Archive | December 2015

Giá trị của Đức ái

 

36-charity-afpgt

Nhập nguyện

Xin Chúa Thánh Thần dạy cho con hiểu thấu, cảm sâu giá trị của tình yêu, của đức ái khi con suy chiêm 1Cr 13.

Suy chiêm

  1. Suy chiêm theo tác động 1Cr 13.
  2. Không có tình yêu thì không có gì tồn tại (1-3)

1Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. 2Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. 3Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

– Không có đức mến thì không cái gì có giá trị dù có đức tin.

– Nếu chẳng có đức ái thì mọi sự đều không có giá trị

– Khi xét đoán người khác là hủy diệt đức ái, tự lên án.

  1. Có đức ái thì có những nhân đức khác (4-6)

4Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, 5không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, 6không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

  1. Nhân đức nào cũng ra đi chỉ có đức ái mới tồn tại (7-13)

7Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. 8Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. 9Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. 10Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi.11Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con.12Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. 13Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

  1. Vậy phải cầu nguyện thế nào để có đức ái và phải sống ra sao để tăng cường đức ái?

Kết nguyện

Hướng tới Năm Thánh, một nông dân người Ý tạo hình trên đồng ruộng

 

Verona Castagnaro, một tỉnh thuộc phía Bắc nước Ý nay đã biến thành không gian trưng bày cho một loại hình nghệ thuật mới.

Nghệ nhân đất người Ý, Dario Gambarin là một người thích những trải nghiệm mới. Chẳng cần dùng  trực tiếp đôi bàn tay mà chỉ với máy kéo và cái cày, ông đã tạo ra một nhánh nghệ thuật mới trong năm Thánh Lòng Thương Xót. Năm Thánh vừa được khai mạc ngày mồng 8 tháng 12 tại Roma.

Khu đất rộng 24 nghìn mét vuông đã hiện liên hình ảnh Chúa Giê-su hiến tế, Người chứng kiến mọi khổ đau của nhân loại.

Bên dưới bức họa là dòng chữ kỷ niệm năm Thánh “JUBILAEUM MISERICORDIAE 2015 – 2016”.

Đây là hàng loạt tác phẩm nghệ thuật trên đồng mới nhất của Gambarin. Tác phẩm của ông rất phong phú, từ nghệ thuật hiện đại cho tới các bức tranh tôn giáo và các hình ảnh chân dung của những người nổi tiếng, trong đó có Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng thống Nelson Mandela.

Các tác phẩm nghệ thuật độc đáo này của ông hẳn sẽ làm mọi người  thấy phấn khởi hơn để bước vào Năm Thánh – năm của Lòng Thương Xót.

An Duyên (Theo Romereport.com).

http://www.romereports.com/2015/12/10/italian-farmer-creates-massive-works-of-art-in-fields-for-the-jubilee

Chúng ta có thể thực hiện việc ngừa thai vì “sự dữ ít hơn” việc phá thai?

Câu hỏi: Giữa hai sự dữ, chúng ta nên chọn “sự dữ ít hơn”. Chúng ta có thể thực hiện việc ngừa thai là “sự dữ ít hơn” việc phá thai không?

Trả lời:

Trước tiên, chúng ta hãy nói về vấn đề “sự dữ ít hơn”. Nhà thần học Germain Grisez cho rằng chỉ có thể được phép khuyên một người thực hiện một “điều dữ ít hơn” khi người đưa ra lời khuyên cố gắng thuyết phục người kia làm điều ít thiệt hại hơn, chứ không phải khuyên một người làm một điều xấu, vì khuyên một người làm một điều xấu, dù là xấu nhiều hay xấu ít, đều sai cả.

Cha Ludovico Bender, OP, nói rằng một sự dữ không thể trở thành tốt bởi vì nó ít xấu hơn một điều xấu lớn hơn. Do đó, Bender cho rằng việc khuyên một người phạm một tội ít nặng hơn một tội khác là điều không được. Tuy nhiên, khuyên một người từ bỏ một phần trong toàn bộ điều xấu mà người đó đã hoạch định thì là một điều tốt. Ví dụ, một tên trộm muốn giết chủ nhà và cướp tài sản, sẽ là điều tốt nếu khuyên người này chỉ lấy tài sản thôi chứ đừng giết người. Đây là việc khuyên chống việc-giết-người, chứ không phải, khuyên tên trộm. Như vậy, có một sự khác biệt giữa khuyên làm một điều xấu ít hơn với can ngăn chống lại một phần của một kế hoạch xấu đã có.

Giáo lý cũng dạy rằng các tội có tính nặng nhẹ khác nhau: giết người thì nặng hơn ăn trộm, bạo lực chống lại cha mẹ thì tự bản thân nó nặng hơn chống lại người lạ. Quả thực là giết người thì nặng hơn ăn trộm. Nhưng ăn trộm, dù là nặng hay nhẹ, thì không bao giờ là “tốt”. Nó chỉ là “điều xấu ít hơn” khi so sánh với điều xấu hơn mà thôi. Nhưng đây là một kiểu so sánh không đúng về mặt luân lý.

Một sự so sánh đúng đắn về mặt luân lý phải có liên hệ với nhau trong cùng một loại và phải dựa trên nền tảng tự do của điều trái ngược: được làm hay không được làm trong cùng một điều trong cùng một hoàn cảnh. Ví dụ: có được ăn cắp 1000 USD từ một người cụ thể này không. So sánh điều này với loại khác thì không đúng. Ví dụ, không thể so sánh việc ăn cắp 1000 USD của người này với ăn cắp 1000 USD của một ông chủ giàu có, hay một công ty lớn hay so sánh giữa việc ăn cắp với việc giết người là một những kiểu so sánh khập khiễng, vì nó không cùng nằm trên một bình diện.

Như vậy, thay vì để dẫn đến hậu quả phá thai hay gia đình tan vỡ, mình có nên cho phép ngừa thai như là một “sự dữ ít hơn” không?

Đức Gioan Phaolo II đã nói đến vấn đề này trong thông điệp Evangelium Vitae rằng nhiều người cố gắng biện minh cho việc ngừa thai, xem nó như một việc phương pháp chống phá thai, nhưng đây chỉ là 1 sự ảo tưởng. Việc ngừa thai chẳng những không làm giảm tỷ lệ phá thai, nhưng thực tế cho thấy xã hội nào cho phép ngừa thai thì tỷ lệ phá thai càng cao.

Dù việc ngừa thai và phá thai khác nhau về bản chất và tính nặng nhẹ luân lý (phá thai là tiêu hủy một sự sống – vi phạm điều răn thứ 5, ngừa thai chống lại nhân đức khiết tịnh trong hôn nhân – vi phạm điều răn thứ 6,) nhưng cả hai đều có mối liên hệ gần gũi với nhau. Chúng cho thấy một não trạng chống lại sự sống, từ chối đón nhận trách nhiệm trong vấn đề tính dục, và một quan niệm ích kỷ, xem sự sống con người như rào cản cho sự kiện toàn cá nhân. Những hành vi tự bản chất là xấu như ngừa thai và phá thai thì không thể trở thành “tốt” nên không bao giờ được phép làm với ý hướng mang đến điều tốt hay ít xấu hơn. Tự bản chất, những hành vi xấu, xét cho cùng, là đối tượng của chọn lựa con người, vốn tự bản chất “không thể giúp hướng về Chúa vì chúng mâu thuẫn hoàn toàn với điều tốt của con người là loài được dựng nên giống hình ảnh của Người” (Veritatis Splendor, số 79, 80)

(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 142)

Lược dịch: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Dọn Phòng – Dọn Lòng

Dọn Phòng – Dọn Lòng (Luca 3, 1-6)

Đối với tôi, dọn dẹp phòng là một gánh nặng, nhất là mỗi khi phải thay đổi chỗ ở. Tôi lười làm công việc này vì trước đây có người giúp cho nhưng bây giờ tôi phải tự làm lấy một mình. Có người thích dọn dẹp phòng thường xuyên, ngược lại cũng không thiếu người lâu lâu, thi thoảng mới làm một lần. Cho nên, có phòng thì ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ nhưng cũng có phòng thì bề bộn, lộn xộn, lung tung. Phòng ốc cần phải được dọn dẹp để cho mọi thứ được ngăn nắp, dễ tìm kiếm, tiện sử dụng và đặc biệt là để cho phòng không bị dơ bẩn, không bị ô nhiễm hầu chủ nhân có được một bầu không khí trong lành và môi trường sống thật thoải mái. Khi bước vào phòng của một người, ít nhiều gì ta cũng có thể đoán được tính tình của người đó như thế nào…

Dọn phòng còn khó huống chi là dọn lòng. Dọn lòng không phải là một việc dễ dàng vì muốn làm được điều đó ta cần phải có sự thinh lặng nội tâm. Chỉ khi thinh lặng ta mới nhìn rõ được con người thật và nhận ra khuôn mặt thật của chính mình. Dọn tâm hồn không đơn giản vì môi trường sống bên ngoài đầy náo nhiệt, sôi động, ồn ào nên ta gặp nhiều khó khăn để sống yên tĩnh. Dọn lòng không dễ tí nào vì ai trong chúng ta cũng ngại nhìn nhận những khuyết điểm, ngại biết những giới hạn và sợ hãi khi nhận ra tội lỗi của bản thân mình. Có người quan niệm rằng tôi không có tội lỗi gì hết nhưng thật ra họ đang bị bệnh ảo tưởng về chính mình. Họ chưa nhìn thấy rõ nơi sâu thẳm ở tận đáy lòng trong tâm hồn của họ.

Dọn lòng-dọn dẹp tâm hồn-một việc làm rất khó nhưng đây là việc thiêng liêng quan trọng. Lời Chúa của Chúa Nhật II Mùa Vọng mời gọi mỗi người phải dọn tâm hồn để đón mừng Chúa Cứu Thế đến. Thánh Gioan-Vị Tiền Hô lập lại lời mời gọi của ngôn sứ Isaia: “Hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Đường ở đây không phải là con đường vật chất nhưng là cuộc sống, là chính tâm hồn của chúng ta. Thánh Gioan dùng ba hình ảnh thiên nhiên rất cụ thể để giúp ta liên tưởng và suy nghĩ đến ba lối sống cần phải thay đổi:

  1. “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy”: Thung lũng thì không bao giờ bằng phẳng được vì nó có nhiều chỗ lồi lõm, chỗ trũng, có thể có những hố sâu. Những hình ảnh đố muốn ám chỉ đến một cuộc sống có nhiều tính hư nết xấu, những khuyết điểm và tội lỗi. Những vực thẳm vô hình này khiến cho con người phải xa cách Thiên Chúa và không gần gũi được với tha nhân.
  2. “Mọi núi đồi, phải bạt cho thấp”: Núi cao tượng trưng cho sự tự cao và kiêu căng. Đó là những người luôn thích khẳng định mình, không chấp nhận những khác biệt của tha nhân và thậm chí còn loại trừ người khác. Chê bai, chỉ trích, nói xấu, không có khả năng lắng nghe, thiếu tinh thần đối thoại, độc tài, quyền hành….là những biểu hiện của người có đầu óc và tâm hồn cao như núi thái sơn.
  3. “Khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng”: Quanh co, lồi lõm ám chỉ đến một lối sống thiếu ngay thẳng và chân thành. Gian dối, lươn lẹo, khôn ranh, giả hình, hai mặt, sống nước đôi…là những biểu hiện của những người có một cuộc sống không chân thật. Nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay, ta nhận thấy rằng “anh chị gian dối” đang có mặt ở khắp mọi nơi. Có người đau đớn phải thốt lên: “Gian dối trở thành thói quen. Thói quen từ từ, dần dần với thời gian biến thành văn hóa”.

Kiêu căng, gian dối và những khuyết điểm khác cũng có thể tồn tại một phần nào trong tâm hồn ta và nó đang điều khiển những hành vi, thái độ ứng xử của ta với Thiên Chúa và tha nhân. Bài hát“Từ Trái Tim Con” của Linh Mục- Nhạc Sĩ Thái Nguyên có thể giúp ta nhìn rõ tận cõi lòng của mình:

  1. “Chúa ơi xin dẫn con vào nhà của con
    Căn nhà của trái tim con
    Căn nhà vừa quen vừa lạ
    Xin cho con thấy những phủ vây đời con đây
    Những che đậy giằng co hằng ngày
    Những ngổn ngang giăng mắc tâm can
    Xin cho con thấy những hững hờ biết mấy khô khan
    Những lỡ lầm phút chốc hoang mang
    Những lo toan buồn thương lỡ làng.
  2. …Xin cho con thấy những nhỏ nhoi và yếu đuối
    Vẫn trĩu nặng đời con nhọc nhằn
    Vẫn làm con đau nhức tâm can
    Xin cho con thấy cõi tâm hồn trống vắng hoang vu
    Những hận thù bóng tối âm u
    Vẫn phủ che đời con tháng ngày.
  3. …Xin cho con thấy những đổi thay lòng con đây
    Đã bao lần chạy theo lợi danh
    Đã nhạt phai tình nghĩa anh em
    Xin cho con thấy những sa lầy xuống cấp trong tâm
    Đã âm thầm biến chất nơi con
    Đã đưa con dần xa cách Ngài”.

Đời ta là thế. Cuộc sống ta luôn bất toàn và có nhiều giới hạn. Hạnh phúc thay ! Chúa Giêsu đã chấp nhận bước vào một thế giới đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người cũng không ngần ngại đến với những cuộc đời còn có nhiều khuyết điểm và sẵn sàng bước vào nhà của những tâm hồn vẫn còn nhiều tội lỗi. Chúa Giêsu đã vui lòng chấp nhận như thế để tỏ Lòng Thương Xót và giúp ta biến đổi từng ngày. Người là Ánh Sáng đến xua tan bóng tối. Đó là một sự liều lĩnh của Thiên Chúa. Trong Tông Sắc “Misericordiae Vultus” (Khuôn Mặt Thương Xót), Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Chúa Giêsu là khuôn mặt Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giêsu thành Nagiarét và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài” (MV số 1).

Dọn lòng- dọn dẹp tâm hồn-điều chỉnh lại cuộc sống là một việc làm thiêng liêng đầy thách đố và khó khăn. Ta phải bắt đầu lại mỗi ngày và thực hành suốt cả cuộc đời. Một mình ta không thể làm tốt được vì bản tính con người luôn yếu đuối và đầy giới hạn. Tuy nhiên, bên cạnh ta có Chúa Giêsu-một người Bạn đồng hành có thể trợ giúp ta luôn luôn. Người đang chờ ta nơi Bí Tích Giao Hòa. Thiên Chúa dùng trung gian các Linh Mục để thực thi Lòng Nhân Từ đối với những tội nhân.

Trong Năm Thánh đặc biệt về Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha khuyên các tín hữu như sau: “Chúng ta hãy đặt Bí Tích Hòa Giải ở trung tâm một lần nữa sao cho Bí Tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của Lòng thương Xót Chúa…Với mỗi hối nhân, Bí Tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự” (MV số 17).

Ngài còn nhắc nhở các Linh Mục: “Mỗi cha giải tội phải đón nhận các tín hữu tương tự như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng…Các cha giải tội được mời gọi ôm người con trai ăn năn đang trở về nhà và diễn tả niềm vui được có lại người con ấy…Cầu xin cho những cha giải tội đừng đặt ra những câu hỏi vô ích…Cầu xin cho các cha giải tội học được cách chấp nhận những lời kêu gọi giúp đỡ và lòng thương xót tuôn chảy từ trái tim của mỗi hối nhân” (MV số 17).

Vậy khi đến với Bí Tích Giao Hòa, tâm hồn ta sẽ chạm vào Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu sẽ tha thứ cho ta. Người ban cho ta sự bình an trong tâm hồn. Chính Chúa Giêsu sẽ quyét dọn căn nhà nội tâm của ta và biến đổi ta trở thành một con người mới.

“Chúa ơi xin thương đổi mới trái tim hoang dại đã bao u hoài
Chúa ơi rửa sạch bợn nhơ trong trái tim con đã bao ngày qua
Để lại cho con trái tim hiền hòa đơn sơ tươi nở
Giống như trái tim tình yêu muôn đời của Chúa vẫn bao la tuyệt vời
Để lòng vui sống thảnh thơi tình yêu mến Chúa sáng ngời đẹp tươi”.

(Điệp khúc bài hát: Từ Trái Tim Con)

 

 

Lm. Phaolô Trương Hoàng Phong

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh (Noël) 25/12

 

giang-sinh-tai-nuoc-anh

Nguồn gốc lễ Giáng Sinh

Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Nô-el, hay Nô-en (từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta) là một ngày lễ quốc tế kỷ niệm ngày Chúa Giê-su sinh ra đời của phần lớn người Cơ Đốc giáo. Họ tin là Giê-su được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của Đế quốc La Mã giữa năm 6 TCN và năm 6.

Một số nước ăn mừng ngày này vào 25 tháng 12, một số nước lại vào tối ngày 24 tháng 12. Tuy nhiên, những người theo Chính Thống giáo Đông phương vẫn sử dụng lịch Juliêng để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory.

Nguyên thủy, lễ giáng sinh là của những người theo đạo Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của người lãnh đạo tôn giáo mình, người mà họ cho là Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng dần dần, theo thời gian và qua các lễ hội của phương Tây, người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình. Kết quả là bây giờ, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế, với ông già No-el, cây Giáng sinh và cây thông no-el.

Tên gọi Christmas

Chữ Christmas gồm có chữ Christ và Mas. Chữ Christ (Đấng chịu sức dầu) là tước vị của Đức Giêsu. Chữ Mas là chữ viết tắt của Mass (thánh lễ). Khi chữ Christ và Mas viết liền thành ra chữ Christmas. Christmas có nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ, tức là ngày lễ Giáng sinh của Đức Giêsu.

Chữ Christmas và Xmas đều có cùng một ý nghĩa như nhau. Vì chữ Hy lạp viết chữ Christ là Christos,Xpiơtós hay Xristos. Người ta dùng phụ âm X để tượng trưng cho nguyên chữ Xristos hay Xpiơtós, rồi thêm chữ Mas kế cận để thành chữ Xmas. Như vậy Xmas cũng có nghĩa là ngày lễ của đấng Christ

loi chuc noel 2 Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh (noel) 25/12

Ý nghĩa:

Ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên Chuá, Noël là một ngày lễ gia đình, một ngày đặc quyền để tụ tập quây quần mọi người, mọi thế hệ trong gia đình. Lễ này dưới mọi hình thức được biểu lộ, tạo những kỷ niệm chung và duy trì tình cảm giữa mọi người trong gia đình. Mỗi người tìm được, bằng cách thức riêng của mình, để tạo dựng mối liên hệ : chia sẻ với nhau một bữa ăn chung, một đêm không ngủ, nghe thuật lại một câu chuyện, quây quần bên cạnh cây sa pin Noël… Với địa vị ngày càng lớn lao của trẻ con trong gia đình, ngày Noël trở thành một buổi lễ của trẻ em : một đêm thần diệu mà hầu như tất cả mọi ước nguyện trẻ con được thành sự thật trong sự sung sướng của những người lớn.

Ngày Noel cũng là một thông điệp của hoà bình : ” Vinh danh Thượng Đế trên cao – Bình an cho người dưới thế ” : đây là câu được hát bởi những thiên thần báo tin sự xuất hiện của vị cứu thế và Noël cũng là ngày người ta chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu…

Lịch sử:

Thời kỳ Giáo hội cơ đốc sơ khai (2,3 thế kỷ đầu công nguyên), lễ này được mừng chung với lễ Hiễn linh. Tuy nhiên ngay từ năm 200, thánh Clementê Alexandria (150-215) đã nói đến một lễ hết sức đặc biệt được cử hành vào ngày 20 tháng 5. Còn Hội thánh La tinh thì mừng kính lễ ấy vào ngày 25 tháng 12.[2]

Theo một nguồn khác thì tín hữu cơ đốc sơ khai không ăn mừng lễ sinh nhật, vì họ cho rằng ăn mừng sinh nhật là làm theo thói quen của dân ngoại đạo thờ thần tượng. Bởi lẽ đó họ không ăn mừng lễ giáng sinh của Đức Jesus trong suốt ba thế kỷ đầu. Đến thế kỷ IV, những người Cơ đốc mới bắt đầu muốn ăn mừng Lễ giáng sinh của Đức Jesus mỗi năm một lần, nhưng lại sợ bị chính quyền La Mã phát hiện và bắt bớ bởi vì đến lúc đó, cơ đốc giáo vẫn chưa được công nhận là một tôn giáo hợp pháp.

loi chuc noel 3 Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh (noel) 25/12

Những người La Mã, hàng năm ăn mưng “Thần Mặt trời” (Feast of The SolInvictus) đem ánh sáng đến cho trần gian vào ngày 25 tháng 12. Những người cơ đốc đã nhân cơ hội này để tổ chức ăn mừng ngày Đức Giêsu giáng sinh vào đem ánh sáng và sự sống đến cho nhân loại (Gioan 8:12) cùng một ngày với ngày lễ “Thần Mặt trời” của người La Mã. Nhờ vậy, chính quyền đã không phát hiện việc các tín hữu cơ đốc tổ chức ăn mừng Lễ giáng sinh của Đức Giêsu.[1].

Đến năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine đã bỏ đa thần giáo và theo cơ đốc. Ông này đã hủy bỏ ngày lễ ăn mừng “Thần Mặt trời” và thay vào đó là ngày ăn mừng sinh nhật của Đức Jesus. Đến năm 354, Giáo hoàng Liberius công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức để cử hành lễ Giáng sinh của Đức Jesus.

Trong nhiều thề kỷ, những nhà ghi chép Ki-tô giáo chấp nhận Giáng sinh là ngày Jesus được sinh ra đời. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 18, các học giả bắt đầu đề xuất một cách giải thích khác. Isaac Newton cho rằng ngày Giáng sinh đã được lựa chọn để tương ứng với đông chí ở Bắc bán cầu, từng được đánh dấu là ngày 25 tháng 12. Năm 1743, Paul Ernst Jablonski người Đức lập luận ngày Giáng sinh được xác định ngày 25 tháng 12 để khớp với ngày Sol Invictus trong tôn giáo La Mã cổ. Ngoài ra trước người Kitô giáo, nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác cũng ăn mừng ngày lễ cuối tháng 12.

MẦU NHIỆM GIÁNG SINH

Chúa đã làm người, và đã sống trọn kiếp người. Nhưng Ngài có lợi thế hơn tôi là được chọn quê hương, đất nước, dân tộc, cha mẹ, anh em, bạn hữu… Còn tôi sinh ra như một “định mệnh”, và như là một sự nhất thiết. Kết quả của việc sinh ra tôi có thể là từ tình yêu, nhưng tôi chẳng được chọn lựa gì khác ngoài việc phải sống làm người và nên người. Sự tự do của tôi chỉ đến sau sự hiện hữu của tôi, và tôi chỉ có tự do thực sự khi chọn lựa những gì phù hơp với sự hiện hữu đó. Cuối cùng tự do cũng là một định mệnh và là một sự nhất thiết, vì nếu tôi không chọn lựa như thế thì tôi sẽ đánh mất phẩm giá làm người. Điều này phát sinh một áp lực nội tâm khiến tôi cảm thấy nặng nề trong kiếp người : sống điều mình phải sống chứ không sống như điều mình tha thiết muốn sống.

Tuy nhiên, cái cảm tưởng và kiểu nhìn cứng đọng này đã được hoá giải khi tôi chiệm ngắm Mầu Nhiệm Giáng Sinh. Thật ra Chúa  được chọn tất cả, nhưng Ngài chọn cái gì và chọn như thế nào ? Tôi thấy Ngài chọn bước xuống… làm người, chọn cha mẹ quê mùa, chọn gia đình không sáng giá, chọn máng cỏ, chọn hang đá Belem, chọn cảnh nghèo hèn, chọn môn đệ yếu kém, chọn chén đắng, chọn ô nhục thập giá, chọn cái chết. (Phil. 6, 6-11). Những lựa chọn này bao quát toàn thể cuộc sống con người, và mở ra một chiều kích sâu rộng mới trong cái nhìn nhân bản, tự nhiện cũng như siêu nhiên. Có ai được tự do hoàn toàn mà lại lưa chọn như thế không ?  Nếu là tôi, tôi sẽ chọn bước lên… chọn sự thuận lợi, chọn phương tiện tốt nhất để tiến thân, chọn danh dự, chọn địa vị, chọn sự an toàn và chắc chắn, chọn thành công rực rỡ và vinh quang trong cuộc sống. Đó là điều bình thường nơi mọi con người, nhưng suy cho kỹ, sự chọn lựa như thế chẳng nói lên điều gì khác hơn trong thân phận làm người. Và kinh nghiệm cuộc sống cho tôi thấy rằng những sự “chọn lựa khôn ngoan” này nhiều khi chỉ chất đầy thêm tham vọng và tạo thêm sự  trống rỗng của một “định mệnh”. Hơn nữa, có ai biết được phía sau sự chọn lựa đó là cái gì ? Có những cái chắc chắn nhưng lại không chắc chắn, có những cái thuận lợi nhưng rồi lại bất lợi.

Lạ lùng thay Mầu nhiệm Chúa làm nguời ! và lạ lùng hơn nữa khi Ngài muốn làm người một cách nhỏ bé, đơn sơ, nghèo hèn.. Mầu nhiệm Giáng Sinh tuyệt vời chính là ở cách  chọn lựa của Chúa, và đó cũng chính là bài toán thần kỳ giải đáp mầu nhiệm của cuộc đời tôi, không như là một địïnh mệnh, một sự nhất thiết, mà là một huyền nhiệm từ mầu nhiệm của Tình yêu Chúa làm người. Chính cách chọn lựa của Chúa mở ra một cách hiện diện mới hoàn toàn trong cuộc sống làm người:

–         Con người muốn chọn sự trổi vượt ở phía bên trên, còn Chúa muốn chọn sự chìm sâu ở phía bên dưới.

–         Con người muốn vượt thoát tình trạng của chính mình, còn Chúa muốn đi vào thực trạng của con người.

–         Con người muốn sống khác với những gì mình là và sống hơn với những gì mình có, còn Chúa lại muốn thể hiện điều con người và sống kém những gì con người có.

–         Con người muốn sở hữu chủ và sống an nhàn, vênh vang, có thế giá trước mặt mọi người, còn Chúa lại muốn làm người tôi tớ, chọn con đường từ bỏ, sống khiêm hạ và chấp nhận sự khinh khi, coi thường.

–         Con người không muốn sống cái “định mệnh” hạn hẹp của mình, còn Chúa lại muốn thể hiện cái “định mệnh” của con người.

Như vậy những gì tôi muốn chọn thì Chúa lại không chọn, không phải Chúa muốn sống khác người hoặc phủ nhận những chọn lựa chính đáng của con người, nhưng Chúa muốn sống tận cùng cái “định mệnh” của kiếp người. Điều này cho tôi khám phá ra mầu nhiệm làm người và làm con Thiện Chúa trong Đức Kitô.

Chúa đã đến để sống và để hoàn thành “định mệnh” thân phận con người của tôi trong Ngài; không phải một định mệnh ngặt nghèo, nhưng là một định mệnh mang tầm vóc siêu việt như chính Ngài; không phải một định mệnh nhất thiết mà là một định mệnh tự do trong sự tự nguyện, tự hiến vì tha thiết yêu thương con người trong chiều kích hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi vậy mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm “Thiên Chúa ẩn mình”. Qua đó tôi nhận diện được huyền nhiệm đời sống làm người của tôi, cũng là huyền nhiệm của Ân Sủng, huyền nhiệm của Tình Yêu cưú độ.

Mầu nhiệm Chúa làm người nhắc nhở tôi rằng: Chúa đã một lần giáng sinh trong cuộc đời tôi, Ngài đã bước xuống lòng tôi. Từ đó Ngài ở trong tôi và âm thầm sống cuộc đời của tôi; Ngài đảm nhận trọn vẹn cuộc đời tôi qua mọi biến cố vui buồn, sướng khổ, vinh nhục; Ngài đón nhận và cùng đau cái nỗi đau của tôi qua những vấp váp, thua ngã, kém cõi, nặng nề; Ngài đón đợi và hoàn thiện hoá từng nổ lực kiên trì vươn lên của bản thân tôi trong từng lúc. Những hệ quả cảm nhận thực tiễn này xây dựng từ Chân lý Chúa sống trong tôi cho tôi kinh nghiệm sống trong Chúa : để có thể nghe được âm thanh của tình yêu Ngài vang lện từng lúc trong trái tim mình; để có thể phát hiện ra tâm tình của Ngài qua những lắng đọng tâm tư của lòng mình; để cũng có thể dễ dàng thấy được Ngài một cách sống động qua mọi biến cố và nhất là trên khuôn mặt và tấm lòng của người anh chị em mình, đặc biệt nơi những người nghè0 khổ và bất hạnh.

Chúa đã đến không phải chỉ để cứu vớt những gì đã hư mất, không phải chỉ để tái tạo những gì đã hao mòn, nhưng nói theo Don Scott : dù con người không phạm tội, không cần ơn cứu rỗi, thì Chúa vẫn nhập thể làm người để hoàn thành chương trình tạo dựng theo ý định tình yêu muôn đời và vô biện của Ngài. Chúa đến để thần hoá con người, để thăng hoa mọi cộng trình của con người, để hoàn thành khát vọng sâu thẳm của con người,  mà mọi ước muốn, toan tính và lựa chọn trong cuộc sống này chỉ là những thoả đáng trần tục, tạm thời, có khi tiêu cực, nhiều khi không giải quyết được gì mà còn gây nên nguy hại khôn lường, làm tắc nghẻn cuộc sống.

 

Lạy Chúa, con muốn chọn cuộc sống Chúa đã chọn; con muốn sống cuộc sống Chúa đã sống; Con muốn hoàn thành định mệänh thận phận của cuộc đời con trong cuộc đời của Chúa. Lạy Chúa, Chúa  là niềm vui, là hạnh phúc, là sự chọn lựa và là sự no thoả của cuộc đời con, xin chúc tụng Ngài đến muộn đời.

LM Thái Nguyên

Luật cấm phá thai đã cứu cuộc đời Cristiano Ronaldo siêu sao bóng đá

luat-cam-pha-thai-da-cuu-cuoc-doi-cristiano-ronaldo-sieu-sao-bong-da

 

Cristiano Ronaldo, siêu sao bóng đá, đã làm một bộ phim về đời mình. Một mặt, đây là một bộ phim không hấp dẫn lắm, nhưng mặt khác, lại khá đáng xem.

Vế trước là bởi bộ phim này ít có những chuyện về Ronaldo mà chúng ta thích xem. Nhưng, vế sau, là bởi anh là đối tượng được dư luận chú ý, nên chuyện này cho chúng ta thấy được đôi điều về bản chất xã hội chúng ta. Tôi có đọc cốt truyện phim trên tờ Guardian và Telegraph.

Tôi không có ý định xem phim này, nhưng có một vài suy nghĩ đánh động tôi khi đọc cốt truyện phim.

Thứ nhất, là một giáo sỹ, dù bạn ở đâu, dù bạn là ai, hãy cư xử cho đúng. Đoạn trích trong Guardian viết:
Để có một cái nhìn nhanh về cuộc sống của Cristiano Ronaldo, hãy xem một đoạn trong bộ phim quay cảnh con trai đỡ đầu của anh được rửa tội và có một đám đông nhỏ vây quanh. Đầu đứa trẻ chỉ vừa ướt qua, thì linh mục nhìn thấy anh chàng lực lưỡng với mái tóc bóng bẩy đứng đỡ đầu, rồi cha rút ra chiếc điện thoại. ‘Một dịp tốt để chụp hình selfie?’ Ronaldo tự hỏi.

Đây không phải là cách hành xử của một linh mục. Thực sự là không thích hợp khi dùng điện thoại cho bất kỳ mục đích nào trong một nghi thức. Không có nếu hay nhưng gì hết. Hơn nữa, linh mục thì phải luôn sốt sắng, dù cho cha có là fan hâm mộ hay gì đi nữa, thì cũng phải cư xử với người nổi tiếng cũng như người bình thường. Sau hết, người nổi tiếng cũng cần đi lễ như những người khác, và họ không nên bị làm cho xao nhãng vì một linh mục xun xoe. Họ có thể vào nhà thờ, và cần được bảo đảm rằng họ có thể là chính họ. Một nơi thờ phượng cần là nơi an toàn, không bị tiêm nhiễm những quan niệm điên rồ về người nổi tiếng. Một nhà thờ là nơi tất cả chúng ta ‘bình thường’ và tất cả đều như nhau. Chúng ta hãy gắng sức để ngăn cái văn hóa tạp chí lan vào Giáo hội và phụng vụ.

Còn điều thứ hai, cả hai báo đều kể về đoạn gia đình Ronaldo đang trong thời kỳ khốn khó: người cha chết vì rượu, người mẹ phải dùng thuốc an thần, và Ronaldo bé nhỏ sinh ra mà không có cha. Tờ Guardian, một tờ ủng hộ phá thai, đã viết rằng:

Và đây, một tiết lộ cho biết, gần như đã không tồn tại một Cristiano Ronaldo rồi. Bà Dolores Ronaldo giải thích, ‘Nó là đứa con không mong muốn.’ Lúc đó bà đang tính đến chuyện phá thai, và nghe theo lời hàng xóm, bà uống bia đen rồi chạy bộ cho đến khi thở hổn hển, với hi vọng ép cho sẩy thai. Nó đã không hiệu nghiệm, và bây giờ bà hẳn hạnh phúc vì điều này.

Bà Dolores, không chỉ tính đến chuyện phá thai, mà và đã cố để phá thai. Ronaldo sinh ra vào tháng 2, 1985. Thời đó, phá thai rất khó để được phép thực hiện hợp pháp ở Bồ Đào Nha, và chính sự ngăn cản về mặt pháp lý này, đã cứu cuộc đời Ronaldo. Ngày nay, một phụ nữ trong tình thế như mẹ của Ronaldo khi xưa, hẳn sẽ được phá thai với sự hỗ trợ của bác sỹ, mà không bị chất vấn gì. May mắn thay cho Ronaldo, và cho các fan bóng đá trên thế giới, thời 1984 không như thế. Ý của chuyện này thật rõ ràng, các luật ngăn cản phá thai đã cứu nhiều mạng sống.
http://baoconggiao.com/

Tìm Hiểu “Ngày Sinh” của Chúa Giêsu Kitô

GiangSinh

 

1. Tại Hoa Kỳ, cứ sau lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) nhiều gia đình và nhà hàng bắt đầu trang hoàng trong nhà, cũng như trước cửa nhà để chuẩn bị vào mùa Lễ Lớn: Đại Lễ Giáng Sinh và năm mới sắp tới. Một cách đơn giản chúng ta thường hiểu Lễ Giáng Sinh là ngày lễ mừng “Sinh Nhật” (Birthday) của Chúa Giêsu vào ngày 25 tháng 12 hàng năm.

Tuy nhiên, nghiên cứu lịch sử về ngày lễ nầy, chúng ta thấy có những điều không hẳn đơn giản như vậy.

  1. Theo Thánh Kinh Cựu Ứơc

a/ Sau khi Tổ tông loài người là ông Adong và bà Eva sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã hướng về một Đấng Cứu Thế  đến để cứu chuộc tội lỗi nhân loại (St 3,15).

b/ Thiên Chúa  đã chọn một dân riêng là dân Do-thái, và ĐCT đã sinh ra làm người từ dân này, danh hiệu của Ngài là “Messiah. Nguyên ngữ trong tiếng Do Thái thì “Messiah” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Theo thói tục của người Do Thái thì ai được chọn làm “Vua”, làm “Tiên Tri” (Prophet), làm thầy “Tư Tế” đều được phong chức chính thức bằng việc xức dầu olive trên đầu.

Danh từ “Messiah” chuyển dịch qua tiếng Hy Lạp là “Christo”. Danh từ “Christos” chuyển sang tiếng La-tinh là “Christus” và sang tiếng Pháp, tiếng Anh là “Christ”, Tiếng Việt Nam (theo các bản dịch Thánh Kinh của Công Giáo, và các sách đạo đức) chuyển dịch là “Kitô”.

c/ Đấng Kitô đã Giáng Sinh tại làng Bethlehem, miền Nam nước Palestin (tên gọi nước Israel thời đó), và khi Ngài sinh ra thì được đặt tên là “Giêsu” (Jesus) theo như lời sứ thần truyền tin cho Maria, mẹ Ngài, đã báo trước (Phúc Âm Luca 1:31 và 2:21). Danh từ “Giêsu” theo nguyên ngữ Do Thái có nghĩa là “Đấng Thiên Chúa Cứu Độ”, sau đó hiểu là “Đấng Cứu Độ” (Savior). Vì Chúa “Giêsu” chính là “Đấng Kitô” Thiên Chúa đã hứa, nên tên Ngài thường được gọi là “Giêsu Kitô”. Thánh Phaolô trong các thơ gửi các giáo đoàn thường dùng danh hiệu “Giêsu Kitô”.

 

Theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu cũng được gọi là “Emmanuel” hay “Immanuel” (PÂ Luca 1:23). Danh từ “Emmanuel” trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Danh hiệu “Emmanuel” được Tiên Tri Isaia (740-687BC) nói đến (Sách Isaia 7:14).

  1. Chúa Giêsu sinh ra năm nào?

Năm Thiên Chúa Giáng Sinh làm người được kể là năm thứ nhất theo lịch chung chúng ta dùng hiện nay; như thế sinh nhật của Ngài đã chia đôi lịch sử nhân loại. Theo lịch sử Thánh Kinh thì từ “tạo thiên lập địa” đến năm Chúa Giáng Sinh được gọi là “Thời Kỳ Cựu Ước” và từ năm Chúa Giáng Sinh trở về sau được gọi là “Thời Kỳ Tân Ước”. Theo lịch chung chúng ta dùng hiện nay thì trước thời Chúa giáng sinh gọi là trước “Công Nguyên”, thường ký hiệu là B.C. “Before the birth of Christ” và từ năm Chúa giáng sinh cho đến ngày “tận thế” thì gọi là sau “Công Nguyên” thường ký hiệu là A.D. “Anno Domini” Theo năm của Thiên Chúa’’.

Như vậy ngày 25 tháng 12 năm 2010 này chúng ta mừng sinh nhật thứ 2010 của Chúa Giêsu Kitô.

Tuy nhiên vì các nhà làm lịch lúc đầu tính lầm, nên năm Chúa Giêsu giáng sinh phải cộng thêm 6.

Lý do của việc “tính lầm” nầy là vì vào thời xưa người ta chưa có lịch chung như ngày nay, nên thường tính năm theo triều đại của các vua như “Đời Vua Hùng Vương thứ 16, 18…” chẳng hạn…Các thánh sử khi viết sách “Phúc Âm” (Tin Mừng) cũng dùng niên hiệu các vua cùng với những biến cố lịch sử nào đó. Thí dụ: Thánh Matthêu viết: “Khi Chúa Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđêa, thời vua Hêrôđê cai trị… (Matthêu 2:1 ). Thánh Luca viết: “Vào thời Hoàng Đế Augustô ra chiếu chỉ Kiểm Tra dân số… Khi Giuse và Maria đang ở Bêlem, thì Maria đến ngày sinh con…” (Luca 2:1…)

Khi Chúa Giáng Sinh thì nước “Do Thái” (bấy giờ tên là Palestina) đang dưới quyền “đô hộ” của Đế Quốc Rôma.

Người chủ trương lấy năm Chúa Giêsu sinh ra là năm I để bắt đầu Công Nguyên là ông Diônisiô (sinh khoảng năm 556) đã căn cứ vào năm xây dựng thành Rôma và tính là Chúa giáng sinh vào cuối năm 753 (sau khi xây thành Rôma) là năm Chúa giáng sinh, tức là năm I của Công Nguyên (AD). Nhưng sau này các sử gia và các học giả kinh thánh và lịch sử Đế Quốc Rôma nghiên cứu lại các thời đại Hoàng Đế Augustô và vua Hêrôđê Cả mới thấy là Chúa Giêsu phải sinh ra sớm hơn khoảng năm 746 sau khi thành lập thành Rôma, và vì thế năm sinh của Chúa phải cộng thêm 6.

  1. Chúa Giêsu sinh ra ngày nào?

Đọc tiểu sử của các vĩ nhân trên thế giới thời xưa, chúng ta thường không thấy nói đến ngày sinh; chẳng hạn Socrate (khoảng 470-399 BC) hay Platon (khoảng 428-348 BC) v.v… Ngay các cụ trọng tuổi của người Việt Nam chúng ta bây giờ, nhiều vị cũng không nhớ “ngày sinh” của mình; nhiều cụ chỉ nhớ là tuổi “Mùi” hay tuổi “Thìn”. Ngay cả ngày tháng năm sinh của các cụ trên giấy khai sinh cũng không đúng hẳn…

Ngày sinh của Chúa Giêsu cũng không được ghi lại đầy đủ trong các sách Phúc Âm (Chúa Giêsu cũng không có giấy khai sinh hay sổ bộ khai sinh…

  1. Sao lại mừng ngày Chúa Giêsu ra đời vào 25 tháng 12 hằng năm?

Không ai biết rõ ngày sinh của Chúa Kitô.

Trong ba thế kỷ đầu, các Kitô hữu chỉ họp nhau để kỷ niệm việc Chúa Giêsu đã chịu đau khổ, đã chịu chết và đã sống lại.

Giáo hội bên Đông ngày trước kính lễ Chúa Giáng sinh vào 6 tháng 1 dương lịch. Giáo hội bên Tây (Công giáo Rôma) từ thời Đức Thánh Giáo hoàng Juliô I (năm 350) chọn vào ngày 25/12 để thay thế cho ngày người ngoại giáo thời đó mừng thần Mithra, thần Ánh sáng, thần Mặt trời. Chúa Kitô thực là Ánh sáng, là Mặt trời soi muôn dân trong tăm tối như thánh Gioan đã viết: Ánh sáng đã chiếu soi trong đêm tối (Ga 1,5).

Vì ngày mừng lễ Giáng Sinh vào 25 tháng 12 hàng năm không xác thực theo lịch sử nên có ý kiến chống đối; đặc biệt vào thế kỷ 17 tại Anh Quốc, những người “Thanh Giáo” (Puritans) đã nỗ lực để yêu cầu xóa bỏ việc mừng lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu; nhưng mọi nỗ lực đều thất bại, và việc mừng Chúa Giáng Sinh vào 25 tháng 12 hàng năm vẫn tiếp tục ở Anh Quốc cũng như khắp nơi trên thế giới.

Ngày nay lễ Giáng Sinh (Noel, Christmas) lan rộng đi khắp nơi trên thế giới, kể cả những nước theo Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Cộng sản…Tiếc rằng, người ta đã “thương mại hóa” dịp lễ này mà làm giảm đi ý nghĩa thiêng liêng cao cả. Tuy nhiên điều “lạm dụng” đó cũng không thể làm giảm đi tinh thần mừng lễ đích thực trong lòng những người thành tâm thiện chí, họ sẽ huởng ơn phúc như lời các Thiên Thần hát mừng trong đêm Chúa Giáng Sinh:

Vinh Danh Thiên Chúa trên Trời,   Bình an dưới thế cho người thiện tâm!”  

(Theo tìm hiểu của Lm. Anphong Trần Đức Phương)

 

nhung-hinh-nen-giang-sinh-cuc-cute-cho-may-tinh-dep-nhat-2015-6

Đức Phanxicô có tên trong danh sách 100 tư tưởng gia lớn của thế giới

duc-phanxico-co-ten-trong-danh-sach-100-tu-tuong-gia-lon-cua-the-gioi
Bên cạnh Tổng thống Vladiminir Poutine và bà thị trưởng Anne Hidalgo, Paris, Đức Phanxicô được báo Mỹ Foreign Policy bình chọn ngài trong số 100 tư tưởng gia quan trọng nhất thế giới năm 2015.

 

 

“Đức Giáo hoàng Phanxicô cứ lờ đi các lời phê bình, cho rằng Vatican không tìm cách tạo ảnh hưởng chính trị trên thế giới. Tháng sáu vừa qua, ngài công bố một thông điệp dài 184 trang để bảo vệ môi trường – một thông điệp đầu tiên của triều giáo hoàng – để nói với mọi người sống trên hành tinh này”. Đó là câu mà tờ báo Foreign Policy, một tờ báo rất có uy tín ở Mỹ viết để biện minh cho lý do của mình, đã xếp ngài trong số 100 tư tưởng gia chính yếu của thế giới năm 2015.

 

Tờ báo đưa Đức Phanxicô vào thể loại “những người bảo vệ khí hậu” với câu như sau: “Vì ngài rao giảng đức tin trong khoa học”.

 

Tờ báo viết tiếp, Đức Giáo hoàng đã đặt khí hậu trong các thách đố liên quan đến Nhân quyền, và ngài “chỉ trích cách mà “món nợ nước ngoài của những nước nghèo trở thành phương tiện để kiểm soát họ”, trong khi các nước giàu lại hủy hoại hành tinh. Ngài nhắc các chính quyền phải có các đường hướng chính trị mới về năng lượng và kinh tế”.

 

“Sao” của nhiều bảng xếp hạng

 

Trong bản sắp hạng này, tất cả mọi thể loại, Đức Phanxicô ở bên cạnh Tổng thống Vladimir Poutine, bà thị trưởng Anne Hidalgo, Paris nhưng cũng ở bên cạnh ký giả Anas Aremeyaw Anas. Ngoài ra bản sắp hạng này còn có: Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, bà Ameenah Gurib-Fakim, Tổng thống Maurice, bà Sheikh Hasina, Thủ tướng Bengladesh, bà Margot Wallstrưm, bộ trưởng ngoại giao Thụy Điển, ông Mohammed ben Salmane, bộ trưởng Quốc phòng Xauđi, ông Yanis Varoufakis, bộ trưởng Tài chánh Hy Lạp.

 

Vài ngày trước đó, hiệp hội Anh PETA, một hiệp hội quan tâm đến việc đối xử nhân đạo với súc vật, cũng đã bầu Đức Phanxicô là nhân vật của năm vì ngài đã xin 1.2 tỷ người công giáo tôn trọng thiên nhiên và súc vật.

 

Từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô liên tục ở trong nhiều bảng xếp hạng. Năm 2013, Đức Phanxicô được tạp chí Time bầu là nhân vật của năm, tạp chí Forbes thì bầu ngài là nhân vật thứ tư quyền lực nhất thế giới.

 

Marta An Nguyễn chuyển dịch

Mười lăm phút cầu nguyện mỗi ngày sẽ thay đổi đời bạn

Aleteia phỏng vấn ông Gary Jansen, tác giả quyển 15 phút cầu nguyện: làm thế nào 15 phút cầu nguyện mỗi ngày có thể thay đổi đời bạn (The 15-minute Prayer Solution: How Fifteen Minutes a Day Can Transform Your Life) và về tiếp cận linh đạo Thánh I-Nhã hay Dòng Tên đã làm cho đời sống nội tâm của ông được phát triển.

 

GaryJansen

 

Aleteia: Làm thế nào 15 phút cầu nguyện mỗi ngày lại tạo được sự khác biệt trong đời sống của một người?

 

Gary Jansen: Quyển sách này quay chung quanh một giả định đơn giản: một ngày có 1440 phút; 1% thời gian này là gần 15 phút. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mỗi ngày bạn cho Chúa 1% số thì giờ này? Cách đây vài năm tôi tự đặt câu hỏi này và đời tôi đã thay đổi, đã tiến triển. Dù tôi bỏ nhiều thì giờ ở nhà thờ nhưng tôi luôn gặp khó khăn khi tập trung cầu nguyện. Nhưng một khi tôi quyết định hàng ngày phải tập trung cầu nguyện, ngay lập tức tôi cảm thấy tâm hồn mình có bình an hơn, kiên nhẫn hơn, ý thức hơn. Tôi nhận ra tôi đã cầu nguyện suốt ngày. Và tôi càng bỏ thì giờ ra cho Chúa thì tôi có cảm tưởng Chúa trả lại cho tôi thì giờ đó. Có vẻ như tôi có nhiều thì giờ để làm các việc tôi phải làm chứ không phải là ít giờ hơn.

 

Tại sao ông tập trung vào các bài tập linh thao của Thánh I-Nhã?

 

Điều tôi rất thích trong khoa sư phạm của Thánh I-Nhã là tư tưởng tìm Chúa trong mọi sự. Tôi ngưỡng mộ ý tưởng tìm Chúa trong mọi sự, kể cả trong mấy hình xâm.

 

Ông có nghĩ giáo hữu sẽ thích thêm linh đạo Dòng Tên về cầu nguyện nhờ Đức Phanxicô là giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên không?

 

Có rất nhiều nét linh đạo của Thánh I-Nhã nơi Đức Phanxicô khi ngài nói về nhận định, về đi tìm Chúa nơi người nghèo và về những gì mình phải chiến đấu. Linh đạo Dòng Tên được biết nhiều ở Mỹ nhờ linh mục James Martin.

 

Quyển sách của ông cảm hứng từ đời sống cầu nguyện cá nhân của ông?

 

Rất nhiều. Ở trường công giáo, tôi không nghĩ học sinh học nhiều hơn Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng. Cách đây vài năm tôi thử các kỹ thuật cầu nguyện khác, tôi cầu nguyện với trí tưởng tượng. Những gì tôi nói khi cầu nguyện, tôi mô tả trong sách tác động sâu đậm này trên cuộc sống của tôi. Tôi tổ chức các khóa cầu nguyện và tôi nhận được các phản hồi rất tích cực.

 

Ông đã xuất bản các quyển sách của Đức Phanxicô, Đức Gioan-Phaolô II, của Scott Hahn, Robert Barron và Christopher West. Đâu là ảnh hưởng của họ trên cách viết của ông?

 

Tôi có cảm tưởng tôi được chúc phúc vì được làm việc với các tác giả thông thái, mỗi quyển sách được xuất bản dạy cho tôi một cái gì đó mới. Nhà xuất bản là mục đồng hướng dẫn tác giả qua cánh rừng xuất bản. Tôi có nhiều ảnh hưởng khác nhau: tính đơn giản trong văn phong của Đức Phanxicô, nét văn thơ nơi tác giả Colleen Carroll Campbell và tính lô gic nơi giám mục Barron. Tôi hạnh phúc được là mục đồng chăn dắt cho các tác giả này.

 

Quyển sách của ông chính yếu là dành cho những người mới bắt đầu hay cả những người muốn có một đời sống thiêng liêng sâu đậm hơn?

 

Cả hai. Tôi muốn có một quyển sách của thời buổi này về một chủ đề truyền thống có từ lâu, tôi có hai loại độc giả trong đầu: người mới bắt đầu và người đã cầu nguyện suốt đời. Tôi cố gắng viết đơn giản. Tôi mong dù độc giả ở mức độ nào trong tiến trình thiêng liêng của họ, họ cũng tìm thấy ở đây một cái gì đó để suy nghĩ.

 

(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 10.12.2015/
aleteia.org, Mathilde Rambaud, 2015-12-07)