Đường hướng cải tổ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong năm 2017
Cuối tháng 12 năm 2014, Đức Phanxicô đã làm choáng váng giáo triều Rôma khi ngài dùng bài nói chuyện cuối năm, mà theo truyền thống thường chỉ giới hạn trong phạm vi trao đổi những lời chúc mừng Giáng Sinh, để thảo luận về những căn “bệnh” tâm linh của những người làm việc tại Vatican.
Trong diễn từ vào dịp này hồi năm ngoái, 2015, Đức Thánh Cha đã tỏ ra nhẹ nhàng hơn.
Ngài nói: “Thật là một bất công rất lớn nếu không biểu lộ lòng biết ơn sâu đậm và khích lệ đúng phép đối với tất cả những người lành mạnh và lương thiện đang tận tụy làm việc, với lòng trung thành và khả năng chuyên môn, cống hiến cho Giáo Hội và người kế vị Thánh Phêrô, sự an ủi, liên đới, vâng phục cũng như kinh nguyện quảng đại của họ”.
Năm nay, ngài lại nhắc lại bài diễn từ hồi năm 2014 và nói rằng thật cần thiết để nói một cách thẳng thắn về những vấn đề Giáo Triều Rôma phải đối mặt với “bởi vì mọi phẫu thuật muốn thành công, trước hết cần phải được chẩn đoán chi tiết và phân tích cẩn thận.”
Trong chương trình thời sự tuần này, Trúc Ly xin được điểm qua vài nét về diễn từ hôm 22 tháng 12 của Đức Thánh Cha trước Giáo triều Rôma.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong buổi tiếp kiến tại sảnh đường Clêmentê trong dinh tông tòa lúc 10 giờ rưỡi sáng 22 tháng 12, trước các nhà lãnh đạo Giáo Triều Rôma gồm hơn 100 Hồng Y và Giám Mục, cùng với một số chức sắc khác, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đả kích những người chống đối “nguy hiểm” công cuộc cải cách Giáo Hội.
Ngài nói thêm rằng: “Cuộc cải tổ chỉ hữu hiệu nếu được thực hiện với những người được đổi mới, chứ không phải với những người mới mà thôi. Không thể chỉ hài lòng với việc thay đổi nhân sự, nhưng cần làm sao để các nhân viên Tòa Thánh canh tân về tinh thần, về nhân bản và khả năng chuyên môn. Trong thực tế, chỉ thường huấn thôi thì không đủ, còn cần phải có sự hoán cải và thanh tẩy trường kỳ. Nếu không có những thay đổi về tâm thức thì các nỗ lực cải tổ sẽ ra vô hiệu.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cải cách “không kết thúc trong chính nó, nhưng là một quá trình tăng trưởng và tối hậu phải dẫn đến chuyển đổi.”
Trong một nhận xét gây kinh ngạc cho các nhà lãnh đạo Giáo Triều Rôma, Đức Thánh Cha nói rằng phản ứng kháng cự lại cải cách là điều bình thường, nhưng một số hình thức chống đối có thể đã được “Satan truyền cảm hứng”.
Theo Đức Thánh Cha, có những kháng cự công khai, thường nảy sinh từ thiện chí và sự đối thoại chân thành, có những kháng cự thầm kín, nảy sinh từ những tâm hồn sợ hãi hoặc chai đá, được nuôi dưỡng bằng những lời trống rỗng, miệng nói là sẵn sàng thay đổi nhưng thực tế lại muốn mọi sự như trước. Cũng có những kháng cự đầy ác ý, nảy sinh từ nhưng tâm trí bị hướng dẫn sai lạc phát sinh khi ma quỷ gieo những ý hướng xấu trong lòng họ. Loại kháng cự này thường nấp sau những lời tự biện minh, những cáo buộc, dưới chiêu bài những truyền thống, những vẻ bề ngoài, những hình thức, tập quán, hay trong ước muốn tôn vinh cá nhân, không phân biệt được giữa hành vi, tác nhân và tác động.
Như trong quá khứ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không chỉ ra các “đối kháng độc hại” đến từ những người nào. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng cải cách là một điều cần thiết. Cải cách, theo Đức Thánh Cha, cho thấy rằng Giáo Hội “vẫn sống động và vì lý do này luôn cần phải cải cách vì Giáo Hội vẫn còn sống.”
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng cải cách thực sự không thể là hời hợt. Ngài nhấn mạnh rằng sự đổi mới Giáo triều Rôma không thể giống như một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, nhằm loại bỏ những nếp nhăn.
Ngài nói: “Anh em thân mến, chúng ta không cần phải lo lắng về những nếp nhăn trong Giáo Hội, nhưng hãy chú ý đến các vết bẩn!”
Cải cách không chỉ có nghĩa là thay thế các cá nhân ở các vị trí khác nhau, mặc dù việc thay đổi như thế là không thể tránh khỏi. Mục tiêu quan trọng hơn, là “một sự chuyển đổi trong tâm hồn con người.”
Đức Thánh Cha cảnh giác rằng cần đặt dấu chấm hết cho một thực hành lâu đời thường được gọi là “promoveatur amoveatur ut”, tiếng Anh gọi là “kicking someone upstairs”, nghĩa là muốn loại bỏ một người khỏi một chức vụ nào đó thì người ta thăng cấp cho đương sự để mời người ấy đi chỗ khác chơi một cách lịch sự. Cách làm vui vẻ cả làng ấy, cần phải được chấm dứt.
Trong bài phát biểu dài của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã liệt kê mười hai nguyên tắc hướng dẫn cuộc cải cách, mà ngài dự định thực hiện tại Vatican:
§ Chống chủ nghĩa cá nhân
§ Tăng cường những mối quan tâm mục vụ
§ Đề cao tinh thần truyền giáo
§ Tổ chức thật rõ ràng
§ Cải thiện các cơ quan chức năng
§ Hiện đại hoá
§ Tỉnh táo
§ Hỗ trợ
§ Tinh thần đồng đoàn
§ Tính Công Giáo
§ Tính chuyên nghiệp
§ Tính tiệm tiến
Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã liệt kê các bước đó ngài đã và đang thực hiện để mang lại những cải tổ tại Vatican:
1. Thiết đặt Hội đồng các Hồng Y tư vấn.
2. Cải cách ngân hàng Vatican, Viện Giáo Vụ.
3. Cải tổ bộ luật hình sự của quốc gia thành Vatican.
4. Thành lập Hội đồng Giáo hoàng bảo vệ các trẻ vị thành niên.
5. Thực hiện hàng loạt các cải cách kinh tế.
6. Thành lập Vụ Truyền thông, hiện đại hóa và sắp xếp các cơ quan truyền thông đại chúng của Vatican.
7. Đơn giản hóa các chuẩn mực giáo luật cho việc tiêu hôn.
8. Các nỗ lực nhằm buộc các giám mục phải trách nhiệm về những sơ suất liên quan đến những lạm dụng tình dục.
9. Hình thành hai bộ mới nhằm kết hợp các chức năng của các Ủy Ban hiện có vào hai Bộ Giáo Dân, Gia đình, Sự sống và Bộ Dịch vụ phát triển nhân bản toàn diện, cũng như cải tổ qui chế Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài phát biểu bằng những lời chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới, đồng thời ngài thông báo tặng cho mỗi Hồng Y và Giám Mục một cuốn sách tựa đề “Nhận định để chữa trị các bệnh tật của tâm hồn”, tác giả là cha Claudio Acquavivia, nhà lãnh đạo đứng thứ 5 của Dòng Tên.
Người đạo mới và những câu chuyện…

Tìm nét tương giao…
Những ngày tháng đầu sau khi kết hôn, việc hòa hợp tôn giáo là điều quan trọng đối với các cặp đôi có người mới theo đạo. Dù người tân tòng đã trải qua quá trình tìm hiểu khá kỹ nhưng vẫn không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Từ quan niệm đến hành vi đời sống, cả hai cần phải có sự cảm thông nhất định và tìm tiếng nói chung. Chị Võ Ngọc Diễm (Gx. Vĩnh Hiệp – GP Cần Thơ), sau hai năm kết hôn vẫn còn nhớ như in sự lạ lẫm ban đầu của người chồng đạo mới. Theo chị, từ những chuyện cơ bản như sử dụng từ ngữ trong đạo, gọi đúng tên các thánh, đến những sinh hoạt, lễ nghi… chị đều rất kiên nhẫn giảng giải cho anh hiểu. “Hồi đó, do chưa hiểu đạo cặn kẽ nên khi đi nhà thờ hoặc nói chuyện đạo với ba mẹ, anh hay nói nhầm mà không biết, thế là thêm một trận cười cho cả nhà. Trước giờ đi lễ, “một hồi chuông, hai hồi chuông” mà anh cứ bảo một lời rao, hai lời rao…”, chị vui vẻ nhớ lại.
![]() |
Vô đạo, học đạo là một chuyện; còn sống đạo thực hành đạo lại là một chuyện khác. Hòa hợp tôn giáo không phải là điều dễ bởi khi quan niệm, thói quen cũ của một trong hai đã quá ăn sâu vào tâm thức đời sống thì việc thích nghi cái mới là chuyện không phải một sớm một chiều. Anh Nguyễn Hoài, (Gx. Bình Thủy – GP Cần Thơ) cho biết, sống chung với vợ, việc đi nhà thờ, cầu nguyện sau một thời gian đã quen dần nhưng nhiều lúc, do niềm tin chưa vững chắc và hiểu biết chưa thật rõ ràng nên vẫn còn bối rối. Anh kể, một lần tới ngày giỗ của cha, anh khá lúng túng vì không biết phải “mần” như thế nào vì theo anh quan niệm “đạo vợ” không “cúng” ông bà. Thấu hiểu được tâm tư của chồng, chị Hương Lam vợ anh giải thích liền : “Thảo hiếu với cha mẹ là điều phận làm con phải chu toàn, không có đạo chân chính nào lại cấm cản chuyện đó. Anh yên tâm, em sẽ làm mâm cơm thiệt ấm cúng dâng lên cha, trước là để tưởng nhớ, cảm ơn cha đã sinh ra anh nhờ vậy mà em mới có được người chồng tâm đầu ý hợp; sau cũng là dịp giáo dục con cái biết sống tâm tình biết ơn trong cuộc đời…”. Chị còn nói thêm mình vẫn xác tín đây là hành vi văn hóa, không phải mê tín nghĩ ông bà “về hưởng” nên đạo không cấm. Nghe vợ nói thế, anh như trút được gánh nặng. Bây giờ thì hằng năm, đến ngày giỗ cha, vẫn nếp cũ nhưng anh còn tổ chức đọc kinh, cầu nguyện theo nghi thức Công giáo, mời anh em họ hàng quy tụ, đồng thời chủ động gặp linh mục, xin cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện cho người đã khuất…
Thói quen sinh hoạt đạo đức hằng ngày cũng là nền tảng cho hạnh phúc gia đình và là cách vun đắp đức tin cho người vợ hoặc chồng mới theo đạo. Nhận thức rõ điều này, chị Nguyễn Thị Hồng Thu, (Gx. Vĩnh Hòa – TGP. TPHCM) ngay từ khi chung sống, dù bận rộn cách mấy nhưng việc đạo luôn được ưu tiên hàng đầu. Ngoài việc đi lễ Chúa nhật, lễ trọng, giữ chay…, vợ chồng chị cũng duy trì thói quen đọc kinh sớm tối, viếng nhà nguyện. Điều cần thiết hơn, theo chị, cả hai phải biết nhún nhường lẫn nhau, khéo léo trong cư xử, đặc biệt “bản thân phải là người giữ đạo đúng đắn trước tiên, để chồng yêu thích việc đạo và xem đó như một phần tốt đẹp của cuộc đời chứ không phải gánh nặng phải chu toàn”.
![]() |
Trong gia đình, người vợ có một vai trò rất quan trọng, nếu không khéo léo rất dễ xảy ra bất đồng. Ý thức được chuyện đó, chị Kim Bích (Gx Martino – GP Long Xuyên) quyết chinh phục chồng bằng “cách ăn nếp ở” của mình. Bên ngoại có truyền thống “giỗ tổ” : cứ vào dịp tết đoan ngọ mùng 5 tháng 5 là cả gia tộc quy tụ về nhà cậu Út làm cơm giỗ ông bà cụ, ông bà ngoại. Mỗi dịp như thế, dù bận cách mấy chị đều thu xếp đưa chồng và các con cùng về, để chồng cùng phụ giúp mọi người như một cách thắt chặt tình cảm với bà con họ hàng. Trong giờ kinh, chị khuyến khích chồng đọc Lời Chúa nhằm tăng thêm sự sốt mến đối với đạo, đối với Thiên Chúa; đồng thời để anh không cảm thấy lạc lõng giữa họ hàng, anh em chị, những người vốn đạo dòng. Chính những việc làm thiết thực như vậy mà dần dần chị đã giúp chồng yêu mến đạo hơn.
Con cái là hồng ân Chúa ban. Chính vì thế để giáo dục con cái đúng với tinh thần Tin Mừng trong các cặp vợ chồng có người đạo mới cũng không phải là điều dễ dàng. Vì vợ mới theo đạo nên việc giáo dục đức tin cho con anh Trần Ngọc Lãm (Gx Hy Vọng – TGP.TP HCM) phải đảm trách. Khá là khó khăn vì anh phải đi làm suốt, không có thời gian bên con nhiều. Nhưng hễ có dịp là vợ chồng anh cho con làm quen với đạo. Hồi nhỏ thì hay ẵm con ra nhà thờ, dạy con chào Chúa, chào Mẹ; cắt nghĩa cho con về vạn vật được Chúa tạo ra và ban tặng cho con người. Không cao siêu, cũng chẳng lý giải nhiều, cứ tự nhiên, nhẹ nhàng để con dần thấm vào ký ức những bài giáo dục đức tin đầu tiên. Lớn hơn một chút, cuối tuần anh đưa vợ con đi nhà sách Công giáo, tới một gian hàng nào đó anh đều giải thích cho con hiểu. Qua đó, vợ anh cũng học hỏi được ít nhiều. Về nhà anh tập cho con hát mấy bài thánh ca đơn giản dễ thuộc. Vợ anh thấy vậy cũng tìm mua đĩa nhạc về mở nghe. Lúc nào trên đầu giường anh cũng để cuốn Kinh Thánh cho trẻ em để tối trước khi đi ngủ vợ đọc và anh giải thích cho con hiểu. Nhờ sự cố gắng của anh mà cả vợ và con đều thêm hiểu và yêu mến đạo.
Cộng đoàn chung tay
Ngoài sự nỗ lực của đôi vợ chồng, cũng rất cần có sự nâng đỡ, hy sinh của hai bên gia đình nội ngoại. Không phải lúc nào người chồng hay người vợ cũng có thể giải quyết hết mọi vấn đề. Như trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thanh Hoa (Gx. Khiết Tâm – Gp. Long Xuyên). Gia đình chồng theo đạo Phật, khi cưới anh đồng ý gia nhập đạo Công giáo nhưng đến khi có con anh lại không muốn cho con theo đạo. Vì chuyện này mà gia đình chị “xào xáo”. Nói mãi mà anh không nghe, chị phải nhờ ba mẹ thuyết phục chồng, cha mẹ chồng. Nhờ vậy mà chồng mới đồng ý cho con theo đạo.
![]() |
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Trường hợp nhà chị Thanh Tú (Gx Tân Hiệp – TGP. TPHCM) cũng không kém phần éo le. Trước khi cưới, chồng chị rất sốt sắng học giáo lý rồi vô đạo, ngờ đâu cưới xong, anh không giữ đạo, cũng không tạo điều kiện cho vợ theo đạo. Yêu chồng, thương con, chị cậy đến sự giúp đỡ của ba mẹ. Vào những ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ, cả hai bên nội ngoại cùng tổ chức đi hành hương kết hợp với đi chơi. Sau khi cầu nguyện tại trung tâm hành hương, cả nhà cùng dẫn nhau đi ăn uống, khám phá địa danh hoặc tìm hiểu thêm các nhà thờ, dòng tu gần đó cho chồng hiểu sâu hơn. “Cái gì anh chưa hiểu thì giải thích, có khi bản thân chủ động nói, có khi anh ấy cũng tự động hỏi. Mỗi lần như vậy, mình và gia đình có dịp chia sẻ với chồng, cũng là dịp nhớ lại điều gì đó”, chị tâm sự. Cuối cùng, anh đã hiểu ra và còn động viên mọi người cùng chu toàn đạo nghĩa.
Không chỉ hai bên gia đình mà cộng đoàn giáo xứ cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cũng như hòa hợp đời sống đạo cho các gia đình trẻ. Trường hợp của gia đình chị Dương Thị Thu Vân (Gx. Hà Đông – TGP.TPHCM) được xem là điển hình về mục vụ cho người tân tòng của các giáo xứ. Trước khi kết hôn, anh Thương – chồng chị – là người ngoại đạo. Nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của cha xứ và sự gắn bó của các đoàn thể, đời sống đức tin anh ngày càng vững mạnh. Cha xứ có thói quen mục vụ là hay đến thăm các gia đình, thăm hỏi về đời sống. Trong mỗi chuyến đi như vậy, ngài không quên nhắc nhở về sinh hoạt nhà đạo, về quan niệm tôn giáo và mời gọi anh tích cực tham gia cộng tác. Các anh em trong Hội đồng MVGX và các đoàn thể cũng thường đến gặp gỡ các gia đình, tình làng nghĩa xóm không những bền chặt mà còn là cách đỡ nâng cho nhau, giúp những nhà có chồng/vợ là tân tòng bồi bổ thêm đức tin. Hiện tại, chồng chị Vân còn được tín nhiệm bầu làm trùm phó giáo họ, rất hăng say các công việc hội đoàn và là tấm gương tốt cho con cái noi theo.
Ngoài ra, với những cặp vợ chồng có người mới theo đạo, chắc chắn trong đời sống chung sẽ gặp nhiều khúc mắc không biết hỏi ai, thường gặp nhất là những vấn đề về tín lý, luân lý mà Hội Thánh dạy. Thấu hiểu được điều đó, nhiều giáo xứ đã có văn phòng giải đáp thắc mắc hôn nhân, phòng tham vấn tâm sinh lý, giúp các đôi vợ chồng trẻ hòa hợp không chỉ trong đời sống đức tin mà cả đời sống vợ chồng.
*
Dù ban đầu có khác nhau về niềm tin, về quan niệm sống nhưng một khi người chồng, người vợ biết tôn trọng sự khác biệt của nhau, cùng nhau tìm tiếng nói chung vì con cái thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Đời sống khác đạo lúc này không còn là trở ngại mà là cơ hội để cả hai xây dựng tình cảm gia đình thật vững chắc, bởi “đồng lòng đồng vợ tát biển đông cũng cạn”.
NHƯỢC NAM – HÙNG LUÂN
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc
Được đặt cây Giáng sinh trong cung thánh không?
Hỏi: Trong nhà thờ của chúng tôi, đã trở thành thói quen trong mấy năm qua là người ta đặt một cây Giáng sinh lớn và được thắp sáng, ở cung thánh trong mùa Vọng và mùa Giáng sinh. Nó được nhìn thấy khá dễ dàng trong nhà thờ. Bởi vì cây Noel này lớn và đèn nhấp nháy theo chu kỳ, nó khá gây mất sự tập trung cho mọi người trong Thánh Lễ. Có người đã xin cha xứ tắt đèn nhưng không thành công, vì xét nó trái với tinh thần của mùa. Thưa cha, có điều gì ủng hộ ý kiến trên trong chữ đỏ không? – M. T., Wellington, New Zealand.
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Đáp: Không hiểu vì sao, với quá nhiều công việc phải làm, Tòa Thánh đã không ban hành bất kỳ qui định phổ quát nào liên quan đến cây Noel đặt trong cung thánh hoặc nơi khác.
Liên quan đến các nguyên tắc bao quát, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 305, cho biết:
“Nên giữ chừng mực khi trang hoàng bàn thờ. Trong Mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa cách vừa phải, thích hợp với đặc tính của mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của ngày Sinh Nhật Chúa. Mùa Chay không được chưng hoa trên bàn thờ, trừ Chúa Nhật Laetare (IV Mùa Chay), các lễ trọng và lễ kính.
“Việc chưng hoa phải luôn luôn điều độ, và nên đặt hoa chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ”.
Nguyên tắc chung của sự chừng mực đối với sự chưng hoa mở rộng cho toàn bộ khu vực bàn thờ.
Tài liệu “Xây dựng các viên đá sống động”, do các Giám mục Mỹ phổ biến, có một số nhận xét thú vị, mặc dầu chúng không có trọng lượng pháp quy bên ngoài đất nước Mỹ:
“123. Truyền thống trang hoàng hoặc không trang hoàng nhà thờ cho các mùa phụng vụ và lễ trọng đề cao sự nhận thức về bản chất lễ trọng, lễ kính hoặc sám hối của các mùa này. Trí óc và tâm hồn con người được kích thích bởi âm thanh, cảnh quan, và hương thơm của mùa phụng vụ, vốn kết hợp để tạo ra ấn tượng mạnh mẽ và kéo dài của các ân sủng dồi dào và phong phú, riêng biệt cho mỗi mùa.
“124. Kế hoạch trang trí theo mùa nên bao gồm các khu vực khác, ngoài cung thánh. Việc trang trí là nhằm thu hút người ta đến với bản tính đích thực của mầu nhiệm được cử hành hơn là việc trang trí tự nó là cùng đích. Hoa tự nhiên, thảo mộc, vòng hoa và dải vải, và các vật trang trí khác theo mùa có thể được sắp xếp để tăng cường các điểm tập chú chính của phụng vụ. Bàn thờ cần được sáng rõ và đứng một mình, không có tường trang trí hoa lớn hoặc hang đá Giáng sinh, và lối đi trong khu vực cửa chính vào nhà thờ, lòng nhà thờ và cung thánh cần được sáng rõ, không trang hoàng.
“125. Các trang trí theo mùa được duy trì trong suốt mùa phụng vụ. Bởi vì mùa Giáng sinh bắt đầu với Lễ Vọng Giáng sinh và kết thúc với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, việc lắp đặt và tháo gỡ vật trang trí Giáng sinh phải trùng khớp với các ngày này. Do mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày, kế hoạch trang trí sẽ bao gồm các cách thức để duy trì các trang trí cho đến ngày thứ năm mươi lễ Hiện Xuống.
“126. Trong năm phụng vụ, các ngày lễ trọng và lễ nhớ của Đức Mẹ và các thánh với ý nghĩa đặc biệt cho giáo xứ cung cấp cơ hội để thể hiện lòng sùng kính, bằng cách trang trí tranh tượng với sự sắp xếp hoa trang nhã hay thảo mộc.
“127. Vải nghệ thuật trong hình thức của các biểu ngữ và trướng rước kiệu có thể là một cách hiệu quả để truyền đạt tinh thần của mùa phụng vụ, đặc biệt là thông qua việc sử dụng màu sắc, hình dạng, kết cấu và hình thức biểu tượng. Việc sử dụng hình ảnh hơn là chữ viết là phù hợp với phương tiện truyền đạt này.
“128. Các vật như Vòng hoa mùa Vọng, hang đá Giáng sinh, và các thiết bị theo mùa truyền thống tương xứng với kích thước của không gian và các đồ trang trí khác, có thể củng cố việc cầu nguyện và sự hiểu biết của cộng đoàn giáo xứ”.
Thêm một lần nữa, các nguyên tắc chung liên quan là rằng các trang trí theo mùa củng cố việc cầu nguyện và sự hiểu biết của cộng đoàn giáo xứ.
Tôi có thể nói rằng một cây Giáng sinh được trang trí trong cung thánh khó có thể được xem như là một sự trang trí vừa phải, ngay cả khi các đèn nhấp nháy được tắt đi. Như vậy, thay vì “củng cố việc cầu nguyện và hiểu biết”, các tín hữu dường như chia sẻ nhiều hơn với kinh nghiệm của độc giả trên là họ bị chia trí trong Thánh lễ.
Giống như các văn kiện phổ quát, tài liệu “Xây dựng các viên đá sống động” không đề cập đến cây Giáng sinh. Điều này là bởi vì ít khi tìm thấy cây Giáng sinh trong cung thánh Công giáo.
Vì vậy, tôi xin nhắc lại những gì tôi đã nói trong một lần giải đáp cách đây vài năm (ngày 29-11 và ngày 13-12-2005):
“Cây thông Noel được dựng cách thích hợp hơn bên ngoài cung thánh và nhà thờ, và tốt nhất nên đặt ở tiền sảnh hoặc sân nhà thờ. Đây đã là một tập tục trên Quảng trường Thánh Phêrô từ thời ĐTC Gioan Phaolô II …. Trong nhà thờ, ngoài hang đá, mùa Giáng sinh có thể được gợi lên bằng cách sử dụng, ví dụ, cây trạng nguyên truyền thống, cây nhựa ruồi và các vật liệu truyền thống khác tùy theo nền văn hóa”.
Và: “Tôi không thấy sự khó khăn với cây Giáng sinh, nhưng … Tôi nghĩ rằng việc đặt nó trong cung thánh không phải là một sự thực hành phổ biến trong Giáo Hội. Do đó việc đặt như thế là không nên bởi vì, như một biểu tượng phổ biến, nó không còn có một ý nghĩa độc quyền tôn giáo, và có thể dễ dàng gợi lên khía cạnh vật chất và thương mại của mùa lễ thánh”.
(Nguyễn Trọng Đa)
CÓ LUÂN HỒI KHÔNG ?
Con nghe nói có luân hồi, có kiếp trước kiếp sau, như vậy có đúng không ? Và nếu thật sự có như thế, tại sao những gì mình gây ra hồi kiếp trước không chịu quả báo luôn đi, mà để cho đến kiếp này mình lại phải chịu mọi đau khổ như thế ?
Giải đáp
Đối với người Công Giáo chúng ta tin rằng “Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và thương xót để con người sống cuộc đời trần thế theo ý Chúa và quyết định số phận tối hậu của mình. Khi chấm dứt “cuộc đời trần thế duy nhất này” (x. LG 48), chúng ta sẽ không trở lại với những cuộc sống trần thế khác. “Con người chỉ chết một lần” (Dt 9,29), không “đầu thai” sau khi chết”.(Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1013)
Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Đức Ki-tô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện hoặc được hưởng phúc trên trời hoặc sa địa ngục vĩnh viễn (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 1022).
Còn với những người theo Phật Giáo họ tin vào thuyết luân hồi, vào sự tái sinh giữa kiếp này và kiếp khác. Sau khi chết ở kiếp này không phải là chấm dứt mà sẽ có thể đầu thai vào một kiếp khác.
Gần đây, có một số hiện tượng của những người nhìn thấy, nhớ lại những gì được coi là đã xẩy ra từ “kiếp trước”. Có các bác sĩ, các nhà khoa học nghiên cứu về những trường hợp này. Dẫn đầu là một nhóm giáo sư thuộc Trường đại học Yale ở Mỹ từng thu thập khắp thế giới các bằng chứng liên quan đến “kiếp trước” hoặc sự “đầu thai vào kiếp sau”. Điển hình là trường hợp bé gái Roberta Morgan, sinh ngày 28/8/1961 ở tiểu bang Minnesota (Mỹ) kể về “kiếp trước” của mình trong thời còn là một bé gái. Em còn kể về cha mẹ, về trang trại đã từng sống, những món ăn khoái khẩu và có thể tả lại cách thức nấu các món đó hoàn toàn chính xác. Tới năm 9 tuổi, Roberta Morgan đột nhiên quên hẳn quãng đời “kiếp trước” của mình và không bao giờ nhớ lại được nữa (?!).
Còn Samlini Permac sinh đầu năm 1962 ở Colombo (Sri Lanka) đã mô tả “quãng đời trước đây” của mình một cách tỉ mỉ. Em kể: “Một hôm cha mẹ “kiếp trước” sai em đi mua bánh mì. Phố xá đang bị lụt, chiếc xe buýt đi sát bên cạnh, hất em xuống đồng nước. Em cố giơ tay quá đầu cầu cứu và hét lên: “Mẹ ơi!”. Sau đó, em bị chìm hẳn vào giấc ngủ vô biên”.
Hai trường hợp tiêu biểu trên được bác sĩ tâm lý học nổi tiếng người Mỹ John Stevenson – người đã nghiên cứu các hiện tượng về “kiếp trước” suốt nửa thế kỷ nay – ghi lại. Cuối cùng, Bác sĩ J.Steveson cùng các đồng nghiệp đi tới quyết định chỉ tồn tại một khả năng duy nhất: giống như “ảo giác” – nếu nói về khả năng phân tích khoa học hiện nay. Còn một nhà phân tâm học người Mỹ, Bác sĩ Scot Rogo. cũng đã từng dày công nghiên cứu các trường hợp liên quan tới sự “đầu thai” hoặc “kiếp luân hồi” hơn ba thập niên gần đây, cũng mới chỉ đưa ra các giả thuyết, chứ chưa nêu lên một kết luận khoa học chắc chắn nào cả.
Tới giờ, giới khoa học vẫn chưa có sự đồng nhất về thực chất của tiến trình này, đó là cơ sở gây nên sự hoài nghi về khả năng “đầu thai” trong “vòng xoay luân hồi” của mỗi người.
Qua những thông tin trên, chúng ta thấy rằng khoa học vẫn chưa thể kết luận về những hiện tượng đã được ghi nhận. Kiếp luân hồi vẫn chỉ là vấn đề của niềm tin. Để giải thích những hiện tượng trên chúng ta cũng đã từng biết có những người gọi là những nhà ngoại cảm có thể mô tả được những điều đã diễn ra ở những nơi họ chưa đến bao giờ và những người họ chưa gặp lần nào.
Điều mà chị phải nhận rằng cho đến nay chúng ta không hề biết gì về “kiếp trước” của mình cũng như không thấy dấu chứng nào của bản thân trong hiện tại về kiếp ấy. Vậy tại sao mình lại phải chịu trách nhiệm về những điều mình chẳng hề ý thức, không thể nhận thức ? Cội nguồn của luân hồi từ đâu ? Ai điều khiển vòng luân hồi ấy ? Những câu hỏi này đã từng được nêu lên và hẳn là sẽ không có câu trả lời. Còn đức tin Kitô giáo xác tín vào sự thưởng phạt công minh của Thiên Chúa dựa vào những gì mình sống hôm nay với tất cả ý thức và tự do chứ không dựa vào những điều mình không thể thấy và không hề biết.
Theo cuuthe.com
Recent Comments