Archive | April 2016

Chân dung Satan

Được Thầy mời vào “sa mạc” lần này, tôi được hướng dẫn để nhận dạng và nhận diện kẻ thùtừng gây thương tích cho mình và anh chị em trên chặng đường quá khứ, nhờ đó, có thể tiếp tục cuộc hành trình sống trong Ánh Sáng. Không hề có tham vọng mô tả toàn diện, tôi chỉ mạo muội phác họa vài nét chấm phá về Satan theo cảm nghiệm cá nhân và bằng ngôn ngữ ngày nay; như một chia sẻ đời sống tâm linh, với ước mong được liên đới với mọi người đang nỗ lực đẩy lùi bóng tối.

I. Satan hiện hữu

Nhiều người ngày nay đã phủ nhận sự hiện diện của Satan trong đời sống con người. Họ xếp Satan vào số nhân vật trong các huyền thoại hay chuyện cổ tích. Phần David Bakan, giáo sư Tâm lý đại học Chicago, cho rằng Satan là một hình thức phóng thể của các sức mạnh tâm thần con người được nhân cách hóa[1]. Phải chăng những lập trường phủ nhận sự hiện hữu của Satan tạo cơ may cho bè phái chúng mặc sức tung hoành mà không gặp sức đối kháng? Trái lại, có người đổ mọi tội mình làm lên đầu Satan. Thiết nghĩ, gán mọi trách nhiệm của sự dữ cho Satan như thế thì cũng hơi oan cho hắn. Vì thực ra, mỗi người hoàn toàn có tự do, với khả năng chọn lựa, quyết định và hành động của mình. Do đó, cần “tri kỷ tri bỉ” thì mới mong “bách chiến bách thắng”.

* Sự xuất hiện của Satan như kẻ chiến thắng, được tìm thấy ngay từ cuốn sách thứ nhất của Thánh Kinh Cựu ước.  Quan hệ chan hòa giữa con người với Đấng tạo hóa và với nhau trong khung cảnh điạ đàng bắt đầu bị sứt mẻ với sự xuất hiện của Satan, qua biểu tượng con rắn (x.St 3,1-13). Nghe theo khuyến dụ của “con rắn“, con người xa rời Lời Chúa và ra khỏi môi sinh hạnh phúc được Thiên Chúa ban tặng. Ngay từ binh minh của nhân loại, Satan đã muốn chia rẽ con người với Thiên Chúa và do đó, cũng phân rẽ con người với đồng loại.

Tuy nhiên, chiến thắng của “con rắn“ ấy chỉ là tạm bợ, không tồn tại vĩnh viễn.  Nơi Khải huyền, tác phẩm được xếp cuối cùng của Thánh Kinh Tân ước, “con rắn xưa“ đã từng chiến thắng trở thành kẻ bại trận và bị trục xuất khỏi vương quốc Thiên Chúa. Vì sao?

Đơn giản là vì “nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó… kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.” (Kh 12,8-10).

* Thông thường, Satan không bao giờ muốn khai lý lịch hay tiết lộ danh tánh của mình. Tuy nhiên, căn cứ vào giáo huấn của Hội Thánh Công giáo, chúng ta có thể phác thảo căn cước của Satan như sau:

* Nguyên quán: Thiên đàng

* Tuổi tác: già hơn nguyên tổ loài người nhưng vẫn mãi trẻ trung.

* Điạ chỉ thường trú: hỏa ngục ;   tạm trú = nơi tình yêu khiếm  diện

* Chủng loại: loài vô hình

* Chuyên nghiệp: Lừa đảo, quyến ru, gieo “cỏ lùng“

Trong buổi tiếp kiến chung, ngày 15/11/1972, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên bố một cách khẳng khái rằng: Satan là “kẻ thù số một, tên cám dỗ cự phách. Nhờ Thánh kinh, chúng ta biết được rằng hữu thể tăm tối và gây bối rối này hiện hữu thật sự, và hắn còn đang hoạt động với sự xảo trá phản trắc; đó là kẻ thù bí ẩn gieo rắc lầm lạc và bất hạnh vào lịch sử nhân loại“[2].

II. Chiến thuật của Satan

Tuy không chuyên môn về linh đạo, nhưng thiết tưởng chúng ta có thể ghi nhận từ kinh nghiệm bản thân, một vài đặc tính trong chiến thuật của Satan:

* Đánh vào nhược điểm cũng như yếu điểm và sở thích của mỗi  người. Tha hóa hay xoay chiều ý hướng ngay lành của các hành vi. Dùng mọi thủ đoạn để gia tăng trọng lượng “cái tôi“ và hạ giá trị của tha nhân.

* Tấn công tới tấp, ồ ạt để đối phương không kịp trở tay, không đủ thời gian biện phân hoặc củng cố sức mạnh.

* Dẫn dụ thiên hạ vào “mê hồn trận“ hay vào bóng tối để gây hoang mang, do dự, gieo mầm nghi ngờ, hầu dễ dàng lừa đảo. Vì “Đêm đến ai hay cò cánh trắng;Ngày sang mới biết quạ thân đen”

* Cách ly, chia rẽ, phân hóa đối tượng khỏi cộng đoàn hoặc khỏi các nguồn sinh lực tâm linh như  Lời Chúa, các Bí tích, cầu nguyện… để tăng cường áp lực phá hoại và dễ khuynh đảo tinh thần.

Phải nhìn nhận rằng Satan rất đa năng nên có thể biến báo, thích nghi và hoạt động dễ dàng trong mọi môi trường thiếu Thần Khí. Xin được mượn vài hình ảnh vốn có trong xã hội để làm sáng tỏ những mưu chước tinh xảo của Satan. Vì khác với các hình thù thường được khai thác nơi màn ảnh qua các loại phim kinh dị, quỷ ám, hoạt hình..v.v…khiến con người khiếp sợ và lẩn tránh, trong thực tế Satan tiếp cận con người dễ dàng hơn với muôn mặt muôn vẻ…thường là hấp dẫn, dễ thương, quyến rũ.

1. Chuyên gia marketing

Satan dễ dàng nắm  bắt và biết cách khai thác thị hiếu thấp hèn của con cái Thiên  Chúa  để  làm  giàu  cho vương quốc  tối tăm.   Hắn   già  dặn  và  lại rất sành tâm lý con người thời  đại.  Vì thế, Satan khéo  léo biến chúng ta thành những khách hàng tiêu thụ nhiều “sản phẩm” của đồng bọn chúng hầu thỏa mãn các nhu cầu giả tạomà hắn đã khơi dậy trong tâm trí chúng ta.

2. Chuyên viên virus

Hắn không ngừng chế tạo và gieo rắc “virus“ bất hòa, tội lỗi vào mọi hệ thống hoạt động và chương trình hạnh phúc của con người. Và thông thường mọi virus đều mang những cái tên thật kêu và dễ thương. Chương trình antivirus mới ra đời thì hắn lại hạ sinh virus mới. Có những loại “virus” không thể bị hủy diệt được nếu không dám “format“ lại “phần cứng” là chính tâm hồn chúng ta.

3. Kẻ giả danh

Satan mang đủ thứ mặt nạ và hắn có tài biến hóa khôn lường.Khi thì là người chủ khắc nghiệt, lúc có vẻ như đầy tớ trung thành. Khi thì như quân sư khoác lác, lúc lại giả điếc làm ngơ như đứa học trò khù khờ. Hắn có thể diễn xuất rất đạt mọi vai trò có vẻ tốt lành nhằm đưa con người vào “đường tà” một cách êm ái mà không hề cảm thấy áy náy. Hắn thường đội lốt hay nhân danh khiêm nhường, bác ái, bổn phận…để phá hủy dần dần tương giao tình nghiã giữa người với người.

4. Nhà thám hiểm

Hắn lùng sục khắp nơi trên mảnh đất người đời để phát hiện và khai phá triệt để những vùng đất mới và những vùng đất mà con người chúng ta  nghĩ là bất khả xâm phạm. Lãnh địa của thánh hiền lẫn bậc tu trì cũng không thể là vùng đất cấm đối với Satan. Hắn có đủ mọi phương tiện hiện đại để quan sát và dư nhân sự để luồn lách vào mọi ngõ ngách thâm sâu, u uẩn của lòng người, vì hắn là thủ lĩnh của bóng tối.

5. Kẻ hối lộ

Satan luôn biết chúng ta cần gì, muốn gì và thường chiều chuộng, đáp ứng mọi yêu sách ý thức hay vô thức của chúng ta. Satan lại rất khéo đút lót quà cáp mà ai đã lỡ nhận rồi, thì rất khó từ chối những lời đề nghị khiếm nhã nhưng lại đầy hấp dẫn của hắn ta. Hắn cũng thuộc lòng Kinh Thánh và thường khéo vận dụng để ngụy biện hay khiêu khích chúng ta lạm dụng ân sủng và tình yêu của Cha trên trời. Hắn thường làm ra vẻ thuận theo những khát vọng chính đáng, những mục đích tốt đẹp của chúng ta để rồi nhanh  chóng  gợi  ý  và cung cấp ngay  các phương tiện bất nghiã hầu đẩy đưa chúng ta lệch xa chính lộ.

III.  Chiến thắng thuộc về Kitô hữu

Satan là thế đấy ! Hơn nữa, hắn cùng đồng bọn lại rất đoàn kết và phối hợp với nhau thật nhịp nhàng, đồng bộ trong cuộc chiến chống con người nhỏ bé của tôi và anh chị em tôi. Làm sao tôi có thể đương đầu nổi với một đạo quân khổng lồ như thế? Tuy nhiên, cậu bé David đã chiến thắng tên Goliad khổng lồ. Bí quyết nào giúp David chiến thắng? Rồi vua David cũng từng vấp ngã, nhưng ngài đã biết trỗi dậy, sám hối. Động lực nào đã giúp David hoán cải? Thưa chính niềm tin vào Thiên Chúa, sự cậy trông vào lòng thương xót của Người và vào sức mạnh của Lời Chúa. Hôm nay, Lời Thầy cũng đang vang dội trong lòng tôi.

Thầy Giêsu đã không giấu giếm những gian khó và thử thách mà môn đệ phải đối đầu, trái lại, Người tiên báo và củng cố tinh thần môn sinh khi quả quyết chiến thắng thuộc về Người: « Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian » (Ga 16, 33). Vì ở trong Thầy, người môn đệ luôn được bình an.

Trong thực tế, chính Đức Giêsu từng đương đầu với Satan, đã trải qua các cơn cám dỗ và đã toàn thắng khi luôn dành chỗ nhất cho Thiên Chúa trong ý hướng, chọn lựa cũng như hành động. Người  môn đệ không thể không gặp cám dỗ, nhưng ý thức thân phận mỏng dòn của mình, chúng ta vừa đấu tranh chống kẻ “nội thù” vừa kêu cầu sự trợ lực từ Cha: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ !”. Hơn nữa, tin vào lời khẳng định của Chúa Giêsu: « Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế » (Mt 28,20), tôi không sợ hãi mọi thế lực của bóng tối, vì Ánh Sáng ở cùng chúng ta và chúng ta là con cái của Sự Sáng. Kinh nghiệm xác minh rằng ánh sáng đi tới đâu, thì lập tức bóng tối bị đẩy lùi đến đấy. Sự kiện này dẫn chúng ta đến một hệ quả trong đời sống tâm linh: Muốn tiêu diệt bóng tối tội lỗi, chỉ cần tiếp nhận và duy trì Ánh sáng Thần linh trong tâm hồn.

Theo lời đề nghị thực hành của Thánh Phaolô, mỗi người chúng ta nên thiết kế cho mình bộ trang phục kiểu mẫu của Kitô hữu:

“Hãy đứng vững! Ngang lưng thắt đai sự thật, mình mặc áo giáp công chính; chân mang giày lòng hăng hái rao giảng Tin Mừng bình an; luôn luôn giương lên khiên mộc đức tin, nhờ đó, anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của kẻ dữ. Hãy đội lấy mũ chiến cứu rỗi và gươm Thần Khí, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6,14-17).


[1] Cf. J-NAVONE, « Satan », trong De FIORE et Tullo GOFFI (dir.), Dictionnaire de la vie spirituelle, Paris, Cerf, 2001, tr. 990.

[2] idem. tr. 996.

Tâm Giao

Thánh lễ bắt nguồn từ đâu?

Đáp:

Trong Giáo Hội Công Giáo, với phong trào canh tân phụng vụ khởi phát ít lâu trước Công Đồng Vaticanô II (1962-1965), được thảo luận rộng rãi trong Công Đồng, và dần dần được áp dụng với những thay đổi mà ta đã thấy khá quen thuộc như hiện nay, người ta càng ngày càng ý thức sâu sắc hơn về ý nghĩa đích thật của thánh lễ như là hành vi cảm tạ, ngợi khen và hân hoan. Thật vậy, thánh lễ là hiến tế tạ ơn. Cách gọi này đã xuất hiện từ lâu và gợi lên lịch sử của thánh lễ.

Thánh lễ bắt nguồn từ một nghi thức của Do thái, nghi thức vọng lễ vượt qua, trong đó mỗi gia đình người Do thái dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã thương giải phóng dân tộc của họ thoát khỏi ách nô lệ của Ai cập, cảm tạ Người vì những cuộc giải cứu khác về mặt thiêng liêng mà cuộc giải phóng đầu tiên này là dấu chỉ. Nghi thức vượt qua cũng loan báo Đấng Cứu Tinh sẽ đến, là Đấng Thiên Sai sẽ chiến thắng sự chết và tội lỗi, và sẽ đưa Lịch Sử Thánh đến sự hoàn tất.

Diễn tiến của nghi thức này cũng chính là diễn tiến mà chúng ta gặp trong thánh lễ hôm nay: nhắc lại những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho dân Người, tiếng hát và lời tạ ơn, chúc tụng và chia sẻ bánh, rượu.

Chúng ta đừng ngạc nhiên về những điểm giống nhau của thánh lễ với nghi thức vượt qua của người Do thái: bởi trong chính một buổi cử hành lễ vượt qua, Chúa Kitô đã lập bí tích Thánh Thể. Thay vì chỉ chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho bánh, rượu và mọi điều hạnh phúc, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và nói: “Này là Mình Thầy, chịu phó nộp vì các con: các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”. Cũng vậy sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước mới trong máu Thầy; mỗi lần các con uống, các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cor 11,23-25).

Như vậy, chúng ta thấy rõ bữa Tiệc Ly bắt nguồn từ một nghi thức tạ ơn của người Do thái được cử hành để tưởng nhớ cuộc giải phóng của dân riêng Thiên Chúa. Nhưng dù vẫn giữ lại ý nghĩa của nghi thức này, Chúa Kitô lại làm phong phú thêm bằng một ý nghĩa mới mang tầm vóc hoàn vũ. Chính Người, là Đấng Cứu Tinh mà mọi người mong đợi, đang thực hiện cuộc giải phóng dân mới của Chúa, tức là Giáo Hội, được cứu độ bởi Thánh Giá và sự phục sinh của Người.

Từ bữa Tiệc Ly đó, các Kitô hữu dâng lên Chúa Cha, mỗi ngày và mọi nơi, của lễ hy sinh và tạ ơn của chính Chúa Kitô.

(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

Linh mục đóng vai trò gì trong thánh lễ?

Đáp:

Giám mục hoặc linh mục chủ tọa thánh lễ là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô trong Giáo hội của Người. Điều đó quả quyết rằng, lúc những người đã chịu phép Rửa tụ họp nhau lại, đó là chính Chúa Kitô qui tụ và phán dạy họ, chính Người ban Mình của Người và xây dựng Giáo hội.

Nếu có nhiều linh mục đồng tế, thì chỉ có một vị chủ tế từ đầu đến cuối thánh lễ. Vị chủ tế đó biểu tượng cho sự hiện diện của chính Chúa Kitô trong Giáo hội của Người.

Dù đọc một mình những lời nguyện, linh mục chủ tế luôn nhân danh cộng đoàn.

(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

Có phải không lên rước lễ vì ta tự xét là không xứng đáng hoặc chưa sẵn sàng chăng?

Đáp:

Ngày xưa, linh mục dâng thánh lễ bằng tiếng La-tinh và quay lưng lại với giáo dân. Mỗi người tự dọn mình bằng cách đọc thầm kinh dọn chịu lễ trước khi lên rước lễ. Nhưng ngày nay, theo tinh thần canh tân phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II, toàn bộ thánh lễ là sự chuẩn bị cho việc rước lễ. Hay nói đúng hơn, toàn bộ thánh lễ là hiệp lễ (rước lễ): từ việc mặc niệm lúc đầu thánh lễ, nhìn nhận tội lỗi mình, nghe Lời Chúa qua các bài đọc, lời nguyện giáo dân, thông dự vào kinh nguyện Thánh Thể, đọc kinh Lạy Cha. Tất cả đều nhằm khai triển hành động của Chúa Kitô, Đấng làm cho chúng ta trở nên thân thể của Người.

Trong kinh nguyện Thánh Thể, sau khi bánh, rượu đã được thánh hiến, chúng ta xin Chúa Cha, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, để sau khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được hiệp nhất trong Hội Thánh, là Nhiệm Thể của Chúa Kitô.

Chúng ta thấy rước lễ quan trọng như thế nào khi biết rằng rước lễ tóm lược toàn bộ thánh lễ. Do đó những người tham dự thánh lễ không nên tách rời cộng đoàn và tự cô lập mình, khi nghĩ rằng mình không xứng đáng lên rước lễ. Chúng ta không quên điều này: rước lễ không phải là một phần thưởng, nhưng là một lương thực.

Chúng ta hãy nhớ lại câu mà mọi người đều đọc trước khi rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Như thế, vấn đề ở đây không phải là việc nêu lên phẩm giá của mình, nhưng trái lại, ý thức được rằng rước lễ không phải là một quyền lợi, nhưng là một ân huệ. Khoảng cách giữa sự thánh thiện của Chúa và của ta ví tựa như trời cao với vực thẳm, cho nên đây không là lúc đặt vấn đề mình có xứng đáng hay không để rước Chúa vào lòng.

Lời nguyện trên lập lại lời của viên sĩ quan đã không dám tiếp đón Chúa Giêsu vào nhà mình: “nhưng xin Ngài phán một lời” (Lc 7,7). Trong Chúa Giêsu, Lời và bản thân Người chỉ là một. Để ý đến lời mời của Chúa Giêsu “Hãy cầm lấy mà ăn” quan trọng hơn việc tìm kiếm sự thanh khiết của chúng ta nhiều.

Vả lại, chúng ta cảm thấy nghịch thường khi thấy một số tín hữu nhận lời mời của Chúa Kitô đến dự bữa tiệc thánh của Người, và do đó, tự xem là con cái trong một gia đình, lại tự tách riêng ra, không tham dự rước lễ, làm như họ là người ngoài bữa tiệc hoặc là những người bàng quan. Tham dự thánh lễ mà không rước lễ là chưa thấu hiểu ý nghĩa đích thật của bí tích Thánh Thể.

Tuy nhiên, có một vài ngoại lệ. Ngoài vấn đề những người bị vạ tuyệt thông hoặc phạm tội nặng không được rước lễ, có thể vào lúc rước lễ, với đức tin cao độ, chúng ta thực sự cảm thấy chưa sẵn sàng trong nội tâm để tiến lên đón nhận Mình thánh Chúa. Vì rước lễ đòi hỏi sự chuẩn bị cả con người chúng ta, nên phải làm hết sức để tránh làm sao cho việc rước lễ khỏi trở nên máy móc, nhàm chán. Có lẽ trong một vài trường hợp, ta không nên lên rước lễ, không phải vì ưu tư về sự thanh khiết của mình, nhưng vì không phù hợp với lòng thành của mình trước cử chỉ ta sắp thực hiện.

(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh sắp họp Đại hội toàn thể

Nguồn: Minh Đức
WHĐ (31.03.2016) – Từ ngày 04 đến ngày 08 tháng Tư , Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh sẽ họp Đại hội toàn thể thường niên tại Nhà khách Santa Marta, dưới sự chủ tọa của Đức hồng y Gerhard Ludwig Müller, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, và sự hướng dẫn của cha Pietro Bovati, S.J., Tổng thư ký Ủy ban từ tháng Mười Hai 2014.

Sau khi phát hành tài liệu “Linh hứng và chân lý của Kinh Thánh. Lời đến từ Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa để cứu độ thế giới” do nhà xuất bản Vatican xuất bản vào năm 2014, Ủy ban đã đào sâu suy tư về các chủ đề liên quan đến nhân học Kinh Thánh, bắt đầu từ năm ngoái.

Mục tiêu là để đóng góp tích cực vào việc suy tư không chỉ liên quan đến đức tin và căn tính của các tín hữu, nhưng còn liên quan đến con người trong bản tính của nó, đang bị cám dỗ chối bỏ mọi lề luật luân lý nhân danh một quan niệm sai lầm về tự do và chân lý, trong não trạng đang phổ biến hiện nay.

(Vatican Radio)

Cách Lần Hạt Lòng Thương Xót Chúa Giêsu

th

Thông điệp Lòng Chúa Thương Xót được Chúa Giêsu truyền cho chị nữ tu Faustina Kowalska người Balan vào ngày 22, tháng 2, năm 1931.

Qua thông điệp này, Chúa muốn chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương hết thảy mọi người chúng ta. Người muốn chúng ta hãy tìm đến Người và cầu nguyện, và Người sẽ tha thứ tất cả các tội lỗi chúng ta dù tội lỗi có nặng nề cỡ nào đi nữa.

Qua cuộc khổ nạn chết trên cây thập giá, Chúa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 3 giờ chiều và 3 giờ chiều là giờ Chúa muốn chúng ta lần hạt Lòng Thương Xót Chúa. Tuy nhiên nếu giờ giấc không cho phép thì ta vẫn có thể lần hạt vào bất kỳ giờ nào.

Để lãnh nhận ân sủng của Người một cách trọn vẹn, cần 3 điều kiện sau:
– Thỉnh cầu: hãy cầu nguyện với Người.
– Thực hành: hãy yêu thương và tha thứ.
– Tín thác: hãy tin tưởng phó thác vào Chúa.

Có hai trường hợp lần Chuỗi Thương Xót: lần chuỗi vào giờ cao điểm, 3 giờ chiều & lần chuỗi vào bất cứ giờ nào khác.

Lần Hạt Lòng Chúa Thương Xót Vào Bất Cứ Giờ Nào:

Ta dùng xâu chuỗi Mân Côi để đọc. Xâu chuổi Mân Côi bắt đầu bằng 1 hạt lớn → 3 hạt nhỏ → 1 hạt lớn → 10 hạt nhỏ → 1 hạt lớn → 10 hạt nhỏ → 1 hạt lớn v.v…I. (Bắt đầu): Làm Dấu Thánh Giá

II. 3 Hạt Nhỏ, đọc:

– 1 Kinh Lạy Cha
– 1 Kinh Kính Mừng
– 1 Kinh Tin Kính

III. Hạt Lớn, thay vì Kinh Lạy Cha trong chuỗi Mân Côi, đọc:

Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng Cha Mình, Máu, Linh hồn, và Thiên tính của Con yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền tạ tội lỗi chúng con và tội lỗi toàn thế giới.

IV. 10 Hạt Nhỏ, thay vì 10 Kinh Kính Mừng, đọc 10 lần:

Vì cuộc tử nạn đau buồn của Chúa Giêsu,
xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

V. Lặp lại “hạt lớn” và “10 hạt nhỏ” đến hết chuỗi Mân Côi. Sau đó, để kết thúc chuỗi hạt, đọc 3 lần:

Lạy Cha Chí Thánh, Đấng Toàn Năng, Đấng Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

VI. Hôn Thánh Giá Chúa với tâm hồn kính mến. (hết)

 


Nếu lần chuỗi vào giờ cao điểm của Lòng Chúa Thương Xót, tức là đúng 3 giờ chiều, ta bắt đầu với Dấu Thánh Giá rồi đọc lời nguyện như sau:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa vừa trút hơi thở cuối cùng, nhưng nguồn sống đã tuôn trào đến các linh hồn, và cả một đại dương Lòng Chúa Thương Xót được mở ra cho toàn thế giới. Ôi, Nguồi Mạch Sự Sống là Lòng Thương Xót khôn dò, xin hãy bao trùm toàn thế giới và trút hết toàn thân Ngài trên chúng con.

Sau đó đọc 3 lần: Ôi, Máu và Nước tuôn ra từ Trái Tim Chúa Giêsu để nên nguồn mạch Lòng Thương Xót cho chúng con, con tin cậy vào Chúa.

Kế đến, ta tiếp theo từ Phần II (3 hạt nhỏ, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Kính Mến) cho đến hết chuỗi hạt như trên, không có gì thay đổi.


Sau chuỗi Lòng Thương Xót Chúa, ta có thể đọc thêm các kinh nào ta muốn để dâng thêm lời cầu nguyện cho mình, cho gia đình, hoặc cho hết thảy mọi người. Sau đây là một số kinh thường đọc:

Kinh Lạy Cha:
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con xa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Kinh Kính Mừng:
Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Kinh Tin Kính:
Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa GiêSu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh; chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần; tôi tin có hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công; tôi tin phép tha tội; tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy, Amen.

Kinh Cầu Xin Lòng Thương Xót Chúa:
Ôi Thiên Chúa, Đấng đầy lòng trắc ẩn, Đấng duy nhất tốt lành, con chạy đến van xin lòng thương xót Chúa, mặc dầu sự khốn nạn của con rất to lớn và việc xúc phạm con lại quá nhiều, con vẫn tín thác vào tình thương Chúa – bởi vì Chúa là Đấng xót thương. Từ xưa tới nay, con chưa từng nghe một người nào tín thác vào lòng thương xót Chúa mà bị thất vọng.

Ôi Thiên Chúa từ bi, chỉ mình Chúa mới phán xét con. Chúa không bao giờ từ chối khi con thống hối ăn năn chạy tới lòng thương xót Chúa, nơi mà chưa có một linh hồn nào bị từ chối, mặc dù họ là một linh hồn vô cùng tội lỗi, lời Chúa Giêsu, con Cha, đã bảo đảm với con rằng: “Thà rằng trời đất này có biến ra không, nhưng lòng thương xót của Ta luôn ấp ủ mọi linh hồn tín thác.“

Lạy Chúa Giêsu là bạn tri kỷ của những trái tim lẻ loi cô độc, Chúa là thiên đàng, là Đấng Cứu Độ, là niềm an bình trong những giây phút buồn phiền giữa biển hoang mang nghi ngại. Chúa là ánh sáng chiếu soi bước đường con đi. Chúa là tất cả của một linh hồn cô độc. Chúa biết sự yếu mềm của chúng con; và giống như một danh y tốt lành, Chúa an ủi và chữa lành mọi đau đớn của chúng con. Amen

Kinh Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn Tội Lỗi:
Lạy Chúa Giêsu là chân lý hằng hữu, con khẩn cầu Chúa và van xin lòng thương xót Chúa cho các tội nhân khốn khổ. Ôi Trái Tim dịu hiền của Chúa Trời con, lòng thương xót Chúa vô bờ bến con van xin Chúa cho các linh hồn tội lỗi.

Ôi! Trái Tim Chí Thánh, nguồn mạch Lòng thương Xót, đang tuôn ra những luồng ánh sáng tràn ngập các ân sủng khôn lường trên toàn thể nhân loại, con van xin Chúa cho các linh hồn tội lỗi.

Ôi Chúa Giêsu, xin hãy nhìn đến cuộc khổ nạn đắng cay của Chúa, mà đừng để cho một linh hồn nào phải hư mất, bởi vì ơn cứu rỗi Máu Thánh Chúa đã đổ ra cho chúng con là cái giá quá đắt Chúa phải trả. Ôi Chúa Giêsu, khi nghĩ đến cái giá Chúa phải trả cho chúng con bằng Máu Thánh Chúa, con vui mừng vô hạn, vì chỉ cần một giọt máu của Chúa cũng đủ cho phần rỗi nhân loại. Mặc dù tội lỗi là vực sâu thăm thẳm của những yếu hèn và vong ơn bội nghĩa, chúng không thể nào cân xứng được với giá Chúa đã phải trả cho chúng con. Bởi vậy xin hãy để cho mọi linh hồn tín thác vào cuộc tử nạn của Chúa và đặt hy vọng vào Lòng Thương Xót của Ngài. Bởi vì Lòng Thương Xót Chúa không hề từ chối một người nào. Trời đất có thể đổi thay, nhưng lòng thương xót Chúa sẽ không bao giờ cạn kiệt.

Chúa ơi! Hồn con bốc cháy niềm vui vô bờ bến khi con suy tưởng tới sự tốt lành lân ái của Chúa. Ôi! Chúa Giêsu, con mong muốn đem mọi linh hồn tội lỗi tới chân Chúa để họ tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa đến muôn đời. Amen.

Tạ Ơn:
Ôi Giêsu! Chúa Trời Hằng Hữu, con tạ ơn Chúa Vì muôn ân sủng Chúa ban cho chúng con khôn xiết kể. Xin cho từng nhịp đập của trái tim chúng con là một bài ca mới cảm tạ Chúa. Xin cho từng giọt máu trong thân thể chúng con chuyển động cho Chúa. Linh hồn con là một bài ca thờ lạy Lòng Thương Xót Chúa. Con yêu mến Chúa, chỉ một mình Chúa mà thôi. Amen.

Xin Giống Trái Tim Chúa:
Ôi Chúa Giêsu, xin cho trái tim con nên giống Trái Tim Chúa, xin Chúa hãy biến đổi nó thành chính Trái Tim Chúa, ngõ hầu con cảm nhận được nhu cầu của tâm hồn anh chị em, cách riêng những ai sầu não và buồn khổ. Ước gì luồng ánh sáng từ bi thương xót cư ngụ trong trái tim con.

Xin Lòng Mến:
Lạy Chúa Giêsu êm ái dịu dàng, xin cho lòng con bừng cháy ngọn lửa yêu mến Chúa. Xin biến hoá thân con thành chính Mình Ngài, xin Chúa thần-linh–hoá bản thân con, ngõ hầu mọi cử chỉ, hành vi của con đều làm đẹp lòng Chúa. Ước chi Ngài thực hiện điều ấy nơi con, nhờ quyền phép Thánh Thể con được rước mỗi ngày. Ôi! con nóng lòng ước ao biến hoá toàn thân thành mình Chúa, ôi Chúa của con!

Kinh Cầu Nguyện Trong Lúc Đau Khổ:
Ôi Bánh Hằng Sống, xin giúp con nơi chốn khách đời này, để con được sức mạnh trung thành bước theo những dấu chân của Đấng Cứu Thế. Lạy Chúa, con không xin Chúa cất con xuống khỏi thập giá, nhưng con xin Chúa ban cho con sức mạnh để con được vững vàng trên con đường ấy. Lạy Chúa Giêsu, con muốn được giang rộng trên cây Thánh giá như Chúa đã làm. Con muốn chịu mọi cực hình và đau đớn mà Chúa đã chịu. Con muốn uống cho cạn chén đắng.

Ôi Chúa Giêsu của con, xin ban cho con sức mạnh chịu đựng đau khổ để con không mang bộ mặt nhăn nhó khi con uống chén đắng. Xin giúp con làm việc hy sinh của con cho được đẹp lòng Chúa. Ước gì điều ấy không bị lem luốc bởi tình yêu ích kỷ của con… Xin tất cả những gì ở trong con, từ đau buồn đến sức mạnh của con là sự ca ngợi dâng lên Chúa. Amen.

Kinh Cầu Được Chết Lành:
Ôi Chúa Giêsu đầy lòng thương xót giang cánh tay trên thánh giá, xin nhớ đến giờ chết của con. Ôi Trái tim đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu, mở ra bởi lưỡi đòng đâm thâu, xin che chở con trong giây phút cuối cuộc đời. Ôi Máu và Nước tuôn ra từ Trái tim Chúa Giêsu là nguồn mạnh lòng thương xót vô bờ xin thương xót con, xin thanh tẩy tội lỗi và những xúc phạm của con. Ôi Chúa Giêsu hấp hối, Đấng bảo đảm của lòng thương xót, xin làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vào giờ chết của con.

Ôi Chúa Giêsu của con, ước gì những ngày sau cùng của ở chốn khách đời này của con được hoàn toàn sống theo thánh ý của Chúa. Con kết hợp những đau khổ, cay đắng, và đau đớn trong giờ sau hết của con cho cuộc Thương Khó rất thánh của Chúa. Con dâng đau khổ của con cầu cho toàn thế giới để xin lòng thương xót vô biên của Chúa cho các linh hồn, nhất là những linh hồn tội nhân. Con tin tưởng và dâng hết người con cho thánh ý của Chúa, chính là lòng thương xót. Lòng thương xót của Chúa là tất cả cho con vào trong giờ chết. Amen.


Trích từ sách: Thông Điệp và Sùng Kính LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
tái bản lần thứ III
do nhà xuất bản Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phát hành.

Cấu trúc thánh lễ như thế nào?

Đáp:

Thánh lễ gồm hai phần:

– Phụng vụ Lời Chúa.
– Phụng vụ Thánh Thể.

Hai phần này liên kết chặt chẽ với nhau làm thành một hành vi phụng tự duy nhất. Thật vậy, thánh lễ là bàn tiệc gồm Lời Chúa và Thánh Thể, nơi đây các tín hữu được giáo huấn và bổ dưỡng.

Các nghi thức trước phần phụng vụ Lời Chúa (gồm bài ca nhập lễ, lời chào, nghi thức sám hối, kinh Thương xót, kinh Vinh Danh và lời nguyện nhập lễ) đều có tính cách mở đầu, dẫn nhập và chuẩn bị.

Các nghi thức vừa kể trên nhằm giúp các tín hữu hiệp thông với nhau, chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa và cử hành thánh lễ cho xứng đáng.

A. Phụng vụ Lời Chúa

Phần chính yếu của phụng vụ Lời Chúa là các bài đọc trích từ Kinh Thánh, với những bài thánh ca kèm theo. Còn bài giảng, lời tuyên xưng đức tin (kinh Tin Kính) và lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, có mục đích khai triển và kết thúc phần phụng vụ Lời Chúa.

B. Phụng vụ Thánh Thể

– Chuẩn bị lễ phẩm : chuẩn bị lễ vật mà trong giây lát nữa sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.
– Kinh nguyện Thánh Thể : là trung tâm và là đỉnh điểm của thánh lễ (chúng ta sẽ khai triển ở phần sau).
– Những nghi thức hiệp lễ : kinh Lạy Cha, chúc bình an, bẻ bánh, kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, rước lễ và lời nguyện hiệp lễ.

Sau phần Phụng vụ Thánh Thể là nghi thức kết lễ : chào và ban phép lành, và giải tán cộng đoàn giáo dân.

(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

Cả tội lỗi cũng không ngăn cản được tình yêu thương xót của Thiên Chúa

Cả tội lỗi cùng không ngăn cản được tình yêu thương xót của Thiên Chúa

Thiên Chúa không vắng bóng, Ngài ở gần và thực hiện các việc cứu độ lớn lao cho kẻ tín thác nơi Ngài. Vì thế không được nhượng bộ thất vọng, nhưng phải tiếp tục xác tín rằng Chúa sẽ lau khô mọi nước mắt và sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi. Cả tội lỗi cùng không ngăn cản được tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với con người.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hơn 40.000 tín hữu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hôm qua.

Ngài đã khai triển bài giáo lý dựa trên hai chương 30 và 31 sách ngôn sứ Gêrêmia đưọc goi là “sách ủi an”, vì trong đó lòng thương xót của Thiên Chúa đưọc giới thiệu với tất cả khả năng an ủi và mở trái tim của những người khổ đau ra cho niềm hy vọng .

Ngôn sứ Giêrêmia nói với những người Israel đã bị đi đầy tại nước ngoài và tiên báo cuộc trở về quê hương. Việc hồi hương đó là dấu chỉ tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa Cha, là Đấng không bỏ rơi các con cái Ngài, nhưng lo lắng cho họ và cứu thoát họ. Lưu đầy đã là một kinh nghiệm tàn phá đối với dân Israel. Niềm tin đã chao đảo, vì trên đất khách, không có đền thờ, không có phụng tự, sau khi đã chứng kiến cảnh quê hương bị tàn phá, thật rất khó mà tiếp tục tin tưởng vào lòng lành của Chúa. Tôi nghĩ tới nước Albania, sau bao nhiêu bách hại và tàn phá đã thành công vươn lên trong phẩm giá và niềm tin. Các người Israel cũng đã khổ đau như thế.

Áp dụng vào thực tại cuộc sống của tín hữu ngày nay ĐTC nói:

Cả chúng ta nữa nhiều lần cũng có thể sống một loại lưu đầy, khi sự cô đơn, khổ đau và cái chết khiến cho chúng ta nghĩ rằng mình đã bị Thiên Chúa bỏ rơi. Biết bao lần chúng ta đã nghe lời này: “Thiên Chúa đã quên tôi rồi”: đó là những người khổ đau và cảm thấy bị bỏ rơi. Có biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta trái lại đang sống trong thời đại này một tình trạng thê thảm đích thực của sự lưu đầy, xa quê hương, còn có trong đôi mắt cảnh nhà cửa tan nát, và trong con tim sự sợ hãi và rất tiếc thường khi cả nỗi đau đớn vì mất đi các người thân thương. Trong các trường hợp đó ngưòi ta có thể tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Tại sao biết bao khổ đau lại có thể đổ ập trên các người nam nữ và trẻ em vô tội như thế? Và khi họ tìm vào vài ngõ khác, thì người ta đóng cửa lại không cho vào. Và họ ở đó, trên vùng biên giới vì biết bao cửa và biết bao con tim khép kín. Các người di cư ngày nay bị lạnh, không thực phẩm, không thể vào, không cảm thấy sự tiếp đón. Tôi rất thích nghe và trông thấy các quốc gia và các nhà cầm quyền mở rộng con tim và cánh cửa cho các anh chị em di cư này.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: ngôn sứ Gêrêmia cho chúng ta một câu trả lời thứ nhất. Dân bị đi đầy sẽ có thể trở về trông thấy quê hương mình và sống kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa. Đó là lời loan báo hy vọng lớn lao: Thiên Chúa không vắng bóng, cả ngày nay trong các tình trạng thê thảm này. Ngài ở gần và thực hiện các việc cứu độ lớn lao cho kẻ tín thác nơi Ngài. Vì thế không được nhượng bộ thất vọng, nhưng tiếp tục xác tín rằng Chúa sẽ lau khô mọi nước mắt và sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi. Vì thế ngôn sứ Giêrêmia cho Thiên Chúa mượn tiếng của mình để nói với dân ngài các lời yêu thương: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương. Ta sẽ lại xây ngươi lên, và ngươi sẽ được xây lại, hỡi trinh nữ Ít-ra-en. Ngươi sẽ lại nên xinh đẹp; với những chiếc trống cơm, ngươi sẽ xuất hiện giữa đám nhảy múa tưng bừng.” (Gr 31.3-4).

Thiên Chúa trung thành, Ngài không bỏ rơi con người trong sự phiền muộn. Thiên Chúa yêu thương với một tình yêu vô tận, mà cả tội lỗi cũng không thể ngăn cản được, và nhờ Ngài trái tim con người được tràn đầy niềm vui và sự an ủi. Giấc mơ hồi hương tiếp tục trong các lời của ngôn sứ, hướng tới những người sẽ trở về Giêrusalem và nói: “Họ sẽ reo mừng đi tới đỉnh Xi-on, lũ lượt kéo nhau về hưởng ân lộc Giavê. Nào lúa thơm rượu mới dầu tươi, nào bò bê cùng với chiên cừu. Lòng thoả thuê như vườn cây tưới nước, họ chẳng còn mỏi mệt héo hon.” (Gr 31,12).

Trong tươi vui và lòng biết ơn các người bị đi đầy sẽ trở về Sion,  lên núi thánh hướng về nhà Chúa và như vậy họ sẽ lại có thể nâng các bài thánh thi và lời cầu nguyện lên Chúa, là Đấng đã giải thoát họ. Việc trở về Giêrusaelm và các của cải của nó được miêu tả với một động từ dịch sát chữ có nghĩa là “chảy về”. Trong một chuyển động mâu thuẫn, dân Israel được coi như một dòng sông tràn bờ chảy lên núi Sion, lên cho tới đỉnh núi. Đây là một hình ảnh táo bạo để nói lên lòng thương xót của Chúa lớn lao chừng nào!

Đất mà dân dã phải bỏ, đã trở thành mồi của thù địch và hoang tàn. Trái lại giờ đây, nó hồi sinh và nở hoa. Và chính các người bị đi đầy sẽ như một ngôi vườn được tưới gội, như một mảnh đất phì nhiêu. Dân Israel được Chúa đem về quê hương, chứng kiến chiến thắng của cuộc sống trên cái chết và của việc chúc lành trên sự chúc dữ. Đây thật là điều an ủi! Và chính như thế mà dân được Thiên Chúa củng cố và ủi an. Các người hồi hương nhận được sự sống từ một nguồn tưới gội họ một cách nhưng không.

 Tới đây ngôn sứ loan báo niềm vui tràn đầy, và luôn luôn nhân danh Thiên Chúa ông công bố: “Tang tóc họ, Ta biến thành hoan hỷ, và sau cảnh sầu thương, sẽ cho họ được an ủi vui mừng.” (Gr 31,13). Thánh vịnh nói với chúng ta rằng khi họ trở về quê hương miệng họ tràn đầy tiếng cười; đó là một niềm vui lớn biết bao! Đó là ơn mà Chúa cũng muốn ban cho từng người trong chúng ta, với sự tha thứ khiến hoán cải và hoà giải.

Ngôn sứ Giêrêmia đã cho chúng ta lời loan báo, bằng cách trình bầy việc hồi hương của những người bị đi đầy như một biểu tượng lớn lao của sự ủi an trao ban cho con tim hoán cải. Và ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau:

Từ phía Ngài, Chúa Giêsu đã thành toàn sứ điệp này của ngôn sứ. Việc trở về đích thật và triệt để từ nơi lưu đầy và ánh sáng ủi an sau đêm đen của cuộc khủng hoảng đức tin, được hiện thực trong lễ Phục Sinh, trong kinh nghiệm tràn đầy và vĩnh viễn của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu thương xót trao ban niềm vui, hoà bình và sự sống vĩnh cửu.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ nhiều nước khác nhau như Pháp, Đức, Áo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Ai len, Canada, Hoa Kỳ, cũng như từ các nước Indonesia, Nhật Bản và châu Mỹ Latinh. Vì có rất đông sinh viên học sinh các trường trung học tham dự buổi tiếp kiến ĐTC mời gọi các bạn trẻ tiến tới gần Chúa đặc biệt qua  bí tích Hoà Giải, để sống kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa. Ngài cũng cầu mong tín hữu khắp nơi sống Năm Thánh Lòng Thương Xót như thời điểm của ơn thánh và canh tân tinh thần trong gia đình để có được niềm vui và sự an bình của Chúa Giêsu. Ngài cũng cầu mong đừng có gì có thể ngăn cản tín hữu sống tình bạn của Thiên Chúa Cha, nhưng để cho tình yêu của Chúa luôn tái sinh họ như con cái và hoà giải họ với Chúa.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ngài hiệp ý với các bạn trẻ tụ tập nhau tại sân vận động Tauron để cử hành Năm Thánh với đề tài “Giới trẻ và lòng thương xót”. Ngài cầu chúc họ bước theo Chúa từ nhân, khi bước qua Cửa Thánh, cử hành bí tích hòa giải, chầu Mình Thánh Chúa, suy niệm dụ ngôn người Samaritano nhân hậu và chuẩn bị tiếp đón người trẻ tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracovia.

Chào các đoàn hành hương Italia, trong đó có tín hữu nhiều giáo phận do các Giám Mục hướng dẫn về hành hương Roma, các sinh viên và giáo sư đại học Auxilium Roma, cũng như các thành viên hiệp hội hiến cơ phận vùng Marche trung Italia, các sinh viên dại học Perugia, các thành viên tổ chức chuyên chở bệnh nhân hành hương Lộ Đức vùng Lombardia bắc Italia, ĐTC việc bước qua Cửa Thánh là dịp thuận tiện giúp mọi người trở về trong cánh tay nhân từ của Thiên Chúa Cha.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho biết hôm nay phụng vụ nhớ thánh Patrizio, tông đồ dân nước Ailen. Ước chi cuộc sống tinh thần mạnh mẽ của ngài kích thích người trẻ sống đức tin trung thực, sự tin tưởng của thánh nhân nơi Chúa Kitô Cứu Thế ban sức chịu đựng đau khổ cho các bệnh nhân, và lòng tận tụy truyền giáo của thánh nhân giúp các cặp vợ chồng mới cưới hiểu tầm quan trọng của việc giáo dục con cái trong đức tin kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

https://www.youtube.com/watch?v=6q3xDUYgm4s

http://vi.radiovaticana.va/news