Công bố Huấn Thị về Đoàn Trinh Nữ Thánh Hiến
Huấn thị dầy hơn 130 trang khổ bỏ túi, được ĐTC phê chuẩn ngày 8-6-2018 và được ĐHY Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, và vị tổng thư ký là Đức TGM José Carballo, công bố hôm 4-7-2018. Văn kiện có mục đích đào sâu linh đạo và ấn định kỷ luật cho Đoàn Trinh nữ thánh hiến như một hình thức đặc biệt của đời sống thánh hiến.
Trong năm Đời Sống Thánh Hiếm, 2016, con số các trinh nữ thánh hiến đã gia tăng mạnh trong Giáo Hội năm châu và lên tới hơn 5 ngàn người. Các GM giáo phận, vốn là những vị được ủy thác chăm sóc mục vụ cho các Trinh Nữ Thánh Hiến, đã thỉnh cầu các tài liệu để có thể giúp đỡ những người thánh hiến này duy trì căn tính của họ, trong các bối cảnh văn hóa khác nhau và để ý đến tình trạng địa phương.
Văn kiện gồm có 3 phần lần lượt nói về ơn gọi và chứng tá của các Trinh nữ Thánh Hiến, tương quan chặt chẽ của họ với giáo phận, và phần sau cùng nói về sự phân định và huấn luyện cho các trinh nữ Thánh Hiến. Trong lãnh vực này vai trò của Đức GM giáo phận đặc biệt được nhấn mạnh: chính ngài phân định ơn gọi của các ứng sinh, lo liệu để họ được huấn luyện thích đáng ngay từ đầu, và dẫn tới sự hoàn tất tiến trình phân định với việc nhận cho ứng sinh được thánh hiến. Ngài cũng chủ sự lễ thánh hiến, và sau đó đồng hành và nâng đỡ những người thánh hiến.
Một số khả năng và đức tính
Trong số các vấn đề được Huấn Thị bàn tới, có sự cần thiết phải kiểm chứng ”sự trưởng thành nhân bản” của các ứng sinh: điều này giả thiết đương sự phải nhận biết thực tiển về bản thân, và ý thức khách quan về những năng khiếu và giới hạn của mình, khả năng tự quyết, và lãnh nhận trách nhiệm. Đương sự cũng phải có khả năng thiết lập những tương quan lành mạnh, thanh thản, với những người nam nữ, hiểu biết đúng đắn về giá trị hôn nhân và chức phận làm mẹ, khả năng hội nhập tính dục vào trong căn tính bản thân, và điều khiển những năng lực tình cảm để có thể diễn tả nữ tính của mình trong một cuộc sống khiết tịnh, cởi mở đối với một sự phong phú tinh thần rộng lớn hơn.”
”Đương sự củng phải có khả năng làm việc, nghề nghiệp, để có thể tự lực mưu sinh một cách xứng đáng”, có khả năng dựa trên kinh nghiệm đương đầu với những đau khổ và bất mãn, cũng như trao ban và nhận lãnh tha thứ, biết giữ lời hứa và chu toàn những cam kết đã đưa ra, có khả năng sử dụng của cải trong tinh thần trách nhiệm, sử dụng các phương tiện truyền thông và thời giờ rảnh rỗi”.
Trong số những qui định cụ thể, có điều khoản để được thánh hiến trong đoàn Trinh Nữ, đương sự phải được tối thiểu 25 tuổi.
ĐHY Braz de Aziz cho biết vào năm 2020 tới đây, kỷ niệm 50 năm tái lập đoàn Trinh nữ Thánh hiến, do ĐGH Phaolô 6, dự kiến sẽ có cuộc gặp gỡ quốc tế của các trinh nữ thánh hiến tại Roma với ĐTC (Rei 4-7-2018)
Trần Đức Anh OP
(RadioVaticana 05.07.2018)
Đừng cứng lòng nữa
Lời Chúa: Ga 20, 24-29
24 Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”
Suy Niệm
Chẳng rõ vì lý do gì mà ông Tôma đã không ở với nhóm môn đệ
khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông.
Có vẻ có một sự xa cách nào đó giữa Tôma và mười ông kia.
Chuyện này trở nên rõ hơn khi ông Tôma từ chối tin vào lời của họ:
“Chúng tôi đã thấy Chúa!” (c. 25).
Ông đòi tự mình kiểm chứng, thấy tận mắt, sờ tận tay.
Thấy dấu đinh nơi bàn tay Thầy, xỏ ngón tay mình vào lỗ đinh,
thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy: đó là những điều kiện ông đòi để tin.
Tôma không đứng dưới chân thập giá như người môn đệ Chúa yêu,
nhưng ông đã được nghe chuyện Thầy bị đóng đinh, bị đâm nơi cạnh sườn.
Đối với ông, nếu Thầy thực sự phục sinh,
thì thân xác Thầy vẫn còn phải mang những vết thương đó.
Phục sinh không làm mất đi những vết sẹo của tình yêu cứu độ.
Đấng phục sinh lại có ý chiều ông, đó mới là chuyện lạ.
Ngài biết óc thực tiễn của ông, và Ngài không muốn mất ông (Ga 17, 12).
Ngài dám thỏa mãn những đòi hỏi táo bạo và cụ thể của ông,
để đưa ông về với đức tin, về với cộng đoàn.
Một tuần sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần,
Đức Giêsu phục sinh đến như thể cho một mình ông thôi,
và mời ông làm những điều ông đòi hỏi.
Chẳng rõ Tôma có dám thực hiện hay không,
nhưng chính thái độ bao dung và yêu thương của Thầy đã chinh phục ông.
Môi ông bật lên lời tuyên xưng đức tin cao nhất trong Tân Ước:
“Lạy Chúa của tôi; lạy Thiên Chúa của tôi” (c.28).
Lời tuyên xưng này vượt quá những gì giác quan ông có thể cảm nhận.
“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những ai không thấy mà tin!”
Chúng ta ngày nay tuy không được hưởng kinh nghiệm như thánh Tôma,
nhưng chúng ta lại được hưởng một mối phúc mà ngài không có được.
Đó là mối phúc của người tin, không phải nhờ thấy tận mắt,
mà nhờ nghe lời chứng của các môn đệ (Ga 17, 20), trong đó có Tôma.
Xin cám ơn sự cứng lòng của thánh Tôma, cám ơn lời chứng của ngài.
Chính sự cứng cỏi của ngài làm chúng ta mềm mại hơn để tin,
vì chúng ta biết chuyện Chúa phục sinh không do một ảo giác tập thể.
Tôma là một người hoàn toàn tỉnh táo.
Trong tập thể chúng ta đang sống, vẫn có những Tôma:
hoài nghi, bướng bỉnh, đòi hỏi, xa cách với cộng đoàn…
Thầy Giêsu dạy chúng ta bao dung và nhẫn nại, chứ không kết án.
Quanh chúng ta vẫn có nhiều người chưa biết Chúa,
họ cũng đòi thấy và đụng chạm đến Thiên Chúa.
Kitô hữu chúng ta phải có kinh nghiệm sâu xa như các tông đồ xưa,
để làm chứng được rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (c. 25).
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Lần đầu tiên một giáo dân làm Bộ trưởng tại Tòa Thánh
Đó là Ông Paolo Ruffini, được ĐTC bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Truyền Thông, kế nhiệm Đức ông Dario Eduardo Viganò từ chức.
Ông Ruffini, 62 tuổi, cho đến nay là Giám đốc đài truyền hình TV2000 của HĐGM Italia. Ông sinh ngày 4-10-1956 tại Palermo (cháu của ĐHY Ernesto Ruffini – 1888-1967 -, TGM giáo phận Palermo), tốt nghiệp luật khoa tại Đại học La Sapienza ở Roma, và hành nghề ký giả từ năm 1979. Ông hoạt động cho báo Il Mattino ở Napoli, Il Messaggero ở Roma, rồi làm cho đài phát thanh Rai, trước khi chuyển sang đài truyền hình Rai 3, La 7. Từ năm 2014, ông làm giám đốc đài TV2000.
Bộ Truyền thông được ĐTC Phanxicô thành lập cách đây 3 năm bằng cách gộp 9 cơ quan thông tin của Vatican thành một, trong đó có Đài Vatican, Trung Tâm Truyền Hình, Báo Quan sát viên Roma, Phòng báo chí Tòa Thánh, nhà in và nhà xuất bản Vatican, sở nhiếp ảnh… Tổng cộng số nhân viên gần 700 người.
Bộ này có 1 Đức Ông làm Tổng thư ký, Lucio Adrian Ruiz. Bộ này có 6 Hồng y và 7 GM thành viên (trong đó có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, GM Mỹ Tho) cùng với 3 giáo dân khác.
Bộ truyền thông ban đầu được gọi là “Segretaria per la comuninicazione” nhưng từ tháng 2 năm nay được đổi thành ”Dicastero per la comunicazione”
Trần Đức Anh OP
(RadioVaticana)
Hầu hết các giáo phận tại Pháp không có tân linh mục được thụ phong trong năm nay
Theo những con số thống kê được tờ La Croix tổng hợp, 114 tân chức sẽ được thụ phong linh mục ở nước này trong năm 2018. Đây là một sự sút giảm đáng kể so với năm 2017 khi 133 vị được thụ phong linh mục.
Trong số 114 linh mục này, 82 vị là linh mục triều, trong số đó có hàng chục vị từ các cộng đồng hay các hiệp hội đời sống tông đồ. Sáu vị là thành viên của Cộng đồng Emmanuel, và bốn vị thuộc Con Đường Tân Dự Tòng.
Hình ảnh đặt tay và cầu nguyện cho bốn thầy phó tế và sáu linh mục tại Palais des Sports ở Gerland được kể là biến cố phong chức lớn nhất tại Pháp vừa diễn ra ở Tổng Giáo Phận Lyon.
Đặng Tự Do
(vietcatholic 05.07.2018/ La Croix)
Recent Comments