Archive | April 2021

ĐTC mời gọi phổ biến giáo huấn của thánh Têrêsa Avila

Trong thư gửi Đức cha José María Gil Tamayo, giám mục giáo phận Avila, nhân dịp khai mạc Đại hội Quốc tế về thánh Têrêsa Avila, Đức Thánh Cha khuyến khích các tham dự viên và mọi thành viên của Giáo hội “đào sâu và phổ biến giáo huấn” của thánh nữ để xã hội “ngày càng nhân bản” và “mọi người được sống trong tình huynh đệ của con cái của cùng một cha.”

Đại hội Quốc tế về thánh Têrêsa Avila được tổ chức từ ngày 12-15/4 tại Đại học Công giáo thánh Têrêsa, nhân kỷ niệm 50 năm thánh nữ được thánh Giáo hoàng Phao-lô VI phong làm tiến sĩ Hội Thánh. Thánh nữ là phụ nữ đầu tiên được phong tiến sĩ Hội Thánh.

Chỉ có Chúa là đủ

Trong thư Đức Thánh Cha nhận định rằng giáo huấn của thánh nữ Têrêsa Avila “là cả một chương trình lắng nghe lời mời gọi đi vào trong nội tâm của chúng ta để gặp Chúa và từ đó làm chứng rằng chỉ có Chúa là đủ.” Ngài viết: “Thật tuyệt vời khi nhớ rằng tất cả ơn thần bí thánh nữ đã nhận được đã đưa ngài lên thiên đàng, nhưng thánh nhân đã biết cách chuyển thiên đàng xuống đất khi biến cuộc đời ngài thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa, nơi tất cả mọi người đều có chỗ.”

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng mặc dù đã 5 thế kỷ trôi qua kể từ khi Thánh Têrêxa sống trên trần thế, nhưng ngọn lửa mà Chúa Giêsu thắp lên trong thánh nữ “vẫn tiếp tục tỏa sáng trong thế giới này, luôn cần những nhân chứng dũng cảm, có khả năng phá vỡ mọi bức tường, có thể là vật chất, hiện sinh hoặc văn hóa.”

Và Đức Thánh Cha khẳng định rằng chính thánh Têrêsa, như thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã định nghĩa, “là một phụ nữ đặc biệt”, “lòng can đảm, sự thông minh, sự kiên trì của ngài”, những điều được thánh nữ kết hợp với sự nhạy cảm về thiện mỹ và tình mẫu tử thiêng liêng đối với tất cả những người tiếp xúc với công việc của ngài “là một ví dụ xuất sắc về vai trò phi thường của phụ nữ trong suốt lịch sử của Giáo hội và xã hội.”

Thánh Têrêsa Avila vẫn tiếp tục nói với chúng ta

Đức Thánh Cha viết tiếp: “Ngày nay, vị thánh thành Avila tiếp tục nói với chúng ta qua các tài liệu, và sứ điệp của ngài được mở rộng cho tất cả mọi người.” Đối với Đức Thánh Cha, có thánh Têrêsa “là người đồng hành, người bạn và người hướng dẫn” sẽ mang lại “sự an toàn và an bình cho linh hồn” và tấm gương của thánh nhân có ích cho tất cả những ai muốn tiến bước trên con đường thanh tẩy tinh thần thế tục, trở nên nơi cư ngụ cao cả của lâu đài nội tâm.” (Europa Press 12/04/2021)

Hồng Thủy – Vatican News

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI tròn 94 tuổi

Ngày 16/4/2021 Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức tròn 94 tuổi. Dù cho sức khỏe yếu đi và giọng nói ngày càng không rõ, nhưng ngài vẫn minh mẫn. Trong lời tựa viết cho những tập sách về các bài giảng và suy tư của ngài, Đức Hồng y đã chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ, cho thấy sự khiêm nhường và thánh thiện của Đức nguyên Giáo hoàng.

Trước đây, vào dịp sinh nhật của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, Đức ông Georg Ratzinger, bào huynh của ngài, vẫn đến Vatican để cùng chia sẻ niềm vui của ngài. Những năm cuối cùng, vì Đức ông Georg đã yếu đi, nên hai anh em không thể gặp nhau.

Những ngày tháng khó khăn

Ngày 18/6/2020, cả thế giới bất ngờ với chuyến về thăm quê hương của Đức Biển Đức XVI để gặp bào huynh của ngài đang rất yếu. Hai anh em đã dâng Thánh lễ và chia sẻ những giây phút riêng tư bên nhau.

Ngày 1/7/2020, Đức ông Georg Ratzinger qua đời nhưng vì sức khỏe yếu nên Đức Biển Đức XVI không thể về Đức một lần nữa để tham dự Thánh lễ an táng trực tiếp, nhưng ngài chỉ tham dự trực tuyến.

Sinh hoạt thường ngày

Tháng 11/2020, Đức tổng giám mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Biển Đức XVI cho biết ngài nghỉ ngơi nhiều hơn vì “sức lực đã giảm sút” nhưng ngài vẫn cử hành Thánh lễ mỗi ngày, cầu nguyện, đọc sách, nghiên cứu, nghe nhạc, tiếp một vài vị khách và trả lời thư từ.

Ở tuổi 94, trí tuệ của Đức Biển Đức dường như vẫn minh mẫn. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Die Tagespost được xuất bản  ngày 1/4/2021, ngài đã chú giải về lời tiên tri “gốc Giê-sê” trong sách ngôn sứ Isaiah, mà theo ngài, ám chỉ đến thánh Giuse.

Giáo huấn nổi bật

Đã hơn 8 năm sau ngày Đức Biển Đức XVI từ nhiệm. Có một điều là, nếu như từ khi còn là Hồng y cũng như cho đến khi là Giáo hoàng, Đức Biển Đức XVI đã là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất, thì khi ngài đã từ nhiệm, các giáo huấn phong phú của ngài vẫn được tái khám phá.

Mới đây nhà xuất bản Palumbi đã cho xuất bản hai tài liệu: 100 bài giảng và Chú giải các Tin Mừng, thu thập các bài suy niệm của Đức Biển Đức XVI. Các cuốn sách được Đức Hồng y Angelo Comastri, nguyên là Giám quản đền thờ thánh Phê-rô, viết lời tựa.

Hồi tưởng của Đức Hồng y Angelo Comastri

Đức Hồng y Comastri nhớ lại ngày cuối triều đại Giáo hoàng Biển Đức XVI. Ngài viết: “Đức Giáo hoàng đã thông báo từ nhiệm giám mục Roma và người kế vị thánh Phê-rô: một tiếng sét giữa trời quang mây tạnh. Khi ngài đang rời Dinh Tông tòa để không trở lại đó nữa, Đức Hồng y Agostino Vallini, Giám quản Roma, được mởi đến chào từ biệt Đức Giáo hoàng khi ngài ra khỏi thang máy, trước khi lên chiếc xe sẽ đưa ngài đến Castel Gandolfo để chờ đợi mật nghị Hồng y và Giáo hoàng mới.”

Đức Hồng y viết tiếp: “Khi tôi vừa  thấy Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ra khỏi thang máy, tôi hiểu giây phút quan trọng đó, và bật khóc. Từ lòng tôi bỗng thốt lên: ‘Thưa Đức Thánh Cha, đây là giây phút thật buồn.’ Đức Giáo hoàng Biển Đứ XVI đã nhìn tôi cách ngạc nhiên, rồi giơ tay chạm vào má tôi như muốn lau giọt nước mắt và nhẹ nhàng thì thầm với tôi: ‘Không, đừng buồn! Chỉ có Chúa Giê-su là không thể thiếu và Chúa Giê-su tiếp tục chèo lái con thuyền Giáo hội của Người! Hãy tiến bước với sự tin tưởng!’. Trong những lời này, bạn có thể ngửi thấy hương thơm của sự khiêm tốn chân thành và đức tin mạnh mẽ của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI.”

Giáo huấn rõ ràng

Điều luôn gây ấn tượng mạnh với hàng triệu tín hữu đã tham dự các Thánh lễ kỷ và nghe các bài giáo lý của Đức Biển Đức XVI trong tám năm giáo hoàng của ngài là sự rõ ràng đặc biệt của ngài. Đức Hồng Y Comastri cũng nhấn mạnh điều này: “Đức Biển Đức XVI chưa bao giờ là một linh mục chính xứ, nhưng ngôn ngữ của ngài rất đơn giản, dễ tiếp cận và trực tiếp: giống như ngôn ngữ của một cha sở ở một thị trấn miền núi nhỏ. Điều này cho thấy đức tin chân chính, tình yêu nồng nàn dành cho Chúa Giêsu đã hòa quyện ngôn ngữ của Đức Giáo hoàng với ngôn ngữ của vị mục tử nhỏ bé và khiêm nhường nhất của Giáo hội.”

Tình huynh đệ với Đức Phanxicô

Người ta đã viết nhiều về Đức Biển Đức XVI, đặc biệt là trong tám năm kể từ ngài từ nhiệm. Người ta thường bằng mọi giá tìm kiếm sự đối lập của ngài với người kế nhiệm là Đức Phanxicô. Hai vị có hai phong cách rất khác nhau, nhưng tình huynh đệ của các ngài là thật sự và đặc biệt là ở Đức Biển Đức XVI, và lựa chọn từ nhiệm của ngài ngày càng thuyết phục. 

7 Chứng Cớ Chúa Giêsu Phục Sinh

Sau đây là 7 chứng cớ về sự phục sinh cho thấy Đức Giêsu Kitô đã thực sự trỗi dậy từ cõi chết:

1. Ngôi mộ trống

Ngôi mộ trống có thể là bằng chứng hùng hồn nhất về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Có 2 lý do chính được những người không tin đưa ra: Ai đó đã lấy trộm xác Chúa Giêsu, hoặc các phụ nữ và các tông đồ đến không đúng mộ. Người Do-thái và người Rôma không có động cơ để cướp xác, còn các tông đồ quá nhát đảm và phải trốn quân lính Rôma.

Các phụ nữ thấy mộ trống và không còn thấy xác Chúa Giêsu, họ biết chắc đó là mộ an táng Chúa Giêsu. Giả sử họ đến không đúng mộ, Tòa án Tối cao Do-thái có thể lấy xác ở đúng mộ để ngăn cản chuyện phục sinh. Vải liệm Chúa Giêsu được xếp gọn gàng trong mộ, kẻ trộm nào cũng vội vàng, không ai lại cẩn thận như vậy. Chính các thiên thần nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại.

2. Các nữ chứng nhân đạo đức

Các nữ chứng nhân là bằng chứng rằng Phúc Âm là tài liệu lịch sử chính xác. Nếu được bịa đặt, không tác giả cổ nào lại dùng phụ nữ làm nhân chứng cho sự phục sinh của Đức Kitô. Phụ nữ là giai cấp công dân thứ yếu trong thời đó, chứng cớ của họ không được xem xét ở tòa án.

Nhưng Kinh Thánh nói rằng Đức Kitô phục sinh hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na và mấy phụ nữ đạo đức khác. Ngay cả các tông đồ cũng không tin bà Ma-ri-a khi bà nói về ngôi mộ trống. Chúa Giêsu luôn tôn trọng các phụ nữ này, Ngài đề cao họ bằng cách cho họ trở thành nhân chứng đầu tiên về sự phục sinh của Ngài. Các Thánh sử đã kể lại hành động lúng túng này, vì đó là cách nó xảy ra.

3. Các tông đồ can đảm

Sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, các tông đồ đã trốn biệt trong các phòng khóa chặt cửa, sợ sẽ đến lượt mình bị lôi đi xử tử. Nhưng có sự thay đổi khác thường: Họ đang là những người nhát đảm trở thành những người rao giảng can trường. Bất kỳ ai biết bản chất con người thì đều hiểu rằng con người không thể thay đổi mau chóng như vậy nếu không có sự tác động lớn. Sự ảnh hưởng đó là được thấy Thầy sống lại từ cõi chết.

Ý Nghĩa Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh

Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn phòng còn khóa kín cửa, trên bờ biển Ga-li-lê, và trên núi Ô-liu. Sau khi thấy Thầy phục sinh, tông đồ Phêrô và các tông đồ khác đã ra khỏi phòng và đi rao giảng về Đức Kitô phục sinh, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy ra với mình. Họ không còn trốn tránh vì họ đã biết sự thật. Cuối cùng, họ hiểu rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người và cứu mọi người thoát khỏi tội lỗi.

4. Biến đổi Giacôbê và những người khác

Cuộc sống biến đổi là một bằng chứng khác về Chúa Giêsu phục sinh. Tông đồ Gia-cô-bê, anh em họ với Chúa Giêsu, đã từng nghi ngờ không biết Chúa Giêsu có là Đấng Mê-si-a hay không. Nhưng sau đó, ông đã trở thành người lãnh đạo can đảm của giáo đoàn Giê-ru-sa-lem, thậm chí còn bị ném đá chết vì đức tin. Tại sao? Kinh Thánh nói rằng vì Đức Kitô phục sinh đã hiện ra với ông. Thật là cú sốc cho người anh em của ông còn sống, sau khi nghe tin này. Tông đồ Gia-cô-bê và các tông đồ khác cũng đều trở thành các nhà truyền giáo hăng say vì họ đã được thấy và chạm vào Đức Kitô phục sinh. Với các chứng nhân như vậy, Giáo hội sơ khai đã phát triển mau chóng, lan rộng từ Giê-ru-sa-lem tới Tây phương, tới Rôma và xa hơn nữa. Gần 2.000 năm qua, những người gặp được Đức Giêsu phục sinh đều thay đổi cách sống.

5. Đám đông

Đám đông hơn 500 người đã cùng nhau tận mắt thấy Chúa Giêsu phục sinh (1 Cr 15:6-8). Thánh Phaolô nói rằng đa số họ còn sống khi ông viết lá thư đó, khoảng năm 55 sau công nguyên. Chắc chắn họ nói với người khác về “sự lạ” này. Ngày nay, các tâm lý gia nói rằng không thể có số đông người như vậy mà chỉ là ảo giác cộng đồng.

Các nhóm nhỏ cũng thấy Chúa Giêsu phục sinh, chẳng hạn như các tông đồ, ông Clê-ô-pa và người bạn đồng hành. Họ cùng thấy một sự việc, còn trường hợp các tông đồ, họ còn sờ vào Chúa Giêsu và xem rõ các vết thương của Chúa Giêsu, rồi tận mắt thấy Ngài ăn uống nữa. Không thể nào là ảo giác, vì sau khi Chúa Giêsu lên trời, họ mới không còn gặp lại Ngài.

6. Phaolô trở lại

Cuộc trở lại của Thánh Phaolô là bằng chứng mạnh mẽ về việc biến đổi cuộc đời mau chóng. Là Sao-lê cùa thành Tác-sô, ông là người bắt đạo dữ dội. Khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với ông trên đường Đa-mát, ông trở thành nhà truyền giáo của Kitô giáo. Ông chịu 5 lần đánh bằng roi, 3 lần đánh đập, 3 lần đắm tàu, 1 lần bị nén đá, chịu nghèo nàn và bị chế nhạo. Cuối cùng, hoàng đế Nê-rô của Rôma đã chặt đầu Phaolô vì tội không chịu bỏ niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Điều gì khiến Phaolô chịu cực hình như vậy? Các Kitô hữu tin rằng cuộc trở lại của Phaolô là nhờ ông đã gặp được Đức Kitô phục sinh.

7. Người ta dám chết vì Chúa Giêsu

Vô số người đã dám thí mạng vì Chúa Giêsu, chắc chắn sự phục sinh của Chúa Giêsu là một sự kiện có thật trong lịch sử. Truyền thống nói rằng có 10 tông đồ trong Nhóm Mười Hai đã tử đạo vì Đức Kitô phục sinh. Hàng trăm, hàng ngàn Kitô hữu thời sơ khai đã chịu chết tại đấu trường Rôma và tại các nhà lao tù vì họ vững tin vào Đức Kitô phục sinh. Ngày nay, người ta cũng vẫn bị bách hại vì tin vào Đức Kitô phục sinh. Rất nhiều vị tử đạo đã chết ở nhiều nơi suốt gần 2.000 năm qua, vì họ vững tin rằng Chúa Giêsu sẽ ban cho họ sự sống đời đời.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ Christianity.about.com)

Xao xuyến hay vui mừng?

1. Qua đời

“Thoạt khi vừa mới chào đời

Ðã mang tiếng khóc ôm đầu mà ra”.

Có người đã ví tiếng khóc đầu đời như tiếng còi khởi đầu cho một chuyến hành trình của một cuộc “đời là bể khổ”, lại có những tiếng khóc để tiếp về bến đậu là cái chết. Khi một đời người chấm dứt, nhưng người nằm xuống thì an nghỉ. Nếu có đưa tin về người đã “ra đi” thì người ta gọi là “ai tín”.

Người ta thường nói “sống gởi thác về” (sinh ký tử quy). Người ta cũng thường dùng từ “qua đời” để ghi nhận cái thời điểm một người giã từ kiếp nhân sinh tạm gởi mà tiến vào cuộc sống vĩnh hằng, không còn “ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh”. Ôi, đẹp biết bao, đáng mơ ước chừng nào, cái giây phút qua đời, kết thúc đời lữ thứ vì đã cập bến bình an.

2. Ở và đi

Cái giây phút chuyển tiếp tuyệt vời là thế. Vậy mà nhiều người sao lại khiếp sợ đến thế. Chính Chúa Giêsu khi “đến giờ con người được tôn vinh” (Ga 12,33) dường như cũng chia sẻ những tâm tình rất người: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (Ga 12,27).

Ðối với “Người Con Một vốn là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha” (Ga 1,18), thì Ngài hằng hướng về Cha là lẽ tự nhiên. Ba lần báo trước cuộc thương khó (Mc 8,31-33; Mc 9,30-32; Mc 10,23-34), người con hiếu thảo đã coi “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy…” (Ga 4,34), chứng tỏ khát vọng “qua đời” để về với Cha mãnh liệt tới mức độ nào. Vậy mà Chúa Giêsu vẫn cảm thấy xao xuyến khi Giờ đã điểm. Tại sao?

– Thực tế, “sự sống” là một vốn quý, là ơn ban của chính Thiên Chúa mà mọi người phải trân trọng, muốn hướng và bảo tồn nó. Kèm theo sự sống này là những thứ “đồng tiền nối liền khúc ruột”, mất là đau đến chảy cả máu.

– Cuộc vượt qua còn có những chướng ngại như bệnh tật, tai nạn… làm con người khiếp sợ. Có lẽ đây là điều khiến Chúa Giêsu, đã phải trải qua cơn hấp hối, đến chảy cả mồ hôi giữa đêm lạnh, và mồ hôi còn trộn lẫn cả máu đào (Lc 22,44).

– Gắn bó thiết thân là thế. Nhưng “có sinh có tử”. Vì cái đời đời, mà “Ai yêu quý mạng sống mình thì mất…” (Ga 12,25). Dừng lại, ở những thực tại đời này thì không thể qua đời sau được, cuộc lữ hành trần thế không thể cập được bến bờ! Cần có một niềm tin vững mạnh để không ngừng tiến tới.

3. Tin yêu và hy vọng

Khi có mấy người Hy Lạp muốn gặp, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Là con người, giống như chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi, “Ðức Giêsu đã lớn tiếng kên van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Ðấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Hr 5,7). Gần đến giờ hiến thân mình làm của lễ cứu độ, Chúa Giêsu đã sẵn sàng chịu giương cao trên thập giá, Người cũng được giương cao vì một tình yêu đến cùng (Ga 13,17), đối với Chúa Cha và đối với loài người.

Hẳn là giữa đời này và đời sau, có những giằng co. Sức mạnh giúp vượt qua mọi chướng ngại, vượt qua chính mình, phải là tình yêu như Chúa đã yêu. May mắn vào thời sau cùng này, Thiên Chúa đã “ghi khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta” (Gr 31,33). Cần vun đắp niềm tin yêu vào Chúa, chính niềm tin yêu này là sức mạnh giúp chúng ta sống trong hy vọng mà qua đời vĩnh cửu, viên mãn.

Lm. Phaolô  Phạm Quốc Túy