Archive | November 2015

Đức Thánh Cha đã về tới Vatican

Lúc 18:45 chiều ngày thứ Hai 30 tháng 11, Đức Thánh Cha đã về đến phi trường Ciampino của Rôma.

Trên chuyến bay từ phi trường M’Poko của thủ đô Bangui, Cộng hòa Trung Phi, về Rôma, Đức Thánh Cha đã dành ra một giờ để trả lời phỏng vấn của giới báo chí.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên rằng ngài nhận thức rõ rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của những điều bất ngờ, nhưng Đức Thánh Cha đã trải qua hết kinh ngạc này đến kinh ngạc khác trong chuyến thăm châu Phi đầy hào hứng.

 

Đức Giáo Hoàng trông rất mệt mỏi, nhưng rất vui. Ngài nói với các phóng viên rằng ngài đã cầu nguyện trong một đền thờ Hồi Giáo ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, và cùng dạo quanh một khu phố Hồi giáo với các lãnh tụ Hồi giáo ngồi với ngài trong chiếc xe popemobile. Cả hai điều này đều là các sáng kiến tự phát của Đức Giáo Hoàng vào ngày 30 tháng 11, ngày cuối cùng của ngài ở châu Phi.

 

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

 

“Những đám đông, những khuôn mặt hân hoan của những người có khả năng cử mừng ngay cả với một dạ dày trống rỗng” là những ấn tượng mà ngài sẽ mang về nhà với ngài sau chuyến đi sáu ngày tới Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi.

 

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên sau hai năm nội chiến, người dân của nước Cộng hòa Trung Phi muốn “hòa bình, hòa giải và tha thứ.”

 

“Trong nhiều năm, họ đã từng sống như anh chị em,” và giờ đây Đức Thánh Cha tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo, Hồi giáo và Tin Lành địa phương đang làm hết sức mình để giúp đỡ người dân của họ trở về tình trạng hòa bình, cùng tồn tại và tôn trọng lẫn nhau.

 

Các nhà lãnh đạo của mọi tôn giáo phải dạy bảo các tín hữu về những giá trị.

 

“Một trong những giá trị hiếm hoi nhất ngày nay đó là tình anh em,” một giá trị cần thiết cho hòa bình, ngài nói.

 

“Trào lưu tôn giáo cực đoan là một thứ bệnh tìm thấy trong tất cả các tôn giáo. Ngay cả một số người Công Giáo. Tôi dám nói điều này bởi vì đó là Giáo Hội của tôi.”

 

Đức Thánh Cha khẳng định với báo chí: “Trào lưu tôn giáo cực đoan không phải là tôn giáo, đó chỉ là việc thờ ngẫu tượng, trong đó người ta thay thế đức tin, tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân bởi những ý tưởng và những xác tín sai lầm”.

 

Trong khi Đức Thánh Cha kết thúc chuyến đi của ngài, đại diện của các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc tại Paris để bàn về khả năng đạt đến một thỏa thuận quốc tế để giảm thiểu những biến đổi khí hậu.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài không biết chắc những gì sẽ xảy ra tại hội nghị “nhưng tôi có thể nói điều này, bây giờ hoặc không bao giờ.” Quá ít biện pháp đã được thực hiện trong vòng 10 đến 15 năm qua, và “mỗi năm tình hình sẽ tồi tệ hơn.”

 

“Chúng ta đang trên bờ vực của tự tử”, Đức Thánh Cha đã nói một cách mạnh mẽ như vậy.

 

(Đặng Tự Do, VCN 30.11.2015)

Phi Châu, chuyến đi đầy bất trắc và nguy hiểm nhất của Đức Phanxicô

Cậu-bé-Phi-châu-cầu-nguyện-cho-Đức-Phanxicô

 

Kenya rất mong chờ Đức Phanxicô
Ngày thứ tư 25 tháng 4, Đức Phanxicô đi Kenya, chặng đầu tiên của chuyến đi Phi Châu. Kenya là nước có 14 triệu người công giáo, trong số này, có nhiều người ở thành phố nghèo Kangemi. Ngày thứ sáu Đức Phanxicô sẽ dâng thánh lễ ở Kangemi, Nairobi, giáo dân ở đây cảm thấy mình được ưu tiên có được thánh lễ này. Vinh dự được “giáo hoàng của người nghèo” đến thăm, họ rất phấn khởi được đón tiếp Đức Giáo hoàng. Chuyến viếng thăm thành phố  Kangemi sẽ là một trong những trọng điểm của chuyến đi này.
Peter Magu, một giáo dân trong ban tổ chức ở đây cho biết, “Đối với tôi cũng như đối với các giáo dân ở đây, Đức Phanxicô là hiện thân của một người rất khác biệt, một người khiêm tốn, thực tế, một giáo hoàng của giáo dân. Ngài đến đây, bên cạnh những người kém may mắn, người bệnh, người tị nạn, người lớn tuổi, đối với chúng tôi, đó là điều rất an ủi.”

 

Mọi nơi trong thành phố Kangemi đều chỉ có một giọng, Đức Giáo hoàng là người rất khác người. Ông Peter Magu giải thích: “Ngài mang lại nhân phẩm cho người nghèo của chúng tôi, thường thường chúng tôi bị khinh. Nhưng đây là một người đến nói với chúng tôi: “Anh chị em cũng vậy, anh chị em rất quan trọng”. Điều này rất quan trọng đối với chúng tôi. Nó làm cho chúng tôi cảm thấy mình xứng đáng là người, làm cho chúng tôi cảm thấy mình bình đẳng với người khác dưới mắt Chúa.”

Một điểm quan trọng khác với thành phố Kangemi: Thánh lễ ngày thứ sáu được cử hành ở nhà thờ Thánh Giuse Lao Động trên đồi của Thành phố. Các linh mục Dòng Tên hoạt động rất tích cực ở giáo xứ này – giáo hoàng cũng là tu sĩ Dòng Tên -, các tu sĩ Dòng Tên làm việc với người nghèo, các em bé mồ côi, với những người bệnh sida. “Cả nước Kenya phấn khởi, đặc biệt là ở Kangemi, vì họ không thể nào nghĩ là Đức Giáo hoàng sẽ đến một nơi như nơi này,” linh mục Joseph Oduor Afulo cho biết, linh mục sẽ cùng đồng tế với Đức Phanxicô. Cha nói thêm: “Lời nhắn cho tín hữu là họ rất quan trọng với ngài. Họ quan trọng đối với Đức Phanxicô và đối với Giáo hội”.
Các tín hữu cho biết, họ rất hạnh phúc được Đức Giáo hoàng đến thăm, sự kiện Đức Giáo hoàng đến đây đã giúp họ cải thiện đời sống hàng ngày. Nhiều đường bằng đất nện ở thành phố ổ chuột bây giờ được rải đá, đèn đường được sửa chữa, ống cống được thông. Thành phố toàn nhà bằng gỗ lợp mái tôn. Bà Mary Wangeci giải thích với hãng thông tấn AFP, “Tôi vui vì Đức Giáo hoàng đến Kenya và ngừng ở Kangemi, vì từ lâu Kangemi đã có rất nhiều vấn đề. Đường xá đã được sửa chữa, đèn đã được thắp sáng, tôi rất hài lòng. Khi đến thăm, ngài sẽ nói về hòa bình ở đất nước tôi và ngài cầu nguyện cho người dân Kenya vì chúng tôi có rất nhiều vấn đề”.
Sẽ có 1200 người dự thánh lễ ngày thứ sáu, trong đó có 300 người dân ở Kangemi. Những người khác đến từ các thành phố ổ chuột khác của Nairobi như Kibera, Mathare, Kariobangi, Kawangware, Mukuru và Kibagare.

Chuyến đi đầy bất trắc
Chuyến đi chỉ sau vụ tấn công ở Paris mười ngày, sau vụ bắt giữ con tin ở Bamako và khi nạn khủng bố đang hoành hành ở Bắc Phi.
Đi xe giáo hoàng ở đường phố Nairobi, Kampala hay  Bangui, từ thành phố ổ chuột đến nguyện đường hồi giáo, Đức Phanxicô thực hiện một chuyến đi đầy bất trắc nhất trong triều giáo hoàng của mình. Đây chính là sứ điệp hòa bình, công chính xã hội và đối thoại giữa hồi giáo và kitô giáo mà Đức Jorge Bergoglio, 78 tuổi muốn mang đến cho Phi Châu trong năm ngày ngài đến thăm đất nước này, từ 25 đến 30 tháng 11.
Mở Cửa Thánh ở Bangui
Ngày 29 tháng 11, Cửa Thánh sẽ được mở ở Nhà thờ Chính tòa Bangui, mười ngày trước khi mở chính thức ở Rôma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Linh mục Giulio Albanese, chuyên gia của Vatican về Phi Châu nói với hãng thông tấn AFP: “Đây là lần đầu tiên mở Cửa Thánh ở vùng ngoại vi. Đó là một tổng hợp hay nhất của triều giáo hoàng này, luôn luôn ở bên cạnh người nghèo”.
Dù Vatican xác nhận là chương trình đến Bangui sẽ được duy trì, nhưng các xung đột giữa người hồi giáo và kitô giáo vẫn tiếp tục, nên vì an ninh của Đức Giáo hoàng, các chương trình này có thể thay đổi vào giờ chót.
Trong chuyến đi Trung Phi, Đức Giáo hoàng sẽ ở phi trường Bangui vài giờ, an ninh tại đây được lực lượng Sangaris của Pháp đảm bảo. Các nơi khác như đại giáo đường hồi giáo, một trung tâm của người lưu vong, sân vận động Boganda và Nhà thờ Chính tòa sẽ bị hủy. “Đối với Đức Giáo hoàng, việc hủy một chương trình đã định được xem như một thất bại. Khi đi Phi Châu là ngài nghĩ trước hết đến Trung Phi”, một cộng sự thân cận của ngài cho biết. Đối với hàng trăm ngàn người Trung Phi, nhưng cũng đối với người Congo, người Cameroun, họ rất mong chờ Đức Giáo hoàng đến nên họ rất thất vọng khi chuyến đi bị hủy bỏ.

Băng hoại và tham nhũng
Đến Phi Châu, Đức Phanxicô phải đưa ra một sứ điệp mạnh để chống nạn bất bình đẳng xã hội và nạn tham nhũng đang làm băng hoại xã hội từ tầng lớp chính trị cho đến trong Giáo hội. Ngài đến thành phố nghèo Kangemi ở Nairobi, nơi ngài sẽ gặp các phong trào bình dân dấn thân làm việc để chống nạn nghèo khổ, ngài cũng sẽ đến thăm một trung tâm từ thiện ở Nalukolongo, Uganda. “Vấn đề cách biệt giai cấp xã hội rất hiển nhiên ở hai nước này. Ở Kenya, 1% thiểu số dân lại chiếm 75 % tài sản của toàn dân”, linh mục Albanese cho biết.
Ở Nairobi, ngài sẽ đọc diễn văn ở trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nairobi, chỉ một vài ngày trước khi Paris khai mạc Hội nghị Quốc tế COP21 về khí hậu. Đức Giáo hoàng là người tiên phong trong cuộc đấu tranh này. Ở Uganda, ngài sẽ vinh danh tất cả các vị tử đạo kitô giáo, nạn nhân của đủ mọi hình thức khai thác ở Phi Châu về mọi mặt:  tôn giáo, văn hóa, chính trị, tình dục. Ở Đền Thánh Namugongo, ngài sẽ dâng thánh lễ tưởng niệm các vị thánh đầu tiên của Phi Châu, 22 người tử đạo trẻ trong đó có Charles Lwanga là người bị thiêu sống vào cuối thế kỷ 19 theo lệnh của vua Mwanga vì họ từ chối làm nô lệ tình dục. Họ đã được Đức Phaolô VI phong thánh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

http://baoconggiao.com/vi/news/

Các bà góa là hình ảnh của Giáo Hội giữ lòng trung tín

Rome, 23, tháng 11, 2015 (ZENIT.org)

Giáo Hội sẽ trung thành nếu luôn luôn hướng nhìn Chúa Giêsu, nhưng sẽ trở nên hâm hấp và tồi tệ nếu chỉ tìm kiếm những tiện nghi của thế gian. Đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha hôm nay khi ngài suy niệm về bài Phúc Âm trong Thánh Lễ tại Casa Santa Marta.

Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận rằng bài Phúc Âm theo Thánh Luca kể truyện một bà góa bỏ hai đồng kẽm vào hộp tiền của đền thờ, trong khi các người giầu có khác khoe khoang về số tiền họ bỏ vào đó. Chúa Giêsu nói: “bà góa này đã bỏ vào đó nhiều hơn tất cả mọi người khác” vì những người khác chỉ cho đi những gì dư thừa trong của cải của họ, trong khi bà ấy trong sự nghèo khó, “đã cho đi tất cả tài sản của bà.”

Trong Phúc Âm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, bà góa là người phụ nữ cô đơn, không có chồng chăm sóc, và phải tự lo liệu một mình, bà sống nhờ vào lòng bác ái của mọi người. Bà góa trong đoạn phúc Âm này là người đã “đặt hết niềm tin vào Chúa”. Ngài nói, “Tôi muốn nhìn bà góa này trong Phúc Âm như hình ảnh của một Giáo Hội “góa bụa” đang chờ đợi Chúa Giêsu trở lại.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Giáo Hội là hiền thê của Chúa Kitô, nhưng Chúa đã ra đi, và tất cả tài sản của Giáo Hội đều ở nơi Chúa. Nếu Giáo Hội luôn luôn trung thành, thì có thể từ bỏ tất cả trong khi chờ đợi Chúa Kitô trở lại. Nếu không có đủ niềm tin trong tình yêu Chúa, thì sẽ cố gắng sống còn bằng các cách thức khác, và tìm sự an toàn trong những gì thuộc về trần thế hơn là thuộc về Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp: Các bà góa trong Phúc Âm đã nói lên những gì đẹp đẽ nhất về Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người. Có bà góa thành Naim đang khóc than trong khi tiễn đưa người con trai đi an táng ở ngoại thành. Có bà góa kia đã đến trước quan tòa bất công để bảo vệ cho các con mình, gõ cửa nhà ông ta mỗi ngày và quấy nhiễu ông ta liên tiếp cho đến khi ông phải tuyên án công bằng cho con bà. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: Đây là Giáo Hội góa bụa cầu nguyện và can thiệp cho các con cái của mình. Nhưng tâm hồn của Giáo Hội vần luôn luôn ở với Chúa Giêsu, Đấng Phu Quân trên Thiên Đàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Theo các giáo phụ sống ở sa mạc, tâm hồn chúng ta cũng giống như Giáo Hội, và nếu tâm hồn và đời sống gần gũi Chúa Giêsu nhiều hơn, thì chúng ta càng có khả năng tránh xa những gì vô ích thuộc về trần thế đang dẫn đưa chúng ta xa lìa Chúa Kitô. Ngài nói: Trong khi Giáo Hội ‘góa bụa’ đợi chờ Chúa Giêsu, cần phải trung thành, tin tưởng rằng phu quân sẽ trở lại, hay là lại bất trung với tình trạng góa bụa của mình, như một Giáo Hội hâm hấp, tầm thường và trần tục, chỉ tìm sự an toàn nơi những gì là vật chất.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: Trong những ngày cuối cùng của niên lịch phụng vụ, chúng ta cần tự hỏi xem tâm hồn chúng ta có đang tìm kiếm Chúa không, hay lại đang tìm kiếm những gì thuộc về trần gian là những gì Chúa không ưa thích. Hãy để cho tâm hồn chúng ta nói lên: “Lạy Chúa Giêsu! Xin hãy đến!” Và chớ gì chúng ta có thể bỏ lại đàng sau tất cả những gì vô ích ngăn cản chúng ta không thể trung thành với Chúa.

Đại Hội Liên Tu Sĩ Giáo Phận Phan Thiết Lần Thứ 21

Trong tâm tình Mục tử Tháng 11/2015 gửi cho đoàn chiên, Đức Cha Giuse đã viết: “Ngày lễ Mẹ Dâng Mình 21/11 vốn là ngày các tu sĩ có thói quen theo gương và dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ, lặp lại tâm tình dâng hiến của mình… Họa theo ước mong của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Thư “Năm Đời sống Thánh hiến”, anh chị em hãy hiệp thông cầu nguyện cho các tu sĩ trở nên “những người đánh thức thế giới” bằng lối sống đặc trưng mang tính ngôn sứ của mình…”

Cùng nhịp bước với Giáo hội, trong niềm vui chung của ngày thánh hoá các tu sĩ, hôm nay ngày 21/11/2015, từ 7 giờ sáng, gần 400 nữ tu trong gia đình Liên tu sĩ đang phục vụ tại Giáo phận Phan Thiết đã tập trung về Giáo xứ Thanh Xuân, hạt Hàm Tân để tham dự ngày họp mặt Đại hội Liên tu sĩ Phan Thiết lần thứ 21.

“Hân hoan mừng Mẹ Dâng Mình,
Mừng Liên tu sĩ hình thành dấn thân
Hai mốt năm vững hành trình
Chung lòng theo Chúa, vẹn tình xin vâng…”

Xoay quanh chủ đề “Tu sĩ và Tân Phúc Âm Hoá Đời Thánh Hiến” của đại hội hôm nay, gần 400 trên tổng số 637 nữ tu là tham dự viên đang phục vụ trong 110 cộng đoàn dòng tu thuộc Giáo phận Phan Thiết, đã được nghe Cha Đặc trách Liên Tu Sĩ – J.B Hoàng Văn Khanh chia sẻ đôi điều về “Đời Thánh Hiến và Lòng Thương Xót Chúa.” Cụ thể: Đời Thánh hiến chính là sự hiệp thông với Chúa Kitô và ngụp lặn trong Lòng Thương Xót của Người:
Hiệp thông với Chúa như cành nho liên kết với cây nho để nên đồng hình, đồng dạng với Người. Sự hiệp thông với Chúa mời gọi tu sĩ phải là người cầu nguyện, lấy Thánh Thể làm tâm điểm và nền tảng cho đời sống, trung thành tuân giữ Ba Lời Khấn, cảm thông sâu sắc và chia sẻ với Giáo Hội.
Ngụp lặn trong Lòng Thương Xót của Thiên Chúa để khám phá ra Chúa Giêsu là dung mạo của Lòng Thương Xót Chúa qua dòng lịch sử cứu độ. Từ đó, người tu sĩ cũng có con tim chạnh lòng thương, tin và hiến dâng để đáp lại tình thương vô cùng của Thiên Chúa. Noi gương Mẹ Maria, xin vâng Thánh ý Người trong mọi hoàn cảnh cuộc sống để giới thiệu Chúa cho mọi người và đưa mọi người đến với Lòng Thương Xót Chúa.

Lúc 10 giờ 30’ Đại hội hân hoan đón chào Quý Cha đồng tế đến hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn với gia đình Liên Tu Sĩ Phan Thiết. Vị chủ tế trong Thánh lễ hôm nay là Cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Xuân Anh. Trong bài chia sẻ Tin Mừng Mt 12, 46 – 50, Cha Tổng nêu lên bản đúc kết cho Năm Phúc Âm Hoá Đời Sống Thánh Hiến, đó là: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Cha mời gọi các cộng đoàn tu sĩ sống giữa các giáo xứ hãy là những cộng đoàn của các thánh, để đời sống thánh thiện ấy nên chứng tá Nước Thiên Chúa đã viên mãn trong lòng Giáo Hội và giữa nhân loại… và ước mong mỗi tu sĩ sẽ cùng với Mẹ Maria hôm nay Dâng Mình cho Thiên Chúa, làm theo ý muốn của Thiên Chúa, để thực hiện chương trình của Ngài trong Đức Giêsu Kitô.

Sau giờ nghỉ trưa, các tham dự viên được chia làm 8 nhóm để thảo luận về các vấn đề như: Dung mạo của Lòng Thương Xót Chúa; người tu sĩ thể hiện và canh tân đời sống thánh hiến thế nào để “đánh thức thế giới”; tu sĩ và việc trở về với Đức Kitô; đâu là những hạng người được Chúa Giêsu yêu thương cách ưu tiên; người tu sĩ phải đối diện và vượt qua những khó khăn cụ thể nào trong các mối tương quan với nội bộ cộng đoàn tận hiến, với giáo dân, với cộng đoàn giáo xứ và giáo phận khi sống sứ mạng của dòng mình tại Hội Thánh địa phương; Và cuối cùng đâu là những thách đố lớn của đời sống Thánh hiến?
Mỗi nhóm có 5 phút để trình bày đúc kết đề tài của mình. Sau cùng Cha Đặc Trách cho nhận xét và rút ra câu trả lời thực tế.
Kế đến là phần bầu Ban Điều Hành Liên Tu Sĩ Nữ Giáo phận Phan Thiết nhiệm kỳ 2015 – 2018. Các sơ trúng cử Ban Điều Hành trong nhiệm kỳ này gồm có:
1. Trưởng: Anna Lê Thị Thu Thuỷ – HD.MTG Phan Thiết
2. Phó 1: Anna Trần Thị Trúc – HD. MTG Đà Lạt
3. Phó 2: Maria Trương Thị Xuân Lộc – HD. MTG Nha Trang
4. Thư Ký: Matta Linh Phương – HD. Khiết Tâm Đức Mẹ
5. Thủ Quỹ: Anna Nguyễn Thị Lâm – HD. Phúc Âm Sự Sống.

Kết thúc ngày Đại hội, mọi người cùng nhau tham dự giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn Thiên Chúa. Nguyện xin Người ban muôn ơn lành cho người tu sĩ nói chung, và cách riêng cho từng thành viên trong gia đình Liên tu sĩ Phan Thiết luôn biết gắn bó mật thiết với Chúa, hết tình yêu thương nhau và nhiệt thành trong mọi hoạt động tông đồ để giới thiệu Chúa cho mọi người.
16 giờ 30’, ngày họp mặt của Liên tu sĩ giáo phận khép lại. Chị em nữ tu chia tay nhau ra về, mang theo nhiều tâm tình và ước nguyện được lãnh nhận của ngày hội ngộ thân tình, nhiều niềm vui và hứa hẹn.

​xem hinh

XUÂN AN

Nguồn tin: GP Phan Thiết

Công an Trung quốc hãm hại một linh mục và vu cáo là ngài tự tử

cong-an-trung-quoc-ham-hai-mot-linh-muc-va-vu-cao-la-ngai-tu-tu“Người Công Giáo chúng tôi không tự tử cho dù phải sống trong các nghịch cảnh. Một linh mục lại càng không tự tử.”

Tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai đã khẳng định như trên hôm 16 tháng 11 trước những giải thích của các quan chức Trung quốc về cái chết của linh mục Phêrô Yu Heping thuộc Giáo Hội thầm lặng.

Xác của cha Yu Heping đã được tìm thấy trôi trên sông Fen ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, vào ngày 8 tháng 11 vừa qua. Lần cuối cùng, anh chị em giáo dân nhìn thấy ngày là hai ngày trước đó, tức là vào ngày 06 tháng 11.

“Là một linh mục thầm lặng chịu nhiều đau khổ vì những sách nhiễu liên tục của công an và nhà cầm quyền địa phương, cha Yu Heping vẫn giữ được một tinh thần lạc quan, một thái độ hoạt bát, vui tươi với mọi người. Ngài bị giết chứ không tự tử.” Tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai khẳng định.

Lý Thúy Dung

Nguồn tin: vietcatholic

4 ác nghiệp của đời người

Cuộc sống quanh ta – Hôm nay xin kính mời mọi người cùng Viet Respect Life tìm hiểu một quan điểm vốn không mới của một tôn giáo bạn: Khẩu nghiệp

Khẩu: Miệng, lời nói. Nghiệp: Cái hậu quả của việc làm thiện hay ác trong kiếp trước thể hiện ra trong kiếp hiện tại bằng sự hạnh phúc hay đau khổ. Khẩu nghiệp là cái nghiệp do lời nói từ miệng mình gây ra, nên Khẩu nghiệp cũng được gọi là Ngữ nghiệp.

Khi nói Khẩu nghiệp là có ý nói: Khẩu ác nghiệp. Khẩu ác nghiệp có 4 tội:

– Vọng ngữ (nói láo),

– Ỷ ngữ (nói thêu dệt),

– Lưỡng thiệt (đâm thọc),

– Ác khẩu (chửi rủa).

“Lời nói không thể thấy, không thể cầm nắm được, hình như không có tướng, thế mà tự xưa nay đã gây nên biết bao nụ cười và nước mắt. Có phản ứng tức có tác nhân. Nói đến nhân là nói tướng. Vậy tướng của lời nói là gì? Người nóng nảy thì hay nói lời xúc xiểm, người dối trá thì lời nói trơn tuột, chẳng thể bắt bẻ họ, nhưng cũng không thể hiểu tâm họ ra sao? Người thâm hiểm thì nói xúc phạm đến kẻ khác bằng giọng nói như hiền từ… tất cả ngôn ngữ này đều phát sinh từ một gốc, đó là Tâm; Và do đó tướng của ngôn ngữ là Tâm. Tâm Phật thì lời nói là pháp thiện, Tâm chúng sanh thì lời nói thành ác nghiệp. Tâm chúng sanh có muôn ngàn tướng thì lời nói cũng gây muôn ngàn nghiệp báo.

Nên quan sát ngôn ngữ của một người là quan sát tâm người ấy. Cách biểu lộ Tâm ở mỗi người mỗi khác, cho nên gọi mỗi người có một ngôn ngữ riêng cũng đúng. Con hãy hiểu họ theo Tâm, đừng chỉ nghe hời hợt bằng tai. Ðó là quan sát âm thanh.
Khi con “không thích lắm” một điều gì, con thường nói “rất ghét” điều ấy. Ở một người chín chắn hơn, họ sẽ nói “không chú ý lắm”. Nếu chỉ hiểu theo cái nghe của tai thì hai lời nói này là 2 sở thích khác nhau. Từ đó gây biết bao điều ngộ nhận.

Ðể quan sát được âm thanh như thật, con không thể dùng cái nghe của tai. Con hãy nghe bằng Tâm. Dùng Tâm mà hiểu tâm, mà tâm nào có thể hiểu tất cả các thứ tâm của chúng sanh? Ðó là tâm Phật. Con không thể thấy tất cả các tâm của người đối thoại, chắc chắn con không thể hiểu hết lời nói của họ. Cho nên chớ vội phản ứng theo cái nghe của riêng mình. Lời nói là Tâm, cho nên Tâm ác sinh lời nói ác. Dù được ẩn giấu, dù người không phát hiện, hay không phản ứng thì điều ác đã sinh, vẫn đem lại quả báo Ác cho con.

Câu nói dân gian “Khẩu xà tâm Phật” là sai hoàn toàn, Phật chẳng bao giờ nói lời độc ác, hại người, là tính cách các con dùng để tả Rắn. Ở mỗi người có cách nói thương khác nhau, có cách biểu hiện Từ Bi khác nhau. Như hạnh sai biệt của các Bồ Tát, thị hiện là Phán quan cũng xét xử công minh, khó có thể gọi là Ác tướng.

Chư Tổ mắng chửi đệ tử từ tâm không, để giáo hóa nhẫn hạnh hay khai ngộ Chân tánh, chẳng thể gọi là Ác khẩu. Nhưng người tự cho mình có Tâm lành, nên buông lời không kềm chế, mỗi lời nói gây hại cho kẻ khác không kể xiết, lại ngụy biện bằng câu “Khẩu xà Tâm Phật” thì khẩu nghiệp ấy thật khôn lường. Từ Tâm Phật thì lời ấy dù thế nào cũng mang lợi cho người nghe. Ngược lại, chỉ gây hại đó gọi là Ác khẩu. Và Tâm Ác sinh tướng Ác, sinh khẩu Ác, sinh nghiệp Ác, sinh Ác báo.

Con hãy cẩn thận lời nói. Lời nói là hơi thở từ miệng. Mà sống chết theo từng hơi thở ra vào, cho nên sống chết cũng theo từng lời nói mà đến đi.

Tôn giả Ma Ha Mục Kiền Liên là vị có thần thông đệ nhất. Nhưng Đức Thế Tôn đã nhiều lần cảnh cáo ông không được tùy tiện hiển hiện thần thông. Tại sao? Bởi vì không phải ai ai cũng có thần thông. Nếu quý vị hiện thần thông một cách bừa bãi, sẽ làm người thế tục kinh sợ, rồi khiến họ mê thích thần thông, sùng bái thần thông. Thế thì người có thần thông sẽ được cúng dường lớn, còn người không có thần thông chắc là chẳng ai muốn cúng dường. Bởi vậy Đức Phật mới không cho đệ tử tùy tiện hiện thần thông, với dụng ý là bảo hộ người tu hành đời sau này.

Không nên buông thả hay nói năng bừa bãi

Người tu hành không nên tự khoe khoang về đức hạnh, như nói là mình đã khai ngộ, mình là Tổ Sư hay là Bồ Tát. Đó là đại vọng ngữ, tương lai chết đi sẽ đọa địa ngục bạt thiệt cắt lưỡi. Đây tuyệt hẳn không phải là những lời hí luận giỡn chơi. Chỉ những hạng người vô tri, vô thức mới có thứ hành vi tự mãn như thế. Ví như người nào đó thật sự giàu có, họ tuyệt đối sẽ không nói với người khác rằng: “Các anh có biết không? Tôi có bấy nhiêu hột xoàn, bấy nhiêu ngọc quý. Tất cả tài sản bảo vật của toàn thế giới, nếu so ra cũng không nhiều bằng của tôi đâu”. Nếu quý vị tuyên truyền như thế, tức làm mục tiêu cho bọn trộm cướp, chúng nhất định sẽ chú ý đến quý vị và tìm cách cướp đoạt châu báu đó.

Tu đạo cũng tương tự như thế, không nên nói với người khác rằng: “Tôi có thần thông. Tôi có thể nghe Phật và Bồ Tát nói chuyện. Tôi có thể thấy Phật, Bồ Tát hiện ra trước mặt”. Hoặc giả có như thế, tức là tạo cơ hội cho Ma Vương thừa dịp nhập vào hợp tác với quý vị, chỉ huy quý vị để làm quyến thuộc của nó. Bất luận gặp cảnh giới nào, người tu hành cũng nên nhận rõ cảnh giới, chớ để cảnh giới xoay chuyển và nên dùng định lực để chuyển cảnh giới. Không nên hồ đồ, nói năng bừa bãi là mình chứng được thần thông gì, thấy được cảnh giới gì. Quý vị nên hiểu đó là do ma tác quái, nó khiến quý vị mất đạo tâm mà phát cuồng. Đó chính là hiện tượng bị “tẩu hỏa nhập ma”, chứ không phải là cảnh giới thật. Trong kinh Lăng Nghiêm có nói rất rõ về năm mươi loại ấm ma.

Tôi hy vọng mọi người nên triệt để nghiên cứu thấu đáo để khỏi bị nhầm lẫn. Nếu không thì sau này có hối hận cũng không kịp. Người tham thiền không nên chấp vào cảnh giới, gọi là: “Phật đến thì chém Phật, ma đến thì chém ma”. Bất luận ai đến, mình cũng chém hết. Đó là không chấp tất cả các pháp hữu vi, không chấp tất cả các hình tướng. Người tu hành nên chuyên cần nhất tâm dụng công, nếu được vậy thì còn thời gian đâu để lo những chuyện tào lao. Hơn nữa cũng không nên cống cao ngã mạn, mà cũng đừng tham danh, tham lợi. Nếu như quý vị có thứ tư tưởng và hành vi như thế, tức quý vị bị rơi vào cảnh giới của ma rồi. Người tu hành dù ở trong hoàn cảnh nào cũng không nên tự mãn, không được kiêu ngạo, hoặc nghĩ mình là nổi bật, phi thường. Hãy cẩn thận, không nên sai lầm về nhân quả. Nếu không, chúng ta không tưởng tượng nổi hậu quả sẽ như thế nào.

Người tu hành chủ yếu là tu giới thanh tịnh, tức là ba nghiệp thân, khẩu, ý đều nên thanh tịnh. Người có thần thông, tuyệt đối không được nói là mình có thần thông; Hà huống mình vốn không có thần thông mà nói bừa nói láo, há đó không phải là tạo nhân để đọa địa ngục sao? Điều đó quả thật là đáng sợ!

Nên nhớ:

Khẩu nghiệp là nghiệp lực khó khắc phục nhất cho việc tu hành; Là lực cản trở lớn nhất cho việc tu hành chứng đạo; Là sức mạnh sát hại sinh mạng lớn nhất cho việc tu hành; Là nghiệp lực chính yếu đưa ta đọa xuống ác đạo; Là sức mạnh ngăn trở lớn nhất cho việc vãng sanh; Khiến cho đạo tràng không được thanh tịnh, thị phi không ngừng; Khiến cho tăng đoàn không hòa hợp, đạo pháp không hưng thịnh; Khiến chúng sanh thoái mất đạo tâm, đoạn mất thiện căn làm người.

Theo Thiện Tâm (Gia đình Việt Nam)

http://healthplus.vn/4-ac-nghiep-cua-doi-nguoi-phai-chiu-qua-bao-d18463.html

Không ai có thể kiểm soát ơn cứu độ, vì tình yêu của Thiên Chúa được ban tặng cách nhưng không

“Hãy cảnh giác trước những nhà thông luật vì họ đang thu hẹp chân trời ân sủng và tình yêu thương hải hà của Thiên Chúa. Họ chỉ tập trung đến giới luật mà lãng quên tình mến, và muốn trở thành những người kiểm soát ơn sủng.” Đây là nội dung chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ sáng hôm nay tại nhà nguyện thánh Marta.

Khởi đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Một trong những điều khó hiểu đối với tất cả những người Kitô hữu chúng ta là chúng ta được ban tặng hồng ân cứu độ cách nhưng không nhờ Đức Giêsu Kitô. Chính những người trong thời đại của thánh Phao-lô cũng cảm thấy khó khăn để hiểu giáo lý này: ‘Ân huệ của Thiên Chúa được ban cách nhưng không’. Chúng ta biết rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Vì yêu thương, Ngài đã đến thế gian để cứu chuộc và đã chết vì chúng ta. Ta đã nghe những điều ấy rất nhiều lần đến nỗi cảm thấy quen thuộc. Nhưng khi chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm ‘Thiên Chúa tình yêu không ranh giới’, chúng ta sẽ cảm thấy kinh ngạc và thậm chí là không thể hiểu nổi.”

Đừng thu hẹp khung trời ân thiêng, vì tình yêu của Thiên Chúa không có giới hạn

Chúng ta bắt buộc phải thực thi những điều mà Đức Giêsu chỉ dạy là đúng đắn và nên làm. Nhưng sự đáp trả của chúng ta trước hồng ân cứu độ lại là một hành động tự do, vì hồng ân ấy xuất phát từ tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói: “Đức Giêsu tỏ ra gay gắt với những nhà thông luật, vì Ngài đã nói với họ những lời rất mạnh và cứng rắn: ‘Khốn cho các ngươi hỡi những nhà thông luật! Các ngươi đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản.’ Chìa khóa ấy chính là chìa khóa của ân sủng, của sự hiểu biết.

Những nhà thông luật nghĩ rằng chỉ cần tuân giữ tất cả những giới răn là có thể đảm bảo cho ơn cứu độ. Nhưng chính những vị ấy lại không thực thi những gì giới luật đòi buộc. Vì quá tập trung vào giới răn, nên những nhà thông luật đã thu hẹp khung trời ân thiêng và làm cho tình yêu của Thiên Chúa hóa ra nhỏ bé, tầm trường trước con mắt phàm nhân. Thu hẹp hay kiểm soát ân sủng chính là một thách đố mà cả Đức Giêsu và thánh Phao-lô đã cố gắng hết sức để loại bỏ.”

Đừng biến thành những kẻ kiểm soát ân sủng

Đức Thánh Cha nói: “Đúng là chúng ta có những giới luật phải giữ nhưng tất cả những giới luật ấy chỉ tóm thành một điều là ‘mến Chúa và yêu người’. Chính giới luật duy nhất này đưa ta đến cao điểm của một thứ ân sủng được trao ban cách nhưng không, vì chính đặc tính của tình yêu là vô vị lợi. Thật vậy, nếu tôi nói tôi yêu bạn, nhưng đằng sau lời nói đó lại ẩn chứa một suy tính vị lợi, chắc chắn đó không phải là tình yêu nhưng chỉ là một mưu toan ích kỷ mà thôi.

Do đó, đối với Đức Giêsu, giới luật cao trọng hơn hết phải là: ‘Phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và phải yêu người thân cận như chính mình’. Đây chính là giới luật duy nhất và giới luật ấy đã diễn tả được tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Trong giới luật này, rõ ràng là có những người thân cận. Bởi thế, ta phải làm những điều tốt lành cho những người thân cận ấy. Nhưng nguồn gốc của những gì ta làm chính là tình yêu, là khung trời tình mến. Nếu một người muốn đóng kín cửa và cất dấu đi chiếc chìa khóa tình yêu, người ấy sẽ chẳng bao giờ tiến tới được cao điểm của hồng ân cứu độ đã được ban tặng cách nhưng không. ‘Đóng kín cửa và cất dấu chìa khóa của sự hiểu biết’ chính là thách đố muốn kiểm soát ân sủng. Đức Giêsu và thánh Phao-lô đã kịch liệt phê phán thái độ này.”

Đức Thánh Cha nói thêm: “Năm nay chúng ta sẽ kỉ niệm 500 năm sinh nhật của của thánh Tê-rê-sa Avila, vị thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Mẹ là một phụ nữ có nhiều kinh nghiệm thần bí và đã được Thiên Chúa ban tặng ơn thấu hiểu những cung bậc tình yêu. Nhưng ngay trong thời đại của mẹ, mẹ cũng đã bị những tiến sĩ hay những nhà thông luật phán xử về tình yêu ấy. Và quả thật, đã có rất nhiều vị thánh bị bách hại khi cố gắng bảo vệ là làm chứng cho tình yêu, một tình yêu nhưng không vô vị lợi. Chúng ta cũng có thể nói rằng: Tất cả các thánh đều bị phán xử như thế. Và một cách đặc biệt, chúng ta nhớ đến thánh Jeanne D’Arc của nước Pháp.”

Chúng ta đừng để bị lừa dối bởi những người muốn giới hạn tình yêu của Thiên Chúa

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Thách đố muốn kiểm soát ân sủng chưa kết thúc, và nó vẫn đang diễn ra bên trong mỗi người chúng ta. Bởi thế, ngày hôm nay, thật là thích đáng nếu chúng ta tự tra vấn mình rằng: Tôi có tin Thiên Chúa cứu chuộc tôi bằng một tình yêu vô vị lợi không? Tôi có nghĩ rằng tôi chẳng hề xứng đáng với hồng ân cứu chuộc ấy không? Và tôi có nghĩ rằng giả như có điều gì xứng đáng thì cũng là nhờ Đức Giêsu Kitô và tất cả những gì Ngài đã làm cho tôi?”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận: “Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, chúng ta hãy xác tín vào tình yêu xót thương của Thiên Chúa. Tình yêu ấy giống như tình yêu của một người bố, người mẹ dành cho con cái; vì chính Thiên Chúa đã nói rằng Ngài thương yêu chúng ta bằng một tình yêu phụ tử. Đó là một tình yêu với khung trời bao la rộng mở, không hề có giới hạn, không hề có biên giới chia cắt. Chúng ta đừng để những nhà thông luật che mắt dối lừa, vì họ là những người muốn thu hẹp tình yêu của Thiên Chúa” (SD 15-10-2015).

Vũ Đức Anh Phương

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những người công chính

Thiên Chúa chẳng hề bỏ rơi những người công chính; còn kẻ gian ác giống như người xa lạ, tên của chúng sẽ không bao giờ được nhắc đến trên Thiên Quốc. Đây là giáo huấn mà Đức Thánh Cha đã đúc kết từ những bài đọc trong thánh lễ sáng hôm qua, thứ năm ngày 08.10, tại nhà nguyện thánh Marta.

Đức Thánh Cha đặt vấn đề: “Có một người mẹ dũng cảm sống với chồng và ba đứa con. Chị chưa tròn 40 tuổi nhưng lại mang trên mình một cục bướu. Căn bệnh quái ác ấy buộc chị suốt ngày phải ở trên giường, chẳng thể đi đâu. Tại sao chuyện này lại xảy ra? Một cụ bà đạo đức, hằng ngày cầu nguyện liên lỉ trước nhan Thiên Chúa với những lời chân thật xuất phát từ con tim, nhưng con trai của cụ lại bị mafia giết chết. Tại sao chuyện này lại xảy ra với cụ?”

Tại sao những điều tốt lành lại đến với những kẻ độc ác, xấu xa?

Lời của Đức Thánh Cha trong nhà nguyện Marta hôm ấy làm vang vọng một câu hỏi nhức nhối, tựa như lưỡi dao sắc cắt vào những suy tư của rất nhiều người, đặc biệt là những người có sự xác tín và niềm tin được bén rễ sâu xa, nhưng lại bị lung lay bởi những bi kịch xảy ra trong cuộc sống. Vấn nạn đặt ra là: Tại sao phải sống công chính? Việc phụng thờ Thiên Chúa và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, có ích lợi chi không? Trong khi kẻ kiêu ngạo và làm điều gian ác lại được thịnh đạt. Họ thử thách Thiên Chúa mà chẳng hề hấn gì.

Đức Thánh Cha nói: “Nhiều lần chúng ra đã nhận thấy rằng những kẻ gian ác, chuyên làm điều xấu xa, nhưng cuộc sống của họ lại rất phát đạt: Họ hạnh phúc và có tất cả những gì họ muốn, chẳng hề thiếu thốn chi. Tại sao Thiên Chúa lại để điều này xảy ra? Tại sao một kẻ hỗn láo, xấc xược chẳng hề màng tới Thiên Chúa và người khác, nói khác đi là một kẻ bất chính và xấu xa, nhưng mọi sự trong cuộc sống của hắn ta đều thuận lợi? Tại sao hắn có tất cả những gì hắn muốn; còn chúng ta là những người muốn làm điều tốt, lại toàn gặp những đau khổ, bất hạnh trong cuộc sống?”

Thiên Chúa săn sóc những người công chính

Đức Thánh Cha trích Thánh Vịnh nhằm đưa ra một câu trả lời cho vấn nạn nêu trên. Thánh Vịnh nói: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày”(TV 1, 1-2).

Đức Thánh Cha giải thích: “Ngay bây giờ, có thể chúng ta không nhìn thấy hoa trái của những người công chính đang gặp đau khổ, bất hạnh; không thấy được hoa trái của những người đang trung kiên vác thập giá. Cũng vậy, trong ngày thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, hoa trái của việc Con Thiên Chúa chịu khổ hình, vác thập giá cũng đâu có thấy được. Những đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu cũng đâu được nhận ra. Nhưng tất cả những gì Ngài thực hiện đều trở nên tốt đẹp. Chúng ta có biết Thánh Vịnh nói gì về những kẻ gian ác, kẻ mà chúng ta nghĩ rằng luôn gặp những điều may mắn, tốt lành không? Thật ra, kết cục của những ai gian ác chẳng hề tốt đẹp: ‘Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay. Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong’ (Tv 1, 4.6).”

Chỉ duy nhất một tính từ

Đức Thánh Cha lấy ý tưởng từ dụ ngôn anh Lazzaro nghèo khó trong Tin Mừng để nhấn mạnh rằng sự diệt vong là kết cục của những kẻ gian ác. Dụ ngôn ấy là một biểu tượng về sự đau khổ mà người gặp phải không hề kêu la, trốn chạy. Ông phú hộ giàu có, yến tiệc say xưa đã từ chối bố thí cho anh Lazzaro ngay cả những mẩu vụn bánh rớt xuống bàn của ông.

Thật đáng tò mò là ông phú hộ ấy không hề được nhắc đến tên. Nhưng chỉ có một tính từ nói về ông: giàu có. Trong Cuốn Sổ Ghi Nhớ được viết trước nhan Thiên Chúa, không hề có tên của những kẻ gian ác. Kẻ gian ác không có tên, nhưng chỉ có những tính từ để chỉ đặc điểm. Trái lại, tất cả những ai đang cố gắng đi trên đường ngay nẻo chính của Thiên Chúa, sẽ được ở cùng với Chúa Con, Đấng có tước hiệu là: Giêsu – Đấng Cứu Độ. Đây là một tước hiệu thật khó để có thể hiểu thấu và giải thích rõ ràng khi đứng trước những thánh đố của thập giá và tất cả những đau khổ mà Đức Giêsu đã chịu vì chúng ta. (SD 08-10-2015)

Vũ Đức Anh Phương

http://www.vietvatican.net/

Chất Thánh trong đời thường

Hằng ngày, vào buổi sáng, tôi thường “check” tin tức Công giáo, rồi mới điểm qua thời sự xã hội. Trong vị trí người Kitô hữu, có những bản tin đem lại cho tôi sự vui mừng và niềm hân hoan nhanh chóng hòa với Giáo Hội, cũng có bản tin làm lòng tôi nhói đau vì thấy rằng nó phô bày một sự thật mà người giáo dân không muốn sự việc xảy ra. Có những bài viết mang thông tin thời sự do các báo đồng loạt đăng tải làm người chán nản vì sự gian dối, thậm chí buồn phiền vì tội ác….

Riêng bản tin về một người lái tàu có tên là Trương Xuân Thức dưới đây,

làm tôi có cảm xúc rất riêng, rất đặc biệt vì tôi thấy có “chất thánh” trong việc làm của một người bình thường.

“ 8h30 sáng 6/8, trong lúc cố băng qua đường sắt, một xe ben chở cát đã bị đoàn tàu TN6 chạy từ Nam ra Bắc húc và đẩy đi xa khoảng 50 m.

Xe tải nát bươm, đầu tàu và 2 toa xe liền kề chứa máy phát điện và hành lý bị lật. Lái chính, lái phụ đoàn tàu và tài xế xe tải đều bị thương, trong khi hơn 300 hành khách trên tàu vẫn an toàn.”

Vậy những yếu tố nào làm nên “chất thánh” trong một việc tốt. Tôi nghĩ đó là:

1. NGƯỜI THỰC HIỆN VIỆC TỐT NGHĨ NGAY ĐẾN NGƯỜI KHÁC

“Ông Thức có thể hãm phanh rồi nhảy ra ngoài, hoặc gạt cần hãm độc, lùi lại khoảng 50 đến 70 cm thì sẽ không bị thương, hoặc nếu có chỉ bị nhẹ. Nhưng ngược lại, tốc độ đoàn tàu sẽ giảm rất chậm, và tai nạn sẽ vô cùng thảm khốc bởi sẽ không chỉ 3 toa bị lật như đã xảy ra.”

Bất cứ ai, khi làm việc gì mà nghĩ ngay đến người khác là một sự cho đi cao cả. Vì nghĩ đến người khác tức là chưa hoặc không nghĩ đến mình.

2. BẰNG LÒNG CHỊU THIỆT HẠI

Có nhiều tình huống, người thực hiệc việc tốt biết chắc mình sẽ bị thiệt thòi, thậm chí bị chết hoặc mất đi phần thân thể mà vẫn thực hiện. Mất một cánh tay và trở thành người tàn tật đó không phải là điều người ta dễ chấp nhận. Ông Thức nghĩ đến số hành khách trên tàu, chắc chắn sẽ chết và bị thương, vậy thì để ông hy sinh….đó không phải là hình ảnh được họa lại từ hình ảnh thương khó của Đức Giêsu đó sao? Vâng, Ngài chết để nhiều người được cứu!

Bên cạnh đó, sự hy sinh kéo theo rất nhiều hệ lụy: ông không được làm việc như một người bình thường nữa – một điều rất đau khổ đối với người đàn ông đang hiện diện trong xã hội với ý hướng sống chân chính – và ông còn có thể trở thành gánh nặng cho vợ con, một gia đình vốn không khá giả.

3. KHÔNG MÀNG ĐẾN DANH VÀ LỢI SẼ ĐẾN SAU SỰ VIỆC

Khi tôi viết bài này thì ti-vi đang thông báo ông Thức được tặng bằng khen. Ông được nhiều người biết đến, khâm phục. Bên cạnh đó cũng sẽ có người cảm phục mà trợ giúp gia đình ông trước biến cố này. Nhưng tôi nghĩ, khi tình huống vừa xảy đến, trong đầu của người cầm lái tàu đó chỉ có một con toán, đó là sự so sánh thật nhanh giữa nỗi đau khổ của một người và sự đau đớn tang tóc của nhiều gia đình. Nếu hơn 300 hành khách kia chết hoặc bị thương nặng thì có nhiều đứa trẻ bị mồ côi, nhiều cuộc đời phải rẽ lối, nhiều mơ ước bị chôn chết, nỗi xót xa lớn cho xã hội…Lại một nét đẹp của cuộc đời Chúa Giêsu được phác họa lại: một người chết thay nhiều người!

4. THEO DÒNG THỜI GIAN VẪN HÀI LÒNG VỚI VIỆC MÌNH LÀM

Ai làm việc tốt, chắc chắn xã hội sẽ có những lời khen tặng, nhưng bản thân người thực hiện việc tốt phải thực sự bằng lòng với nỗi đau khổ theo dòng thời gian thì việc làm mới thực sự “thánh thiện”.

Hẳn mọi người còn nhớ câu chuyện của ông quan thanh liêm thời phong kiến, khi có quyền hành không hề nhận hối lộ: có người hỏi ông tuổi con gì để đúc vàng tặng. Ông trả lời tuổi con chuột. Khi hết làm quan, cảnh nhà túng bấn, nghĩ lại, ông tiếc rằng đã không trả lời mình tuổi con trâu để nhận được con trâu bằng vàng. Hỏi rằng sự thanh liêm ấy có giá trị gì không?

5. THEO TIẾNG GỌI CỦA LƯƠNG TÂM

Dù không biết Thiên Chúa là ai, nhưng người nào cũng có thể thực hiện được những việc phi thường đôi khi chỉ cần nghe theo tiếng gọi của lương tâm – một bản luật pháp mà Thiên Chúa in vào lòng mỗi người, dẫu người đó không có ý thức về một Thiên Chúa.

Người Samari nhân hậu trong dụ ngôn của Chúa, ông đã làm theo tiếng gọi của lương tâm. Thời nay, thiếu gì người sống theo chủ nghĩa “mackeno”, tức là “mặc kệ nó” để được yên thân, đỡ phiền toái. Những người có trái tim hóa đá thì việc làm của họ chẳng bao giờ có một chút gì “thánh” cả mà việc làm của họ mất cảm xúc với anh em, đối nghịch với yêu thương vốn chỉ có trong một trái tim biết thổn thức vì người khác.

6. SỰ VIỆC MÃI LÀ MÔ HÌNH GIÚP NHIỀU NGƯỜI LÀM VIỆC TỐT

Việc làm của mẹ Têrêsa thành Calcutta kéo theo biết bao con tim vốn ích kỷ trở nên biết yêu thương, thích co cụm cho mình trở thành người dấn thân. Việc làm của ông Thức sẽ là một tấm gương cho nhiều người khi điều khiển các phương tiện giao thông, biết ý thức sự sống của mình và của người khác.

7. NẾU CÓ SỰ TÁC ĐỘNG TỪ BÊN NGOÀI, VẪN KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG

Khi quyết định hy sinh cho người khác thì người thực hiện phải có một ý chí cao. Thí dụ như Thánh Maximilianô Maria Kolbê khi đang bị cầm tù, quyết định nói lời cứu một tù nhân khác mà có người cản ngăn, nếu thánh nhân có chút xao xuyến trong lòng thì khó mà thực hiện được, vì đối diện với cái chết – một sự thật phải trải qua, ai cũng sợ và không có kinh nghiệm. Việc giữ vững ý chí cho một hành động không phải là dễ trong con người yếu đuối mỏng dòn của chúng ta.

8. VIỆC LÀM PHẢI VƯỢT RA KHỎI KHUÔN KHỔ TÔN GIÁO

Nếu ai làm việc tốt mà còn phân biệt tôn giáo thì việc làm ấy chưa hoàn hảo. Vì ai cũng có mỗi quan hệ xã hội mà tín ngưỡng là một sự tự do lựa chọn của con người. Hơn nữa mỗi người đã được hưởng thụ những thành quả chung của con người về sự sáng tạo, nào là thành quả khoa học, kinh tế, xã hội… Vậy phân biệt tôn giáo là một điều tệ hại khiến cho việc làm tốt không vượt qua được mức tầm thường, huống chi là phi thường.

Để kết thúc những suy tư, tôi cho rằng, những yếu tố trên không thể gom lại để biến một việc làm trở nên “thánh thiện”, mà một người bình thường (trong một tình huống nào đó, hay trong cả cuộc đời) đã thực hiện được một việc có những yếu tố trên thì có thể trở nên phi thường như những vị thánh đã có trong thế giới này.

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, Xin Ban Ơn Cho Các Linh Hồn Trong Lửa Luyện Ngục

OTHER566956_Articolo

Hồi ấy là năm 1914. Đệ nhất thế chiến thứ nhất (1914-1918) bùng nổ. Trên chiến trường nơi biên giới Pháp và Đức, một binh sĩ Pháp bị thương nặng vì làn đạn bắn như mưa của quân Đức. Hai người đồng binh chủng vội chạy đến đặt bạn trên cáng khiêng đi. Người lính bị trọng thương nói:

– Hãy để yên tôi nằm chết tại đây. Không cần cấp cứu, bởi tôi không sống được bao lâu!

Hai bạn trả lời:

– Chính vị chỉ huy trưởng ra lệnh như thế.

Binh sĩ bị thương liền nói:

– Vậy hai anh cứ tuân lệnh!

Hai người lính khiêng bạn đi nhanh về phía có trạm cấp cứu gần nhất. Đàng sau chiếc cáng, vị chỉ huy cũng vừa chạy đến. Ông muốn tận mắt lượng định tình trạng nguy ngập của người lính can đảm ông hết lòng yêu mến.

Cả ba cùng im lặng bước đi. Những tia nắng ban mai bắt đầu dọi chiếu trên các đỉnh đồi nằm xa xa. Đi được một quãng dài, người lính trọng thương làm hiệu xin vị chỉ huy đến gần. Vị chỉ huy cúi sát xuống và hỏi:

– Anh khát nước, muốn uống phải không?

Người bị thương vừa lắc đầu vừa nói:

– Không, em không khát. Nhưng xin đại úy làm ơn lấy hộ em tràng chuỗi Mân Côi trong túi áo bên phải của em.

Vị chỉ huy chìu ý ngay. Ông cho tay vào túi và rút ra tràng hạt Mân Côi. Ông cẩn trọng đặt tràng chuỗi vào tay người lính. Bàn tay anh trắng bạch. Khuôn mặt anh trắng bạch và đôi mắt chỉ he hé mở.

Vị chỉ huy chăm chú nhìn những ngón tay người lính đang chầm chậm lần từng hạt chuỗi. Sau khi xong chục hạt Kinh Kính Mừng thứ nhất, vị chỉ huy ra lệnh cho hai người khiêng cáng dừng lại. Chỉ lúc này đây, cả ba mới nhận ra tràng chuỗi Mân Côi đã rơi khỏi tay người lính trọng thương. Anh đã êm ái trút hơi thở cuối cùng ..

Câu chuyện thứ hai liên quan đến đảng viên cộng sản cuồng nhiệt người Ý. Ông tên Matteo, bị đau nặng và đang nằm nhà thương. Năm ấy, bức tượng thánh du Đức Mẹ FATIMA được rước qua từng thành phố của toàn nước Ý ..

Khi bức tượng thánh du Đức Mẹ FATIMA rước tới thành phố nơi có nhà thương ông Matteo đang điều trị bỗng có tin tung ra:

– Bức tượng thánh du trên đường đi tới nhà thờ chính tòa sẽ dừng lại nơi khu vườn của nhà thương!

Tức tốc, mọi bệnh nhân trong nhà thương vui mừng chuẩn bị tiếp rước Đức Mẹ MARIA. Về phần ông Matteo, từ ngày gia nhập đảng cộng sản, ông hoàn toàn bỏ rơi Đạo Công Giáo. Ông lập gia đình theo nghi thức đời chứ chưa theo nghi thức Đạo. Giờ đây, tin đồn bức tượng thánh du Đức Mẹ FATIMA sẽ đến viếng thăm bệnh nhân, khiến lòng ông xôn xao giao động. Ông tìm đến Linh Mục Tuyên Úy nhà thương và thưa:

– Xin Cha làm ơn giúp con lãnh bí tích Hôn Phối, trở về với Giáo Hội Công Giáo. Con không muốn khi Đức Mẹ MARIA đến đây lại trông thấy con ở trong tình trạng hôn nhân không hợp lệ.

Dĩ nhiên Cha Tuyên Úy chỉ đợi chờ có thế. Cha vui mừng giúp ông Matteo, – đảng viên cộng sản – sốt sắng chuẩn bị lãnh Bí Tích Hôn Phối cùng với vợ. Và khi bức tượng Thánh Du Đức Mẹ FATIMA rước đến nhà thương, ông Matteo cảm thấy vô cùng sung sướng đón tiếp Mẹ. Không sao kể xiết nỗi niềm hiếu thảo và tri ân ông trìu mến dâng lên Mẹ THIÊN CHÚA.

 … Kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

 Lạy Rất Thánh Đồng Trinh MARIA, Mẹ đã vui lòng nhận lấy tước hiệu là Mẹ Hằng Cứu Giúp, cho được giục lòng chúng con trông cậy vững vàng, thì con nài xin Mẹ dủ lòng thương, cứu giúp con trong mọi nơi mọi lúc, khi phải các cơn cám dỗ, khi sa phạm tội, và khi gặp các sự khốn khó trong đời con, và nhất là trong giờ chết. Lạy Mẹ hay thương, xin cho con siêng năng chạy đến cùng Mẹ luôn luôn. Con tin rằng, con siêng năng chạy đến cùng Mẹ, thì làm cho Mẹ càng sẵn lòng nghe lời con. Xin Mẹ ban cho con ơn trọng này, là siêng năng cầu xin Mẹ, và được lòng trông cậy Mẹ như con thảo, ngỏ cho Mẹ nghe lời con hằng cầu xin, mà hằng cứu giúp con, và ban cho con được ơn bền đỗ đến cùng. Lạy Mẹ yêu dấu hay thương giúp, xin Mẹ ban phúc lành cho con, và cầu bàu cho con khi này và trong giờ lâm tử. AMEN.

 Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin che chở mọi kẻ thuộc về con, ban ơn phù hộ cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho nước Việt Nam con, cho gia đình con, cho kẻ thân nghĩa, kẻ thù nghịch và hết mọi kẻ khốn khó. Sau hết cho các Linh Hồn đáng thương trong Lửa Luyện Ngục.

 Thánh MARIA, lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu bàu cho con. Lạy Thánh Anphongxô là quan thầy bào chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi khó ngặt thiếu thốn biết chạy đến cùng Đức Bà MARIA.

 Lạy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cầu cho chúng con. Lạy Thánh Anphongxô, cầu cho chúng con.

 (Sac. Pietro Ceccato, ”Alla Scuola della Madonna”, Centro Mariano Montfortano, 1961, trang 233-234)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt