ĐỌC KINH TỐI CHUNG TRONG GIA ĐÌNH
Chúng tôi là Cha Mẹ trẻ tuổi của một gia đình Công Giáo. Ngay từ khi lấy nhau, cả hai chúng tôi đều thâm tín rằng, trong vấn đề giáo dục con cái, việc thông truyền Đức Tin là vấn đề quan trọng đầu tiên. Tuy nhiên chúng tôi không đề ra một nguyên tắc hay một quy luật nào phải theo. Chúng tôi muốn tránh một lối giáo dục khắt khe cứng nhắc mà chúng tôi từng có kinh nghiệm lúc tuổi còn thơ.
Với thời gian, lần lượt 4 đứa con chào đời, chúng tôi bắt đầu khám phá ra việc đọc kinh chung trong gia đình là một phương thức tuyệt hảo để thức tỉnh và xây dựng Đức Tin. Một biến cố quan trọng xảy đến cho gia đình chúng tôi. Đó là ngày đứa con trai đầu lòng lên 8 tuổi chuẩn bị rước lễ lần đầu. Một dịp tốt thúc đẩy chúng tôi quyết định đọc kinh tối chung trước khi đi ngủ. Từ đó chúng tôi thấy rằng, buổi đọc kinh tối chung trong gia đình đã trở thành những giây phút hạnh phúc. Chúng tôi đặt trọn gia đình dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa.
Tuy nhiên chúng tôi không ép buộc con cái. Đứa nào không muốn thì thôi. Nhưng tất cả đều chấp thuận tham dự. Chúng tôi đọc kinh chung trong phòng ngủ của hai vợ chồng tôi. Chúng tôi dọn một chiếc bàn nhỏ, trên đó đặt một bức ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng, một bình hoa và bốn cây nến trắng. Bốn đứa con theo lượt thắp và thổi tắt bốn cây nến này. Tất cả vợ chồng và 4 đứa con ngồi trên giường. Chúng tôi bắt đầu bằng dấu Thánh Giá, rồi mỗi đứa con nói: “Con chào Chúa GIÊSU. Con xin dâng cho Chúa lòng con. Con cám ơn Chúa vì một ngày tốt đẹp đã trải qua”.
Mỗi người sau đó có thể kể ra một việc cụ thể, hoặc một niềm vui nào đó, để cám ơn Chúa. Chẳng hạn như học hành chăm chỉ nơi trường học, ăn bữa trưa ngon, ăn bánh ngọt nơi nhà ông bà v.v. Đứa con trai cả 8 tuổi của chúng tôi cầu nguyện như thế này: “Xin Chúa gìn giữ và chúc lành cho cả gia đình chúng con: cho Ba, cho Má, cho con là Antoine, cho Marie-Amélie, cho Martin, cho Clotilde, và cho tất cả những người chúng con thương nhiều nhiều, cũng như cho tất cả những ai chúng con thương ít ít. Xin Chúa giúp con sống ngoan ngoãn, không bị đau ốm và biết chia sẻ với người khác”. Rồi chúng tôi cùng đọc hoặc cùng hát một kinh LẠY CHA, kinh KÍNH MỪNG. Và chúng tôi kết thúc buổi đọc kinh bằng dấu Thánh Giá.
Buổi cầu nguyện đọc kinh tối chung với các con trong gia đình đã khơi dậy trong tôi niềm khao khát cầu nguyện. Trước đó tôi đã từng tham gia nhiều hoạt động tông đồ trong giáo xứ, nhưng không chú ý nhiều đến việc cầu nguyện. Nhưng kể từ khi tôi nghiêm chỉnh chú ý đến đời sống đạo đức của các con, tôi cũng bắt đầu ý thức sâu xa rằng, tôi cùng tiến bước với các con và cùng khám phá ra con đường thiêng liêng phải theo. Tôi cũng ý thức sâu xa rằng, cầu nguyện không phải chỉ là dành ra một thời gian cho Chúa, nhưng còn phải cố gắng sống Phúc Âm nhiều hơn. Ngoài ra mỗi giây phút trong ngày, cũng còn phải hướng lòng về với Chúa, nghĩ đến tình thương và lòng trìu mến Ngài dành cho mỗi người.
Các con tôi đã giúp tôi tìm gặp lại cái gì là thiết yếu nhất. Chúng cũng dạy tôi biết đặt trọn Đức Tin tưởng nơi Chúa, dù bất cứ điều gì xảy ra; biết yêu thương người khác và biết cám ơn Chúa về tất cả những niềm vui mà Chúa ban cho chúng ta. Tôi nhận thấy rằng, trong một xã hội như xã hội Âu Châu, thường con cái không thiếu thốn gì. Do đó, điều quan trọng là phải dạy cho chúng biết cám ơn Chúa và ghi ơn Cha Mẹ về tất cả những gì chúng nhận lãnh.
Tuy nhiên, giáo dục Đức Tin, khơi dậy Đức Tin nơi con cái không phải là chuyện dễ làm và đôi khi, không hoàn toàn tùy thuộc nơi khả năng cũng như thiện chí của các bậc Cha Mẹ. Theo thiển ý tôi, chúng ta phải luôn khẩn cầu ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Tôi luôn ghi nhớ rằng, tôi không truyền đạt Đức Tin của tôi cho con cái, nhưng tôi cố gắng giúp chúng khám phá ra Thiên Chúa và yêu mến Ngài.
Niềm mơ ước sâu xa nhất của tôi là làm thế nào để việc cầu nguyện, đọc kinh tối chung trong gia đình trước khi đi ngủ, trở thành giây phút hạnh phúc nhất trong ngày. Đó là thời gian trọn gia đình cùng chia sẻ một niềm hạnh phúc thiêng liêng, niềm hạnh phúc đến từ chính Thiên Chúa. (“PRIER”, 1+2/1984, trang 23-14).
Đức Benêđíctô XVI có từ chức không?
Việc Đức Bênêđíctô XVI từ chức được cả Giáo Hội và thế giới nhìn nhận là sự thực, sự thực trong tính toàn vẹn và chân thực của nó, nghĩa là ngài thực sự rời bỏ việc thừa hành các sứ vụ của một người thừa kế Thánh Phêrô để lui về cuộc sống cầu nguyện.
Ấy thế mà gần đây, Vittorio Messori, một chuyên viên hàng đầu về Vatican, lại cho đăng một tiểu luận khá hấp dẫn ngụ ý: thực ra, Đức Bênêđíctô XVI không thực sự từ nhiệm ngôi vị giáo hoàng, mà chỉ chính thức từ bỏ các sứ mệnh cai trị và giảng dạy toàn thể Giáo Hội mà thôi.
Tiểu luận của Messori không hẳn chỉ là diễn đoán của một nhà báo ưa đưa tin giật gân. Nó dựa vào một nghiên cứu gần đây của nhà giáo luật học người Ý tên là Stefano Violi, là người “lục lọi” từng chữ từng câu bản tuyên bố từ chức ngày 11 tháng Hai năm 2013 của Đức Bênêđíctô XVI. Hai tác giả này kết luận rằng Đức Bênêđíctô XVI chưa bao giờ thực sự thoái vị cả. Mà thực ra, ngài chỉ từ bỏ việc thi hành thừa tác vụ giáo hoàng mà thôi. Hai điều này rất khác nhau, đến độ, trên thực tế, Giáo Hội có tới hai vị giáo hoàng cùng một lúc.
Hai tác giả này còn cho rằng Đức Bênêđícô XVI thực sự chưa hoàn toàn từ bỏ thi hành chức vụ giáo hoàng của ngài. Theo họ, làm giáo hoàng có hai thành tố căn bản: agendo et loquendo (hành động và giảng dạy) và orando et patendo (cầu nguyện và chịu đau khổ). Họ tin rằng Đức Bênêđíctô XVI chỉ rời bỏ hai điều trước chứ chưa bao giờ rời bỏ hai điều sau. Điều này giải thích tại sao ngài vẫn tiếp tục cư ngụ trong Vatican và vẫn mặc phẩm phục giáo hoàng. Đúng thế, hai tác giả này tin rằng ngài vẫn tiếp tục hành xử cách nào đó như một vị giáo hoàng, dù đã nhường việc cai trị cho người kế vị.
Violi viết rằng Đức Bênêđíctô XVI “không từ bỏ chức vụ, vì chức vụ này bất khả thu hồi, mà chỉ từ bỏ việc thi hành cụ thể chức vụ này”, mà ngay trong phạm vi này, ngài cũng chỉ từ bỏ một phần.
Messori thì cho rằng Đức Phanxicô cũng quan niệm sự việc như thế. Có lẽ điều này giúp ta giải thích tại sao ngài thích dùng tước hiệu “giám mục Rôma” là tước hiệu chắc chắn chỉ có ngài mới có trong lúc này, hơn là tước hiệu “giáo hoàng” mà hiện giờ có thể có tới hai vị.
Messori tỏ ra hân hoan đối với việc này, ông viết “quả là một hồng ân cho Giáo Hội vì thực sự đang chen vai sát cánh, một vị lãnh đạo và giảng dạy còn vị kia thì cầu nguyện và đau khổ, cho mọi người, nhưng trên hết để hỗ trợ cho người em mình trong chức vụ giáo hoàng hàng ngày”.
Một suy nghĩ tuy lạ và rất có thể “lạc giáo”, nhưng nếu nhấn mạnh tới bốn yếu tố hành động, giảng dạy, cầu nguyện và đau khổ lẫn tình anh em, thì suy nghĩ này không hẳn không hấp dẫn. Vì trên thực tế ta đang được hưởng hai sự hiện diện kỳ thú và vô cùng hiếm qúy này, hai lá phổi cùng của một thực tại Giáo Hội.
Vũ Văn An
6/2/2014
Đức Thánh Cha gặp gỡ hơn 200 ngàn bạn trẻ Paraguay
Đức Thánh Cha gặp gỡ hơn 200 ngàn bạn trẻ Paraguay
Lm. Trần Đức Anh OP 7/13/2015 |
|
|
|
ASUNCIÓN. Hoạt động cuối cùng của ĐTC tại Paraguay trước khi lên đường trở về Roma, kết thúc cuộc viếng thăm 8 ngày tại Nam Mỹ, là gặp gỡ hơn 200 ngàn bạn trẻ Paraguay chiều Chúa Nhật 12-7-2015.
Lúc 4 giờ 15 chiều, ĐTC đã giã từ tòa Sứ Thần ở thủ đô Asunción của Paraguay, tới khu vực ven sông gọi là Costanera, không xa phủ Tổng Thống, để gặp gỡ các bạn trẻ và những người thiện nguyện đã góp phần vào việc tổ chức và tiến hành cuộc viếng thăm của ngài.. Hơn 200 ngàn bạn trẻ đã tụ tập tại đây hằng giờ trước đó, sinh hoạt, ca hát vui vẻ. Mở đầu cuộc gặp gỡ dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa là nghi thức rước Thánh Giá hành hương tiến lên lễ đài.. Trình bày chứng từ Sau lời giới thiệu của Đức Cha Ricardo Jorge Valenzuela Ríos GM đặc trách giới trẻ thuộc HĐGM Paraguay, các bạn trẻ đã trình bày một hoạt cảnh nói lên thực tại trẻ trung của đất nước. Hai đại diện một nam một nữ đã trình bày chứng từ. – Trước tiên là anh Manuel de los Santos Aguiler, 18 tuổi một nông dân ở thành phố San Pedro. Anh trải qua thời niên thiếu rất khó khăn, gia đình nghèo, thân phụ phải lên thủ đô làm việc, còn lại anh ta với mẹ ở nhà, làm công trong một nông trại để sống. Rồi mẹ anh ta qua đời vì bị bệnh. Manuel ở bên bờ vực thẳm ma túy. Nhờ quen biết với những người trong ban mục vụ giới trẻ, qua các cuộc tính tâm, Manuel cảm thấy Chúa hiện hữu thực. Từ đó, mặc dù các phương tiện eo hẹp, Manuel vẫn vui sống và tìm cách phục vụ người khác. Anh hỏi ĐTC: chúng con đang chiến đấu để sống đức tin ngôn sứ, cử hành và thừa sai, nhưng chúng con cần những hành trình vững chắc hơn, tiệm tiến và toàn diện trong việc huấn luyện về đức tin. Ngoài ra, trước viễn tượng tương lai bất định, khó kiếm công ăn việc làm, không được học nhiều, chúng con có thể làm gì? – Bạn trẻ thứ hai là cô Liz Fretes 25 tuổi, thuộc ban mục vụ giới trẻ ở thành phố San Berdanernio và có cử nhân về y tá. Cô sống với bà ngoại già yếu và bệnh tật. Cách đây 2 năm, cô bị Chúa ”đánh động”, mẹ cô bị bệnh Alheimer (suy thoái não bộ) và trở nên như một em bé. Từ đó cô phải săn sóc mẹ, thay tã cho mẹ. Bà cứ tưởng rằng cô Liz là mẹ của bà. Cô kể: thoạt đầu con không được chuẩn bị trước tình cảnh như vậy. Nhưng con được may mắn không lẻ loi. Nhờ một bà dì và các bạn hữu, con đã đương đầu được với hoàn cảnh. Liz được một người giúp đỡ học hành, đi học ban tối ở đại học. Hồi Ngày quốc tế giới trẻ ở Rio de Janeiro, các bạn của cô đều đi được, cô cũng muốn đi nhưng trúng vào kỳ phải bảo vệ luận văn tốt nghiệp y tá, nên không đi được. Nay cô được gặp ĐTC Phanxicô, cô khóc vì vui mừng và cảm a Chúa đã nhớ đến cô. Cô nói: Chỉ cần nhìn thấy ĐTC cũng là một an ủi và chữa lành những vết thương của con. Ngày nay con cũng nhận thức rằng tình trạng bệnh tật của mẹ con làm cho con trưởng thành và vững mạnh hơn. Ngày nay, con đang tìm kiếm con đường Chúa muốn con đi.” Tiếp đến mọi người đã nghe bài Tin Mừng theo thánh Marco đoạn 5 (1-2) ghi lại lời Chúa Giêsu: Các con hãy vui mừng và hân hoan, vì phần thưởng của các con thật lớn lao ở trên trời. Anh Orlando đã đọc bài này rồi đến chào ĐTC, xin ngài cầu nguyện cho tự do. Huấn từ ứng khẩu của ĐTC Khi ngỏ lời với các bạn trẻ, ngài trao cho Đức GM đặc trách giới trẻ bài huấn dụ ngài đã dọn sẵn để phổ biến sau đó, và ngài ứng khẩu trả lời các bạn trẻ. ĐTC nói: ”tự do là phúc lành mà tất cả chúng ta giờ đây cùng cầu xin. Vì tự do là một món quà của Thiên Chúa, nhưng cần biết đón nhận tự do ấy, cần có một con tim được giải thoát khỏi bao nhiêu ràng buộc, như sự bóc lột, thiếu các phương tiện sinh sống, nghiệp ngập ma túy, sầu muộn. ”Tất cả những điều ấy tước đoạt tự do của chúng ta. Tự do là có một con tim không bị ràng buộc, có thể nói và làm điều mình nghĩ và cảm thấy.” Và ĐTC mời gọi các bạn trẻ cầu nguyện: Xin Chúa ban cho con một con tim tự do không làm nô lệ cho tất cả những lường gạt của thế gian, của cuộc sống tiện nghie, những tật xấu, những tự do giả tạo, thứ tự do này là làm điều mình thích trong mọi lúc. Chúng ta phải cầu xin một con tim tự do. Đề cập đến chứng từ của cô Liz, ĐTC nhận xét rằng Liz dạy chúng ta không cần phải làm như quan Pontio Pilato: không cần rửa tay. Liz đã có thể đưa mẹ và bà ngoại vào một nhà dưỡng lão. Nhưng cô đã hoán cải, trở thành một người phục vụ, đúng hơn là một người tôi bộc cho mẹ và bà, và cô làm điều đó với tình thương yêu. Mới 25 tuổi, cô đã đốt cuộc sống của mình qua việc phục vụ mẹ và bà. Tình liên đới của những người khác, của các bạn hữu đã mang lại cho cô sức mạnh để tiến bước. Ở đây có giới răn thứ tư: hãy thảo kính cha mẹ. Cô đạt tới mức độ rất cao của tình yêu. Nhắc đến trường hợp của Manuel: Anh đã không được một cuộc sống dễ dàng, bị bóc lột, ngược đãi, cô đơn. Nhưng thay vì trả thù cuộc đời, Manuel đi làm. Và ĐTC cầu nguyện cho tất cả những trẻ em đang phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn. ”Chỉ có Chúa mới có thể cứu các em trong những tình cảnh ấy.. Gặp gỡ Chúa Giêsu là hy vọng và can cảm, và tất cả chúng ta đang cần những điều ấy ngày nay”, những người trẻ sống mệt mỏi, với bộ mặt buồn chán. Từ đó ”lòng can đảm, mạnh mẽ” trở thành một từ nòng cốt mà ĐTC đã nghị với các bạn trẻ Paraguay trong cuộc gặp gỡ. Ngài nhắc nhở họ rằng các mối phúc thật vừa đọc trong bài Tin Mừng là một kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta, một kế hoạch đi ngược dòng, so với quan niệm thịnh hành trong thế giới”. Cuối bài nói chuyện, ĐTC mời gọi các bạn trẻ cùng với ngài lập lại lời cầu nguyện cho những người trẻ không biết Chúa là sức mạnh là lòng can đảm của họ, những người trẻ sợ sống hạnh phúc, sợ mơ ước: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sức mạnh, xin ban cho chúng con một con tim tự do, xin ban cho chúng con hy vọng, tình thương. Xin dạy chúng con phục vụ”. Bài huấn dụ dọn sẵn Trong bài huấn dụ ĐTC đã dọn sẵn và yêu cầu phổ biến, ngài ĐTC nhấn mạnh đến 2 chìa khóa quan trọng là: các bạn hữu và các cuộc tĩnh tâm. Trước tiên là ”Các bạn hữu”. Tình bạn là một trong những món quà lớn nhất mà một người, một người trẻ có thể có được và trao tặng. Đúng vậy. Thật là khó sống nếu không có bạn hữu…. Một trong những bí quyết lớn nhất của Kitô hữu là được làm bạn với Chúa Giêsu. Các bạn hữu chịu đựng nhau, tháp tùng nhau, bảo vệ nhau. Chúa cũng làm như vậy đối với chúng ta. Ngài chịu đựng chúng ta. – Tiếp đến là các cuộc tĩnh tâm hay linh thao. Thánh Ignaxio đã soạn một bài suy niệm nổi tiếng, gọi là ”hai lá cờ”. Ngài mô tả một bên là lá cờ của ma quỉ, và bên kia là lá cờ của Chúa Kitô.. Phần nào cũng như hai đội bóng với bộ áo khác nhau và ngài hỏi chúng ta xem muốn chơi trong đội banh nào. Với bài suy niệm ấy, thánh nhân làm cho chúng ta tưởng tượng xem mình thuộc về đội bóng nào. Cũng tựa như ngài hỏi ta xem: ”Bạn muốn chơi với ai trong cuộc sống?” Và thánh Ignaxio nói rằng để tuyển mộ các cầu thủ, ma quỉ hứa cho những người chơi với hắn được giàu sang, vinh dự, quyền lực và danh dự. Họ sẽ được nổi tiếng. Tất cả sẽ tôn thờ họ. Đàng khác, thánh Ignaxio trình bày cho chúng ta lối chơi của Chúa Giêsu. Lối chơi này không được trình bày như một cái gì tuyệt diệu, vì Chúa Giêsu không trình bày cho chúng ta một cuộc sống như minh tinh, nổi tiếng, trái lại Chúa nói với chúng ta rằng chơi với Ngài là một lời mời gọi yêu thương, phục vụ tha nhân. Chúa coi trọng chúng ta. ĐTC viết thêm rằng: ”Trong Kinh Thánh, ma quỉ được gọi là ‘cha kẻ dối trá’, là kẻ làm cho bạn tưởng từng khi làm một việc nào đó, bạn sẽ hạnh phúc. Trái lại bạn thấy rằng bạn chẳng hạnh phúc gì, nó chỉ làm cho bạn thấy trống rỗng, buồn hơn. Vì thế, ma quỉ là kẻ ”bán khói”, hắn làm cho bạn đặt hy vọng nơi điều không bao giờ làm cho bạn hạnh phúc. Đó là trò chơi, là chiến lược của hắn. Thực vậy, tất cả những gì hắn đề nghị với chúng ta là thành quả của chia rẽ, là cạnh tranh với người khác, là đè đầu người khác để đạt được điều chúng ta muốn. Để đạt tới tất cả những điều đó, con đường duy nhất là gạt bỏ những ngừơi bạn của bạn, không chịu đựng một ai. Vì tất cả dựa trên cái vẻ bề ngoài và ma quỉ làm cho bạn tin rằng tất cả giá trị của bạn tùy thuộc những gì bạn sở hữu. Trái lại, Chúa Giêsu trao tặng chúng ta cuộc chơi của Ngài. Ngài có vẻ không hứa cho chúng ta những điều vĩ đại, không nói với chúng ta rằng hạnh phúc ở trong giàu sang của cải, quyền lực, kiêu hãnh. Phúc cho những người có tinh thần thanh bần, người đói khát sự công chính, người từ bi, những người có tâm hồn thanh tịnh, những người xây dựng hòa bình, người bị bách hại vì công lý. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một con đường là sự sống và sự thật. Ngài là thử thách lớn về điều đó. Đó là kiểu của ngài, sách thức ngài sống, tình bạn, quan hệ với Chúa Cha. Để cảm thấy chúng ta là con, những người con được yêu mến. Chúa Giêsu biết rằng trong thế giới ngày có bao nhiêu cạnh tranh, ghen tương và hung hăng, hạnh phúc đích thực xuất phát từ việc học cách kiên nhẫn, tôn trọng người khác, không kết án cũng chẳng xét đoán ai. Phúc cho những người mangmột cuộc sống mới, những cơ hội mới, những người có khả năng giúp đỡ người khác trong các lỗi lầm của họ. Phúc cho những người là bạn hữu chân thành và không bỏ rơi một ai. Giã từ Cuộc gặp gỡ kéo dài như thể các bạn trẻ không muốn ĐTC rời họ để ra đi. Lúc gần 7 giờ chiều, ngài giã từ và lên đường ra phi trường thủ đô. Dọc đường ngài dừng lại làm phép tại nơi tên là Ycuá Bolanos. Trung tâm thương mại tại đây đã bị một trận hỏa hoạn dữ dội tàn phá cách đây 11 năm (2004), một biến cố chưa từng có trước đó, làm cho 400 người chết và 500 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em. Tại phi trường, ĐTC đã được Tổng thống Horacio Cartes, các quan chức chính phủ và các GM tiễn biệt, với hàng quân danh dự, quốc thiều. Máy bay Airbus A330 của hãng Alitalia, chở ĐTC, 30 người thuộc đoàn tùy tùng và 75 ký giả quốc tế cất cánh lúc 7 giờ 39 phút giờ địa phương. Trong điện văn gửi đến Tổng thống và quốc dân Paraguay khi rời không phận nước này, ĐTC ”bày tỏ lòng biết ơn và quí mến đối với dân tộc Paraguay yêu quí mà tôi mang trong con tim.. Rời Paraguay để trở về Roma, tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt đến Tổng Thống. Tôi cầu xin Chúa ban ân phúc dồi dào cho tất cả mọi người và xin Chúa giúp họ tiến triển trong tình huynh đệ và hòa hợp”. |
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhận hai bằng tiến sĩ danh dự về Thánh Nhạc
Kể từ khi về hưu, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã tránh xuất hiện trước công chúng. Nhưng, nhưng dịp đặc biệt này, Đức Giáo Hoàng danh dự đã đồng ý xuất hiện công khai.
Ngài đã được trao hai bằng tiến sĩ danh dự về Thánh Nhạc. Một văn bằng từ trường Đại học Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Krakow và cái kia từ Học viện Âm nhạc Krakow. Đức Giáo Hoàng Danh dự nói rằng âm nhạc thiêng liêng là con đường kết nối với Thiên Chúa.
Trong lời phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, hiện đã 88 tuổi, đã cảm ơn vị tiền nhiệm của mình về vai trò của Đức Giáo Hoàng người Ba Lan đã tác động lên đời sống của ngài.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho hay: “Nếu không có Đức Gioan Phaolô II, cuộc hành trình tâm linh và thần học của tôi chắc sẽ không thể tưởng tượng ra”.
Các văn bằng đã được trao cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI như là sự công nhận cho những đóng góp của ngài cho nền âm nhạc thiêng liêng. Cụ thể làm nổi bật tầm quan trọng của việc kết hợp vẻ đẹp, sự thật và đức tin trong việc cử hành Phụng vụ.
Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, thư ký của Đức Gioan Phaolô II cho biết: “Cảm ơn Đức Thánh Cha vì sự phục vụ to lớn trên ngai giáo hoàng của ngài, vì di sản tín lý rộng lớn của ngài và lòng nhân từ mà ngài đã luôn luôn thể hiện”.
Buổi lễ trao văn bằng diễn ra tại Dinh thự mùa hè Castel Gandolfo, nơi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đang tận hưởng kỳ nghỉ hai tuần nhằm tránh xa sức nóng mãnh liệt của Rôma.
Các vị hiệu trưởng của cả hai trường đã có mặt trong buổi lễ, khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhận được cả hai văn bằng danh dự.
Bênêđictô XVI cho biết: “Đức Gioan Phaolô là mẫu gương sống động về điều này. Ngài cho chúng ta thấy niềm vui của âm nhạc thiêng liêng tuyệt vời, đi đôi với sự tham gia phổ biến của Phụng Vụ Thánh”.
Kể từ khi nghỉ hưu vào năm 2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bắt đầu đời sống cât2u nguyện và tĩnh tâm tại Vatican. Trong số những sở thích cá nhân của ngài là đọc sách và tất nhiên là chơi piano.
Lã Thụ Nhân
Recent Comments