Archive | September 2018

Báo Công Giáo gọi Phó thủ tướng Matteo Salvini là Satan

Mùa hè 2018 tại Rôma đã nóng lên rất nhiều với cuộc chiến trên các phương tiện truyền thông giữa một tờ báo Công Giáo và Phó thủ tướng Matteo Salvini liên quan đến chính sách đối với người nhập cư và dân tị nạn.

Một tuần báo Công Giáo Ý đã so sánh Phó thủ tướng Matteo Salvini với Satan. Ngay trên trang bìa, tờ báo cho chạy hàng chữ in đậm, lớn hết cỡ “Salvade Vade retro” (“Xéo đi, Salvini”) – một phiên bản từ công thức trừ tà tiếng Latin thời trung cổ.

Tờ báo rất có ảnh hưởng Fagmiglia Cristiana (Gia đình Kitô) đã viết: “Không có gì là cá nhân hay ý thức hệ, thuần túy là Phúc Âm.”

Salvini, nhà lãnh đạo của đảng Liên minh cánh hữu và là một người Công Giáo, phản ứng lại và nói trang bìa này là “xấu xa” và “thiếu tôn trọng”.Trong khi thông tấn xã nhà nước Agenzia Giornalistica Italia tuyên bố rằng nó đã “tuyên chiến” với tờ Fagmiglia Cristiana.

Salvini là nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy, là người đã trở thành bộ trưởng nội vụ vào tháng trước, đã quyết định đóng cửa các hải cảng của Ý không tiếp nhận người di cư và đang tìm cách giới hạn số lượng tàu bè có thể đến được bờ biển quốc gia này. Ông nói rằng Italia đã gánh chịu một gánh nặng không công bằng giữa các quốc gia Liên minh châu Âu. Ông cũng kêu gọi “làm sạch” Rôma bắt đầu từ các đường phố của Ý.

Trong khi đó thì tờ Fagmiglia Cristiana ủng hộ chủ trương của Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ việc tiếp nhận những người nhập cư.

Phó thủ tướng Salvini nói: “Họ đang so sánh tôi với Satan? Tôi không đáng bị như vậy.”

“Tôi cảm thấy an ủi bởi thực tế là tôi nhận được sự hỗ trợ hàng ngày từ nhiều người nam nữ trong Giáo Hội”. Ông nói trong một bài đăng trên Facebook.

Để đáp lại lời chỉ trích của Salvini, tạp chí đã viết trên trang web của mình: “Phó Thủ tướng Salvini có một ý tưởng khá cá nhân về giáo lý, và cả Phúc Âm nữa. Theo Lời Chúa, tất cả chúng ta sẽ được phán xét về việc liệu chúng ta có yêu thương người lân cận của chúng ta hay không.”

Gởi trọn tuổi trẻ vào tiếng đàn dâng Chúa

Không đi tu. Cũng không chọn cho mình hạnh phúc riêng tư. Suốt 25 năm phục vụ giáo xứ miệt mài qua các sinh hoạt mà đặc biệt là thánh nhạc, ông Nguyễn Văn Thủ (giáo dân họ Ba Trinh, GP Cần Thơ) như một chứng nhân sống đạo nhiệt thành, được nhiều người quý mến.
Gởi trọn tuổi trẻ vào tiếng đàn dâng Chúa
Gởi trọn tuổi trẻ vào tiếng đàn dâng Chúa

 

Cư dân làng quê Ba Trinh hẳn rất quen thuộc với hình ảnh “cậu Mười” (danh xưng thường gọi của ông Thủ) sớm hôm lui tới nhà thờ sinh hoạt ca đoàn, đàn hát, hăng say các công việc Nhà Chúa. Đã nhiều năm, qua nhiều đời linh mục, ông luôn là trợ tá đắc lực. Có dịp gặp cha GB Nguyễn Xuân Mai tại nhà hưu dưỡng giáo phận, khi điểm lại hành trình phục vụ giữa những ngổn ngang của ký ức, vị linh mục nhắc về Ba Trinh và nhớ đến ông Thủ đầu tiên: “Thế mà mình xa Ba Trinh cũng mười mấy năm. Cha ở đó khá lâu. Hồi ấy xứ đạo vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên có chú Thủ hay phụ giúp cha cái này cái nọ, tính tình vui vẻ, hiền lành”. Nói thế để hiểu, nét “vui vẻ, hiền lành” của ông đã vô tình chiếm trọn tình cảm của vị chủ chăn.

Gặp cậu Mười, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về người đàn ông sắp qua tuổi 45 là sự thân thiện. Cái hồ hởi, dễ thương trong ông đậm chất Nam bộ. Mỗi ngày, ông khởi đầu bằng giờ kinh nguyện và buổi tối lại thu xếp về với những sinh hoạt trong nhà thờ. Dù bận rộn, chưa một phiên nào ông bỏ tập hát với ca đoàn. Bất kỳ nhà ai nếu gặp chuyện không may, tang tóc lúc nửa đêm…, cậu Mười cũng không ngần ngại sát cánh cùng các hội nhóm viếng thăm. Xứ quê, chỉ cách đây chục năm, bà con vẫn còn dùng xuồng ghe đi lại. Mấy dì phước cuối tuần đi chợ mua hoa, đồ dùng trang trí nhà thờ; cha xứ đưa Mình Thánh Chúa cho bổn đạo ở xa phải di chuyển trên chiếc vỏ lãi. Và hẳn nhiên, ông Thủ vẫn “xông pha”, chẳng kể mưa nắng hay lộ trình di chuyển khó khăn. Cuộc sống độc thân dễ cho phép ông dày công với chuyện đời, công việc kinh tế hơn là làm việc Nhà Chúa, thế mà suốt cả thanh xuân ông lấy việc phục vụ làm niềm vui cho mình. “Tôi biết rằng Chúa luôn ở bên tôi. Ơn Chúa ban nhiều. Qua những biến cố của cuộc sống, tôi cảm nghiệm được điều đó. Còn chuyện cộng tác với nhà thờ, cho họ đạo không phải một cách để ai đó công nhận mà vì đó là xứ sở quê hương mình, mình cần có trách nhiệm. Hơn nữa, qua lời ca tiếng hát, tôi dễ lắng lòng để cầu nguyện với Chúa hơn”, ông tâm sự.

Lần ngược thời gian về thời điểm ông Thủ tập tành với thánh nhạc mới thấy hết tinh thần dấn thân của người tông đồ này. Ba Trinh những năm cuối của thập niên 90 còn là một vùng quê hoang sơ, nghèo, điều kiện đi lại trắc trở, nhân lực thiếu thốn. Từ khi được tiếp xúc với nhạc cụ, các dì phước phát hiện ông Thủ có năng khiếu, thế là khuyến khích ông học đàn. Ngoài việc học với các dì, ông còn tự lặn lội đến nhà thầy dạy cách mấy cây số. Rồi trên nền kiến thức cơ bản, ông mày mò, tìm hiểu thêm. Thật ra, tinh thần phục vụ trong ông như có sự nối tiếp từ các thành viên trong gia đình. Chị gái ông cũng từng là tay đàn cho ca đoàn. Đến khi người chị lập gia đình riêng thì ông Thủ thay thế. Và cho đến nay, ngọn lửa ấy vẫn bừng cháy. Bà Nguyễn Thị Mỹ Luông, thành viên ca đoàn giới hiền mẫu nói về “thầy đàn” cách dí dỏm: “Thủ hiền lành, hoạt bát, sống thân tình với anh chị em thì ai cũng biết. Tôi tham gia ca đoàn chục năm, lúc nào cũng thấy cậu Mười hăng hái. Nói đến cậu Thủ, ai cũng nhớ ngay sự dễ thương, đạo đức, càng cảm mến vì Thủ chỉ ở một mình với bà cụ nên có nhiều thời gian hy sinh cho cộng đoàn”.

Nhà thờ Ba Trinh

Ông Thủ không gia đình riêng, không con cái. Song, điều thú vị là “con thiêng liêng” của cậu Mười thì nhiều lắm, khắp xóm và cả ở các xứ khác, nếu phải liệt kê chắc hẳn có đến gần trăm. Dẫu vậy, ông bố đỡ đầu này luôn dõi theo từng người để khích lệ, động viên, không quên đứa con nào. “Bõ Thủ là người đỡ đầu khi tôi nhận phép Thêm Sức. Tính ra đến nay đã lâu, từ khi còn nhỏ cho đến bây giờ, cứ mỗi lần gặp bõ để trò chuyện, tôi luôn được lời khuyên hữu ích, sự quan tâm đôi khi nhẹ nhàng mà rất ân cần. Nhìn cách bõ sống chan hòa, tôi cũng tập bắt chước theo”,bạn Nguyễn Trường Dũng, 23 tuổi chia sẻ.

Đằng sau tiếng đàn véo von trong các nghi lễ, đằng sau sự phục vụ hết lòng kia còn là một cuộc sống đầy thử thách. Giữa nhịp thường nhật, người nông dân với mảnh vườn nhỏ, sống đời độc thân cũng bận rộn cơm áo, thế nhưng vượt qua tất cả, ông Thủ tin tưởng vào Thiên Chúa. Rất đơn sơ, ông cho biết mình thích lời của thánh vương Đavít trong một bài Thánh vịnh: “Lạy Chúa,con không tìm đường của danh vọng lớn lao. Con không tìm những việc lẫy lừng. Con gởi tâm hồn trong bình an và thinh lặng như trẻ thơ trong lòng mẹ mình!”(Tv 131).

Anh Nguyên

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Người tân tòng 2O năm gùi Mình Thánh Chúa trên vai

Sau ngày gia nhập Hội Thánh, ông hăng say phục vụ quên mình, đến nỗi người trong xứ vẫn hay gọi ông bằng cái tên hóm hỉnh nhưng cũng không phải… không có lý: người được Chúa quy hoạch. Ông là Ða Căt Hà Dương, Chủ tịch HÐMV gx Ðạ Tông, GP Ðà Lạt. Ông mời chúng tôi ghé thăm gia đình. Đó là một căn nhà nhỏ dựng theo kiểu đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, cách nhà thờ Đạ Tông độ 7 cây số. Bên trong nhà treo đầy bằng khen của Giáo hội và xã hội. Đặc biệt, những tấm hình chụp chung với nguyên Đại diện không thường trú của Tòa Thánh – Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli – và các Đức cha… được ông đóng khung treo nơi trang trọng, và xem như niềm vui riêng nho nhỏ sau nhiều tháng ngày dấn thân…

Ðón Chúa về cùng buôn làng…

Từ Đà Lạt, để lên tới Đạ Tông không xa, chừng 70km, tuy nhiên, đó là theo đường… chim bay. Còn để thuận tiện nhất dẫn từ xứ sương mù tới nơi này là phải trở lại quốc lộ 20, tới ngã ba Liên Khương, từ đó men theo quốc lộ 27. Vậy nên, nếu bắt đầu từ Tòa Giám mục Đà Lạt, để lên tới Đạ Tông cũng “ngót nghét” gần 140 cây số, trong đó có 80% là đèo núi quanh co. Ngoài ra, vẫn còn một lộ trình khác nối hai điểm này, dài khoảng 60km, nhưng phải băng xuyên rừng. Và cũng chính trên cung đường đó, mỗi tháng một lần, ông Hà Dương đã trèo đèo lội suối, vượt bao nhiêu là hiểm nguy, rất nhiều lần chạm mặt thú dữ…, để lên Đà Lạt đón rước Chúa về với bà con buôn làng.

Người già ở đây kể, cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Ðạ Tông đón nhận Tin Mừng từ các cha truyền giáo dòng Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên về sau, do các cách trở, các cha không thể vào cùng đồng hành nên đời sống đạo của người dân bị thiệt thòi. Lúc này, đức tin được họ dưỡng nuôi cách đơn giản từ bức tượng Đức Mẹ, cuốn Kinh Thánh, tràng chuỗi hạt…, những vật phẩm Công giáo còn sót lại sau bao năm tháng vắng bóng chủ chăn. Chính cách sống mộc mạc nhưng tràn ngập yêu thương của người tín hữu, cộng với lối sống dạy người ta ăn ngay ở lành, bỏ đi hủ tục… đã đánh động chàng thanh niên tên Dương lần mò tìm hiểu. Sau khi tốt nghiệp 12 và xuống Đà Lạt học lên, hằng ngày anh qua nhà các nữ tu gần đó để xin giúp việc, học đạo. Ngày 24.5.1987, ở tuổi 26, Hà Dương được làm con cái Chúa. Càng dấn bước càng thêm tin yêu nên người giáo dân mới người dân tộc M’Nông này còn muốn bước vào đời tu để về phục vụ lại cho những con chiên còn đang bơ vơ nơi trong làng. Dầu vậy, thời điểm đó việc theo đuổi ơn gọi còn gặp nhiều trở ngại nên vâng lời Đấng bản quyền GP Đà Lạt lúc đó, anh chọn hướng đi khác là làm Tông đồ phụ trách vùng Đạ Tông. Một năm sau ngày được Rửa tội, anh trở thành thừa tác viên ngoại lệ.

Nhiều lúc khó khăn trong cuộc sống, ông luôn đến bên Đức Mẹ để tìm nguồn nâng đỡ cậy trông – ảnh: Đình Quý

Từ ngày lãnh trách nhiệm, hằng tháng Hà Dương đều men theo đường núi lên nhà thờ Chánh tòa Con Gà hoặc nhà thờ Lang Biang để kiệu Mình Thánh Chúa về. Đường đi dù phải đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng không ngăn được bước chân người tín hữu nhiệt thành này. “Gặp phải hôm ông trời mà mưa thì đường núi trơn trượt khó đi lắm. Mấy con sông, con suối đầy nước chảy xiết nên không khéo là té liền. Nhiều lần cũng gặp phải cọp beo hay thú dữ nhưng tạ ơn Chúa, chúng đều lẳng lặng đi qua mà không gây phiền hà gì”, Hà Dương kể với chất giọng từ tốn, ngọt lừ đầy sốt mến và cả trìu mến nữa. Để mang Mình Thánh về tận nơi cho dân phải mất hai ngày, nhưng đều đặn gần 20 năm, 12 giáo khu trong xứ không tuần nào không được rước Chúa. Về sau, ông nhận được thêm sự san sẻ của một tín hữu khác là ông Liêng Hot Hà Yang nên việc đi lại giảm bớt.

Giờ đây, dù không còn phải kiệu Mình Thánh Chúa bằng gùi như xưa nữa nhưng mỗi dịp gặp mặt, ngồi ôn kỷ niệm của ngày cũ, hai ông lại vang lên tiếng nói cười và lời tạ ơn. Họ nói hành trình dù vất vả nhưng lại luôn cảm nhận được ơn thiêng từ Chúa Thánh Thể giữ gìn. “Có lần kia đang đi thì mệt lắm, muốn xỉu ngay dọc đường thì tự nhiên xuất hiện mấy anh xe ben chở củi, họ nhiệt tình bảo mình lên xe cho đi nhờ. Qua được đoạn đường khó, người khỏe, lại tiếp tục lên đường”, Hà Yang kể.

Hai ông Hà Dương (trái) và Hà Yang (giữa) trong một lần ôn chuyện cũ

…và xây đắp quê hương

Năm 2006, các cha đã thường xuyên vào dâng lễ và làm mục vụ tại Đạ Tông, những cuộc kiệu Mình Thánh xuyên rừng của Hà Dương mới khép, sau 18 năm miệt mài không một tiếng than cực. Dầu vậy, ông vẫn không ngơi tay vì trước đó đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐMV nên giờ đảm đương nhiều việc khác.

Vì trải qua một thời gian dài không có linh mục hiện diện nên trong xứ, nhiều người trở nên nguội lạnh, xa rời việc đạo đức. Vốn cùng dân tộc, chung ngôn ngữ, lại hiểu rõ phong tục địa phương nên ban đầu, ông là cầu nối giúp cuộc thăm viếng của các cha đến với bà con, giúp việc mục vụ thêm hữu hiệu. Về sau, lại là hạt nhân không thể thiếu khi thành lập các đoàn thể, xây dựng nhà thờ nhà thánh. Nhớ lại khoảng thời gian này, cha Anphongsô Nguyễn Đức Vĩnh, một trong những linh mục đầu tiên đặt chân lên Đạ Tông và hiện đang làm chánh xứ nhận xét vui: “Anh Dương là người được Chúa quy hoạch, vì nếu không có anh thì lúc đầu các cha rất khó làm việc”. Chưa hết, đang vào tuổi 60 nhưng ông Chủ tịch hiện còn kham luôn cả việc giật chuông và mở khóa nhà thờ mỗi sáng sớm, dầu ngày mưa hay đêm rét muốt.

Song song chuyện lo việc nhà thờ, Đa Căt Hà Dương còn canh cánh suy tư làm sao nâng cao đời sống cho bà con, vì nhớ mãi lời Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn khi còn làm Giám mục Đà Lạt căn dặn: “…Con ơi, rao giảng Tin Mừng không chỉ có nói về Chúa thôi, mà còn phải thương yêu và giúp anh em đồng bào phát triển kinh tế…”. Từng nằm trong số những người dân tộc thiểu số đầu tiên trong huyện Đam Rông học lên cao nên với khả năng bản thân, ông không ngừng mày mò, đi đầu trong việc áp dụng phương thức làm ăn mới, sau đó truyền đạt lại cho bà con khi đã cho kết quả tốt, như mô hình trồng dâu nuôi tằm là một ví dụ : những con tằm ngày nay đã đều đặn kéo sợi giúp nhiều gia đình trong vùng có nguồn thu nhập ổn định, nhờ công lớn của Đa Căt Hà Dương. Gần đây, ông còn hợp đồng với một vài doanh nghiệp trồng khoai lang xuất khẩu để biến những khu đất hoang hóa trở thành luống cây xanh mơn mởn. Từ mảnh đất bỏ hoang vì bạc màu, người dân giờ có thêm đồng ra đồng vào nhờ cho thuê đất và đi làm cho doanh nghiệp.

Do những đóng góp cho đạo và cho đời nên ông rất được bà con trong vùng mến mộ, nhưng với Hà Dương, phục vụ đơn giản chỉ để đền đáp lại sự tin yêu của mọi người. Ông có những lời đầy cậy trông: “Năm nay cũng tròn 30 năm tôi được trở thành thừa tác viên của Chúa. Mình cứ cố gắng hết khả năng tới lúc nào Chúa còn dùng được. Tạ ơn Chúa vì đã cho con biết và phục vụ Ngài”.

 

Trong công tác xã hội, hiện Ða Căt Hà Dương là Ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh Lâm Ðồng, Ủy viên UBÐKCG tỉnh, đại biểu HÐND huyện Ðam Rông, đại biểu HÐND xã Ðạ M’rong. Ðặc biệt trong gia đình ông, các thành viên còn lại cũng hăng say phục vụ khi đều là những giáo lý viên kỳ cựu của giáo xứ.

 

PHÚ THỊNH

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

ĐGH Phanxicô: Đi tìm Chúa Kitô, chúng ta sẽ được nhiều hơn mất

(EWTN News/CNA) Trong thánh lễ Chúa Nhật 30 tháng 7, ĐGH Phanxicô nói khi chúng ta đi tìm Chúa, hy sinh mọi thứ trên hành trình tìm Ngài thì chắc chắn cuối cùng chúng ta sẽ được hưởng trọn niềm vui cao quý hơn nhiều so với những gì chúng ta đã đành để mất.

“Người môn đệ của Chúa là người từ bỏ những gì cần phải từ bỏ để tìm những thứ có giá trị hơn. Người ấy sẽ tìm thấy niềm vui trọn vẹn mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng.”

“Đó là niềm vui tin mừng của người được chữa lành, của tội nhân được ơn tha thứ, của người trộm lành được mở cửa cho vào thiên đàng.”

ĐGH nhấn mạnh đến thái độ tìm kiếm là điều kiện cần thiết để tìm thấy “Kho báu giấu trong ruộng “ và “ viên ngọc quý” trong dụ ngôn của đoạn Tin Mừng theo Thánh Mattheu.

Kho báu là Nước Thiên Chúa, được tìm kiếm qua con người là Chúa Giêsu Kitô. Để đạt được nước trời, trái tim của chúng ta phải cháy bỏng với ước muốn kiếm tìm để được gặp.

ĐGH Phanxicô đã nói với khách hành hương tập trung tại Quảng Trường Thánh Phêrô trước khi đọc kinh Truyền tin rằng “Chính Chúa Giêsu là kho báu giấu kín, ngài là viên ngọc quý. Ngài là sự khám phá cơ bản để chúng ta có thể đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặc trong đời sống của chúng ta.”

Trong Tin Mừng của Thánh Mattheu, Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn khác nhau để nói về việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, nhưng ĐGH muốn “chú trọng” đến hai dụ ngôn đầu tiên, “nhấn mạnh đến quyết định của các nhân vật là bán tất cả mọi thứ để mua được những gì họ khám phá ra.”

Trường hợp đầu tiên là một nông dân đã vô tình gặp được kho báu giấu trong ruộng mà anh ta đang cầy cấy, vì không phải là chủ ruộng, nên việc trước tiên là người ấy phải mua cho được miếng ruộng để chiếm được kho báu. “Do đó người ấy quyết định đánh liều bán hết tất cả những gì mình có để không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở này.”

Trường hợp thứ hai là người đi buôn tìm được viên ngọc quý. Người ấy cũng quyết định bán tất cả mọi thứ để mua viên ngọc quý đó.

“Đây là những đặc tính nổi bật giống nhau của hai nhân vật mong chiếm được Nước Thiên Chúa. Tìm kiếm và hy sinh.”

Tìm kiếm là một hành động nổi bật chứ không phải là thụ động “Nước Thiên Chúa được dành cho mọi người như là một món quà, một ân huệ, một ân sủng, nhưng không dễ dàng như có sẵn trên đĩa bạc, mà đòi hỏi sự năng động: tìm kiếm, bước đi và làm việc.

ĐGH chỉ ra rằng khi họ tìm thấy kho báu và viên ngọc quý, cả nông dân và thương gia đều bán hết tất cả mọi thứ họ có. “Đánh giá được kho báu là vô giá dẫn tới một quyết định chấp nhận hy sinh, không còn đam mê và từ bỏ mọi thứ khác.”

Quyết định của các tông đồ hy sinh mọi thứ vì sự gắn bó với Chúa Kitô không phải là vấn đề “khinh chê” mọi thứ, nhưng là đặt lại trật tự ưu tiên, đặt Chúa Giêsu lên trên tất cả mọi thứ.

Làm được như thế thì Niềm Vui Tin Mừng sẽ tràn đầy tâm hồn và đời sống của những người tìm thấy Chúa Giêsu. “Chúa ban ơn cứu rỗi cho những ai tìm thấy Người và cứu họ thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô độc. Khi có Chúa Giêsu, là có niềm vui và niềm vui ấy luôn được tái sinh.”

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta suy tưởng về niềm vui của người nông dân và thương gia trong dụ ngôn, một niềm vui mà mỗi người khám phá ra với sự hiện diện vỗ về của chúa Giêsu trong đời sống của chúng ta.”

ĐGH kết luận, “Đây là lúc biến đổi lòng trí chúng ta, biết mở lòng trước những nhu cầu của nh chị em mình, đặc biệt là những người yếu kém hơn chúng ta.

“Chúng ta hãy cầu nguyện, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, cho mỗi chúng ta trở thành chứng nhân bằng lời nói và thái độ mỗi ngày, bằng niềm vui tìm thấy kho báu Nước Thiên Chúa, đó là tình yêu Chúa Cha ban cho chúng ta qua Chúa Giêsu.”

Giuse Thẩm Nguyễn