Archive | April 2016

Các nhân đức, một nghệ thuật sống

ĐỨC CÔNG BẰNG (LA JUSTICE)

Bạn hãy tưởng tưởng một thế giới trong đó tất cả những gì bạn làm đều bị kiểm soát. Dù bạn đi đâu, luôn có một người theo sát để ngăn cản bạn. Dù bạn làm gì, luôn có ai đó nói với bạn “Đừng!”. Và dù những tình cảm của bạn có thể là thế nào, thì đều có người ở đó để truyền lệnh cho bạn cười, ngưng khóc, đi ngủ hay vui chơi cách tử tế. Không ai có thể tiếp tục sống lâu dài trong một thế giới độc tài như thế, thế nhưng đó là những gì mà đa số trong chúng ta đã làm trong vòng 5 năm đầu tiên của cuộc đời chúng ta.

Trong những năm mà chính những người khác thiết lập các quy luật, thì chúng ta là những người bất lực. Cuối cùng chúng ta đã học biết nghệ thuật thương lượng với những kẻ độc tài. Chúng ta đã bắt đầu bằng cách đặt ra câu hỏi: “Tại sao?”. Ngoài những từ “ba” và “mẹ” ra, thì không có từ nào đã được in dấu sâu đậm như thế. Khi dùng từ: “Tại sao?”, chúng ta đã ngưng tiếp nhận các quy luật một cách thụ động. Chúng ta biến việc giải thích thành điều kiện vâng phục của chúng ta. Từ “tại sao” tàn phá này có lẽ là từ ngữ mà các bậc cha mẹ mệt mỏi muốn loại bỏ nhất khỏi từ vựng của con cái của mình. Thế nhưng, những đứa con mà là chính chúng ta lúc đó, khi sử dụng nó, đã học biết rằng những lối giải thích xoàng xĩnh tạo nên những quy tắc phi lý. Điều đó đã cho phép chúng ta hiểu rằng những quy luật không phải luôn luôn đúng.

Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta cũng đã tập ban bố những quy luật giữa các trẻ em với nhau. Nói chung, sự xâm nhập vào nghệ thuật thương lượng với các anh chị em, với các anh em họ hay với bạn bè chỉ là chốc lát. Thường thường có một mối bất hòa nổi lên và một người trong nhóm đã quyết định ngưng các phí tổn, nhưng đồng thời người ấy đã học biết mách lại. “Tao sẽ đi mách mẹ” là những lời đầy đe dọa, được thốt ra, đang khi, chỉ còn lại một mình, chúng ta lại quyết định rằng, chung cuộc, điều đó đã diễn ra tốt đẹp dưới quyền của những người lớn hơn là với những người ngang hàng với chúng ta.

THUYẾT PHỤC VÀ THƯƠNG LƯỢNG

Đôi khi chúng ta học thương lượng với những người lớn tuổi, như những người trông trẻ trong gia đình chúng ta. Chẳng hạn với bà: khi chính bà trông nom chúng ta, thì chúng ta làm cho bà nghẹt hơi bằng những nụ hôn của chúng ta. Đồng thời, chúng ta thuyết phục bà là tín thác vào sự mềm dẻo của những phán xét của bà. Cha mẹ chúng ta đã cố sức để lại “những lời khuyên bảo nghiêm túc” kiểu mẫu, nhưng chúng ta biết rằng vì ích lợi của mọi người mà bà để cho lòng khoan dung của bà ngự trị suốt đêm. Sự thâm nhập đầu tiên của chúng ta vào thế giới độc tài của những người lớn dạy cho chúng ta sức mạnh của sự thuyết phục trong nghệ thuật thương lượng.

Ít lâu sau, khi chúng ta muốn thức đêm và cha mẹ của chúng ta không chịu, thì chúng ta lại quay về cha mẹ để sử dụng kỹ thuật mặc cả mới của chúng ta: “Nhưng bà đã để cho chúng ta xem chương trình này tháng vừa rồi.” Thật cực kỳ hiệu quả khi nói với cha mẹ chúng ta rằng trên thực tế, bà tốt bụng hơn cha mẹ. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng cần phải chọn lựa thời điểm thích hợp.

Nhưng đã có những người trông trẻ khác với bà. Trong một số trường hợp, đặc biệt khi đó không phải là một thành viên của gia đình và anh hay chị trông trẻ dưới hai mươi tuổi, thì giới hạn thủ đoạn về mặt thuyết phục và thương lượng đã trở nên vô cùng phức tạp. Chúng ta đã biết rằng ngay cả trước khi cô trông trẻ vượt qua ngưỡng cửa của căn nhà, thì cô đã phải đương đầu với ba nghĩa vụ. Trước tiên, nếu chúng ta không bằng lòng với cô, thì cô sẽ không trở lại, điều này không phải là trường hợp của bà. Tiếp đến, cô trông trẻ để kiếm tiền, và cô phải thỏa mãn khách hàng, có thể nói như thế, vì có sự cạnh tranh. Sau cùng, cô không phải hoàn toàn là một người lớn. Chúng ta đã biết rằng những người trẻ thì ít buồn chán hơn là những người già hơn mà lề thói của họ đã được xác lập, và, như chúng ta, họ đã có sự ưu tiên và sự dị ứng của họ. Trước mắt chúng ta, điều đó sẽ mở ra những khả năng thú vị.

Vì vậy, điện thoại, nước đá, tủ lạnh, các bạn trai và bạn gái, các chương trình truyền hình, tất cả đều đã không tránh khỏi những cuộc thảo luận. Khi tìm kiếm lợi ích của cô trông trẻ, chúng ta không chỉ tìm cách treo hoãn quy luật, nhưng chúng ta còn muốn chính cô ta ban bố những quy luật để có thể bước vào trong tiến trình bằng cách tạo nên những quy luật mới, chẳng hạn bằng cách quyết định ai có quyền chọn lựa chương trình truyền hình, ai xác định những quy luật của cuộc chơi, ai sẽ đi ngủ trước tiên và ai được tuyên bố là giỏi nhất. Đó là lần đầu tiên mà chúng ta đã thiết lập những quy luật như là những người lớn.

Nếu cô trông trẻ tỏ ra cương nghị và bằng lòng với những lời khuyên bảo nghiêm túc, thì chúng ta không vì thế mà mất đi niềm hy vọng.

Chúng ta lắng nghe trong phòng ngủ của chúng ta, chờ đợi thời điểm mà cô ta dùng điện thoại, lấy trộm đồ tủ lạnh hay có sáng kiến nào đó thuộc loại này. Lúc đó, chúng ta sẽ đi xuống và thốt lên những lời có toàn quyền: “Tôi sẽ không mách điều đó với ba mẹ.” Sau nhiều năm kinh nghiệm, chúng ta có đủ tin tưởng vào bản thân để hiểu rằng, trái với những gì đã diễn ra trước đây, thà thương lượng còn hơn là mách lại. Chúng ta chỉ mách lại nếu cô trông trẻ thiếu lương tri.

Năm tháng càng trôi qua, chúng ta càng tiến bộ trong nghệ thuật xây dựng những quy luật và nghệ thuật thương lượng. Là gái hay là trai, thực hành của chúng ta đã trở nên tinh tế hơn. Khi chúng ta không trao đổi những tấm thiệp có hình của các cầu thủ bóng đá, thì đó là những chiếc áo. Chúng ta thích thổ lộ những điều cực kỳ kín mật, chúng ta quyết định người nào đi đến buổi tiệc khiêu vũ nào, và chúng ta chọn lựa phe nhóm của chúng ta. Khi tìm cách thương lượng các mối giao hảo của chúng ta, chúng ta thường gieo rắc mối bất hòa. Chúng ta đã thất vọng, chúng ta cãi nhau và đôi khi chúng ta bỏ cuộc. Nhưng chúng ta không chịu khuất phục và chúng ta lại bắt đầu thương lượng, với một đối tác khác tùy tình hình.

Ý THỨC VỀ SỰ CÔNG BÌNH (équité)[23]

Khi tập thương lượng hay xây dựng các quy luật, chúng ta đã học biết rằng, trong mối quan hệ, không phải chỉ chọn lựa thời điểm thích hợp, chứng tỏ sự khéo léo, sự thuyết phục và lẽ phải nhưng ý thức về sự công bình cũng cần thiết. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự công bình đã xuất hiện cho chúng ta như là một quy luật ngầm nhưng nền tảng. Trên thực tế, đó đã là như thể chúng ta biết nó theo bản năng. Chúng ta đã nói ở trên, biểu lộ đầu tiên về ý thức luân lý được diễn ra nơi một đứa trẻ khi, đối diện với một hoàn cảnh đặc thù, nó tuyên bố:

“Điều đó bất công”. Khi chỉ rõ bất công, chúng ta học biết xác định những giới hạn của điều không thể chấp nhận được. Cho dầu điều đó vẫn còn mơ hồ vào thời đó, nhưng chúng ta vẫn biết nhận thấy rõ sự bất công khi bà cho phép người bà cưng được thức đêm muộn hơn, hay người trông trẻ đã không phản ứng trước những tiếng kêu ồn ào của đứa em trai hay của đứa em gái, hay khi một người bạn đã tiết lộ bí mật.

Vả lại, đối với đa số, mười giới răn là những luật cấm liên quan đến những hành động bất công hay xấu xa. Ta không được thờ ngẫu tượng, thiếu lòng kính trọng; ta không được giết người, trộm cắp, nói dối, muốn chiếm hữu những gì thuộc về người khác. Tất cả các hành vi này đều là bất công. Nếu ta quan tâm đến các nhân vật luân lý trứ danh của thế kỷ XX, thì ta công nhận rằng họ cũng bắt đầu bằng việc nhận ra và tố giác bất công, trước khi trình bày quan niệm riêng của họ về sự công bằng. Martin Luther King đã nhận thấy rằng sự phân biệt là bất công trước khi nói lên giấc mơ nơi ông đối với nhân loại. Ở Ấn Độ, thánh Gandhi đã đối lập với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trước khi thực hành chay tịnh để đạt được sự thống nhất. Dorothy Day[24] đã không tiếc lời thóa mạ chống lại những ai đang làm cho bao trùm mối đe dọa chiến tranh trước khi đề nghị cái nhìn của mình về hòa bình. Trong toàn bộ, chúng ta có khả năng nhận ra sự bất công hơn là thăng tiến sự công bằng.

Khi nói về đức công bình, thì nó hệ tại điều gì? Phải chăng nó hệ tại việc bảo đảm việc làm cho hết mọi người? hay là An sinh xã hội? hay là sự bình đẳng giữa các cơ hội? Phải chăng nó hệ tại việc chia sẻ của cải với các nước ít được ưu đãi hơn? Hệ tại việc bảo vệ dân chúng trong một cuộc chiến dân sự? Nếu ta bằng lòng trả lời là phải hay không phải cho những câu hỏi như thế, thì ta sẽ không giải quyết được chúng. Nhưng kinh nghiệm được thủ đắc bằng cách thương lượng và xây dựng các quy luật, bằng cách học biết chọn lựa thời điểm thích hợp, chứng tỏ sự khéo léo, thuyết phục và hợp lý, tất cả điều đó sẽ giúp chúng ta bàn đến những vấn đề công bằng cách đúng thực chất. Tuy nhiên, chúng ta chỉ sẽ có thể thực sự được như thế khi dựa vào một ý thức về sự công bằng mà chính nó đã được bén rễ sâu trong cuộc sống của chúng ta, nhờ thói quen được thủ đắc khi chúng hành động theo đức công bằng.

PHÂN ĐỊNH CÔNG ÍCH

Tất cả điều đó trở nên dễ hiểu dưới ánh sáng của những gì chúng ta đã học biết trong suốt thời thơ ấu. Trước tiên, chúng ta hãy nhớ rằng, khi chúng ta muốn hình thành một nhóm hay sáng lập một câu lạc bộ, thì chúng ta đặt ra những luật gia nhập cũng như những bó buộc mà mỗi thành viên mới sẽ phải tuân theo. Đôi khi chúng ta ý thức rằng chúng ta đã để qua một bên một số bạn bè. Những vấn đề này, chúng ta đã bàn luận chúng giữa những đứa trẻ. Một người trong nhóm, ít ra tôi hy vọng thế, đã nhận xét rằng việc loại trừ một ai đó là không tốt. Hoặc nữa, khi chúng ta tổ chức những cuộc sinh nhật hay những buổi dạ hội, đôi khi chúng ta đã phải đưa một đứa trẻ bị bỏ rơi hơn những đứa khác vào trong danh sách các khách mời của chúng ta. Chính khi lớn lên mà chúng ta đã học biết thêm một chút nghệ thuật chấp nhận người khác: việc gạt bỏ thực sự không phải là một kinh nghiệm dễ chịu, đối với người loại bỏ cũng như đối với người bị loại bỏ.

Thứ hai, chúng ta hãy nhớ rằng, dù đôi khi tin rằng điều đó hẳn sẽ diễn ra tốt hơn nếu chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân chúng ta – và điều đó vẫn còn xảy ra hôm nay -, thì ở nhà, chúng ta đã học biết rằng niềm tin này đã đi ngược lại những lợi ích của chúng ta. Chúng ta đã hiểu rằng sự hợp tác thì có giá trị hơn là sự cô lập, những nhượng bộ thì tốt hơn tính ích kỷ của mỗi người đối với bản thân và ích lợi chung của gia đình thì tốt hơn là lợi ích cá nhân. Khi mà vào một số buổi chiều, chúng ta đi đến kết quả là thương lượng được với cô trông trẻ, thì đó là bởi vì chúng ta thừa nhận nguyên tắc rằng hạnh phúc của chúng ta cũng quan trọng như hạnh phúc của anh chị em của chúng ta và hạnh phúc của cô trông trẻ. Và những gì được nhắm đến trong các bài học mà cha mẹ chúng ta đã dạy dỗ cho chúng ta suốt cả ngày, ở bàn ăn, trong vườn, ở phòng khách hay trên xe, đó là công ích. Đó là những gì mà John Donne ám chỉ đến khi ông viết: “Không ai là một hòn đảo đối với chính mình[25]”.

HỌC XÂY DỰNG CÁC QUY LUẬT

Hai bài học này – chấp nhận người khác và thăng tiến công ích – dẫn đến một bài học khác. Những phát biểu của chúng ta đã đi từ tiếng “ba” đầy cảm động đến tiếng “Tại sao?” đầy tra vấn và từ “Tao sẽ đi mách mẹ” đến “Chúng tôi sẽ không mách ba mẹ”. Những quyết định của chúng ta đã trưởng thành hơn bởi vì chúng ta đã cố gắng có quyền ăn nói. Chúng ta muốn tham dự vào việc xây dựng các quy luật. Khi làm như thế, chúng ta đã thực sự giúp đỡ cha mẹ chúng ta nghĩ ra những quy luật tốt hơn. Sự đóng góp của chúng ta có tầm quan trọng của nó. Có thể lúc đầu những nhận xét của chúng ta đã không đặc biệt bổ ích, nhưng về sau chúng đã trở nên có ích. Cho nên, khi chúng ta hành động theo những gì mà mỗi người tham gia vào và khi chúng ta làm việc vì công ích, thì chúng ta cho thấy rằng thế giới chúng ta cần được mở ra cho mọi người để trở nên công bằng hơn. Tham gia mà không thể phát biểu ý kiến rốt cuộc là đóng vai trò của một con rối: điều đó buộc những người sống bên lề xã hội phải chịu sự bất lực của những trẻ con và những người tin là bày tỏ ý kiến nhân danh mọi người thành một thứ bệnh điếc đáng sợ.

Dần dà, chúng ta học biết rằng ăn ở bất công không có tương quan nào với việc bị trừng phạt. Khi còn nhỏ, chúng ta đã nghĩ rằng bị trừng phạt có nghĩa rằng chúng ta đã làm điều gì đó sai trái: ngược lại, nếu chúng ta không bị trừng phạt, thì đó là vì chúng ta đã không làm gì sai trái. Nhưng khi trở nên có khả năng xây dựng các quy luật, tức là khi phát triển ý thức luân lý của mình, thì chúng ta đã học biết rằng sự công bằng hay sự bất công không phụ thuộc vào những giới lệnh của cha mẹ chúng ta, cũng không lệ thuộc vào bất kỳ người nào khác. Trái lại, chúng ta hiểu rằng sự bất công hệ tại việc gạt bỏ ai cách vô lý hay buộc người ấy phải im lặng, hay làm hại đến công ích. Nếu chúng ta không làm ngày công đầy đủ của chúng ta, nếu chúng ta không trả tiền lương công bằng, nếu chúng ta không để lại tiền “boa” thích hợp, nếu chúng ta không đóng thuế, thì chúng ta đang hành động cách bất công, cho dù chúng ta bị trừng phạt hay không.

Bởi thế, đức công bằng không lệ thuộc vào luật lệ. Việc một xã hội không cấm một hành động không có nghĩa rằng hành động này là công bằng. Luật đã cho phép và đang còn cho phép nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và những hình thức loại trừ khác nơi nhiều xã hội.

Vì sự bất công không bị giới hạn vào những hình phạt, cho nên nó cũng không được giảm thiểu thành những vi phạm luật lệ. Chính khi tự giáo dục chính mình mà chúng ta học biết phân biệt công bằng và bất công. Chúng ta càng hành động vì công ích, chấp nhận sự tham gia của người khác và để cho người khác nói cho chính họ, thì chúng ta càng học biết là những gì chúng ta phải trở nên. Như những đứa trẻ, những người lớn học biết qua thực hành. Chìa khóa đích thực để đạt tới đức công bằng là thế này: trong chừng mực mà chúng ta vẫn còn những năm tháng cuộc đời trước mắt chúng ta, thì chúng ta vẫn còn phải tiến tới trong việc học biết nhân đức công bằng.

[23] Ở đây, tác giả dùng hai thuật ngữ để nói về đức công bằng. Một là « justice », chỉ nguyên tắc luân lý của đời sống xã hội dựa trên sự nhìn nhận và tôn trọng quyền của người khác ; thuật ngữ kia là « équité », chỉ một ý thức công bằng tự nhiên và tự phát, dựa trên việc nhìn nhận các quyền của mỗi người mà không nhất thiết được gợi hứng bởi các luật lệ hiện hành. (Ctcnd).

[24] Dorothy Day (1897-1980) đã là sáng lập viên và là người thúc đẩy phong trào vô chính phủ của các thợ thuyền Công giáo ở Hoa Kỳ, được thành lập trong cuộc suy sụt trầm trọng vào năm 1933 và được đặt nền tảng trên bốn nguyên tắc : nghèo khó tự nguyện, theo đuổi công bằng xã hội bằng đường hướng bất bạo động, chủ nghĩa hòa bình và sau cùng là triết thuyết nhân vị. Là người trở lại đạo, mẹ độc thân, người phụ nữ thuộc cánh tả, D. Day đã ghi dấu thời đại của mình bằng sự phản đối triệt để một số quyết định chính trị ở Hoa Kỳ, và bằng lập trường của bà ủng hộ công bằng xã hội và hòa bình, nhất là trong cuộc chiến dân sự Tây Ban Nha, cuộc Đệ Nhị Thế Chiến, cuộc chiến Triều Tiên và cuộc chiến Việt Nam. Cho đến khi chết, bà vẫn là tổng biên tập của tạp chí Catholic Worker, được phát hành 100.000 bản và được xem như là một trong những tạp chí tư tưởng quan trọng nhất ở Hoa Kỳ. (Chú thích của người dịch bản Pháp ngữ).

[25] John Donne : nhà thơ và là nhà giảng thuyết người Anh, có nguồn gốc Galoa và là Công giáo (1573-1631). (Chú thích của người dịch bản tiếng Pháp.)

Khái quát giáo huấn của Hội Thánh về Ba Ngôi Thiên Chúa

I. BA NGÔI THIÊN CHÚA

Nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta biết được chúng ta có một Thiên Chúa là Cha của Người và là Cha của chúng ta. Nhờ Mạc Khải, chúng ta nhận ra Chúa Cha đầy tình yêu thương đối với nhân loại, đã sai Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô đến cứu chuộc nhân loại.

Chúa Cha là Đấng Tạo Hóa, là Nguồn Gốc của mọi thực tại. Nhưng Chúa Con cũng là Tạo Hóa, thông dự vào việc tạo dựng của Chúa Cha. Chúa Con cũng là Nguồn Suối và là Cứu Cánh của mọi thực tại, là Alpha và là Ômêga. Như vậy phải chăng có hai Nguồn Gốc, hai nguyên lý?

Chỉ có một Nguồn Gốc là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Duy Nhất. Mọi thực tại khác là thụ tạo của Người.

II. CHÚA CHA

Dĩ nhiên đối với chúng ta, Chúa Cha là “Nguồn Suối” nhưng đối với chính Chúa Kitô, Ngài cũng là Nguồn Suối. Ngài là Đấng dựng nên chúng ta, nhưng là Đấng sinh ra Chúa Kitô, (principium generans). Ngài là Nguồn Gốc (origo), là Khởi Nguyên (principium), là Mạch Suối (fons) của tất cả bản tính Thiên Chúa trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần (D. 490, 3326).

Ngài là “Nguồn Sinh”, nên không có ai sinh ra Ngài; vì thế Ngài là Khởi Nguyên không có khởi nguyên (Principium sine principio: D. 1331). Tất cả những gì Ngài có, Ngài có bởûi chính mình (non habet ab alio, sed ex se: D.1331). Do đó càng phải nói rằng không được làm ra, không được tạo thành (D. 60, 525).

Ngài là “Nguồn Sinh”, Đấng sinh ra Chúa Con không do ý muốn (D. 71, 526). Huấn Quyền khẳng định là Chúa Cha sinh ra Chúa Con không do ý muốn, vì có người hiểu rằng “do ý muốn” có nghĩa là có thể sinh ra hay không sinh ra, muốn sinh ra thì sinh ra, không muốn thì thôi, và như thế Chúa Con chỉ là một thụ tạo bất tất như chúng ta, có thể hiện hữu hay không. Chúa Con có là do hành vi tạo dựng. Huấn Quyền khẳng định, từ đời đời không bao giờ có Cha mà không có Con, cũng không bao giờ có Con mà không có Cha (D. 526).

Chúa Cha sinh ra Chúa Con cũng không do tất yếu. Huấn Quyền khẳng định như vậy, vì có người hiểu rằng “tất yếu” có nghĩa là: nơi Thiên Chúa không có tự do, không có tình yêu, tất cả đều là mù quáng và tất định. Cho rằng Chúa Cha tất yếu sinh ra Chúa Con thì rơi vào thuyết Phát xuất (Émanatisme) chủ trương từ một Nguồn Gốc phát sinh ra các thực tại, từ thực tại cao quý nhất (gần Nguồn) tới thực tại thấp kém nhất (xa Nguồn).

Chúa Cha sinh ra Chúa Con từ bản thể chính mình (de sua substantia: D. 526), gần giống như một người cha sinh ra một người con từ bản thể của mình, nhưng khác ở chỗ: kết quả vẫn là một bản thể, chứ không có hai bản thể nơi Thiên Chúa (D. 470, 485, 571, 1330).

Chúa Cha thông ban bản thể mình cho Chúa Con (Auto-donatio) mà không suy giảm. Ngài không mất gì khi sinh ra Chúa Con (D. 805). Huấn Quyền khẳng định điều này để tránh quan niệm bất toàn và sai lạc coi Chúa Con là một phần bản thể Chúa Cha (Pater = tota substantia divina; filius = portio substantiae divinae). Chúa Cha không cho Chúa Con một phần bản thể của mình, và giữ lại một phần bản thể khác (D. 805). Chúa Cha vẫn là Thiên Chúa nguyên vẹn khi sinh ra Chúa Con, và Chúa Con cũng là Thiên Chúa nguyên vẹn. Do đó Cha được gọi là Thiên Chúa, và Con cũng được gọi là Thiên Chúa (D. 176, 1332).

Chúa Cha với Chúa Con là một, đồng bản thể (consubstantialis), nhưng khác nhau, là hai Ngôi Vị phân biệt. Trong chương trình cứu độ đã được vạch ra, Chúa Con xuống thế làm người và chịu khổ nạn, chứ không phải Chúa Cha (D. 248). Giáo lý này cho thấy không thể lẫn lộn Chúa Cha với Chúa Con, mặc dù Hai Vị là Một.

III. CHÚA CON

Cũng như Chúa Cha, Chúa Kitô là Nguyên Lý (Principium) của mọi thụ tạo. Người là Nguyên Nhân tác thành (causa efficiens), Nguyên Nhân mô phạm (causa exemplaris), Nguyên Nhân cứu cánh (causa finalis). Mọi sự được dựng nên bởi Người, trong Người và vì Người. Nhưng đối với Chúa Cha thì Người là Con, Người được Chúa Cha sinh ra thực sự và theo đúng nghĩa chữ “sinh” (D. 40, 71, 75, 1330). Việc “Chúa Cha sinh ra Chúa Con” không chỉ là một cách nói, một hình ảnh. Từ ngữ Chúa Con không chỉ là một danh xưng không có nền tảng trong thực tại, nhưng là một chân lý đức tin được mạc khải. Có quan hệ phụ – tử đích thực giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Chúa Con là Nguyên Lý bởi Nguyên Lý (Principium de Principio), là Con bởi Cha, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, là Ánh Sáng bởi Ánh Sáng (D. 150). Người sinh ra từ bản thể Chúa Cha, không do bản thể khác (D. 125, 126, 526). Chân lý này được lập đi lập lại để chống những ai chối “thần tính” của Đức Kitô: Đức Trinh Nữ Maria chỉ sinh ra Đức Kitô trên bình diện xác phàm, chứ không sinh ra Ngôi Vị Chúa Kitô.

Tất cả những gì Chúa Con có là do Chúa Cha (D. 1331), nhưng Chúa Con không phải là thụ tạo của Chúa Cha. Chúa Cha ban cho Chúa Con tất cả những gì Ngài có, tất cả thần tính, ngoại trừ vai trò làm Cha (D. 900, 901). Ngài không thể trao cho Chúa Con cương vị làm Cha, không phải vì Ngài tiếc với Chúa Con, nhưng vì Ngài là Cha và Chúa Con là Con. Ngài sung sướng được làm Cha, và Chúa Con sung sướng được làm Con. Không phải vì là Cha mà lớn hơn Con, cũng không phải vì là Con mà nhỏ hơn Cha. Chúa Con ngang bằng với Chúa Cha trong mọi sự (D. 74, 164, 852, 1337), xét về thần tính (D. 74, 144, 168, 295, 357), do đó được gọi là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa (D. 40, 51, 125, 490), xét về vinh quang và danh dự (D. 74, 290, 318), về đời sống vĩnh cửu (D. 27, 297, 526), về sự khôn ngoan (D. 164, 169, 573), về ý chí và quyền năng (D. 144, 681, 852).

Chúa Con cùng một bản thể với Chúa Cha, nhưng không phải là Cha (Filius non est Pater, sed substantia, natura Patris). Người không chỉ là một phần của Chúa Cha mà là tất cả bản thể Chúa Cha, trừ cương vị làm Cha (D. 526, 805).

Chúa Con không được tạo thành từ hư vô như lạc giáo Ariô chủ trương (D. 42, 125, 126, 150). Người không là Con vì được tuyển chọn (per electionem, adoptionem). Tân Ước có nhiều chỗ khẳng định Chúa Giêsu được Chúa Cha tuyển chọn và sai đến thế gian. Nhưng “Cha tuyển chọn Con” và giao phó cho Con sứ mạng cứu thế, chứ không phải là Đức Giêsu được chọn làm Con, theo kiểu dưỡng tử thuyết (D. 526). Chúa Kitô là Con “ruột” của Chúa Cha (quem Deus Pater nec voluntate nec necessitate genuisse credendus est: D. 526), và là “Con Một” (Unigenitus) ngoài Người ra, Chúa Cha không có “con ruột” nào khác (D. 4, 12, 105, 502). Người là Chúa Con Duy Nhất bởi Chúa Cha Duy Nhất (D. 75, 800, 1330).

Người không sinh ra do ý muốn Chúa Cha (D. 71, 526). Điều này không có nghĩa là tương quan giữa Chúa Cha và Người là tương quan bất đắc dĩ, tình yêu của Chúa Cha là tình yêu bất đắc dĩ (ex necessitate). Không do ý muốn Chúa Cha chỉ có nghĩa là Người là “Con tự bản tính”, là Con Đích Thực.

Chúa Con được sinh ra từ đời đời, nghĩa là không có khởi đầu (D. 526, 536, 1331). Đời đời không phải là một điểm khởi đầu, nhưng ám chỉ Chúa Con “Hằng Có” như Chúa Cha Hằng Có. Người Hằng Có và Hằng được sinh ra (generatio aeterna). Chúa Con luôn luôn có và luôn luôn được sinh ra bởi Chúa Cha. (sự sinh ra kỳ diệu và khôn tả này được thần học gọi là Nhiệm Sinh). Sự sinh ra của con người chỉ diễn tả được một phần nào sự sinh ra của Chúa Con. Phải dùng nhiều lối diễn tả khác để bổ sung, như: Chúa Con là Lời của Chúa Cha (Verbum Dei: D. 40, 2698), là Minh Trí của Chúa Cha (Sapientia: D. 113, 148, 476), là Quyền Năng của Chúa Cha (D. 113). Các Danh Xưng này được rút ra từ Kinh Thánh là những từ ngữ mà các thánh ký dùng để tìm hiểu và diễn tả mầu nhiệm Chúa Kitô trong tương quan với Chúa Cha.

Chúa Con luôn luôn ở trong Chúa Cha, như Chúa Cha ở trong Chúa Con (D. 113, 115). Mầu nhiệm này được thần học gọi là “tương tại” (circuminsessio), có một căn bản Kinh thánh dồi dào (đặc biệt là Tin Mừng Gioan), và có thể khai triển rất phong phú để diễn tả sự hiệp thông mật thiết giữa Chúa Con và Chúa Cha, sự Duy Nhất giữa các Ngài.

IV. CHÚA THÁNH THẦN

So với Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần không được sinh ra (non genitus) như Chúa Con, cũng không “bất sinh” (non ingenitus) như Chúa Cha (D. 71, 75, 485). Chúng ta không thể nói rằng Chúa Cha sinh Chúa Thánh Thần như Chúa Con, vì chỉ có Một Chúa Con Duy Nhất. Cũng không được coi Chúa Thánh Thần như “anh em” của Chúa Con. Người phát xuất cách nhiệm mầu (procedens) bởi Chúa Cha và Chúa Con (D. 42, 44, 150, 178, 1330). Người là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con (D. 178, 527).

“Thánh Thần phát xuất từ một Khởi Nguyên Duy Nhất, chứ không từ hai Nguyên Lý”. Khẳng định này của Huấn Quyền nhằm trả lời cho các người Hy-lạp (Giáo Hội Chính Thống Đông phương) tố cáo thần học La-tinh chủ trương có hai Khởi Nguyên (Spiritus ex Patre Filioque). Dù bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Nguồn Gốc của Thánh Thần vẫn là một, chứ không là hai, vì Chúa Cha và Chúa Con là một.

Giáo Hội chính thống dùng cách nói bởi Cha qua Con (ex Patre per Filium) để diễn tả mầu nhiệm phát xuất của Chúa Thánh Thần. Họ muốn dành ưu vị làm đầu trong Ba Ngôi Thiên Chúa cho Chúa Cha, theo đúng truyền thống thần học Hy-lạp: tất cả phát xuất từ Chúa Cha và trở về cùng Chúa Cha. Thần học Latinh không chối ưu vị này nhưng dùng thường xuyên hơn cách nói bởi Cha và Con (Filioque), để nhấn mạnh tính duy nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con chống lạc giáo Ariô. Nhưng Huấn quyền La-mã khẳng định là có thể nói: “Thánh Thần bởi Cha qua Con mà ra” (D. 1301).

Chỉ có một Thánh Thần nhiệm xuất, không có nhiều. Chúa Kitô cũng không nhiệm xuất, nhưng được sinh ra (D. 40, 71, 1330). Người nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con từ đời đời (D. 441, 1300). Người cũng vĩnh cửu, vô hạn, bất biến, khôn dò, quyền năng và khôn tả như Chúa Cha và Chúa Con (D. 800). Người là thần linh phát xuất từ bản thể “thần linh”, chứ không phải là “linh hồn của vũ trụ” (anima mundi: D. 722).

Chúa Thánh Thần là Tình Yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con (D. 3326, 3331). Người là Hồng Ân và còn được gọi là Đấng Bầu Cử giống như Chúa Kitô.

Thánh Thần cũng bởi Chúa Cha mà ra như Chúa Con bởi Chúa Cha. Người đồng bản thể với Chúa Cha như Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha (D. 26, 55, 441, 853). Người ngang bằng với Chúa Cha và Chúa Con, phải được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con (D. 42, 147, 546). Người đồng vĩnh cửu (D. 71), cũng quyền năng (D. 152) và ở khắp mọi nơi (D. 169). Thánh Thần ở trong Thiên Chúa như Chúa Con.

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc

 

Lời kinh “Salve Regina – Lạy Nữ Vương”

Lời kinh thắm thiết cầu khấn cùng Đức Mẹ Maria – ngoài kinh Kính mừng Maria – mà Kitô hữu đọc hầu như thuộc lòng là kinh “SalveRegina – Lạy Nữ Vương”.

LATINH

Salve, Regina, Mater misericordiae,
vita, dulcedo, et spes nostra, salve.
ad te clamamus exsules filii
Evae,
ad te suspiramus, gementes et flentes
in hac lacrimarum valle.

Eia, ergo, advocata nostra, illos tuos
misericordes oculos ad nos converte;
et Jesum, benedictum fructum ventris tui,
nobis post hoc exsilium ostende.
O clemens, O pia, O dulcis Virgo Maria.”

TIẾNG VIỆT

(Kinh Phụng Vụ – Kinh Tối)

Kính chào Đức Nữ Vương,
Bà là Mẹ xót thương,
Ngọt ngào cho cuộc sống,
Kính chào lẽ Cậy Trông.

Này con cháu E-và,
Thân phận người lưu lạc,
Chúng con ngửa trông Bà,
Kêu Bà mà khóc lóc,
Than thở với rên la
Trong lũng đầy nước mắt.

Bà là Nữ Trạng Sư,
Nguyện đưa mắt nhân từ
Phía đoàn con ngoái lại,
Và sau đời khổ ải,
Xin Bà khứng tỏ ra,
Cho đoàn con được thấy
Quả phúc bởi lòng Bà:
Đức Giê-su khả ái.

Ôi lượng cả khoan hồng,
Ôi tấm lòng xót thương,
Ôi dịu hiền nhân hậu,
Trinh Nữ Ma-ri-a.

(Bản phổ thông)

Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành
làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.
Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và
ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;
Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.
Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con.
Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,
Con lòng Bà gồm phúc lạ.
Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.

Đâu là nguồn gốc xuất xứ cùng ý nghĩa Lời kinh cảm động này?

Lời kinh Salve Regina do Thầy Hermann der Lahme, Dòng Bênêđíctô ( + 1054), người Đức viết ra bằng tiếng latinh ở Tu viện Reichenau vùng Bodensee miền Nam nước Đức.

Thầy Hermann ngay từ hồi thanh thiếu niên đã bị tàn tật. Nhưng thầy được Chúa ban cho khả năng trí khôn thông minh. Thầy ham mê đọc sách, nghiên cứu và làm thơ văn, nhưng cầu nguyện vẫn luôn là nhịp sống cần thiết cho đời sống mà thầy hằng chú tâm chăm sóc.

Sống trong tu viện khổ tu, nhưng thầy kiên trì học hành và nghiên cứu môn Thần học cùng môn Toán học tường tận, và trở thành nhà Thần học cùng là nhà chuyên môn về Toán học. Ngoài ra thầy còn nghiên cứu thêm về môn Lịch sử, môn Thiên văn. Chưa hết, thầy còn có tài năng sáng tác âm nhạc. Như thế, thầy tuy là một người tàn tật, nhưng có nhiều tài năng thiên phú ẩn chứa trong con người của thầy.

Có nhiều tài năng thiên bẩm, nhưng vì bị tàn tật nên không thể tự mình làm được cả những điều căn bản cần thiết cho đời sống hằng ngày. Cuộc sống trở nên lệ thuộc vào sự giúp đỡ của anh em trong Dòng, của người khác. Và như thế lâu dài trở nên gánh nặng cho họ. Dù nhà Dòng rất kính trọng yêu mến Thầy, cùng sẵn sàng giúp thầy sống trọn vẹn ơn gọi tu sĩ, nhất là giúp thầy phát triển tài năng Chúa ban cho thầy!

Trong những giờ phút đau khổ như thế bài kinh cầu khẩn Salve Regina được cưu mang thai nghén và chào đời trong tâm hồn một thầy dòng tàn tật tên Hermann.

Thầy Hermann đã đọc kinh Kính mừng Maria – Ave Maria hằng ngày, hằng giờ, nên khi cảm hứng sáng tác kinh cầu nguyện thầy đã mượn lời Thiên thần Gabriel chào Đức Mẹ Maria là Nữ Vương: Salve Regina!

Đức Mẹ Maria có phải là nữ vương?

Chúa Giêsu trước mặt quan tổng trấn Philatô đã quả quyết: Phải, tôi là Vua! Và trên đầu thập giá Chúa Giêsu, có bảng viết: Giêsu Nadareth, Vua dân Do Thái!

Đức Mẹ Maria sau quãng đời sống trên trần gian đã được Chúa Giêsu, con của Mẹ, đưa về trời cả hồn lẫn thân xác. Vì thế, trên thiên quốc, Đức Mẹ là Nữ Vương.

Thầy Hermann qua đó muốn diễn tả tâm tư của mình: “Salve Regina – Kính chào Mẹ nữ vương trời đất!” Lời chào này không do Thiên thần hay sứ giả nào nói, nhưng do thầy dòng tàn tật Hermann nói thân thưa với Đức Mẹ Maria.

Xưng tụng Đức Mẹ Maria là Mẹ, thầy vẫn cảm thấy chưa đủ hết tấm lòng của một người mẹ. Nên thầy thêm vào lời xưng tụng “Mẹ nhân lành – Mẹ xót thương” và còn hơn nữa “đời sống chúng con được vui được cậy”.

Qua những xưng tụng đó, thầy Hermann muốn nói lên tâm tình tin tưởng:

  • Đức Mẹ Maria không là trung gian cho sự chết. Nhưng phù trợ cho sự sống
  • Đức Mẹ Maria không chối từ sự cay đắng đau khổ. Nhưng khi cầu nguyện ta tìm nhận ra nơi Đức Mẹ nhân lành nguồn vui an ủi cho đời sống.
  • Đức Mẹ Maria không chỉ giúp cho đời sống trong một lúc khoảnh khắc ngắn ngủi gặp đau khổ, nhưng Đức Mẹ là người cùng đồng hành trung thành hướng dẫn cho đời sống tìm đến nguồn hy vọng nơi Thiên Chúa tình yêu thương.
  • Đức Mẹ Maria được đưa về trời cả hồn lẫn thân xác bên ngai Thiên Chúa. Đó cũng là đích điểm của con người chúng ta mai sau cũng mong được về bên ngai Thiên Chúa.
  • Con người chúng ta còn đang là lữ khách ở trần gian, nên còn mang trong mình hậu qủa của tội nguyên tổ của Ông Bà Adong Evà. Đó là những đau khổ, bệnh tật, yêu đuối giới hạn cả về thân xác lẫn tinh thần.Vì thế, trần gian được gọi là nơi chốn thung lũng đầy nước mắt.

Thầy Hermann đã có cảm nghiệm này từ chính nơi đời sống riêng của mình về sự yếu hèn của khiếm khuyết, của tật nguyền nơi thân thể. Nên qua đó thầy khao khát mong ước một đời sống tốt đẹp hơn, một đời sống vĩnh cửu. Điều khao khát mong ước đó, thầy đặt niềm hy vọng nơi Đức Mẹ Maria, Đấng là Trạng sư bầu chữa cho mình trước ngai tòa Chúa.

Lời kinh Salve Regina do Thầy Hermann viết ra thành chữ, thoát ra từ tận sâu thẳm tâm hồn của một đời sống chịu đựng tàn tật về thân xác cũng như yếu đuối giới hạn về trí khôn tinh thần.

Lời kinh Salve Regina không vẽ hay tô điểm một hình ảnh bi quan đen tối về đời sống. Nhưng tràn đầy niềm hy vọng của chính Thầy Hermann. Và đấy cũng là hy vọng của mọi Kitô hữu.

Lời kinh Salve Regina đã gợi hứng cho rất nhiều nhạc sĩ từ xưa đến nay viết thành những tấu khúc lớn nhỏ khác nhau và rất danh tiếng, nhất là vào thời Trung Cổ cho đến thời cận đại như Henri Dumont, G.F. Händel, Franz Liszt, Franz Schubert, Pierre de la Ruy… Vào thế kỷ 18, Kinh Lạy Nữ Vương đã trở thành trọng tâm của cuốn sách Thánh Mẫu học của Thánh Alphonsô Liguori – một vị Thánh Tiến sĩ Hội thánh.

Lời kinh Salve Regina trở thành lời kinh cầu nguyện không chỉ trong khuôn viên những tu viện, nhà dòng đọc hát vào giờ Kinh Chiều hay giờ Kinh Tối. Nhưng đã trở thành lời kinh trong “kho tàng” về kinh cầu nguyện của Giáo Hội, phổ thông cho mọi tín hữu, và người Công Giáo tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Đạo Thiên Chúa hay Đạo Công Giáo? – Hãy biết phân biệt cho chính xác.

Hỏi: Xin Cha giải thích: Đạo Thiên Chúa là gì, và khác Đạo Công Giáo như thế nào?

Trả lời:

Trong thực tế, nhiều người đã lầm lẫn khi dùng cụm từ “Đạo Thiên Chúa” hay “Thiên Chúa Giáo” để chỉ Đạo Công Giáo (Catholicism), tức là Đạo thánh mà chính Chúa Kitô đã rao giảng và thiết lập Giáo Hội trên nền tảng Tông Đồ như phương tiện để loan truyền và mang ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi dân mọi nước cho đến ngày mãn thời gian.

Đó là Đạo cứu rỗi mời gọi mọi người đón nhận để được sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong Vương Quốc tình yêu của Ngài.

Xét về từ ngữ (terminology) thì danh xưng Đạo Thiên Chúa nghe có vẻ hợp lý vì mục đích tôn thờ Thiên Chúa là Chủ tể vạn vật và vũ trụ. Nhưng nếu đi sâu vào nôi dung thần học, thì danh xưng này không phân biệt rõ đối tượng và mục đích tôn thờ của các tín hữu có cùng niềm tin vào Thiên Chúa (God) nói chung và Chúa Cứu Thế Giêsu nói riêng. Các tín hữu này hiện đang phân tán trong các Giáo Hội, hay Đạo, có danh xưng khác nhau như sau:

  1. Do Thái Giáo (Judaism)

Do Thái Giáo, hay còn gọi là Đạo Maisen (Mosaic Religion), là Đạo tôn thờ Thiên Chúa Yahweh, là Cha của các Tổ Phụ Abraham, Isaac và Israel (Jacob). Ngài cũng là Đấng, qua tay ông Maisen, đã giải phóng cho dân Do Thái  thoát ách thống khổ bên Ai Cập và mang họ vượt Biển Đỏ trở về quê hương an toàn. Và cũng qua trung gian ông Maisen, Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái và cho cả nhân loại ngày nay Mười Điều Răn như giao ước phải thi hành để được chúc phúc và được sống với Thiên Chúa là tình thương.

Tín hữu Do Thái thuộc Đạo này cho đến nay vẫn chỉ tôn thờ một Thiên Chúa Yaweh độc nhất mà thôi (monotheism). Họ không có ý  niệm gì về một Thiên Chúa Ba Ngôi (The Holy Trinity) vì họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã xuống thế làm Người để cứu chuộc nhân loại. Họ  cũng  không biết gì về Chúa Thánh Thần, mặc dù Kinh Thánh Cựu Ước có hé mở chút ánh sáng về Ba Ngôi Thiên Chúa qua trình thuật Ba người khách lạ đến thăm ông Abraham và được ông niềm nở đón tiếp dù không biết họ là ai (x. Stk 18:1-15).

Cũng vì không nhìn nhận Chúa Cứu Thế Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và Phúc Âm của Người, nên Kinh Thánh của Do Thái Giáo chỉ có phần Cựu Ước mà thôi.

  1. Công Giáo La Mã (Roman Catholicism)

Công Giáo La Mã, chính là Kitô Giáo, tức là Đạo Cứu Rỗi do Chúa Kitô khai sinh với việc Người xuống trần gian làm Con Người, đi rao giảng Tin Mừng, chữa  lành  và cuối cùng, chết trên thập giá để hoàn tất công cuộc cứu chuộc cho loài người khỏi chết vì tội.

Đạo Công Giáo tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cùng một bản thể (substance) và uy quyền như nhau. Thiên Chúa của Đạo Công Giáo là Thiên Chúa của Chúa Kitô (Christian God) và cũng là Thiên Chúa của các Tổ Phụ Do Thái. Do đó, Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo gồm cả hai phần Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament), với tổng cộng 72 Sách Thánh mà Giáo Hội Công Giáo dạy tín hữu phải đọc để nuôi dưỡng đời sống đức tin nhờ  nghe  Lời Chúa để  biết sống theo đường lối của Người.

  1. Chính Thống Giáo

Chính Thống Giáo là Nhánh Kitô Gíáo Đông Phương (Eastern Orthodox  Churches) đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã từ năm 1054 vì một số  bất đồng về  tín lý, phụng vụ và quyền bính. Cho đến nay, nhánh này vẫn chưa hiệp nhất trọn vẹn được với Giáo Hội Công Giáo La Mã dù cả hai bên  đã có nhiều thiện chí và cố gắng để xích lại gần nhau. Công Giáo và Chính Thống đều có chung nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession) nên có chung các bí tích hữu hiệu như nhau, mặc dù vẫn chưa thể hiệp nhất được vì một trở ngại duy nhất là vấn đề quyền bình của Đấng thay mặt Chúa Kitô để cai trị Giáo Hội. Đó là quyền bính của Đức Thánh Cha, cũng là Giám Mục Rôma, mà anh em Chính Thống chưa công nhận.

  1. Tin Lành (Protestantism)

Tin Lành là Nhánh KitôGíáo đã ly khai khỏi Công Giáo và Chính Thống Giáo sau những cuộc cải cách (reformations) do Martin Luther chủ xướng tại Đức năm 1517,  lan qua Pháp với John Calvin, Thụy Sĩ với Ulrich Zwingli.

Nhưng chính nội bộ nhánh này sau đó cũng đã phân chia thành hàng ngàn các nhánh nhỏ khác nhau như Baptists, Methodists, Lutherans, Presbyterians, Episcopalians, Pentecostals, Quakers, Church of Christ .v.v  Họ cũng tôn thờ một Thiên Chúa và tin Chúa Kitô là Cứu Chúa (Savior), cũng như lấy Kinh Thánh làm nền tảng cho niềm tin và sứ vụ giảng dạy (Preaching ministry), nhưng khác biệt với Công Giáo và Chính Thống Giáo về nhiều điểm căn bản liên quan đến thần học, bí tích, phụng vụ, quyền bính và Kinh Thánh (Họ giải thích Kinh Thánh theo cách hiểu riêng của họ). Thêm vào đó, cũng như Chính Thống Giáo, các nhánh Tin lành đều không công nhận vai trò và quyền bính tối cao của Đức Giáo Hoàng La Mã. Một điểm quan trọng nữa cần nói thêm là các nhánh Tin lành này đều không có nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession), nên họ không có các bí tích hiệu như Công Giáo và Chính Thống, trừ phép Rửa mà đa số họ có.

  1. Anh Giáo (Anglicanism)

Anh Giáo, tức nhóm Kitô Giáo đã tách khỏi Công Giáo La Mã vì sự bất mãn liên quan đến vấn đề hôn nhân của Vua Henry VIII trong thế kỷ XVI. Vua Henry này đã tuyên bố ly khai khỏi Công Giáo La Mã và tự phong làm thủ lãnh nhánh ly khai này. Nhóm này có tên chung là Anglican Communion, tức là Anh Giáo, hoàn toàn  khác với Giáo Hội Anh Quốc (The Church of England) là Giáo Hội Công Giáo của nước Anh hiệp thông  trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo La Mã (Rome).

Nhưng cách nay gần hai năm, một biến chuyển mới trong liên hệ giữa Anh Giáo và Giáo Hội Công Giáo, là có một nhóm khá đông các tín hữu Anh giáo cũng với giáo sĩ của họ, đã xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Để đón mừng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm cựu Anh Giáo này, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16, ngày 09-11-2009, đã cho công bố Tông Thư “Anglicanorum  coetibus” (Các tín hữu Anh Giáo) theo đó, Tòa Thánh cho phép thiết lập các Giáo Hạt tòng nhân trong ranh giới của một số Giáo Phận Công Giáo ở Anh Quốc và xứ Wales để cho các cựu tín hữu Anh giáo được cử hành các nghi thức phụng vụ và bí tích theo nghi thức của truyền thống Anh Giáo đã được Tòa Thánh phê chuẩn.

Mới nhất, ngày 15-1-2011 vừa qua, ba cựu giám mục Anh giáo đã được tấn phong linh mục Công Giáo tại Thánh Đường Westminster, Luân Đôn. Và một trong ba tân linh mục này, cha Keith Newton, đã được cử làm Quản hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham, một Quản hạt tòng nhân đầu tiên  mới được thành lập ngày 15-1 vừa qua để đón nhận các cựu tín hữu Anh Giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Sở dĩ có việc truyền chức cho các cựu giám mục Anh Giáo là vì Giáo Hội Công Giáo không công nhận Anh Giáo có bí tích Truyền Chức hữu hiệu, nên các cựu linh mục và giám mục Anh Giáo, nếu muốn, đều phải xin thụ phong linh mục Công Giáo trước và sau này, có thể có linh mục được chọn làm giám mục Công Giáo.

Lại nữa, vì Anh Giáo cho các linh mục và giám mục của họ kết hôn, nên sau khi được thụ phong linh mục Công giáo, họ vẫn được phép tiếp tục sống với vợ con.

  1. Đạo Hồi (Islam)

Ngoài ra, còn phải kể thêm một tôn giáo lớn nữa, cũng tôn thờ Thiên Chúa mà họ gọi là Đấng Allah. Đó là Đạo Hồi, do Muhammad sáng lập vào năm A.D 622.

Từ ngữ Islam trong tiếng Ả Rập, có nghĩa là “Tuân phục ý muốn của Thiên Chúa = (Submission to the will of God)” nhưng Đạo này khác xa Đạo Do Thái, Công Giáo và các Nhánh Kitô Gíáo nói trên về nhiều mặt. Thí dụ họ chỉ coi Chúa Giêsu là một người thường, một tiên tri như Abraham, Moses, Noah v.v  và kinh thánh của họ là kinh Koran.

+++

Như vậy, không có đạọ nào gọi là Đạo Thiên Chúa (Deism) đúng nghĩa với danh xưng này cả vì trong thực tế, tất cả các Nhánh hay Đạo mang các danh xưng riêng biệt trên đây đều tôn thờ Thiên Chúa (God). nhưng với nội dung thần học khác nhau, kể cả khác biệt về phương thế thể hiện sự tôn thờ đó (Liturgy).

Nói khác đi, các Nhánh Kitô giáo và Do Thái giáo nói  trên, tuy cùng tôn thờ Thiên Chúa, nhưng rất khác nhau về quan điểm  thần học, bí tích, phụng vụ, mục vụ và quyền bình. Do đó, không thể gọi Đạo Công Giáo là Đạo Thiên Chúa cách chung được vì như vậy, sẽ lẫn lộn với các đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa nhưng khác nhau về nhiều điểm như đã nói trên đây.

+++

  TẠI SAO PHẢI GỌI KITÔ GIÁO LA MÃ LÀ ĐẠO CÔNG GIÁO?

Để trả lới câu hỏi này, chúng ta cần nhớ lại từ đầu Thiên Chúa (God) chỉ tỏ mình ra cho dân Do Thái và chọn dân này làm dân riêng mà thôi: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta” (Xh 19:5).

Như thế, trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm Con Người, chỉ có dân Do Thái được biết Thiên Chúa Yahweh là Cha các Tổ Phụ của họ, là Đấng đã giải phóng họ và ban cho họ Mười Điều Răn làm Giao ước (Covenant) mà thôi. Ngoài Dân Do Thái ra, các dân khác đều là dân ngoại (gentiles) vì không biết Thiên Chúa Yahweh của dân Do Thái.

Nhưng sau khi Chúa Giêsu giáng sinh ở Bethlehem, Chúa đã tỏ mình ra cho các dân ngoại qua ánh sao lạ ở Phương Đông, mời gọi ba đạo sĩ dân ngoại đầu tiên đến thờ lạy Chúa (x. Mt 2:1-12). Sự kiện này đã nói lên nét phổ quát (universality) của ơn cứu độ. Nghĩa là ơn này được dành cho hết mọi dân tộc, không chỉ  riêng cho dân Do Thái. Vì thế, trước ngày về trời Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).

Đây là lý do vì sao Đạo của Chúa Kitô (Christianity) được gọi là Đạo Công Giáo vì mục đích phổ quát của ơn cứu độ mà Chúa đã mang đến cho nhân loại qua Hy Tế thập giá của Người. Vì thế từ ngữ  “Công giáo” ở đây có nghĩa là chung, là phổ quát (universal), dành cho hết moi người không phân biệt màu da, tiếng nói và văn hóa.

Như vậy từ ngữ “công giáo” (catholicam = catholique = catholic…..) không hề có nghĩa là công cộng (public) như có người không hiểu biết gì, nhưng đã có ác ý dịch ẩu Đạo Công Giáo sang tiếng Anh là Public Religion. Dịch như vậy cũng tương tự như người mới học tiếng Anh đã tự ý dịch nước đá (ice) là “water stone”!

Cũng vậy, nếu biết tiếng Anh đủ và có đọc sách vở viết bằng Anh ngữ về các thuật ngữ (terms) của Kitô Giáo, thì tội tổ tông, người Anh Mỹ gọi là Original sin, người Pháp gọi là Péché originel, người Tây Ban Nha gọi là Pecado original, chứ không ở đâu có từ ngữ “father’s sin” để chỉ tội tổ tông cả. Dịch kiểu này thì người Anh Mỹ không thể nào hiểu đúng ý của người dịch được.

Tóm lại, danh xưng phải chính xác về các vần đề tôn giáo để tránh hiểu lầm hay xuyên tạc mục đích. Cụ thể, Đạo Công Gíao (Catholicism) là Đạo mà chính Chúa Giêsu đã khai sinh và giảng dạy để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người thành tâm thiện chí muốn đón nhận để được cứu rỗi và sống đời đời. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội duy nhất do Chúa Kitô đã thiết lập để tiếp tục rao giảng và chuyển chở ơn cứu độ đó đến cho những ai muốn tiếp nhận. Giáo Hội này được đặt dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng là Người duy nhất nối tiếp Sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô, với sự hiệp thông và vâng phục trọn vẹn của các Giám mục trong toàn Giáo Hội.

Đó là những nét đại cương để phân biệt Đạo và Giáo Hội Công Giáo với các Đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa, nhưng đang hoạt động bên ngoài Giáo Hội Công Giáo.

Linh mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Nhận biết ơn gọi tu trì

Hỏi (chi tiết):

Thưa cha, xin cha cho biết làm cách nào để nhận ra một người có ơn gọi đời sống tu trì?

Đáp:

Để trả lời đầy đủ cho câu hỏi trên lại cần đến khá nhiều giấy mực và cả những kinh nghiệm của những nhà đào tạo trong các Dòng tu. Tuy nhiên tôi cho rằng thắc mắc của bạn không đòi hỏi nhiều đến thế. Điều bạn ưu tư cũng trùng hợp với những nỗi băn khoăn của các bậc làm cha làm mẹ khi tự hỏi không biết con mình có ơn gọi đi tu hay không nhất là khi thấy con cái có vẻ ham thích việc đạo đức, ưa bắt chước các cha hay các bà sơ…

Tôi cũng không muốn bàn sâu về đời tu dưới cái nhìn Thần học hay Giáo luật mà chỉ muốn trao đổi với bạn về đời tu theo cách nhìn thông thường không phân biệt tu dòng hay tu làm linh mục.

Ơn gọi tu trì dù ở dưới góc độ nào cũng bao gồm hai yếu tố: lời mời gọi từ phía Thiên Chúa và sự đáp trả từ phía con người.

Làm sao biết được Thiên Chúa kêu gọi mình để có thể đáp lại tiếng gọi ấy?

Chỉ trừ những ơn gọi đặc biệt nghe được tiếng Chúa trong những hoàn cảnh khác thường, còn thông thường thì tiếng Chúa gọi có thể đến từ những thôi thúc nội tâm làm cho ứng sinh cảm thấy ước muốn hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa. Ơn gọi có thể đến qua các biến cố như một dịp tĩnh tâm, một lần dự lễ phong chức, một chuyến thăm viếng vùng truyền giáo… Ơn gọi có thể đến từ việc tiếp xúc những vị lãnh đạo trong Hội thánh hoặc tiếp xúc với một cộng đoàn tu hay một vị tu sĩ linh mục mà mình cảm thấy yêu mến và ngưỡng mộ. Có thể ơn gọi được triển nở trong một môi trường mà giá trị đời tu luôn được cổ võ và khích lệ. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp ơn gọi nẩy sinh từ những hoàn cảnh khó khăn hay bất lợi cho đời sống đạo. Thậm chí ơn gọi có thể manh nha từ một ước muốn vụ lợi nữa.

Tất cả những tình huống nêu trên chỉ muốn trình bày tiếng gọi của Chúa có thể đến từ nhiều bối cảnh khác nhau và những thôi thúc ban đầu ấy mới chỉ là những dấu hiệu sơ khởi còn cần được củng cố hay thanh luyện bằng những hướng dẫn cụ thể trong suốt quá trình huấn luyện và đào tạo.

Để có thể đáp lời mời gọi của Thiên Chúa, người được kêu gọi cũng cần có một mức độ trưởng thành và được hoàn toàn tự do cũng như thực sự ý thức về quyết định dấn thân của mình. Vì thế mà ứng sinh cũng phải đạt đến một độ tuổi mà sự phát triển về tâm lý cũng như tinh thần tương ứng với đòi hỏi của ơn gọi.

Tùy theo đặc sủng và mục đích của các dòng tu hay điều kiện của các chủng viện mà những tiêu chuẩn có sự khác biệt. Nhìn chung, ta có thể nêu ra những điều kiện cơ bản như sau:

– Có ý hướng ngay lành chứ không bị thúc đẩy bởi những động cơ vụ lợi, không vì áp lực bởi gia đình hay những người xung quanh, không bị tác động bởi môi trường xã hội khiến cho ý hướng tu trì bị vẩn đục

– Có một sức khỏe ổn định để đảm nhận sứ mạng và đòi hỏi của đời tu.

– Có sự quân bình về tâm lý để có thể vượt qua những thách đố của đời tu, để có thể hòa nhập với cuộc sống đời thường, để có những mối tương giao tốt đẹp với người khác về mặt tình cảm cũng như hoạt động.

– Có khả năng trí tuệ thích hợp để có thể đảm trách những công tác được trao phó, và có thể tự trang bị cho mình một vốn kiến thức đầy đủ làm nền tảng vững chắc cho đời sống đức tin theo kịp nhịp tiến bộ của xã hội.

– Có khả năng sống đời tu một cách tích cực nghĩa là tìm thấy niềm vui, sự bình an, hăng say chứ không chỉ là một gánh nặng phải cố mà mang lấy cho xong.

– Có một đời sống luân lý trong sáng và đời sống thiêng liêng tiến triển cách vững chắc. Đời sống ấy phải có hướng đi tới chứ không chỉ là những hăng hái nhất thời và nhạt dần theo năm tháng.

Là những người có trách nhiệm hay có những ưu tư về ơn gọi khi nhận thấy có những dấu hiệu sơ khởi, tích cực ta nên khuyến khích, nâng đỡ những mầm non ơn gọi. Chính đương sự cũng cần phải cầu nguyện để nhận ra tiếng gọi của Chúa. Cần tìm đến với những người khôn ngoan, đạo đức và hiểu biết về đời tu để được hướng dẫn. Điều quan trọng vẫn là thực hiện ý Chúa trên đời mình chứ không phải là tìm cách đeo đuổi ý định của mình hoặc cố gắng làm vui lòng người dù đó là cha mẹ hay người thân. Nếu Chúa đã mời gọi Ngài cũng sẽ ban cho những ơn huệ và năng lực để đáp trả.

Cách dịch chữ PRO MULTIS trong công thức Truyền Phép Máu Thánh?

Đáp:

Thánh Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích đã ra một thư chung ngày 17.10.2006, đăng trên tập san Notitiae số 481-482, tháng 09-10.2006, trang 441-458 (gồm 07 ngôn ngữ khác nhau). Chúng tôi xin tóm tắt nội dung thư chung:

Sau khi tham khảo ý kiến các Hội Đồng Giám Mục về cách dịch thuật ngữ pro multistrong công thức Truyền Phép Máu Thánh, Thánh Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích và Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã đúc kết và đệ trình Đức Giáo Hoàng. Theo chỉ thị của Ngài, Thánh Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích thông báo cho các Hội Đồng Giám Mục:

1- Thuật ngữ pro multis trong công thức Truyền Phép đã được sử dụng trong bản văn Latinh của Nghi Lễ Roma từ những thế kỷ đầu. Khoãng 30 năm gần đây, một vài bản văn tiếng địa phương được Toà Thánh phê chuẩn; trong đó, thuật ngữ pro multis được dịch theo hướng giải thích là “cho mọi người”, “for all”, “per tutti”…

2- Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố rõ ràng là Thánh lễ vẫn thành sự khi linh mục sử dụng bản văn được Toà Thánh phê chuẩn với cách dịch “cho mọi người” . Công thức “cho mọi người” rõ ràng phù hợp với một cách giải thích đúng đắn về ý định của Chúa Giêsu theo văn mạch. Đức Kitô đã chết trên thập giá cho mọi người, cả nam lẫn nữ, là một tín điều (x. Ga 11, 52; 2 Cr 5, 14-15; Tt 2, 11; 1 Ga 2, 2).

3- Tuy nhiên, có nhiều lý do để ủng hộ một cách dịch chính xác hơn công thức truyền thống pro multis:

a. Các Phúc Âm Nhất Lãm (Mt 26, 28; Mc 14, 24) đặc biệt nhắc đến việc Chúa dâng Hy Tế cho “nhiều người”; cách dùng từ này, theo một số học giả Thánh Kinh, có liên hệ với tiên tri Isaia (Is 53, 11-12). Có thể có các bản văn Phúc Âm muốn nói “cho mọi người” (Lc 12, 41); tuy nhiên, công thức dùng trong trình thuật Thánh Thể là “cho nhiều người” và các bản dịch Thánh Kinh mới đều dịch theo nghĩa này.

b. Bản văn Latinh của Nghi Lễ Roma luôn luôn dùng pro multis và chưa bao giờ dùng pro omnibus trong công thức Truyền Phép Máu Thánh.

c. Công thức Truyền Phép của các Nghi Lễ Đông Phương, dù theo ngôn ngữ Hy Lạp, Syriac, Armeni, Slave…, đều dùng cách nói tương tự như pro multis của tiếng Latinh.

d. “cho nhiều người” là cách dịch chính xác của pro multis. Trong khi đó, “cho mọi người” thực ra là một cách giải thích lẽ ra nên để khi dạy giáo lý.

e. Thuật ngữ “cho nhiều người” vừa vẫn mở ra để có thể gồm mọi con người, vừa diễn tả sự kiện là ơn cứu độ không được ban một cách máy móc mà không có sự cộng tác và ý muốn tự do của cá nhân. Người tín hữu được mời gọi để vừa đón nhận hồng ân cứu độ trong đức tin; vừa tham dự vào mầu nhiệm sự sống thiêng liêng bằng cách sống chính cuộc sống của mình như thế nào để được liệt vào số “nhiều người”.

f. Theo Instructio Liturgiam authenticam, cần phải nỗ lực để dịch sát với các bản văn Latinh.

Do đó, tại những nuớc đang lưu hành bản dịch “cho mọi người”, Hội Đồng Giám Mục cần có phương thế dạy giáo lý cần thiết cho các tín hữu để chuẩn bị cho họ đón nhận một bản dịch mới chính xác về công thức pro multis (tức là “cho nhiều người”) trong Sách Lễ Roma.

Phép rửa có đủ cứu rỗi?

Nhân tưởng niệm Chúa Kitô chết và sống lại, xin cha giải thích: nếu phép rửa đã tha hết mọi tội rồi và nhất là Chúa đã chết để cứu chuộc cho loài người, như vậy đã đủ để được cứu rỗi chưa, hay còn phải làm gì nữa?

 

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn trả lời:

Thiên Chúa là Cha nhân lành. Ngài muốn “cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Cụ thể, Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha, xuống trần gian làm Con Người để “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20,28).

Giáo Hội cũng dạy rằng: “Chúa Kitô đã chết cho tất cả mọi người, không trừ một ai. Công Đồng Quiercy (năm 833, DS 624) đã dạy rằng: không có, đã không có và sẽ không có người nào mà không được Chúa Kitô chịu đau khổ vì mình” (x. SGLGHCG, số 605).

Như thế vấn đề cứu rỗi cho con người là điều chắc chắn mà mọi tín hữu Chúa Kitô phải tin và hy vọng căn cứ vào lời Chúa và lời dạy trên đây của Giáo Hội.

Tuy nhiên, cho được hưởng công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, con người cần phải có những điều kiện sau đây:

I- Trước hết, phải được tái sinh qua Phép rửa vì “ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin sẽ bị kết án.” (Mc 16,16) Lại nữa: “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần khí” (Ga 3,5).

Trên đây là chính những lời Chúa Giêsu đã nới với các Tông Đồ và với ông già Ni-cô-đê-mô xưa về tầm quan trọng và sự cần thiết phải lãnh nhận Phép rửa để được tái sinh trong sự sống mới sau khi con người cũ đã chết vì hậu quả của tội Nguyên Tổ (original sin).

Tuy nhiên, cần nói thêm một lần nữa ở đây là mặc dù Chúa nói như trên, nhưng lời Chúa cũng dành cho những người không biết Chúa và không được rửa tội một lối thoát nếu họ rơi vào hoàn cảnh không được ai nói cho biết về Chúa và phép rửa mà Chúa dạy phải lãnh nhận để được vào Nước Trời. Nói rõ hơn, những người đã sinh ra và chết trước khi Chúa Cứu Thế Giêsu ra đời, hoặc ngay cả sau khi Chúa sinh ra nhưng không được ai dạy bảo cho họ biết về Chúa và về Phép rửa khiến họ không được rửa tội thì đó không phải là lỗi của họ, vì “Làm sao họ tin Đấng họ không nghe? Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng? (Rm 10,14). Nói cách khác, không ai có thể tự mình nhận biết có Thiên Chúa mà không cần người khác giúp lúc khởi đầu. Nhưng nếu họ đã sống ngay lành theo tiếng nói của lương tâm hướng dẫn họ sống theo đường lối của Chúa thì họ vẫn có thể được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, vì “Ngoài Người (Chúa Kitô) ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4, 12; 1Tm 2, 5; SGLGHCG số 1281, Lumen Gentium, số 16).

Nói khác đi, công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô được áp dụng không những cho những người đã nhận biết Chúa và được rửa tội mà còn cho cả những người không được biết Chúa và không được rửa tội vì không ai dạy cho họ biết. Đó là trường hợp của tổ tiên Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới đã sinh ra và chết đi trước khi Chúa Cứu Thế Giêsu ra đời, rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và chết trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại. Những người này không biết Chúa và không được lãnh phép Rửa thì đó hoàn toàn không vì lỗi của họ, nên Chúa không thể lên án họ vì lỗi này được. Ngược lại, họ vẫn có thể được cứu rỗi nếu họ đã sống ngay lành theo sự hướng dẫn của lương tâm và có ý đi tìm Đấng Tối cao là Thiên Chúa để thi hành thánh ý Ngài như đã nói ở trên.

Phép rửa mà Chúa Giêsu dạy phải lãnh nhận rất cần thiết cho phần rỗi của con người vì nhờ đó, con người được tha mọi tội – từ tội Nguyên Tổ cho đến mọi tội cá nhân đã mắc phạm cho đến lúc được rửa tội (x. SGLGHCG số 1263). Tuy nhiên, dù được rửa sạch một lần qua Phép Rửa là bí tích phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu khi Người đang bị treo trên thập giá và bị “một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Nước đó chính là nước rửa cho con người sạch mọi tội một lần nhưng không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội và trả lại cho con người tình trạng “ngây thơ, công chính ban đầu” (original innocence and justice), một tình trạng ơn phúc đặc biệt mà Adam và Eva đã được hưởng trước ngày hai người phạm tội vì ăn trái cấm, đem lại hậu quả to lớn là “vì một người duy nhất mà tội lỗi xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12).

Nói khác đi, sự bất tuân của Adam và Eva đã đem tội và sự chết vào trần gian. Nhưng nhờ một người duy nhất vâng phục Thiên Chúa là Chúa Kitô mà “muôn người cũng sẽ thành người công chính” vì “nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hòa giải với Người để anh em trở nên thánh thiện, tinh tuyền không có gì đáng trách trước mặt Người.” (Cl 1,22).

Nhưng đó chỉ là viễn ảnh của niềm tin và hy vọng chứ chưa tức khắc thành sự thật ngay bây giờ cho ai, trừ khi có ai chết ngay sau khi được rửa tội thì chắc có cơ may được hưởng ngay ơn cứu độ để vào Nước Trời như Người trộm lành trước kia. (Chúa Giêsu đã tha thứ mọi tội cho anh ta vì anh đã sám hối và xin thương xót (Lc 23,42-43). Nhưng nếu vẫn tiếp tục sống trên trần thế này, thì mọi người lại có nhiều cơ hội để phạm tội thêm nhiều lần nữa sau khi được rửa tội, vì – như đã nói ở trên – Phép Rửa, tuy xóa một lần mọi tội lỗi, nhưng không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội, mà vẫn còn để lại trong con người “một số những hậu quả của tội như những đau khổ, bệnh tật, sự chết hoặc những yếu đuối gắn liền với sự sống như những yếu đuối về tính tình… và nhất là sự hướng chiều về tội lỗi mà truyền thống gọi là tình dục, hay còn được gọi là “lò sinh ra tội lỗi (formes percati) được để lại đó cho con người phải chiến đấu chống lại nó.” cho đến hơi thở cuối cùng của đời người trên trần thế này. (x. SGLGHCG số 1264). Ngoài ra, còn phải kể đến những gương xấu, những dịp tội đầy rẫy ở khắp trên trần gian này nhất là những cám dỗ mãnh liệt của ma quỉ là “thù địch của anh em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5, 8), nhằm đẩy xa con người ra khỏi tình thương của Chúa và ơn cứu độ của Ngài.

Đó là tất cả những thách đố, những nguy cơ mà con người phải đối phó sau khi được rửa tội để sống một đời sống mới theo Thần Khí hướng dẫn để được ơn cứu độ. Vì nếu “hướng đi của xác thịt là sự chết” thì “hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).

II- Phải làm gì nữa để xứng đáng được ơn cứu rỗi?

Mặt khác, dù Chúa Kitô đã chết để đền tội thay cho cả loài người nhưng Chúa cũng không biến đổi con người trở thành các thánh nam nữ ngay trong trần thế này. Trái lại, con người vẫn còn ý muốn tự do (free will) để hoặc sống theo Chúa là “Đường, là Sự Thật và là sự Sống” (Ga 14, 6) hay khước từ Chúa để sống theo “văn hóa của sự chết” chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ vật chất và mọi vui thú vô luân, vô đạo, gian ác, độc dữ, bất công, độc tài, hà khắc… như thực trạng của thế giới ngày nay. Đặc biết là ở các nước Âu Mỹ nơi không còn gì là luân lý phổ quát (universal moral) khiến người ta coi việc giết thai nhi là hợp pháp, nhưng nếu hành hạ súc vật như chó mèo thì lại có tội với pháp luật xã hội!

Lại nữa, một tệ trạng đang được phổ biến ở các quốc gia này là việc cho hợp thức hóa hôn nhân đồng tính (same sex mariage), một suy thoái đạo đức nghiêm trọng về mục đích của hôn nhân và nền tảng gia đình mà Thiên Chúa đã thiết lập từ đầu khi tạo dựng con người và trao cho sứ mệnh “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất.” (St 1, 28).

Như thế, để hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, người tín hữu phải thực tâm tỏ thiện chí sống đức tin từ trong nội tâm ra đến hành động cụ thể bên ngoài để cộng tác với ơn thánh trong nỗ lực thánh hóa bản thân và giúp thánh hóa người khác qua gương sống chứng nhân của mình.

Thật vậy, người được rửa tội rồi cũng ví như dân Do Thái đã vượt qua Biển Đỏ dưới sự lãnh đạo của ông Mô-sê để trở về quê hương và tiến vào Đất Hứa. Nhưng họ đã không được vào đất này ngay mà còn phải sống trong sa mạc mấy chục năm để được thử thách về lòng tin yêu Thiên Chúa của họ. Khi sống trong hoang địa, họ đã chịu thiếu thốn mọi sự, từ thức ăn đến nước uống. Vì thế họ đã kêu trách ông Mô Sê và A-ha-ron như sau: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó để bắt chúng tôi chết đói cả lũ ở đây.” (Xh 16,3).

Họ cũng kêu trách Chúa và tệ hại hơn nữa họ đã đúc Con Bê bằng vàng và quỳ lạy nó như vị thần đã đưa họ ra khỏi ách nô lệ bên Ai Cập! (Xh 32, 1-6).

Thiên Chúa đã nổi giận và muốn tiêu diệt đám dân vô ơn này, nhưng nhờ ông Mô Sê khẩn cầu thay cho họ mà Thiên Chúa “đã thương không giáng phạt dân Ngài như Ngài đã đe” (Xh 32, 14).

Ngày nay dân Tân Ước, tức dân mới của Thiên Chúa đã được tái sinh qua Phép rửa, tức là cũng đi qua nước như dân Do Thái xưa vượt qua Biển đỏ để vào đất tự do, thoát ách nô lệ bên Ai Cập. Phép rửa cũng giải phóng cho con người khỏi ách nô lệ tội lỗi để sống đời mới theo Thần Khí hướng dẫn để được cứu độ. Nhưng cũng như Dân Do Thái xưa phải sống trong hoang địa 40 năm trước khi được vào Đất Hứa là đất Ca-na-an “tràn trề sữa và mật” (Ds 13,27), dân Tân Ước ngày nay cũng phải sống trong trần thế này một thời gian dài ngắn tùy số phận của mỗi người. Nghĩa là sau khi được tái sinh qua Phép Rửa, chúng ta chưa vào ngay Đất Hứa là Thiên Đàng mà còn phải “lưu vong” trong sa mạc trần thế này để được thử thách về đức tin, đức cậy và đức mến.

Nếu đức tin đã được chứng minh cụ thể bằng đức mến nồng nàn, nghĩa là thực tâm yêu mến Chúa trên hết mọi sự và tuân giữ các Giới Răn của Ngài, yêu mến tha nhân như Chúa Kitô đã dạy cộng thêm quyết tâm xa lánh mọi tội lỗi tức là thi hành những cam kết khi được rửa tội thì: “anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì và sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời…” (Pl 215).

Nói khác đi, những ai đã và đang cố gắng sống theo đường lối của Chúa, chống lại những đòi hỏi bất chính của bản năng, gương xấu của trần gian và mưu chước cám dỗ của ma quỉ, thì đang cộng tác hữu hiệu với ơn thánh để được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.

Khi sạch tội, con người sống trong ơn phúc của Thiên Chúa, nghĩa là sống ơn cứu độ ngay ở trần thế này. Ngược lại, nếu không có thiện chí cộng tác của cá nhân với ơn Chúa mà buông mình sống theo “văn hóa của sự chết” thì ơn tái sinh của Phép Rửa sẽ trở nên vô ích và Chúa cũng không thể cứu ai thiếu thiện chí đó.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên cao mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21).

Thi hành ý Cha trên trời có nghĩa là yêu mến Ngài trên hết mọi sự thể hiện cụ thể qua việc tuân thủ những Giới Răn của Chúa, vì

“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy…
Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy
anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy
như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy
và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 14, 23; 15, 10).

Như thế, thi hành các giới luật yêu thuơng, công bình, bác ái, xa lánh tội lỗi và sống thánh thiện là thi hành ý muốn của Cha trên trời, Đấng yêu thương con người đến nỗi đã “sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội cho chúng ta.” (Rm 8,3). Và chính nhờ “máu Thánh Tử đổ ra mà chúng ta được cứu chuộc.” (Ep 1,7).

Tóm lại, Phép rửa và công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô có giá trị cứu rỗi tuyệt đối, nhưng chỉ hữu ích cho những ai có thiện chí cộng tác với ơn Chúa sau khi được rửa tội bằng quyết tâm sống ơn tái sinh của Phép Rửa là “phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để cho Thần Khí đổi mới tâm trí anh em và phải mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.” như Thánh Phaolô đã dạy (Ep 4, 22-24).

Nói khác đi, nếu con người không có quyết tâm chừa bỏ mọi tội lỗi và thực thi đức ái nồng nàn thì không những Phép rửa mà cả công ơn cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô cũng sẽ trở nên vô ích, vì Thiên Chúa phải tôn trọng tự do của con người chứ không bắt buộc ai phải yêu mến và nhận ơn cứu rỗi của Ngài. Ngài chỉ mời gọi và con người có tự do để đáp trả hoặc ưng thuận hay khước từ lời mời gọi đó.

Sau kết, không thể viện cớ Chúa nhân từ và hay tha thứ để cứ tự do sống theo thế gian và xác thịt.

Chúa đầy lòng xót thương: đúng. Nhưng nếu con người lợi dụng tình thương của Chúa để đi hàng hai, nửa nóng nửa lạnh thì “Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” như lời Ngài đã cảnh cáo trong sách Khải Huyền (Kh 3,16).

Đó là tất cả những gì chúng ta cần suy niệm trong Mùa Chay là thời điểm thuận lợi mời gọi mọi tín hữu suy nghĩ thêm về tình thương bao la của Thiên Chúa, về công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và những gì ta phải làm để cộng tác với ơn Chúa hầu được hưởng ơn cứu độ của Ngài.

Chỉ thị của Bộ Phụng Tự về “Danh Thánh Thiên Chúa”

Đáp:

Trong thư chung gởi các Hội Đồng Giám Mục ngày 29.06.2008 (Prot. 213/08/L; Notititae n.501-502, 06.2008, tr. 177-201), sau khi diễn giải dựa trên truyền thống Kinh Thánh và phụng tự Kitô giáo, Bộ Phụng Tự đưa ra các chỉ thị:

1- Trong các cử hành phụng vụ, trong các bài hát hay lời nguyện, Danh Thánh Thiên Chúa bằng tetragrammaton YHWH (Gia-Vê) không bao giờ được sử dụng hay đọc lên.

2- Khi chuyển dịch các bản văn Kinh thánh, nhằm mục đích sử dụng trong phụng vụ, phải tuân theo các chỉ dẫn của Liturgiam authenticam n.41: Danh Thánh Thiên Chúa bằng tetragrammaton phải được dịch thành từ ngữ tương đương với Adonai/Kyrios, nghĩa là “Chúa” (Lord, Seigneur, Signore…).

3- Trong bản văn phụng vụ, khi cần chuyển dịch khác nhau giữa Adonai và Danh Thánh Thiên Chúa bằng tetragrammaton, Adonai được dịch là “Chúa” vàtetragrammaton YHWH được dịch là “Thiên Chúa” (God, Dieu, Dio…), như cách làm của Bản Bảy Mươi và bản dịch Latinh Vulgata”.

Giáo sĩ, Tu sĩ và Giáo dân: Khác nhau và Giống nhau thế nào?

Hỏi: Xin Cha giải thích thêm về  vai trò và trách nhiệm của giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong Giáo Hội, và tại sao tu sĩ không được cử hành các bí tích như giáo sĩ?

Trả lời:

Trước hết, nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và qua bí tích rửa tội, người tín hữu Chúa Kitô  trở nên “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa  để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh  em ra khỏi miền  tối tăm  vào nơi  ánh sáng diệu huyền. Xưa anh  em chưa phải là một dân. Nay anh  em đã là dân của Thiên Chúa; xưa anh  em chưa được hưởng lòng thương xót (của Chúa), nay anh  em đã được thương xót” (1 Pr 2: 9-10).

Trên đây là vinh phúc và là danh hiệu cao quí nhất của người Kitô hữu với tư cách là Dân mới của Thiên Chúa trong Giáo Hội,  theo Thánh Phêrô. Không có danh hiệu và vinh dự nào cao trọng hơn nữa. Chính vì vinh phúc này mà Thánh Augustinô (354-430) đã nói: “Với anh  em tôi là Kitô hữu. Cho anh  em tôi là Giám mục. Kitôhữu là một ân sủng trong khi Giám mục là một trách nhiệm nguy hiểm.”

Tuy nhiên, sống trong Giáo Hội, người tín hữu không có chung một chức năng và nhiệm vụ  như nhau. Ngược  lại, theo Thánh Phaolô,  thì  “anh  em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác…” (1 Cor 12: 27-28).

Như thế,  tuy khác nhau về vai trò và trách nhiệm, nhưng mọi thành phần Dân Chúa đều  bổ túc cho nhau và cùng nhau phục vụ để  mở mang Nước Thiên Chúa và  xây dựng Giáo Hội là Thân Thể Nhiệm Mầu (Mystical Body) của Chúa Kitô giữa trần gian.

          Theo giáo lý, tín lý và giáo luật hiện hành của Giáo Hội, thì Dân Chúa được khai sinh qua Phép Rửa, được lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến  nhờ bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể, là “nguồn mạch và là đỉnh cao của đời sống Kitô Giaó” (Ánh Sáng Muôn Dân, 11). Người tín hữu  được mời gọi sống trong ba ơn gọi, hay bậc sống khác nhau. Đó là bậc giáo sĩ, bậc tu sĩ và bậc giáo dân có gia đình. Ngày nay, có thêm một bậc sống nữa là bậc độc thân, tức những người không thuộc ba bậc sống nói trên.

Phân chia như vậy vì ơn gọi riêng biệt của từng người theo kế hoạch của Thiên Chúa, chứ không có mục đích phân  biệt địa vị cao thấp, hay giá trị hơn kém  theo tiêu chuẩn người đời.

          Nói về ba bậc sống hay ba ơn gọi đặc biệt trên, Giáo lý hiện hành của Giáo Hội dạy  như sau:

          “Do sự thiết lập của Thiên Chúa, trong Giáo Hội có những tín hữu là thừa tác viên thánh mà theo luật, được gọi là giáo sĩ, những tín hữu khác, được gọi là giáo dân. Trong số các tín hữu thuộc cả hai loại này, có những tín hữu nhờ sự tuyên khấn các lời khuyên của  Phúc âm mà được thánh hiến cho Giáo Hội để phục vụ cho sứ mạng của Giáo Hội. (bậc tu sĩ)” (Sách GLGHCG, số 934)

          Nói khác đi, một số tín hữu  được mời gọi để sống và thi hành nhiệm vụ của hàng giáo sĩ, tức là đáp lời mời gọi của Chúa, được huấn luyện chuyên môn để nhận lãnh các chức thánh (Holy Orders) cần thiết cho việc  phục vụ  Dân Chúa trong Giáo Hội. Cụ thể như sau:

I- Hàng giáo sĩ (clergy)

Hành giáo sĩ bao gồm những người  được gọi để lãnh nhận các chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục.  Đó là thành phần của hàng giáo sĩ thừa tác (ministerial clergy). Chức năng của hàng giáo sĩ là phục vụ, rao giảng lời Chúa, dạy dỗ chân lý, cai trị, thánh hóa mình và người khác nhờ  lời cầu nguyện và cử hành các bí tích Thánh Tẩy, Thêm sức, Thánh Thể và Hòa giải.

          Chỉ  có linh mục và Giám mục được gọi là tư tế (sacerdos) vì có chức tư tế thừa tác (Ministerial Priesthood) và được quyền tế lễ mà thôi. 

Các Phó tế  là những thừa tác viên được truyền chức thánh để lo công tác phục vụ trong Giáo Hội, cụ thể là phục vụ  bàn thánh, công bố Lời Chúa và được năng quyền giảng lời Chúa, chứng hôn, cử hành nghi thức an táng và rửa tội cho trẻ  em. (không cho người lớn mới gia nhập Đạo, vì người tân tòng  được lãnh 3 bí tích rửa tội thêm sức và Thánh Thể một trật trong cùng thánh lễ. Do đó, Phó tế không được rửa  tội cho người tân tòng vì không được ban bí tích thêm sức trong dịp này.).

          II- Hàng Tu sĩ (Religious)

Bậc sống thứ hai là bậc tu trì. Đây là ơn gọi đặc biệt dành cho các tín hữu nam nữ đã quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên của Phúc Âm là khiết tịnh (chastity), khó nghèo (poverty) và vâng phục (obedience) trong một Dòng Tu hay Tu Hội được thành lập hợp pháp  theo giáo luật (x. Giáo Luật, 573-76). Đây là bậc sống thánh hiến (consecrated life) dành cho những người có ơn gọi sống những linh đạo (spirituality) hay đặc sủng (charisms) riêng  biệt của nhiều  Dòng Tu hay Tu Hội khác nhau đang hoạt động trong Giáo Hội.

          Thí dụ:  Dòng Thuyết Giáo (Order of Preachers, O.P) của Thánh Đa-Minh  chuyên về giảng thuyết. Dòng Tên (Society of Jesus, SJ) của Thánh Ignatius Loyola, thành lập năm 1534, với khẩu hiệu “Ad majorem Dei gloriam = Cho vinh danh lớn lao của Thiên Chúa”  chuyên giảng dạy ở Đại Học và hoạt động trong giới trí thức. Dòng Chúa Cứu Thế (C.Ss.R) Chuyên giảng cấm phòng và cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp…

Các Dòng và Tu Hội  thường không có nhiệm vụ thi hành mục vụ cho các Giáo xứ, nhưng vì  các Giáo Phận đều thiếu linh mục đia  phận ( Diocesan Priests)  hay còn gọi là linh mục Triều, nên rất nhiều linh mục Dòng đã được mời để  đảm trách mục vụ ở các Địa Phận trên toàn Nước Mỹ và ngay cả ở Việt Nam nữa.

          Thật ra, bậc sống tu trì không phải là bậc sống ở giữa bậc giáo sĩ  và giáo dân, mà là một bậc sống chuyên biệt dành cho những nam nữ Kitô hữu tự nguyện sống ba lời khuyên của Phúc Âm để “bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế thi hành thánh ý  Chúa Cha và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người.” (Ánh Sáng Muôn Dân, 44).

          Các nam tu sĩ thuộc nhiều Dòng Tu hay Tu Hội,  ngoài 3 lời khấn Dòng,  còn có thể học và lãnh chức thánh để trở thành các giáo sĩ  có chức linh mục hay giám mục Dòng. (Đã có nhiều Giám mục, Hồng Y và cả Giáo Hoàng xuất thân từ các Dòng Tu). Như vậy, một linh mục có thể là một tu sĩ vì thuộc về một Dòng Tu  hay Tu Hội.  Thí dụ:  các cha Đa-Minh, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Tên, Tu Hội Tân Hiến .. . Nhưng một giáo sĩ  (phó tế, linh mục Giáo Phận, hay còn gọi là Triều) thì không phải là tu sĩ  vì  không  thuộc về một  Dòng Tu  hay Tu Hội nào, mà trực thuộc một giám mục điạ phận mà thôi

Liên can đến phần thứ 2 của câu hỏi trên, về lý do tại sao tu sĩ không được cử hành các bí tính, xin được phân biệt rõ như sau :

1-     Nếu tu sĩ , ngoài ba lời khấn,  còn có chức  linh mục (các cha Đa Minh, Dòng Tên, Dòng Đồng Công.v.v ) thì được cử hành các bí tích như linh mục Triều, (trừ bí tích Truyền Chức  Thánh dành riêng cho Giám mục)

2-     Nếu không có chức thánh (phó tế, linh mục)  thì tu sĩ không được cử hành bất cứ bí tích nào, trừ bí tích rửa tội trong trường hợp nguy tử khi không có giáo sĩ có chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục). Nghĩa là trong trường hợp bình thường, thì các tu sĩ (các Thầy, các Sư Huynh, và Nữ tu ( Soeurs ,Síters) không được phép rửa tội, chứng hôn hay cử hành nghi thức an táng cho ai cả. Nhưng trong trường hợp nguy tử, khẩp cấp thì mọi tín hữu đều được phép rửa tội nhưng phải theo đúng thể thức như  dùng nước, đổ trên đầu hay trên trán và đọc công thức Chúa Ba Ngôi như  Giáo Hội dạy..

          III- Giáo Dân (Laity)

Theo định nghĩa trong  Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium (Ánh Sáng muôn dân) của Thánh Công Đồng Vaticanô II,  thì “danh diệu giáo dân (laity) được hiểu là tất cả những Kitô hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì  được Giáo Hội công nhận.” (x. số 31)

          Nói rõ hơn, giáo dân là thành  phần Kitô hữu  đông đảo nhất trong Giáo Hội không thuộc về hàng giáo sĩ  hay tu sĩ , nhưng nhờ phép rửa “đã trở nên Dân Thiên Chúa  và tham dự vào  chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ. Họ là những người đang thực hiện sứ mạng của toàn dân Kitôgiáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phần vụ riêng của mình” (Anh Sáng Muôn Dân, 31)

Ngoài ra, như đã nói ở trên, còn một bặc sống nữa mà Giáo Hội nhìn nhận đó là bặc sống của những người độc thân (celibate), không muốn sống ơn gọi làm tu sĩ, giáo sĩ hay kết hôn như những người có gia đình.Thành phần này cũng  không ít trong Giáo hội và xã hội ngày nay. 

Nhưng dù là không kết hôn hay kết hôn, thì cũng là giáo dân sống và phục vụ trong Giáo Hội cùng với hàng giáo sĩ và tu sĩ, là hai thành phần buộc phải sống luật độc thân. Giáo dân nói chung, tuy không thuộc về hàng giáo sĩ hay tu sĩ, nhưng không có nghĩa là thua kém về phẩm chất hay giá trị, mà chỉ có nghĩa là không cùng có chung vai trò và trách nhiệm  trong Giáo Hội mà thôi. Giáo Sĩ, do ơn gọi và năng quyền (competence) được lãnh nhận từ bí tích chuyên biệt là Bí Tích Truyền Chức Thánh, có nhiệm vụ thay mặt và nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) để  tế lễ, giảng dạy, cai trị và thánh hoá  qua việc cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và Hoà Giải.

Như vậy, trách nhiệm và đối tượng phục vụ của hàng giáo sĩ, chính là giáo dân, tức đoàn chiên mà Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân lành, đã trao phó nhiệm vụ chăn dắt cho các Tông Đồ xưa và nay cho những  người kế tục sứ mạng này là các Giám Mục và hàng Linh mục, tức những cộng sự viên thân cận và đắc lực của Giám mục.

Về phần mình, giáo dân thi hành ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô chủ yếu bằng chính  đời sống chứng nhân của mình trước mặt người đời trong các môi trường sống. Cụ thể, khi người giáo dân, cũng là công dân trong một xã hội, sống công bình, thánh thiện, tha thứ và bác ái đúng mức giữa bao  người khác, thì đã  hùng hồn rao giảng Chúa Kitô yêu thương, tha thứ  và nhân hậu cho họ; đồng thời cũng mang  vương quốc bình an, công lý và thánh thiện của Chúa Kitô đến những nơi còn đầy rẫy những bất công, tàn bạo, tội ác, sa đọa và tục hóa ngày nay. 

Đây là cách phúc âm hoá thế giới còn hữu hiệu hơn cả những lời rao giảng hùng hồn của giáo sĩ  trên  giảng đài trong nhà thờ, hay âm thầm cầu nguyện trong các tu viện, mặc dù  cầu nguyện rất cần thiết cho việc thi hành sứ mạng của Giáo Hội và cho sự thành công của sứ mạng này.

Tóm lại, tuy khác nhau về địa vị và trách nhiệm, nhưng cả bốn thành phần giáo sĩ, tu sĩ  và giáo dân (bậc độc thân và bậc có gia đình)  đều chung sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho những người chưa nghe biết, để tất cả đều được hy vọng cứu độ vì “Thiên  Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tim 2:4).

Linh mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Lịch sử hình thành thánh lễ?

Các Tông Đồ và giáo dân tiên khởi đã cử hành nghi thức “bẻ bánh” (danh từ các tín hữu thời ấy dùng để nói đến thánh lễ): “Hằng ngày, họ đồng tâm nhất trí chuyên cần lui tới Đền Thờ, bẻ bánh ở tư gia và ăn uống đơn sơ, vui vẻ” (Công Vụ Tông Đồ 2,46). Họ dùng bữa, với nghi thức “bẻ bánh”, nay ở nhà người này, mai tại nhà người kia. Cộng đoàn thời ấy được xem như là một “đền thờ sống động”.

Rất sớm, người ta đã thêm vào trong bữa ăn này những bài thánh ca, kinh nguyện và những bài đọc Kinh Thánh.

Chỉ từ thế kỷ thứ IV, người ta mới nói đến “Lễ Misa” (xem chữ này ở phần cuối: Giải thích một số từ phụng vụ). Vào thời ấy, sau khi hoàng đế Constantinô trở lại đạo Công giáo, người ta thấy xuất hiện những cộng đoàn đông đảo Kitô hữu. Các nghi lễ phụng vụ chịu ảnh hưởng các nghi thức và lễ hội của người Rôma. Y phục được dùng trong các buổi lễ thời đó là nguồn gốc của tu phục, áo lễ giáo sĩ mà chúng ta thấy hiện nay.

Dần dần, người ta không còn ý thức về ý nghĩa của cộng đoàn và của bữa ăn mà trong đó Chúa Kitô chính là lương thực nuôi sống nhân loại. Người ta rước lễ ít hơn. Vài thế kỷ sau đó thì mai một thêm ý thức về bữa ăn và về tâm tình tham dự vào hy lễ. Thánh lễ trở thành một buổi trình diễn có tính cách thánh thiêng.

Vào thế kỷ XII, việc tôn sùng đối với sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô nơi bánh thánh đưa đến việc trưng bày bánh thánh trên bàn thờ (Chầu Thánh Thể). Việc linh mục giơ cao bánh đã được truyền phép xuất phát từ việc các tín hữu ước mong được “nhìn” bánh thánh (khoảng từ năm 1200). Việc nâng cao chén thánh được thêm vào sau đó.

Vào thế kỷ XIII và XIV, người ta thấy xuất hiện những cuộc kiệu rước Thánh Thể đầu tiên. Tín hữu “ngắm nhìn” Thánh Thể nhưng ít khi rước lễ. Phải chờ đến triều đại của Đức Giáo Hoàng Piô X, họ mới ý thức lại việc rước lễ “thường xuyên” (1905) và việc cho trẻ em rước lễ (1910).

Trong thánh lễ, các tín hữu rất thụ động. Năm 1947, Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố thông điệp “Mediator Dei” (Đấng trung gian của Thiên Chúa) nhằm canh tân phụng vụ dưới mọi phương diện, trong đó có việc mời gọi cộng đoàn đối đáp với linh mục chủ tế.

Với Công Đồng Vaticanô II, người ta tìm lại được ý nghĩa sâu xa của thánh lễ, tất cả mọi người cùng cử hành dưới sự chủ tọa của linh mục, là bữa tiệc của Thiên Chúa và là nghi thức bẻ bánh. Cách đây không lâu, lòng tôn sùng Thánh Thể vẫn còn được xem như là việc đạo đức cá nhân, nay thì thánh lễ lại trở nên hành vi tạ ơn của toàn dân Chúa.

(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)