Người trước tiên gặp Chúa Giêsu sống lại
Kinh Cầu Chịu Nạn, thường được một số giáo phận Việt Nam đọc, quả quyết đó là Đức Mẹ: “Chúa Giêsu sống lại trước hết đi viếng Đức Mẹ. Thương xót chúng con”. Có điều, rất nhiều Kinh Cầu Chịu Nạn được “Google” liệt kê (ít nhất hơn 10 kinh) không có câu này. Và câu quả quyết này dường như không đúng với Thánh Kinh. Quả vậy, Tin Mừng Matthêu 28: 9-10 tuy không dùng chữ trước tiên, nhưng những người đầu tiên được Tin Mừng này tường thuật đã gặp Chúa Giêsu Phục Sinh là bà Maria Mađalêna và “một bà khác cũng tên là Maria”. Tin Mừng Máccô 16: 9 minh nhiên dùng chữ trước tiên và thu gọn số người hơn, vì trong số ba phụ nữ được thấy ngôi mộ trống (Maria Mađalêna, Maria mẹ Giacôbê và Salomê), Maria Mađalêna là người đầu tiên được gặp Chúa Phục Sinh: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mađalêna”. Tin Mừng Gioan (20:11-18) cũng ngầm cho thấy Maria Mađalêna là người đầu tiên diện kiến với Chúa Phục Sinh. Tin Mừng Luca tuy có kể tên Maria Mađalêna vào số những người đầu tiên thấy ngôi mồ trống nhưng lại không quả quyết bà là người đầu tiên gặp Chúa Phục Sinh, vinh dự ấy dành cho hai môn đệ trên đường Emmau; hai môn đệ này gần như “vô danh tiểu tốt” tuy một người được nêu tên là Cơlêôpát (24:13-18).
Mađalêna trước tiên
Như thế, khi tường thuật đầu tiên hay khi nói về người đầu tiên được gặp Chúa Phục Sinh, ít nhất có ba sách Tin Mừng quả quyết đó là bà Maria Mađalêna. Tin Mừng Máccô chú thích rõ bà là “kẻ đã được Người trừ khỏi bẩy quỉ” (Mc16:9). Tư cách này được Tin Mừng Luca nhắc đến ngay trong giai đoạn đầu thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu (Lc 8:2). Các học giả ngày nay đều cho rằng việc đồng hóa bà với người đàn bà tội lỗi từng vào nhà người Biệt Phái và rửa chân Chúa Giêsu bằng nước mắt của mình rồi lấy tóc mà lau và xức dầu lên (Lc 7:36-50) là thiếu bằng chứng. Sự lẫn lộn này phải chăng là vì sau khi tường thuật biến cố trên, Thánh Luca đã giới thiệu ngay tới bà Maria Mađalêna?
Dù sao, người đàn bà từng bị xã hội Do Thái coi thường ấy đã là người đầu tiên được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh và được Người trao sứ mệnh loan báo cho các Tông Đồ tin mừng đáng kể nhất trong mầu nhiệm Chúa Kitô, một tin mừng mà không có nó, Thánh Phaolô cho rằng đức tin của ta hoàn toàn thiếu cơ sở. Việc trao phó này, theo các nhà thần học, đã biến Maria Mađalêna thành “Tông Đồ của các Tông Đồ”, đánh đổ hoàn toàn quan niệm cho rằng Kitô Giáo là thành trì trọng nam khinh nữ. Theo Daniel J. Harrington S.J (The Truth about Jesus and Women), một học giả Thánh Kinh, Chúa Giêsu là con người của thời đại. Giống như bất cứ người Do Thái ngoan đạo nào khác, Người cũng biết phản ảnh nền văn hóa đương đại của dân tộc mình. Nên nói rằng Người duy nữ thì hơi quá đáng. Gia đình nuôi dưỡng Người, tức Thánh Gia, chắc chắn là gia đình trong đó người chồng đứng đầu gia hộ, và vợ con tùng phục ông. Làm khác đi, sẽ bị coi là lệch lạc về phương diện xã hội.
Ấy thế nhưng so với các lãnh tụ tôn giáo đương đại, Người hết sức cởi mở đối với sự tham dự của phụ nữ vào phong trào của mình: Người mạnh bạo dành chỗ đứng và sự nổi bật cho phụ nữ trong đời sống và trong sự nghiệp của Người. Mẹ Người được nhắc đến nhiều trong đời sống của Người nhất là lúc đầu và lúc cuối. Các nữ môn đệ cũng được nhắc đến ngay trong thừa tác vụ công khai của Người. Nhiều người được nêu đích danh, tháp tùng Người cùng các môn đệ đi khắp nơi, từ Galilê tới Giêrusalem. Về điểm này, Harrington nhận định rằng: trong ngữ cảnh Do Thái Giáo vào thế kỷ thứ 1, hiện tượng một rabbi và nam môn đệ của ông được các phụ nữ không phải là vợ mình tháp tùng đây đó khắp nơi quả là một gương mù gương xấu. Không lạ gì đã có những người mô tả Maria Mađalêna như người tình của Đức Kitô.
Nhất là trong cuộc khổ nạn của Người, khi các nam môn đệ “bỏ trốn đi hết”, thì sự hiện diện để làm chứng của các nữ môn đệ, những người như Maria Mađalêna, Maria mẹ Giacôbê và Salômê, đã cố tình được làm sáng lên hơn bao giờ hết. Các chi tiết Khổ Nạn và Phục Sinh được ghi lại đầy đủ trong 4 Tin Mừng còn là của ai khác ngoài các phụ nữ này? Bởi thế, dù không nói ra, tất cả các Tin Mừng đều mặc nhiên công nhận vai trò “Tông Đồ của Các Tông Đồ” của họ. Tuy nhiên, theo Harrington, không ai xứng với danh hiệu này bằng Maria Mađalêna, bởi chính bà là người đầu tiên loan báo tin vui Phục Sinh cho các Tông Đồ vì bà là người trước tiên được gặp gỡ và nhận sứ mệnh từ Chúa Giêsu Phục Sinh.
Ít nhất, đó cũng là chủ trương của Thánh Tôma Aquinô. Trích dẫn Máccô 16:9, Tiến Sĩ Thiên Thần cho rằng người trước tiên được gặp Chúa Phục Sinh chính là Maria Mađalêna (Xem ST III, q.55, a.2, sed contra). Đàng khác, có một truyền thống lâu đời, ít nhất là từ thời Chân Phúc Bede (qua đời năm 375), vốn tin Maria Mađalêna là người trước tiên được gặp Chúa Phục Sinh. Vị chân phúc này viết: “Một người phụ nữ đã khởi đầu việc phạm tội. Một người phụ nữ đã nếm mùi chết chóc trước tiên, nhưng nơi Mađalêna, người phụ nữ đã thấy phục sinh trước nhất” (Linh Mục Cornelius a Lapide trích dẫn). Ngoài ra, ca tiếp liên Phục Sinh Victimae paschale laudes cũng đã hát rằng: “Dic nobis Maria, quid vidisti in via” (Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi hay bà đã thấy gì trên đường). Maria đây là Maria Mađalêna, chứ không phải Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Chính Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo năm 1992 dường như cũng có cùng một chủ trương khi cho rằng: “Maria Mađalêna và các phụ nữ thánh thiện… là những người trước tiên gặp Chúa Phục Sinh” (số 641).
Có người còn mang lý chứng thần học để cho rằng trước cuộc gặp gỡ Maria Mađalêna, Chúa Kitô chưa gặp ai cả, nhất là Mẹ Maria của Người, vì Mẹ của Người không cần một cuộc viếng thăm như thế. Thực vậy, Đức Maria vốn có một niềm tin vững chắc, không lay chuyển vào sự Phục Sinh. Ngài biết chắc và tin chắc Con của ngài sẽ sống lại, nên ngài không cần phải thấy: Phúc cho ai không thấy mà vẫn tin (Ga 20:29). Điều này giải thích được lý do tại sao ngài không ra thăm mồ, lý do đơn giản: vì Chúa Giêsu đâu còn ở đó!
Điểm nữa: Đức Mẹ cũng không cần Chúa Giêsu Phục Sinh viếng thăm để an ủi. Ngài quả thực hết sức âu sầu, nhưng sự âu sầu này không là tiêu chí cho thấy ngài thiếu niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu cũng tràn ngập buồn sầu, dù Người biết Người sẽ sống lại. Cho dù Chúa Giêsu không viếng thăm Đức Mẹ, ta cũng vẫn phải nhận rằng hai Đấng hoàn toàn kết hợp mật thiết với nhau bằng ơn thánh, cái nhìn thể lý không thêm gì hết.
Đức Mẹ trước tiên
Dù thế, nhiều vị thánh và thần học gia vẫn cho rằng trước khi hiện ra với Maria Mađalêna, Chúa Giêsu từng hiện ra với Mẹ Người là Đức Maria rồi. Nhiều tác giả Công Giáo nhắc đến Thánh Ambrose (qua đời năm 397) (xem De Virginitate, 3). Người thứ hai là thi sĩ thế kỷ thứ 5 tên Sedulius (Carmen paschale, v, 360-366). Nhất là vào thời Trung Cổ, các thánh và thần học gia gần như nhất trí với nhau về việc này. Linh Mục Prosper Gueranger liệt kê nhiều kinh phụng vụ và thánh ca, đặc biệt ở Đông Phương, khẳng định việc đó. Các thánh Anselm, Albert Cả, Ignatius thành Loyola, Teresa thành Avila… đều là những vị cho rằng Đức Mẹ là người đầu tiên được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh.
Thánh Ignatius thành Loyola (1491-1556), vị sáng lập của Dòng Tên, trong cuốn Linh Thao, đã khẳng định sự kiện trên và cho rằng: ngay sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với Mẹ Thánh của Người trước nhất. Ngài còn dùng mầu nhiệm này làm bài suy niệm đầu tiên trong 14 bài suy niệm về sự sống lại của Chúa Kitô.
Đức Giáo Hoàng Benedict XIV (1740-58) tuyên bố rằng sự kiện ấy dựa vào “truyền thống được tuyên xưng nơi các công trình kiến trúc và phụng vụ, bắt đầu từ chính Giêrusalem”. Về điểm này, trang mạng http://www.christusrex.org có liệt kê một số hình ảnh phế tích của một vương cung thánh đường ở Giêrusalem, từng bị người Hồi Giáo phá hủy vào năm 1009 AD, và cho hay một khách hành hương tên Daniel đã viếng “một nhà nguyện được dâng kính cho việc Chúa Giêsu hiện ra với Mẹ Người”.
Về phần tín hữu giáo dân, thì việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với Đức Mẹ đầu tiên hoàn toàn được họ chấp nhận trong toàn thể Giáo Hội, coi như một điều hiển nhiên. Như thế thì phải hiểu sao về chữ “trước tiên” trong Tin Mừng Máccô? Đáp câu hỏi này, một số thần học gia, trong đó có Linh Mục Cornelius a Lapide (1567–1637), nhà chú giải Thánh Kinh thời danh của Dòng Tên, thì hạn từ nguyên ngữ Hy Lạp này không có nghĩa một thứ tự thời gian tuyệt đối, mà có tính tương quan, tương đối. Câu Máccô 16:9-10 có thể đọc như sau: đầu tiên Chúa Giêsu hiện ra với Maria Mađalêna, rồi bà đi báo tin cho các Tông Đồ, hay: Chúa Giêsu hiện ra với Maria Mađalêna trước, nghĩa là trước khi hiện ra với các Tông Đồ, chứ không hẳn trước khi Người gặp Đức Mẹ. Nói cách khác, chữ trước tiên ở đây là trước tiên giữa Maria Mađalêna và các Tông Đồ mà thôi.
Lý chứng thần học
Đan viện phụ Gueranger (1805-1875) của Đan Viện Solesmes (Pháp), vị sáng lập viên của Cộng Đoàn này, là tác giả thời danh của bộ Năm Phụng Vụ (15 cuốn), người được Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Piô IX trọng vọng vì đề xướng các tín điều vô ngộ và vô nhiễm thai, là người bênh vực việc Chúa Giêsu Phục Sinh “trước hết đi viếng Đức Mẹ” một cách triệt để. Theo ngài, sau khi phục sinh, trước khi gặp bất cứ phàm nhân nào, Chúa Giêsu vội vàng đi viếng Mẹ Thánh Người trước nhất. Người là Con Thiên Chúa, Đấng chiến thắng sự chết, nhưng Người cũng là Con Đức Mẹ. Đức Mẹ từng đứng gần Người cho đến giờ cuối cùng, kết hợp sự hy sinh của trái tim người mẹ với lễ hy sinh Người dâng trên Thánh Giá: thì theo đức công bằng, ngài phải là người trước nhất dự phần vào niềm vui phục sinh của Con.
Dễ hiểu lý do tại sao Tin Mừng không thuật lại sự kiện ấy như đã tường thuật các vụ hiện ra khác: các vụ hiện ra này cần thiết để chứng minh sự Phục Sinh. Trong khi lý chứng của người mẹ về con mình, theo viện phụ Rupert (1075-1129), không được coi là mạnh mẽ đủ (De divinis officiis, vii, 25; ML, CLXX, 207). Viện phụ đã dựa vào nhiều nhà chú giải để cho rằng tập tục của Giáo Hội Rôma trong việc đặt trạm phục sinh tại Nhà Thờ Đức Bà Cả đã củng cố chủ trương cho rằng người đầu tiên được thấy Chúa Phục Sinh chính là Đức Mẹ
Đa số cho rằng: đối với Đức Mẹ, lại là chuyện khác, chuyện ấy chính là tình âu yếm của người Con đối với Mẹ mình. Cả tự nhiên lẫn ơn thánh đều đòi Chúa Giêsu Phục Sinh viếng Đức Mẹ trước nhất. Và việc này không cần thiết phải được Tin Mừng nhắc đến.
Linh mục John A. Hardon S.J, (1914-2000), Tôi Tớ Thiên Chúa, tin rằng đã có một truyền thống lâu đời chủ trương Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với Mẹ của Người trước nhất. Ngài cũng liệt kê các vị thánh Ambrose, Anselm, Albert Cả, Ignatius thành Loyola, Đức GH Bênêđíctô XIV… như những vị bênh vực niềm tin này. Ngoài ra, theo cha, Phục Sinh còn liên hệ mật thiết với Truyền Tin, được coi như “sự nên trọn của Truyền Tin”, vì các lý do sau đây:
1. Lúc Truyền Tin, Đức Mẹ hoàn toàn tín thác ý mình cho Đấng Quyền Năng; niềm tin ấy được tưởng thưởng khi ngài được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh.
2. Lúc Truyền Tin, Đức Mẹ đại diện cho nhân loại đang cần được Chúa Kitô cứu chuộc; lúc Phục Sinh, ngài đại diện cho anh chị em đã được cứu chuộc của Chúa Giêsu.
3. Lúc Truyền Tin, Đức Mẹ chấp nhận vai trò cùng chịu đau khổ với Chúa Kitô để cứu chuộc thế gian; sau khi Chúa sống lại, ngài dự phần với Người vào niềm vui chiến thắng khôn tả của Người.
4. Lúc Truyền Tin, Đức Mẹ ban cấp thân xác cho Chúa Giêsu để Người tự hiến cho Chúa Cha đời đời của Người; lúc Phục Sinh, ngài khởi đầu sứ mệnh trọng yếu của mình là cầu bầu cùng Con Phục Sinh cho con cái mình (xem Vatican II, Lumen Gentium, số 62).
Tuy nhiên, thế giá lớn nhất thời hiện đại ủng hộ truyền thống coi việc Chúa Phục Sinh “trước nhất đi viếng Đức Mẹ” như chuyện hiển nhiên chính là Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong buổi triều yến chung vào Thứ Tư 21 tháng 5 năm 1997, ngài chính thức lên tiếng “dạy giáo lý” rằng lý do Thánh Kinh “im lặng” không nói tới việc đó “không thể dẫn tới kết luận cho rằng sau khi phục sinh, Chúa Kitô không hiện ra với Đức Maria”.
Theo Chân Phúc Giáo Hoàng, Đức Maria là chứng nhân của toàn bộ mầu nhiệm vượt qua. Sau khi Chúa Giêsu được mai táng trong mồ, ngài là người duy nhất còn lại để duy trì ngọn lửa đức tin, chuẩn bị sẵn để tiếp nhận tin Phục Sinh. Niềm chờ đợi này là một trong những giờ phút cao cả nhất của niềm tin đối với Mẹ Chúa: trong bóng tối dầy đặc đang bao trùm thế giới, ngài hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa hằng sống, và khi nghĩ tới lời của Con mình, ngài hy vọng vào việc các lời hứa thần thánh kia sẽ thành sự thực.
Chân Phúc cho rằng sự im lặng của Tin Mừng nên dẫn ta tới việc tìm hiểu tại sao các thánh sử đã chọn giải pháp này. Ngài bảo: sự im lặng này có thể có nghĩa: những gì cần thiết cho nhận thức cứu rỗi đều đã được ủy thác cho lời lẽ của những người “được Thiên Chúa chọn làm chứng nhân” (Cv 10:41) rồi, nghĩa là các Tông Đồ, các chứng nhân “hết sức mạnh mẽ” (xem Cv 4:33) của Phục Sinh. Trước khi hiện ra với các vị này, Chúa Phục Sinh đã hiện ra với một số phụ nữ vì chức năng phục vụ Giáo Hội (ecclesial function) của họ: “Hãy đi và nói với anh em Thầy tới Galilê, ở đó, họ sẽ thấy Thầy” (Mt 28:10). Chân Phúc cũng nghĩ như viện phụ Rupert rằng: chứng cớ của một người mẹ về con mình có thể bị những người bác bỏ Phục Sinh coi là thiên tư, không đáng tin.
Các thánh sử cũng từng im lặng như thế với rất nhiều các lần hiện ra khác của Chúa Phục Sinh vì theo Thánh Phaolô, Chúa hiện ra với hơn 500 anh em (1Cor 15:6). Không thể nào hiểu được là trong số hơn 500 “anh em” đó, lại không có Đức Mẹ khi ngài luôn hiện diện với cộng đoàn môn đệ đầu tiên (xem Cv 1:14).
Vả lại, tại sao Đức Mẹ lại không có mặt trong số các phụ nữ đi viếng mồ vào tảng sáng ngày thứ nhất (Mc 16:1; Mt 28:1)? Há không phải vì ngài đã được gặp Chúa Phục Sinh hay sao? Suy diễn này càng mạnh mẽ hơn nếu ta để ý chi tiết này: những người được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh đầu tiên đều là những người trung thành nhất dưới chân Thánh Giá và do đó, bền vững hơn trong đức tin. Còn ai trung thành và bền vững trong đức tin bằng Đức Mẹ?
Mầu nhiệm vượt qua cũng đòi Đức Mẹ phải chia sẻ niềm vui Phục Sinh. Chân Phúc cho rằng Đức Mẹ hiện diện trên Đồi Canvê ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (xem Ga 19:25) và trên Thượng Lầu ngày Ngũ Tuần (xem Cv 1:14) nên ngài cũng phải được đặc ân làm chứng nhân ưu tuyển của Chúa Phục Sinh, nhờ thế hoàn tất được phần tham dự của ngài vào mọi giai đaọn chủ yếu của mầu nhiệm vượt qua. Chào mừng Chúa Phục Sinh, Đức Mẹ cũng là dấu chỉ và là sự mong ước của nhân loại đang chờ mong sự nên trọn của mình nhờ việc sống lại từ cõi chết.
Dĩ nhiên, đây không hẳn là giáo huấn “de fide” buộc ta phải tin. Nhưng các suy tư của Chân Phúc Giáo Hoàng có căn bản vững chắc. Ta biết: Maria Mađalêna thấy ngôi mồ trống rồi đi báo cho các Tông Đồ. Sau đó, trở lại ngôi mồ thì gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, được Người cho hay: Người chưa lên cùng Chúa Cha (Ga 20:17). Vậy thì Người đi đâu trong lúc đó? Còn ai khác nữa, ngoài Mẹ của Người, chả lẽ Philatô, Caipha hay Anna?
Cẩm nang cuộc sống lành mạnh hạnh phúc
Sức khỏe:
1. Uống nhiều nước.
2. Ăn sáng giống như vua, ăn trưa giống như ông hoàng và ăn tối giống như kẻ ăn xin.
3. Ăn nhiều thức ăn mọc trên cây và ăn ít thức ăn được chế tạo trong nhà máy.
4. Sống với 3 N – Năng lực, Nhiệt thành và Nhân ái
5. Tìm cho ra thì giờ mà cầu nguyện.
6. Chơi trò chơi nhiều hơn.
7. Đọc nhiều sách hơn năm 2010.
8. Ngồi yên lặng ít nhất 10 phút mỗi ngày.
9. Ngủ 7 giờ.
10. Đi bộ từ 10-30 phút mỗi ngày. Và mỉm cười trong khi bước đi.
Nhân cách:
11. Đừng so sánh cuộc đời của bạn với cuộc đời của những người khác. Bạn không biết cuộc hành trình của họ như thế nào đâu.
12. Đừng có những tư tưởng tiêu cực hoặc có những thứ mà bạn không thể làm chủ. Thay vào đó, hãy đầu tư năng lực của bạn vào khoảnh khắc hiện tại tích cực.
13. Đừng làm quá mức. Giữ giới hạn của bạn.
14. Đừng quá coi trọng bản thân bạn. Không ai để ý bạn đâu.
15. Đừng phí năng lực quý báu vào chuyện ngồi lê đôi mách.
16. Hãy mơ nhiều hơn khi bạn còn đang thức.
17. Ghen tỵ là phí thì giờ. Bạn đã có tất cả những gì bạn cần rồi.
18. Hãy quên đi những chuyện quá khứ. Đừng nhắc cho vợ/chồng của bạn nhớ lại những lỗi lầm của họ trong quá khứ. Việc này sẽ làm hỏng hạnh phúc hiện tại của bạn.
19. Cuộc sống quá ngắn để mà phí thì giờ vào việc ghét người nào. Đừng ghét những người khác.
20. Hãy làm hòa với quá khứ của bạn để nó không làm hỏng hiện tại.
21. Không ai lãnh trách nhiệm về hạnh phúc của bạn ngoài bạn.
22. Hãy nhận thức rằng cuộc đời là một trường học và bạn ở đây là để học. Các bài toán chỉ là một phần của học trình, xuất hiện rồi phai mờ đi giống như lớp đại số, nhưng cácbài học bạn học được thì sẽ kéo dài suốt đời. ..
23. Mỉm cười và cười nhiều hơn.
24. Bạn không buộc phải thắng mọi điểm đâu. Hãy đồng ý với việc không đồng ý.
Xã hội:
25. Hãy thăm viếng gia đình bạn thường xuyên.
26. Mỗi ngày, hãy mang lại điều gì tốt cho người khác..
27. Hãy tha thứ cho mọi người về mọi sự.
28. Hãy dành thì giờ cho những người ngoài 70 và dưới 6 tuổi.
29. Hãy cố gắng làm cho (ít ra) 3 người mỉm cười mỗi ngày.
30. Không cần biết những điều người khác nghĩ về bạn.
31. Việc làm của bạn sẽ không săn sóc bạn khi bạn đau ốm đâu. Bạn bè mới làm việc ấy. Hãy liên lạc với nhau luôn.
Đời sống:
32. Hãy làm chuyện đúng !
33. Loại bỏ bất cứ thứ gì không ích lợi, không đẹp hoặc không vui.
34. Trời chữa lành mọi sự…
35. Cho dù một hoàn cảnh tốt hay xấu, nó sẽ thay đổi.
36. Mặc cho bạn có cảm thấy thế nào, hãy ra khỏi giường, chưng diện lên và khoe thiên hạ.
37. Điều tốt nhất sẽ đến.
38. Mỗi sáng thức dậy mà còn sống, hãy cám ơn TRỜI về điều ấy.
39. Thâm tâm bạn luôn luôn muốn hạnh phúc. Thế thì, hãy sống hạnh phúc đi. ..
Khuyết Danh
Đối thoại đại kết về vấn nạn “Anh chị em ruột của Đức Giêsu”
Lời mở
Công đồng Vaticanô II (1962-1965) đã cổ vũ việc đối thoại đại kết để hợp nhất toàn thể các Kitô hữu qua Sắc lệnh Unitatis Redintegratio (HN) ban hành ngày 21-11-1964 và mở ra Tuần lễ “Cầu nguyện cho sự hiệp nhất” hằng năm từ 18-1 đến 25-1. Thượng Hội đồng Giám mục XIII vào tháng 10-2012 tại Rôma cũng đã nhắc nhở chúng ta về việc đối thoại đại kết này ở các số 72 và 125 của Tài Liệu Làm Việc (TLLV).
Tại Việt Nam cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, người ta thấy có những cuộc tranh luận gay gắt về một số khác biệt giữa Công Giáo và các hệ phái Kitô giáo khác, nhất là về vấn nạn “Anh chị em ruột của Đức Giêsu Kitô”: “Thật vậy, tất cả đều xưng mình là môn đệ của Chúa Kitô nhưng lại cảm nghĩ và đi theo những đường lối khác nhau như thể chính Chúa Kitô bị phân rẽ vậy (x.1Cr 1,3). Quả thực sự phân rẽ này hiển nhiên vừa trái ngược với ý muốn của Chúa Kitô vừa là gương xấu cho thế giới và phương hại cho công cuộc rất thánh thiện là rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo” (CĐ.Vat. II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 1) (THĐGM, TLLV, số 125).
Trong tinh thần đối thoại để đóng góp vào công cuộc hợp nhất Kitô hữu, chúng tôi giới thiệu câu giải đáp cho vấn đề gây tranh cãi này theo sự khích lệ của THĐGM: “phải tiếp tục có những cố gắng một cách thuyết phục để chứng tỏ mọi Kitô hữu đều hợp nhất trong việc chỉ cho thế giới thấy sức mạnh tiên tri và biến đổi của sứ điệp Phúc Âm” (TLLV, số 72).
Bài này được trình bày gồm các phần chính sau đây:
1. Vấn đề anh chị em ruột của Đức Giêsu Kitô
2. Câu trả lời từ phía Giáo Hội Công Gíao
3. Lời giải đáp theo hướng đối thoại đại kết.
1. Vấn nạn về anh chị em ruột của Chúa Giêsu phát sinh từ đâu?
1.1. Xác định thời điểm vấn nạn
Khi nói vấn nạn này là một trong những chủ đề gây tranh cãi giữa tín hữu của Công Giáo và các giáo phái Tin Lành thì có lẽ chưa chính xác cho lắm. Đây chỉ là vấn đề mới phát sinh trong một hai thế kỷ gần đây, khi các sách Thánh Kinh toàn tập được in ấn và phổ biến cho quảng đại quần chúng, nhờ đó tín hữu các bên có thể đọc và so sánh các đoạn văn Thánh Kinh với nhau.
Chúng ta biết vào thời khai sáng ra các hệ phái Tin lành với Martin Luther (10/11/1483-18/2/1546) và John Calvin (10/7/1509-27/5/1564), người ta chưa biết đến vấn nạn này. Các tín hữu vẫn rất tôn kính Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Trong “95 luận đề phản chứng” của M. Luther niêm yết ngày 31-10-1515 tại cửa Thánh đường Castle ở Wittenberg, nước Đức, cũng như trong cuốn Nguyên lý Cơ đốc giáo của J.Calvin năm 1536, chúng ta không thấy kể tên vấn nạn này.
Chỉ khi các nhà nghiên cứu Thánh Kinh Tin Lành và Công Giáo so sánh các bản văn Tân Ước nói đến anh chị em ruột của Đức Giêsu, nhất là khi giải thích các khác biệt về những lời giảng dạy, phép lạ của Chúa Giêsu theo các phương pháp nghiên cứu văn chương đồng thời bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng “giải trừ huyền thoại cho Tin Mừng” của Rudolf Bultmann (20/8/1884-30/7/1976), thì vấn nạn mới trở thành chủ đề tranh cãi nặng nề.
1.2. Từ ngữ “anh chị em ruột” của Đức Giêsu trong Tân Ước
Thánh Kinh đã nhiều lần nhắc đến “anh chị em ruột” của Chúa Giêsu trong các bản văn sau đây:
– “Ông này chẳng phải là bác thợ mộc, con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông lại không ở đây với chúng ta đó sao?” (Mc 3,31-35; Mt 12,46-50; Lc 8,19-21).
– “Thưa Thầy có mẹ và anh chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy” (Mc 6,3; Mt 13, 53-58; Lc 4,16-30).
– “ Anh em Đức Giêsu nói với Người…Thật thế, anh em Người không tin vào Người” (Ga 7,2.5).
-“ Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria Thân mẫu Đức Giêsu và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14).
– “Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các Tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?” (1Cr 9,5).
– “Tôi đã không gặp một vị tông đồ nào khác ngoài ông Giacôbê, người anh em của Chúa” (1Gl 1,19).
Trong tất cả các đoạn trích dẫn trên đây, Thánh Kinh Tân Ước dùng từ “anh chị em ruột”, chứ không dùng từ “anh chị em họ” để nói về mối quan hệ với Đức Giêsu. Từ “anh chị em ruột” muốn chỉ mối quan hệ máu mủ hoặc thân thiết như ruột thịt (x. Từ điển Tiếng Việt, mục từ ruột thịt). Cả hai từ “anh chị em ruột” và “anh chị em họ” là những từ riêng biệt, không thể lẫn lộn, chúng khác hẳn với loại từ thiếu xác định như từ “anh em, chị em” của tiếng Việt vì có thể hiểu là anh chị em ruột hay anh chị em họ.
1.3. Vấn nạn phát sinh từ cách dùng chữ trong Tân Ước
Nếu Đức Giêsu có các anh chị em ruột thịt khác như Thánh Kinh nhắc đến thì các nhà Thánh Kinh Tin Lành kết luận rằng Đức Maria và thánh Giuse đã sinh thêm những người con khác. Theo nhiều anh em Tin Lành, việc Đức Trinh Nữ Maria sinh Đức Giêsu, “người con đầu lòng” (x. Lc 2,7), là bởi phép Chúa Thánh Thần, không có yếu tố của người nam (x.Is 7,14; Mt 1,23). Tuy nhiên Đức Maria không trọn đời đồng trinh vì còn sinh thêm những người con khác là anh chị em ruột với Đức Giêsu. Đức Giêsu được gọi là “con đầu lòng” thay vì “con một” vì Người có nhiều anh chị em khác (x. Bài “Bà Mari có đồng trinh trọn đời không?” trong trang web: tinlanh.com, trên mạng Internet).
Hơn nữa, trong câu Phúc Âm: “ Ông Giuse không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1,25), từ “cho đến khi” được nhiều nhà Thánh Kinh Tin Lành giải thích theo nghĩa: ông Giuse chỉ không ăn ở với bà Maria trước khi sinh Đức Giêsu rồi sau đó đã ăn ở với bà Maria để sinh ra những người con khác (x. Bài “Bà Mari có đồng trinh trọn đời không?” trong trang web: tinlanh.com, trên mạng Internet).
Từ thế kỷ 20 do ảnh hưởng của phong trào giải trừ huyền thoại cho Phúc Âm, bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ duy thực, duy nghiệm, một số nhà thần học Tin Lành không tin vào việc Đức Maria thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và cho đó cũng là một trong những huyền thoại cần loại trừ vì không thể có việc một trinh nữ sinh con nếu không có sự cộng tác của nam giới theo quan điểm khoa học kỹ thuật. Như thế là người ta chối bỏ ơn đồng trinh của Đức Maria trước khi sinh con. Từ lập luận này, nhiều người đánh mất cả niềm tin vào chính Chúa Giêsu!
2. Câu trả lời từ phía Công Giáo
2.1. Lời giải đáp của Giáo Hội Công Giáo
Lời giải đáp của Giáo Hội Công Giáo được tìm thấy trong sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 500 như sau: “Hội Thánh vẫn luôn hiểu rằng những đoạn văn này không hề ám chỉ những người con khác của Đức Trinh Nữ Maria: ông Giacôbê và ông Giuse, “anh em của Chúa Giêsu” (Mt 13,56), thật ra là con của một bà Maria nào đó, là môn đệ của Đức Kitô (x. Mt 27,56), bà này được cẩn thận phân biệt là “bà Maria khác” (Mt 28,1). Đây là những người anh em bà con họ hàng gần, theo như cách nói quen dùng trong Cựu Ước (x. St 13,8; 14,16; 29,15…)”.
2.2. Nhận định về lời giải đáp này
Chúng ta phải nói thật rằng: lời giải đáp này chưa thoả đáng đối với chính những người nghiên cứu Thánh Kinh trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo và chưa thuyết phục được các anh em Tin Lành vì bản văn Thánh Kinh nhiều lần dùng từ “anh chị em ruột” của Đức Giêsu chứ không dùng từ nào khác.
Hơn nữa nếu quy chiếu những người con như Giacôbê, Giuse, Giuđa, Simon vào 1 bà “Maria nào đó” thì việc quy chiếu này có vẻ gượng ép vì thánh Matthêu nhắc đến tên bà này có thể chỉ vì muốn phân biệt với bà Maria Magđala vừa được nhắc trước đó (x. Mt 27,61) hoặc với bà Maria, mẹ của một mình ông Giacôbê (x. Lc 24,10). Còn trong nhiều câu khác có nhắc đến từ “anh em ruột của Đức Giêsu” mà không quy chiếu vào người phụ nữ nào nên không thể hiểu đó là con của bà Maria khác (Mt 28,1).
Còn việc nhắc đến các đoạn trích dẫn Thánh Kinh Cựu Ước (x. St 13,8; 14,16; 29,15…) rõ ràng gượng ép vì nguyên ngữ Do Thái cổ cho phép dịch là bà con, họ hàng trong khi nguyên ngữ Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp không cho phép hiểu như vậy.
Kiểu giải thích “anh chị em ruột” thành “anh chị em họ” còn có thể gây ra sự hiểu lầm nguy hiểm vì một từ được Chúa Thánh Thần linh hứng lại không được hiểu đúng theo nghĩa chữ của nó, và người ta có thể áp dụng kiểu giải thích “quá rộng” này cho các từ khác khiến ta có thể làm mất lòng tin vào Thánh Kinh.
Vì thế từ “anh chị em ruột” chắc chắn mang ý nghĩa sâu xa thúc đẩy ta tìm hiểu sâu rộng hơn thì mới có thể thuyết phục được anh em Tin Lành.
3. Lời giải đáp theo hướng đối thoại đại kết
3.1. Hướng giải thích mới
Trước hết chúng tôi mời gọi anh em các giáo phái Tin Lành cùng tìm hiểu thêm với chúng tôi về vấn nạn này qua các bản văn Thánh Kinh được giải thích theo hướng đại kết như sau:
– Chúng tôi đồng ý với anh em rằng những từ “anh chị em ruột” mà Tân Ước dùng là hoàn toàn chính xác vì tất cả những ai liên kết với Đức Giêsu đều thật sự là có quan hệ ruột thịt, máu mủ với Người. Điều này chúng tôi sẽ khai triển rộng hơn trong phần dưới đây.
– Tân Ước không dùng từ “con một” nhưng dùng từ “con trai đầu lòng” (Lc 2,7) vì muốn ám chỉ đến việc Đức Giêsu là người con đầu tiên mà Chúa Cha và Mẹ Maria sinh ra trong đại gia đình mới và chúng ta, tất cả những ai tin vào Đức Giêsu, đều trở thành những người em ruột của Người. Nếu dùng từ “con một” thì gia đình này sẽ không mở rộng cho tất cả chúng ta
– Từ “cho đến khi” trong câu Phúc Âm: “Ông Giuse không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1,25) còn có thể hiểu như một hành động tiếp theo việc sinh nở là đặt tên Giêsu cho người con mới sinh. Từ “và” ở đây theo văn phạm Hy Lạp có nghĩa tương đương tiếng Việt là “thì” nên câu Phúc Âm có thể dịch như sau: “Ông Giuse không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai thì ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”. Nếu hiểu theo nghĩa này thì chúng ta không thể hiểu ngầm rằng Đức Maria và ông Giuse ăn ở với nhau như những đôi vợ chồng khác sau khi sinh Chúa Giêsu vì Thánh Kinh không nói đến việc đó. Điều này chúng tôi cũng sẽ nói thêm trong phần dưới đây khi nói đến tình yêu và sứ mạng của Mẹ Maria và thánh Giuse.
3.2. Tất cả chúng ta là anh chị em ruột của Đức Giêsu
Chúng ta cùng xác tín trong đức tin Công Giáo rằng: “Chúa Giêsu là người con duy nhất của Đức Maria. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ (x. Ga 19,26-27; Kh 12,17) trải rộng cho hết mọi người đã được Chúa Giêsu đến cứu độ. Người Con mà Mẹ sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), tức là các tín hữu, mà Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và dạy dỗ họ với tình yêu từ mẫu” (x. CĐ. Vat. II, Hiến Chế Lumen gentium, số 63; Sách GLHTCG, số 501). Chúa Giêsu được cưu mang trong lòng dạ trinh khiết của Đức Maria (x. Lc 1,35; Sách GLH TCG, số 437), “được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, không có mầm mống nam nhân” (CĐ Lateranô, năm 649, canon 3, DS 503; Sách GLHTCG, số 496).
Những người được Thánh Kinh nhắc đến như là “anh chị em ruột” của Đức Giêsu, xét về huyết thống tự nhiên, chỉ là những anh chị em họ, bà con với Người vì Mẹ Maria và thánh Giuse có những người thân thuộc sống tại Nazareth. Những người này cũng đi theo Chúa Giêsu (x. Mc 3,31-33; Mt 12,46-50; Lc 8,19-21), có người trở thành môn đệ và có địa vị trong cộng đồng Giáo Hội sơ khai (x. Gl 1,19).
Tuy nhiên, Thánh Kinh luôn dùng từ “anh chị em ruột” khi nhắc đến mối liên hệ huyết thống tự nhiên này với ý nghĩa siêu nhiên. Lý do là vì khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người là Đức Giêsu, đón nhận 1 thân xác như bất cứ con người nào, thì Người đã trở nên anh chị em ruột thịt của họ, để dẫn đưa họ vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong 1 gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Trong Đức Giêsu Kitô, mọi người đều là anh chị em ruột thịt của nhau vì cùng thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất (x. Sách GLHTCG, số 355-360). Do đó, trong Thánh Kinh cũng như trong các lời chào của thánh lễ, chúng ta đều gọi nhau là “anh chị em ruột” chứ không chỉ coi nhau là “họ hàng”.
Hơn nữa qua thể xác vật chất, Đức Giêsu còn liên kết với mọi thụ tạo trong vũ trụ này để trở thành người anh cả của chúng (x. Rm 8,29) và vì thế vạn vật cũng là những đứa em ruột thịt của con người vì “con người, nhờ chính điều kiện có thân xác của mình, quy tụ nơi mình những yếu tố của thế giới vật chất, cho nên nhờ con người, các yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và có thể tự do dâng lời ca ngợi Đấng Tạo Hoá” (x. CĐ Vat.II, HCGaudium et Spes, số 14; Sách GLHTCG, số 364). Vì thế, Người chết để cứu độ tất cả. Vũ trụ cảm nhận được điều đó nên biểu lộ sự vui mừng qua việc xuất hiện ngôi sao (x. Mt 2,2-10), sự vâng phục qua các phép lạ Người làm trên vạn vật (x. Mc 4,37-41; 6,34-44; 6,45-52, Mt, 17,24-27; Lc 5,1-11; Ga 2,1-11), sự chia sẻ khi Người chết trên thập giá (x. Mt 27,45.51-53).
Nói cho cùng, thân xác chúng ta được cấu tạo bằng những nguyên tố vật chất Carbon-Hydro-Oxy-Nitơ như những thành phần chính cho mọi người, mọi vật. Mỗi ngày, chúng ta đưa những nguyên tố đó vào trong thân thể mình qua đồ ăn, thức uống, khí thở rồi chúng ta lại thải các chất ra để tạo nên thân thể cho muôn loài. Chúng ta hợp thành một thân thể lớn lao của toàn thể vũ trụ, trở thành anh chị em ruột thịt của nhau vì hình thành nên thân xác cho nhau. Thân xác Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng được cấu tạo bằng những thành phần đó.
Xin cho phép tôi đưa ra một minh chứng khoa học. Nhiều người không còn nhớ nổi con số và nguyên lý của nhà bác học Amedeo Avogadro (1776-1856): “Trong cùng một điều kiện nhiệt độ và áp suất, các khí khác nhau có cùng một thể tích sẽ chứa cùng một số nguyên tử hay phân tử như nhau. Số đó là N = 6,022 x 10 . 23”. Nếu 16 gram Oxy ta thở, hay 18 gram nước ta uống, chia đều cho 7 tỷ người đang sống trên trái đất này thì mỗi người được khoảng hơn 9 ngàn tỷ nguyên tử thật hay phân tử thật trong cơ thể mình.
Quả thật, trong thân xác ta đang có những nguyên tử, phân tử vật chất của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong cuộc trao đổi sinh tồn của vạn vật từng giây phút vì qua mấy chục năm sống của Chúa và Mẹ, thân xác chúng ta đã và đang giữ những nguyên tố vật chất đã từng hình thành nên con người của Chúa và Mẹ. Vì thế chúng ta rất tự hào là anh chị em ruột của Chúa Giêsu và con cái thật sự của Mẹ Maria, không phải chỉ về mặt tinh thần mà cả thể chất nữa. Chia sẻ với mọi người điều này, nhất là với anh chị em theo các hệ phái Tin Lành, Cải Cách, chúng tôi hy vọng anh chị em sẽ tìm lại được niềm tin yêu tuyệt đối vào Chúa Giêsu Kitô và vào Người Mẹ Thánh của chúng ta.
3.3. Vai trò và sứ mạng của Đức Maria và thánh Giuse trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể
Ngày nay, nhiều tín hữu thuộc các hệ phái Tin lành càng ngày càng khám phá ra vai trò độc đáo của Đức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành Đức Giêsu Nazareth để thực hiện công trình cứu độ và hoà giải con người với Thiên Chúa. Để thực hiện công trình này, Thiên Chúa đến với con người, ban cho con người tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa và con người cũng phải tự nguyện đến với Thiên Chúa để dâng hiến tất cả những gì thuộc về mình cho Ngài. Và chỉ có như thế thì Đức Giêsu mới vừa là Thiên Chúa trọn vẹn vừa là một con người trọn vẹn.
Đức Trinh Nữ Maria đã được chọn để đại diện cho con người dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả những gì thuộc về con người với một sự tự do đầy ý thức và một tình yêu vượt lên trên tất cả dù Đức Maria đã đính hôn với ông Giuse. Cuộc đối thoại với sứ thần trong buổi truyền tin đã nói cho chúng ta những đặc tính này (x. Lc 1,26-38). Chính khi Đức Maria mở lòng ra một cách hoàn toàn và trọn vẹn cho Thiên Chúa để Chúa Thánh Thần đến với Mẹ thì Ngôi Lời đã trở thành người (Ga 1,14). Như thế, Đức Maria không phải chỉ đóng góp trong tư cách là một người phụ nữ cho việc hình thành nên con người Giêsu mà là đại diện cho toàn thể nhân loại và vũ trụ đóng góp phần nhân tính cho Người. Vì thế, Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu trọn vẹn vừa là Thiên Chúa vừa là người.
Một số người ngày nay nghĩ rằng Đức Maria chỉ đóng góp vào việc sinh hạ Đức Giêsu trong tư cách là người nữ và họ đòi hỏi yếu tố nam nhân. Nhưng chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa có thể dựng nên mọi sự từ hư không thì Ngài cũng có thể lấy từ phần nhân tính Đức Maria đóng góp để phối hợp với thiên tính mà hình thành nên Đức Giêsu Kitô. Nếu con người nghĩ rằng Đức Giêsu cần đến yếu tố nam nhân để hình thành thì ơn cứu độ cũng không cần phải đến từ Thiên Chúa và con người có thể tự cứu thoát mình. Điều này đi ngược với lòng tin của chúng ta và cũng đi ngược với thực tế vì một thụ tạo hữu hạn, bất toàn, khả tử không thể tự làm cho mình trở thành vô hạn, vĩnh hằng, tuyệt đối, hoàn hảo như Thiên Chúa.
Người tín hữu Công Giáo luôn tin tưởng Đức Maria trọn đời đồng trinh nghĩa là Mẹ giữ mãi sự trinh khiết trước, trong và sau khi sinh Chúa Giêsu bởi vì Mẹ đã tận hiến hoàn toàn cho tình yêu Thiên Chúa khi đón nhận sứ mạng sinh ra, dưỡng nuôi, giáo dục và đi theo Chúa Giêsu cho đến khi hoàn thành sứ mạng mà Chúa Cha đã uỷ thác cho Người. Một khi dành tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho Đức Giêsu, nhất là khi đón nhận nhiệm vụ làm Mẹ của mọi tín hữu trong lời trăn trối của Chúa Giêsu trên thập giá (x. Ga 19,26-27) thì Mẹ Maria không bao giờ sao lãng nhiệm vụ này để dành tình yêu cho một người nào khác. Mẹ đã nhận mọi tín hữu là những đứa con ruột thịt của mình để muôn đời thực hiện sứ mạng làm Mẹ. Vì thế, Giáo Hội Công Giáo cũng như Chính thống giáo có lòng tôn kính đặc biệt đối với Mẹ Maria. Nhiều khi lòng tôn kính này đi quá trớn khiến cho một số anh em Tin Lành lầm tưởng đó là sự thờ kính giống như tôn thờ Thiên Chúa. Giáo Hội Công Giáo đã nhắc nhở điểm này trong nhiều giáo huấn, đặc biệt trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium của Công đồng Vaticanô II, từ số 52-69.
Hơn nữa, nếu chúng ta hiểu đức tin là cuộc gặp gỡ con người với Đức Giêsu chứ không phải chỉ là những hình thức đạo đức bên ngoài thì rất nhiều tín hữu Công Giáo lại không chú ý đến cuộc gặp gỡ này như Thượng Hội đồng tháng 10/2012 nhắc nhở nhiều lần trong văn kiện Tài liệu Làm việc (x. TLLV, số 17,18,19).
Nói đến sứ mạng và tình yêu của Đức Maria dành cho Thiên Chúa giúp cho Mẹ trọn đời đồng trinh thì chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào sự tương đồng của tình yêu giữa thánh Giuse và Đức Mẹ cũng như tình yêu trọn vẹn của thánh Giuse dành cho Thiên Chúa và Đức Giêsu Con của Ngài. Thánh Giuse đã được Thiên Chúa tuyển chọn và sai thiên thần đến mạc khải cho biết Đức Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa làm người và Đức Maria – vị hôn thê của Ngài – được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ Chúa Giêsu (x. Lc 1,19-25) để giao phó cả hai kho tàng quý giá nhất của Thiên Chúa cho Người. Vì thế, ý thức về sứ mạng cao quý tuyệt vời của mình, thánh Giuse đã dồn tất cả năng lực và tình yêu để bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong suốt cả đời mình. Do đó, thánh Giuse cũng là một vị thánh được tôn kính đặc biệt trong hàng ngũ các thánh, chỉ sau Đức Maria.
Lời kết
Chúng ta hy vọng rằng vấn nạn “anh chị em ruột của Đức Giêsu” sẽ không còn là một đề tài gây tranh cãi hay xung đột giữa các tín hữu Kitô giáo, nhưng có thể trở thành một dịp may thúc đẩy chúng ta học hỏi đề tài và phát triển tình liên đới huynh đệ trong đại gia đình Thiên Chúa. Nhờ đó, những anh chị em ngoài Kitô giáo sẽ cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và ân sủng tràn đầy của những ai gắn bó với Đức Giêsu, và qua Người, gắn bó với toàn thân thể nhiệm mầu là Hội Thánh trên khắp thế giới.
Thiên Chúa chỉ là hình ảnh con người tạo ra?
VẤN ĐỀ 11: Thiên Chúa chỉ là hình ảnh con người tạo ra. Nói cách khác, con người đã tưởng tượng ra một vị Thiên Chúa, rồi gán cho Thiên Chúa những gì thấy nơi chính mình. Thực sự ngoài con người không còn một thần thánh nào cả.
TRẢ LỜI:
1.LỜI CHÚA: “Thiên Chúa là Tình Yêu : Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).
2.TRÌNH BÀY:
I.ĐẶT VẤN ĐỀ:
Một số người quá đề cao con người: chỉ công nhận những gì có thể cảm nghiệm được trong con người, và không nhận những thực tại siêu nhiên ngoài con người. Từ đó, họ phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và giải thích mọi sự theo lăng kính tự nhiên của con người:
– Hégel (1770-1831): Một triết gia người Đức thuộc trường phái duy tâm, do chịu ảnh hưởng của lối giải nghĩa Thánh Kinh tự do theo ý riêng cá nhân của đạo Tin Lành, nên ông đã đi đến chỗ phủ nhận sự mặc khải của Thiên Chúa. Theo Hégel: Thực sự không có một Đấng nào khác gọi là Thiên Chúa ở ngoài con người cả. Thánh Kinh cũng không phải do sự mặc khải của Thiên Chúa như nhiều người lầm tưởng, mà chỉ là một lối tự thức của con người. Con người đã nói về mình mà cứ tưởng là do Thiên Chúa mặc khải về bản tính Ngài. Nói cách khác: con người đã gán cho một vị Thiên Chúa mà họ tưởng tượng ra những gì thấy có nơi chính mình. Tư tưởng của Hégel về Thiên Chúa tương tự như câu nói của một triết gia Hy Lạp cổ điển ngày xưa. “ Nếu bò và ngựa biết tạc tượng thì chúng sẽ tạc tượng thần linh theo hình bò, ngựa”.
– Ludwig Feuerbach (1804-1872): còn đi xa hơn trong việc chối bỏ sự hiện hữu thực sự của Thiên Chúa. Theo ông: con người nhận thấy mình có khả năng nhận biết, có sức hoạt động, có khả năng yêu đương…Nhưng những điều ấy ở nơi con người đều hạn hẹp và gặp những trở ngại không sao trở nên hoàn hảo được. Từ đó, con người đã quan niệm rằng: Phải có một vị Thiên Chúa có tất cả những khả năng ấy và có một cách hoàn hảo vô cùng, quyền phép vô cùng và là hiện thân của tình thương…cũng chỉ là bản tính của con người được tuyệt đối hóa. Nếu công nhận một vị Thiên Chúa như thế tức là con người đã đánh mất bản tính làm người của mình và sẽ ở trong tình trạng bị vong thân. Vậy, muốn làm người hoàn toàn thì cần phải phủ nhận Thiên Chúa.
– Friedrich Nietzsche (1844–1900): Một triết gia người Phổ Nietzsche, tác giả thuyết siêu nhân, cũng chia sẽ lập trường của hai triết gia nói trên khi ông mạnh dạn tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết, tôi đã giết chết Thiên Chúa.” Theo ông đã đến lúc con người phải sống đời người của mình, tự nắm lấy vận mệnh của mình chứ đừng tin nhảm, quá ỷ nại vào một quyền lực siêu phàm nào khác ở ngoài mình: “ Hẳn bạn biết rõ, con quỷ hèn nhát trong người bạn chỉ thích chắp tay và khoanh tay nhìn, và muốn sống một đời sống dễ dãi hơn. Con quỷ hèn nhát ây bảo bạn: có Thiên Chúa”.
– Jean-Paul Sartre (1905–1980) là nhà triết học hiện sinh, nhà soạn kịch, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia và là nhà hoạt động chính trị người Pháp. Ông là một trong những nhân vật nòng cốt trong hệ thống triết học của chủ nghĩa hiện sinh, một triết gia hiện sinh vô thần, cũng đồng tư tưởng phải phủ nhận Thiên Chúa để con người thực sự làm người: “Nếu có Thiên Chúa, con người là số không”. Theo ông: con người hãy chú ý đến đời sống hiện tại, đời sống của một con người xứng đáng. Ông noi: “ Alleluia, không có trời nữa, không có địa ngục nữa mà chỉ còn có trái đất”.
– Maurice Merleau-Ponty (1908-1961): “Đưa cái tuyệt đối vào trung tâm tư tưởng của loài người là làm cho mọi hoạt động của tư tưởng bị dừng lại. Bởi vì con người chính là đấng tối cao của con người” (Karl Marx). Bởi thế, cần phải thu hồi tất cả nghị lực của nhân loại đã hoài công hướng về một vị Thiên Chúa không tưởng, chỉ là sự phóng rọi mối nhớ tiếc của chúng ta, chỉ là rác rưởi của mơ mộng hão huyền (Edmond Rostand). Phải đem lại cho con người sự giải phóng khỏi tình trạng bị tôn giáo hóa, phải để cho con người ý thức được sự cao cả của họ, sự can đảm của thân phận kiếp người.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
Thực ra, tư tưởng của các triết gia nói trên thiếu tính khách quan. Do muốn đề cao con người cách tuyệt đối, nên đã đi đến quyết tâm phủ nhận Thiên Chúa, trình bày Thiên Chúa một cách lố bịch: coi Thiên Chúa như một ông chủ độc đoán hà khắc mà con người phải hoàn toàn bị lệ thuộc như tôi tớ phải lệ thuộc vào ông chủ. Ông chủ Thiên Chúa ấy lại quá tham lam khi chiếm đoạt cho mình mọi sự vật, kể cả con người. Thiên Chúa lại còn chà đạp các tạo vật của mình cách thích thú như một bạo chúa độc ác bất công. Từ đó họ đi đến kết luận: con người cần phải vùng lên lật đổ Vị Thiên Chúa độc đoán ấy để giành lại quyền làm chủ cuộc đời của mình. Nhưng thử hỏi: Thiên Chúa mà các tín hữu tôn thờ có phải là ông chủ hà khắc mà các triết gia vô thần đã tưởng tượng như trên hay không ? Bản tính của Ngài ra sao ? Và con người làm thế nào để biết được bản tính ấy của Thiên Chúa ?
1.Người tín hữu phủ nhận lối trình bày lố bịch về Thiên Chúa: Thiên Chúa của chúng ta tôn thờ là một Đấng hiện hữu thực sự, siêu việt, là Đấng Tạo Hóa đã sáng tạo ra vạn vật và con người chứ không phải con người đã sáng tạo ra Thiên Chúa và tưởng tượng ra các thuộc tính của Ngài. Con người không bao giờ có thể chiếm địa vị của Thiên Chúa vì họ luôn ý thức mình có những giới hạn không thể vượt qua được như: tội ác, đau khổ, bất công, bệnh tật và cái chết…
“Mặc dù loài người không tin Thiên Chúa nữa, Thiên Chúa cũng không vì thế mà không hiện hữu” (Graham Henry Greene). Nhiều người muốn bắt được quả tang Thiên Chúa đang hiện hữu.
Một số nguồn tin đã khẳng định rằng: vào ngày 12/04/1961, phi hành gia Yuri Gagarin của Liên Xô, sau khi lái chiếc phi thuyền Vostok 1 (Phương Đông) ba vòng trở về mặt đất đã phát biểu: “Tôi đã lên tận chín tầng trời nhưng không thấy Thiên Chúa đâu cả!”.
Tuy nhiên, ngày nay người ta cho rằng: không có lời nào như vậy xuất hiện trong hồ sơ theo nguyên văn của cuộc trò chuyện của Gagarin. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006, Đại tá Valentin Petrov người bạn thân của Gagarin nói rằng các phi hành gia không bao giờ nói những lời như vậy, và cho biết lời nói trên có nguồn gốc từ Nikita Khrushchev: Tại Hội nghị của Ủy ban Trung ương Liên Xô về chiến dịch chống tôn giáo, trong đó nói rằng: “Gagarin bay vào không gian, nhưng không nhìn thấy Thiên Chúa đâu cả”. Valentin Petrov còn cho biết thêm: Gagarin đã được chịu phép rửa tội gia nhập vào Giáo Hội Chính Thống ngay từ khi còn bé. Một bài viết trên tạp chí Foma 2011 cũng trích dẫn lời của vị đứng đầu Giáo Hội Chính thống thành phố Sao nói: “Gagarin đã cho con gái cả của ông là Yelena chịu phép rửa tội ngay trước chuyến bay vào không gian của ông, và gia đình ông vẫn mừng lễ Giáng Sinh và Phục Sinh hằng năm và có trang trí các biểu tượng tôn giáo trong nhà”. (Nguồn: Wikipedia, bách khoa toàn thư).
Theo thánh Tôma: “Thiên Chúa không hiển nhiên. Nếu Thiên Chúa hiển nhiên thì đã chẳng còn ai dám phủ nhận Ngài. Thiên Chúa vẫn luôn hiện hữu, nhưng Ngài hiện hữu qua các dấu vết của Ngài để lại trong thiên nhiên. Khi thấy một vết chân trên mặt cát ẩm ướt ngoài bãi biển, ta dễ dàng nhận biết một người hoặc một vật nào đó vừa đi qua, thì khi nhìn vào những thực tại tốt đẹp, các thiên thể trong vũ trụ chuyển động cách trật tự và vô cùng chính xác… ta có thể nhận ra có bàn tay Thiên Chúa đã sáng tạo và an bài mọi sự. Vì thế, con người có trí khôn thuộc bất kỳ thời đại nào, ở bất cứ nơi đâu… cũng đều công nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhà hiền triết Platon của Hy Lạp cổ đại đã nói: “Tất cả những ai có một chút trí khôn đều kêu cầu thần linh lúc khởi sự công việc của họ, bất luận việc to hay việc nhỏ”. Cicéron, một đại văn hào La Mã cũng quả quyết rằng: “Không một dân tộc nào dù thô lỗ man rợ đến đâu mà lại không tin có thần linh, dù rằng họ có thể bị nhầm lẫn về bản tính của ngài”. Các nhà thám hiểm, các vị thừa sai đã đi truyền giáo khắp nơi trên thế giới đều có chung một nhận định: khắp năm châu bốn bể và mọi nơi trên mặt đất, các dân tộc đều tin nhận Thượng Đế, cho dù quan niệm về Ngài có khác nhau. Do đó, người ta thường định nghĩa: “Con người là một con vật có tôn giáo”.
2.Nhưng bản tính Thiên Chúa ra sao ? Phải chăng Ngài cũng có những tâm tình của loài người, cũng yêu, buồn, giận, ghét… như một con người ?
Có người chủ trương: Thiên Chúa bất khả tri và người ta không thể biết điều gì về Ngài, vì không thể trông thấy, sờ thấy hoặc đem Thiên Chúa ra thí nghiệm được, nên những điều người ta tưởng nghĩ về Thiên Chúa đều không đúng, mà chúng chỉ là những thuộc tính của con người được gán cho Ngài mà thôi, như có người đã quả quyết: “Tất cả những gì người ta nói về Thiên Chúa đều không phải là Thiên Chúa”.
Thực ra, con người tuy không hiểu biết hoàn toàn về Thiên Chúa, nhưng vẫn có thể hiểu biết phần nào về bản tính của Ngài, nhờ sự quan sát, suy luận và nhất là nhờ mặc khải của Ngài được ghi chép trong Thánh Kinh:
a)Nhờ trí khôn suy luận: Với lý trí tự nhiên người ta cũng có thể nhận ra phần nào về bản tính của Thiên Chúa, khi quan sát những dấu tích Ngài để lại trong vũ trụ thiên nhiên và nơi con người. Khi tìm hiểu về Thiên Chúa người ta thường theo hai phương pháp như sau:
Phương pháp tiêu cực: gạt bỏ ra khỏi bản tính Thiên Chúa những gì là khuyết điểm, thiếu sót tìm thấy nơi tạo vật.
Phương pháp tích cực: Qui về cho Thiên Chúa tất cả những gì là hoàn hảo, tốt đẹp tìm thấy nơi mọi thụ tạo, sau khi đã nhân lên cấp độ tuyệt đối.
Sự suy luận về bản tính Thiên Chúa nói trên tuy không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng là điều hợp lý. Thực vậy, người ta thường nói: “xem quả biết cây”: Nhìn một chiếc xe hơi ta có thể nhận biết phần nào về tài năng và tính tình của viên kỹ sư sáng chế, hoặc của các người thợ đã thi công lắp ráp: Tài giỏi nhiều hay ít ? Làm việc cẩn thận hay bừa bãi ? Kỹ thuật lắp ráp lành nghề hay đang tập việc ?… Thế thì khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên trong toàn thể cũng như từng chi tiết, chúng ta lại không nhận ra trí thông minh và tài năng siêu việt của Đấng Hóa Công hay sao ? Sau đây là một số ưu phẩm của Thiên Chúa được loài người nhận biết nhờ trí khôn suy luận từ thiên nhiên:
+Thiên Chúa có ý chí: Chúng ta biết rằng tất cả mọi hoạt động đều phải do ý chí điều khiển, vì nếu không muốn thì làm sao có hành động ? Vậy mà vũ trụ là tạo vật của Thiên Chúa lại luôn chuyển động, nên dĩ nhiên sự chuyển động ấy đòi phải do một ý chí điều động. Từ đó suy ra Thiên Chúa phải có ý chí.
+Thiên Chúa là Đấng thông minh: Chúng ta cũng biết rằng: ngẫu nhiên chỉ sinh ra hỗn loạn, và ở đâu có trật tự thì ở đó đã phải có một trí khôn sắp xếp. Thế mà khi nhìn vào vũ trụ, chúng ta thấy có một trật tự lạ lùng: đâu đâu cũng do định luật chi phối hoạt động cho hài hòa với nhau theo một định hướng chung. Chẳng hạn: Thành phần của không khí gồm 21% dưỡng khí, 78% đạm khí và 1% các khí chất khác. Nếu thay đổi thành phần đó thì sẽ gây ra nhiều rắc rối cho các sinh thực vật. Thế mà từ xưa tới nay vẫn có một sự xếp đặt để các thành phần trong không khí nói trên ổn định không chút thay đổi. Nói xếp đặt, lề luật, trật tự… tức là nói đến trí thông minh vậy. Từ đó, chúng ta suy biết: Thiên Chúa là Đấng thông minh.
+Thiên Chúa là Đấng vô cùng: Vũ trụ mà mắt ta có thể quan sát được thực bao la: càng ngày với những viễn vọng kính tối tân hơn, người ta lại càng nhìn được xa hơn và càng thấy sự mênh mông vô tận của vũ trụ nhiều hơn. Ngay trái đất chúng ta đang sống thật là to lớn biết bao! Thế mà mặt trời còn lớn hơn trái đất tới 1.300.000 lần! Một ngôi sao gần chúng ta nhất cũng cách xa tới 4 năm rưỡi ánh sáng (4,5 x 9.460 tỷ km). Ngày nay người ta đã biết được những tinh tú cách chúng ta hàng tỷ quang niên. Thế mà cho đến nay các nhà bác học vẫn chưa biết hết những giải ngân hà trong vũ trụ. Càng ngày người ta càng khám phá thêm có những giải ngân hà mới, mỗi ngân hà có từ 50 đến 80 tỷ ngôi sao: Hơn nữa, đâu đâu chúng ta cũng thấy có sự xếp đặt trật tự, từ cái cực to đến cái cực nhỏ. Thế thì Đấng tạo dựng nên vũ trụ với những đặc tính vô cùng lớn lao kỳ diệu như vậy cũng phải có ý chí và trí thông minh vô cùng.
+Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng: Nghĩa là Thiên Chúa không phải là vật chất. Ngài không có hình hài thể xác như loài người nên chúng ta không thể thấy Ngài như thấy một vật thể hữu hình được. Thiên Chúa không phải vật chất vì Vật chất thì không hoàn hảo và có thể đổi thay, đang khi Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo nên không thể đổi thay, không thể thêm bớt gì nữa. Do đó, có thể quả quyết Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng vô hình.
+Thiên Chúa là Đấng toàn năng: Nghĩa là Ngài làm được mọi sự. Ngài muốn thế nào thì lập tức xảy ra như vậy. Ngài có thể sáng tạo ra trăm ngàn vũ trụ khác hoặc tiêu hủy tất cả mọi vật đang hiện hữu cách dễ dàng. Chính vũ trụ bao la vô tận, do những định luật lạ lùng chi phối từ các thiên thể lớn nhất đến các nguyên tử nhỏ nhất là bằng chứng về sự toàn năng của Ngài.
+Thiên Chúa ở khắp mọi nơi: Nghĩa là không nơi nào không có Thiên Chúa. Vì Chúa thiêng liêng và toàn năng nên Ngài hiện diện ở mọi nơi. Ngài hiện diện bằng quyền năng để gìn giữ và an bài cho mọi sự xảy ra đúng theo ý Ngài. Do đó Ngài có mặt ở khắp mọi nơi.
+Thiên Chúa thông biết mọi sự: Vì toàn năng và ở khắp mọi nơi, nên Thiên Chúa phải hiểu biết mọi sự. Ngay cả tư tưởng thầm kín trong lòng ta thì Ngài cũng thấu suốt hết.
Tuy nhiên, phải công nhận rằng: tất cả những ưu phẩm của Thiên Chúa do các triết gia suy luận nói trên đều không mấy chính xác. Đối với loài người: Thiên Chúa vẫn là Đấng khôn tả và chỉ mình Ngài mới có thể hiểu biết rõ ràng chính xác về mình mà thôi. Đây cũng là điều hợp lý như Hồng Y Jean Daniélou đã nói: “Một Thiên Chúa mà con người có thể hiểu biết tường tận thì chắc không phải là một Thiên Chúa chân thực” (Daniélou: Dieu et nous tr.57).
b)Nhờ sự mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh.
Để bù đắp những khuyết điểm thiếu sót trong việc dùng lý trí suy luận tìm hiểu về bản tính Thiên Chúa, con người còn có một phương cách để tìm hiểu về Ngài cách chắc chắn và không sợ bị sai lạc là Lơi Chúa mặc khải trong Sách Thánh. Thánh Kinh chính là Lời Thiên Chúa bày tỏ về bản tính và hoạt động của Ngài cho loài người như tác giả thư Do thái đã viết: “Thưở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2).
Toàn bộ Kinh Thánh là lịch sử của Lời sáng tạo và cứu độ. Con người đã dần dần nhận biết về Thiên Chúa cách sâu xa và chắc chắn nhờ lời Chúa dạy hơn là nhờ trí khôn suy luận:
**CỰU ƯỚC:
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa xuất hiện như một nhân vật sống động. Ngài chủ động nối lại mối dây liên lạc với loài người đã bị tội lỗi cắt đứt từ thời nguyên tổ. Các tác giả Kinh Thánh đã dùng từ ngữ của loài người để diễn tả những chân lý siêu việt của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã hiện ra nói chuyện thân mật với ông A-đam, đã bày tỏ khuôn mặt, giơ tay… Kinh Thánh cũng diễn tả những tâm tình của Thiên Chúa giống như con người: Ngài thấy thỏa mãn trước công trình sáng tạo, giận dữ khi bị con người phản bội, hối tiếc vì đã dựng nên loài người…
Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa không phải chỉ là một Vị Thần trừu tượng, khô khan lạnh lùng như các triết gia tưởng tượng, nhưng Ngài là một nhân vật có mối bang giao thân hữu với các tổ phụ. Qua Thánh Kinh Thiên Chúa đã tự mặc khải về Ngài như sau:
-Ngài là Đấng duy nhất: Mô-sê dạy: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Ðnl 6,4-5).
-Ngài là Đấng toàn năng: “Chúa chúng ta ngự trên trời, Ngài làm tất cả những gì Ngài muốn” (x. Tv 115,1-8). Ngài đã hiện ra với Mô-sê giữa sấm sét oai hùng. Tư tưởng và dự định của Ngài không ai có thể biết được.
-Ngài là Đấng chân thật: “Lời Chúa phán quả là ngay thẳng” (Tv 32). Chúa chống lại sự dối trá (x. Is 30,8-18).
-Ngài là Đấng Thánh thiện tuyệt đối: Chúa phán: “Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,45). Ngôn sứ Êdêkien cũng tuyên sấm lời Đức Chúa phán như sau: “Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là Ðức Chúa khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng (Ed 36,23). Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối, nên người phàm không thể tới gần Ngài mà không kính sợ.
-Ngài là Thiên Chúa hằng hữu: “Trước khi có sông núi, trước khi trời đất sinh ra, Lạy Chúa, Chúa hằng có”; “Giavê hằng sống”; Là “Thiên Chúa đang sống” (x. Cn 8,22-31)
-Ngài hiên diện ở khắp mọi nơi: “Con lên trời thì có Chúa đó. Con xuống âm phủ thì Chúa cũng có ở đó. Nếu con bay về chân trời và nếu con đến tận cùng nước biển, tại đó cũng có bàn tay Chúa dẫn đưa con đến” (Tv 139,7-10)…
Những đặc tính ấy như đào sâu một cái hố ngăn cách sâu xa giữa Thiên Chúa và loài thụ tạo, sâu đến nỗi không ai có thể lấp đầy được. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện trong chúng ta. Ngài luôn trung thành với lời đã phán hứa, và là Đấng từ bi nhân hậu: âu yếm như một bà mẹ với đứa con thơ (x. Is 49,15), ân cần lo lắng như một mục tử tốt lành đối với bày chiên (x. Ez 34,16), đam mê như một tình nhân (x. Hs 2,16.19.20)…
**TÂN ƯỚC:
“Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Mầu nhiệm về Thiên Chúa mà các ngôn sứ đã đề cập đến trong Cựu Ước thì lại được mặc khải cách rõ ràng nhờ Con Thiên Chúa xuống thế làm người (x. Ga 1,14).
Thiên Chúa của thời Tân Ước do Đức Giê-su mặc khải mang nhiều ưu phẩm như sau:
-Là Cha Yêu Thương: Tác giả thư 1 Gio-an viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,16).
-Là Đấng hoàn hảo: Đức Giê-su nói: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
-Là Đấng tối cao: Ngài trổi vượt trên mọi người mọi vật như lời sứ thần truyền tin nói với Đức Ma-ri-a vê thai nhi Cứu Thế Giê-su: “Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32).
-Là Đấng toàn năng: Đức Ma-ri-a nói: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả., danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,49); “Đối với con người thì thật là khó nhưng đối với Thiên Chúa thì khác: vì không có điều gì Ngài không làm được” (Mc 10,27).
-Là Đấng giàu lòng từ bi thương xót: Như mục tử không bỏ rơi đoàn chiên nhưng quyết tâm đi tìm kiếm từng con chiên lạc cho tới khi tìm được (x Lc 15,4), như người phụ nữ cố gắng đi tìm đồng bạc bị rơi mất (x Lc 15,8), như người cha sẵn sàng tha thứ cho đứa con bỏ nhà đi hoang và vui mưng đón nhận khi nó hồi tâm sám hối trở về (x Lc 15,20).
-Là Cha luôn quan tâm chăm sóc và thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của con cái: Đức Giê-su dạy môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa như con cái thưa chuyện với người cha thân yêu: “Lạy cha chúng con ở trên trời” (Mt 6,9); Người cũng dạy môn đệ phải biết tin cậy phó thác vào tình yêu quan phòng của Chúa Cha: “Phần anh em, đừng lo tìm cho có gì để ăn, có gì để uống, và đừng băn khoăn. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm, nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó” (Lc 12,29-30).
-Là Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Chúa Giê-su sai các môn đệ đi truyền giáo trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19; Cv 1,8)…
Như vậy, sự nhận biết các ưu phẩm của Thiên Chúa nhờ sự mặc khải của Ngài qua các ngôn sứ Cựu Ước và nhất là qua Con Một Ngài là Đức Giê-su trong Tân Ước, khác với những kiến thức do trí khôn suy luận của loài người, như Tác giả Tin Mừng Gio-an viết như sau: “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha. Chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,17-18). Pascal cũng nói: “Chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói về Ngài cách chính xác mà thôi”.
TÓM LẠI: Thiên Chúa không phải chỉ là kết quả do trí tưởng tượng của con người. Nhờ có trí khôn, con người đã nhận biết có Thiên Chúa là Đấng đã sáng tạo nên trời đất muôn vật… và nhờ quan sát thiên nhiên, con người cũng có thể suy luận để hiểu biết phần nào sự thật về Thiên Chúa. Nhưng phải nhờ mặc khải của Thiên Chúa qua các ngôn sứ trong Cựu Ước, nhất là qua Con Một Ngài là Đức Giê-su, loài người mới hiểu biết sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa, về chương trình sáng tạo và cứu độ loài người. Rồi đến ngày tận thế, loài người chúng ta còn được hiểu biết sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa khi được gặp gỡ Ngài “diện đối diện” như lời thánh Phao-lô dạy: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương. Mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn. Mai sau tôi sẽ được biết hết như Thiên Chúa biết tôi” (I Cor 13,12).
3.THẢO LUẬN: 1)Việc nhận biết các ưu phẩm của Thiên Chúa dựa vào sự quan sát suy luận trong vũ trụ thiên nhiên có hợp lý và đầy đủ không ? Tại sao ? 2)Chúng ta cần dựa vào đâu để hiểu biết chính xác đầy đủ về bản tính Thiên Chúa ? 3)Muốn được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa ban qua Đức Giê-su, các tín hữu phải làm gì ?
4.LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa Cha giầu lòng từ bi thương xót. Cha đã tạo dựng nên muôn loài muôn vật, trong đó có loài người chúng con. Cha thấu suốt tâm can và lòng trí chúng con. Cha nhìn thấy mọi tư tưởng, lời nói việc làm của chúng con. Giờ đây chúng con xin dâng lên Cha tâm tình biết ơn và xin phó thác cả cuộc đời chúng con trong bàn tay quan phòng yêu thương của Cha. Xin Cha đổ đầy Thần Khí xuống trên chúng con, để nhờ ơn Thánh Thần, chúng con có thể tin thờ Cha và luôn sống hiếu thảo đẹp lòng Cha. Chúng con cầu xin Cha, nhờ Đức Ki-tô Con Cha và là Chúa chúng con.- AMEN.
LM ĐAN VINH
Đối thoại năm Đức Tin : Về sự tiền định của Thiên Chúa và về tội lỗi của con người
VẤN ĐÊ 20 A:
Tin có Thiên Chúa sẽ làm cho con người trở nên ỷ nại, chấp nhận hoàn cảnh hiện tại vì tin mọi sự xảy ra đều do Chúa định, mà không cố gắng vượt qua số phận để đạt tới một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn.
GIẢI ĐÁP :
1.Ý nghĩa của hai chữ “Chúa định” là gi ? :
Người Công Giáo thường nói: “Mọi sự đều do Chúa định”. Vậy phải chăng con người không có tự do quyết định vận mệnh của mình ? Phải chăng con người sẽ trở thành nô lệ cho một vị Thiên Chúa độc đoán, và họ chỉ còn biết ỷ nại vào sự định đoạt của Thiên Chúa, mà không có thể vượt qua số phận bất hạnh gặp phải, hầu đạt tới một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn ?
1) Thế nào là “Chúa định”: Chúa định hhông đồng nghĩa với tất định như có người lầm tưởng, mà chỉ có nghĩa là biết trước, thấy trước những gì xảy ra.
Nếu thực sự Thiên Chúa định đoạt tất cả mọi việc lớn nhỏ trong vũ trụ thiên nhiên, định đoạt só phận của nhân loại và cá nhân mỗi người… mà dù muốn dù không chúng ta buộc phải chấp nhận, thì khi ấy con người không khác chi một cái máy vô hồn, hoặc như thú vật hoạt động hoàn tòan theo bản năng hay như một trẻ thơ ấu trĩ chỉ biết hoàn toàn cậy nhờ vào sự bao bọc của cha mẹ… đúng như có người đã chỉ trích nói trên.
Nhưng trong thực tế, ai trong chúng ta cũng đều ý thức về sự tự do của mình: tự do làm hay không làm một việc nào đó, tự do quyết định làm một việc tốt hay làm điều xấu. Ai cũng cảm thấy mình có khả năng làm chủ vận mệnh cuộc đời của mình chứ không phó mặc hoàn toàn cho số phận may rủi. Vậy hai chữ “Chúa định” chỉ có nghĩa là sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và hằng quan tâm săn sóc để chúng tồn tại và tiến hóa theo các định luật thiên nhiên như Ngài đã an bài. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo ra không gian và thời gian trong vũ trụ, nên Ngài không ở trong không gian và thời gian, cũng không bị lệ thuộc vào không gian thời gian ấy. Nơi Thiên Chúa không có quá khứ hay tương lai, nhưng luôn là hiện tại. Thiên Chúa nhìn thấu suốt mọi sự đã xảy ra trong quá khứ, đang xảy ra trong hiện tại và sắp xảy ra trong tương lai trong một cái nhìn “hic et nunc” (ở đây và bây giờ). Ngài nhìn thấu suốt vận mệnh của nhân loại nói chung và cá nhân mỗi người chúng ta trong một cái nhin. Ngài hằng quan tâm săn sóc, ban ơn giúp đỡ như một người cha yêu thương con cái để ban ơn cứu độ cho họ như thánh Phao-lô đã viết trong thư Ti-mô-thê: Trước hết tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin khấn nguyện nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp, mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Tuy nhiên, dù muốn cứu độ hết mọi người nhưng Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do quyết định làm hay không làm, làm điều tốt hay điều xấu, nên họ phải chịu trách nhiệm về việc làm của họ. Cho nên thánh Au-gút-ti-nô đã nói: “Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta mà không cần sự cộng tác của chúng ta; nhưng Ngài không thể cứu chuộc chúng ta, nếu chúng ta không cộng tác với Ngài”.
2)Thiên Chúa quan phòng tiền định theo sách Tin mừng:
Trong Tin mừng, Đức Giê-su nhiều lần nhắc đi nhắc lại việc Chúa Cha hằng quan tâm săn sóc tất cả mọi tạo vật nhất là loài người là dưỡng tử của Ngài:
a)Thiên Chúa yêu thương săn sóc mọi loài:
-“Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được, dù chỉ một gang không ? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em. Ôi những kẻ kém tin !” (Mt 6, 26 – 30).
-“Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em” (Mt 10,29).
-Đức Giê-su đáp: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
b)Thiên Chúa đặc biệt săn sóc loài người:
-“Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,30-31).
-“Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45).
Như vậy, người tín hữu tin “Chúa định” cũng là tin “Chúa biết trước”: Ngài hằng săn sóc mọi loài mọi vật do ngài đã dựng nên, đặc biệt là loài người chúng ta. Một khi tin chắc vào sự quan phòng của Thiên Chúa, người tín hữu sẽ thêm lòng tin cậy mến, thể hiện qua thái độ năng tạ ơn Chúa và cầu xin Ngài ban ơn để được cứu độ.
Tuy nhiên, có người lại đặt vấn đề: Phải chăng tin có Thiên Chúa tiền định, quan phòng biết trước như thế sẽ làm cho con người trở thành ỷ nại, không muốn làm việc để làm chủ thiên nhiên, vượt qua vận mệnh của mình để đạt tới một đời sống ấm no hạnh phúc hơn ?
2.Đức tin không tiêu diệt sự làm việc và ý chí tự do của con người:
Tin vào sự quan phòng, biết trước của Thiên Chúa không những không làm cho con người ỷ nại vào sự sắp xếp của Thiên Chúa, nhưng trái lại, còn thúc đẩy con người cố gắng làm việc nhiều hơn để làm chủ thiên nhiên và làm chủ vận mệnh của mình như sau:
a)Dựa vào Lời Chúa trong Thánh Kinh:
-Con người được tạo dựng khác hẳn mọi loài khác: Mở sách Sáng thế, ta đọc thấy: Thiên Chúa đã ưu đãi con người, chỉ tạo nên con người sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi sự: Dựng nên vũ trụ để làm chỗ cho con người trú ẩn; Dựng nên các sinh vật như thảo mộc hoa màu để làm thức ăn nuôi sống và dựng nên muôn thú vật để làm bạn với con người; Vũ trụ và muôn vật phải tuân theo định luật hay bản năng thiên nhiên (Stk chương 1 và 2), đang khi con người được phú cho linh hồn thiêng liêng với hai tài năng là trí khôn suy nghĩ và ý chí tự do vượt trổi mọi loài vật khác: “Chúa phán: Ngươi được ăn mọi thứ cây trong vườn, nhưng cây biết lành biết dữ thì đừng ăn, vì ngày nào ngươi ăn vào thì ngươi sẽ phải chết” (Stk 2,7; 2,16). Con người có trí khôn hiểu biết sự lành sự dữ, đồng thời còn có ý chí tự do quyết định: làm hay không làm, chọn làm lành để được phúc và chọn làm ác sẽ phải chết.
-Các khả năng khác: Ngoài trí khôn và ý muốn nói trên, con người còn được Thiên Chúa ban cho có tay chân với khả năng làm việc hữu hiệu dưới sự điều động của trí khôn hơn mọi loài. Ngài cũng trao cho con người quyền làm bá chủ vũ trụ vạn vật như sách Sáng Thế ghi lại: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất’. Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy” (St 1,28-30).
Qua đó, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ vạn vật và đặc biệt ưu đãi đối với con người. Ngài ban cho họ có tay chân và hai tài năng siêu việt là lý trí suy luận và ý chí tự do là nhằm khuyến khích họ hãy làm việc, chứ không khoanh tay ngồi chờ, ỷ nại vào Thiên Chúa, giống như loài thú vật hoạt động theo bản năng, hoặc như vũ trụ vô tri vô giác, hoàn toàn tuân theo các định luật thiên nhiên cách máy móc.
b)Dựa vào sự hợp lý:
Một tín hữu tin có Thiên Chúa, tin rằng sau cuộc sống trần gian hôm nay vẫn còn một cuộc sống khác tồn tại vĩnh hằng… thì chắc chắn ngay từ cuộc sống hiện tại đã phải cố gắng làm việc, phải ăn ở lương thiện hơn những người bất tín, không chấp nhận có Đấng Tạo Hóa sẽ phán xét công minh, cũng không tin có sự thưởng phạt thiên đàng hỏa ngục đời sau… Vì người tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa sẽ có động lực thúc đẩy hăng hái làm việc, có lòng mến yêu và sự ao ước được về với Thiên Chúa sau khi chết, đang khi người vô tín sống không có lý tưởng, hoặc nếu có thì chỉ nhắm những mục đích mang tính vụ lợi ích kỷ… họ chỉ biết làm ra nhiều tiền, rồi lại dùng tiền ấy để thỏa mãn những đam mê lạc thú tầm thường mà thôi.
TÓM LẠI: Tin có Thiên Chúa không những không làm cho con người lười biếng, ỷ nại vào một quyền lực siêu phàm bên ngoài, mà trái lại, chính niềm tin ấy lại là động lực thúc đẩy người tín hữu làm việc nhiều hơn để làm chủ thiên nhiên, và cố gắng sống lương thiện ăn ngay ở lành để hy vọng sẽ được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trên thiên đàng đời sau. Trái lại, những người không tin có Thiên Chúa sẽ chỉ biết hưởng thụ, chỉ đi tìm lợi lộc vật chất cho mình dù phải sử dụng phiương thế bất nhân thất đức. Họ sẽ trở thành những kẻ nguy hiểm cho xã hội, vì không tin có sự thưởng phạt đời sau. Na-pô-lê-ông Đại Đế cũng nói tương tự: “Một dân tộc không có niềm tin tôn giáo sẽ phải được cai trị bằng sung đạn, nhà tù và bạo lực !”
PHÚT HỒI TÂM:
-LỜI CHÚA:
Đức Giê-su nói: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được, dù chỉ một gang không ? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em. Ôi những kẻ kém tin !” (Mt 6,26-30).
-LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Cha đã dựng nên muôn vật muôn loài để chuẩn bị trước khi dựng nên loài người chúng con. Cha lại còn an bài để mọi tạo vật có thể tồn tại trong trật tự và ngày một tiến hóa theo thánh ý Cha. Đặc biệt Cha đã thương yêu săn sóc loài người là dưỡng tử của Cha và trao quyền làm chủ mọi loài. Rồi khi nguyên tổ phạm tội phải chịu án chết, Cha lại hứa ban Đấng Cứu Thế là Giê-su Ki-tô. Xin giúp chúng con tin vào Con Cha là Đức Giê-su và noi gương Người sống tình con thảo với Cha và tình huynh đệ với nhau, đồng thời quyết tâm theo con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Người, hầu sau này được về thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời với Người. A-MEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
VẤN ĐỀ 20 B:
Không có tội lỗi theo nghĩa tôn giáo. Chỉ có những lỗi lầm đối với xã hội như lười biếng, hèn nhát, ích kỷ… mà thôi.
GIẢI ĐÁP :
1.Thế nào là tội lỗi theo nghĩa tôn giáo ?
Giáo lý Công Giáo dạy rằng: Tội là khi cố tình lỗi giới răn của Thiên Chúa, hay lỗi các điều răn Hội Thánh dạy biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa.
Lỗi giới răn Thiên Chúa là tội thực sự vì:
-Là một hành động phản nghịch: một người cố ý không tuân giữ luật lệ của quốc gia có tội với quốc gia thế nào, thì một người cố tình lỗi giới răn Thiên Chúa cũng có tội với Ngài như vậy, vì chống lại thánh ý của Ngài.
-Là một hành vi bất hiếu: cũng như con cái không vâng lời cha mẹ dạy dỗ… là một đứa con bất hiếu thế nào, thì một người cố tình không tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa cũng là đứa con bất hiếu với Ngài như vậy.
2.Những hành vi nào là có tội?
Đức Giê-su đã thâu tóm tất cả mọi giới răn của Thiên Chúa trong hai điều này: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điểu răn ấy” (Mt 22,37-40).
Do đó, tất cả những hành vi nào cố tình lỗi hai giới răn mến Chúa yêu người nói trên đều có tội: Những lỗi lầm đối với xã hội như: lười biếng, hèn nhát, ích kỷ, gian dối bất công… là những tội lỗi giới răn “yêu người thân cận như chính mình”, nên đều có tội và đáng bị trừng phạt. Tuy nhiên, cả những tội bất hiếu với Thiên Chúa, cố tình nhắm mắt bịt tai để khỏi nhận biết những kỳ công của Ngài mà tin thờ Ngài cũng là tội bất hiếu nặng nề nữa. Đến ngày tận thế, khi mọi người được sống lại và chịu phán xét chung, những người cố tình không tin sẽ không tránh khỏi hình phạt cân xứng với tội cứng lòng của họ như lời Đức Giê-su nói với các người Pha-ri-sêu trong Đền thờ rằng: “Các ông chớ ngạc nhiên về điều này vì “Giờ” đã đến. “Giờ” mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó. Ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống. Ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28–29).
Đức Giê-su cũng cảnh báo về các hình phạt những kẻ cứng lòng tin sẽ phải chịu như sau: “Tôi đã nói với các ông là: các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8,24). Chết ở đây là cái chết do bị mất ơn cứu độ và phải chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục, chung số phận với ma quỷ như Đức Giê-su sẽ phán với những kẻ ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta, mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).
PHÚT HỒI TÂM:
LỜI CHÚA:
Chúa Giê-su nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,5-6).
LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói rằng: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”. Xin mở lượng hải hà xoá bỏ các tội của con. Xin tạo cho con quả tim trong sạch và gìn giữ con đừng cố tình phạm tội, để tâm hồn con luôn thanh sạch, hầu xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa và luôn được ở trong tình thương của Ngài. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. A-MEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
Điều Răn Thứ Bốn – Đạo thờ Ông Bà
Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi“ (Đnl. 5,16)
Sau khi ba Điều Răn đầu tiên trong Thập Giới Điều của Thiên Chúa đã nêu lên những bổn phận quan trọng đòi buộc con người nhất thiết phải chu toàn đối với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng, thì bảy Điều Răn còn lại đề cập tới những trách nhiệm hổ tương giữa con người với con người trong các tương giao với nhau.
Và bắt đầu là Điều Răn Thứ Bốn, dạy con cái phải hiếu thảo và kính yêu đối với các bậc sinh thành là tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Điều này khẳng định tính chất cơ bản và trọng yếu của bổn phận thảo kính mà con cái phải có đối với cha mẹ, khi các ngài còn sống cũng như lúc đã qua đời, của Đạo Thiên Chúa nói chung và của Đạo Công Giáo nói riêng. Đúng vậy, qua Điều Răn Thứ Bốn, Thiên Chúa đòi buộc những người làm con cái nhất thiết phải có trách nhiệm và bổn phận đối cha mẹ mình.
Đồng thời điều đó cũng là một minh chứng hùng hồn phản bác lại những phê bình chỉ trích nông cạn của một số người không hiểu rõ giáo lý Công Giáo nên đã hiểu lầm cho rằng đi theo Đạo Công Giáo là bỏ tổ tiên, bỏ ông bà và cha mẹ. Đúng vậy, ở đây bổn phận phải thảo kính cha mẹ không phải là một truyền thống tốt hay một luật lệ đúng đắn do loài người đặt ra, mà là luật thánh do chính Ông Trời, do chính Thiên Chúa đã thiết đặt và đòi buộc tất cả mọi kẻ làm con phải chu toàn đối với cha mẹ mình. Vì thế, Điều Răn Thứ Bốn này thực sự là luật thánh, và những ai không chu toàn Điều Răn Thứ Bốn, tức không có lòng thảo kính cha mẹ, thì không những mắc tội bất hiếu đối với cha mẹ mà còn mắc tội với Trời, nhưng những ai dám mắc tội, dám xúc phạm đến Trời thì Trời không bao Trời dung tha. Kinh ngiệm trong cuộc sống đời thường cũng đã minh chứng điều đó: những người con sống bất hiếu với cha mẹ hoặc xúc phạm nặng nề đến cha mẹ, như hất hủi, đánh đập, chửi bới cha mẹ, thường đã phải gánh chịu những hậu quả ghê gớm như ác quả nhãn tiền.
Nhưng có lẽ sự hiểu lầm vừa nói trên nơi những người ngoài Công Giáo bắt nguồn từ việc họ quan sát thấy các tín hữu Công Giáo không cúng bái ông bà cha mẹ khi các ngài đã qua đời. Vì theo quan niệm truyền thống của những người Việt Nam không phải là tín hữu Công Giáo, thì vào các ngày lễ, ngày rằm, ngày giỗ, tết đoan ngọ, tết nguyên đán, hay các dịp lễ hội quan trọng khác, để tưởng nhớ và tỏ lòng thảo kính đối với ông bà cha mẹ đã qua đời, người ta thường sửa soạn chu đáo một cỗ cúng hay một mâm cúng, to nhỏ tùy điều kiện kinh tế của gia đình liên hệ, và đặt lên bàn thờ tổ tiên. Trên mâm cúng đó gồm có các thức ăn bình thường của người sống, như: Xôi, các thứ thịt ngon, rượu nồng, các thứ hoa trái tươi tốt và cùng với mâm cúng người ta còn đốt các cây nhang, khói hương tỏa bay thơm ngào ngạt, hòa lẫn với những tiếng khấn bái của đoàn con cái cháu chắt đang trang nghiêm quây quần trước bàn thờ, chấp tay thành kính dâng lên ông bà cha mẹ, mong hồn thiêng các ngài trở về hưởng hương vị của các món ăn dâng trên bàn thờ, chứng dám cho lòng hiếu thảo của con cái cháu chắt và phù hộ cho họ biết thương yêu nhau, được bằng an và làm ăn phát đạt. Sau đó, khi cây nhang đã cháy hết thì con cháu mới được phép bưng mâm cúng xuống và cùng nhau ăn uống vui vẻ, vì họ đinh ninh rằng trong thời gian cây nhang đang cháy thì hồn thiêng các người quá cố trở về và hưởng các hương vị của mâm cúng, còn khi cây nhang đã cháy tàn, thì các hồn thiêng ấy cũng đã hưởng xong các hương vị con cháu dâng cúng cho các ngài và đã quay gót trở lại cõi âm rồi; do đó, con cháu mới được hưởng của dư còn lại.
Trước hết, tâm tình thảo hiếu, thương nhớ và gắn bó với ông bà cha mẹ đã qua đời như thế của người Việt Nam chúng ta quả thực là một đạo lý truyền thống rất đáng trân trọng, cần phải được mọi người bất kể lương giáo bảo tồn và phát huy. Nhất là chính tâm tình thảo hiếu ấy hoàn toàn trùng hợp với giáo huấn của Điều Răn Thứ Bốn, tức đúng với bổn phận thảo kính mà Thiên Chúa đòi hỏi con cái phải chu toàn đối với cha mẹ mình.
Tuy nhiên, cách thức tỏ bày lòng thảo kính đối với những người quá cố như thế, tức việc cúng bái ông bà cha mẹ đã chết với những thức ăn vật chất, thì lại không nhất thiết phải được mọi người cùng chia sẻ và đồng ý. Thật vậy, nói tổng quát, các tín hữu Công Giáo hoàn toàn xác tín một cách chắc chắn rằng sau khi đã qua đời, tức sau khi linh hồn ra khỏi xác, thì xác con người sẽ được chôn sâu và tan hòa vào lòng đất mẹ, chờ được sống lại trong ngày tận thế, còn linh hồn thì phải đến trước tòa Thiên Chúa chí công để lãnh nhận phần trách nhiệm về cuộc sống trần gian vừa qua của mình: có công thì được thưởng, có tội thì phải đền bù. Ai gieo giống gì thì sẽ gặt hái được hoa quả của giống đó (x. Gl 6,7b-8). Luật công bằng của trời đất muôn đời vẫn thế, chứ đừng trách Thiên Chúa khắc nghiệt mà lại thêm tội. Vả lại Thánh hiền cũng đã dạy: „Hoàng thiên vô thân, duy đức thị thụ“: Ông Trời không thân riêng ai cả, chỉ người có đức thì Trời giúp (Kinh Thư).
Do đó, bổn phận con cái phải có đối với cha mẹ mình sau khi các ngài đã qua đời là phải siêng năng cầu nguyện cho linh hồn các ngài, để nếu khi còn sống các ngài đã vì yếu đuối mà sai phạm hay thiếu sót các bổn phận của mình cách này cách kia, thì sớm được Thiên Chúa khoan hồng tha thứ và cho về đoàn tụ với các Thần Thánh, vui hưởng hạnh phúc bất diệt trên Thiên đàng. Trong khi đó, mùi thơm của khói nhang và hương vị của các thức ăn là những thứ thuộc vật chất chóng qua thì chỉ cuộc sống thể xác ở đời này mới cần tới để sinh tồn mà thôi, còn linh hồn con người là giống thiêng liêng, vô hình và bất tử thì chỉ mong đợi được hưởng các ân huệ của Thiên Chúa ban cho qua lời cầu xin khẩn nguyện của những người còn sống, chứ hoàn toàn không thể hưởng, hay nói đúng hơn, không cần tới các hương vị vật chất ấy nữa. Chính lý trí tự nhiên của con người bình thường cũng phải phê nhận điều này.
Dĩ nhiên, trên bàn thờ tổ tiên, người Công Giáo cũng được phép thắp nhang hay đặt lên đó bình hoa hay các thứ hoa quả như một dấu chỉ của lòng kính nhớ và thương tiếc của mình đối với ông bà cha mẹ, chứ không phải để cho hồn thiêng các ngài về hưởng. Còn các thức ăn mặn như các thứ thịt thà, cơm rượu, v.v… thì tuyệt đối không bao giờ được đặt lên trên bàn thờ dành cho tổ tiên, nếu không, sẽ phạm tội mê tín dị đoan và liều mình xúc phạm đến Điều Răn Thứ Nhất.
Thật vậy, giáo lý Công Giáo dạy con cái nhất thiết phải có lòng thảo kính và báo hiếu đối với cha mẹ một cách thực tiễn. Đó là: Phải thật lòng kính yêu, biết ơn, vâng phục và giúp đỡ cha mẹ, nhất là lúc các ngài phải rơi vào cảnh túng thiếu hay đau ốm bệnh tật. Trong giờ nguy tử thì phải liệu cho các ngài được lãnh nhận các Bí tích cần thiết, nhất Bí tích Hòa Giải, Bí tích Xức Dầu và Rước Lễ. Lòng thảo hiếu đối với cha mẹ còn phải bền chặt kéo dài mãi sang cả bên kia cái chết, nghĩa là một khi cha mẹ đã qua đời, con cái còn phải siêng năng sốt sắng đọc kinh cầu nguyện cho các ngài, nhất là dâng Thánh Lễ Mi-sa, cầu xin Thiên Chúa nhân hậu mau giải thoát linh hồn các ngài và đưa về vui hưởng hạnh phúc bất diệt với các Thần Thánh trên Quê Trời.
Như vậy, vấn đề đã quá rõ ràng, đó là: Bổn phận thảo kính cha mẹ giữa người bên lương và người Công Giáo chỉ khác nhau ở cách thức bày tỏ mà thôi – tức một bên thì cúng bái bằng các thức ãn uống vật chất, còn một bên khác thì đọc kinh và dâng Thánh Lễ để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ –, chứ bản chất của bổn phận thảo kính cha mẹ vẫn không có gì khác nhau giữa hai bên. Dĩ nhiên, trong hai cách thức bày tỏ lòng thảo kính đối với cha đã qua đời như trên, cách thức nào đúng, hợp lý và cách thức nào sai, không hợp lý, lại là chuyện khác.
Và tất cả những gì chúng ta vừa trình bày ở trên đây, mới chỉ xét trên phương diện nguyên tắc hay lý thuyết mà thôi, còn trên thực tế hay trong cuộc sống cụ thể, thì một sự thật đáng buồn mà người ta khó có thể phủ nhận được, đó là không phải tất cả mọi người con cái đều biết vuông tròn được đạo hiếu đối cha mẹ mình, nhất là khi họ phải phụng dưỡng và chăm sóc cha mẹ trong lúc các ngài đau yếu hay già nua, mặc dù niềm hy vọng của các bậc làm cha làm mẹ vẫn cụ thể: „Nuôi heo để lấy mỡ, nuôi con để đỡ đần chân tay“. Khi phải nuôi nấng phụng dưỡng cha mẹ, con cái lại thường so đo tính toán rất kỹ, đúng là „cha mẹ nuôi con biển hồ lênh láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày“. Kể cả những gia đình đông anh chị em, việc phụng dưỡng cha mẹ trong tuổi già cũng không thuận thảo dễ dàng hơn, trái lại nhiều khi còn khó khăn, còn phức tạp hơn: anh chị em ganh nạnh và phân bì lẫn nhau, tìm cách thoái thác và trao trút cho kẻ khác việc phụng dưỡng nuôi nấng cha mẹ với hàng trăm hàng ngàn lý do, thế mới có câu „Một mẹ nuôi được trăm con, còn trăm con lại không nuôi được một mẹ“. Thế nhưng một khi cha mẹ vừa nhắm mắt nằm xuống thì ôi thôi: con cái cháu chắt thi nhau kêu khóc, gào thét thảm thiết và tổ chức ma chay cúng quảy linh đình như thể họ là những đứa con hiếu thảo và thương cha mến mẹ nhất trên đời. Nhiều người hay nhiều tang gia, đặc biệt ở các thành phố, còn thuê cả bọn người „khóc mướn“ nhà nghề đến khóc lóc và kể lể lải nhải. Nhưng thái độ thiếu thành thực và buồn cười đó vẫn không che đậy được mắt người đời, nên mới bị mỉa mai: „Khi sống thì chẳng cho ăn, đến lúc thác xuống làm cơm cúng ruồi“ là vậy. Còn trước mặt Thiên Chúa, chắc chắn những đứa con bất hiếu ấy sẽ khó lòng tránh khỏi tội!
Vậy, luật thảo kính cha mẹ đã rõ, nhưng có lẽ cũng sẽ không thiếu người tự hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại đòi buộc con cái phải thảo kính cha mẹ?
Câu trả lời chỉ có thể là: Vì cha mẹ là những người sinh thành ra ta, dưỡng dục ta nên người, các ngài là những người thay mặt Thiên Chúa săn sóc lo lắng cho ta cả hai phần hồn xác. Bởi vậy, việc thảo kính cha mẹ cũng thuộc về phạm vi tôn thờ Thiên Chúa, tức làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách tuân giữ Giới Răn của Người: „Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu“ (Xh 20,12). Trái lại, như đã nói trên, khi xúc phạm đến cha mẹ là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Sau cùng, cũng thuộc về Điều Răn Thứ Bốn này là lòng kính trọng và tuân phục các bậc Bề Trên trong Giáo Hội cũng như trong xã hội, tức hàng Giáo Phẩm, các cấp chính quyền hợp hiến, các thầy cô ở trường học và việc chu toàn các nghĩa vụ đối với xã hội qua việc tuân giữ các luật lệ chính đáng và chu toàn các trách nhiệm của người công dân.
(Trích trong: Lm. Nguyễn Hữu Thy “Hiểu và sống Mười điều Răn Thiên Chúa“, Trier 2010, tr.54-60)
Một thai nhi chưa được sinh ra nhưng có trái tim sống có được coi là con người không?
Một thai nhi chưa được sinh ra nhưng có trái tim sống có được coi là con người không?
Câu hỏi đặt ra vì một video đã được tung lên mạng, quay cảnh một thai nhi bị giết trong khi tim còn nhịp đập và chân còn đang đạp và những kẻ phá thai đang bàn nhau xem làm sao có thể giữ được bộ não của thai nhi để làm thí nghiệm. Cũng trong video này, người ta còn nghe được những cuộc đàm thoại về việc buôn bán, giá cả của những cơ phận thai nhi.
Đây là một câu hỏi, một sự thật làm nhức nhối trái tim bao người!
Cơ sở phá thai lớn nhất Hoa Kỳ với cái tên khá đẹp, gọi là Kế Hoạch Hóa Gia Đình ( Planned Parenthood) đã đối xử với những thai nhi chưa được sinh ra, không như đối xử với con người dù thai nhi ấy có trái tim sống đang đập, có lá gan đang hoạt động, có chân tay đang cựa quậy. Họ đã nhẫn tâm lôi thai nhi ra khỏi cung lòng người mẹ của chúng. Chúng ta cứ tưởng tượng ra hình ảnh là thai nhi đang sống, đang thở, đang lớn trong cung lòng mẹ của mình, bỗng dưng người ta đưa những vật nhọn chọc vào mắt, vào đầu, vào tim em và rồi lôi em ra ngoài, kết thúc cuộc đời của em ngay từ khi em chưa được phúc để chào đời. Em không tự bảo vệ mình được và cũng chẳng có ai xót thương để đứng ra bảo vệ em!
Người sáng lập ra cơ sở Kế Hoạch Hóa Gia Đình, Margaret Sanger (1879-1966) đã viết trong cuốn tự truyện của bà ta rằng “Việc phá thai trong bất cứ giai đoạn nào cũng là lấy đi một cuộc sống con người.” Nhưng vẫn chủ trương thực hiện phá thai vì bà ta lý luận rằng, để cứu bà mẹ nên phải hy sinh đứa con, hay người mẹ có quyền quyết định trên thân xác mình, rồi quyền phụ nữ… vân vân.
Việc thành hình cơ sở này manh nha vào năm 1916, khi Sanger mở cơ sở ngừa thai tại Brooklyn, New York. Đến năm 1922, bà ta cùng với Hội Ngừa Thai Hoa Kỳ đưa ra lý do ngừa thai vì dân số thế giới tăng, nạn đói trên thế giới…và năm 1923, Sanger mở Cơ Sở Nghiên Cứu Ngừa Thai ở Manhattan.
Đến năm 1942, một liên minh gồm Hội Ngừa Thai Hoa Kỳ và Cơ Sở Nghiên Cứu Ngừa Thai của Sanger ra đời với cái tên khá hấp dẫn “ Kế Hoạch Hóa Gia Đình.” Từ đó đến nay hàng triệu vụ phá thai đã được thực hiện tại cơ sở này!
Mới đây, Cecile Richards là đương kim chủ tịch của cơ sở Kế Hoạch Hóa Gia Đình Hoa Kỳ đã tuyên bố với các phóng viên rằng “ Cơ sở của bà và những chi nhánh của nó trên toàn nước Mỹ rất hãnh diện là đã thực hiện được hằng triệu vụ phá thai.”
Chúng ta vẫn còn nhớ ngày đầu tiên Đức Giáo Hoàng viếng thăm Hoa Kỳ thì cũng là ngày mà Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu chống lại Luật Bảo Vệ Trẻ Chưa Sinh.
Còn bà Nancy Pelosi, dân biểu đảng Dân Chủ tiểu bang California, xưng mình là người Công Giáo, khi được phóng viên CNSNews.com hỏi rằng theo bà thì “thai nhi 20 tuần trong bụng mẹ có được coi là con người không?”
Bà không trả lời ngay vào câu hỏi, có hay không, nhưng bà đi vòng vòng. Bà cho biết bà là một bà mẹ có 5 đứa con, rằng bà là người Công Giáo, rằng bà biết thế nào là sinh con, là đau đẻ và bà còn nói bà biết về việc có con nhiều hơn Đức Giáo Hoàng.
Cuối cùng thì bà nói rằng “việc phá thai là tùy vào người phụ nữ, tùy vào lương tâm, thượng đế, bác sĩ, số phận, sự sống còn mà người phụ nữ quyết định. Luật pháp phải dành cho người phụ nữ quyền chọn lựa.”
Vào sáng thứ Tư tuần này, dân biểu Cộng Hòa tiểu bang Arizona, Matt Salmon, đã trả lời câu hỏi trên rằng một thai nhi chưa được sinh ra mà có trái tim người thì dĩ nhiên thai nhi là một con người.
Ông còn nói thêm là trong trái tim và tâm trí của đa số người Mỹ thì câu trả lời cũng sẽ là thai nhi chưa sinh ra được coi là con người. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta có một luật tiêu chuẩn kép tại Hoa Kỳ. Nếu một người phạm tội giết chết một người phụ nữ đang mang thai, người ấy sẽ bị truy tố về hai vụ giết người.
Ông nói tiếp : “Khi vợ chồng tôi đến thăm khu vực khủng bố 9/11 (Ground Zero), tôi thấy tên của các nạn nhân được viết trên tường và chúng tôi đọc được tên của một người phụ nữ và ‘đứa con chưa sinh của bà.’viết ngay bên cạnh.
“Thật là đạo đức giả. Ý tôi muốn nói là đất nước chúng ta cho rằng thai nhi là một cuộc sống thì kẻ giết thai nhi là kẻ giết người hay tên khủng bố ( dù người đó còn trong bụng mẹ). Vậy các bác sĩ phá thai thì sao, không giết người à?”
Khi phóng viên của CNSNews.com hỏi dân biểu Salmon là ông có dự định gì trong việc cắt tiền trợ cấp của Liên Bang cho cơ sở “Kế Hoạch Hóa Gia Đình”. Ông đã trả lời:
“Tôi theo đuổi kế hoạch mà tôi đã có, đó là: Tôi sẽ không ủng hộ bất cứ việc hỗ trợ tài chánh nào cho cơ sở Kế Hoạch Hóa Gia Đình, bất cứ dự án nào. Tôi đã bỏ phiếu chống “ giải pháp tạm thời” và nếu có điều luật nào nhằm hỗ trợ tài chánh cho cái cơ sở này thì tôi sẽ bỏ phiếu chống điều luật đó.
“Về cơ bản, tôi sẽ không bỏ phiếu cho cái gì đó mà tôi tin là đa số người dân Mỹ thấy là nó đáng trách.
“Không phải chỉ là vấn đề chi tiêu tiền bạc, các cơ sở như Kế Hoạch Hóa Gia Đình có thể dùng tiền, như bạn biết đấy, có đến hằng trăm triệu, chúng ta cung cấp cho họ để dùng vào việc phá thai. Hiện nay chúng ta còn thấy rằng họ đang bị cáo buộc bán các cơ phận trẻ em. Không bao giờ tôi lại bỏ phiều cho việc tài trợ này, không bao giờ”
Lưỡng Viện Quốc hội Hoa Kỳ vừa mới bỏ phiếu chấp nhận việc tiếp tục giải ngân cho chính phủ đến ngày 11 tháng 12, điều đó có nghĩa là cho phép quỹ liên bang tiếp tục tài trợ cho cơ sở Kế Hoạch Hóa Gia Đình.
Theo như bản báo cáo hằng năm mới đây, cơ sở Kế Hoạch Hóa Gia Đình đã thực hiện 327,653 vụ phá thai trong tài khóa 2013. Cơ sở này đã nhận được $528.4 triệu Mỹ Kim từ quỹ tài trợ của chính phủ và tiền bồi hoàn trong năm kết thúc vào ngày 30 tháng 6 năm 2014. Số tiền đó tương đương 41 phần trăm doanh thu của cơ sở này.
Khi chúng ta nhìn nhận mình chỉ là tạo vật do Thiên Chúa hay Đấng Tạo Hóa tạo nên thì mới vượt qua được những toan tính thấp hèn, những lợi lộc cá nhân phe nhóm, mà khẳng định rằng “ một thai nhi chưa sinh ra nhưng có trái tim sống thì hiển nhiên là một con người. Và như thế kẻ nào làm phương hại đến mạng sống của con người ấy, hay vin vào bất cứ lý lẽ nào để tiêu diệt con người chưa sinh ra ấy đều là những kẻ sát nhân, những tội phạm hình sự.
Theo cnsnews.com và sưu tầm.
Giuse Thẩm Nguyễn
Cha mẹ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được phong thánh (18-10-2015)

(VATICAN CITY, 1-10). Chân phước Martin và Zélie sẽ là đôi vợ chồng đầu tiên đồng thời được phong thánh. Thánh lễ sẽ diễn ra vào ngày 18 tháng 10 năm 2015 tại Vatican. Sự kiện này diễn ra trễ hơn ba tuần so với ngày lễ thánh mừng con gái của hai ngài là thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tiến sĩ Hội Thánh (ngày 01 tháng 10).
Đức Thánh Cha đã phê chuẩn các sắc lệnh cho phép việc phong thánh của ông bà Martin trong kỳ hội đồng giám mục tại Điện Tông Tòa ngày 27 tháng 6.
Ngày 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã công nhận một phép lạ của hai ngài.
Sau ba tháng quen nhau, ông Louis Martin và bà Zélie Guérin đã thành hôn (13-7-1858). Họ sống độc thân gần một năm, nhưng cả hai nhận ra ý Thiên Chúa muốn họ sống nghĩa vợ chồng và họ có chín người con. Bốn người chết ngay trong thời thơ ấu, trong khi năm cô con gái còn lại lần lượt vào Dòng Kín và Dòng Thăm Viếng.
Zélie qua đời vì căn bệnh ung thư vào năm 1877 để lại năm cô con gái nhỏ cho Louis chăm sóc: Marie, Pauline, Leonie, Celine, và Têrêsa khi ấy mới lên bốn tuổi. Louis qua đời năm 1894 sau cơn đau đớn vì hai lần đột vào năm 1889, và suốt 5 năm đau bệnh trầm trọng kéo dài.
Cả Louis và Zélie được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI phong chân phước ngày 19 tháng 10 năm 2008.
Việc phong thánh của cặp vợ chồng này sẽ trùng với Thượng Hội Đồng về gia đình được tổ chức vào ngày 4 tới ngày 25 tháng10. Lần gặp gỡ của các giám mục trong ba tuần này sẽ là lần gặp thứ hai và lớn hơn so với hai lần họp như vậy sẽ diễn ra trong suốt năm nay. Như năm 2014, trọng tâm của Hội Đồng Giám Mục năm 2015 là gia đình, với chủ đề: “Ơn gọi và sứ mạng của các gia đình trong Giáo Hội và thế giới hiện đại “
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn kính thánh tích Chân Phước Louis và Zélie trước Thượng Hội Đồng 2014 về gia đình, cùng với cặp vợ chồng khác: Chân phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi.
Công bố tại Tòa án phong thánh hôm thứ bảy rằng Chân phước Louis và Zélie được phong thánh cùng với hai người khác: Chân phước Vincenzo Grossi, một linh mục người Ý là đấng sáng lập hội chị em Tiểu muội và chân phước Mary of the Immaculate Conception (Maria Isabel Salvat Romero), người Tây Ban Nha bề trên tổng quyền của Dòng Các Sơ Thánh Giá.
Chúng ta hãy cầu xin với hai thánh nhân cùng với thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu ban cho mỗi gia đình chúng ta thật nhiều phúc lành của Chúa!
Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J. DongTen
Người mẹ Hồi giáo chúc lành cho lễ phong chức người con làm linh mục Công giáo

Sự kiện này diễn ra hôm 10-10, tại nhà nguyện của Đại chủng viện Maumere trên đảo Flores. Mười một phó tế, thuộc dòng Ngôi lời, được phong chức bởi Đức cha incensius Poto Kota Pr, Tổng Giám mục Ende.
Bà Sites Asiyah, mang trang phục Hồi giáo, đi cùng con trai mình, phó tế Robertus B. Asiyanto, và đặt tay lên đầu thầy, với sự chứng giám của người cha nuôi đang ngồi nơi hàng ghế đầu cùng với toàn thể gia đình. Bà cho biết, ‘Tôi thực sự hạnh phúc khi thấy con trai mình được truyền chức linh mục Công giáo.’
Đảo Flores, thuộc tỉnh Nusa Taggara phía đông, là nơi có mật độ người Công giáo đông nhất nước Indonesia, chiếm đa số dân cư trên đảo. Ở Java, miền trung, đa số dân là người Hồi giáo, nhưng nhiều tu sỹ nam nữ Công giáo có xuất thân từ các gia đình Hồi giáo, và đây không phải là chuyện hiếm.
Còn ở Sumatra miền nam, có câu chuyện nổi tiếng hai chị em sinh đôi theo hai con đường khác nhau: một người sốt sắng theo Hồi giáo, và đã hành hương đến Mecca, người kia theo Công giáo và gia nhập dòng Nữ tử Trái tim Đức Mẹ ở Merauke, trên đảo Papua. Cả hai đều hạnh phúc và giữ quan hệ tốt với gia đình.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Lịch Sử và Ý nghĩa Tràng chuỗi Mân Côi

Tràng chuỗi Mân côi hẳn là không xa lạ gì với người Công Giáo Việt Nam. Ngay từ thưở lọt lòng, mỗi người tín hữu đã được nghe những lời kinh bên nôi từ người mẹ, của Bà nội, bà ngọai. Điều này không phải là ngày xửa ngày xưa, nhưng là hiện tại. Dù ngày nay, nhiều bà mẹ trẻ trẻ ít nhiều xao lãng việc lần chuỗi, nhưng những lời kinh: Kinh Lạy Cha, Kinh kính mừng, Kinh sáng danh không một người mẹ nào không thuộc nằm lòng khi dâng con cho Thiên Chúa, phó thác con mình cho Đức Mẹ, ca ngợi Ba Ngôi Thiên Chúa sau khi con được lãnh nhận Bí tích thanh tẩy, mẹ đưa con đến trước tòa Đức Mẹ nơi thánh đường. Tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng hiểu về nguồn gốc kinh Mân côi và tràng chuỗi Mân côi. Nhân Tháng Mân côi, chúng ta tìm hiểu về lời kinh mà theo Lịch sử Giáo hội kể lại, chính Đức Maria đã trao chuỗi Mân Côi cho Thánh ĐaMinh (1170-1221) và cũng qua các tu sĩ Dòng Anh em Thuyết giáo mà tràng chuỗi Mân Côi được giữ gìn và phát triển qua các thế hệ.
Nguồn gốc căn bản của Chuỗi Mân Côi là từ những lời cầu nguyện của sách Thánh Vịnh trong Kinh Thánh. Cha Frederick M. Jelly thuộc Dòng Đaminh đã viết trong cuốn “Thánh Mẫu Maria trong thuyền thống của Giáo Hội công giáo” rằng: “Ngay từ rất sớm, Giáo Hội đã đón nhận các Thánh Vịnh như là một phần tài sản người Do Thái kếthừa, Thánh Vịnh là lời thổ lộ từ đáy lòng của họ trong các nghi lễ và lời cầu nguyện hàng ngày. Để thực hành cầu nguyện người ta thay 150 lời Kinh “Lạy Cha chúng con” thay vì bằng 150 Thánh Vịnh như thời Trung Cổ, và chính vì điều này đã phát xuất việc sùng bái Chuỗi Mân Côi. Để giữ cách đếm các kinh đọc, người ta kết vào một sợi dây với những tràng hạt, và điều này dần dần trở thành Tràng Chuỗi Mân Côi” .
Từ rất sớm, mỗi 150 Kinh Lạy Cha, người ta bắt đầu thêm vào những lời cầu nguyện ngắn về Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nhằm tạo nên sự nối kết giữa đọc kinh và nguyện gẫm về mầu nhiệm của đức tin. Sau đó, họ thay thế những đoạn suy gẫm ngắn gọn, thứ tự về Chúa Giêsu và Mẹ Maria từ việc Truyền Tin cho đến Phục Sinh của Đức Giêsu và sự kiện Đức Mẹ lên trời.
Theo Cha Jelly, thì trong 15 thế kỷ đầu các Đan sĩ Dòng Thánh Bruno và anh em Dòng Đaminh đã giúp phổ biến việc sùng bái bằng nối kết 50 Kinh Kính Mừng với 50 câu về Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đây là nguồn gốc của lời Kinh Mân Côi mà chúng ta có ngày nay. Từ chuỗi 50 là tâm điểm của việc suy gẫm nên được gọi là Vườn Hoa Hồng (Rose Garden). Hoa Hồng là biểu tượng của niềm vui, được ưu tiên cho Mẹ Maria, và Chuỗi Mân Côi đã quy vào việc kể lại trong 50 Kinh Kinh Mừng. Những mầu nhiệm này được dựa trên biến cố cuộc sống của Chúa Giêsu đã được viết ra trong sách Kinh Thánh. Bằng cách suy niệm này giúp cho những người không biết chữ cũng có thể hiểu được những câu chuyện trong Kinh Thánh.
Năm 1569, Đức Thánh Cha Pio V, công bố Huân dụ Consueverent Romani Pontifices. Kêu gọi dân Chúa siêng năng lần Chuỗi Mân Côi. Thánh Giáo Hoàng Pio V về mặt hình thức đã xác minh cách cầu nguyện Chuỗi Mân Côi và được phổ biến qua các thế kỷ với 15 mầu nhiệm, Vui, Thương và Mừng mà chúng ta biết như hôm nay. Ngài đã góp phần làm cho việc cầu nguyện này thêm bền vững bằng sự dứt khoát nối kết suy niệm trên cuộc sống của Chúa Giêsu đến cầu nguyện với Chuỗi Mân Côi. Từ đó, nhiều vị Giáo Hoàng đã nhiệt tình chú tâm đến Chuỗi Mân Côi, đáng chú ý nhất là Đức Thánh Cha Leo XIII, Gioan XXIII, và Phaolô VI.
Ngày 16 tháng 11 năm 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã làm ngạc nhiên thế giới với việc gợi ý tài liệu mới về Chuỗi Mân Côi,Rosarium Virginis Mariae. Đức Thánh Cha Gioan Phalo II đề nghị 5 mầu nhiệm mới là “Năm Sự Sáng” để suy niệm. Ngài nói: “Tôi tin, tôi mang ra sự đầy đủ và sâu sắc Kitô Học của Chuỗi Mân Côi, Năm SựSáng phù hợp để thêm vào truyền thống kiểu mẫu”. Năm Sự Sáng được phất xuất từ câu lời Chúa: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga, 9, 5) với nội dung như sau :
NĂM SỰ SÁNG:
Thứ nhất thì ngắm:
Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Gio-đan.
Ta hãy xin cho được sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Thứ hai thì ngắm:
Đức Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu tại Cana.
Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời.
Thứ ba thì ngắm:
Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và ơn thống hối.
Ta hãy xin cho được ơn cải sửa tâm hồn.
Thứ tư thì ngắm:
Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor.
Ta hãy xin cho được luôn lắng nghe Lời Người.
Thứ năm thì ngắm:
Đức Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể.
Ta hãy xin cho được siêng năng rước Mình Máu Thánh Người.
Ngày hôm nay, Chuỗi Mân Côi gồm 4 Mầu nhiệm: Vui, Mừng, Thương và Sáng. Mỗi mầu nhiệm gồm 50 kinh, mỗi mầu nhiệm được chỉ định cho những ngày trong tuần. Đó là cách thức để dân Chúa làm ngày Thánh và nhớ lại cuộc sống của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, những hình ảnh khiêm nhường luôn luôn ngự giữa chúng ta khi chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi. Cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi là phương thế dễ dàng cho mọi người tín hữu gặp gỡ Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria:”Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa trời cầu cho chúng con khi này và trong giờ lâm tử” . Năng lần chuỗi Mân côi, chắc chắn chúng ta sẽ được Mẹ cầu thay, nguyện giúp lúc này, suốt cuộc đời và giờ phút lìa đời vậy .
Fx Đỗ Công Minh.
( Tham khảo tài liệu Hội Mân Côi )
Recent Comments