6 vật mà một người Công Giáo nên có trong nhà
Thật ra thì không có một giới hạn nào về những đồ vật tôn giáo đẹp đẽ mà một người Công Giáo có thể có trong nhà. Tuy nhiên, có thể đây là 6 món đồ mà người Công Giáo nên có trong nhà nhất, với một giải thích ngắn.
1. Cây Thánh giá
Biểu tượng nổi bật và đặc trưng nhất của đức tin Kitô Giáo chính là cây Thánh giá, ngay từ thời kỳ đầu tiên của đức tin. Quả vậy, cây Thánh giá của Chúa Giêsu Kitô chính là khí cụ cứu độ chúng ta. Những tín hữu thời đầu vẽ Thánh giá lên cả cơ thể họ. Ngày nay, chúng ta lưu lại truyền thống này bằng dấu Thánh giá mà ta kêu cầu lên Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Trong nhà chúng ta, cây Thánh giá đóng vai trò là vật nhắc nhở về ân huệ Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta trên Thánh giá. Đó là một á bí tích của Giáo Hội mà nhờ chiêm ngắm nó bằng con mắt thể xác, con mắt linh hồn chúng ta cũng mở ra với thác nguồn ân sủng của Thiên Chúa.
2. Ảnh tượng đức tin
Một vật nhắc nhở đức tin tuyệt vời là các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo. Tượng, tranh vẽ, ảnh icon có ý nghĩa sâu sắc hơn là các vật lưu niệm hay trang trí đơn thuần.
Một điều chắc chắn là chúng ta không bao giờ “thờ” các ảnh tượng này; sự thờ phượng chỉ hướng về một Thiên Chúa Ba Ngôi mà thôi. Nhưng các ảnh tượng giúp ta tưởng nhớ và bắt chước các Đấng mà ảnh tượng ấy mô tả. Điều đó có nghĩa là, nếu trong nhà chúng ta có một bức ảnh Thánh Giuse, việc treo ảnh làm chứng rằng chúng ta tin vị Thánh vĩ đại này đang ở trên Thiên đàng với Thiên Chúa, Thánh Giuse đang sống động thực sự trong Chúa Kitô. Do vậy, chúng ta có thể thưa chuyện với ngài, và học theo các nhân đức mà ta biết từ ngài. Đây không phải là đi đường vòng, không đến trực tiếp Thiên Chúa, nhưng thật ra là chính trong ân sủng của Thiên Chúa mà một người ở dưới đất và một người ở Thiên đàng có thể kết nối với nhau. Ảnh thánh đại diện cho sự hiện diện của vị Thánh, người đang ở trên Thiên đàng, và giúp cảm quan thể xác chúng ta tôn kính mà hướng đến vị Thánh để cầu nguyện.
3. Móc treo tường
Mỗi người Công Giáo cũng nên có móc treo tường trong không gian sống. Trong vấn đề đạo, móc treo tường phục vụ như nơi treo xâu chuỗi Mân Côi. Với người Công Giáo thuộc truyền thống Byzantine thì có thể treo chuỗi chotkis hoặc dây cầu nguyện. Treo xâu chuỗi ở một không gian chung, dễ thấy có thể là cách hiệu quả để nhắc nhở mọi người trong gia đình cầu nguyện, đôi khi là cầu nguyện cùng nhau.
4. Bình đựng nước thánh
Nước thánh là một á bí tích nhắc nhở về phép Rửa tội. Nhờ nước của phép Rửa, chúng ta được tẩy sạch vết nhơ tội lỗi, và được tháp nhập vào thân mình Chúa Giêsu Kitô, được đóng ấn tín Thánh Thần, và được nhận ơn thánh hoá linh hồn từ Thiên Chúa toàn năng.
Khi chúng ta chấm nước thánh và làm dấu Thánh giá, chúng ta cho phép ân sủng Chúa chỉnh đốn con người chúng ta, củng cố mối liên kết sự sống của chúng ta với sự sống của Thiên Chúa, và tuyên xưng lại trong lòng về bí tích Rửa tội mình đã lãnh nhận. Hội Thánh cũng ban ơn tiểu xá cho việc này.
5. Tượng đài Đức Mẹ Maria
Một khung cảnh đẹp đẽ khác mà gia đình chúng ta nên có, nếu có điều kiện, là đặt tượng Đức Trinh Nữ Maria trong vườn nhà và trồng cây xanh quanh tượng đài ấy. Đó cũng là một cách truyền giáo tốt nếu tượng được đặt ở sân trước nhà, nơi dễ nhìn thấy từ ngoài đường.
Nhiều người, với tư tưởng rất con người, sợ rằng mình đã tôn kính Đức Mẹ nhiều quá mức. Thực chất, chúng ta không bao giờ có thể tôn kính và yêu mến Mẹ Maria nhiều hơn Con Một Mẹ là Chúa Giêsu Kitô, Đấng không ngừng muốn chúng ta yêu mến Mẹ ngày một hơn. Thật vậy, càng tôn kính Đức Trinh Nữ là càng tôn vinh và chúc tụng Chúa Giêsu. Đức Mẹ dẫn ta đến Chúa. Đức Mẹ trông nom và bảo vệ ta. Đức Mẹ kéo mọi ơn Chúa Thánh Thần cho con cái trên thế gian. Trong mầu nhiệm Hội Thánh là Thân Mình Chúa Kitô, Đức Mẹ chính là cái cổ để thông chuyển mọi sự tốt lành của Đầu xuống thân mình.
Một khi đã “xin vâng”, Đức Mẹ không ngừng trở thành người mang Chúa cho thế giới. Nhìn ngắm Mẹ chính là nhìn ngắm sự kiện Thiên Chúa Ngôi Lời làm người và giáng sinh. Ở với Chúa là ở Thiên đàng, vì thế, Mẹ chính là người mang Thiên đàng đến cho tất cả chúng ta.
6. Lịch Công Giáo
Ở nhiều nơi, các nhà thờ phát lịch Công Giáo đến các tín hữu mỗi tuần hoặc mỗi tháng. Lịch Công Giáo là quyển lịch ghi thông tin các ngày lễ Công Giáo trong suốt năm. Quyển lịch này nên được để ở giữa nhà, chỗ dễ thấy, để mọi người đều có thể xem.
Là một điều tốt lành khi các tín hữu biết điều gì đang diễn ra trong niên lịch Giáo Hội để có thể giữ đức tin luôn sống động. Chẳng hạn, gia đình có thể đặt một cái bánh kem để ăn mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hoặc Hồn Xác Lên Trời. Đến lễ Thánh bổn mạng hoặc một vị Thánh mình yêu thích, gia đình có thể trang trí những biểu tượng của vị Thánh đó hoặc cầu nguyện đặc biệt với ngài.
Theo Catholic-link.org
Gioakim Nguyễn biên dịch
Thứ tư Tuần 6 Phục sinh
Lời Chúa: Ga 16,12-15
12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. 15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”
Suy Niệm
Làm người ở đời, một trong những điều rất khó
là sống bình an hạnh phúc với người khác.
Trong gia đình, nơi Giáo hội, ngoài xã hội, trên thế giới,
đâu đâu cũng thấy những xung đột và khổ đau do con người gây cho nhau.
Từ cái chết của Aben đến cái chết của một thai nhi bị người mẹ chối từ.
Một triết gia người Pháp viết: “Hỏa ngục chính là những người khác.”
Mục tiêu của giáo dục không phải chỉ là đào tạo những người giỏi giang,
mà còn là huấn luyện nên những người biết sống với và sống cho người khác.
Để được vậy, cần giúp người ta ra khỏi sự ích kỷ, khép kín của lòng mình.
Đời sống của Ba Ngôi giúp chúng ta biết cách sống với người khác.
Ba Ngôi sống tùy thuộc lẫn nhau.
Cha đã sai Đức Giêsu đến với thế gian (Ga 3, 17).
Khi rời bỏ thế gian, Đức Giêsu đã sai Thánh Thần đến (Ga 15, 26; 16, 7).
Chấp nhận được sai phái là chấp nhận tùy thuộc.
Nếu Đức Giêsu đã không tự mình nói điều gì,
và chỉ nói đúng những điều mà Ngài đã nghe được từ Cha (Ga 8, 26; 12, 50),
thì Thánh Thần cũng không tự mình nói điều gì (c. 13).
Thánh Thần chỉ loan báo điều mình đã nghe từ Đức Giêsu (c. 14),
và làm các môn đệ nhớ lại những gì Thầy Giêsu đã nói (Ga 14, 26).
Không tự mình nói, không tự mình làm: đó là dấu hiệu của sự tùy thuộc.
Ba Ngôi sống cho nhau.
Nếu Đức Giêsu đã tôn vinh Cha bằng cách vuông tròn việc Cha giao (Ga 17, 4),
thì Thánh Thần cũng tôn vinh Đức Giêsu
bằng việc loan báo, soi sáng, nhắc nhớ những lời Ngài dạy (c. 14).
Chính Chúa Cha cũng tôn vinh Đức Giêsu qua phục sinh vinh hiển (Ga 17,1).
Ba Ngôi không tìm vinh quang cho mình, nhưng mở ra để chia sẻ.
“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (c. 15).
“Tất cả những gì của Cha đều là của Con…” (Ga 17, 10).
Cha là nguồn mạch trao cho Con tình yêu, sự sống, quyền năng, vinh quang.
Và Con cũng chẳng giữ gì cho mình, Con chia sẻ cho cả các môn đệ.
Đến giờ phút chia tay, nhưng Thầy Giêsu phải khiêm tốn nhìn nhận rằng
mình còn nhiều điều chưa nói hết (c. 12).
Khiêm tốn là chấp nhận ra đi khi phần việc của mình đã xong,
tuy công việc vẫn còn dang dở.
Khiêm tốn là chấp nhận giới hạn của các môn đệ, họ cần thời gian để chín.
Khiêm tốn là chấp nhận mình cần được bổ sung bởi người khác,
mình không làm được hết mọi sự.
Đức Giêsu là Sự Thật đã được chính Ngài vén mở cho ta,
nhưng Thánh Thần mới là Đấng đưa chúng ta vào mầu nhiệm Giêsu,
vào Sự Thật trọn vẹn (c. 13).
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin ban sức sống cho chúng con.
Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng con
đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,
vào những lối mòn quen thuộc,
nhưng xin canh tân
và tái tạo chúng con mỗi ngày.
Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới,
cho chúng con khám phá ra
những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô
và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống,
thế giới hôm nay luôn bị đe dọa
bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh ;
mạng sống con người bị coi rẻ.
Xin cho chúng con biết say mê sự sống,
và gieo vãi sự sống khắp nơi.
Ước gì Chúa ban cho nhân loại
một lễ Hiện Xuống mới
để con người có thể hiểu nhau hơn
và đón nhận nhau trong yêu thương.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Chúa lên Trời, ta hãy mến yêu những sự trên Trời
Hôm nay, Chúa lên Trời, chúng ta hướng tâm hồn lên với Chúa, và trông đợi Người lại đến như lời đã hứa trước khi về Trời, để Người ở đâu chúng ta cũng ở đó. Vì thế, chúng ta hãy nuôi dưỡng lòng ái mộ những sự trên Trời, để cũng được cả xác lẫn hồn về trời với Chúa. Đây là niềm vui lớn lao và tràn đầy hy vọng khi chúng ta hướng về tương lai trên hành trình dương thế. Toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh diễn tả. Nội dung chứa đựng trong những lời sau : “Chúa Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, Người căn dặn các Tông đồ xong… “. Và sau đó ” Người lên Trời ” (x. Cvtđ 1, 1- 11).
“Đã đến giờ Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha”. Lời này được lặp đi lặp lại mỗi đoạn Tin Mừng trước lễ Chúa về Trời. Chúa giã từ Đức Maria Mẹ Người và nhất là tâm sự với các môn đệ nhiều điều. Hôm nay Người bảo các ông : ” Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất “(Cvtđ 1, 8 ). Nhiệm vụ của các Tông Đồ từ đây được ủy thác, đến lượt mình các ông phải thi hành.
Để khỏi lạc lõng bơ vơ không người hướng dẫn, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha ban xuống Chúa Thánh Thần xuống trên các Tông Đồ để hướng dẫn Giáo hội đi trên đường chân lý. Tin Mừng phải được rao truyền bởi quyền năng của Thiên Chúa chứ không phải do sức mạnh, khôn ngoan của người đời. Trước khi về Trời, Chúa Giêsu ” đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa ” (Cvtđ 1, 4 ). Người nói với các ông : “các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28, 19 ). Căn cứ vào lời của Chúa Giêsu, các Tông Đồ có trách nhiệm phải loan báo Tin Mừng cho thế giới, làm phép cho muôn dân, nói cho thế gian biết về Nước Thiên Chúa và ơn cứu độ, nhất là phải làm chứng về Chúa Kitô ” cho đến tận cùng trái đất “(Cvtđ 1, 8). Giáo Hội sơ khai thấu hiểu huấn lệnh Chúa truyền, nên đã khai mở thời kỳ truyền giáo dù biết rằng thời kỳ này chỉ kết thúc vào ngày Chúa Giêsu lên trời, và trở lại.
Những lời Chúa Giêsu để lại cho Giáo hội là kho tàng vô giá. Giáo hội không những phải gìn giữ, loan báo, suy niệm mà còn sống nữa. Chúa Thánh Thần sẽ làm bén rễ sâu trong lòng Giáo hội ơn đặc sủng được sai đi. Chúa Giêsu đã và sẽ luôn sống trong Giáo hội như lời Người đã hứa : ” Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt 28, 20 ). Vì thế, Giáo hội nhận ra sự cần thiết phải trung thành với kho tàng đức tin và lời dạy của Chúa, đồng thời thông truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Lời Chúa và chỉ có Lời Chúa là nền tảng cho mọi sứ vụ, cũng như tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo hội. Thẩm quyền của Lời Chúa là nền tảng mà Công Đồng Vatican II và Thánh Gioan XXIII đã nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc : ” Mối quan tâm chính của Công đồng Đại kết, là kho tàng thiêng liêng Kitô giáo phải luôn được giữ gìn và giảng dạy ” ( Bài phát biểu của ngày 11 tháng 10 1962 ).
Suy tư thứ hai về ý nghĩa Chúa Giêsu lên trời dựa trên cụm từ : ” Chúa Giêsu lên Trời ngự bên hữu… “. Theo lời thánh Lêo Cả, khi Vị Thủ Lãnh của chúng ta bước vào thiên đàng và ở trên đó, ” vinh quang của Đầu ” đã trở thành “niềm hy vọng cho thân xác ” (x. Sermo Ascensione Domini). Chúa Giêsu đã vĩnh viễn bước vào thiên đàng, ” Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giêsu Kitô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giêsu là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7 , 25). Từ tao cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
Nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha cho chúng ta, chúng ta có hy vọng đạt tới sự công chính và sống thánh thiện nơi Người. Giáo hội có thể gặp phải những khó khăn, việc loan báo Tin Mừng có thể bị thất bại, nhưng vì Chúa Giêsu ngự bên hữu Chúa Cha, Giáo hội sẽ không bao giờ bị đánh bại. Sức mạnh của Chúa Kitô vinh hiển, Con yêu dấu của Chúa Cha hằng gìn giữ chúng ta, giúp chúng ta tận tụy và trung thành với Nước Thiên Chúa một cách quảng đại. Sự kiện lên Trời của Chúa Kitô ảnh hưởng cụ thể đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Vì mầu nhiệm này, toàn thể Giáo hội có ơn gọi đợi chờ trong niềm hân hoan hy vọng ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến.
Chúa Giêsu vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, hiển vinh về Trời, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Người sẽ trở lại đón chúng ta đi với Người. Để được về Trời với Chúa, chúng ta hãy gia tăng lòng mộ mến những sự trên trời và tích cực làm việc vì Nước Trời.
Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, xin gìn giữ chúng ta là con cái Mẹ, biết sống và thực hành lời Chúa dạy, để một ngày kia chúng con cũng được về Trời với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh vui hưởng tôn nhan Chúa Ba Ngôi đến muôn thủa muôn đời. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
8 điều mỗi người Công Giáo nên làm hàng ngày
Dưới đây là một bài nói chuyện đầy ấn tượng của Cha Fr. Larry Richards chia sẻ về sự sống đời đời. Hãy dành vài phút mỗi ngày ngay từ bây giờ để thôi thúc bạn sống với mục tiêu nhằm tiến tới sống trường tồn mai sau.
Sau khi nghe bài chia sẻ, tôi thậm chí cảm thấy được thôi thúc mạnh mẽ hơn để sắp xếp lại một ngày của tôi trên trái đất này làm sao giống như những gì tôi hình dung ra trong cuộc sống vĩnh hằng mai sau. Hãy để cách sống của bạn thể hiện được sự đợi trông của bạn cho cuộc sống trên Thiên Quốc với Chúa Cha.
8 điều mỗi người Công giáo nên làm hàng ngày:
1. Bắt đầu một ngày bằng lời cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, và tâm tình với Mẹ Maria
Nghe thì quá đơn giản, tuy nhiên tôi vẫn không hiểu tại sao có nhiều ngày tôi vẫn không thể “cầm trí” khi cầu nguyện. Mỗi ngày của chúng ta cần phải tập trung vào thói quen này. Hãy lập thời khóa biểu cho việc này. Đặt báo thức trên điện thoại vào một thời điểm nào đó trong ngày bạn có thể dễ dàng cầu nguyện và đừng để Chúa bị cô đơn. Buổi sáng là tốt nhất, nhưng nếu không phù hợp, bạn có thể tìm một thời gian khác tốt hơn. Hãy cầm quyển Kinh Thánh lên và đọc một vài dòng. Các bài đọc trong sách lễ hàng ngày là điểm khởi đầu tốt nhất. Mục tiêu của mỗi người Công giáo là đọc kinh Mân côi mỗi ngày, nhưng một số trong chúng ta ở trong môi trường khó có thể làm được việc này. Nếu bạn không thể lần chuỗi Mân côi, ít nhất hãy đọc một chục kinh Kính Mừng.
“Lời cầu nguyện không gì hơn là kết hiệp với Thiên Chúa. Khi tâm hồn thanh sạch và được kết hiệp với Thiên Chúa thì bạn sẽ được an ủi và tràn đầy hạnh phúc; tâm hồn sẽ tràn ngập ánh sáng huyền diệu.” – Thánh Gioan Vianney
2. Mỉm cười, Thể hiện phong thái hòa nhã, tử tế, bắt tay thân thiện.
Bạn có bao giờ nghe câu Thánh ca xưa, “Người ta sẽ nhận ra chúng ta là Ki-tô hữu vì tình yêu chúng ta trao nhau, vì tình yêu chúng ta trao nhau …”? Ngày nay điều này không còn đúng nữa. Người Ki-tô hữu cũng đã trở nên mất lịch sự và vô cảm như bao người khác, đôi khi có vẻ còn tệ hơn! Chúng ta hãy làm mới lại tình yêu của người Ki-tô hữu bằng nụ cười cho mọi người chung quanh, nhường chỗ cho người khác khi xếp hàng hay giúp những cụ già băng ngang qua đường.
“Chúng ta hãy luôn gặp và chào nhau bằng nụ cười, vì nụ cười là dấu hiệu ban đầu của tình yêu.” – Mẹ Teresa
3. Hãy lên mạng xã hội (giao tiếp thôi mà!), gọi thăm một người bạn, đến thăm một người bạn
Đúng, Tôi biết là chúng ta có hàng lô những bài post về mạng xã hội bị lạm dụng như thế nào, nhưng bạn cứ mạnh dạn lên, hãy sử dụng nó! Tuy nhiên, dùng nó để làm vinh danh Thiên Chúa. Hãy chia xẻ một đoạn Thánh Kinh với bạn bè. Vào tìm lại những người bạn học cũ. Liên lạc hàng ngày với mọi người để xây dựng mối quan hệ. (Nhưng không dừng ở đó, hãy lên kế hoạch mỗi tuần để gặp gỡ bạn bè thân quen hay bà con họ hàng.)
“Tình bạn là cội nguồn của niềm vui bất tận, không có bạn bè thì ngay cả một sự nghiệp hợp ý nhất cũng trở nên chán ngắt.” – Thánh Thomas Aquinas
4. Hãy nói với ai đó rằng bạn yêu họ và tại sao bạn yêu
Tôi chưa bao giờ thấy một ai đó cảm thấy chán khi nghe người khác nói họ được mọi người yêu mến. Điều đó thậm chí còn tốt đẹp hơn nhiều nếu họ biết lý do tại sao họ được yêu mến! Bất kể người đó là cha mẹ bạn, là anh chị em ruột của bạn, hay là con cái của bạn. Mỗi ngày bạn hãy nói với ít nhất 1 người là bạn yêu họ, và hãy biến việc đó thành một thói quen hàng ngày.
“Bạn học nói bằng cách tập nói, học tập bằng việc học hỏi, học chạy bằng cách tập chạy, học việc bằng chính việc làm, và như vậy bạn hãy học yêu bằng chính tình yêu. Những ai cho rằng họ có một cách học khác là họ đang lừa dối chỉnh bản thân họ.” – Thánh Francis de Sales
5. Hãy nói về Thiên Chúa
Hãy kết hiệp với Thiên Chúa trong suốt ngày dài của bạn, chứ không chỉ riêng trong giờ cầu nguyện. Hãy đưa Ngài vào trong những cuộc chuyện trò với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp khi bạn có thể. Chúng ta rất hào hứng nói về những thứ chúng ta thích – phim ảnh, nhà hàng, con người … nhưng chúng ta lại chẳng mấy khi, hay không bao giờ nói về Thiên Chúa theo cách như vậy.
“Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải dừng sứ mạng loan báo tin mừng; hơn thế nữa, mỗi chúng ta hãy tìm ra những cách phù hợp để nói về Chúa Giê-su ở bất cứ đâu thuận tiện. Tất cả chúng ta đều được mời gọi để làm chứng nhân sống cho những người chung quanh về tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Người không nhìn đến những thiếu sót của chúng ta mà còn tạo cho chúng ta cơ hội để đến bên Người, lắng nghe Lời Người và nhận lấy sức mạnh nơi Người, và làm cho cuộc sống chúng ta trở nên đầy ý nghĩa.” – Đức Giáo Hoàng Phanxico
6. Hy sinh một điều gì đó
Điều rất quan trọng đối với chúng ta là chúng ta phải học cách hy sinh mỗi ngày và dâng những hy sinh đó lên cho Chúa. Những hy sinh này chẳng phải là gì to tát ghê gớm. Ăn bánh mì không bơ. Tắt radio và lái xe trong thinh lặng. Đó là những điều nhỏ nhặt đang vun đắp cho sự thánh thiện của chúng ta và giúp chúng ta vượt qua được những ràng buộc với vật chất thuộc thế gian này.
“Không có chỗ cho tính ích kỷ — và không có chỗ cho sự sợ hãi! Đừng e ngại khi tình yêu cần có những thể hiện. Đừng sợ hãi khi tình yêu đòi những hy sinh.” – Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II
7. Phục vụ trong phạm vi có thể
Tìm cách để phục vụ một ai đó mỗi ngày. Lại phải nói lại rằng, việc này không phải là điều gì hệ trọng như đi sang Châu Phi để phục vụ. Những việc rất đơn giản như là rửa chén cho mẹ, trả tiền cà-phê cho một người lạ mặt, hay cúi xuống nhặt rác khi bạn đang đi trên đường. Đừng để một ngày trôi qua mà bạn chẳng làm được điều gì nhỏ nhặt cho những người chung quanh.
“Bạn biết không Thiên Chúa không nhìn đến tính vĩ đại hay sự khó khăn trong mỗi công việc của chúng ta, nhưng Người chỉ xem tình yêu chúng ta dành cho mỗi việc như thế nào. Vậy thì, có gì mà bạn phải e ngại?” – Thánh Theresa Hài Đồng Giê-su
8. Kiểm điểm lại mỗi ngày
Cuối mỗi ngày, bạn nên dành ít phút để suy nghĩ kiểm điểm lại một ngày đã qua. Cách tốt nhất là làm bài kiểm tra lương tâm. Có ai cần sự tha thứ của bạn không? Có ai mà bạn cần phải đến để xin họ tha thứ không? Hãy suy tư về những điều mà Thiên Chúa đã ban tặng cho bạn và tạ ơn Người vì những ơn lành đó. Cảm tạ Người! Hãy tự hỏi mình “Tôi đã đến gần Chúa hơn hay xa Chúa hơn qua những việc làm của tôi hôm nay? Ngày mai tôi phải sao để tốt hơn?
“Bạn phải nỗ lực bằng tất cả mọi khả năng có thể của mình để làm hài lòng Chúa bằng cách là đừng bao giờ làm hay chôn giấu việc gì mà không hỏi ý Người, và trong mọi sự hãy tìm đến Người và vinh quanh cho Người.” – Thánh Alphonsus Rodriguez
Becky Roach
[Nguồn: catholic-link.org]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN]
Recent Comments