Đâu là ý nghĩa của màu sắc các phẩm phục phụng vụ ?
Mỗi màu sắc mang một ý nghĩa :
Màu tím, màu của sự ăn năn, thống hối và của sự mong đợi, được dùng trong Mùa Chay và Mùa Vọng. Người ta cũng dùng màu tím trong thánh lễ và các nghi thức phụng vụ cầu cho những kẻ đã qua đời (trước Công Đồng Vaticanô II, dùng màu đen).
Màu đỏ là màu máu và lửa, được dùng trong ngày Chúa nhật Thương khó (lễ Lá), thứ Sáu Tuần Thánh, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, trong các cử hành cuộc thương khó của Chúa, trong lễ kính các thánh Tông đồ, các thánh sử Tin Mừng và trong các lễ kính các thánh tử đạo.
Màu trắng (có thể được thay thế bằng màu vàng) gợi lên sự trong sạch, tinh tuyền, nhất là vinh quang của Thiên Chúa, được dành cho các nghi thức phụng vụ và các thánh lễ Mùa Phục Sinh và Mùa Giáng Sinh ; cũng dùng trong các lễ kính, lễ nhớ về Chúa không phải là lễ kính nhớ cuộc thương khó của Người ; các lễ kính Đức Mẹ, các thiên thần, các thánh không phải là thánh tử đạo. Màu trắng còn diễn đạt sự phục sinh của Chúa Kitô cũng như sự phục sinh của chúng ta sau này. Nơi bàn tiệc thiên quốc những người được tuyển chọn đều mặc y phục trắng toát (xem sách Khải Huyền 7,9).
Màu xanh lá cây được dùng trong các thánh lễ trong Mùa Thường Niên hoặc Quanh Năm. Màu xanh lá cây là màu của niềm hy vọng và của sự sống. Khi thấy vị linh mục tiến lên bàn thờ trong phẩm phục màu xanh, điều đó cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta là những người có niềm hy vọng lớn lao, là đoàn lữ hành đang được Chúa Kitô dẫn đến những cánh đồng cỏ xanh tươi của miền đất hứa…
Màu hồng được sử dụng hai lần trong năm (Chúa nhật III Mùa Vọng và Chúa nhật IV Mùa Chay) để mời gọi tín hữu hưởng niềm vui thầm kín và an lành trong niềm trông đợi Đấng Cứu Tinh hoặc trong sự chuẩn bị đón mừng Chúa Kitô phục sinh.
Tại Việt Nam, màu hồng thường được dùng trong thánh lễ hôn phối, trong bầu khí vui tươi, để diễn đạt tình yêu nam nữ, là hình ảnh của tình yêu Chúa Kitô với Giáo Hội của Người.
(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)
Gốc tích các chặng đàng thánh giá?
Các chặng đàng thánh giá hoạ lại đường tử nạn Đức Giêsu đi qua, bắt đầu từ dinh tổng trấn Philatô cho đến nơi an táng Người. Chặng đàng thánh giá đã trở thành một hình thức đạo đức bình dân được thực hành tại nhiều giáo xứ, đặc biệt trong Mùa Chay và trong những ngày trước lễ Phục Sinh.
Hình thức đạo đức này đã có những tiến triển cùng thời gian. Tương truyền, sinh thời Đức Mẹ có thói quen hàng ngày đi viếng lại tất cả những nơi Chúa Con đã đi qua trong cuộc tử nạn. Sau khi hoàng đế Constantine công nhận Kitô giáo vào năm 313, địa điểm của một số chặng quan trọng trong đàng thánh giá này đã được xác định cụ thể. Thánh Giêrônimô (342-420), đã chuyển đến sống và qua đời tại Bê-lem, thánh nhân chứng nhận rằng có nhiều đám đông hành hương từ nhiều nước khác nhau đến thăm các nơi thánh và đi đàng thánh giá tại Thánh Địa.
Thực hành đạo đức này càng ngày càng được phổ biến. Vào thế kỷ V, một phong trào xuất hiện trong Giáo hội cho “tái dựng” lại các chặng đàng thánh giá ở các khu vực khác nhau, hầu giúp cho các khách hành hương dù không thực sự đến được Thánh Địa vẫn có thể thực hành hình thức đạo đức này với một tâm tình ngưỡng kính. Chẳng hạn, thánh Petronius, giám mục Bologna, đã cho xây dựng một chuỗi các nhà nguyện tại đan viện San Stefano, mô phỏng lại những di tích quan trọng tại Thánh Địa, trong đó có một số chặng trong đàng thánh giá.
Năm 1342, các tu sĩ Phanxicô được chỉ định làm người canh giữ các di tích Thánh Địa. Các tín hữu sẽ nhận được ân xá khi cầu nguyện ở những chặng sau: Tại dinh tổng trấn Philatô, tại nơi Đức Mẹ gặp Đức Giêsu, tại nơi Chúa ngỏ lời với các người phụ nữ thành Giêrusalem, tại nơi Chúa gặp ông Simôn thành Kirênê, tại nơi lính tráng lột áo Chúa, tại nơi Chúa chịu đóng đinh, và tại hang đá nơi an táng Chúa.
William Wey, một khách hàng hương đến từ Anh, thăm Thánh Địa năm 1458 và năm 1462. Ông đã mô tả cách thức người ta đi chặng thánh giá tại đây. Trước đây, người ta thường đi ngược chiều với cách thường thấy hiện nay – đi từ đồi Canvê xuống dinh Philatô. Nhưng vào thời gian ông này đến Thánh Địa, thói quen đi đàng thánh giá từ dinh Philatô đến đồi Canvê đã được áp dụng.
Khi những người Thổ Hồi giáo chặn đường sang Thánh Địa, việc cho tái dựng các chặng đàng thánh giá được thực hiện tại các trung tâm hành hương, tâm linh, chặng hạn tại tu viện Đa Minh ở Cordova, tại tu viện Clara Khó Khăn ở Messina (đầu những năm 1400), tại Nuremberg (1468); tại Louvain (1505); tại Bamberg, Fribourg và Rhodes (1507); và tại Antwerp (1520). Nhiều chặng đàng thánh giá được xây dựng bởi các hoạ sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng, nhiều tác phẩm được kể là kiệt tác cho đến ngày nay. Vào năm 1587, Hồi giáo đã lệnh cấm tất cả mọi người không được “dừng lại, tỏ ra cử điệu sùng kính tại những nơi thánh với đầu trần, cũng cấm tuyệt đối các hình thức rước xách hay biểu dương khác nữa”. Lệnh cấm này chủ yếu nhắm triệt tiêu, không cho người ta thực hành việc đạo đức này tại Thánh Địa nữa. Tuy vậy, thực hành đạo đức này đã trở nên phổ biến tại Châu Âu.
Vào thời này, số chặng đàng thánh giá không thống nhất. Theo như mô tả của William Wey, có tới 14 chặng, nhưng chỉ có 5 chặng là giống với chặng đàng thánh giá ngày nay. Một số nơi bao gồm cả chặng nhà của ông Dives (người đàn ông giàu có trong trình thuật về Ladarô), cổng thành nơi Đức Giêsu đi qua, và nhà của vua Hêrôđê, nhà của ông Simon thuộc nhóm Pharisêu. Một cuốn sách của Adrichomius, xuất bản năm 1584, có tựa là Jerusalem sicut Christi Tempore floruit, mô tả đàng thánh giá có 12 chặng, và các chặng ấy giống hệt như ngày nay. Cuốn sách này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và lưu hành rộng rãi. Vào thế kỷ XVI, trong các sách đạo đức đặc biệt là ở các nước Bắc Âu, đàng thánh giá có 14 chặng, với những lời cầu cho mỗi chặng.
Cuối thế kỷ XVII, việc cho dựng các chặng đàng thánh giá trong cách nhà thờ, thánh đường trở nên phổ biến hơn. Năm 1686, đức Innocent XI nhận thấy hiếm người có thể tới được Thánh Địa vì sự cấm cản của Hồi giáo, ngài ban cho các tu sĩ dòng thánh Phanxicô đặc quyền được dựng chặng đàng thánh giá nơi tất cả các nhà thờ của mình. Đức giáo hoàng cũng tuyên bố rằng tất cả những ân xá ban cho người đi viếng các nơi thánh thiêng ở Thánh Địa cũng được áp dụng cho tu sĩ dòng thánh Phanxicô hay giáo dân liên hệ với dòng này khi họ viếng các chặng đàng thánh giá đặt trong thánh đường. Năm 1726 đức Bênêđictô XIII mở rộng đặc ân đó cho tất cả mọi người tín hữu. 5 năm sau, đức Clementê XII cho phép tất cả mọi nhà thờ được đặt các chặng đàng thánh giá, thường là 14 tượng thánh giá có kèm theo bức ảnh mô tả diễn tiến mỗi chặng. Thực hành đạo đức này trở nên phổ biến cũng là một phần nhờ lời giảng, sự cổ võ của các nhà giảng thuyết. Chẳng hạn, thánh Leonard Casanova (1676-1751), được cho là đã xây dựng hơn 600 chặng đàng thánh giá trên khắp nước Ý.
Cho đến nay, chúng ta có 14 chặng đàng thánh giá theo cổ truyền:
1. Quan Philatô luận giết Đức Chúa Giêsu
2. Đức Chúa Giêsu vác thánh giá.
3. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
4. Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu vác thánh giá
5. Ông Simon vác thánh giá đỡ Đức Chúa Giêsu
6. Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lọt mặt
7. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
8. Đức Chúa Giêsu đứng lại an ủi con thành Giêrusalem
9. Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
10. Quân dữ lột áo Đức Chúa Giêsu
11. Quân dữ đóng đanh Đức Chúa Giêsu
12. Đức Chúa Giêsu sinh thì trên thánh giá
13. Tháo đanh Đức Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Đức Mẹ
14. Táng xác Đức Chúa Giêsu trong hang đá.
Vì có một liên hệ rõ ràng giữa cuộc tử nạn, cái chết và cuộc phục sinh của Đức Giêsu, một số sách đạo đức hiện nay đã thêm vào chặng thứ 15, kính nhớ cuộc Phục Sinh.
Tại các nhà thờ Công giáo, việc đi các chặng đàng thánh giá vào những ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay đã trở thành thông lệ. Nhiều nhà thờ còn cử hành hai lần, một vào buổi chiều, thường dành cho học sinh, và một vào buổi tối. Nơi một số nhà thờ Tin Lành, đặc biệt là các chi phái Episcopal và Lutheran, cũng đi các chặng đàng thánh giá như là một hoạt động trong Mùa Chay, nhất là vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://catholicstraightanswers.com
Bố lên Thiên đàng rồi?!
Thưa cha! Hôm nay là lễ giỗ lần thứ 15 của bố con. Con kêu gọi anh em bà con xin lễ và tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho linh hồn của bố. Đứa em trai thứ 3 của con cắc cớ nói một câu: “Bố lên Thiên đàng rồi. Không cần xin lễ nữa. 15 năm nay đọc kinh quá chừng, xin lễ quá chừng, chẳng lẽ còn dưới luyện ngục à?” Con chẳng biết trả lời thế nào, chỉ biết nói: “Ai biết được, lỡ may bố còn dưới luyện ngục thì sao?” Sau đó thì cả gia đình cũng đi dự lễ cầu nguyện cho bố. Xin cha cho biết thêm ý kiến về vấn đề này.
LM. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, DCCT, trả lời:
Bạn Văn Chương thân mến,
Khi xin lễ và cầu nguyện cho người thân đã qua đời chúng ta phó trao linh hồn người quá cố cho lòng từ nhân và thương xót của Thiên Chúa. Việc xin lễ và đọc kinh với số lần hay với số lượng thời gian không phải là một chuẩn mức để cân đo hay tính toán để rồi có thể coi là đủ đòi Thiên Chúa phải thực hiện mong muốn của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể hiểu được mức độ mà một linh hồn cần được thanh luyện cho cân xứng trước khi vào hưởng vinh quang Thiên quốc?
Trừ phi một người được Giáo Hội phong thánh thì chúng ta mới tin chắc người ấy được Thiên Chúa ban thưởng trên trời, còn tất cả mọi người đã qua đời đều cần đến lời cầu nguyện của chúng ta. Việc cầu nguyện cho người thân không những chỉ là cầu xin cho họ mau được hưởng nhan thánh Chúa mà còn bày tỏ lòng hiếu kính của con cháu đối với các bậc sinh thành, lòng biết ơn với những người đã thương yêu chúng ta, lòng bác ái thiêng liêng với những người đã ra đi trước chúng ta. Vì thế, chúng ta không thể tự tiện cho rằng việc cầu nguyện của chúng ta như thế là đủ và tự ý tuyên bố một linh hồn được lên Thiên đàng rồi không cần đến lời cầu nguyện của chúng ta nữa. Việc cầu nguyện là của chúng ta còn áp dụng việc lành chúng ta làm cho các linh hồn là việc của Chúa. Chúng ta hãy để cho Chúa hành động theo lượng nhân từ và thương xót của Ngài chứ không thể tự ý đưa ra một khẳng định ngoài tầm nhận thức của mình.
Tại sao linh mục phải mặc áo dài trắng, áo lễ và đeo dây các phép ?
° Áo dài trắng (cũng gọi là áo Alba) là loại áo chùng dài màu trắng với hai ống tay rộng, được mặc bên trong áo lễ.
° Dây các phép (cũng gọi là dây Stola) là một dải vải dài, thường cùng màu với áo lễ. Giám mục và linh mục mang dây các phép chung quanh cổ và rủ xuống phía trước, còn thày phó tế thì đeo chéo vai. Cách đeo dây các phép cho phép ta dễ nhận ra phẩm trật của các chức thánh (giám mục, linh mục, phó tế).
° Áo lễ, rất rộng phủ ngoài áo dài trắng. Màu áo thì tùy theo mùa phụng vụ hoặc theo ngày lễ: đỏ, xanh, tím, trắng (hoặc vàng).
Phó tế chỉ mặc áo trắng và dây các phép (chéo vai).
Trong Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô, các chi thể không thi hành cùng một chức vụ như nhau. Khi thi hành việc phụng tự, sự khác biệt về chức vụ được biểu lộ ra bề ngoài nhờ sự khác biệt về phẩm phục. Do đó phẩm phục là dấu chỉ của mọi thừa tác viên. Hơn nữa, phẩm phục thánh làm tăng vẻ trang trọng của chính nghi lễ phụng vụ.
Nếu linh mục phải mặc áo dài trắng, áo lễ và đeo dây các phép trong thánh lễ, chính chỉ vì muốn cho mọi người biết rằng linh mục nói và hành động không phải với danh nghĩa cá nhân của mình, nhưng là nhân danh Đức Giêsu Kitô.
(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Ý nghĩa Chúa Nhật Lễ Lá
Với Lễ Lá, chúng ta bắt đầu tuần lễ quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ gọi là Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế. Dầu cho với cái nhìn chính trị, xã hội của con mắt người đời, việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, là một việc có tính cách gây rối chính trị, vì đế quốc Rôma đang cai trị và Hêrôđê đang làm vua. Nhưng Chúa Giêsu, Người biết rõ việc Người làm. Trước mặt Philatô, Người tuyên bố rõ ràng: “Tôi là Vua nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này”.
Vậy Phụng vụ Lễ Lá có thể gợi lên cho chúng ta ba ý nghĩa
– Trước tiên Chúa Nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Biến cố đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, biết rằng Người phải làm gì và Người đã tự nguyện bước vào cái chết sinh ơn cứu độ, như hạt lúa miến đã chết đi để sinh sự sống mới. Người tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Vì thế trước đó nhiều lần, những người Do Thái chống đối lập mưu để giết Người, như ném đá Người hoặc xô Người xuống vực thẳm, nhưng họ không làm được việc gì, vì giờ của Người chưa đến. Và cũng đã nhiều lần dân chúng hợp lại định tôn phong Người lên làm vua, nhưng Người đã lẩn trốn sang nơi khác cũng chỉ vì giờ của Người chưa đến.
– Ý hướng thứ hai của Lễ Lá là ngày lễ để tôn kính Chúa Kitô là Vua. Ðây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đồng ý để cho dân chúng tung hô vạn tuế Người là Vua: “Hoan hô chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời.” Người vào Giêrusalem, thành của vua cả trong phong cách đế vương, và chính vì phong cách đế vương này mà Người đã bị kết án tử hình. Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng, Do Thái, La Tinh và Hy Lạp, “Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái.” Vì thế, dầu cho Người bị kết án tử hình bằng một hình khổ dã man và nhục nhã, đóng đinh chân tay căng thây trần truồng trên Thập Giá, nhưng các sách Phúc Âm đều ghi đậm nét vẻ vương giả của Người để khai mào một vương quốc mới. Vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của yêu thương và an bình như Người đã nói trước mặt Philatô: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng Tôi.” Vậy Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta một cơ hội nữa để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Vua các vua, Vua cả trời đất, nhất là Vua của mọi cõi lòng.
– Với ý nghĩa thứ ba, Chúa Nhật Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ, vì lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê. Khi chấp nhận bằng lòng vác thập giá mình mà theo chân Chúa Giêsu, đó là chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Người, noi gương Người để vác thập giá, nhưng điều quan trọng là không phải vác đi trong than khóc mà trong hy vọng. Vì với Chúa Giêsu, đau khổ và chết chóc không dồn con người vào ngõ bí, mà là dẫn đưa đến vinh quang của ngày sống lại.
Hôm nay trong cái nghịch lý của Lễ Lá, vị Vua của chúng ta tiến lên, vị Vua đã bênh vực nhân vị của con người, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác như tinh thần của những ai đến cùng Người. Vị Vua đó đã thu, đã hút tất cả những đau khổ của thể xác và tinh thần của con người vào chính bản thân mình, để chết đi một lần cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào chốn trường sinh. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.
Ðể có việc làm cụ thể trong tuần này, chúng ta sẽ tìm cách tế nhị giúp cho một người đang gặp khó khăn vật chất hoặc đau buồn tinh thần, để họ lấy lại được niềm hy vọng. Và noi gương Chúa Giêsu nơi vườn cây Dầu, khi Người cầu nguyện: “Lạy Cha nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa Con, nhưng xin đừng theo ý Con một theo ý Cha mà thôi,” chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết vui lòng vâng phục thánh ý Chúa, dầu lắm khi chúng ta không hiểu được tại sao.
FatimaCompany
Tại sao thánh lễ thường bắt đầu bằng một bài hát ?
Ca hát là cách diễn tả thông thường của bất cứ lễ hội nào. Và việc gặp gỡ Thiên Chúa luôn luôn là một lễ hội.
Bài hát nhập lễ nhằm xóa tan sự lạnh lùng của mỗi người chúng ta và kết hợp chúng ta thành một cộng đoàn tình thương và sống động.
Hát là dấu chỉ niềm hân hoan trong tâm hồn. Chúng ta hát để diễn tả sự hiệp nhất của cộng đoàn tham dự và để nói lên rằng chúng ta vui sướng được gặp lại nhau, như thánh vịnh 132 đã biểu lộ:
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
Anh em được sống sum vầy bên nhau!”
Niềm vui này phải được diễn tả cụ thể trong nghi thức đầu tiên của thánh lễ là sự tập họp của đoàn dân Chúa.
(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)
Tại Sao Kiêng Thịt Mà Không Kiêng Cá?
Luật Giáo hội buộc tín hữu phải ăn chay kiêng thịt. Nhưng mà tại sao phải kiêng thịt? Tại sao phải kiêng thịt mà không kiêng cá, kiêng trứng hay kiêng trái cây? Ăn thịt có gì xấu không?
Trước hết, nên lưu ý tới việc sử dụng từ ngữ. Tiếng “ăn chay kiêng thịt” gợi lên cho chúng ta hai điều: một điều cấm (kiêng) và một điều khuyến khích. Điều cấm là kiêng thịt; điều khuyến khích là ăn chay. Chắc chị đã biết rằng ở Việt Nam có vài tôn giáo đã hiểu như vậy: ăn chay có nghĩa là ăn đồ chay, những đồ lạt, không mặn. Còn đối với Kitô giáo, ăn chay có nghĩa là kiêng ăn. Như thế, ngoài chuyện kiêng thịt lại còn thêm chuyện kiêng ăn nữa. Vì vậy nếu muốn diễn tả cho đúng tư tưởng thì thay vì nói “ăn chay kiêng thịt”, chúng ta phải nói “kiêng ăn kiêng thịt” hoặc là “chay ăn chay thịt”! Nếu đặt lại vấn đề như vậy thì câu hỏi “tại sao phải kiêng thịt” đã được giải quyết một phần rồi, nghĩa là chúng ta kiêng thịt không phải tại vì thịt nó xấu xa, cũng như chúng ta kiêng ăn không phải tại vì sự ăn uống xấu xa: sự ăn uống cần thiết cho sự sống; nếu ai tuyệt thực hoàn toàn thì sẽ sớm qua bên kia thế giới.
Chúng ta kiêng thịt không phải vì nó xấu; thế thì tại sao lại chỉ kiêng thịt mà không kiêng luôn cả cá nữa?
Vấn đề kiêng thịt không phải là cái gì riêng của Kitô giáo. Nó đã có một truyền thống lâu đời ở các tôn giáo trên thế giới, tuy với những lý do và động lực khác nhau. Chẳng hạn như các tín đồ Phật giáo kiêng thịt bởi vì họ tin vào thuyết luân hồi: khi giết các súc vật, biết đâu ta đã giết chính ông bà của mình bị phạt đầu thai làm kiếp súc vật. Dĩ nhiên, Kitô giáo đã đặt ra kỷ luật kiêng thịt không phải tại vì tin theo thuyết luân hồi nhưng dựa theo một động lực khác. Trong Cựu ước, ta đã thấy có những luật về kiêng thịt với những chi tiết khá phức tạp, thí dụ trong chương 11 của sách Lê vi, phân biệt những thú vật ô uế với vật tinh tuyền.
Tại sao lại có sự phân biệt giữa các thú vật tinh tuyền với thú vật ô uế?
Các nhà chú giải Kinh thánh không trả lời được. Có lẽ tác giả của sách Lêvi đã lấy lại một tập tục có từ xa xưa mà không còn ai nhớ rõ gốc gác. Cho dù lý do phân loại thế nào đi chăng nữa, đến khi bước sang Tân ước, ta thấy có những cuộc cách mạng quan trọng. Chúa Giêsu đã xóa bỏ sự phân biệt giữa các vật tinh tuyền và vật ô uế. Sự tinh tuyền và ô uế nằm ở trong lòng của mình chứ thú vật chẳng có tội tình chi cả (Mc 7,15). Tuy nhiên, xem ra các Kitô hữu tiên khởi (phần lớn gốc Do thái) không thể thay đổi não trạng nhanh chóng, thí dụ như ở chương 10 của sách Tông đồ công vụ, ta thấy thánh Phêrô còn sợ chưa dám ăn một vài thứ chim trời đã bị xếp vào hàng ô uế; lật qua chương 15 (câu 20 và 29) ta còn thấy thánh Giacôbê muốn đòi buộc các tín hữu tân tòng phải kiêng tránh vài thức ăn. Nhưng thánh Phaolô đi mạnh mẽ hơn, nhất là vì ngài để ý tới dân ngoại hơn là tới dân Do thái. Thực vậy, thánh Phaolô chấp nhận hoàn toàn giáo lý của đức Kitô, theo đó chẳng có lương thực nào là ô uế hết. Nhưng có một vấn đề được đặt ra là có được ăn đồ cúng hay không? Trong thư gửi Rôma 14,14-16 thánh Phaolô đã phân biệt như thế này: tự nó, đồ cúng hay đồ không cúng chẳng có gì khác nhau, cho nên các tín hữu không phải kiêng cữ. Tuy nhiên, nếu có người non nớt bị vấp phạm vì việc người tín hữu ăn đồ cúng, thì mình phải tránh. Nói khác đi, mình kiêng ăn đồ cúng không phải tại vì nó là đồ ô uế nhưng mà mình phải tránh gây gương xấu cho người anh em mình; đây là một bổn phận thuộc giới răn bác ái yêu thương.
Như vậy, thánh Phaolô khuyến khích chúng ta cứ tha hồ ăn uống, phải không?
Thánh Phaolô không bao giờ xúi các tín hữu ăn uống say sưa; trái lại, ngài đã hơn một lần khiển trách những người lấy cái bụng làm chúa. Thánh Phaolô chỉ muốn huấn luyện lương tâm của các tín hữu, hãy tìm hiểu cái lý do của các luật lệ, chứ không phải chỉ giữ luật lệ cách máy móc. Tất cả các lương thực đều tốt bởi vì do Chúa dựng nên cho con người. Chúng ta hãy hưởng dụng để ngợi khen Ngài. Việc ăn uống có thể trở thành cơ hội để chúc tụng tạ ơn Chúa như chúng ta đọc thấy ở thư gửi Rôma 14,6. Tuy nhiên, cần có chừng mực. Hơn thế nữa, thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu hãy tiến thêm một bước nữa, biết hy sinh cả những cái gì được phép làm: việc kiêng cữ những điều tốt nằm trong chương trình thao luyện tinh thần giống như các lực sĩ tập luyện ở thao trường (1Cr 9,27), nhất là để hoạ theo gương của đức Kitô chịu thụ nạn trên thập giá vì yêu thương chúng ta.
Nhưng nếu đã muốn kiêng khem lương thực thì kiêng hết các món, chứ sao lại chỉ kiêng thịt?
Như tôi đã nói ở đầu, trong Việt ngữ, vì đã quá quen với thành ngữ “ăn chay kiêng thịt” cho nên chúng ta chỉ giới hạn sự kiêng vào chuyện ăn thịt. Vấn đề kiêng cữ bao hàm việc kiềm chế hết những gì đem lại thỏa mãn thích thú, nhằm giúp cho ý chí chế ngự được bản năng. Theo một vài sử gia, trong những thế kỷ đầu tiên, Giáo hội phải mệt với những phe khắc khổ hơn là với phe phóng túng. Phe khắc khổ đòi Giáo hội phải ra luật buộc tất cả các tín hữu phải giữ chay. Nhưng mà Giáo hội đâu có thể bắt hết mọi người phải trở thành nhà khổ tu được. Mặt khác, trong số các vị khổ tu thời đó, không thiếu những người chịu ảnh hưởng của thuyết ngộ giáo, coi xác thịt và hôn nhân là tội lỗi. Dù sao, việc khổ chế vào những thế kỷ đầu hoàn toàn mang tính cách tự nguyện. Nếu có luật lệ thì cũng chỉ giới hạn cho từng địa phương chứ không bao trùm toàn thể Giáo hội. Việc kiêng khem tuyệt đối thường được dành cho ngày thứ 6 tuần thánh, rồi dần dần kéo dài ra các ngày thứ 6 hằng tuần. Nhưng mà dần dần kỷ luật kiêng khem tuyệt đối (chay ăn) được gia giảm bởi vì nhiều tín hữu phải làm việc lao động nặng nhọc, cần ăn uống để lấy sức. Mức độ châm chế được thay đổi tùy vùng tùy nơi. Bên Trung đông, người ta kiêng cả sữa, bơ, trứng; nhưng mà bên Tây phương, người ta chỉ đòi kiêng thịt. Từ thời Trung cổ, sự khổ chế tự nguyện biến thành khổ chế bắt buộc, nghĩa là trở thành luật buộc. Ngoài ra việc chay tịnh cũng là một hình phạt đền tội dành cho những hối nhân. Việc soạn thảo một bản văn pháp lý đòi hỏi phải xác định tỉ mỉ các chi tiết của nghĩa vụ. Hậu quả là người ta trở lại với não trạng của các luật sĩ vào thời Chúa Giêsu, với đủ thứ vấn nạn được nêu lên: luật kiêng thịt buộc phải kiêng những thứ gì? Có phải kiêng mỡ heo, kiêng sữa bò, tiết canh hay không? Các giống động vật nào phải kiêng: máu nóng hay máu lạnh? thú vật trên bộ hay là dưới nước? Ngan, ngỗng, vịt, lươn, rùa, sò ốc nhái có phải kiêng không? Các chuyên gia về luân lý tha hồ mà nghiên cứu tranh luận về các loại thịt. Tiếc rằng người ta đã mất đi cái động lực của nó là tinh thần khổ chế lúc đầu. Vì thế có cảnh ngược đời là có người mong tới ngày thứ 6 để có dịp đi ăn ở nhà hàng thủy sản thập cẩm. Đối lại là cái cảnh chảy nước mắt của bao dân nghèo phải chi tiền nhiều hơn vào ngày thứ 6, khi mà cá mắc hơn thịt.
Giáo luật ngày nay vẫn giữ nguyên tình trạng như vậy chứ?
Bộ giáo luật hiện hành vẫn còn duy trì luật kiêng thịt, tuy nhiên với một tinh thần mới của công đồng Vaticanô II mà đức Phaolô VI đã muốn tiêm nhiễm với tông hiến Poenitemini (17/2/1966). Tinh thần đó có thể tóm lại 3 điểm sau: Tiên vàn là phải kiêng những gì xấu xa, tức là kiêng phạm tội; nói khác đi việc chay ăn chay thịt phải được lồng trong tinh thần thống hối cải hoán. Ngoài sự kiêng cái xấu, chúng ta hãy gắng tiến thêm một bước để kiêng cả cái tốt: sự kiêng cái tốt cũng nằm trong tinh thần đền tội và tu đức, để tập kiềm chế những đòi hỏi của bản năng dục vọng. Dưới khía cạnh này, lãnh vực kiêng khem rất là rộng: từ kiêng ăn uống cho tới kiêng thuốc lá, tivi, các thứ tiêu khiển giải trí, các thứ tiêu pha hoang phí. Bước thứ ba nữa là ngoài tính cách tiêu cực (kiêng lánh) cần thêm tính cách tích cực: nhịn ăn nhịn mặc để lấy tiền giúp đỡ người nghèo, tỏ tình tương trợ với người thiếu ăn thiếu mặc. Đó là cái động lực của việc kiêng khem. Các Hội đồng Giám mục sẽ tùy theo hoàn cảnh của mỗi địa phương mà đề ra những hình thái cụ thể trong việc áp dụng luật ăn chay kiêng thịt chiếu theo đ.1251 và 1253 của bộ giáo luật.
Lm. Phan Tấn Thành, O.P.
Tin chính thức: Mẹ Têrêsa sẽ được tuyên hiển thánh ngày 04 Tháng Chín
Sau nhiều tháng chờ đợi, ngày tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa cuối cùng cũng đã được xác định. Đó là ngày 04 Tháng Chín, trong năm nay, ngày này cũng là ngày đặc biệt mừng kỷ niệm năm thánh dành cho những người làm việc và các tình nguyện viên Lòng Thương Xót.
Dù tin đồn đã rộ lên từ nhiều tháng nay về việc Mẹ Têrêsa sẽ được tuyên thánh vào ngày 04 Tháng Chín này, Toà thánh chỉ mới xác định chính thức ngày này trong công nghị hồng y hôm 15 Tháng Ba.
Mẹ Têrêsa sinh ngày 26 Tháng Tám 1910, tại Skopje, Macedonia, và có tên khai sinh là Agnes Gonxha Bojaxhiu. Sau khi gia nhập dòng Đức Mẹ Lorette lúc 17 tuổi, mẹ được sai tới Calcutta, một thời gian sau mẹ mắc phải chứng lao phổi, và được đưa đi dưỡng bệnh tại Darjeeling.
Trên đường, mẹ cảm thấy điều mà mẹ gọi là một “lệnh truyền” của Chúa, muốn mẹ rời bỏ tu viện để sống giữa các anh chị em nghèo khó.
Sau khi rời khỏi tu viện, Mẹ Têrêsa bắt đầu đến các khu nhà ổ chuột, dạy đám trẻ nghèo, chữa trị, săn sóc cho những người đau bệnh tại nhà của họ. Một năm sau, một số học trò cũ đã chung tay với mẹ trong công việc này, họ đem về nhà những người đang hấp hối vất vưởng trên phố, không phân biệt nam nữ, trẻ già.
Năm 1950, Tu Hội Thừa Sai Bác Ái được thành lập. Năm 1952, chính phủ cấp cho tu hội một căn nhà để họ tiếp tục việc phục vụ những người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội tại Calcutta.
Mẹ qua đời ngày 05 Tháng Chín 1997, và được đức Gioan Phaolô II tuyên chân phước 06 năm sau vào ngày 19 Tháng Mười 2003.
Ngoài Mẹ Têrêsa, công nghị hồng y cũng quyết định ngày tuyên thánh cho các vị chân phước sau: chân phước Maria Elisabetta Hesselblad, chân phước Jose Sanchez del Rio, chân phước Stanislaus Papczyski (Stanislaus of Jesus Mary) và chân phước Jose Gabriel del Rosario Brochero.
Elise Harris
(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://www.catholicnewsagency.com
Tại sao, sau Công Đồng Vaticanô II, linh mục chủ tế lại đứng đối diện với cộng đoàn ?
Đây là một trong những cải cách phụng vụ thấy rõ nhất của Công Đồng Vaticanô II.
Thời thượng cổ, hầu hết các nhà thờ được xây hướng về phía đông, hướng mặt trời mọc, nơi tượng trưng cho sự Sống Lại. Hướng về phía đông khi cầu nguyện là một cách diễn tả rằng cộng đoàn cùng với linh mục chủ tế ngỏ lời với Chúa Kitô phục sinh.
Chúng ta cũng biết rằng người Do thái hướng về thành Giêrusalem khi cầu nguyện, và người Hồi giáo hướng về thành La Mecque.
Sau Công Đồng Vaticanô II, linh mục chủ tế không quay lưng về phía cộng đoàn theo truyền thống nữa, mà quay mặt về cộng đoàn trong suốt thánh lễ. Thông thường, chúng ta đối diện với người nào đó khi nói chuyện. Do đó thật là hợp lý khi linh mục chủ tế hướng về cộng đoàn: chào đầu lễ, bài giảng… Khi linh mục công bố Tin Mừng, chính là Chúa Kitô nói với dân Người.
Nhưng khi cầu nguyện thì sao? Khi cầu nguyện, tất cả cùng thưa với Chúa. Do đó chúng ta sẽ khó hiểu hơn khi thấy linh mục đứng đối diện với cộng đoàn. Thật ra, bàn thờ được đặt giữa linh mục và cộng đoàn. Sự sắp đặt vị trí như thế có nghĩa là : Chúa không ở trước mặt chúng ta, nhưng ở giữa chúng ta, như lời hứa của Chúa Kitô : “Ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ.”(Mt 18,20). Thánh Phaolô có nói : “Đức Kitô ở giữa anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang !” (Col 1,27).
(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)
Mẹ Têrêsa Calcutta sẽ được ĐTC Phanxicô tôn phong hiển thánh vào Chúa nhật 4-9 tới đây
Tin VATICAN
Mẹ Têrêsa sáng lập dòng các nữ tu thừa sai bác ái, qua đời ngày 5-9-1997, hưởng thọ 87 tuổi, và được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 1910-2003.
Trước đó, Chúa nhật 5-6, ĐTC Phanxicô sẽ tôn phong hai chân phước khác lên bậc hiển thánh là cha Stanislao Giêsu Maria người Ba Lan, và nữ tu Maria Elisabetta Hesselblad người Thụy Điển.
Sau cùng, chúa nhật 16-10, đến lượt hai chân phước được phong thánh là Giuse Sanchez Del Río, người Mêhicô, tử đạo lúc mới được 14 tuổi, và Cha Giuse Gabriel del Rosario Brochero, cha sở người Argentina.
ĐTC đã thông báo quyết định trên đây trong công nghị Hồng Y lúc 10 giờ sáng ngày 15-3-2016.
– Nữ chân phước Maria Elisabetta Hesselblad (1870-1957) sáng lập dòng các nữ tu Chúa Cứu Thế thánh Brigida, nổi bật về đời sống chiêm niệm, thi hành các việc bác ái săn sóc người nghèo và cỗ võ sự hiệp nhất các tin hữu Kitô.
Nữ tu Hesselblad qua đời tại Roma năm 1957 thọ 87 tuổi và được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 9-4 năm thánh 2000. Dòng thánh Brigida hiện có 584 nữ tu hoạt động tại 54 nhà trên thế giới.
– Cha Stanislao Giêsu Maria, tục danh là Gioan Papczynski (1631-1701), sáng lập dòng dòng nam đầu tiên tại Cộng hòa Ba Lan Lituani. Ngài nổi bật về trường phái linh đạo Ba Lan, chuyên chiêm niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cũng như tỏ ra đặc biệt nhạy cảm đối với những bất công xã hội. Cha Stanislao Giêsu và Maria qua đời năm 1701, thọ 70 tuổi, và được Đức Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 16-9 năm 2007 tại Đền thánh Đức Mẹ Lichen, Ba Lan.
– Chân phước thiếu niên Giuse Sanchez Del Rìo, 14 tuổi khi viếng mộ chân phước tử đạo Amacleto González Flores, đã cầu xin Chúa cho mình được ơn chết vì bênh vực đức tin. Cậu bị giết ngày 10 tháng 2 năm 1928, miệng hô to: ‘Hoan hô Chúa Kitô Vua! Hoan hô Đức Mẹ Guadalupe!”.
– Sau cùng, chân phước José Gabriel del Rosario Brochero, (1840-1914), qua đời năm 1914 thọ 74 tuổi, nguyên là cha sở giáo xứ thánh Alberto thuộc tỉnh Cordoba, tận tụy loan báo Tin Mừng và săn sóc dân chúng, nhất là những người nghèo, thăng tiến cuộc sống của họ. Cha qua đời vì kiệt lực và được phong chân phước ngày 14-9 năm 2013 do quyết định trước đó của ĐTC Biển Đức 16 ngày 20-12 năm 2012 (SD 15-3-2016)
G. Trần Đức Anh OP
Recent Comments