Nước Trời chững lại ở Á châu

ภัยแล้งพิจิตร

สภาพทุ่งนาที่ต้นข้าวยืนต้นตายหลังประสบปัญหาภัยแล้งฝนทิ้งช่วงยาวนานของชาวนาในเขตตำบลเมืองเก่า อำเภอเมือง จังหวัดพิจิตร

 

Con người khổng lồ Châu Á, chiếm quá bán dân số toàn cầu, mà Đạo Chúa cho đến nay vẫn còn là chàng tí hon ở đó, dù công cuộc truyền giáo đã khởi phát từ rất sớm, với thánh Tôma bên Ấn Độ vào đầu công nguyên, với mấy đợt xâm nhập từ Ba tư-Syri vào Ấn và Trung quốc ở thế kỷ V, với nhiều cuộc đổ bộ của thừa sai Phương Tây vào thế kỷ XVI-XVIII.

Cần phải tìm hiểu do đâu mà Đạo của Thiên Chúa thành người mang tới, với Chúa Thánh Thần họat động dũng mãnh từ bên trong, Đạo ấy phải chững lại ở Á châu này, không sao tiến triển nổi.

Trước khi vào vấn đề, hãy xác định tình trạng Công giáo ở Lục địa vàng chúng ta.

Tình trạng hiện nay của Công giáo Châu Á

Vào năm 2015, dân số toàn cầu là 7 tỷ. Riêng Á châu chiếm tới 4.384.844.000 người, tức 63% thế giới. Một mình Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại (1.370.793.000 + 1.299.499.000) đã thành 2.670.292.000 rồi.

Thế mà vào năm 2010, Công giáo Á châu chỉ đếm được 130.520.000 thôi. Chưa hết, trong số nói trên, một mình Phi luật tân đã góp tới 75.570.000 rồi, chừa ra chỉ có gần 55 triệu chia cho hơn 4 tỷ người còn lại của vùng trời chúng ta thôi : một hạt cát trên bãi biển!

Đó mới chỉ là số lượng. Còn về chất lượng, tình hình cũng không có gì sáng sủa. Chất lượng, đó là độ sâu sống đạo của tín hữu, từ đó có các thánh hiển tu.

Không thể chối cãi rằng những nước như Tầu, Việt và Hàn quốc đã cống hiến rất nhiều tử đạo, trong số đó có lắm người được phong thánh. Thế nhưng thánh (và chân phúc) hiển tu thì chẳng có ai, trừ dăm ba người gốc Ấn Độ, như cha Jose Vaz truyền giáo ở Sri Lanka. Như chúng ta biết, để thành thánh hiển tu, phải sống đức hạnh đến mức anh hùng, và như thế kéo dài cả mấy chục năm, cho đến chết. Phải chăng người Á châu không thể đạo đức đến vậy? Chỉ biết rằng lục địa này, với hai nền văn minh nhân bản (Trung quốc và các nước xung quanh) và thần bản (Ấn Độ) lâu đời và rất cao, đã sản sinh được khá nhiều thánh hiền như Lão-Trang và Khổng-Mạnh, như Gandhi và Tagore cùng biết bao ẩn sỹ và thiền sư danh tiếng trong Bà la môn giáo và Phật giáo. Vậy phải chăng vì thiếu hội nhập, nên mầm cây Đạo Chúa gieo vào, không thể mọc lên từ chính cái gốc văn hóa rất nhiêu phong ấy, cũng như đã không thể lan rộng vì không hợp thủy thổ là phong tục bên ngoài?

Thiếu hội nhập văn hóa

Cũng như Phật giáo lấy từ bi làm gốc, Công giáo lấy yêu thương làm nền, nên chỉ có thể phổ đạo bằng cách hội nhập và thẩm thấu thôi, chứ không làm như Hồi giáo được. Hồi giáo mở đạo bằng thánh chiến và o ép, nên muốn sống còn, dân bị trị đành cải theo họ thôi. Theo đạo như thế thì đạo không sâu, nhưng nhờ kỷ luật thép bên ngoài và việc hành đạo tập thể (cứ đúng giờ thì người người phủ phục cầu kinh, cứ đúng tháng thì tất cả đều trai tịnh), nên về lâu về dài, chỉ mấy thế hệ sau là đạo thành vững chắc. Chính do truyền đạo và quản đạo kiểu ấy, nên Islam bành trướng rất nhanh, nhất là vào thời đế chế Ottoman (Thổ nhĩ kỳ). Chính Giêrusalem cũng bị quân Thổ chiếm đóng trước đó, để rồi biết bao cuộc thập tự chinh đã không giải phóng nổi. Ngay cả Châu Âu cũng bị đe dọa, và phải nhờ cuộc chiến thắng ở eo biển Lepanta mới cứu nổi Tây Âu khỏi bị xâm lăng và Hồi hóa toàn bộ vào thế kỷ XVI. Riêng tại Nam Á, cuộc tiến chiếm của quân Thổ vào thế kỷ VIII, rồi của Afghanistan vào thế kỷ XII, của Mông cổ vào thế kỷ XVI đã nhanh chóng làm cho Hồi giáo bên Ấn ngày nay đạt tới con số 180 triệu tín đồ, và nếu kể cả Pakistan và Bangladesh (xưa cũng thuộc đất Ấn) vào, thì con số sẽ là 510 triệu, trong khi Công giáo, với biết bao cố gắng suốt nhiều thê kỷ, chỉ vẻn vẹn có được 19,9 triệu tín hữu thôi.

Người ta có thể hỏi, tại sao vẫn truyền giáo bằng đường lối ôn hòa, Công giáo đã biến nổi Nam Mỹ và Phi luật tân thành gần như toàn tòng một cách rất nhanh?

Xin thưa, chỉ vì người da dỏ Châu Mỹ la tinh là những dân bán khai, và thổ dân Phi luật tân khi xưa cũng chưa làm thành một quốc gia, một xã hội có tổ chức. Do đó, họ dễ dàng bỏ đi những mê tín cũ mà cải đạo theo đoàn người văn minh mới tới.

Trái lại, các nước như Trung quốc và Ấn Độ, với một nền văn minh nhân bản khá cao, với những kỹ thuật tu luyện như thiền và yoga mà ngày nay Tây phương phải cầu học, thì do tự tôn và tự hào dân tộc, họ không dễ chấp nhận một tôn giáo, một nền tu đức từ xa tới. Do đó, Công giáo chỉ có cách hội nhập vào, thành như một cái gì thân thuộc của họ, để rồi trao hiến cho họ cái gì là của mình. Và đó là con đường nhập thể của Chúa : Thành người giữa mọi người, rồi mới chia sẻ cho con người thần tính của Thiên Chúa.

Cũng xâm nhập một cách ôn hòa như chúng ta, Phật giáo đã làm được như vậy, khiến tại Á châu họ đã có 360 triệu tín đồ, trong khi chúng ta chỉ mới vẻn vẹn 55 triệu (trừ Phi luật tân ra). Do đâu mà họ làm được như vậy, mà Công giáo thì không?

Vì Phật giáo không cứng nhắc như chúng ta, nên họ dễ uốn theo tập tục địa phương. Các nước Đông Á trọng chữ Hiếu ư? Trong khi Công giáo đấu đá nhau bằng vụ án “Lễ phép nước Ngô”, thì Phật giáo lại dễ dàng tạo ra lễ Vu Lan để báo hiếu cha mẹ. Thậr ra Vu lan (Ullambana), có nghĩa Treo ngược, chỉ là một niềm tin dân gian bên Ấn, theo đó thì người chết bị treo ngược để đi sâu mãi vào lòng đất và biến thành ngạ quỷ (quỷ đói). Niềm tin này được nhắc đến trong chương 48 của đại sử thi Mahâbhârata. Phật giáo du nhập niềm tin đó vào những nước như Việt Nam và Trung quốc vốn thờ cúng gia tiên và coi trọng đạo Hiếu. Tại đây Phật giáo đề ra một Ngày báo hiếu lớn vào rằm tháng bảy : Con cái cài hoa hồng đỏ nếu bố mẹ còn sống, cài hoa hồng trắng để tưởng nhớ bố mẹ đã qua đời. Chưa hết, nhân Rằm tháng bảy ấy là cuối kỳ Kết hạ (an cư tu tập ba tháng mùa mưa của chư tăng, hầu tránh đi lại đạp chết côn trùng đang kỳ sinh sản), các tín đồ sẽ dọn cơm chay cúng dường để chư tăng tụng kinh siêu độ cho gia tiên đến bảy đời, giúp gia tiên của cư sỹ khỏi đi sâu mãi vào địa ngục và thành ngạ quỷ.

Thật ra, Phật giáo hồi đầu tại Trung quốc cũng bị Nho giáo tấn công liên tục, không phải vì Phật giáo cho bằng vì lối tu của nhà sư. Nhà sư không lập gia đình ư? Đó là tội bất hiếu lớn nhất :”Bất hiếu hữu tam, vô hạu vi đại”. Nhà sư cạo trọc đầu ư? Đó là không quý trọng hinh hài bố mẹ ban cho.

Nhưng về các mặt khác, Phật giáo lại hội nhập dễ dàng, nhất là giữa giới bình dân.

Chính vì Phật giáo bản địa hóa dễ dàng, nên không mấy chốc họ trở thành tông giáo Trung quốc, ngang bằng với Nho giáo và Đạo giáo trong bộ ba : Nho, Thích, Đạo. Không những thế, nhà sư còn sử dụng khái niệm của Trang tử khi trình bày học thuyết của mình, còn Tân Nho giáo thì đem những khái niệm Phật học vào diễn giải sách Kinh Dịch, Đại học và Trung Dung[i]. Ngoài ra, ba nền tư tưởng Nho-Thích-Đạo còn phối hợp hài hòa với nhau, bắt đầu từ thời Đường và đạt tới đỉnh cao vào thời Tống.

*

Cố nhiên Công giáo chúng ta không thể quá ư dễ dãi trong vấn đề hội nhập, giống như Phật giáo trong tín ngưỡng dân gian Tam giáo đồng nguyên. Nhưng sau khi giữ chắc cái gì là tinh thần và căn bản của niềm tin, chúng ta cần bạo dạn thay đổi ở những gì là hinh thức và tùy thuộc.

Thậr ra Công giáo đã có những cố gắng bản địa hóa như thế đấy.

Bên Ấn, những người như Roberto Di Nobili và Henri Le Saux đã cố hội nhập theo chiều sâu: Di Nobili dấn thân vào cuộc tu bỏ đời (samnyâsa) và tìm học kinh thư Bà la môn giáo; còn Le Saux thì hành thiền đêm ngày, cố đạt huyền nghiệm (đại định) hầu đưa niềm tin Công giáo vô giải thích những kinh nghiệm ấy. Thế nhưng cũng khi ấy, đại bộ phận những thừa sai khác vẫn ở nhà cao cửa rộng và ăn thịt thả cửa (trong lúc toàn dân Ấn trường trai, tức không ăn thịt cá), kể cả thịt con bò là biểu tượng của thượng thần Siva.

Còn tại Trung Quốc, vì nước này tôn kính Đức Khổng và coi trọng việc Thờ ông bà, nên nhóm Matteo Ricci cổ võ cả hai tục đó giữa người Công giáo, chỉ bỏ đi những mê tín kèm theo thôi. Nhờ đó và nhờ những kiến thừc thiên văn, toán học…mà nhóm được triều đình và sĩ phu coi trọng. Kết quả là hoàng đế cho phép truyền đạo và xây thánh đường bất cứ đâu. Không may, các nhóm truyền giáo khác, vì không thạo ngôn ngữ, phong tục và kinh thư Trung hoa, nên chống đối và kiện tới Rôma. Cuối cùng, “Lễ phép nước Ngô” bị Tòa thánh cấm, và thế là phương pháp thấm nhập từ bên trong và phổ đạo từ bên trên (từ vua quan và nho sỹ xuống dân chúng) của nhóm Ricci thất bại khi triều đình và quan lại trở mặt, coi Công giáo là tả đạo vì không trọng Đức Khổng và bất hiếu với ông bà. Thế là tan vỡ giấc mơ Công giáo hóa Trung hoa và các nước xung quanh, giấc mơ bắt đầu từ thánh Phan sinh Xavier khi ngài hiểu rằng để Nhật tin theo Chúa, thì Trung hoa phải tin theo trước. Chính do đó mà thánh nhân đã sang nằm chờ ở cửa ngõ Nước Tầu và chết gục ở Thượng xuyên.

Riêng tại Việt Nam, nhóm Đắc lộ đã có công sáng tạo chữ quốc ngữ, và đây là đóng góp rất lớn cho việc xóa nạn mù chữ rất nhanh cho cả một dân tộc, cho việc nở rộ nền văn học tiếng Nôm (tiếng Nam chính cống), khởi đầu với nhóm tạp chí Nam phong, rồi Tự lực văn đoàn… Cuốn Từ điển Việt-Bồ-La của Đắc Lộ giúp tìm hiểu tiếng Việt vào thời ấy, và cuốn Phép giảng tám ngày đã lợi dụng được đạo Hiếu quan trọng bậc nhất của Khổng giáo : “Lập ái tự thân thỉ” ( dựng Yêu mến khởi đi từ cha mẹ, Lễ ký) để đưa ra học thuyết Tam phụ, với người cha gần nhất là Thân phụ, người đã sinh ra thân xác ta và nuôi dưỡng, giáo dục ta cho thành người; kế đến Trung phụ là vua, vị coi giữ an ninh cho ta; và cao nhất là Thượng phụ, Đấng Chủ tể trời đất, đã dựng nên linh hồn và xác ta, đã làm nên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao để sáng soi cho ta, đã tạo nên cây cỏ và chim muông để nuôi sống ta, cuối cùng sẽ thưởng phạt công minh và cho người lành được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Cha Đắc lộ cũng chống lại việc bắt người theo đạo phải cắt tóc và ăn mặc khác với người địa phương. Khuyết điểm duy nhất của ngài là thiếu tinh thần đối thoại tôn giáo, thiếu sót chung của mọi giáo sỹ trước Vatican II. Chính vì hế, nên ngài chỉ trích Phật giáo và luôn cả việc thờ ông bà. Chúng ta nên nhớ, chỉ mới trên nửa thế kỷ trước đây thôi, tờ Trung hòa báo của các cố đạo Hà nội còn liên tục đăng tác phẩm “Phục Phật xích độc’ để bài bác Phật giáo.

Gần đây, Hội đồng giám mục Việt Nam đã cho phép lập bàn thờ gia tiên và làm một số cải cách trong hướng đi hội nhập và đối thoại. Nhưng cần làm nhiều hơn và tiến xa tiến sâu hơn nữa. Nhất là làm việc có phương pháp bằng cách lập một Ủy ban nghiên cứu gồm những nhà chuyên môn và có tâm huyết, kế đó một Ủy ban thi hành giúp cho sáng kiến của Ủy ban trên được thực hiện đến chốn đến nơi.

Hội nhập văn hóa không chỉ là bản địa hóa, mà còn là thời đại hóa nữa. Thế giới ngày càng biến chuyển rất nhanh, và Đạo cần luôn đổi mới để bắt kịp nhịp đập của nó, nếu không sẽ bị nó bỏ lại đằng sau.

Cần thay đổi trước tiên trong Đạo và ở Việt Nam là việc tôn trọng phụ nữ va trao nhiều trách vụ cho giáo dân ở giáo xứ và giáo phận.

Có vẻ như trở về với địa phương thì phải bảo thủ, tồn cổ, còn sống cho hợp thời thì phải sống như Âu Mỹ trong trào lưu toàn cầu hóa, cũng là Âu Mỹ hóa, của ngày nay. Thật ra, thì dù sống với thời đại, người Á đông vẫn ăn cơm, chứ không gặm bánh mỳ. Và tuy vẫn ăn cơm, người Việt nay nấu cơm bằng bếp ga, bếp điện, chứ không bằng rơm củi như xưa kia. Cho nên, phải luôn cân bằng giữa tiếp tục và đổi mới. Có điều phải biết đổi gì và giữ gì. Phải phân biệt tinh thần với hinh thức, chính yếu với tùy phụ. Hình thức và cái thứ yếu thì nên thay đổi dễ, còn tinh thần và căn bản thì giữ gìn càng nhiều càng hay. Những cái căn bản nhất thì thuộc vô thức tập thể do ngàn muôn thế hệ chung đúc lại mới thành, nên bỏ đi thì không còn là chính mình nữa.

Thiếu hăng say truyền giáo

Vào thời đại tông đồ, chỉ với nhóm Mười Hai và ít nhiều cộng tác viên, mà Ky tô giáo đã phổ cập khắp vùng Trung Đông và truyền tới La mã, để rồi từ đó xâm nhập Châu Âu, Châu Phi…, nhất là từ lúc nhóm Phaolô-Barnabê gia nhập cuộc chơi, cởi bỏ xiềng xích là luật lệ Do thái, khiến dân ngoại dễ dàng theo đạo. Kế đó vào thế kỷ XVI, XVII, với việc phát hiện những châu lục mới là Mỹ châu, Úc châu và Á châu, một làn sóng truyền giáo mạnh nổi lên từ Lục địa trắng đã khiến ức triệu thừa sai dòng triều ra đi mở Nước Trời. Những quốc gia như Việt Nam chúng ta đã nhận được ơn Đức tin từ đợt truyền giáo này.

Nay thì Công giáo tại Châu Âu đã suy vi rồi, và ơn gọi trở nên rất hiếm. Nên Châu Á chúng ta chỉ có thể trông chờ vào chính minh thôi. Không may, là chúng ta quen “ăn sẵn” lại ưa tĩnh nữa, nên thiếu thốn những nhà truyền giáo hăng say như các thừa sai Tây phương xưa kia. Nhất là vì các chủng viện của ta chỉ quen đào tạo những cha sở tương lai, những người coi văn phòng, đợi người ta đến với mình, chứ không tự mình đi tim họ.

Bởi thế, chúng ta cần thiêt lập những Chủng viện truyền giáo ở nhiều nơi, tìm và tuyển vô đó những thanh niên không chỉ đức hạnh, mà còn có máu “xung phong”, hầu có thể đào tạo họ thành những chiến binh tiên phong đi mở Nước Chúa tại những vùng đất mới. Vâng, làm sao để có hằng ngàn vạn chiến sỹ hăng say tầm cỡ Phan sinh Xavier và Jose Vaz cho cánh đồng mênh mông của Việt Nam, của cả Á châu này.

Quả thật, nếu nhìn vào số người chưa biết Chúa tại đây : 80 triệu ớ Việt Nam và hơn bốn tỷ toàn châu Á, thì ước lượng con số chiến sỹ truyền giáo hăng say cỡ ấy phải là hằng triệu người. Có thế, trong vòng một thế kỷ, chúng ta mới hi vọng chinh phục được cho Chúa 10% anh em da vàng của chúng ta.

Đây mới chỉ nói về số lượng, chứ chưa phải chất lượng. Để Đạo có thể ăn sâu vào tâm hồn Châu Á, thì hạt giống Phúc âm phải được gieo vào lòng đất mầu mỡ là văn hóa của Á châu. Và như thế phải có hàng ngàn vạn những Di Nobili và Matteo Ricci ra sức. Để được thế, các chủng viện nói chung và chủng viện truyền giáo nói riêng phải gieo trồng mạnh mẽ tinh thần hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn, đồng thời giảng dạy nhiều về Phật giáo, Ấn giáo cùng với tư tưởng và triết lý truyền thống của lục địa này.

Cần mau mau lên, kẻo không kịp nữa. Kẻo chúng ta chưa bắt đầu mà phe Satan đã tới trước rồi. Và đây là văn minh vật chất và trào lưu hưởng thụ từ Âu Mỹ lan tới sắp cuốn trôi lục địa vàng này đi, do đó ngay ơn gọi truyền giáo cũng sẽ không còn nữa. Hiện nay, ơn gọi còn khá cao ở Việt Nam, Ấn Độ và một hai nước khác, nhưng đã bắt đầu suy yếu tại những nước như Hàn quốc, ở đó Công giáo chiếm tới 10,4% dân số. Còn tại những nước phát triển khác như Nhật và Đài loan, thì ơn gọi không còn.

Xin Chúa Thánh Thần hoạt động và làm nổi lên một phong trào truyền giáo mạnh ở châu lục chúng con, mạnh như vào thời các tông đồ ở Giêrusalem và trong đế quốc La mã!

 

 

 

[i] Xx. Fung Yu Lan (translated by Derk Bodde), A history of Chinese philosophy II, Princeton 1973, tr.241 và 423tt.

About Hội Cứu Mạng Thai Nhi

Viet Respect Life

Leave a comment