Những bí ẩn dành cho người khiêm nhường
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Đoạn Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay (x. Mt 11,25-30) được chia thành ba phần: trước hết Chúa Giêsu cất lên một bài thánh thi chúc tụng và tạ ơn Chúa Cha, vì Người đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người nghèo và bé mọn; sau đó Ngài mặc khải tương quan mật thiết và độc nhất giữa Ngài với Cha; và cuối cùng là lời mời hãy đến với Ngài và bước theo Ngài để nhận được sự nghỉ ngơi.
Ở điểm đầu tiên, Chúa Giêsu ngợi khen Cha vì Người đã giấu những bí mật về Nước Trời, về sự thật, “đối với những bậc khôn ngoan và thông thái” (câu 25). Ngài gọi họ như vậy với một bức màn trớ trêu, bởi vì họ tự cho mình là khôn ngoan thông thái, và do đó nhiều lần họ khép kín trái tim. Sự khôn ngoan đích thực còn đến từ trái tim, chứ không chỉ hiểu biết những ý niệm. Nếu anh biết nhiều điều nhưng trái tim lại khép kín, thì anh không phải là khôn ngoan. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng những bí ẩn của Cha lại được tiết lộ cho “những người bé nhỏ”, những người tin tưởng mở con tim ra với Lời cứu rỗi của Ngài, họ cảm thấy cần Ngài và mong đợi mọi sự từ Ngài. Một trái tim mở rộng và tín thác vào Chúa.
Sau đó, Chúa Giêsu giải thích rằng Ngài đã nhận được mọi sự từ Chúa Cha. Ngài gọi Chúa Cha là “Cha của tôi”, để khẳng định sự độc đáo trong mối tương quan của Ngài với Chúa Cha. Thật vậy, chỉ giữa Con và Cha mới có sự hỗ tương hoàn toàn: người này biết người kia, người này sống trong người kia. Nhưng sự hiệp thông độc đáo này giống như một bông hoa đang nở, để mặc khải cách nhưng không vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài. Và đây là lời mời của Chúa Giêsu: “Hãy đến cùng tôi …” (câu 28). Ngài muốn cho đi những gì Ngài nhận được từ Cha. Ngài muốn ban cho chúng ta sự thật, và sự thật của Chúa Giêsu luôn nhưng không, miễn phí: là một quà tặng, là Thánh Thần, là Sự Thật.
Giống như Cha dành ưu tiên cho “những người bé mọn”, Chúa Giêsu cũng nhắc đến những người “mệt mỏi và bị áp bức”. Thật vậy, Ngài tự đặt mình trong số họ, bởi vì Ngài là “người hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (câu 29). Như trong các Mối Phúc thứ nhất và thứ ba, về những người khiêm nhường hay có tinh thần nghèo khó; và về người hiền lành (x. Mt 5,3.5): là sự hiền lành của Chúa Giêsu. Như thế, Chúa Giêsu, “hiền hậu và khiêm nhường”, không phải là hình tượng của những ai cam chịu hay đơn giản là nạn nhân, nhưng là “Con Người” sống hoàn cảnh này “bằng cả trái tim” trong sự trong suốt hoàn toàn với tình yêu của Chúa Cha, tức là với Chúa Thánh Thần. Ngài là khuôn mẫu của những ai có “tinh thần nghèo khó”, và của tất cả những người sống các mối phúc khác của Tin Mừng, những người chu toàn thánh ý Thiên Chúa và làm chứng cho Vương quốc của Ngài.
Và rồi, Chúa Giêsu nói rằng nếu chúng ta đến với Ngài, chúng ta sẽ tìm được sự nghỉ ngơi: “Sự nghỉ ngơi” mà Chúa Kitô dành cho những người mệt mỏi và bị áp bức không phải là một sự nghỉ ngơi chỉ về tâm lý hay một của bố thí, nhưng đó là niềm vui của những người nghèo được nghe Tin Mừng và trở nên những người kiến tạo nhân loại mới. Đây là thông điệp cho chúng ta, cho tất cả những người thiện chí, mà Chúa Giêsu vẫn nhắc đến ngày hôm nay trong thế giới tôn vinh những người tìm kiếm giàu có và quyền lực, bất kể bằng phương tiện gì, và đôi khi chà đạp lên con người và phẩm giá con người. Chúng ta nhìn thấy điều này hằng ngày, những người nghèo bị chà đạp. Và đó là một thông điệp dành cho Giáo hội, được kêu gọi thực thi lòng thương xót và mang Tin Mừng đến cho người nghèo, trở nên hiền hậu và khiêm nhường. Chúa muốn như thế cho Giáo hội của Ngài, tức là chúng ta.
Xin Đức Maria, người khiêm tốn nhất và cao nhất giữa các thụ tạo, cầu bầu Thiên Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan của trái tim, để chúng ta biết phân định những dấu chỉ của Ngài trong cuộc sống chúng ta và được tham dự vào những bí ẩn, vốn bị che giấu đối với những người kiêu ngạo, nhưng mặc khải cho những người khiêm tốn.
Bào huynh của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức đã từ trần

Hồng Thủy – Vatican News
Đức ông Georg qua đời tại Regensburg, nơi Đức ông đã sống phần lớn cuộc đời, và cũng là nơi 10 ngày trước đây Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức đã về thăm và nói lời từ biệt với Đức ông.
Tiểu sử Đức ông Georg Ratzinger
Đức ông Georg sinh tại Pleiskirchen, miền Bavaria, ngày 15/01/1924. Đức ông bắt đầu đánh đàn organ trong nhà thờ giáo xứ từ khi 11 tuổi. Năm 1935, cậu Georg vào tiểu chủng viện Traustein, nhưng năm 1942 bị động viên vào quân đội và chiến đấu tại Ý.
Bị quân đồng minh bắt vào tháng 03/1945, Georg bị giam tù ở thành phố Napoli của Ý một vài tháng trước khi được trả tự do và trở về gia đình. Năm 1947, cùng với em trai Joseph Ratzinger, sau này là Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Georg gia nhập chủng viện Herzogliches Georgianum ở Munich miền Bavaria.
Ngày 29/06/1951, cả hai anh em được Đức Hồng y Michael von Faulhaber truyền chức linh mục tại nhà thờ chính tòa giáo phận Freising, cùng với hơn 40 chủng sinh khác. Sau khi trở thành nhạc trưởng của ca đoàn ở Traustein trong 30 năm, từ 1967-1994, Đức ông là giám đốc ca đoàn nhà thờ chính tòa Regensburg. Đức ông đã đi nhiều nơi trên thế giới, thực hiện nhiều buổi hòa nhạc và điều khiển nhiều bản thu âm cho Deutsche Grammophon, Ars Musici và các hãng thu âm quan trọng khác với các sản phẩm về các nhạc sĩ Bach, Mozart, Mendelssohn và các tác giả khác.
Tình thân gắn kết của hai anh em
Vào ngày 22/08/2008, khi cảm ơn thị trưởng thị trấn Castel Gandolfo đã trao quyền công dân danh dự cho Đức ông Georg, Đức Biển Đức XVI đã nói về anh trai của mình: “Ngay từ đầu cuộc đời tôi, anh trai tôi không chỉ là người bạn đồng hành của tôi, mà còn luôn là người hướng dẫn đáng tin cậy. Đối với tôi, anh đã là điểm định hướng và quy chiếu rõ ràng, với sự dứt khoát trong các quyết định của anh. Anh ấy luôn chỉ cho tôi con đường để đi, ngay cả trong những tình huống khó khăn.”
Trong một cuộc phỏng vấn cách đây 11 năm, Đức ông Georg đã nói: “Em của tôi và tôi đều là những cậu giúp lễ, cả hai chúng tôi đã phục vụ Thánh lễ. Điều đó đã sớm rõ ràng với chúng tôi, trước tiên với tôi và sau đó với em tôi, rằng cuộc sống của chúng tôi sẽ phục vụ Giáo hội.” Và Đức ông đã chia sẻ những kỷ niệm thời thơ ấu của mình: “Ở Tittmoning, Joseph đã lãnh nhận bí tích Thêm sức từ Đức Hồng Y Michael Faulhaber, tổng giám mục vĩ đại của Munich. Em rất ấn tượng với Đức Hồng y và đã nói rằng cậu cũng muốn trở thành một Hồng y. Nhưng, chỉ vài ngày sau cuộc gặp gỡ đó, khi quan sát họa sĩ vẽ tranh tường nhà chúng tôi, cậu ấy cũng nói rằng khi lớn lên cậu muốn thích làm họa sĩ …”
Yêu thích âm nhạc
Sau khi gợi lại những năm đen tối của chiến tranh và sự phản đối chủ nghĩa phát xít của cha họ, một hiến binh, Đức ông Georg đã nói về tình yêu dành cho âm nhạc mà hai anh em chia sẻ với nhau: “Mọi người trong nhà chúng tôi đều yêu thích âm nhạc. Cha chúng tôi có một cây đàn hạc thường chơi vào buổi tối. Chúng tôi ca hát cùng nhau. Đối với chúng tôi, nó luôn luôn là một sự kiện. Sau đó, tại Marktl am Inn, có một ban nhạc mà tôi rất thích. Tôi đã luôn nghĩ rằng âm nhạc là một trong những điều đẹp nhất mà Chúa đã tạo ra. Ngay cả em trai tôi cũng luôn yêu thích âm nhạc: có lẽ tôi đã truyền nó cho cậu ấy.”
Recent Comments