Archive by Author | Hội Cứu Mạng Thai Nhi

Thánh Tôma KHUÔNG, Linh mục dòng ba Đaminh (1780-1860)

Vì Chúa bỏ vinh sang

Đọc lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy không lạ gì mẫu gương của thánh Phanxicô thành Assisi hay thánh Tôma thành Aquinô đã từ bỏ dòng dõi quí tộc giàu sang để vâng nghe tiếng gọi củ Thiên Chúa, đã theo gương đức Kitô, Thầy Chí Thánh, Đấng Chủ Tế muôn loài chấp nhận trở nên nghèo khó không chốn nương thân để loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Thánh Tôma Khuông cũng vậy, ngài đã quên đi dòng dõi quyền quý sang trọng, để theo tiếng Chúa kêo gọi và trở thành chứng nhân cho Đức Kitô, chứng nhân cho một tôn giáo mới mẻ đối với dân tộc Việt Nam, một tôn giáo bị miệt thị và chịu bách hại nặng nề. Quả thật, chỉ có Thiên Chúa mới khiến được cha hy sinh như thế. Và cũng thật quý báu biết bao tấm lòng của cha đã sẵn sàng đáp lại tiếng kêu gọi đó, đến nỗi hiến dân chính mạng sống mình cho tình yêu Thiên Chúa.

Phản đối bạo động

Tôma Khuông sinh khoảng năm 1780 (thời Trịnh Nguyễn) tại làng Nam Hòa xứ Tiên Chu, tỉng Hưng Yên. Con đường danh vọng rộng mở cho cậu bé thông minh xuất sắc này, vì cha cậu đã từng làm Tuần Phủ ở Hưng Yên. Nhưng cậu đã nghe theo tiếng gọi linh thiêng và xin vào nhà đức Chúa Trời. Sau đó cậu theo học tại chủng viện và thụ phong linh mục.

Trong trách nhiệm coi sóc các linh hồn, cha Khuông nổi tiếng là một linh mục khôn ngoan, thánh thiện, khéo giao thiệp và nhiệt thành với xứ vụ truyền giảng Tin Mừng. Sống trong giáo phận Dòng Đaminh đảm trách, cha Khuông muốn liên kết sâu xa hơn với dòng, cha đã gia nhập dòng ba Đaminh và cổ động nhiều giáo hữu cùng tham gia để thánh hóa đời sống mỗi ngày.

Trải qua ba thời bách hại của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, cha Tôma Khuông đã khôn khéo thân thiện với quan chức địa phương để tiếp tục thi hành việc mục vụ. Nhiều lần cha bị bắt giữ, nhưng nhờ những quan hệ này, cha được trả tự do. Tuy nhiên từ năm 1858, cuộc bách hại của vua Tự Đức gia tăng mãnh liệt, công việc của cha gặp nhiều khó khăn hơn. Aùp lực của quân Pháp đã khiến vua Tự Đức tức giận và nghi ngờ tới công giáo tiếp tay với thực dân, nên thẳng tay đàn áp họ. Một vài làng Công Giáo có tổ chức một số thanh niên để tự vệ trước sự càn quét của quân lính nhà vua. Cha Khuông khi đó đã gần 80 tuổi, hoàn toàn không hưởng ứng chủ trương này. Năm 1859, thấy một giáo dân Cao Xá tổ chức võ trang, cha liền ngăn cản và quyết định lánh sang đại phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng). Quyết định này khiến cha bị bắt và được lãnh phúc tử đạo.

Khi cha đến đầu cầu làng Trần Xá, cha thấy quân lính đã đặt sẵn ở đó một Thánh Giá buộc mọi người đi qua phải đạp lên. Là một linh mục của Chúa Kitô, cha nhất định quay lưng trở lại tìm lối đi khác. Thái độ dứt khoát đó, khiến quân lính nhận ra và chận cha lại. Khi cha khẳng khái từ chối việc bước qua Thánh Giá, lính liền bắt trói cha cùng với người tín hữu đi theo cha.

Sau 15 ngày giam giữ, cha Tôma Khuông và bốn giáo hữu khác có địa vị, được áp giải tới quan Tổng đốc xét xử. Quan tím mọi cách ép buộc cha làm nhân chứng tố cáo: những người Kitô hữu ở Cao Xá thông đồng với tàu Pháp – Tây Ban Nha đang bỏ neo ngoài cửa biển, âm mưu nổi loạn chống lại nhà vua. Cha Tôma thẳng thắn trình bày lập trường của giáo hội: “Đạo Công Giáo không những cấm các tín hữu chống đối chính quyền mà còn khuyến khích họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương được an ninh thịnh vượng”.

Bấy giờ quan không nói gì đến vấn đề này nữa, chỉ bắt cha bỏ đạo, bước qua Thập Giá và yêu cầu cha khuyên các tín hữu khác làm như vậy để được tự do về nhà. Khi đó người tôi trung của chúa trả lời: “Tôi nay đã 80 tuổi rồi, lại là linh mục công giáo, tôi luôn luôn nhắc nhở các tín hữu trung thành giữ đạo thánh Chúa. Giờ đây nếu tôi khuyên họ chối đạo thì tôi thật bất xứng và chẳng đáng làm linh mục. Tôi và các bạn toi không mong ước gì hơn là được hy sinh mạng sống vì đạo Chúa”.

Thánh giá và vinh quang.

Lòng khao khát mong mỏi trên của vị anh hùng đức tin đã được thể hiện. Aùn trảm quyết do quan Tổng đốc đệ vào kinh được vua Tự Đức chuẩn y. Và ngày 30.1.1860 cha Tôma Khuông bị điệu ra pháp trường Hưng Yên. Trên đường tới đồi Canvê của mình, mọi người thấy vị cha già khả kính chống cây gậy mà cha đã cẩn thận cột thêm một thanh ngang cho giống hình Thánh Giá, bước đi chậm rãi. Cha vui vẻ chào giã biệt những người đang ngậm ngùi thương tiếc tiễn đưa.

Cây Thánh Giá, biểu tượng suốt đời cha đã tin tưởng và công bố; cây thánh giá mà cha không bao giờ giày đạp cho dù phải chịu muôn nỗi gian khổ và cả cái chết, thì giờ đây, với cách biểu hiện đơn giản đó, cha muốn nói với mọi người rằng: cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, Thánh Giá vẫn mãi mãi là niềm an ủi và là chỗ dựa vững chắc cho người Kitô hữu. Đến nơi xử, cha Khuông quỳ gối trang nghiêm cầu nguyện trước cây Thánh Giá đó rồi cuối đầu lãnh nhận lưỡi gươm đem lại vinh phúc ngàn thu.

Ngày 29.4.1951 cùng với 24 vị tử đạo khác tại Việt Nam, cha Tôma Khuông được Đức Thánh cha Piô XII suy tôn lên hàng Chân Phước. Ngày 19-6-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển Thánh.

Lm. Đào Trung Hiệu, OP

Người Công Giáo ăn Tết thế nào?

Không cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp, không vàng mã, không cúng ngày mùng 1 và 15 rằm hằng tháng… tưởng như người Công giáo rất kiệm những hình thức thể hiện chữ Hiếu với ông bà tổ tiên… Người Công Giáo ăn Tết như thế nào?

Từ xưa đến nay, người Việt vẫn có quan niệm “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Vẫn giữ được phong tục đẹp đó, tuy nhiên, với người Công giáo thì còn thêm cả việc kính nhớ và cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên trong những ngày đầu năm.

Không có tục xông đất, những người Giáo dân đón năm mới theo một cách rất riêng. 4h sáng ngày mùng 1 Tết, mặc cho cái lạnh buốt giá rét khắc nghiệt của miền Bắc, tất cả giáo dân Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) đều dậy rất sớm và có mặt tại nhà thờ để tham dự buổi lễ đầu tiên trong năm mới. Dư âm vui vẻ đón thời khắc giao thừa vẫn còn cộng thêm sự hứng khởi của buổi sớm đầu năm khiến ai ai cũng tới nhà thờ trong tâm trạng ngập tràn niềm vui.

Thời khắc tham dự buổi lễ sớm này đối với người Công giáo vô cùng đặc biệt vì đây chính là giây phút họ muốn dành cho những điều cao trọng nhất. Ngoài ý nghĩa muốn dâng lên cho Thiên Chúa những giây phút đầu tiên trong năm mới thì buổi lễ sớm mùng 1 Tết còn là dịp để tất cả con cháu dâng lời cầu nguyện xin cho linh hồn ông bà tổ tiên sớm được về nơi Thiên Đàng. Đây cũng chính là thời điểm để mọi người gặp gỡ, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, may mắn và an lành. Bởi vậy, có thể nói rằng, đây chính là một trong những buổi lễ mang nhiều ý nghĩa nhất trong đời sống Kitô giáo.

Nếu như những người không theo đạo Công giáo coi tục hái lộc, xông đất đầu năm rất quan trọng thì với những giáo dân, việc tham dự buổi lễ này là một hành động mang ý nghĩa rất quan trọng. Khi tham dự buổi lễ này, các giáo dân cũng được rút lộc tại nhà thờ. “Lộc” ở đây chính là những lời Chúa mang ý nghĩa tốt lành, các giáo dân sẽ mang “Lộc” này về để tại vị trí trang trọng trong nhà, coi đó như là lời dạy của Chúa về cách sống trong năm mới. 

Không tới thăm mộ của tổ tiên vào Tiết Thanh Minh, người Công Giáo có riêng một ngày lễ để nhớ tới những người đã khuất, đó chính là ngày “Nhận Tiên Nhân” thường diễn ra vào ngày mùng 3, 4 Tết. Vào ngày này, các con cháu trong gia tộc bao gồm dâu rể nội ngoại tụ họp tại đất Thánh (nghĩa địa) để sửa sang mộ phần cho ông bà cha mẹ. Không có quan niệm “trần sao, âm vậy” nên thay vì gửi xuống ông bà tổ tiên những vật dụng tiện nghi như quần áo, vàng mã, nhà cửa… thì các giáo dân gửi tới tổ tiên mình những lời cầu nguyện để cầu mong các linh hồn sớm được tha thứ những tội lỗi đã phạm trên trần gian để được về nơi Thiên Đàng.

Theo niềm tin Công giáo, 2 người đi tới hôn nhân là do ý định của Thiên Chúa và được Người chúc phúc. Chính vì được Thiên Chúa kết hợp nên hai người này sẽ mãi mãi là vợ chồng và cuộc hôn nhân của họ mang tính bền vững. Cũng vì mang ý nghĩa tốt đẹp này nên đôi vợ chồng mới cưới bao giờ cũng nhận được nhiều lời chúc phúc nhất. Cái Tết của họ sẽ được gọi là “Tết mới”. Trong “Tết mới”, cả hai vợ chồng sẽ cùng nhau mang “lễ vật” đi chúc Tết những bậc cao tuổi và người thân trong dòng họ.

Lễ vật ở đây chỉ đơn giản là chiếc bánh chưng xanh và chai rượu, những đồ vật thể hiện thành quả của sự lao động. Người được chúc Tết cũng sẽ nhận lễ vật của đôi vợ chồng mới cưới nhưng sau đó họ sẽ trao lại cho cặp tân lang tân nương. Đồng thời, đôi vợ chồng mới sẽ được mừng tuổi, đồng tiền ở đây không quan trọng nhiều hay ít mà nó mang ý nghĩa đặc biệt: mong hai vợ chồng có vốn làm ăn để xây dựng một tổ ấm mới.

Thuý – một nàng dâu mới theo đạo, lần đầu tiên dự cái Tết Công giáo tại nhà chồng tâm sự rằng “Tôi đã rất lo lắng và bỡ ngỡ vì những gì tôi nghĩ về cái Tết ở nhà chồng thật khác biệt. Tuy nhiên, mấy ngày Tết ở đây rất đặc biệt và cũng là một trải nghiệm thú vị. Đây là lần đầu tiên tôi biết đến “Tết mới”, cũng là lần đầu tiên được mừng tuổi dù đã lớn đến thế này”…

Có thể nói rằng, dù đón Tết theo những cách rất riêng và đặc biệt, cái Tết của người Công giáo mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Tết không chỉ là thời gian để mọi người cùng nghỉ ngơi, gặp gỡ, chúc tụng nhau những điều an lành trong năm mới. Tết còn là thời điểm để người Công giáo thể hiện chữ Hiếu của mình với ông bà tổ tiên, là lúc những đôi vợ chồng mới cưới nhận thấy rằng cuộc hôn nhân của mình quan trọng và ý nghĩa thế nào. Thiết nghĩ, đây cũng chính là những nét đẹp ý nghĩa đóng góp vào sự đặc sắc của văn hoá dân tộc…

Mai Tân

Nguồn tin: khampha.vn

Tiểu Sử Chính Thức Của Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI

Sau thông báo về sự ra đi của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào thứ Bảy ngày 31 tháng 12 năm 2022, ở tuổi 95, chúng ta cùng nhìn lại cuộc đời của ngài và những điểm nổi bật chính trong tiểu sử chính thức sau đây.

Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Giáo hoàng Bênêđictô XVI, sinh tại Marktl am Inn, Giáo phận Passau (Đức) vào ngày 16 tháng 4 năm 1927 (Thứ Bảy Tuần Thánh) và được rửa tội cùng ngày.

Cha của ngài, một Ủy viên Cảnh sát, thuộc một gia đình nông dân lâu đời ở vùng Hạ Bavaria với nguồn kinh tế khiêm tốn. Mẹ ngài là con gái của một nghệ nhân xứ Rimsting, bên bờ Hồ Chiem. Trước khi kết hôn, cô làm đầu bếp ở một số khách sạn.

Joseph Ratzinger trải qua thời thơ ấu và thời niên thiếu ở Traunstein, một ngôi làng nhỏ gần biên giới nước Áo, cách Salzburg ba mươi cây số. Trong môi trường này, nơi chính ngài đã định nghĩa là “Mozartian”, ngài đã nhận được sự đào tạo Kitô giáo, văn hóa và nhân bản.

Những năm tháng tuổi trẻ của ngài không hề dễ dàng. Đức tin của ngài và nền giáo dục nhận được ở gia đình đã chuẩn bị cho ngài cuộc sống khắc nghiệt trong những năm mà chế độ Quốc xã có thái độ thù địch đối với Giáo hội Công giáo. Cậu bé Joseph đã chứng kiến cảnh một số tên Quốc xã đánh đập Cha xứ trước Thánh lễ.

Chính trong hoàn cảnh phức tạp đó, ngài đã khám phá ra vẻ đẹp và chân lý của niềm tin vào Chúa Kitô; nền tảng cho điều này là thái độ của gia đình ngài, những người luôn làm chứng rõ ràng về lòng tốt và hy vọng, bắt nguồn từ sự gắn bó xác tín với Giáo hội.

Ngài được ghi danh vào một quân đoàn dự bị phòng không cho đến tháng 9 năm 1944.

Linh mục

Từ năm 1946 đến năm 1951, ngài học triết học và thần học tại Trường Cao học Triết học và Thần học Freising và tại Đại học Munich.

Ngài được thụ phong linh mục ngày 29 tháng 6 năm 1951. Một năm sau, ngài bắt đầu giảng dạy tại Trường Trung học Freising.

Năm 1953, ngài đậu bằng tiến sĩ thần học với luận án mang tên “Dân và Nhà Thiên Chúa trong Học thuyết của Thánh Augustinô về Giáo hội”.

Bốn năm sau, dưới sự hướng dẫn của giáo sư nổi tiếng về thần học cơ bản Gottlieb Söhngen, ngài bảo vệ luận án về: “Thần học lịch sử ở St Bonaventura”, qua đó đủ điều kiện giảng dạy tại Đại học.

Sau khi dạy thần học tín lý và cơ bản tại Trường Cao học Triết học và Thần học ở Freising, ngài tiếp tục dạy ở Bonn, từ năm 1959 đến năm 1963; tại Münster từ 1963 đến 1966; và tại Tübingen từ năm 1966 đến năm 1969. Trong năm cuối cùng này, ngài giữ chức giáo sư tín lý và lịch sử tín lý tại Đại học Regensburg, nơi ngài cũng là Viện phó

Từ năm 1962 đến năm 1965, ngài đã có những đóng góp nổi bật cho Công đồng Vatican II với tư cách là một “chuyên gia”, có mặt tại Công đồng với tư cách là cố vấn thần học của Đức Hồng y Joseph Frings, Tổng Giám mục Köln.

Hoạt động khoa học cần mẫn của ngài đã đưa ngài đến những vị trí quan trọng trong việc phục vụ Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban Thần học Quốc tế.

Năm 1972, cùng với Hans Urs von Balthasar, Henri de Lubac và các nhà thần học quan trọng khác, ngài đã khởi xướng tạp chí thần học Communio.

Giám mục và Hồng y

Vào ngày 25 tháng 3 năm 1977, Đức Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Munich và Freising. Ngày 28 tháng 5 cùng năm, ngài được thụ phong giám mục. Ngài là linh mục giáo phận đầu tiên sau 80 năm đảm nhận việc cai quản mục vụ của Tổng giáo phận Bavarian to lớn.

Ngài đã chọn phương châm giám mục của mình: “Những người cộng tác với chân lý”. Chính ngài đã giải thích lý do:

Một mặt, tôi coi đó là mối quan hệ giữa nhiệm vụ trước đây của tôi với tư cách là giáo sư và nhiệm vụ mới của tôi. Bất chấp những cách tiếp cận khác nhau, điều liên quan và vẫn tiếp tục như vậy là đi theo sự thật và phục vụ sự thật. Mặt khác, tôi chọn phương châm đó bởi vì trong thế giới ngày nay, chủ đề về sự thật gần như bị bỏ qua hoàn toàn, như một điều gì đó quá vĩ đại đối với con người, nhưng mọi thứ sẽ sụp đổ nếu thiếu vắng sự thật.

Đức Phaolô VI đã phong ngài làm Hồng y với nhà thờ hiệu toà là “Santa Maria Consolatrice al Tiburtino”, trong Công nghị ngày 27 tháng 6 năm 1977.

Năm 1978, ngài tham gia Mật nghị ngày 25 và 26 tháng 8, bầu chọn Đức Gioan Phaolô I, người đã bổ nhiệm ngài làm Đặc phái viên tại Đại hội Thánh Mẫu học Quốc tế lần III, được tổ chức tại Guayaquil (Ecuador) từ ngày 16 đến 24 tháng 9. Vào tháng 10 cùng năm, ngài tham gia Mật nghị bầu chọn Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Ngài là Tường trình viên của Thượng hội đồng lần thứ V của Thượng Hội đồng Giám mục diễn ra vào năm 1980 với chủ đề: “Vai trò của Gia đình Kitô hữu trong Thế giới Hiện đại”, và là Chủ tịch Thừa uỷ của Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ VI vào năm 1983 về “Hòa Giải và Sám Hối trong Sứ Mạng của Giáo Hội Ngày Nay”.

Tổng trưởng

Ngày 25 tháng 11 năm 1981, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh và Ủy ban Thần học Quốc tế. .

Đức Thánh Cha đã nâng ngài lên hàng Hồng y đẳng Giám mục và với nhà thờ hiệu toà ở Velletri-Segni vào ngày 5 tháng 4 năm 1993.

Ngài là Chủ tịch Ủy ban Chuẩn bị Giáo lý Giáo hội Công giáo, sau sáu năm làm việc (1986-1992), đã trình lên Đức Thánh Cha Sách Giáo lý mới.

Vào ngày 6 tháng 11 năm 1998, Đức Thánh Cha đã phê chuẩn việc bầu chọn Đức Hồng Y Ratzinger làm Phó Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, do các Hồng Y đẳng Giám Mục đệ trình. Vào ngày 30 tháng 11 năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phê chuẩn việc bầu ngài làm Niên Trưởng Hồng y đoàn.

Năm 1999, ngài là Đặc phái viên của Đức Giáo hoàng cho Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Giáo phận Paderborn, Đức, diễn ra vào ngày 3 tháng 1.

Trong Giáo triều Rôma, ngài là thành viên của: Hội đồng Quốc vụ khanh về Quan hệ với các Quốc gia; các Bộ Giáo hội Đông phương, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Bộ Giám mục, Bộ Truyền giáo cho các Dân tộc, Bộ Giáo dục Công giáo, Bộ Giáo sĩ và Bộ Phong thánh; các Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Hiệp nhất Kitô hữu và Văn hoá; Tòa án Tối cao của Tòa án Tông toà, và của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, “Ecclesia Dei”, Giải thích Xác thực Bộ Giáo luật và Sửa đổi Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương.

Kể từ ngày 13 tháng 11 năm 2000, ngài là Viện sĩ Danh dự của Học viện Giáo hoàng về Khoa học.

Học thuật

Trong số nhiều ấn phẩm của ngài, cần đặc biệt đề cập đến cuốn Nhập môn Kitô giáo, một tuyển tập các bài giảng ở Đại học về Kinh Tin Kính, xuất bản năm 1968; và Tín lý và Giảng dạy (1973), một tuyển tập các bài tiểu luận, bài giảng và suy tư về các thảo luận mục vụ.

Bài phát biểu của ngài trước Học viện Công giáo Bavaria về “Tại sao tôi vẫn ở trong Giáo hội” đã gây được tiếng vang lớn; trong đó, ngài tuyên bố rõ ràng như thường lệ: “người ta chỉ có thể là Kitô hữu trong Giáo hội, không thể ở bên cạnh Giáo hội”.

Nhiều ấn phẩm của ngài đã được phổ biến trong nhiều năm và tạo thành một điểm tham chiếu cho nhiều người, đặc biệt là đối với những người quan tâm đến việc nghiên cứu sâu hơn về thần học. Năm 1985, ngài xuất bản cuốn sách phỏng vấn về tình hình đức tin (Báo cáo của Ratzinger) và vào năm 1996, Muối của Đất. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của ngài, tập sách Tại Trường Chân lý đã được xuất bản, bao gồm các bài viết của một số tác giả về các khía cạnh khác nhau trong tính cách và tác phẩm của ngài.

Ngài đã nhận được nhiều bằng tiến sĩ danh dự: năm 1984 từ Đại học Thánh Tôma ở St. Paul, (Minnesota, Hoa Kỳ); năm 1986 từ Đại học Công giáo Lima (Peru); năm 1987 từ Đại học Công giáo Eichstätt (Đức); năm 1988 từ Đại học Công giáo Lublin (Ba Lan); năm 1998 từ Đại học Navarre (Pamplona, Tây Ban Nha); năm 1999 từ LUMSA (Libera Università Maria Santissima Assunta) của Rôma và năm 2000 từ Khoa Thần học của Đại học Wrocław ở Ba Lan.

Giáo hoàng

Đức Hồng y Joseph Ratzinger được bầu vào ngày 19 tháng 4 năm 2005, là Giáo hoàng thứ 265.

Ngài là người lớn tuổi nhất được bầu làm Giáo hoàng kể từ năm 1730, và là Hồng y trong một thời gian dài hơn bất kỳ Giáo hoàng nào kể từ năm 1724.

Vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, trong Công nghị Công khai thường lệ để bỏ phiếu về một số Án Phong Thánh, Đức Bênêđictô đã thông báo quyết định từ nhiệm với những lời sau:

“Sau nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi đến chỗ chắc chắn rằng sức lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để thi hành thừa tác vụ của thánh Phêrô nữa. Tôi ý thức rõ rằng thừa tác vụ này, do bản chất thiêng liêng thiết yếu của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, mà còn bằng lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trong thế giới hôm nay, trước biết bao thay đổi nhanh chóng và bị lung lay bởi những vấn đề liên quan sâu xa đến đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, thì sức mạnh tinh thần và thể xác đều cần thiết, sức mạnh mà trong vài tháng qua, đã sa sút trong tôi đến mức tôi phải nhận ra mình không có khả năng chu toàn thánh chức được giao phó một cách thích đáng. Vì lý do này, và ý thức rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của hành động này, tôi hoàn toàn tự do tuyên bố rằng tôi từ nhiệm chức vụ Giám mục Rôma, Người kế vị Thánh Phêrô.”

Triều đại giáo hoàng của ngài kết thúc vào ngày 28 tháng 2 năm 2013.

Sau khi đơn từ chức của ngài có hiệu lực, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã sống ở Vatican trong Tu viện Mater Ecclesiae cho đến khi qua đời.

Suy Niệm Lễ Mẹ Thiên Chúa

Hôm nay là ngày đầu tiên của năm mới, chúng ta cử hành trọng thể lễ Mẹ Thiên Chúa với ý nguyện cầu bình an cho toàn thế giới.

1. Một tín điều để tin

Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là một đặc ân rất cao trọng, được Giáo Hội tuyên tín như là một chân lý đức tin buộc mỗi người chúng ta phải tin.

Tuy nhiên, nếu không có sự hiểu biết đúng đắn, tước hiệu này có thể làm cho chúng ta bối rối và thắc mắc: phải chăng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là một sự phạm thượng? Làm sao một thụ tạo bất toàn lại có thể sinh ra Thiên Chúa được?

Thực ra, thắc mắc này đã có từ rất xa xưa. Vào khoảng năm 428 Nestorius, giám mục ở Constantinople, phủ nhận tước hiệu này. Ông chủ trương rằng: “Chúa Giêsu có hai bản tính nên có hai ngôi vị. Đức Maria chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giêsu, nên không phải là Mẹ Thiên Chúa.” Theo ông, Đức Maria chỉ là Mẹ Chúa Giêsu thôi, cùng lắm là Mẹ Chúa Kitô, không thể là Mẹ Thiên Chúa.

Trước lạc giáo này, Công Đồng Chung họp tại Êphêsô vào năm 431 để giải quyết tranh luận và đã tuyên tín rằng:

“Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với nhục thể trong lòng Đức Maria, do đó Đức Maria đã sinh ra Ngôi Lời nhập thể, và đáng được gọi là Mẹ Thiên Chúa (Théotokos).”

Tước hiệu này không có nghĩa là Đức Maria đã sinh ra Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng là người sinh ra Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, nên Đức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Hay nói chính xác hơn Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, người đã sinh Con Thiên Chúa trong thời gian.

Chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của tín điều này khi đặt nó trong mối tương quan với Chúa Kitô và dựa trên nền tảng Kinh Thánh.

2. Nền tảng Kinh Thánh

Trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể tìm thấy nền tảng Kinh Thánh cho tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Bài đọc II là một trích đoạn trong thư của thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Galát. Đây là bản văn cổ nhất của Tân Ước nói về Đức Maria:

“Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4).

Quả thế, người phụ nữ được nói ở đây chính là Đức Maria, người đã cưu mang và sinh hạ Con Đức Chúa Trời làm người.

Đặc biệt, chúng ta còn tìm thấy trong Tin Mừng Luca tước hiệu này dành cho Đức Maria khi Người đi thăm bà Êlisabét (x. Lc 1,38-48). Bà Êlisabét được tràn đầy Thánh Thần và kêu lên rằng:

“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1,43-44).

Bà Êlisabét gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” bởi vì Mẹ đang cưu mang trong lòng Ngôi Hai Thiên Chúa và sẽ sinh ra cho loài người Đấng Cứu Độ là Chúa Giêsu Kitô.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể lại chứng tá của các mục đồng về biến cố Chúa Giêsu được sinh hạ bởi Đức Maria tại Bêlem. Các mục đồng hết sức ngạc nhiên vì đã chứng kiến những sự việc xảy ra đúng như lời các thiên thần loan báo cho họ. Con Thiên Chúa sinh ra trong cảnh cơ hàn. Họ đến thờ lạy Người và gặp Đức Maria, thánh Giuse và Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,16-21).

Như thế, Đức Maria là người được Thiên Chúa tuyển chọn, chuẩn bị nên xứng đáng để cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa. Mẹ đã hoàn toàn vâng phục và cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nên Giáo Hội đã tôn kính Mẹ với tước hiệu rất cao trọng là Mẹ Thiên Chúa.

Chúng ta cũng nên biết rằng: Trong phụng vụ, bậc thứ nhất là sự tôn thờ (latria) được dành cho Thiên Chúa Ba Ngôi. Như Kinh Thánh dạy:

“Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (Đnl 6,5).

Bậc thứ hai gọi là sự biệt kính (hyperdulia) hay sự tôn kính đặc biệt được dành cho Đức Maria. Sau Thiên Chúa phải là Đức Maria, bởi vì Đức Maria có một địa vị hết sức cao cả trong chương trình cứu độ. Mẹ là người sinh ra Đấng Cứu Độ. Nhờ Mẹ, chúng ta mới có Chúa Kitô.

Bậc thứ ba là sự tôn kính dành cho chư thánh (dulia). Theo đó, Giáo Hội tôn kính các thánh như là những mẫu gương trổi vượt về sự thánh thiện Kitô giáo. Qua việc tôn kính này, chúng ta cầu xin các thánh cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa, đồng thời chúng ta được mời gọi sống thánh thiện như cách thánh đã sống.

3. Đức Maria là mẫu gương

Bởi thế, khi cử hành lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc suy tôn và chiêm ngắm dung mạo cao cả của Đức Maria, nhưng chúng ta còn được mời gọi noi gương Đức Maria để sống như Mẹ đã sống.

Thánh Luca nhắc đi nhắc lại mẫu gương của Đức Maria:

“Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51).

Mẹ là người luôn lắng nghe Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành. Trước khi Mẹ cưu mang Ngôi Lời trong dạ, Mẹ đã cưu mang Lời Chúa trong tâm hồn rồi. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta về việc lắng nghe và sống Lời Chúa.

Nếu Đức Maria được vinh dự làm Mẹ Thiên Chúa, thì mỗi người Kitô hữu cũng được chia sẻ sự vinh dự đó. Bởi vì, như Chúa Giêsu nói:

“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

Giáo Hội là mẹ, nghĩa là Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Đức Maria, người tiếp tục sinh hạ Chúa Kitô cho người khác. Bởi vì mỗi người Kitô hữu là Giáo Hội, nên chúng ta được mời gọi sinh hạ Chúa Giêsu cho người khác bằng sự hy sinh phục vụ, lời cầu nguyện và đời sống chứng tá của chúng ta, đặc biệt nhờ việc dạy giáo lý, huấn luyện đức tin cho con cái và giới trẻ.

Nhân dịp bước vào Năm Mới, dưới sự phù trì và cầu bầu của Đức Maria, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta được bình an và dồi dào phúc lành của Thiên Chúa. Amen!

 Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương – PGĐ. Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê 

Kinh Cầu Các Thánh rất hiệu nghiệm

Nguồn: Spiritdaily.com

Bây giờ vẫn là tháng 11, tháng của các Thánh và tháng của các linh hồn. Chúng ta hãy nói về kinh Cầu Các Thánh.

Đức Ông Stephen J. Rossetti là nhà trừ quỷ chính thức của vùng Washington D.C., kể rằng khi một nhà trừ quỷ bắt đầu trừ quỷ thì vì linh mục và những ai đang trợ giúp ngài bắt đầu buổi trừ quỷ bằng cách đọc Kinh Cầu Các Thánh.

Thật sự có nhiều kinh Cầu Các Thánh. Những người ở thế giới bên kia, dù không được tuyên phong là Thánh, chẳng hạn như cha mẹ, ông bà đều có thể giúp đỡ và can thiệp giúp cho các con, các cháu của họ bằng cách xua đuổi ma quỷ khỏi làm hại con cháu mình. Nếu các linh hồn ấy có thể can thiệp được thì huống gì các Thánh ở trên trời có quyền năng Chúa ban cho họ.

Đức Ông Rossetti nói trong trang nhà của ngài rằng:

“Chúng tôi luôn bắt đầu buổi trừ quỷ bằng kinh Cầu Các Thánh. Rồi nhà trừ quỷ lập tức đọc các kinh trừ quỷ quan trọng hơn. Tuy nhiên khi gặp những trường hợp khó khăn thì nhà trừ quỷ cứ tiếp tục đọc thêm các kinh Cầu Các Thánh hàng giờ liên tiếp để xin Các Thánh giúp đỡ cho việc trừ quỷ.”

“Có những con quỷ la hét như sau: “Không được đọc tên người ấy, người kia…” khi mà tên các Thánh được đọc lên.”

Vậy khi chúng ta gặp thử thách, gặp trường hợp ma quỷ ám trong nhà hay trong cuộc sống, hoặc khi chúng ta muốn được thanh tẩy và tìm thêm sinh lực cho thế xác, tâm trí, nhà cửa thì chúng ta hãy cố gắng đọc Kinh Cầu Các Thánh nhé.

Đức Ông Rossetti có viết trong bài Các Thánh Trừ Quỷ và cung cấp Lời Kinh Cầu Các Thánh. Ông Adam Blai, người giúp trừ quỷ cho giáo phận Pittsburgh, ở trong tác phẩm: The Exorcism Files cũng cho chúng ta một Lời Kinh Cầu Các Thánh.


Kim Hà, 17/11/2022


Kinh Cầu Các Thánh

Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúa Kitô nghe cho chúng con. 

Chúa Kitô nhận lời chúng con.

Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật. 

Thương xót chúng con.

Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.

Thương xót chúng con.

Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.

Thương xót chúng con.

Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.

Thương xót chúng con.

Rất Thánh Đức Bà Maria.

Cầu cho chúng con.

(Các câu sau cũng thưa như vậy)

Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời.

Rất Thánh Nữ Đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh.

Đức Thánh Micae.

Đức Thánh Gabirie.

Đức Thánh Raphae.

Các Thánh Thiên Thần cùng các Thánh Tổng lãnh Thiên Thần.

Chín phẩm các Thánh Thiên Thần.

Thánh Gioan Baotixita.

Thánh Giuse.

Các Thánh Tổ Tông cùng các Thánh Tiên Tri.

Thánh Phêrô.

Thánh Phaolô.

Thánh Anrê.

Thánh Giacôbê.

Thánh Gioan.

Thánh Tôma.

Thánh Giacôbê.

Thánh Philípphê.

Thánh Batôlômêô.

Thánh Matthêô.

Thánh Ximong.

Thánh Tađêô.

Thánh Mátthia.

Thánh Banabê.

Thánh Luca.

Thánh Máccô.

Các Thánh Tông Đồ cùng các Thánh Sử.

Các Thánh Môn đệ Đức Chúa Giêsu.

Các Thánh Anh Hài.

Thánh Têphanô.

Thánh Lôrenxô.

Thánh Vincentê.

Thánh Phabianô cùng ông Thánh Xêbatianô.

Thánh Gioan cùng ông Thánh Phaolô.

Thánh Côsimô cùng Thánh Đamianô.

Thánh Giêvaxiô cùng ông Thánh Phôtaxiô.

Các Thánh Tử vì đạo.

Thánh Xilivêtê.

Thánh Ghêgoriô.

Thánh Amrôxiô.

Thánh Augustinô.

Thánh Hiêrônimô.

Thánh Martinô.

Thánh Nicôlaô.

Các Thánh Giám Mục cùng các Thánh Hiển Tu.

Các Thánh Tiến Sĩ.

Thánh Antôn.

Thánh Bênêditô.

Thánh Benađô.

Thánh Đôminicô.

Thánh Phanxicô.

Các Thánh Chánh Tế cùng các Thánh Phó Tế.

Các Thánh Hiển Tu cùng các Thánh Ẩn Tu.

Thánh Maria Mađalêna.

Thánh Agata.

Thánh Lucia.

Thánh Anê.

Thánh Cêcilia.

Thánh Catarina.

Thánh Anataxia.

Các Thánh Đồng Trinh cùng các Thánh Thủ Tiết.

Các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ.

Chúa hằng có lòng lành.

Chúa tha tội chúng con

Chúa hằng có lòng lành.

Chúa nhậm lời chúng con.

Kẻo phải sự dữ.

Chúa chữa chúng con.

(Các câu sau cũng thưa như vậy)

Kẻo phạm tội lỗi.

Kẻo phải cơn Chúa giận.

Kẻo phải chết tươi khốn nạn.

Kẻo phải chước ma quỷ cám dỗ.

Kẻo phải lòng giận, lòng ghét, lòng dữ.

Kẻo phải lòng mê tà dâm.

Kẻo phải sấm sét bão bùng.

Kẻo phải nạn tai đất động.

Kẻo phải thần khí, mất mùa, giặc giã.

Kẻo phải chết khốn nạn đời đời.

Vì phép mầu nhiệm Chúa làm người.

Vì Chúa xuống thế.

Vì Chúa sinh ra.

Vì phép rửa cùng chay Thánh Đức Chúa Giêsu.

Vì Đức Chúa Giêsu chịu nạn đóng đanh trên cây Thánh Giá.

Vì Đức Chúa Giêsu chịu chết và chịu táng xác.

Vì Đức Chúa Giêsu sống lại.

Vì Đức Chúa Giêsu lên trời.

Vì Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Đến ngày phán xét.

Chúng con là kẻ có tội.

Xin Chúa nghe cho chúng con.

(Các câu sau cũng thưa như vậy)

Xin Chúa tha tội cho chúng con.

Xin Chúa dong thứ cho chúng con.

Xin Chúa mở lòng cho chúng con ăn năn tội nên.

Xin Chúa cai trị cùng gìn giữ Hội Thánh.

Xin Chúa gìn giữ Đức Giáo Hoàng cùng các phẩm trật Hội Thánh hằng ở cho xứng bậc mình.

Xin Chúa hạ kẻ làm nghịch cùng Hội Thánh xuống.

Xin Chúa cho vua chúa quan quyền có đạo được bằng yên hòa thuận.

Xin Chúa cho các bổn đạo được bằng yên cùng hòa thuận yêu nhau.

Xin Chúa cho các kẻ lầm lạc trở về cùng một Hội Thánh và đem các người ngoại giáo vào đạo Thánh Đức Chúa Giêsu.

Xin Chúa cho chúng con kính mến Chúa cùng vững lòng giữ đạo cho trọn.

Xin Chúa nhắc lòng chúng con lên ước ao những sự trên Trời.

Xin Chúa trả công vô cùng cho kẻ làm phúc chúng con.

Xin Chúa cho linh hồn chúng con cùng anh em họ hàng và kẻ làm ơn cho chúng con khỏi khốn nạn đời đời.

Xin Chúa cho chúng con được mùa cùng mọi sự lành.

Xin Chúa cho các giáo hữu đã qua đời được nghỉ ngơi đời đời.

Xin Chúa khứng nhậm lời chúng tôi nguyện.

Lạy Con Đức Chúa Trời.

Xin Chúa nghe cho chúng con.

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.

Chúa tha tội chúng con.

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.

Chúa nhậm lời chúng con.

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.

Chúa thương xót chúng con.

Chúa Kitô nghe cho chúng con.

Chúa Kitô nhậm lời chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

Lời nguyện: Chúng con thân lạy các Thánh Nam Nữ ở trên trời; chúng con là kẻ phàm hèn còn ở dưới thế này còn sợ chước ma quỷ. Các Thánh đã vượt biển hiểm thế này, cùng đã khỏi mọi sự dữ. Nhân vì sự ấy xin các Thánh cầu cho chúng con được theo ý Đức Chúa Trời mà giữ mười sự răn cho trọn, đến ngày sau cho chúng con được vào cửa thiên đàng hợp lại một nhà một nước, xem thấy Đức Chúa Trời Ba Ngôi hưởng phúc vui vẻ vô cùng. Amen

(Bản văn sau khi kêu cầu 48 vị Thánh riêng và 13 tập thể Thánh Nhân, cầu xin cho được thoát khỏi 12 điều xấu cũng như dâng lên 30 lời chuyển cầu, trong đó có “xin Chúa hạ kẻ nghịch cùng Hội Thánh xuống” và “xin Chúa đoái thương cho các Kitô hữu được bình an và hòa thuận với nhau”. Bản văn dựa theo sách kinh của giáo phận Hà Nội, 2002 (có bỏ “ông” và “bà” trước tên các Thánh)

Nguồn: giáo phận Vĩnh Long

Tâm Tình Tạ Ơn

Văn hóa biết ơn của Việt nam rất hay. Từ thuở bé, tôi vẫn thường nghe dạy: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.” “Uống nước nhớ nguồn.” “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại.”

Thật vậy, lời “cám ơn” rất đơn sơ bé nhỏ, nhưng đem lại cho người làm ơn một sự vui thỏa, ấm áp. Đó là phép lịch sự, tế nhị tối thiểu, bình thường, và phải cư xử như vậy mới là người biết điều. Việt Nam cũng có những câu nói diễn tả người vô ơn: “Ăn cháo đá bát.” “Vắt chanh bỏ vỏ.” “Có trăng phụ đèn.” “Ăn mật trả gừng, ăn sung trả ngải.” Kẻ muốn được ơn thì nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay có tỷ số là một phần mười mà thôi.

Cám ơn Thiên Chúa là dâng trả ân huệ về cho Ngài, là nhìn nhận Ngài là nguồn mạch tuôn trào ra ân huệ chúng ta đã lãnh nhận. Cám ơn là đi vào mối tương giao tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa đến với chúng ta và trở lại với Ngài. Người vô ơn là người chặn đứng luồng tương giao này lại, không cho nó trở về với nguồn mạch, và sẽ làm cạn khô tương giao đang có. Công trình cứu độ của Đức Giêsu chỉ thực sự sinh hiệu quả nếu chính chúng ta cởi mở để cho mọi sự quay trở lại với Người.

“Cám ơn” là tỏ lòng biết ơn với người đã làm điều tốt cho mình. Mỗi khi ta nhận được một ơn huệ gì, thì ta phải biết tạ ơn Chúa và cám ơn những người làm ơn cho ta. “Cám ơn” ấy là hai từ mà ta vẫn nói hàng ngày. “Cám ơn,” lời nói cửa miệng tưởng như có thể nói với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, nhưng nhiều khi ta không biết nói lời cám ơn.

Trang Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca nhắc cho ta nhớ lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành mười người phong hủi, tất cả đều được khỏi bệnh. Nhưng chỉ có một người đến tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa. Chúa Giêsu không khỏi buồn lòng trước sự vô ơn của con người, nên Ngài đã thốt lên: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17, 17-18).

Bi đát thay trong mười người hưởng ơn chữa lành vô cùng lớn lao ấy, chỉ có một người biết dâng lời tạ ơn, mà người ấy lại là người ngoại đạo. Còn những người vẫn tự hào là dân Thiên Chúa, dân riêng Chúa chọn lại sống vô ơn.

Sở dĩ Ngài xem trọng lòng biết ơn cũng vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Chúa vì đã nhận ơn phần xác, thì Ngài lại ban thêm cho ơn phần hồn là củng cố niềm tin và xác định tư cách tôn giáo của anh. Ngài nói: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.

Ta thấy Chúa Giêsu thường tìm đến nơi thanh vắng để cầu nguyện với Chúa Cha. Nhưng khi biểu lộ tâm tình tạ ơn thì Ngài lại thực hiện công khai trước mặt mọi người. Chúa muốn dạy mọi người bài học về lòng biết ơn đối với Thiên Chúa.

Trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi phân phát cho mọi người (Ga 6, 11). Vào bữa Tiệc Ly, khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ (Lc 22, 19). Đứng trước nấm mồ Lazarô, trước khi làm cho anh ta sống lại, Chúa Giêsu đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa (Ga 11, 41).

Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là một lễ tạ ơn liên lỉ. Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống làm hy tế dâng lên Đức Chúa Cha. Vì thế, ngày hôm nay, khi dâng lễ tạ ơn mỗi ngày, chúng ta cử hành mầu nhiệm cuộc đời Chúa, chúng ta sống lại tâm tình tạ ơn của Chúa, là tâm tình của Người Con dâng lên Chúa Cha.

Cuộc đời của Chúa là bài ca tạ ơn luôn vang lên những giai điệu vui tươi trong những giây phút hân hoan và trong cả những giờ khắc bi thảm. Bài ca tạ ơn đó đã ngân lên từ môi miệng của Mẹ Maria (Magnificat), ông Zacaria (Benedictus) và vẫn tiếp tục ngân vang trong tâm hồn những người tín hữu hôm nay.

Trong các thư của Thánh Phaolô, thánh nhân cũng nhấn mạnh đến lời tạ ơn. Hơn nữa, ngài luôn sống trong tâm tình tạ ơn. Ngài nói: “Tôi luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa” (Plm 1, 4). Ngài còn nhắc nhở mọi người “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn” (1 Tx 5, 18).

Thánh Phaolô luôn dâng lời tạ ơn lên Chúa: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Ngài đã ban cho anh em nơi Đức Kitô.” Ngài cám ơn tất cả những ai giúp ngài trong công việc mục vụ: “Quà anh em tặng cho tôi đó, chúng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài chấp nhận.” Như vậy, câu ngạn ngữ của người Anh nói rất chí lý: “Cho người có lòng biết ơn chính là cho vay.”

Nhìn vào xã hội ngày nay, con số những người biết ơn Chúa, tôn thờ Chúa, vẫn còn là một con số rất khiêm tốn. Còn những kẻ vô ơn thì nhiều vô kể. Chúa luôn ban ơn cho người lành cũng như kẻ dữ, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Thế mà con người ngày càng kiêu ngạo, vô ơn đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

Hỏi rằng trong chúng ta có mấy người biết cảm tạ Chúa và cám ơn anh em? Biết bao nhiêu lần chúng ta than vãn, kêu la, trách móc hết việc này đến việc khác, hết người này đến người kia, Hơn thế nữa, nhiều người còn oán trách cả Thiên Chúa. Vậy, Lời Chúa hôm nay dạy mỗi người chúng ta hãy biết nói lời cám ơn từ những chuyện nhỏ nhất, bởi vì chúng ta đã nhận được biết bao nhiêu hồng ân Chúa ban cho ta qua vũ trụ vạn vật, qua mọi người trên trái đất này và nhất là qua những người thân cận, những người xung quanh ta.

Lòng biết ơn biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự. Biết ơn là một trong những đức tính tốt đẹp của con người đối với Đấng Tạo Hoá. Vì Ngài đã ban muôn vàn phúc lộc cho chúng ta: từ không khí để ta hít thở, mặt trời để soi sáng ta, cho nước để ta uống, cho muôn loài muôn vật để ta sử dụng và làm thức ăn. Ngài luôn quan phòng, giữ gìn ta trong mọi nơi, mọi lúc… Thiên Chúa còn ban cho ta biết bao điều cao cả qua cha mẹ, qua anh chị, qua thầy cô, qua bạn hữu, qua tất cả những người đã giúp đỡ và làm ơn cho ta… Thể hiện lòng biết ơn là một nghĩa vụ hàng đầu trong cuộc sống con người.

Xin Chúa cho ta luôn biết sống có tình có nghĩa, luôn thể hiện lòng biết ơn, luôn quý trọng những hồng ân mà Chúa đã thương ban, và những gì anh chị em đã làm cho ta. Xin Chúa cho ta luôn biết sống trong tâm tình tạ ơn Chúa như thánh Phaolô đã khuyên bảo giáo dân Côlôsê: “Anh em hãy luôn sống trong tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn Chúa.” Đồng thời, ta cũng phải luôn biết cám ơn mọi người, vì có thể nói, tất cả những người có liên hệ xa gần với ta, đều là những ân nhân của ta.

https://hddaminhthanhlinh.net

Huệ Minh, 11/2021