Archive | August 2016

Vạ Tuyệt Thông và việc phá thai

Kính gửi Cha Bùi Đức Tiến,

Thưa Cha để ngắn gọn, con xin được cha giải đáp vài thắc mắc cho con. Con xin cám ơn cha trước.

Trong những bài trước, cha có viết, ai phạm tội phá thai thì bị rút phép thông công. Nếu muốn lấy lại, thì phải trải qua một số thủ tục nào đó.

Vậy con thắc mắc:

1. Đại đa số chúng con khi phạm tội, đều không biết là khi mình phạm vào tội nào đó, thì sẽ bị rút phép thông công. Mà quí cha vẫn dạy, để được kể là tội, thì phải hội đủ ba điều kiện: việc đó là tội trọng, hiểu biết rõ ràng, (cùng hậu quả của nó. ..) và hoàn toàn ưng thuận. Chúng con yếu đuối lỗi phạm, thì chỉ nghĩ sẽ sa hỏa ngục nếu chưa kịp ăn năn, xưng tội. Chứ không hề biết là mình bị “thêm” một án khác: bị rút phép thông công. Cho nên chúng con chỉ đi xưng tội thôi. Xin Cha cho biết, nếu chết thì án rút phép thông công sẽ ra sao?

2. Cách đây vài chục năm, hồi còn trẻ ở Việt Nam, con và cô bạn gái của con đã phạm tội và nàng đã có thai. Cô tỏ ý quyết định phá thai. Con đồng ý. Sau đó, con đi xưng tội “đồng lõa” này. Nhưng quí cha giải tội không đề cập gì đến việc bị rút phép thông công. Cho nên con nghĩ Chúa nhân từ đã tha cho con. Vậy con còn mắc nợ gì với tội xưa này không?

Cuối cùng, xin chúc cha an mạnh hồn xác, và đầy ơn khôn ngoan để hướng dẫn chúng con.

Con, MHK,

********

Thăm anh MKH,

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây về Vạ tuyệt thông: (Excommunicatio) là một biện pháp chế tài Giáo Hội áp đặt trên các tín hữu sau một hay nhiều hành vi vi phạm nặng nề luật lệ của Giáo Hội. Vạ Tuyệt thông trục xuất người bị án ra khỏi cộng đồng dân Chúa và không cho phép họ được cử hành hay lãnh nhận một số các Bí tích. Vì Vạ Tuyệt thông không phải là Thiên luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (luật của Giáo Hội), nên Vạ không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa họ và Thiên Chúa. Tuy nhiên, khó mà tưởng tượng được rằng một người bị Giáo Hội ra vạ tuyệt thông, không còn là một thành phần của Dân Chúa nữa mà vẫn còn nhận được ân sủng từ Thiên Chúa.

Vạ Tuyệt thông được chia ra làm hai loại: Vạ Tuyệt thông tiền kết (Latae sententiae) và Vạ Tuyệt thông hậu kết (Ferendae sententiae).

(a) Vạ tiền kết:
là Vạ đã được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo Hội phải công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết.

(b) Vạ hậu kết:
là Vạ đã được ấn định cho một số tội. Sau khi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo Hội công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn 2 loại vi phạm bị chế tài Vạ hậu kết.

Bộ Giáo Luật hiện hành điều 1398 qui định: “Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết (Latae sententiae)”. Việc không hề biết là mình lỗi luật không làm cho luật mất giá trị, có nghĩa là dù không biết, luật vẫn buộc. Sau khi luật ban hành, giả thiết là mọi người đều phải biết.

Theo như thắc mắc “nếu chết thì án rút phép thông công sẽ ra sao”. Dĩ nhiên, nếu có luật buộc thì phải có luật gỡ. Giáo luật điều 1355,2 qui định: “Hình phạt tiền kết do luật ấn định. .., nếu không dành riêng cho Tòa Thánh, thì có thể được Bản Quyền tha cho những người thuộc quyền mình và cho những người đang ở trong lãnh thổ mình hay đã phạm tội tại đó; tất cả các Giám Mục đều có thể tha chúng, nhưng chỉ trong chính lúc ban Bí tích Giải tội.”

Như thế, vạ tuyệt thông chỉ được tha do Đức Giám Mục giáo phận hay do linh mục nào Đức Giám Mục ấy ủy quyền. Giáo luật điều 1357,1 qui định: “Đừng kể những gì đã quy định ở các điều 508* và 976**, cha giải tội có quyền tha ở tòa trong, lúc ban bí tích, vạ tuyệt thông tiền kết hay cấm chế chưa tuyên bố, nếu hối nhân khổ sở vì phải thường xuyên ở trong tình trạng tội nặng suốt thời gian cần thiết để Bề Trên có thẩm quyền định liệu.”

(*) điều 508: Kinh sĩ xá giải hoặc tại nhà thờ chính tòa hoặc tại nhà thờ hợp đoàn, chiếu theo chức vụ, có quyền thông thường để giải trong tòa bí tích các vạ “tiền kết” chưa tuyên bố và không dành riêng cho Tòa Thánh; quyền này không thể được ủy nhiệm, nhưng có thể hành sử đối với những người trong giáo phận tuy không là thuộc dân của giáo phận, và đối với cả những người thuộc dân của giáo phận nhưng ở ngoài lãnh thổ của giáo phận. Ở đâu không có Hội Kinh sĩ, thì Giám Mục giáo phận sẽ đặt một tư tế để giữ nhiệm vụ đó.

(**) điều 976: Bất cứ tư tế nào, dù không có năng quyền giải tội, vẫn xá hết các tội và vạ cách hữu hiệu và hợp pháp cho mọi hối nhân trong lúc nguy tử. ..

Về câu chuyện của anh hồi năm xưa như anh kể thì theo tôi, anh đã bị vạ. Việc anh viết rằng cha giải tội không đề cập đến chuyện vạ sau khi nghe anh nói, tôi có thể suy diễn rằng có thể anh trình bày không rõ, hay anh trình bày rõ mà cha giải tội nghe không rõ, hay một lý do nào đó khác.

Cũng nên biết rằng tùy theo từng giáo phận khác nhau, có nơi Đức Giám Mục ủy quyền cho một vài linh mục giải vạ, có nơi Đức Giám Mục ủy quyền giải vạ cho tất cả các cha trong giáo phận, và cũng có nơi Đức Giám Mục không ủy quyền cho ai cả, chỉ mình ngài có quyền giải vạ mà thôi. Tuy nhiên trong trường hợp nguy tử, như điều 976 ở trên, bất cứ linh mục nào cũng có quyền giải tất aả các vạ, trừ một trường hợp duy nhất dành riêng cho Đức Giáo Hoàng là việc một linh mục lập gia đình.

Trong trường hợp của anh, tôi đề nghị là anh nên gặp một linh mục trình bày với ngài qua Tòa Giải tội để xin ý kiến. Chúc anh luôn bình an.

Lm. J. Bùi Ðức Tiến

Melbourne, Australia 

Hỏi Đáp

Hỏi:

Thưa Cha, con  là một người công giáo, con  lấy chồng không có vào nhà thờ làm lễ, nhưng sau này con đã được làm phép chuẩn ở tại nhà thờ. Phần con và chồng, đạo ai người ấy giữ, con của con phải theo đạo của con, nhưng sau này chúng con mỗi người một nơi, con đã ngoại tình và đã phá thai. Nhưng bây giờ con đã bỏ vì mang trong lòng sự nặng nề mặc cảm tội lỗi, con đã ăn năn khóc lóc rất nhiều. Thưa Cha, vậy Chúa có tha tội cho con không? con có được xưng tội không? Con được rước lễ không? Và con và chồng trước có bị mắc tội theo luật giáo hội hay không? Xin Cha giải đáp cho con.

Đáp:

Chúa đã lập Bí tích Hòa giải để tha tội cho các hối nhân thực lòng thống hối trở về. Vì vậy, chị đã ngoại tình, đã phá thai, chị đều được Chúa thứ tha nếu chị thực lòng thống hối và đến lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Tuy nhiên, điều cần lưu ý về tội phá thai, Giáo luật dạy : “người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (can. 1398). Vì vậy, nếu chị phạm tội phá thai, để được tha tội, chị còn cần phải được giải vạ tuyệt thông.

Giáo luật quy định: “Hình phạt tiền kết do luật thiết lập nhưng chưa được tuyên bố, và nếu hình phạt ấy đã không được dành riêng cho Tông Toà, thì có thể được Đấng Bản Quyền tha cho những người thuộc quyền mình và những người đang ở trong địa hạt mình hay những người đã phạm tội tại đó; bất cứ Giám Mục nào cũng có quyền tha hình phạt ấy, nhưng chỉ trong khi ban bí tích Giải Tội” (Điều 1355 §2).

Cũng theo Giáo luật, trong trường hợp bình thường, “cha giải tội có thể tha ở toà trong, lúc ban bí tích, vạ tuyệt thông tiền kết hay vạ cấm chế tiền kết chưa được tuyên bố, nếu hối nhân cảm thấy khổ sở khi phải sống trong tình trạng tội trọng suốt thời gian cần thiết để Bề Trên có thẩm quyền định liệu” (Điều 1357 §1). Khi tha vạ, cha giải tội phải buộc hối nhân, nếu bất tuân, thì sẽ mắc vạ lại, trong vòng một tháng phải thượng cầu lên Bề Trên có thẩm quyền hay lên tư tế có năng quyền và phải tuân theo quyết định của ngài; trong khi chờ đợi, cha giải tội phải ra một việc đền tội cân xứng và phải buộc đương sự sửa chữa gương xấu cũng như đền bù thiệt hại trong mức độ cần thiết; cũng có thể nhờ cha giải tội thực hiện việc thượng cầu này, nhưng không nêu danh tính của hối nhân (Điều 1357 §2). Như vậy, khi xưng tội phá thai, cha giải tội chỉ tha vạ tạm thời trong khi chờ đợi Đấng bản quyền địa phương phán định, thời gian tạm thời là một tháng, trong thời gian này chính hối nhân hoặc cha giải tội phải đệ trình lên Đấng bản quyền địa phương.

Hiện nay ở Việt Nam, một trong một số Giáo phận, Đức Giám mục ban năng quyền cho các linh mục trong Giáo phận được tha vạ tuyệt thông tiền kết, trong khi ban bí tích Giải Tội, cho những ai thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, chẳng hạn tại Giáo phận Long Xuyên, Giáo phận Phú Cường…

Lm. Antôn Pađôva Hà Văn Minh, Gp. Phú Cường

Vấn đề phá thai theo lập trường của GH Công giáo

  1. Tiến trình bào thai con người:

Thời gian tinh trùng bò đi gặp trứng mất chừng 30 phút.

Sau khi thụ thai (conception), trứng đậu (fertilized ovum) di chuyển trong ống dẫn (fallopian) cùng nhau bò dần vào tử cung (uterus) một thời gian 4 – 8 ngày, có nghiên cứu cho là 12 ngày. Sau 2 ngày gắn chặt vào màng tử cung, trứng đậu bắt đầu phát triển thành thai nhi. Thời gian 4-12 ngày này khoa học chưa gọi là con người (human person). (Khoa học dạy thế, nhưng Giáo hội dạy phải tôn trọng bào thai từ khi đậu thai)

 

2.Khi nào bào thai được phú hồn? 

-Ý kiến chủ trương  việc phú hồn (animation) và thành nhân (hominization) cần 14 ngày (2 tuần) sau khi đậu thai (after conception) được một số nhà luân lý Công giáo công nhận: Ý kiến của P. Schoonenberg, J. Donceel, J. Grundel, C. Curran, B.Haring, G. Lobo, G. Pastrana.  Theo quan niệm này, phá thai chặt nghĩa không áp dụng cho thai trong thời gian 2 tuần. (Phải tôn trọng tuyên bố của Bộ Đức tin dưới đây)

 

  1. Giáo hội nói về việc phú hồn:

-Năm 1974, Bộ Đức Tin tuyên bố:

“Không có ý quyết định cuối cùng cho vấn đề phú hồn sau 2 tuần, tuy nhiên làm gián đoạn (interruption of pregnancy) bào thai trong những ngày đầu sau đậu thai (fertilization) luôn bị luân lý công giáo coi là xâm phạm nặng (grave offence).

Nhưng tuyên ngôn cũng nói rằng, trong một vài trường hợp, việc làm gián đoạn bào thai, không mắc hình phạt. (AAS 66 (1974) 734,743).

– Ngày 22.2.1987, trong Chỉ thị Tôn Trọng Đời Sống Con Người, Bộ Đức Tin viết:

“Chắc chắn không có kinh nghiệm ngày tháng (date) nói đúng cho ta biết về linh hồn của phôi thai con người, tuy nhiên, kết luận của khoa học qua việc sử dụng lý trí cũng giúp ta nhận định giá trị mà phân biệt rằng, sự hiện diện con người “có vào chính lúc” xuất hiện sự sống của con người ….  nghĩa là lúc tiếp hợp tử (zygote) được thành hình” (lúc đậu thai).

 

  1. Thế nào là phá thai?

– Phá thai trực tiếp là chủ ý giết bào thai trong bụng mẹ để lấy ra sớm trước thời hạn thông thường.

(Có thể là để cứu vãn danh dự cho người mẹ chưa cưới (unwed mother), người mẹ ngoại tình, khi cha mẹ không muốn sinh con, nuôi con…)

– Phá thai gián tiếp là khi bào thai bị chết không do chủ ý trực tiếp muốn mà bị chết vì chủ ý chữa bệnh hiểm nghèo cho người mẹ, ví dụ, chữa ung thư tử cung cho người mẹ đang mang thai.

 

5.Luân lý Công giáo về việc phá thai:    

Nguyên tắc:

  1. “Dù bị cưỡng hiếp (rape) cũng không có quyền tiêu diệt  mạng sống vô tội đã thành hình.

(Theo ý kiến của nhà Luân lí Haring, linh mục người Đức: Vì chưa gọi là bào thai đúng nghĩa, nên đương sự vừa bị cưỡng hiếp, nếu không muốn giữ, có thể rửa ngay tinh trùng xâm nhập).

  1. 2. “Sự khám thai trước khi sinh là điều hợp pháp, nếu nhằm chữa bệnh, bảo vệ thai nhi. Nếu khám thai nhằm đích phá thai, thì phạm luân lý cách nghiêm trọng.
  2. 3. ” Sản xuất ra bào thai con người dùng để khai thác như những sinh vật học là vô luân lý.
  3. 4. ” Luân lý không chấp nhận những cuộc thí nghiệm giải phẫu nhắm vào việc tạo lập “con người mẫu” theo giới tính, phẩm chất được ấn định trước, vì chúng ngược lại phẩm giá con người.

 

  1. 6. Lập trường Giáo hội Công giáo về phá thai:

“Luôn tôn trọng mạng sống con người từ thụ thai tới lúc chết” (From the womb to the tomb). Nói rõ hơn: không ai, không chính phủ nào có quyền giết người vô tội từ khi nó còn trong thai tới khi nó chết cách tự nhiên, trong quyền của Thiên Chúa. Do đó, GH không chấp nhận – phá thai, khám thai để phá, giải phẫu để phá, giết trẻ em, người lớn vô tội,-cho người già, người bệnh kinh niên, đau đớn được chết êm (euthanasia)….

-Giáo lý Công giáo:”Sự phá thai, nghĩa là muốn làm xẩy thai như một mục đích hoặc như một phương tiện, đều phạm đến luật luân lý cách nặng nề (số 2271).

-Giáo hoàng: “Không thể nào chấp nhận việc điều hoà sinh sản bằng cách trực tiếp huỷ diệt bào thai đã thành hình, đó là mầm sống đang diễn tiến, nhất là  cố ý phá thai, dù với lý do y tế cũng không được (Phaolô 6, SSCN 14).

 

7.Kỷ luật Giáo hội về phá thai:

-Phá thai trực tiếp luôn có tội và có vạ tuyệt thông, trừ khi không biết, không chủ ý.

“Ai thi hành việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết” (GL 1398).

“Người phá thai (người mẹ, người cha xúi giục) và những ai cộng tác (bác sĩ) đều mắc tội nặng, gọi là tội cộng tác chính thức vào tội giết người vô tội, và mắc vạ tuyệt thông tiền kết theo giáo luật số 1398 trên.

-Phá thai gián tiếp, không có tội, không mắc vạ.

 

Lm. Đoàn Quang, CMC

 

 

http://www.xuanha.net

Vì sao nói lời cay nghiệt chua ngoa lại khiến con người bạc mệnh?

Thường người ta rất dễ phạm phải “khẩu nghiệp”. Vận mệnh của một người tốt hay không tốt, có thể nhìn từ “khẩu đức” của họ  thì biết. Cho nên “khẩu nghiệp” rất quan trọng.

Cả một đời người sẽ không ngày ngày phạm phải những việc thất đức, nhưng những lời thất đức, những lời khó nghe, những lời không đứng đắn sẽ có thể nói ra mỗi ngày. Theo thời gian tích lũy nhiều dần, phúc báo đều từ cái miệng mà chạy đi hết, cho nên, người nói chuyện mà không có khẩu đức, đời này cũng sẽ là ghập ghềnh trắc trở, rất thê lương.

Có một câu chuyện: Tại thị trấn nọ có một chàng trai trưởng thành tuổi đã hơn 30, có thể nói lớn lên cũng khôi ngô tuấn tú, nhưng đến nay vẫn chưa làm nên việc gì cả; cần công ăn việc làm thì việc làm không có, muốn sự nghiệp thì sự nghiệp không thành. Bạn bè cùng độ tuổi với anh ta đều lập gia đình và có con cái học tiểu học cả rồi, mà anh ta vẫn độc thân một mình chưa vợ chưa con gì cả, ăn mặc thì lôi thôi, lếch thếch, có lúc đến cả mấy ngày không rửa mặt, thân thể dơ bẩn nhếch nhác như một kẻ lang thang. Ai lựa lời tốt giúp góp ý khuyên bảo thì cũng không để tai nghe, nói thêm nữa thì liền trừng mi quắc mắt lớn tiếng nạt nộ lại người ta.

Anh ta đã mở một điểm buôn bán nhỏ, nhưng cũng không có tư tưởng tiến thủ, không có chí lớn, chỉ biết ăn ăn uống uống. Người ta buôn bán có đồng lời còn anh ta phải bù lỗ, đến phiên anh ta tiếp quản buôn bán ngay cả vốn cũng chưa có đồng lời nào, mấy năm liền trả tiền gốc cộng thêm tiền lời tạo thêm gánh nặng cho những người trong gia đình, khiến họ thở không ra hơi, gia cảnh mỗi ngày càng sa sút. Đã thế, đến lúc lại còn phải mượn giấy tờ đất của họ hàng để thế chấp vay tiền lãi cao mới có thể tiếp tục mà kinh doanh. Người mẹ già 60 tuổi của anh ta cũng không cách nào quay lại sức như xưa giúp anh ta xoay trở trong công việc buôn bán. Những người bạn xung quanh anh đều coi anh ta không ra gì, xa lánh cách xa anh ta.

Thể diện bề ngoài của anh ta cũng không thua kém ai, tại sao lại không lấy làm vẻ vang. Sau khi quan sát tỉ mỉ, bạn sẽ phát hiện, anh chàng này khẩu đức rất kém, có lẽ nguyên cớ là do bản thân đã sớm tiêm nhiễm nhiều thói quen xấu trong xã hội, người ấy từ nhỏ nói chuyện đã đao to búa lớn nạt nộ la lối um xùm, không có dáng vẻ của một người thận trọng chín chắn, không tôn trọng trưởng bối, không tôn kính Thần Phật, uống ly rượu vào thì càng nói xằng nói bậy, tùy tiện nói lung tung.

Do đó, những người như vậy, phúc báo sớm đã từ cái miệng chạy đi hết. Cái miệng hèn mọn bao nhiêu thì cái mệnh hèn mọn bấy nhiêu. Vì sao hôn nhân không thuận đến nay vẫn một thân một mình? Từ bề mặt mà nhìn xem ra cũng có nhiều nguyên do, xét từ nhân quả mà nhìn thì đúng là anh ta không có phúc báo, căn bản nắm không được hôn nhân. Bởi vì chỉ có phúc báo như nhau mới có thể sống cùng với nhau, người không có phúc báo thì sẽ không gặp được người có nhân duyên tốt. Người con gái có phúc khí một chút đều sẽ không chung sống cùng với anh ta.

Anh chàng này vì sao làm kinh doanh lại phải bù lỗ vậy? Vẫn là bởi vì không có phúc báo, có phúc báo mới có thể kiếm tiền. Phúc báo của anh ta sớm đã tổn thất đi không ít, như vậy thì làm sao mà kiếm ra tiền. Nếu mà anh ta không sớm ngộ ra rồi sửa đổi hối cải đi, thì về già tình cảnh của anh ta sẽ càng thêm thê lương.

Khẩu đức đối với bất kỳ ai cũng vậy, rất nhiều phúc báo đều đã thông qua cái miệng làm tổn mất đi. Có người nói, nhưng ta chưa từng làm một việc ác nào cả. Cần biết rằng, cái khẩu nghiệp này không hề tốt, sẽ tổn phúc báo một cách ghê gớm. Người xưa nói rằng: “Ngôn do tâm sinh”, lời từ tâm mà ra. Nếu cái miệng chỉ biết nói những lời không tốt, nói những lời thị phi và chửi rủa người khác, như thế thì tổn hại phúc báo càng nhanh.

Không chỉ là nói thị phi, lại còn đi nói những lời nói xấu trưởng bối, đấy cũng là tổn phúc báo. Có một số ít người phụ nữ rất thích phàn nàn trách móc người chồng, nói người chồng chỗ này không tốt, chỗ kia không tốt. Khi cãi nhau phàn nàn kêu ca đến cả cha mẹ của đối phương, tổ tông tám đời đều dám chửi, những lời khó nghe đấy đã nói những gì, ra làm sao? Như thế là đã tạo nghiệp khẩu rất nghiêm trọng. Cứ như thế thì gia cảnh chỉ càng ngày càng sẽ nghèo hơn, bởi vì phúc báo đều từ cái miệng chửi mà hao tổn. Cho nên, cái cửa ải khẩu nghiệp này nhất định cần phải chú ý.

Cái miệng cần giữ đức, không nói những lời nghiệt ngã chua ngoa, có như thế mới giữ được phúc báo. Tại sao cái miệng lại có thể làm tổn hại phúc báo? Bởi vì phúc báo phải là do nhân duyên hòa hợp, cũng là một loại thể hiện của trường năng lượng. Ví như nói, bạn lên chùa làm nghĩa công, đóng góp những công việc có ý nghĩa cho chùa, vậy phải chăng từ động tác quét sân của bạn mang đến phúc báo cho bạn, hay động tác lau bàn mang cho bạn phúc báo? Đều không phải vậy. Là tâm niệm mang đến phúc báo cho bạn.

Tâm của chúng ta phát ra lợi ích cho chúng sinh, đi quét sân, đi sắp xếp dọn dẹp vệ sinh, là kết duyên hoan hỷ với chúng sinh. Cái tâm niệm này xuất ra, đã cảm ứng năng lượng từ bi chân chính của vũ trụ, khi đó sẽ đạt được sự gia trì của năng lượng chân chính, liền sáng tạo duyên khởi của phúc báo. Phúc báo là đã sản sinh như thế đấy.

Vậy còn tổn mất phúc báo cũng là do dùng tâm mà tổn mất đi. Xu hướng trong tâm hướng về phía tự tư, hướng về phía trách cứ, hướng về phía đố kỵ, tham lam, lãng phí. Khi đó chính là tổn mất phúc báo. Phúc báo cũng là dùng tâm, sau đó phối hợp với hành động mà tổn thất đi. Người mà oán người trách trời, không trân quý những gì đang nắm giữ, cứ mãi oán trách, lại thông qua cái miệng rồi cứ lem lẻm nói mãi không thôi. Thế thì chính là tổn phúc báo càng nhanh nữa, cái đó ắt gọi là bạc mệnh, giống như nhân vật Lâm Đại Ngọc trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng mau mồm mau miệng thường xuyên tạo khẩu nghiệp, phúc báo là rất nhỏ.

Trong kinh nhà Phật, lời mà Phật nói, ngôn từ nhu mềm, thuyết phục lòng chúng sinh. Chúng sinh mười Pháp giới đều rất thích được nghe Phật thuyết giảng, đều được tất cả ngữ âm của Phật thuyết phục, chấn nhiếp. Đấy là vì Phật đã tu hành qua nhiều đời nên lời nói hiền từ là có nguyên do.

Cái miệng mà nói những lời hay, trong tâm tồn chứa nhiều hảo tâm, như thế thì từ trường tốt sẽ từ vũ trụ phát xuất ra. Và đắc được về những hồi báo tốt. Thế nào gọi là thực hiện hảo tâm, đầu tiên cần biết đủ và biết cảm ơn. Biết đủ là một loại thành tựu. Một người càng tu hành, nhất định càng cần tự đủ, đối với hoàn cảnh đối ngoại nào cũng đều rất biết đủ và cảm ơn, đấy mới là đại biểu của tinh tấn và tiến bộ.

Người trí không cần nói hết lời hết lẽ, chừa lại 3 phần dành cho người, giữ lại một chút khẩu đức cho mình.

Trách người không thể trách đến cùng tận, chừa lại 3 phần dành cho người, giữ lại một chút tấm lòng khoan dung độ lượng cho mình.

Tài năng không thể đem ra khoe hết, chừa lại 3 phần dành cho người, giữ lại một chút nội hàm cho mình.

Sự sắc sảo, điểm mạnh không thể lộ hết, chừa lại 3 phần dành cho người, giữ lại một chút lắng đọng cho mình.

Có công ắt không thể đòi hết, chừa lại 3 phần dành cho người, giữ lại một chút khiêm tốn, khiêm nhường cho mình.

Được lý ắt không thể đoạt tận, chừa lại 3 phần dành cho người, giữ lại một chút độ lượng dễ dãi cho mình.

Tác giả: Theo Secretchina | Dịch giả: Tâm Nguyễn