Tuần Thánh là gì?
Tuần Thánh là gì?
Tuần Thánh là bảy ngày cuối cùng của Mùa Chay. Tuần Thánh bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá và kết thúc với Chúa Nhật Phục sinh.
Tại sao Tuần Thánh là tuần quan trọng?
Đối với Giáo hội Công giáo, đó là một tuần quan trọng kể từ khi kỷ niệm Cuộc Khổ nạn, Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô.
Ý nghĩa của mỗi ngày là gì?
Vào Chúa Nhật Lễ Lá, Chúa Giêsu đến Jerusalem được ghi nhớ. Người Công giáo có thể tham gia vào đám rước với cành ô liu hoặc cành cọ.
Một số cành được Đức Thánh Cha Phanxicô mang theo tại Vatican đến từ Elche, một thành phố ở miền nam Tây Ban Nha.
Từ Thứ Hai đến Thứ Tư Tuần Thánh không có sự kiện đặc biệt.
Thứ Năm Tuần Thánh kỷ niệm Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu, trong đó Ngài thiết lập những Bí tích Thánh Thể và truyền chức thánh. Trong thánh lễ được cử hành vào ngày này, linh mục thực hành nghi thức rửa chân.
Thánh lễ không được cử hành vào Thứ Sáu Tuần Thánh hay Thứ Bảy Tuần Thánh, vì đây là những ngày để tang cho cái chết của Đức Kitô.
Vào Thứ Bảy Tuần Thánh, nhà thờ thực sự đóng cửa, cho đến tối hôm đó, khi Đêm Vọng Phục Sinh được cử hành. Thông thường là những người tân tòng được rửa tội vào đức tin Công giáo trong đêm này.
Cuối cùng, sự Phục sinh của Đức Kitô được tưởng nhớ vào Chúa Nhật Phục sinh và được cử hành trong Thánh lễ sáng hôm đó.
Người Công giáo bắt đầu cử hành nghi thức Tuần Thánh từ khi nào?
Tuần Thánh đã được cử hành kể từ khi bắt đầu Kitô giáo. Theo một số tài liệu có niên đại từ thế kỷ thứ IV, Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô đã được tưởng niệm ở Ai Cập, Palestine và phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia. Có khả năng những nghi thức kỷ niệm này đã được tổ chức một vài năm trước. Phong tục này đến Âu châu vào thế kỷ thứ năm.
“Tiêu chuẩn kép” đã chấm dứt thời của người quân tử?
Cổng vào triều đình hay chốn công quyền luôn ghi bốn chữ “quang minh chính đại”: rõ ràng, trong sáng, thẳng thắn, nêu cao chính nghĩa.
Triết lý sống, triết lý cầm quyền lúc đó luôn chống lại cách sống cơ hội, lập lờ. Triết lý ấy nói một là một, hai là hai. Nhưng, thời thế đã đổi thay, ngày nay thái độ sống mang tính “nhất nguyên” này dường như đã bị thay thế bởi “nhị nguyên” hay “tam, tứ… nguyên”.
Nhưng tiêu chuẩn kép là gì? Là cùng một sự việc, hành động, người này làm thì nói là đúng, người kia làm thì bảo là sai. Nói một cách sòng phẳng, đây là cách gọi lịch sự để chỉ tính hai mặt, tính cơ hội thực dụng, mập mờ, vô nguyên tắc của một hành động nào đó.
Thậm chí trên Wikipedia người ta nhấn mạnh hơn: “Tiêu chuẩn kép vi phạm tất cả các nguyên tắc về sự công bằng khi giữa hai người lại có mức độ trách nhiệm khác nhau dù làm cùng một việc. Vì thế nó được xem như một loại thành kiến và không công bằng về đạo đức nếu nói theo nguyên tắc tất cả đều bình đẳng và tự do.
Tiêu chuẩn kép được xem như một sự phi lý bởi chúng vi phạm một cách mạnh mẽ châm ngôn cơ bản của luật học hiện đại: tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nó vi phạm tất cả các nguyên tắc của công lý thường được gọi là sự công bằng vốn cố gắng đặt một tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi thứ không thiên vị dù là theo tầng lớp, địa vị xã hội, giới tính, tôn giáo, chính trị, tuổi tác…”.
Đồng cảm với nỗi thống khổ của người Do Thái qua cảnh diệt chủng thời phát xít, vẻ hào hùng của tướng độc nhãn Moshe Dayan, cuốn tiểu thuyết hùng tráng Exodus kể về cuộc trở về lập quốc Israel…, dù vậy tôi cũng không thể đồng cảm nổi cảnh cả ngàn người Palestine – với rất nhiều trẻ em – tử thương vì những cuộc không kích trả đũa của quân đội Israel, tất cả họ đều là dân thường bị cô lập ở dải Gaza, một trại tập trung khổng lồ không có đường trốn, không có gì để tự vệ, có bờ biển ngay cạnh mà cũng không thể bơi thuyền ra quá vài trăm mét!
Tôi tự hỏi: quyền sống của người Do Thái và quyền sống của Palestine là hai tiêu chuẩn khác nhau?
Ở phương trời gần chúng ta hơn, năm ngoái trong cuộc phỏng vấn với BBC lần đầu tiên truyền đi từ một Myanmar mở cửa, người đàn bà mỏng manh Aung San Suu Kyi vốn đã làm cho cả thế giới kính phục vì một nội tâm mạnh mẽ, một tầm nhìn thời đại, một biểu tượng về đấu tranh cho sự công bằng ở Myanmar, lại tỏ ra lúng túng khi bị hỏi về thái độ cần có trước sự trấn áp mạnh tay của Chính phủ Miến Điện với người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Bà đã đáp bằng một câu trả lời lảng tránh, đại loại: “Tôi nghĩ là việc chuyển từ một nước Burma thành liên bang Myanmar đã tạo ra nhiều vấn đề”. Từ đó, thế giới những người hâm mộ bà Suu Kyi vẫn còn ghi một món nợ mà bà cần trả lời: công lý cho dân tộc mình có cùng là công lý cho người thiểu số không?
Gần hơn nữa, ngay trong nội bộ nước Malaysia với chính sách Bumi Butra dành ưu thế cho nhóm người bản địa hơn các nhóm nhập cư gốc Ấn, gốc Hoa; hay tại Thái Lan, cùng là người Thái nhưng phe áo đỏ đa số, tầng lớp thấp ngoại thành vùng sâu vùng xa luôn bị ép bởi phe áo vàng quý tộc, tư sản, trung lưu thành thị, dù tính theo phổ thông đầu phiếu kiểu nào thì phe áo đỏ cũng nắm chính quyền.
Còn phương Tây dẫn đầu là nước Mỹ, luôn nhìn thẳng vào thế giới kiểu của tổng thống George W. Bush và nói: “We will bring them to justice” (Chúng ta sẽ mang bọn khủng bố ra trước công lý), nhưng chữ “công” đó không phải là phổ quát cho mọi người như nghĩa chữ “công cộng”, không xem mọi người như nhau bất kể là ai như “công tâm”…
Cách họ tiến vào Afghanistan để đánh Taliban vì quyền lợi của mình, khi tình hình chuyển biến khó khăn thì họ rút ra và đổ hết mọi sự thất bại cho tổng thống Hamid Karzai – người do chính họ tạo nên, nói ông nào là tham nhũng, cục bộ, yếu kém, bất tài và sau đó là tính chuyện hòa đàm với Taliban.
Thậm chí hôm 3-10 vừa qua, Jonathan Powell – đặc phái viên của Anh về Libya, nguyên chánh văn phòng của ông Tony Blair – thời cùng ông Bush tuyên chiến với khủng bố kiểu rạch ròi: “Theo chúng tôi hay theo khủng bố!”, vừa ấn hành một cuốn sách nhan đề Talking to terrorists (Đàm phán với khủng bố) – đã nói với nữ nhà báo Christiane Amanpour trên CNN rằng phương Tây phải đàm phán với quân nổi dậy ở Trung Đông.
Rồi Iraq là một điển hình thứ hai, đây là cuộc chiến của người phương Tây nhưng Thủ tướng Maliki bị đổ hết trách nhiệm, thậm chí trong một cuộc phỏng vấn với Christiane Amanpour tháng trước, ông cựu đại sứ Mỹ tại Iraq khi bị quay rằng “các ông tạo ra ông ấy mà” đã ngập ngừng trả lời đại ý “ông ấy được bầu lên và ở thời đại này, chúng ta không còn có thể làm một coup d’etat (đảo chính) như hồi thập niên 1950 được nữa”.
Nhớ tới lời của thủ tướng Anh Winston Churchill khi tổng kết về chính trị thế giới: “Quốc gia không có bạn, quốc gia chỉ có quyền lợi”, chúng ta đành phải tin rằng tiêu chuẩn kép là điều hiển nhiên, vì nhìn từ quyền lợi thì sẽ khó có công lý giống nhau cho mọi người.
Tính hai mặt trong đời sống
Trong đời sống thường ngày cũng thế, dù luôn cưỡng lại song tôi thấy mình nhiều lúc xuôi theo tiêu chuẩn kép. Khi đọc bài điều tra về nạn buôn thận, tôi xót xa cho người bán thận, căm phẫn kẻ môi giới, rồi có phần oán trách người mua thận “vì mình mà hại mấy người trẻ đang lành mạnh…”.
Nhưng khi tự hỏi nếu ở vào hoàn cảnh cận kề cái chết, khổ đau vì cột cuộc đời bên chiếc máy chạy thận, tôi có dám nói không khi ai đó đề nghị bán thận cho mình không?
Dù ghét tham nhũng, hối lộ và cuộc đời cũng không có quá nhiều nhu cầu để phải chạy chọt, nhưng tôi có dám nói rằng từ trước tới nay mình chưa hề nhờ vả này nọ để giành ưu thế không công bằng và quyết sống không thực hiện hành vi mình ghét ấy không?
Tôi không chắc khi nhớ đến những lần bị thổi phạt trên đường, những lần chen chúc phờ phạc trong bệnh viện, rồi chuyện này nọ không quá lớn nhưng rất cần “sức mạnh của sự quen biết”.
Nhớ hồi trước năm 1975, khi còn học ở trung học đệ nhất cấp (như cấp II hiện nay), tôi đã luôn tự hỏi: lớn lên mình có tham nhũng không? Xã hội quanh tôi lúc đó đầy rẫy tham nhũng nhưng chúng tôi ý thức và luôn tự đấu tranh với điều này. Kết luận ngây thơ lúc ấy là: mình sẽ học khoa học hay làm ăn chứ không vào công chức để vướng đường tham nhũng.
Sau ngày 30-4-1975, khi đoàn quân cách mạng rầm rập tiến vào Sài Gòn, cảm giác về họ có thể khác nhau tùy người, nhưng ai cũng thừa nhận một điều: đó là một đoàn quân cách mạng, sạch sẽ và lý tưởng. Không hề thấy ở đâu việc tơ hào vật chất dù ở ngay giữa Sài Gòn lộng lẫy xa hoa.
Một người lính quê Thanh Hóa đóng gần nhà tôi – trong khu Mạc Đĩnh Chi sang trọng – chỉ có mỗi một ước nguyện: mua một con búp bê nhựa và nhanh chóng rời chốn phồn hoa này về quê để gặp mặt con.
Hình ảnh dung dị mà thật đẹp, y như cảnh tráng sĩ rửa gươm dưới ánh trăng để gác kiếm sau khi hoàn thành công việc và quay về quê nhà mà tôi đã đọc trong các áng thiên cổ hùng văn.
Đi tìm một thái độ sống đàng hoàng
Theo một nghĩa nào đó có thể nói rằng thời của người quân tử đã qua rồi. Những công thức để thành kẻ trượng phu kiểu: “Quân tử nhất ngôn” (Người quân tử chỉ nói một lời) hay “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Một lời nói ra, bốn con chiến mã cũng không đuổi kịp, nên phải giữ lời vì nói ra là không nuốt lời được) nay đã không còn được coi trọng.
Không hẳn vì con người xấu đi mà có lẽ do cuộc đời phức tạp hơn, khó lường định và khó giữ lời hơn. Hoặc cái giá phải trả cho một hành động ngày càng lớn nên người ta phải thỏa hiệp, phải tương nhượng, từ đó người ta thay đổi. Khi người ta đổi thay, tiêu chuẩn cam kết một thời cũng đổi thay theo. Tiêu chuẩn kép từ đó mà hình thành.
Nhưng nói gì thì nói, nếu chúng ta không còn thấy buồn, thấy chua xót khi nghe những ý kiến sau của các nhà tư tưởng: “Đối với người quyền lực, tội ác là cái mà người khác làm” (Cái mình làm chả bao giờ… ác), phát biểu của nhà triết học chính trị Noam Chomsky. Hay “Thực hiện những điều hung bạo với một lương tâm trong sạch là một hạnh phúc đối với các nhà đạo đức.
Con người tạo ra địa ngục từ đó”, ý kiến của nhà triết học Bertrand Russell…, thì tấm lòng chúng ta đã trở nên chai đá vì tính thực dụng rồi. Và phổ quát hơn, nếu chúng ta buông xuôi, ngừng các nỗ lực vun trồng một nguyên tắc chung, không kép, không hai mặt thì xã hội của chúng ta sẽ dựa vào điều gì mà tiến lên.
Bốn chữ “quang minh chính đại” khi bị tháo xuống khỏi chốn công đường, thì khi bước vào đó người công dân sẽ tin vào điều gì?
Như dân gian thường hay đùa: “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại/Quân tử… nói lại là quân tử khôn”, chúng ta chắc luôn phải tự vấn, tự trào như các bậc tiền bối thường làm để thấy mình không luôn đúng, để thấy mình đang dần sai, mình không mãi sở hữu chân lý, từ đó sẵn sàng một tâm thái chuẩn bị để canh tân.
Tại Iraq, Đức Giáo Hoàng tưởng nhớ Các Vị Tử Đạo Iraq, cho hay bạo lực bất tương hợp với tôn giáo
Nữ ký giả Inés San Martín của tạp chí Crux, ngày 5 tháng 3, khi tường thuật chuyến tông du Iraq của Đức Phanxicô, đã cho hay:

Bên cạnh các bức ảnh của 48 vị tử đạo Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Sáu đã định nghĩa các ngài như một lời nhắc nhở rằng việc kích động chiến tranh và bạo lực không phù hợp với giáo huấn tôn giáo chân chính.
Trong cuộc họp với các giám mục, tu sĩ và giáo lý viên tại Nhà thờ Đức Mẹ Cứu rỗi ở Baghdad, Đức Phanxicô nói rằng cái chết của các vị tử đạo vào ngày 31 tháng 10 năm 2010, “là một lời nhắc nhở rằng việc kích động chiến tranh và bạo lực không phù hợp với giáo huấn tôn giáo chân chính”.
Đức Hồng Y Louis Sako, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Chaldean, thúc giục Đức Giáo Hoàng nhanh chóng phong hiển thánh cho họ, nghĩa là công khai thừa nhận rằng 48 người Công Giáo bị 5 kẻ khủng bố sát hại trong Thánh lễ đã bị sát hại vì odium fidei, nghĩa là vì lòng căm thù đức tin.
Hai trong số những vị bị sát hại là các linh mục trẻ, cùng với một số trẻ em và một phụ nữ mang thai.
Đức Hồng Y Sako nói, “Bất kể điều gì đã xảy ra với chúng con và nỗi đau của chúng con, chúng con vẫn kiên trì trong đức tin, sự thanh thản tâm linh và tình liên đới huynh đệ của chúng con, với tất cả các nhà thờ đã cố gắng hết sức trong việc gần gũi với những người bị thương, để giúp đỡ họ và xoa dịu nỗi đau của họ”.
Đức Phanxicô cũng nói rằng ngài muốn tưởng nhớ tất cả các nạn nhân của bạo lực và bách hại, bất kể họ thuộc nhóm tôn giáo nào, điều mà ngài sẽ làm vào thứ Bảy, khi ngài đến thành phố Ur, nơi sinh của Abraham, cha của các tín hữu. Tại đó, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo đang hiện diện ở Iraq, để tuyên bố “xác tín của chúng ta rằng tôn giáo phải phục vụ chính nghĩa hòa bình và thống nhất giữa tất cả con cái của Thiên Chúa”.
Đức Phanxicô nói, “Tối nay, tôi muốn cảm ơn anh chị em đã nỗ lực trở thành những người kiến tạo hòa bình, trong cộng đồng của anh chị em và với tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác, bằng cách gieo hạt giống hòa giải và chung sống huynh đệ vốn có khả năng dẫn đến sự tái sinh niềm hy vọng cho mọi người”.
Cuộc tấn công năm 2010 kéo dài hơn bốn giờ, cho đến khi cảnh sát đột kích vào nhà thờ. Tại thời điểm này, những kẻ khủng bố đã tự nổ tung. Chúng không bao giờ được nhận diện chính thức.
Các cha Thaer Saadulla Abdal, 32 tuổi và Waseem Sabih Kas Boutros, 27 tuổi, đã được truyền chức lần lượt vào năm 2006 và 2007, trong cùng một nhà thờ chính tòa nơi họ chịu tử đạo.
Phía sau bàn thờ trên bức ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh bồng Chúa Giêsu là ảnh các vị tử đạo, đứng quanh cây thánh giá màu đỏ, biểu thị máu họ đổ ra. Trên mái nhà và sàn nhà, các ô vuông bằng kim loại và đá granit đánh dấu những nơi tìm thấy thi thể của các vị.
Ở bình diện giáo phận, ở Baghdad, án tử đạo của họ đã kết thúc năm 2019 khi nó được gửi đến Rôma. Trong chuyến bay từ Ý đến Iraq hôm thứ Sáu, Đức Phanxicô đã nhận được một cuốn sách biên soạn câu chuyện về các vị tử đạo này.
Đức Phanxicô nói, Nhà thờ chính tòa được “mang hào quang nhờ máu của các anh chị em của chúng ta, những người, ngay ở đây, đã trả cái giá tối hậu cho lòng trung thành với Chúa và với Giáo hội của Người”.
Ngài nói: “Cầu mong ký ức về sự hy sinh của các ngài sẽ gợi hứng để chúng ta đổi mới niềm tín thác của chúng ta vào sức mạnh của thập giá và sứ điệp cứu rỗi của nó về sự tha thứ, hòa giải và tái sinh. Vì các Kitô hữu được kêu gọi làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô mọi lúc và mọi nơi”.
Đức Giáo Hoàng được chào đón vào một nhà thờ chỉ đầy một nửa để bảo đảm sự gián cách xã hội, nhưng giọng hú réo của các phụ nữ có mặt đã tạo ra cảm giác rằng nhà thờ đã chật cứng. Trước khi vào trong, ngài đã dành vài phút để chào hỏi những người khuyết tật ở cửa ra vào.
Ngài nói, gian khổ là một phần trong kinh nghiệm hàng ngày của các tín hữu Iraq, lưu ý rằng trong những năm gần đây, họ đã phải đối phó với những hậu quả của chiến tranh và bách hại, cũng như sự mong manh của cơ sở hạ tầng cơ bản và cuộc đấu tranh kinh tế “thường xuyên dẫn đến đến những cuộc di tản trong nước và sự di cư của nhiều người, bao gồm các Kitô hữu, đến những nơi khác trên thế giới”.
Đức Phanxicô cũng mời gọi những người có mặt đừng “bị lây nhiễm bởi vi-rút chán nản,” có thể lây lan “khắp nơi xung quanh chúng ta,” vì Thiên Chúa đã ban cho các tín hữu một “liều vắc-xin hữu hiệu” chống lại nó: niềm hy vọng phát sinh từ sự cầu nguyện bền bỉ và lòng trung thành với các việc tông đồ”.
Ngài nói: “Với vắc-xin này, chúng ta có thể ra đi với sức mạnh đổi mới, để chia sẻ niềm vui của Tin Mừng như những môn đệ truyền giáo và những dấu hiệu sống động của sự hiện diện của vương quốc thánh thiện, công bằng và hòa bình của Thiên Chúa”.
Khi nói chuyện với các giám mục, ngài kêu gọi các ngài sống gần gũi với các linh mục của mình, để họ không coi các ngài như những nhà cai trị hay quản lý mà là “những người cha thực sự”, lo lắng cho phúc lợi của các linh mục được giao phó cho các ngài chăm sóc, sẵn sàng hỗ trợ và khuyến khích họ.
Nói chuyện với các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên và chủng sinh, ngài kêu gọi họ can đảm và nhiệt thành loan báo Tin Mừng, không bị tiêu hao bởi yếu tố “hành chính” trong các nhiệm vụ của họ, nghĩa là, không dành toàn bộ thời gian cho các buổi nhóm họp hoặc sau bàn làm việc, để thay vào đó đồng hành với các tín hữu.
Ngài nói: “Hãy là những mục tử, đầy tớ của dân, không phải là công chức”.
Tổng hợp án tử đạo của 48 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố đã mất hơn 9 tháng để nghiên cứu. Các thông tin về mỗi vị đều khác nhau, và có hai vị mà án tử đạo chỉ có tên và sự hiện diện mà thôi.
Việc Baghdad mất 2/3 dân số Công Giáo trong hai thập niên qua, do họ bị giết hoặc buộc phải chạy trốn, khiến cuộc điều tra trở nên phức tạp hơn. Nhiều thành viên trong các gia đình của những người bị giết, những người thường được phỏng vấn cho án phong thánh, đang sống như những người tị nạn, hoặc không muốn hoặc không thể được nhận diện.
Các nhân chứng đến từ khắp nơi: Lebanon, Pháp, Canada, Úc và cả Baghdad nữa. Hầu hết kể từ đó đã chạy trốn khỏi đất nước của họ, một trong những cái nôi của Kitô giáo. Nhiều người trong số họ nói rằng những kẻ khủng bố, khi bóp cò súng hoặc trước khi kích hoạt thắt lưng chất nổ mà chúng mang theo, đã hét lên “Allahu Akbar”, có nghĩa là “Thiên Chúa vĩ đại”.
Khi quyết định mở án tử đạo, Đức Tổng Giám Mục Yousif Abba, Tổng Giám mục Công Giáo Syriac của Bagdad, đã dự tính chỉ theo đuổi án phong thánh cho hai linh mục, vì Giáo hội đã có đủ thông tin về họ. Nhưng cuối cùng, tất cả đều được bao gồm vì tất cả đều chết vì cùng một nguyên do: Họ đang tham dự Thánh lễ.
Tất cả những người mất mạng đều làm như vậy trong nhà thờ. Nhiều người bị thương nặng và phải nhập viện, nhưng đã sống sót. Ước tính có khoảng 50 người đã ẩn náu trong phòng áo nhà thờ cùng với một linh mục lớn tuổi và một phụ nữ mang thai bị trọng thương trước khi đến nơi ẩn náu an toàn. Một nhóm khoảng 20 người đã tìm thấy nơi ẩn náu ở giếng rửa tội. Họ cũng đã được cứu.
Giới thiệu Giáo hội và đất nước Iraq
Nhân chuyến viếng thăm Iraq của Đức Thánh Cha, Vatican News đã đưa ra một tổng quan về tình trạng Giáo hội và đất nước Iraq.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đầu tiên của một vị Giáo Hoàng đến Iraq từ ngày 5 đến ngày 8 tháng Ba. Chúng tôi xin trình bày một cái nhìn tổng thể về các cộng đồng Kitô Giáo cổ xưa và đa dạng của quốc gia này, hoàn cảnh và những thách đố họ phải đối diện.
Kitô Giáo đã có mặt ở Iraq từ những thời kỳ đầu tiên, như sách Công vụ Tông đồ đã làm chứng. Nguồn gốc của Kitô Giáo tại quốc gia này bắt nguồn từ việc rao giảng của Thánh Tôma Tông đồ và các môn đệ của ngài là Addai và Mari vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giáng Sinh, kéo dài đến Đông Á. Do đó, theo Kinh Thánh và lịch sử, Iraq là một vùng đất quan trọng đối với tất cả Kitô hữu, những người đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của Iraq.
Lịch sử bị ngược đãi và phân biệt đối xử
Cộng đồng Kitô Giáo Iraq, ngày nay bao gồm người Chanđê, người Assyriô, người Armenia, người Latinh, người Melkite, Chính thống giáo và người Tin lành, đã bị đánh dấu bởi sự đàn áp và phân biệt đối xử kể từ khi Hồi giáo xuất hiện và thậm chí sau khi Iraq độc lập. Dưới chế độ thế tục của Saddam Hussein, các Kitô hữu đã tìm ra một phương thức cho phép Giáo hội thực hiện các hoạt động của mình, cũng như trong lĩnh vực bác ái. Tuy nhiên, vào thời điểm đó – đặc biệt là sau khi các cuộc chiến tranh liên tiếp bắt đầu vào những năm 1980 – ngày càng nhiều người các tín hữu Kitô Iraq bắt đầu di cư thành lập một số cộng đồng ở nước ngoài.
Những con số lao dốc. Cuộc di cư sau năm 2003 và giữa năm 2014 và 2017
Cuộc di cư lớn nhất xảy ra sau cuộc can thiệp quân sự do Hoa Kỳ dẫn đầu vào năm 2003, do mất an ninh, bạo lực và các cuộc tấn công và đặc biệt từ năm 2014 đến năm 2017, sau khi quân khủng bố Hồi Giáo IS thành lập “Nhà nước Hồi giáo” ở phía bắc Iraq.
Trước Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai, các tín hữu Kitô Iraq ước tính có từ 1 đến 1.4 triệu (khoảng 6% dân số). Kể từ đó, dân số Kitô Giáo đã giảm xuống chỉ còn 300,000 đến 400,000, theo ước tính gần đây nhất của tổ chức tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN.
Từ năm 2003 đến tháng 3 năm 2015, khoảng 1,200 Kitô hữu đã bị giết, bao gồm Đức Tổng Giám Mục Paulos Rahho của tổng giáo phận Mosul nghi lễ Chanđê, người bị sát hại vào năm 2008, 5 linh mục và 48 anh chị em giáo dân bị thánh chiến Hồi Giáo xả súng thảm sát ở Nhà thờ Đức Mẹ Giải Thoát ở Baghdad vào ngày 31 tháng 10 năm 2010 và 62 nhà thờ bị hư hại hoặc phá hủy.
Việc IS chiếm đóng vùng đồng bằng Ninivê, vốn là cái nôi của Kitô Giáo vùng Lưỡng Hà, đã khiến khu vực này của người Kitô Giáo bị xóa sổ theo đúng nghĩa đen. Hơn 100,000 người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ cùng với các nhóm thiểu số bị bách hại khác như người Yazidi. Nhiều gia đình trong số này đã tìm thấy nơi ẩn náu trong vùng Kurdistan ở Iraq, cụ thể là ở Ankawa, là khu Kitô Giáo của Erbil, hay trong các trại tị nạn ở Jordan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Libăng, hoặc xin tị nạn ở Âu Châu và các nước khác. Trong những năm gần đây, ít nhất 55,000 Kitô hữu Iraq cũng đã rời Kurdistan. Nhiều nhà thờ và tài sản của Kitô hữu cũng bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. Một phần quan trọng của di sản lịch sử Kitô Giáo đã được Đức Tổng Giám Mục Najib Mikhael Moussa của tổng giáo phận Mosul nghi lễ Chanđê cứu khỏi bị phá hủy. Ngài đã lưu giữ hơn 800 bản thảo lịch sử và vì điều này, vào năm 2020, ngài đã được Liên minh Châu Âu trao tặng Giải thưởng Sakharov.
Tình trạng bất an và chủ nghĩa bè phái là mối đe dọa liên tục đối với những Kitô hữu ở Iraq
Sau thất bại quân sự của Nhà nước Hồi Giáo ở Iraq vào năm 2017, các Kitô hữu Iraq đã dần dần bắt đầu quay trở lại vùng đồng bằng Ninivê, với sự giúp đỡ của Giáo hội hoàn vũ và đặc biệt là của tổ chức tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ. Ngày nay, gần 45% Kitô hữu của Ninivê đã trở về nhà của họ, trong khi 80% các nhà thờ ở đồng bằng Ninivê đang trong quá trình xây dựng lại, ngoại trừ Mosul, do các vấn đề về giấy tờ hành chính.
Cho đến nay, khoảng 57% các ngôi nhà bị hư hại của các gia đình Kitô hữu trong vùng và nằm trong kế hoạch tái thiết đã được sửa chữa, 35% trong số đó với sự hỗ trợ tài chính của ACN. Tổ chức này cũng đã tạo điều kiện thành lập Ủy ban Tái thiết Ninivê với mục đích khuyến khích các Kitô hữu quay trở lại cộng đồng của họ và bảo đảm cho họ cũng như các nhóm thiểu số khác được bảo vệ.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu an ninh và các cuộc quấy rối, đe dọa và các hành động quấy rối liên tục của dân quân địa phương và các nhóm thù địch tiếp tục đe dọa cộng đồng Kitô hữu Iraq, đặc biệt là ở khu vực này. Điều này đã được xác nhận bởi Báo cáo “Cuộc sống sau ISIS: Những thách thức mới đối với Kitô Giáo ở Iraq”, được công bố vào mùa thu năm 2020 bởi ACN, và “Open Doors”, một tổ chức Kitô giúp đỡ những Kitô hữu bị đàn áp trên khắp thế giới. Open Doors cũng đã quảng bá sáng kiến “Trung tâm Hy vọng” ở Iraq.
Khát vọng có đầy đủ quyền công dân ở một Iraq hòa bình và đa nguyên
Tình trạng mất an ninh, bất ổn chính trị, chủ nghĩa bè phái, còn được đi kèm với nạn tham nhũng và khủng hoảng kinh tế, vốn đã trở nên tồi tệ hơn với đại dịch COVID-19, tiếp tục ngăn trở các Kitô hữu quay trở lại hoặc ở lại đất nước mình. Để bảo đảm tương lai của họ ở một Iraq thống nhất và không có thánh chiến, trên hết họ cần được công nhận quyền công dân đầy đủ của mình. Đây là lý do tại sao các Giáo Hội Kitô từ lâu đã khăng khăng đòi một Hiến pháp thế tục và một vai trò tích cực hơn trong đời sống chính trị và xã hội Iraq. Bản Hiến Pháp được thông qua năm 2005 chính thức bảo đảm việc tôn trọng tự do tôn giáo, nhưng Điều 2 lại thực sự xác định Hồi giáo là quốc giáo chính thức và là căn cứ chính yếu để hình thành luật pháp. Hồi giáo tiếp tục là một tôn giáo đặc quyền trong hệ thống Iraq gây bất lợi cho các nhóm thiểu số.
Đức Thượng Phụ Louis Raphaël Sako của Công Giáo nghi lễ Chanđê đã nhiều lần nêu vấn đề này, nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc đối thoại cởi mở giữa tất cả các bên liên quan để xây dựng một Nhà nước đa nguyên và mạnh mẽ, tôn trọng mọi công dân, bất kể tôn giáo và dân tộc của họ. Điều này cũng được nhắc lại tại Thượng Hội Đồng cuối cùng của Giáo hội Chanđê vào tháng 8 năm 2019, kêu gọi một Nhà nước dựa trên “bình đẳng, công lý, luật pháp” công nhận sự đại diện công bằng cho các Kitô hữu trong các cơ quan chính phủ.
Các Giáo hội Iraq đã tìm thấy sự hỗ trợ về những vấn đề này từ Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi. Kể từ khi lên nắm quyền vào ngày 7 tháng 5 năm 2020, ông al-Kadhimi đã nhiều lần bày tỏ mong muốn ngăn chặn cuộc di cư của những người theo Kitô Giáo và lôi kéo họ vào việc xây dựng lại đất nước, nhấn mạnh rằng họ đại diện cho một thành phần quan trọng của xã hội Iraq. Những lời này đã được đi kèm với hành động. Một cử chỉ quan trọng là Quốc hội Iraq gần đây đã tiến hành công nhận Giáng sinh là một ngày lễ chung trên toàn quốc trên cơ sở cố định. Gần đây hơn, ngay cả thủ lĩnh người Shiite là ông Muqtada al Sadr, người đứng đầu Đảng Sadrist đầy quyền lực, đã thể hiện sự sẵn sàng đối thoại với cộng đồng Kitô Giáo Iraq, bằng cách trả lại những tài sản bị các nhóm Shiite đánh cắp trong nhiều năm qua cho chủ sở hữu hợp pháp của họ.
Mối quan tâm của Tòa thánh đối với các Kitô hữu ở Iraq
Hoàn cảnh của các Kitô hữu ở Iraq luôn được Tòa thánh quan tâm đặc biệt, nhất là kể từ sau cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai năm 2003, mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kịch liệt phản đối, như ngài đã làm vào năm 1991. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 16 tháng Ba, 2003, vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan đã cảnh báo về “những hậu quả to lớn mà một hoạt động quân sự tầm mức quốc tế sẽ gây ra cho người dân Iraq và cho sự cân bằng trong khu vực Trung Đông, và cho các hành động cực đoan có thể xuất phát từ đó”. Đức Giáo Hoàng hoàn toàn nhận thức được những hậu quả mà cuộc xung đột vũ trang lần thứ hai này sẽ gây ra đối với các cộng đồng Kitô Giáo ở Iraq và khắp khu vực.
Việc thành lập Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria vào năm 2014 càng khiến tình hình của họ thêm trầm trọng. Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã không ngừng nói lên sự gần gũi của mình “với những người Iraq thân yêu”. Mối quan tâm này đã được tái khẳng định bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, nhân chuyến công du tới quốc gia này vào tháng 12 năm 2018. Trong chuyến thăm của mình, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc vượt qua hận thù và bày tỏ lòng biết ơn của Giáo hội đối với chứng tá Kitô của người Iraq mà – ngài nói – đã trở thành “một tấm gương sống động cho tất cả các Kitô hữu trên thế giới”.
Vào ngày 10 tháng 6 năm 2019, trong cuộc họp mặt của các Cơ quan Viện trợ cho các Giáo Hội Đông phương, gọi tắt là ROACO, khi bày tỏ mong muốn đến thăm Iraq vào năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại hy vọng rằng Iraq “có thể đối mặt với tương lai thông qua việc theo đuổi lợi ích chung một cách hòa bình và được chia sẻ từ phía tất cả các thành phần của xã hội, bao gồm cả tôn giáo”
Tầm quan trọng của việc duy trì sự hiện diện lịch sử của các tín đồ Kitô Giáo ở quốc gia này và nhu cầu bảo đảm an ninh cho họ và một vị trí trong tương lai của Iraq một lần nữa được nhấn mạnh nhân chuyến thăm chính thức Vatican lần thứ hai của Tổng thống Barham Salih, vào ngày 25 tháng Giêng, 2020, tập trung vào những thách thức mà đất nước phải đối mặt và tầm quan trọng của việc thúc đẩy ổn định và quá trình tái thiết.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh về sự cần thiết phải bảo vệ “sự hiện diện của Kitô Giáo” ở Iraq và trong toàn bộ khu vực trong cuộc họp trực tuyến về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria và Iraq do Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện của Tòa Thánh tổ chức với hàng chục tổ chức phi chính phủ và Công Giáo, vào ngày 10 tháng 12 năm 2020. “Chúng ta phải làm việc để bảo đảm rằng sự hiện diện của Kitô hữu ở những vùng đất này tiếp tục là những gì nó đã luôn là: một dấu chỉ của hòa bình, tiến bộ, phát triển và hòa giải giữa các dân tộc”, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lập trường trên trong một thông điệp video kêu gọi cộng đồng quốc tế khuyến khích sự trở lại của các cộng đồng bị phân tán vì chiến tranh.
Trong bối cảnh đó, việc công bố vào ngày 7 tháng 12 năm 2020 về hành trình tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Giáo hội Iraq nhiệt liệt hoan nghênh. Chuyến đi của Đức Giáo Hoàng sẽ diễn ra 21 năm sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bày tỏ mơ ước được đến thăm quốc gia này, nhân dịp hành hương Năm Thánh 2000 của ngài theo bước chân của Tổ Phụ Abraham, Môisê, Chúa Giêsu và Thánh Phaolô. Chuyến đi đã bị hủy bỏ do tình hình chính trị ở Iraq.
Các con số thống kê về quốc gia Iraq
Theo thống kê vào tháng 7, 2020, Iraq có 39,650,000 dân trên một diện tích là 438,317 km2 trong đó có 950 km2 là lãnh hải, xếp thứ 60 trên thế giới. 69.36% dân số sống trong các thành thị và 30.64% sống trong các vùng nông thôn. Tỉ lệ người nhập cư ước tính 1.0% dân số.
Mức độ tham nhũng của các công chức trong bộ máy công quyền (Level of Public Corruption) đứng hàng 166. Để so sánh, các quốc gia có mức độ tham nhũng của các công chức trong bộ máy công quyền cao nhất thế giới, tức là xếp hạng 176 là Bắc Hàn, Yemen, Nam Sudan, và Somalia. Việt Nam đứng hàng 117. Trung Quốc xếp thứ 87.
Trung bình một phụ nữ Iraq có từ 4 đến 5 đứa con.
Số trẻ em không sống quá 5 tuổi lên đến 3.20%
Tuổi thọ trung bình 70 tuổi.
Tỷ lệ biết đọc biết viết là 79.25%
Số người dùng Internet chiếm 11%
Bình quân thu nhập đầu người là 6,500 Mỹ Kim.
Các con số thống kê về Giáo Hội Iraq
Tại Iraq, chúng ta có các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh, Chanđê, Armenia, Syria, và Melkite. Các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê, Armenia, Syria, và Melkite đều hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh.
Tổng cộng tại Iraq có 17 giáo phận và tổng giáo phận, trong đó có một tổng giáo phận Công Giáo Latinh ở Baghdad, 10 giáo phận và tổng giáo phận theo nghi lễ Chanđê, bốn giáo phận theo nghi lễ Syria, một giáo phận nghi lễ Armenia, và một giáo phận theo nghi lễ Melkite.
Tổng giáo phận Công Giáo Latinh ở Baghdad do Đức Tổng Giám Mục Jean Benjamin Sleiman, 74 tuổi cai quản bao gồm 3 giáo xứ, với 11 linh mục dòng, 11 linh mục triều, 171 nữ tu và 13 nam tu sĩ không có chức linh mục. Tổng cộng có khoảng 2,500 người Công Giáo.
Theo niên giám 2019 trong đó tính chung tất cả các nghi lễ, tổng cộng có 145 linh mục, 345 nữ tu, 124 giáo xứ. Giáo Hội điều hành 8 bệnh viện Công Giáo.
Source:Vatican News
Iraq: An overview of the Church and of the country’s Christian communities
Recent Comments