Bà Maria đồng trinh. Chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác. Xuống ở nơi kẻ chết. Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại. Lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.

Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen”. Tôi nhớ một số giải thích về các thay đổi so với phiên bản cũ hơn: ‘xuống thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần’, ‘xuống ở nơi kẻ chết’, vv.. Xin vui lòng sửa cho tôi nếu tôi sai. Tôi thích bản dịch mới hơn bản cũ. Tại sao chúng ta lại quay trở lại để nói đến “ngục tổ tông”, nếu nhiều người cần nhiều giải thích của “ngục tổ tông” có nghĩa là trong bối cảnh này? – A.D., Nairobi, Kenya

Đáp: Bản văn của Kinh Tin Kính các Tông Đồ được tìm thấy trong bản dịch mới của Sách lễ như sau:

“Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh. Chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác. Xuống ngục tổ tông. Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại. Lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen”.

Trước khi giải quyết vấn đề bản dịch, tôi nghĩ thật nên bình luận về sự thay đổi trong các chữ đỏ, vốn liên quan đến việc sử dụng của Kinh Tin Kính các Tông Đồ trong phụng vụ của Thánh Lễ.

Trước khi xuất bản Sách lễ mới Latinh vào năm 2001, Kinh Tin kính các Tông Đồ ít được sử dụng cho Thánh Lễ. Chữ đỏ cho phép sử dụng Kinh này trong Thánh Lễ dành cho trẻ em. Trong một số nước, các Hội đồng Giám mục đã xin phép và được phép sử dụng Kinh này trong các dịp khác. Thật vậy, như một hệ quả, trong một số trường hợp, việc sử dụng Kinh Tin kính Nicea-Constantinopoli gần như biến mất.

Ấn bản thứ ba của Sách Lễ Rôma đã cho phép sử dụng Kinh Tin Kính các Tông Đồ trong một số trường hợp. Chữ đỏ hiện nay nói: “Thay vì Kinh Tin kính Nicea-Constantinopoli, đặc biệt là trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, Kinh Tuyên xưng Đức tin của Giáo Hội Rôma, được gọi là Kinh Tin Kính các Tông Đồ, có thể được sử dụng”.

Việc sử dụng mở rộng này có lẽ là một lý do tại sao cần một bản dịch mới hơn và chính xác hơn.

Độc giả của chúng tôi nói rằng ông thích phiên bản cũ và đặc biệt xem sự trở lại của cụm từ “xuống ngục tổ tông” là thích hợp hơn so với cụm từ “xuống ở nơi kẻ chết”, do sự cần có sự giải thích của từ ngữ.

Tôi cho rằng có lẽ sự cần thiết cho một lời giải thích là lý do tại sao bản dịch cần phải chính xác và thực sự cung cấp một cơ hội, để minh họa cho sự phong phú của giáo huấn Công Giáo.

Điều này có thể được nhìn thấy trong bản dịch tiếng Anh của Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Trong đoạn 197, Sách Giáo Lý cung cấp bản dịch được độc giả của chúng tôi ưa thích và đã được sử dụng trong phụng vụ của Thánh Lễ dành cho trẻ em tại thời điểm xuất bản.

Tuy nhiên, khi trong các đoạn 631-636, Sách Giáo Lý Giáo Hội Công giáo giải thích đoạn trên, Sách bỏ qua bản dịch phụng vụ và dịch Kinh Tin kính theo nghĩa đen: “Chúa xuống ngục tổ tông”; mời đọc (Bản dịch tiếng Việt của nhóm dịch thuật Sài Gòn năm 1993):

631 “Ðức Giê-su đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới đất. Ðấng đã xuống, cũng chính là Ðấng đã lên” (Ep 4, 9-10). Kinh Tin Kính các tông đồ tuyên xưng, trong cùng một tín điều, việc Ðức Ki-tô xuống ngục tổ tông và việc ngày thứ ba Người bởi trong kẻ chết mà sống lại. Vì trong cuộc Vượt Qua của Người, chính từ trong lòng cái chết mà Người làm vọt lên sự sống:

Ðức Ki-tô, Con yêu quí của Cha, Ðấng đã từ cõi chết sống lại, đem ánh sáng thanh bình chiếu soi muôn dân. Người là Ðấng hằng sống hiển trị muôn đời. A-men (MR. Sách lễ: bài công bố Tin Mừng Phục Sinh-đêm vọng P. S).

632 Nhiều đoạn Tân Ước khẳng định Ðức Giê-su “chỗi dậy từ cõi chết” (Cv 3, 15; Rm 8, 11; 1Cr 15, 20), tức là, trước khi sống lại, Người đã ở nơi kẻ chết (x. Dt 13, 20). Khi rao giảng việc Ðức Giê-su xuống ngục tổ tông, các tông đồ muốn nói là: Ðức Giê-su đã chết như mọi người, và linh hồn Người xuống cõi âm, nhưng xuống với tư cách là Ðấng Cứu Ðộ, để loan báo Tin Mừng cho các vong linh bị giam cầm nơi đó (x. 1Pr 3, 18-19).

633 (1033) Kinh Thánh gọi nơi trú ngụ của các vong linh là âm phủ (Shéo1) hoặc âm ty (Hadés) (x. Pl 2, 10: Cv 2, 24; Kh 1, 18; Ep 4, 9). Trước khi Ðấng cứu chuộc đến, mọi người đã chết, dù lành haydữ (x. Tv 89, 49; Is 28, 19; Ed 32, 17-32), đều phải vào chốn này. Ở đó, họ không được nhìn thấy Thiên Chúa (x. Tv 6, 6;88, 11-13) và đang chờ đợi Ðấng Cứu Chuộc. Số phận của họ không giống hệt nhau, như Ðức Giê-su cho thấy qua dụ ngôn La-da-rô nghèo khổ được rước vào “lòng Áp-ra-ham” (x. Lc. 16, 22-26). “Khi xuống ngục tổ tông, Ðức Giê-su giải thoát chính những tâm hồn lành thánh “trong lòng Áp-ra-ham” ấy đang chờ đợi Ðấng giải thoát” (x . Giáo lý Rôma l. 6, 9). Ðức Giê-su xuống ngục tổ tông không phải để giải thoát những kẻ bị án phạt đời đời hoặc để phá hủy địa ngục đọa đày (x. DS 1011;1077), nhưng để giải thoát những người công chính đã chết trước khi Người đến (x. Cđ Tô-1ê-đô IV năm 625: DS 485; Mt 27, 52-53).

634 (605) “Tin Mừng cũng được loan báo cho cả kẻ chết… ” (1Pr 4, 6). Việc Ðức Giê-su xuống ngục tổ tông hoàn tất cách sung mãn việc rao giảng Tin Mừng cứu độ. Ðây là chặng cuối cùng trong sứ mạng Mê-si-a của Ðức Giê-su, tuy diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao là công cuộc cứu độ được mở rộng cho mọi người thuộc mọi thời và mọi nơi. Như vậy, tất cả những kẻ được cứu độ đều do Ðức Ki-tô.

635 Như thế Ðức Ki-tô đã xuống âm phủ (x. Mt 12, 40; Rm 10, 7; Ep 4, 9) để “kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa và ai nghe thì được sống” (Ga 5, 25). Ðức Giê-su, “Ðấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3, 15), đã “nhờ cái chết của Người, tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2, 14, 15). Từ nay, Ðức Ki-tô Phục Sinh “nắm giữ chìa khóa của sự chết và âm phủ” (Kh 1, 18) và “khi vừa nghe Danh Thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2, 10):

Hôm nay mặt đất hoàn toàn thinh lặng, hoàn toàn thinh lặng và hoàn toàn cô quạnh. Hoàn toàn thinh lặng vì Ðức Vua an giấc. Trái đất run rẩy rồi yên tĩnh lại, vì Thiên Chúa đang ngủ trong xác phàm và Người đi đánh thức những kẻ đang ngủ từ bao đời … Người đi tìm nguyên tổ A-đam như tìm con chiên lạc. Người muốn thăm viếng tất cả những ai đang ngồi trong tối tăm và trong bóng sự chết. Vừa là Thiên Chúa, vừa là con cháu của nguyên tổ, Người đi giải thoát A-đam và E-và đang đau khổ trong gông cùm xiềng xích … “Ta là Chúa của ngươi, nhưng vì ngươi, Ta đã trở thành con của ngươi. Hỡi người ngủ mê, hãy chổi dậy ! vì Ta dựng nên ngươi không phải để cho ngươi ở lại đây trong gông cùm âm phủ. Hãy chỗi dậy từ cõi chết, vì Ta là sự sống của những kẻ đã chết (Bài giảng cổ vào thứ bảy tuần thánh)”.

Như vậy, trong khi khái niệm của “Người xuống ở nơi kẻ chết” là dễ dàng hơn, nó lại mất sự tương phản giữa “xuống ngục tổ tông” và “lên trời”, cũng như các nền tảng Kinh thánh của Kinh Tin Kính các Tông Đồ.

Phụng vụ sẽ luôn luôn đòi hỏi một số trung gian và giải thích, để các tín hữu có thể nắm bắt đầy đủ sự phong phú của nó.

Nguyễn Trọng Đa

Người Công giáo có được phép chưng trái cây lên bàn thờ người đã khuất?

Trả lời: 

Bạn Minh Hoàng thân mến, câu hỏi của bạn rất hợp cho tháng Mười Một ,tháng các Linh hồn, tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời.

Đi sâu vào văn hóa, phong tục, ba ngày Tết nguyên đán, các cha thừa sai đã để ý tới phong tục Việt Nam, nên đã dạy: Mồng Một thờ lạy Đức Chúa Cha, lần hạt năm chục cầu cho ông bà tổ tiên, Mồng Hai thờ lạy Đức Chua Con cầu cho các linh hồn ở Luyện ngục, Mồng Ba thờ lạy Đức Chúa Thánh Thần lần hạt năm chục cầu cho được bằng yên. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hiện nay dạy:  Mồng Một Tết cầu cho được bình an, Mồng Hai Tết kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, Mồng Ba Tết thánh hóa công ăn việc làm.
Cái sợ nhất của các ngài là sợ mắc vào tội thờ ngẫu tượng, mê tín dị đoan nên đã có những tranh luận, cãi nhau ở Việt Nam và ngay ở Tòa Thánh. Sắc lệnh  Ex Quo singulari năm 1742 của Đức Giáo hoàng Bênêdictô 14 cấm những hình thức thờ người quá cố, các nhân vật có công với xã hội, với nghề nghiệp như là thần linh. Cho phép dùng từ ngữ Thiên Chúa, không cho dùng từ ngữ “thiên, thượng đế, kính thiên “ v.v .
Mãi sau nầy, Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã xin phép Tòa Thánh cho tín hữu Việt Nam được tôn kính tổ tiên, các anh hùng của đất nước vì đây chỉ là cách bày tỏ lòng hiếu thảo, kính mến tổ tiên người có công trạng theo ý nghĩa phần đời.
Theo Thông tủ của Hội Đồng Giám mục Việt Nam ngày 14-9-1965, ta phân biệt :

a/ Những việc chỉ có tính cách dân sự trần thế với mục đích nhớ ơn, tuyên dương công trạng, bày tỏ hiếu thảo thì làm và tham dự chủ động. Thí dụ: lập bàn thờ tổ tiên ở trong nhà có chưng hoa quả (nhưng phải dưới bàn thờ Chúa, Đức Mẹ, Các Thánh) treo hình ảnh người quá cố, dựng tượng, lễ tưởng niệm người có công trạng với quê hương v.v.
b. Những lễ có tính tôn giáo để thờ lạy người quá cố, xem hương hồn người quá cố về hưởng các lễ vật chất: rõ ràng không hợp với Giáo lý Công giáo, những lễ kính các nhân vật, các thánh tổ như là thần linh như là Thiên Chúa đều là hình thức thờ ngẫu tượng trái với Giáo lý Công giáo cử hành ở nơi nào nhất là nơi thờ tự, tín hữu Công giáo không được tham dự. Nếu cần thiết vì phép xã giao v.v. thì chỉ hiện diện như vị khách (hiện diện cách thụ động).
c. Những việc lẫn lộn giữa tôn thờ ngẫu tương và tôn kính thánh tổ, hoặc người quá cố, phải căn cứ vào phép lịch sử và lòng hiếu thảo thì cần theo dư luận chung của địa phương đó để tìm ra cho mình một thài độ thích hợp khi mình có mặt tai buổi lễ đó.
Chung quanh vấn đề báo hiếu người quá cố, Hội Thánh cấm những gì không hợp với Giáo lý Công giáo, thí dụ: thắt hồn bạch, thu hồn bạch (tấm lụa hoặc tấm vải trắng dài đặt trên ngực người hấp hối, khi bệnh nhân tắt thở, tầm vải thâu lấy hơi thở cuối cùng và thắt tấm vải thành hình người để thờ trên bàn thờ sau bát hương. Khi tế đề chủ, người ta thâu hồn bạch, rồi viết tên húy, tên họ, quan chức người quá cố vào hai mảnh gỗ do quan đề chủ viết và gia đình thờ người quá cố ở bài vị đó).
Về việc ăn của cúng, thánh Phaolô dạy giáo dân Corintô: “Nếu có người ngoại giáo nào mời anh em đi ăn tiệc, anh em bằng lòng đi thì người ta dọn gì anh em cứ ăn, đừng có gạn hỏi vì cớ lương tâm”. Nhưng nếu có ai bảo : “Đó là đồ cúng thần thì anh em đừng ăn vì người ta đã mách bảo (1Cor 10, 27-30). Ăn trong đám tế thần ở nơi thờ tự của họ: không được (Văn thư Tòa Thánh năm 1768 và 1844 ). Người trong nhà ăn của cúng như ăn cơm thường vì ngoài của cúng chủ nhà không còn nấu gì nữa. Hành khất xin của ăn người mua bán ở chợ dầu là của cúng đều được dùng.

Như vậy, ta có thể chưng hoa quả, trái cây nơi bàn thờ kính nhớ người quá cố.
Ta cũng có thể nói: xin ông bà, cha mẹ… cầu nguyện xin Chúa cho con cái khỏe mạnh, làm ăn tấn tới được  vì chúng ta dựa vào lòng nhân lành của Thiên Chúa ban cho các Ngài ở trên trời hoặc nếu ở trong luyện ngục cũng cầu xin Chúa cho con cháu được vì mầu nhiệm Các Thánh thông công .

Lm Fx Nguyễn hùng Oánh

Tại sao tình yêu sẽ không gìn giữ hôn nhân của bạn?

Tình yêu sẽ không duy trì hôn nhân của bạn. Thậm chí nó còn không được mặc định như vậy. Thực tế, điều ngược lại mới đúng. Chính hôn nhân mới duy trì tình yêu.

Đây là một trong những bài học tôi rút ra từ cuốn sách rất hay có tựa là Marriage: The Mystery of Faithful Love (Hôn nhân: Mầu nhiệm của tình yêu đích thực) của tác giả Dietrich von Hildebrand. Sách khá ngắn (77 trang) nhưng thiết thực.

Tôi viết về điều này để đăng bài trên trang blog Catholic Match Institute ngày hôm qua.

Về hôn nhân, tôi viết thế này: “Hôn nhân là môi trường Chúa ban để chúng ta duy trì tình yêu (và khi cần thiết, chiến đấu cho tình yêu), mà đã đem chúng ta đến bên nhau. Sau đó, tôi triển khai thêm:

Cuốn sách nói về tình yêu như sau: Hôn nhân gắn kết cặp đôi lại với nhau để cùng chiến đấu bảo vệ món quà quý giá là của tình yêu của họ. Nó mang lại cho họ niềm tin tưởng tuyệt vời đó là với sự giúp đỡ của Chúa, họ sẽ vượt qua mọi khó khăn và chiến thắng.”

Cuốn sách không ngụ ý rằng bạn nên kết hôn bởi vì hôn nhân sẽ cứu lấy mối quan hệ của bạn (xin đừng làm vậy, nó sẽ không cứu đâu). Thay vào đó, điều đáng nói ở đây là tình yêu mà hiện tại các bạn dành cho nhau sẽ không giúp hôn nhân của bạn kéo dài mãi mãi.

Việc bạn yêu nhau lúc này không nhất định sẽ đem đến kết quả là sự hợp nhất thánh thiêng trọn đời. Không, không phải tình yêu hai bạn đang cảm nhận mà là lời thề hứa yêu nhau trọn đời của bạn trong tương lai.

Sau đây là một số trích dẫn ưa thích của tôi lấy từ cuốn sách.

Hôn nhân đem đến cho tình yêu  một kết cấu, nơi tình yêu được che chở và môi trường mà chỉ nơi đó nó có thể sinh trưởng”. – Alice von Hildebrand viết trong phần giới thiệu.

“Chỉ hôn nhân có thể gìn giữ, cứu vớt tình yêu giữa người nam và người nữ và đưa nó vượt lên trên những bất ngờ của thăng trầm và tâm trạng.” – Alice von Hildebrand viết trong phần giới thiệu.

Tình yêu phu thê được tăng tiến và đậm sâu tuyệt vời dường bao khi chúng ta nhận ra người yêu dấu của mình là một thành viên của Nhiệm Thể của Chúa Kitô, thuộc về Đức Kitô vì chúng ta đều thuộc về Người. Khi nhận thức được mầu nhiệm này, tình yêu vợ chồng được thấm nhuần với sự tôn trọng và đức khiết tịnh biết bao!” – trang 45.

“… bản chất của tình yêu vợ chồng [giúp ta] dám mạnh mẽ, anh dũng, không lùi bước trong sợ hãi khi phải liều lĩnh.” – trang 60

“Không bao giờ được quên rằng chúng ta không ở trên Thiên quốc, nhưng chính bởi sự Sa ngã của con người mà chúng ta sống trong một thế giới tràn ngập sự khốn cùng, nơi mà hạnh phúc luôn đồng hành với khổ tâm.” – trang 62

Chuyển ngữ từ Why love will not sustain your marriage

 

Theo trongsach.com

Câu hỏi về Linh Mục bất xứng, cầu nguyện cho thai nhi và chứng hôn cho người đồng tính

1. Thế nào gọi là linh mục bất xứng ?

Tôi  không hiểu rõ ý của người hỏi về câu này. Chắc muốn nói đến các linh mục không tôn trọng kỷ luật độc thân của Giáo Hội ?  hay sách nhiểu tình dục trẻ em ?( Sexual abuses of children) ? hay không có chức linh mục mà dám làm lễ  và  giải tội ?

Nhưng dù câu hỏi là thế nào, thì cũng xin được  giải thích  rõ thêm  như sau :
Trước hết, theo tinh thần của  cụm từ  Latinh  Ex opere  Operato  về thần học bí tích ( sacramental theology) thì bí tích thành sự ( validly) vì được cử hành đúng theo Nghi thức bí tich ( Sacramental Rite) và theo ý của Giáo Hội,  chứ không thành sự vì phẩm chất  hay xứng đáng ( worthiness) của thừa tác viên cử hành ( minister)

Nghĩa là, khi cử hành bất cứ bí tích nào, như  rửa tội, thêm sức, Thánh Thể, hòa giải, sức dầu bệnh nhân .v.v Thừa tác viên con người như linh mục và Giám mục  phải cử hành nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi) chứ không nhân danh cá nhân mình bao giờ. Như thế, chính Chúa Kitô rửa tội, thêm sức, cử hành Thánh lễ Tạ Ơn ( Eucharist), giải tội và sức dầu .. qua tay thừa tác viên con người. Vì thế ,bí tích thành sự vì chính Chúa Kitô làm chứ không phải là linh mục hay giám mục làm.

Đây là nền tảng thần học của Giáo Hội về việc cử hành các bí tích. Tuy nhiên, dù nhân danh Chúa Kitô , thừa tác viên  vẫn phải theo đúng nghi thức mà Giáo Hội đã qui định. Thí dụ, bí tích rửa tội chỉ thành sự khi thừa tác viên dùng nước và công thức Chúa Ba Ngôi ( Trinitarian format). Không có nước để đổ trên đầu hay trên trán trẻ em hay người lớn  và đọc  đúng công thức trên thì bí tích không thành sự dù thừa tác viên là  giám mục, linh mục hay phó tế.

Cũng vậy, nếu không có chức linh mục thực sự thì không thể cử hành thành sự các bí tích Thánh Thể, Hòa giải, Thêm sức  và Sức dầu bệnh nhân. Phải nói lại điều này vì  nghe đồn có người kia đã giả danh linh mục để cử hành thánh lễ cho một Công Đoàn và giải tội trong nhiều năm  cho đến khi bị phát giác và bỏ trốn !

Trở lại với câu hỏi đặt ra, thì xin trả lời là cho dù bất xứng đến đâu theo nhãn quan của người đời, linh mục đã được chịu chức thành sự,  vẫn cử hành thành sự các bí tích khi áp dụng đúng Nghi thức bí tích và Phụng vụ của Giáo Hội. Nếu linh mục “ bất xứng “ theo cách suy diễn của giáo dân, thí dụ đang sống chung hay giao du thân mật với phụ nữ,   ăn cắp tiền của giáo xứ, cờ bạc, làm gương xấu… thì khi cử hành bí tích nhất là bí tích Thánh Thể,  sẽ  mắc thêm tội “ phạm thánh= Sacrilege”và vi phạm giáo luât số 916 cấm không được làm lễ và rước lễ ai đang có tội trọng.Tuy nhiên   bí tích vẫn thành sự như đã nói ở trên, vì linh mục cử hành nhân danh Chúa Kitô chứ không danh danh cá nhân mình.

Như vậy, giáo dân cứ an tâm đi xưng tội hay tham dự Thánh lễ do các linh mục cử hành, cho dù biết linh mục nào “bất xứng” theo nhãn quan con người.

Vị nào thật sự “bất xứng” thì  đã có Chúa phán xét không sai lầm. Chúng ta chỉ nên cầu nguyện cho các linh mục, đặc biệt cho linh mục nào bị coi là “bất  xứng” theo phán đoán của dư luận mà thôi, chứ không nên rỉ tai nhau để làm xấu, mất danh dự của nạn nhân.

 

Linh Mục bất xứng, cầu nguyện cho thai nhi, chứng hôn cho người đồng tính

 

2. Có nên cầu nguyện cho các thai nhi, và các linh hồn mồ côi  hay không?

Chắc câu hỏi này liên quan đến các bào thai bị giết trong bụng mẹ tức là bị phá thai ( abortion) như thực trạng đang sảy ra ở khắp nơi trên thế giới hiện nay.. Đây là một tội ác, một trọng tội xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi sự sống của  con người và vạn vật trong vũ trụ hữu hình này.

Nhưng tiếc thay, không những ở các quốc gia vô thần mà ngay ở các quốc gia có truyền thống Kitô Giáo lâu đời như Pháp ,Ý, Đức, Tây Ban Nha, Canada và nhất là ở Hoa kỳ, việc phá  thái đã được công khai cho phép, khiến hàng triệu thai nhi đã bị giết ở Mỹ mỗi năm. Đây là một sỉ nhục cho niềm tin Kitô Giáo mà đa số người Mỹ vẫn tự nhận mình là Christians, là tín đồ của các giáo phái Tin lành,  Chính Thống và Công Giáo La Mã, nhưng có rất nhiều phụ nữ  đã phá thai hay phụ giúp vào việc này.

Liên quan đến các bào thai bị giết khi còn đang phát triển trong lòng mẹ, chúng ta  phải tin chắc rằng các bào thai này hoàn toàn vô tội vì chưa được sinh ra mà đã bị giết nên,  không thể được rửa tội để được tha hậu quả của tội nguyên tổ ( original sin). Còn tội cá nhân, thì chúng chưa được sinh ra nên cũng  không  thể có tội cá nhân được. Vì thế , chúng ta không cần phải cầu nguyện cho chúng vì chúng hòan toàn vô tội,  và xứng đáng được Chúa nhân lành đón nhận vào Nước Hằng Sống.  Các bào thai này thực đáng thương vì bị tước mất quyền sống bởi  chính cha mẹ và xã hội vô luân ,vô  tín ngưỡng.

Như vậy, có cầu  xin thì phải cầu cho những ai  đã  hay  sắp  phá thai hoặc  giúp cho việc phá thai được thành tựu, để họ nhận biết tính chất nghiêm trọng  của việc sai trái này  mà từ bỏ cũng như ăn năn sám hối vì vô tình hay cố ý phạm tội sát nhân này.

Mặc khác, về phần thứ hai của câu hỏi, xin trả lời một ần nữa như sau:

Khi nói linh hồn mồi côi có nghĩa là linh hồn không có ai cầu nguyện cho,sau khi qua đời. Những thực tế không phải vậy, vì trong mỗi Thánh Lễ , Giáo Hội đều cầu trước tiên  cho linh hồn các tín hữu đã ly trần.Sau đó mới cầu cho linh hồn các bậc  tổ tiên và thân bằng quyến thuộc. Nếu có ai xin lễ, thì có thêm lời nguyện cho linh hồn đó.  Nhưng dù không có ai xin lễ , thì Giáo Hội vẫn cầu cho các  tín hữu đã ly trần, như ta  đọc thấy trong các Kinh Nguyện Thánh Thể ( Tạ Ơn) của Thánh Lễ.

Như vậy làm gì có linh hồn nào bị coi là “mồ côi”khiến phải xin lễ cầu riêng  cho họ ?. nếu vì bác ái muốn cứu các inh hồn trong nơi Luyện Tội, thì cứ xin lễ cầu chung cho họ, nhưng không thể coi linh hồn nào là “mồ côi”khiến phải cầu riêng cho họ.

Tóm lại, không có lý do gì phải xin lễ cầu xin cho các thai nhi bị giết trong các vụ phá thai cả, vì các thai nhi này hoàn toàn vô tội trước mặt Chúa của lòng thương xót vô biên.Và cũng không có linh hồn nào  là “mồ côi” khiến phải xin lễ cầu riêng cho họ vì lý do đã  nói ở trên.

3. Có  được phép chứng hôn cho người đồng tính không?

Đây là một vấn đề đang gây nhức nhối cho những ai biết tôn trọng và bảo vệ truyền thống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Đây không những là truyền thống tốt đẹp của mọi nền văn hóa nhân loại từ xưa đến nay,  mà trên hết,   còn là một định chế linh thiêng ( sacred institution) được chính Thiên Chúa thiết lập từ đầu khi  tạo dựng con người có nam có nữ. Và  Adam và Eva  là cắp hôn phối đầu tiên Thiên Chúa đã se kết và  truyền cho họ “hãy  sinh  sôi nảy nở  cho thật nhiều , cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” ( St  1:  28)  Nghĩa là hôn nhân chỉ được thành lập giữa một người nam và một người nữ cho mục đích “ sinh sôi nẩy nở”  như Thiên Chúa đã truyền cho Adam và Eva.

Nhưng đáng buồn thay là một số quốc gia trên thế giới- đặc biệt là Hoa Kỳ- người ta đang muốn định nghĩa lại hôn nhân để cho phép các người đồng tính ( gay & lesbian) kết hôn như những người bình thường khác.

Giáo Hội không lên án hay chỉ trích những người có khuynh hướng bất thường về phái tính ( Abnormally  sexual tendency), nhưng chắc chắn không thể công nhận hôn nhân của những người này được vì trái tự nhiên( unnatural)  và vô luân ( immoral).

Giáo luật số 1096, triệt 1 qui định rằng: “ Để có sự ưng thuận kết hôn, điều cần thiết là hai người kết hôn phải biết ít ra rằng hôn nhân là đời sống chung vinh viễn giữa người nam và người nữ, nhằm đến việc sinh sản con cái bằng việc giao hợp sinh lý cách nào đó.”

Giáo lý của Giáo Hội cũng dạy rằng : “ Giao ước hôn nhân nhờ đó một người nam và một người nữ làm thành một cộng đoàn cho cả cuộc đời , tự bản chất nó hướng tới lợi ích của những người phối ngẫu cũng như hướng tới việc sinh sản và giáo dục con cái . Giao ước này đã được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích giữa những người đã nhận lãnh phép Rửa tội.” ( SGLGHCG ,số 1601)

Như thế không thể có hôn nhân giữa hai người nam hay hai người nữ được  vì không có luật nào của Giáo Hội cho phép việc này. Chắc chắn như vậy.

Cho dù các xã hội “bệnh hoạn và mỵ dân” đã công nhận hôn nhân của những người đồng tính, nhưng những cặp hôn nhân này  không thể xin hợp thức hóa hôn nhân của họ trong Giáo Hội Công Giáo được vì những lý do  nêu trên. Tuy chưa có giáo luật mới ngăn cấm việc này, nhưng để bảo toàn định chế hôn nhân  mà Thiên Chúa đã thiết lập từ đầu và được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích, thì trong thực hành mọi linh mục cũng hiểu rằng Giáo Hội sẽ không  bao giờ nhượng bộ  trào lưu tục hóa của thế giới mà cộng nhân hôn nhân đồng tính,  vì việc này đi ngược lại mục đích của hôn nhân như giáo lý và giáo luật hiện hành của Giáo Hội qui định. Ước mong những giải đáp trên đây thỏa mãn những câu hỏi được đặt ra.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn